Trường
tôi có thông lệ là vào ngày tựu trường những người nào học trước thường ra đứng
nhìn những người mới vào để chọn và kết nạp vào nhóm của mình...
Ðang
đứng cùng vài người bạn, tôi chợt để ý đến một cô bé nữ sinh mới, có mái tóc
thề gống tôi, cũng cắt ngắn phía trước, đôi mắt thật to mặc chiếc áo dài trắng
bằng hàng đắt tiền cắt thật khéo, ôm mấy quyển vở đứng dưới gốc cây phượng nhìn
thiên hạ bằng cặp mắt dững dưng không lộ một nét rụt rè như những người mới
khác. Tôi nhìn cô bé mĩm cười và ra dấu cho hai bạn của tôi cùng bước tới để
làm quen. Bất ngờ cho tôi, cô bé cũng mĩm cười đáp lễ đồng thời với một cử chỉ
tinh nghịch, cô ta chỉ vào má mình và chỉ tôi.
Thoáng
một giây các bạn tôi chợt hiểu ra và cười rộ lên và nói:
- Ðàn chị đã thua 1 - 0 vì bị đàn em
tấn công trước.!
Thì ra
cô bé này cũng quá quắt, đã để ý thấy tôi cũng có má lún đồng tiền nên ra dấu
cho mấy người kia biết là tôi và cô ta giống nhau.
Một
người bạn tôi hỏi:
- Con nhà nào?
Cô bé
dáp liền trước sự ngạc nhiên của tôi và các bạn:
- Trần Quý Cáp.
Một bạn
tôi cười lớn:
- 2 - 0 (Thua một điểm nữa)
Tôi
nói:
- Ðược lắm, vậy là ở cùng đường.
Tôi
nghĩ, chỉ có chúng tôi với nhau mới hiểu được cái "mật khẩu" đó, sao
cô bé này cũng biết? Hỏi vậy có nghĩa là hỏi đằng ấy ở đường nào? Cô Bé trả lời
là đường Trần Quý Cáp và như vậy là cô ta đã biết về chúng tôi mà chúng tôi
không biết gì về cô ta! Chả trách đã thua hai điểm không gở. Tôi và cô bé quen
nhau từ đó...
Nhà Yến
Nhi (tên của cô bé) và nhà tôi ở cùng một con đường cho nên sáng nào Yến Nhi
cũng ra cổng chờ tôi đến cùng đi học, do vậy mà tình bạn giữa tôi và Yến Nhi
càng ngày càng khắn khít hơn. Ở Yến Nhi tôi thấy có một cái gì đó thật đáng
mến, Yến Nhi nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng trong nhà tôi ai cũng khen "Yến
Nhi còn nhỏ mà tánh lại điềm đạm."
Thời
gian qua mau, cái thơ ngây của tuổi hoa niên đã bị bỏ lại phía sau theo từng
niên học... Ðối với chúng tôi, những ngày Hè bây giờ đã không còn là những ngày
đuổi bướm hái hoa mà là những ngày dài của mơ mộng. Thật vậy, vì nếu nói không
dối lòng thì không thể không công nhận rằng ở tuổi biết thẹn thùng thì người
con gái nào cũng dệt cho mình những ước mơ, mơ về một người yêu lý tưởng, mơ về
một mái ấm, mơ về một tương lai êm đẹp và cái tương lai đó cũng theo trí tưởng
tượng mà thay đổi theo thời gian...
Sau năm
học cuối cùng, tôi theo gia đình rời khỏi Nha Trang một thời gian khá lâu, bạn
bè cùng lứa đã chia tay mỗi người mỗi ngã. Yến Nhi và tôi vẫn thư từ cho nhau
nhưng bẳng đi một thời gian không còn nhận được thơ của cô nàng. Lần này tôi về
lại Nha Trang có ghé lại nhà của Yến Nhi khi xưa thì nhà đã đổi chủ.
Rồi
trong một buổi chiều cuối tuần, tôi và một người bạn cũ đi trên đường dọc theo
bờ biển thì bổng thấy một một chiếc xe vespa chạy vụt qua mà người ngồi sau là
Yến Nhi, tôi bất kể người đi đường nhìn tôi, tôi hét to:
- Yến Nhi.
Tôi
thấy cô nàng ngoái cổ nhìn lại và vổ nhẹ vai anh chàng đang lái xe, họ ngừng
lại, tôi đi nhanh tới tay bắt mặt mừng với Yến Nhi. Vẫn nhanh nhẩu như ngày nào,
Yến Nhi giới thiệu:
- Ðây là Quốc, ông xã của Yến Nhi là
dân Không Quân.
