Trong văn học nghệ thuật, các sáng tác thường bắt
nguồn từ một cảm xúc hoặc một nguồn cảm hứng đã được nuôi dưỡng từ
trước. Trường hợp của nhà khoa học Hoàng Quang Thuận - Giáo sư, Tiến sĩ,
Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông quả là đặc biệt thú vị.
Khi anh hành hương về Di tích kinh đô Hoa Lư, trong một đêm ngủ lại cố
đô, lòng anh tràn ngập niềm hân hoan lạ thường, rồi những hình ảnh, cảnh
vật, chuỗi sự kiện lịch sử tự nhiên ùa về; cứ thế anh "chép" không
ngừng nghỉ. Và thế là "Hoa Lư thi tập" ra đời với 122 bài thơ.
Thật ra, trong ký ức tuổi thơ của hầu hết người viết đều đầy ắp những kỷ
niệm về đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt. Những hình ảnh thân thương,
gần gũi ấy dường như là hình bóng quê hương xứ sở đã ăn sâu vào tâm
thức dân tộc.
Qua hai tập thơ trước: "Thi Vân Yên Tử" và "Ngọa Vân Yên Tử", Hoàng
Quang Thuận cũng đã "tìm về nơi dấu tích Phật tiên" - vùng "khí quyển
của mỹ học thiền"; đến thi phẩm này, cũng với tứ thơ dạt dào cảm xúc, âm
điệu mang mang trầm lắng, âm hưởng thơ đượm "chất Phật", ngát hương
thiền, người thơ sau bao năm xa cách được trở về soi bóng bên sông dài,
suối biếc, hồi tưởng về thuở xa xưa bên bóng núi mù sương có đám trẻ
chăn trâu mới tuổi hoa niên đã ý thức đất nước mình đang cơn loạn lạc
nguy biến nên đã nghĩ ra trò chơi hái bông lau làm cờ tập trận. Với thời
gian, cậu bé mục đồng luôn được các bạn tôn làm thủ lĩnh ngày ấy đã trở
thành vị hoàng đế dẹp loạn 12 sứ quân (kéo dài 22 năm).
Về với cố đô, thi sĩ để lòng lắng đọng, trầm tư suy tưởng cách đây ngàn
năm, nơi đây là cung vàng điện ngọc, lẫm liệt uy nghi của một triều đại
huy hoàng. Đứng trước bóng ảnh gần xa thấp thoáng núi non, đền chùa miếu
mạo, ao sen bát ngát, dấu vết sông xưa... còn đâu thấy nữa "Cây đa cổ
thụ ngàn năm tuổi/ Giếng ngọt ngày xưa cạnh góc sân".
Trong bài "Chùa Ngần" có đến 3 lần xuất hiện từ "xưa": "xưa kia kho
bạc", "giếng ngọt ngày xưa", "ngàn xưa cung điện". Tất cả "ngày xưa" ấy
đôi khi làm mắt ta hoen mờ...
Có những trang sử kiêu hùng thúc giục lòng ta sục sôi lên đường ra trận;
cũng có những trang sử thi như "Hoa Lư thi tập" làm người đọc cảm xúc
rưng rưng về một thời hoa lệ, một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng lẫm
liệt oai hùng, một chiến công trong muôn ngàn chiến công hiển hách của
dân tộc Việt:
Ngàn năm đất nước bao binh lửa
Sử sách bi hùng máu thắm trang
(Hoàng Long Giang)
Tuẫn tiết theo vua bảy
danh thần
Lòng trung vì
nghĩa tiếc gì thân
Khói
hương nghi ngút đền Phủ Khống
Ngàn
năm con cháu mãi tri ân
(Đền Phủ Khống)
Ngoài "khói hương" thơm tưởng nhớ từ ngàn năm đến nay vẫn nghi
ngút tỏa, nay còn có thêm nén tâm hương văn hóa - thi phẩm "Hoa Lư thi
tập" của Hoàng Quang Thuận cung kính dâng lên Tổ tiên với tâm thành tri
ân.
Tập thơ là một chuỗi những hình ảnh, sự kiện, tư tưởng của triều đại Vua
Đinh.
Vạn thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn thập nhị sứ quân, năm 968
lên ngôi Hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng, lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu
là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình Nguyên Niên
nhằm xóa hẳn dấu vết của hoàng đế phương Bắc, nêu cao ngọn cờ thống
nhất độc lập quốc gia. Liền sau đó, định phẩm trật cho các tướng sĩ lỗi
lạc có công tham dự vào quốc chính. Từ đấy (kể từ nhà Đinh), đạo Phật
được Vương triều công nhận như một Quốc giáo.
