Chuyện
kể rằng, trong một ngôi làng nọ có một gia đình chỉ có hai mẹ con. Họ
sống trong ngôi nhà đất lụp xụp giữa cánh đồng. Đó không phải là xóm
cũng chẳng phải làng mà là một gò đất bỏ hoang của vợ chồng bác trưởng
thôn. Vì không còn màu mỡ để canh tác, rồi lại gặp hoàn cảnh éo le của
hai mẹ con nhà Thị, họ đành bụng cho mượn mảnh đất nương thân.
Mẹ
con Thị là người ở nơi khác đến. Không người nào biết Thị con cái nhà
ai. Cả làng chỉ biết rằng, trong một đêm mưa gió của những ngày cuối
thu, có một cô gái bụng vượt mặt ngất bên vệ đường, cùng một túi đồ của
trẻ con. Kết quả là cô sinh được một bé gái kháu khỉnh, đặt tên là Sao.
Dân làng bảo đặt tên xấu cho dễ nuôi và ít bệnh tật.
Những
tháng ngày ở cữ, Thị được dân làng bao bọc, chăm sóc. Chẳng ai nói lời
ra tiếng vào. Vì hẳn nhiên họ đã đoán được phần nào câu chuyện cuộc đời
Thị. Họ không bới móc cũng chẳng nói lời cay độc chua ngoa như người ta
vẫn thấy ở văn hóa làng xã.
Thị
hiền lành, ít nói, ai cho gì Thị ăn nấy, con gái Thị ngoan lắm, cứ ăn
no rồi ngủ. Dường như Sao biết thân phận mình nên dễ nết không phiền hà
tới người lớn.
Qua
những ngày mùa đông giá rét, hai mẹ con Thị được ra ở riêng trong ngôi
nhà mới. Ngày về căn nhà được dựng bằng đất bùn và rơm ấy, trong lòng
Thị hân hoan, phấn khởi lắm. Thị cứ ôm mặt khóc, cúi lạy các bậc lão
niên trong làng để tỏ lòng biết ơn. Thấy Thị nước mắt ngắn dài ai nấy
đều cảm động. Đời người có sống được bao nhiêu lâu mà lại hắt hủi, thờ
ơ, ngày hôm nay được gặp nhau chắc là duyên là số. Biết đâu tiền kiếp họ
lại là cha mẹ, anh chị em của nhau. Thị đến với làng chưa hẳn đã là
điều may mắn nhưng có lẽ sự xuất hiện của Thị như một chất kết dính giữa
những con người này lại với nhau.
Cuộc
sống làng quê vốn êm đềm là thế tình nghĩa là thế nhưng chưa bao giờ họ
lại được cùng nhau san sẻ yêu thương và nâng đỡ một người con gái lầm
lỡ, để bắt đầu lại với cuộc sống mới còn nhiều gian nan ở phía trước như
bây giờ.
Thời
gian qua đi, Thị nuôi bé Sao cũng được gần mười tuổi. Con bé xinh xắn,
cả làng ai cũng quý nó. Lễ phép, học giỏi. Đi học về thì giúp mẹ làm
việc nhà. Mới gần mười tuổi mà đảm đang như người lớn, hai mẹ con sống
chủ yếu bằng nghề làm thuê làm mướn cho các gia đình trong vùng. Mùa
giáp hạt thì Thị đan giỏ tre đi bán. Ấy thế mà Thị nuôi con bé Sao béo
núc khỏe mạnh, không thua đứa trẻ nào trong xóm trong làng.
Bé
Sao thông minh, có đôi mắt sáng, to tròn như biết nói. Da dẻ trắng tươi
như bông bưởi. Nó lém lỉnh nên các bác trong làng ai cũng thương. Đi
đâu có gì ngon cũng dành phần cho con Sao nhà Thị. Có hôm vào làng chơi,
tối quá nó không chịu về, đòi ở lại với các bác và anh chị. Thị nghĩ,
kiếp trước có khi nào con Sao đã từng là con cháu của làng xóm này
chăng? Thị nghĩ bụng rồi Thị tự cười một mình trong niềm vui ấm áp tình
người.
Chỉ
còn mấy ngày nữa là Sao tròn bảy tuổi. Cái tuổi mà theo Thị nó bắt đầu
lớn và biết để ý xung quanh hơn. Thị muốn làm cho con gái điều gì đó mà
từ trước giờ Thị chưa có điều kiện để thực hiện.
Thị
đã bán đàn con mới ấp cho bác hàng xóm được dăm chục, định bụng mua cho
con cái áo ấm, thế mà hỏi con thì nó cứ bảo nó không thích, dẫn nó đi
chợ xã, chợ huyện nó không ưng ý cái nào. Giận con nhưng đành vậy, biết
tính nó không thích thì đừng có mua, mua về nó cũng không mặc. Hai mẹ
con lại đạp xe về trong buổi chiều mưa tầm tã. Thị thương con thắt ruột
gan và xót xa cho thân phận mình. Những giọt nước mắt của Thị hòa chung
với những giọt nước mưa như đang xối xả vào khuôn mặt gai góc của người
đàn bà bất hạnh. Nó mặn chát và đắng ngắt.