Tôi
cười gật đầu chào, Quốc cho biết Yến Nhi thường nhắc đến tên tôi, tôi nghĩ là
Quốc nói thật vì sau đó chúng tôi kéo nhau vào một quán nước cạnh bờ biển và
nói chuyện như là ba người đã quen nhau từ hồi nào, tôi chợt một thoáng nghĩ
thầm:
- Ðúng
là tiếng đồn không ngoa, mấy anh chàng phi công biết nịnh đầm quá bảo sao
Yến Nhi không còn nhớ hai câu thơ cũ mà chúng
tôi thường rỉ tai nhau:
Ðời phi Công không bao giờ chung thủy
Mỗi đường bay lỗi một cánh hoa
yêu.
Thế mà
chuyện đời đưa đẩy khó lường, hai năm sau tôi theo chân Yến Nhi gia nhập vào
đại gia đình Không Quân, chồng tôi là dân bay khu trục, khác Phi đoàn với Quốc
nhưng hai người gặp nhau hàng ngày.
Cho đến
một buổi chiều khi chồng tôi đón tôi đi làm về và báo cho biết Quốc đã tử nạn
hồi xế chiều, trong một phi vụ yểm trợ quân bạn trong trận đánh ở phía Tây-Bắc
Nha Trang nhưng vì chuyện vừa mới xãy ra, còn quá sớm nên Ðơn vị chưa sắp xếp
để cử người đến báo tin cho gia đình.
Tôi vội
đến nhà Yến Nhi, thấy có vài người bạn gái ở đó, tôi cứ tưởng là họ đã hay tin
nên đến để an ủi Yến Nhi, nhưng....
Khi
thấy tôi bước vào cửa Yến Nhi vội kéo tay tôi phân trần:
- Mấy bà này đòi ăn cơm mà không cho
Yến Nhi hay trước nên đành phải chia nhau cơm cháy ở đáy nồi thôi, còn phần cơm
nạt thì để dành cho anh Quốc đi bay về ăn, không ai được đụng tới.
Tôi
không dám để cho nước mắt tôi trào ra, làm sao tôi có đủ can đảm tiết lộ cho
Yến Nhi biết là Quốc sẽ không trở về nữa, anh đã ra đi vĩnh viễn rồi và chỗ anh
đến là một nơi bình yên tuyệt đối.
Hôm đám
tang Quốc, Yến Nhi không khóc trước mọi người nhưng sau này khi vào làm cùng
ngân hàng với tôi và khi thấy chồng tôi ra đón tôi lúc tan sở thì dù Yến Nhi cố
giấu nhưng tôi vẫn thấy hai mắt Yến Nhi long lanh trong nước mắt, có lẽ hình
ảnh của chồng tôi đã gợi cho Yến Nhi nỗi nhớ về Quốc. Từ đó hai vợ chồng tôi
đành hẹn nhau đón đưa ở một tiệm sách của người bà con gần đó.
Thời
gian là liều thuốc tiên có khả năng xoá đi mọi nổi nhớ, niềm đau nào rồi cũng
phôi phai dần theo ngày tháng. Sự đau buồn càng ngày càng vơi dần thì nét đẹp
trên gương mặt Yến Nhi càng ngày càng rực rở, cái đẹp già dặn chín mùi của
người con gái một con đã làm điêu đứng những anh chàng đồng nghiệp nhưng Yến
Nhi đã thản nhiên trước những ong bướm chực chờ đón đưa, Yến Nhi đem hết tình
thương dành riêng cho cháu Tuấn, đứa con trai duy nhứt mà Quốc đã để lại, càng
lớn nó càng giống Quốc như khuông đúc.
Rồi cơn
bảo 30 tháng 4 năm 75 ập đến thình lình làm tan tác bao gia đình quân nhân công
chức, số phận của chúng tôi cũng nổi trôi theo vận nước, bỏ nhà cửa, quê hương
di tản vào Sài gòn, rồi chồng đi tù bỏ lại mấy mẹ con bơ vơ. Tôi may mắn được
lưu dụng tại Sài gòn nhờ chuyên môn, Yến Nhi được lịnh trở về nhiệm sở cũ ở Nha
Trang.
