Truyện - Tùy bút
Mơ Cuộc Tao Phùng
Thu Huyền
03/06/2010 10:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Xem hình

Tôi háo hức thức dậy từ lúc 5 giờ sáng chuẩn bị cuộc hành hương về Thiên Trúc để kịp dự lễ An Vị Phật như bao Phật tử khác. Chương trình bắt đầu từ 10 giờ 30 sáng, nhưng vì quảng đường từ Stockton về San Jose phải mất hết 1 giờ 30 phút, cho nên tôi phải chuẩn bị từ rất sớm. Vả lại, tánh tôi lại hay rề rà mà lại rất nhát gan. Rề rà là vì phải “tút” lại nhan sắc đã “ngả màu thời gian” của tôi mất hết gần cả tiếng đồng hồ; nhác gan là bởi tay lái hay “bất chợt rung lên” khi phải đối mặt với đường cao tốc, tốc độ 70 mile(gần 140 km) một giờ. Ở Mỹ luật lệ giao thông không giống Việt Nam. Ra đường người ta lái xe 70 mile thì mình chạy chậm lắm cũng phải 60 mile, nếu chậm hơn nữa thì sẽ bị “bóp còi”, hoặc bị Police “hỏi thăm”. Việt Nam mình thì càng chậm càng được ca ngợi là lái xe cẩn thận, đàng hoàng.

Cuối cùng tôi cũng đến chùa Thiên Trúc vừa kịp 10 giờ 30 sáng như chương trình đã quy định. Trên sân khấu, MC Nhật Xuân Hòa hướng dẫn quý bác trong ban nghi lễ cung nghinh Hòa thượng Thích Minh Đạt thăng bảo tòa thuyết pháp. Mọi người đang trò chuyện râm ran bỗng nhiên im lặng, rồi tiếng niệm Phật thanh thoát vang lên để mở đầu cho một thời pháp âm hoan hỉ và an lạc. Đúng là: “Thiên thu mở cuộc tao phùng/ Trúc tơ thả một đôi dòng pháp âm” (Thơ Hàn Long Ẩn). Với giọng nói trầm hùng pha chút khôi hài của Hòa thượng đã làm cho Đạo tràng cười giòn tan và bùng vỡ mọi khúc mắc từ lâu ngủ vùi trong vòng vây của “kiến thủ”. Hòa thượng giải thích thật cặn kẽ về ý nghĩa của Lễ An Vị Phật. Ngài nói: “Lễ An Vị có từ thời đức Thế Tôn còn tại thế, thậm chí cả Lễ Cầu An cho người bệnh, Cầu Siêu cho người quá cố cũng có từ thời đó, và sẽ còn tiếp tục...”. Ngoài ra, Hòa thượng còn giải đáp về “Mái chùa che chở hồn dân tộc” thiêng liêng cao đẹp như thế nào cho đông đảo quý Phật tử cùng nghe. Mọi người ai nấy đều rạng rỡ và hoan hỉ thể hiện qua những tràng vỗ tay ầm vang cả một góc trời.

Sau phần Pháp thoại là đến phần chính thức cử hành Lễ An Vị Phật. Tiếng chuông trống hòa quyện tiếng niệm Phật ngân vang trong khói hương trầm quyện tỏa để cung nghinh tam vị Hòa thượng chứng minh: Hòa thượng Tịnh Nghiêm, Hòa thượng Tịnh Từ và Hòa thượng Minh Đạt và chư tôn Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni khoảng 30 vị đến từ khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ. Trên Lễ đài uy nghiêm chư tôn đức hiện diện, dưới thảm hoa thầy trú trì dâng lời tác bạch: “...Thật là một phúc báo lớn lao cho ngôi Đạo tràng Thiên Trúc được quý Ngài không quản ngại đường xa, chấn tích quang lâm để chứng minh cầu nguyện cho ngôi chùa ngày một hưng long, pháp giới hữu tình hàm triêm lợi lạc. Chúng con đê đầu đảnh lễ cung nghinh...”.