Trời
bắt đầu vào đông, hai mẹ con phải đi ngủ sớm để tránh những đợt gió lùa
từ khe cửa. Nhà Thị nằm giữa đồng không mông quạnh, nên gió cứ rít từng
cơn nghe đến sợ. Thị dục con Sao đi đánh răng, để mẹ chuẩn bị sách vở
cho con. Sao nghe lời mẹ, Thị ngồi vào bàn nhìn những điểm chín điểm
mười trong vở con mà Thị tự hào lắm thay.
Lật
qua lật lại, Thị thấy tờ giấy trắng, dòng chữ ghi nắn nót. Thị giật
mình, run sợ và lo lắng. Thị luýnh quýnh, không nhẽ con Sao đã biết yêu
và biết viết thư tỏ tình. Mặt Thị nóng bừng. Nhưng ở cái tuổi ngoài ba
mươi, Thị tự biết trấn an mình. Với Thị đó thực sự là một cú sốc.
Thị từ từ mở rộng đôi giấy, Thị chăm chú đọc từng chữ con mình viết: “Kính
gửi ông Tiên. Con tên Trần Thị Mong Sao. Con tròn 7 tuổi. Con là cô bé
rất biết vâng lời mẹ, biết rửa bát, biết nấu cám cho lợn ăn, biết cho gà
vào chuồng, biết tự học bài, không biết làm nũng với mẹ, biết xoa lưng
và biết làm mẹ vui, cô giáo chủ nhiệm rất quý con, con được đi thi học
sinh giỏi tỉnh, con nghe lời ông Cầu, ông San, bà Viện, bác Hai, cô Mai,
chú Tiến, con dạy em Cún, em Cường, em Loan học bài. Con không biết xin
tiền mẹ ăn quà vặt, con không thích ăn cơm với đường nhưng mẹ bảo nhà
hết tiền nên con vẫn phải ăn, ăn xong rồi con bị đau bụng mà con không
dám nói cho mẹ biết, dép con rách và gãy mũi rồi nhưng con vẫn đi. Đôi
ủng màu trắng bác Hai cho con, con không dám lấy vì mẹ bảo không được
nhưng con thích vì đi học trời mưa chân con lạnh lắm. Như vậy có phải
con rất ngoan không ạ? Nếu ông Tiên thấy con ngoan thì ngày mai ông Tiên
“giả vờ” tặng con hộp bánh nhiều màu và nhiều ngăn ạ. Con ao ước được
có một hộp bánh như vậy lắm, con thấy anh Toàn nhà bác Hai mới mua sáng
hôm qua. Hôm kia mẹ đèo con đi mua áo rét, con thích nhưng con lại nói
dối mẹ con không thích, nhưng con không thích áo bằng hộp bánh nhiều
ngăn. Ông Tiên ơi, ông Tiên nhớ tặng con đấy. Con yêu ông thứ nhì sau
mẹ. Ông Tiên hứa không được nói với mẹ của con được không ạ? Vì mẹ con
không có tiền. Tối nay con học bài rất chăm ngoan. Chúc ông Tiên ngủ
ngon và nghĩ về lời thỉnh cầu của Sao ạ”.
Thị
lại khóc, khóc như cái ngày mà Thị bị đuổi ra khỏi nhà ấy. Tim Thị như
bị ai đâm bằng cái dao cùn, nó dằng xé nghẹn ngào đến tê dại. Cái nỗi
đau mà Thị không bao giờ muốn nghĩ đến nữa. Thị ngửa mặt lên trời mà
than ôi mà trách móc cho cái thói đời trơ tráo và bạc bẽo. Tiếng gào
thét của Thị xé tan màn đêm u ám. Ai thấu ai hiểu ai thương cho cái đau
đớn và oan nghiệt này của Thị, Thị quỵ đôi chân xuống nền nhà lạnh buốt
mà ôm đứa con gái vào lòng. Đôi môi Thị đã rớm máu, vì Thị đã cố kìm nén
để cho tiếng nấc không thành lời. Ôi! lại là nước mắt và máu của người
đàn bà cùng cực hòa lẫn vào nhau, lần này Thị không còn cảm giác để biết
vị của nó là gì nữa.
Đợi
cho con Sao ngủ say, Thị đạp xe đi mua một hộp bánh nhiều ngăn để tặng
con. Sáng hôm sau ngủ dậy, con Sao mừng rỡ, đòi bỏ cơm. Vì nó nghĩ lời
thỉnh cầu của nó đã được ông Tiên đồng ý. Nó mở hộp bánh, miệng nói cười
luyên thuyên, nó vui lắm. Nó lấy ra một cái tặng mẹ vì mẹ sinh ra nó.
Nó bảo vì không có bố nên nó sẽ ăn hết phần này. Hộp bánh có năm ngăn,
như tim con vậy, con sẽ yêu mẹ bằng cả năm ngăn ấy. Tim mẹ cũng có năm
ngăn, mẹ nhớ đừng yêu ai khác ngoài con được không? Thị gật đầu, hai cái
mũi dụi dụi vào nhau, sao mà thân thương đến thế. Hai mẹ con Thị nhìn
nhau cười mãn nguyện trong ánh nắng hiếm hoi giữa những ngày đông lạnh
giá.