Ba năm
sau, năm 1978, tôi gặp lại Yến Nhi ở chợ trời Sài gòn, chúng tôi ôm nhau mừng
đến chảy nước mắt, Yến Nhi cho biết khi về lại nhiệm sở cũ "Ban giám đốc
cách mạng" hay lấy lý do "Yến Nhi là vợ ngụy" để phê bình kiểm
điểm, nói nặng nhẹ đủ điều nên Yến Nhi đã tự ý bỏ sở làm, cũng may là Yến Nhi
đã gởi cháu Tuấn cho gia đình bà chị ruột dẫn đi vượt biên rồi. Tôi ngạc nhiên,
hỏi sao Yến Nhi không đi? Thoáng một chút bâng khuâng Yến Nhi đáp: "Yến
Nhi không thể bỏ mẹ lại một mình trong cảnh không bà con họ hàng thân thuộc
này..."
Chúng
tôi hàn uyên tâm sự với nhau một hồi thì tôi phải đi vì có hẹn, chúng tôi từ
giả nhau sau khi đã trao cho nhau địa chỉ nhưng mà cho thì cho vậy chớ lúc đó
ai trong chúng tôi cũng sống cuộc sống bắp bênh biết chỗ nào là chỗ ở chắc chắn
của mình.!
Chuyện
bất ngờ xảy ra vào hôm tôi dẫn hai con ra Vũng Tàu tham gia vào một chuyến vượt
biên.
Sau hai
ngày bị nhốt kín ở nhà chứa, đêm đó chúng tôi được đưa ra bãi sau ở Vũng Tàu để
lên tàu vượt biển thì nội vụ bị bại lộ, ba mẹ con tôi dắt nhau tìm đường thoát
thân khỏi vùng này để kịp trở về Sài gòn trước khi trời sáng. Vì khi trời sáng
Công an khu vực phát giác ra chúng tôi là những người lạ mặt ở đây thì sẽ bị
tù.
Trời
tối lại lạ vùng, không rành đường sá, chúng tôi cứ nhắm hướng có ánh đèn nhà
dân mà chạy. Chạy một hồi thì thấy một ngôi chùa, tôi nghĩ rất nhanh, thay vì
vào nhà dân thì vào chùa hỏi thăm đường có lẽ an toàn hơn nên ba mẹ con tôi và
vài người nữa chạy vội vào.... Vào đến bên trong, tôi phải hai lần dụi mắt mà
vẫn còn sững sờ vì nghĩ là mình đang mơ, người đang tiếp chúng tôi là Yến Nhi,
tôi ngạc nhiên quá sức, dù dưới ánh đèn mờ, dù đã xuống tóc mặc áo nâu sòng
nhưng tôi không thể lầm lẫn được. Tôi và Yến Nhi nắm chặc tay nhau và nhìn nhau
trong im lặng để cho cơn xúc động tan dần theo những hàng lệ ứa.
Yến Nhi
hướng mắt về phía một sư bà đứng gần đó và nói cho tôi biết đó là sư bà trụ trì
ngôi chùa này và là bạn thân của mẹ Yến Nhi. Còn mẹ Yến Nhi thì... Sau khi được
tin đứa con trai duy nhất là anh của Yến Nhi đã chết nghiệt ngã trong một trại
tù cải tạo ngoài Bắc, bà bán hết tài sản đem tiền cúng cho Sư Bà trụ trì để tu
sửa lại ngôi chùa đã đổ nát này và rồi bà xuất gia ở luôn đây sớm hôm kinh kệ
với Sư Bà trụ trì.
Riêng
phần Yến Nhi, chuyện được kể vội trong đêm nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ vì mối
ưu tư của Yến Nhi cũng là những ray rức trong tâm tư tôi kể từ sau 75, Yến Nhi
kể rằng:
Kể từ
buổi chiều Quốc ra đi không về, Yến Nhi không còn tha thiết với cuộc sống của
riêng mình, Yến Nhi dồn hết tâm lực để lo cho cháu Tuấn, Yến Nhi nghĩ rằng cháu
Tuấn chính là cái phao bé nhỏ và duy nhứt để gượng níu để vượt qua bể khổ của
trần ai.
Rồi cơn
lốc 30 tháng 4 ập đến, cái chán nản trong lòng Yến Nhi lại càng trở nên thê
thảm hơn. Yến Nhi mang một tâm trạng của một người đã bị mất tất cả, đã mất
chồng, mất cả tài sản trong cuộc chạy nạn, bỏ của giữ lấy người, bây giờ cái
nhà của Yến Nhi bị người ta nhân danh cách mạng tịch thu. Yến Nhi có cảm tưởng
rằng Yến Nhi được sinh ra là để gánh vác những khổ đau của cuộc đời...