Tiếng niệm Phật lại vang lên. Đi trước Tăng đoàn là từng bước đi uy nghiêm dũng mảnh của tam vị Hòa thượng, theo sau là chư tôn Thượng tọa đại đức Tăng, Ni đi giữa hai hàng Phật tử chắp tay cung kính trang nghiêm hướng về chư tôn đức. Tôi đứng trong dòng người đó, lòng mừng thầm cho Phật giáo Việt Nam vẫn còn đó bóng dáng uy nghiêm của những “Thạch trụ thiền môn”. Men theo lối đi, bên góc vườn Quan Âm, là tản đá cảnh dễ thương đặt cạnh gốc cây dừa nước được bàn tay mềm mại bút hoa của thầy trú trì viết lên 3 chữ bằng nghệ thuật thư pháp “Chùa Thiên Trúc” rất thơ và ấn tượng. Cách tản đá không xa là bức tượng Quan Âm lộ thiên với gương mặt từ bi phúc hậu cao 6 feet đứng trên lưng rồng đang duỗi cánh tay vàng nhỏ xuống trần gian nóng bức này những giọt nước cam lồ mát dịu. Nghe đâu bức tượng Quan Âm này rất linh thiêng và có duyên lớn với chùa Thiên Trúc và thầy Thiện Long lắm. Số là trước ngôi chùa tự nhiên có hai cây bách tán tùng cao khoảng 20 feet đã an bài tự lúc nảo lúc nao rồi, thấy như vậy, thầy trú trì liền nghĩ đến ngài Quan Âm và phải làm sao để thỉnh ngài về an vị giữa 2 cây tùng này. Chiều hôm đó, rất ngẫu nhiên, thầy nhận được cuộc điện thoại của một Phật tử nói là họ sẽ phát tâm cúng dường cho chùa một pho tượng Quan Thế Âm bằng đá rất đẹp để thầy tôn trí trước chùa. Thế là, thầy trú trì liền đồng ý và cho thỉnh Ngài về an vị giữa 2 cây tùng, đồng thời thiết trí lại khu vườn với những vuông cỏ tươi xinh xắn, một vườn hoa thuần màu tím tinh khôi dưới bóng dáng từ bi của Mẹ hiền Quan Thế Âm. Thật là một “Cảm ứng đạo giao” mầu nhiệm! Tiếng chuông trống Bát Nhã vẫn ngân lên đều đặn trong bước đi thanh thoát của chư tôn đức. Vòng qua khu vườn Quan Âm là đến cổng Tam quan bằng gỗ, tuy nho nhỏ khiêm tốn nhưng rất trang nghiêm, thiền vị. Một Phật tử pháp danh Diệu Hương khi thấy cổng Tam quan liền nói với tôi rằng: “Cổng Tam quan hay hay làm sao chị nhĩ!”. Vừa bước qua cổng Tam quan, phía bên phải, là “cây đàn ghi-ta” bằng gỗ cao chừng 4 feet được dựng giữa những cây hoa hồng trông rất thơ mộng. Đặc biệt hơn nữa, trên “cây đàn” đó, là bốn câu thơ lộng ngọc trích trong tập thơ “Cát bụi đường bay” của thầy trú trì. Xin trích ra đây để quý vị cùng thưởng lãm:

Tâm kinh kết nụ bao mùa
Sáng nay bừng nở bên bờ sao sương
Mảnh gương đầu gió rung chuông
Cành khô tiếng động chú chuồn chuồn bay...

Tôi đọc đoạn thơ này mấy lần, mỗi lần đọc đều thấy tâm hồn mình lâng lâng và cảm giác như đang đi trong một khu vườn đầy mầu sắc, mà ở đó có cỏ cây hoa lá, có bướm có chuồn chuồn đang hòa điệu với đất trời để rung lên những pháp âm vi diệu. Thật đúng là “thi trung hữu họa”!

Dòng người chắp tay hướng theo chư tôn đức bước lên bậc tam cấp đi về phía chánh điện. Ngự trên cao, phía chính giữa của chánh điện, là bức tượng Tam Tôn( Đức Di Đà, Quan Âm và Thế Chí) rực sáng vầng hào quang. Phía trước, ngay chính giữa, là bảo tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni với màu vàng y tỏa rạng đang mỉm cười từ bi cùng tất cả mọi người. Chư Tăng an trí xong thì Ca sĩ Đông Phương mở đầu bằng bài hát “Nguyện hương”, (Nhạc Lê Minh Hiền), rất thiền vị. Không gian như lắng đọng, hương trầm quyện tỏa trong tiếng đàn, lời ca bay vút vào khoảng không tĩnh lặng bao la để cúng dường lên chư Phật. Lời ca vừa dứt là lời nguyện hương của Hòa thượng Tịnh Nghiêm trầm bổng thanh thoát vọng ngân, cả đại chúng như hòa mình trong nén tâm hương mầu nhiệm đó. Sau phần Nghi Lễ An Vị Phật là phần Trai Tăng cúng dường phẩm vật lên chư Tôn đức. Nhóm Nhạc Tuệ Đăng đã thiết trí những phần quà rất khéo tay bằng những hoa hồng trông thật xinh xắn. Tôi len lõi qua khe cửa hẹp để cố ghi lại một tấm hình làm kỷ niệm. Và, rất vô tình, tôi lại nghe lời tác bạch cảm động của thầy trú trì: “Chúng con như cánh chim non vừa chập chững bay vào con đường đạo pháp bao la..., nên rất cần sự chỉ giáo, bảo bọc, che chở của chư Tôn túc đức...”.