Trang sử Việt
Đồng thời là trang sử Phật
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất.
(Hồ Dzếnh)
Có thể nói, mỗi bài thơ là một trang sử; song ở đây "Hoa Lư thi
tập" không phải dạng thông sử viết theo tiến trình lịch sử chi tiết, cụ
thể mà trong thi tập này sự kiện đã được "thi hóa" nên có sức truyền cảm
mạnh:
Khi thì lẫm liệt, oai phong:
Sào Khê dòng chảy hướng nam sông
Vua Đinh tập luyện thủy quân thần
Dẹp tan loạn lạc mười hai sứ
Để lại ngàn sau ngọn cờ hồng.
(Sào Khê)
Ba lần chiến thắng giặc
Nguyên Mông
Hào khí Đông A
nhất cõi trần
(Hào khí Đông A)
Lúc thì bi thương, thê thiết:
Hương lửa đang nồng trâm vỡ tan
Con còn thơ dại giặc ngoại bang
Thế nước lòng dân trời binh lửa
Có hiểu lòng ta hỡi Đinh Hoàng
(Thái hậu Dương Vân
Nga)
Không gian tịch mịch đến nao lòng trước sự hoang phế của một thời
cực thịnh mà dư âm còn vang mãi đến muôn ngàn sau:
Tiên Long núi tháp dựa Áng Sơn
Ngàn năm mưa gió tháp đâu còn
Cực thịnh một thời nơi núi biếc
Đền vàng tháp ngọc thuở vàng son
(Chùa Kim Cương)
Tất nhiên, nếu anh chỉ trở về cố đô vì mục đích thưởng ngoạn, thỏa mãn
trí tò mò thì ắt sẽ không khám phá những điều siêu nhiên, kỳ bí, những
chứng tích còn lưu dấu nơi vùng đất tứ linh của kinh thành cổ được, mà
phải có sự am hiểu, đặc biệt là sự rung động về "cái hồn" còn phảng phất
nơi đây trong từng phiến đá, viên gạch, mái chùa, ngọn cỏ, cội cây:
Bóng ai câu cá bên sườn núi
Có phải người xưa hóa ngư ông
Tiều phu mải miết đi tìm củi
Mây vàng che mát cả dòng sông
(Bến Thánh)
Quạnh quẽ am xưa ánh
dương tà
Phong quang thay
đổi tiếng quạ xa
Ngọc am
chùa báu mờ sương lạnh
Cây
ổi trước chùa đã đơm hoa
(Chùa Bà Ngô)
Ngàn năm thế sự bao thay
đổi
Còn lại ngang trời
một cánh mây
Du cho vật đổi sao dời thì cũng còn một cánh mây. Mây cũng là một thực
thể sống động, huyền ảo, cái bao la của vũ trụ, vẻ bát ngát vô biên của
mây trời đủ để bảo chứng, tường tận về một thời mà tinh thần nhân văn
cao đẹp xiết bao. Chấm dứt thời Đinh, mở ra thời kỳ Lý Trần cực thịnh.
Cổ Pháp trời sinh bậc đế minh
Nhà Lý rạng danh cả cung đình
Tầm nhìn thế nước bao trời đất
Soạn Chiếu dời đô vua anh minh
(Vua Lý Thái Tổ)
Trải qua bao thăng trầm, biến thiên lịch sử, Phật giáo vẫn luôn hiện hữu
như là một thực thể đồng hành với dòng chảy về phía trước của dân tộc
Việt Nam. Di tích cố đô Hoa Lư với quần thể chùa chiền, hang động thờ
Phật linh thiêng, những am cốc ẩn tu của những vị thiền sư đi tìm chân
lý vẫn còn đó lặng lẽ cùng năm tháng. Tập thơ có ca ngợi công đức của
các vị thiền sư như Thiền sư Minh Không (ngày nay vẫn còn đền thờ Lý
Quốc Sư ở Hà Nội), Thiền sư Không Lộ...
Ngược dòng lịch sử để thấy giá trị của ngày hôm nay, con cháu Lạc Hồng
tìm về cội nguồn qua trang sử Việt sẽ đón tìm một tia sáng bất diệt, một
tinh thần bi - trí - dũng cho hôm nay và mai sau.
"Hoa Lư Thi tập" như một hồi chuông hòa trong muôn vạn tiếng chuông ngân
từ quá khứ đến vị lai vọng về trong đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà
Nội
Theo
Đỗ Thị Hồng Cúc - CAND