Thế
rồi...
Trong
một dịp từ Sài gòn ra Vũng Tàu thăm mẹ và trong thời gian hơn tháng ở tại chùa
Yến Nhi đã giết thì giờ bằng những quyển kinh, sách về giáo lý Phật, Yến Nhi có
ngờ đâu những khổ đau muôn hình vạn trạng của kiếp người, Ðức phật đã thấy biết
rõ ràng từ hàng ngàn năm về trước và Ngài để lại kho giáo lý đồ sộ vạch ra muôn
ngàn pháp môn tu cũng chỉ vì một mục đích duy nhứt là dạy và chỉ đường cho
người ta tu để giải thoát khỏi những khổ đau đó... Từ đó, Yến Nhi nghĩ rằng chỉ
có con đường tu theo Phật là con đường duy nhứt đưa con người ta thoát khỏi
những cảnh khổ triền miên của cuộc đời cho nên Yến Nhi đã xin Sư Bà và mẹ cho
phép Yến Nhi xuất gia và ở luôn tại chùa hàng ngày vui với câu kinh tiếng kệ,
bỏ lại sau lưng cái xã hội đầy rối ren của những ngày đầu bị CS nhuộm đỏ...
Khuya
đó trước khi tôi rời chùa để trở về Sài Gòn, Yến Nhi đã xin với Sư Bà cho tôi
một cuốn kinh và một cuốn sách viết về giáo lý Phật mà Yến Nhi đã nói:
"Nếu không theo được con đường của tôi thì tôi cũng mong chị tìm được cho
mình một chút an lạc. Con đường tôi đang đi bây giờ không phải là đến nước Mỹ
đoàn tụ mà tìm về với chính mình...."
Tôi rất
cảm động khi nghe những lời chí tình của Yến Nhi vì....
Hoàn
cảnh của tôi cũng không hơn gì, chỉ khác một điều là tôi còn mang một hy vọng
và tôi sống trong niềm hy vọng đó, hy vọng ngày về của chồng tôi từ trại cải
tạo.
Về lại
Sài gòn vì bận rộn với công việc làm, vì phải lo cho hai con, tôi quên mất hai
cuốn sách và kinh mà Yến Nhi đã ân cần trao tay cho tôi. Cho đến một lần vượt
biên sau bị thất bại, tiền mất tật mang, bị tù, nhưng vì có hai con nhỏ nên
người ta đã thả mẹ con tôi ra sau hai ngày chất vấn mà không khai thác được gì.
Tôi về lại Sài Gòn và bị mất việc! Sự chán nản ê chề đã làm tôi nhớ đến Yến Nhi
và nhớ đến hai quyển sách, tôi lấy ra đọc...
Không
ngờ, có lẽ tôi cũng giống như Yến Nhi, đọc xong, tôi bị mê hoặc bởi lời kinh ý
sách, tôi đọc lần thứ hai, lần thứ ba và tôi nghĩ nếu tôi gởi được hai con vượt
biên như con của Yến Nhi thì có lẽ tôi sẽ từ bỏ tất cả (dù tôi không còn gì để
bỏ!) để đến với Sư Bà, đến với Yến Nhi vì....
Theo
những ý nghĩa chứa đựng trong sách đó và theo tôi hiểu thì...
Con
người ta sở dĩ phải chịu đau khổ dưới muôn hình vạn trạng cũng chỉ vì sự trói
buộc của dây luyến ái, tánh si mê và lòng ham muốn... Và cũng theo đó thì chỉ
có một phương cách để giải trừ những khổ đau đó của kiếp người là phải biết và
thực hành cho được cái hạnh BUÔNG XẢ.?
Sau này có dịp tìm hiểu
giáo lý Phật tôi mới hiểu thêm rằng con người ta sống ở đời cũng giống như
người lữ hành trên đường thiên lý, hễ ham muốn cho lắm và mang vác theo nhiều
thứ thì phải chịu cảnh khổ bức thân. Trái lại nếu biết bỏ bớt, chỉ đem theo đủ
dùng thì sẽ từng bước thong dong. Nhưng than ôi! Tâm lý chung của người đời thì
chỉ muốn dư chớ không muốn đủ cho nên lúc nào cũng cảm thấy thiếu... Ðau khổ
của kiếp người từ đó mà ra.