Lời MC Nhật Xuân Hòa và Quảng Hoa vừa vang lên để mở đầu cho phần Văn nghệ cúng dường do nhóm nhạc Tuệ Đăng đảm nhiệm cũng là lúc bao tử của tôi thôi thúc đòi ăn. Mấy trăm hộp cơm chỉ trong nháy mắt được phát ra cho quý đồng hương Phật tử dùng trưa. Tôi tìm cho mình một chỗ ngồi vừa tầm mắt để vừa ăn, vừa thưởng thức âm nhạc. Lần lược các giọng ca chuyên nghiệp như Thu Nga, Phương Trang, Châu Dũng, Phương Thúy, Hoàng Nguyên, Song Sơn...cất lên với những bản nhạc thiền ca đặc sắc của Lê Minh Hiền phổ thơ Sơn Cư và Hàn Long Ẩn vừa sâu lắng vừa đạo vị từng ca từ mang âm hưởng Phật giáo, nhằm sách tấn mọi người xa lìa bến mê, quay về nẻo giác....Đại chúng đang thả hồn theo những bản nhạc du dương bỗng vỗ tay rần rần khi có sự xuất hiện của Hòa thượng Thích Tịnh Từ, viện chủ tu viện Kim Sơn. Tính cách vui vẻ hòa đồng, Hòa thượng đã đem đến cho mọi người những nụ cười giòn tan, hoan hỉ. Đặc biệt, Hòa thượng đã cảm tác một bài thơ xúc động tặng thầy trú trì và chùa Thiên Trúc. Tôi không nhớ hết cả bài, nhưng chỉ nhớ đại khái bốn câu là:

Thiên Trúc hải chấn triều âm
Thiện Long giác ngạn bâng khuâng giọt mừng
Lòng thành phúc mọn kính dâng
Hạnh lành gieo xuống vạn mầm đơm xanh...

Bài thơ này được giọng ngâm thơ Thị Sỹ ngâm nga thật trầm bổng, du dương. Tất cả không gian như chùng xuống, lắng đọng.

MC Quảng Hoa và Nhật Xuân Hòa lại làm cho mọi người đi từ cảm xúc này đến cảm giác nọ bằng những lời giới thiệu về tiết điệu ca từ trong từng bài thơ, bài ca thật ý nghĩa, ấn tượng. Và, tôi lại một lần nữa ngạc nhiên thích thú bằng lời giới thiệu rất ăn ý của hai MC về bài thơ “Bóng dáng thiên thần” của nhà thơ Hàn Long Ẩn mà Nhạc sỹ Lê Minh Hiền đã chuyển tấu thành một ca khúc cùng tên rất thướt tha, tuyệt diệu. Hãy nghe họ giới thiệu: “Trong cuộc sống xô bồ nhiều lo toan đọa đầy viễn mộng, có lúc chúng ta muốn thả bước chân vào chốn Cửa Thiền để tìm lại chút thảnh thơi an lạc cho tâm hồn. Và, bất chợt, dưới bóng cây hoa sứ, bên gác chuông chùa, một chú tiểu, hay nói khác hơn, một “Bóng dáng Thiên thần”, đang vô tư nhìn về bầu trời thăm thẳm mịt mờ xa xa, nơi có những vì sao lung linh huyền ảo và ánh trăng rằm mát dịu mênh mông....Ta chợt “ngộ” ra hình ảnh “Thiên thần”xa xưa của Ta, vì nguyên nhân khách quan nào đó đã “trôi vào dĩ vãng”, nay lại trở về hiện hữu như một thực thể uyên nguyên trước mặt. Hình ảnh đó, vừa ngộ nghĩnh vừa thơ mộng, nhưng cũng là một “Dấu hỏi”muôn đời của ngàn phương mộng lênh đênh...”. Giọng ca Thu Nga ngân lên thánh thót, vời vợi, mông mênh. Tôi như gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa lưu lạc ngàn phương, ngay lúc đó, cảm tưởng như tìm lại được viên minh châu trong chéo áo của mình: “...Em hiền dịu tinh khôi quá đỗi/ Trần gian kia phủ phục nét em cười/ Trong nắng sớm bên giàn thiên lý/ Chắp tay nhìn bóng hạt sương rơi/ Tôi lang bạt đi tìm lẽ sống/ Rồi gặp em giữa chốn Ta bà/ Chỏm tóc xinh in hình dấu hỏi/ Chợt giật mình Phật chẳng đâu xa.”

Chương trình văn nghệ còn có thêm cả những vũ điệu múa “Hoa kinh Bồ tát nghiêm từ” rất điêu luyện của các em GĐPT A-nô-ma, có cả Ca cổ “Hành trang về cõi Phật” do Quảng Diệu thực hiện rất chuyên nghiệp.

Mọi người hôm đó được enjoy đầy đủ tất cả các thể loại nhạc, thơ, múa, nhạc cổ...rất phong phú, ai nấy rất vui và thầm cảm ơn thầy trú trì đã tạo cơ duyên cho Phật tử đến Lễ Phật, vấn an quý thầy, dự buổi cơm chay thân mật cùng các bạn đạo, đồng thời thưởng thức một buổi văn nghệ thật ấm cúng tình đạo vị .

Tôi lái xe ra về mà lòng an lạc đến lạ kỳ...

Stockton, April 2010


Thu Huyền

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch