Truyện - Tùy bút
Họa Tùng Khẩu Xuất
Hoàng Liên Tâm
02/02/2012 04:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Do một bản tin ngắn dựa trên các tin đồn được báo chí Cambodia loan tải đã làm cho một đám đông khoảng 500 người Căm Bốt nổi giận đốt cháy toà đại sứ Thái Lan tại Thủ đô Phnom Penth, gây thiệt mạng cho một người Thái Lan, bảy người khác bị thương, ông Đại Sứ phải leo rào thoát chạy ngả sau và làm căng thẳng mối bang giao giữa hai quốc gia Thái Lan và Cambodia.


Trước đây không lâu, cũng do một bài báo loan tải trên nhật báo Ngày Nay “Thisday” ở Nigeria đã châm ngòi cho cuộc bạo động giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo, làm 215 người thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương. Phía người Hồi giáo cho rằng bài báo đã xúc phạm đến họ khi nói rằng ngài Mohammad sẽ chọn được vợ trong số các người đẹp tới tham dự cuộc thi hoa hậu thế giới Miss World tại nơi đây. Cuộc thi hoa hậu phải di chuyển sang Anh Quốc, ban biên tập tờ báo đã phải xin lỗi, tờ báo bị đóng cửa, và ký giả bài báo đã bị kết án tử hình để rồi phải lẩn trốn ra nước ngoài tránh bị thọ án.


Chỉ một bản tin viết không đúng sự thật làm cháy nhà, chết người và ảnh hưởng đến bang giao giữa hai xứ. Chỉ một câu nói, đáng lẽ không nên nói đã gây bao tang tóc, làm hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương. Quả thật là bút máu, là hoạ tùng khẩu xuất như người xưa thường nói.


Tâm ý của con người được diễn tả bằng lời nói hay bằng cách viết trên giấy hoặc gõ trên key board máy vi tính, tuy không phải là lưỡi kiếm, lưỡi dao, tên bắn, hay viên đạn, nhưng nó nguy hiểm vô cùng vì nếu không biết lựa lời mà nói, lựa chữ mà dùng thì nó có thể gây tang tóc cho nhiều gia đình, làm bại hoại xã hội và đồng thời tác hại lại chính người nói như hai sự kiện đã nêu trên.


Ngày xưa, ở bên Tầu, có một nhà thơ nổi tiếng được một vị quan Tổng Đốc tham ô khen ngợi nên nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình làm thơ ca ngợi đức độ của ông ấy. Những bài thơ đã được khắc vào bia đá trong làng. Nhờ vậy, vị quan đã tránh được cuộc thanh tra của viên Khâm sai triều đình, do đơn tố cáo của dân. Sau khi viên thanh tra trở về kinh đô, quan Tổng Đốc ra lệnh bắt giết tất cả những người đã tố cáo ông tham nhũng, hà hiếp dân lành. Do vì lời khen ngợi, tán thán không chân thật về quan Tổng đốc, nên đã mang tang tóc đến nhiều gia đình và tự mang nghiệp vào mình. Ngày nay cũng vậy, nhiều người cũng vì danh lợi, cũng vì muốn được người ta khen nên thường ca ngợi lẫn nhau, đâu có biết rằng nếu không có trí tuệ sáng suốt thì ngòi bút của mình sẽ gieo rắc sai lầm cho nhiều người và có thể cho cả những thế hệ mai sau. Đối với tôn giáo, ảnh hưởng có thể còn nhiều hơn nữa. Thí dụ một người tự cho mình là Thánh, là Phật rồi được những người khác thiếu hiểu biết tâng bốc, xưng tán, khen ngợi, và cứ như thế lộng giả thành chân và người đó tưởng mình là Thánh nhân thật, nên dù nói ra những lời sai với chân lý, người nghe vẫn tin theo. Thế là cùng nhau lạc vào con đường tà mà không hay biết. Cho nên người khen và người được khen đều cùng nhau tác nghiệp và chắc chắn không nhân nào mà không sanh ra quả. Chỉ còn chờ duyên với thời gian thôi. Trường hợp của ký giả tờ báo xứ Cambodia và tờ Ngày Nay “Thisday” ở Nigeria chỉ tác hại đến việc giết hại một số người, đem tang tóc đến cho một số gia đình, nhưng ở những trường hợp khác, ngòi bút, nếu không dùng những lời chân thật, có thể dẫn dắt con người đi ngược lại chân lý của từ bi trí tuệ, gieo rắc ác tâm cho bao nhiêu người qua nhiều thế hệ mới là những nguy hiểm gấp trăm ngàn lần.


Trong kho tàng chuyện cổ Phật Giáo có câu chuyện ngắn về một con rùa và hai con cò trắng. Chuyện kể rằng: Thưở xưa, ở trong một cái hồ kia có một con rùa và hai con cò trắng thường lui tới làm bạn với nhau. Năm nọ trời bị hạn hán, không có một cơn mưa nào cả. Nước trong hồ cạn dần và nhiều loài cá bị chết. Chàng rùa rất sợ chết, muốn đi nơi khác nhưng không biết nơi đâu có ao hồ, bèn hội ý với hai bạn cò trắng. Hai vợ chồng cò trắng cho chàng rùa biết cách khoảng hơn trăm dặm có một hồ sen lớn không bao giờ cạn nước, có thể di tản đến đó được nhưng phải can đảm và bình tĩnh. Vợ chồng cò trắng nói: “chúng tôi mỗi người ngậm một đầu cây còn bác phải ngậm chặng giữa cây, chúng tôi sẽ tha bác đến hồ kia, nhưng lúc ngậm cây, bác cẩn thận chớ nói chuyện”. Chàng rùa vâng lời, ngậm chặt khúc cây, hai con cò tha chú rùa bay ngang qua xóm làng. Lũ trẻ con trông thấy reo hò: “hai con cò tha một con rùa”. Rồi có đứa la lớn lên: “A ha thật giống hai thằng mỗng dắt một thằng thầy bói mù!” Chàng rùa tức giận, không kềm giữ miệng được, bèn nói: “Có mắc mớ gì bay, mặc kệ chúng tao, đồ nhãi con.” Tội nghiệp thay, vửa mở miệng, chàng rùa đã bị rơi xuống đất chết. Đức Phật nhân đây nói bài kệ:


Con người ở thế gian

Búa bén nằm trong miệng

Sở dĩ chém thân mình

Là do lời nói ác.

Điều đáng chê lại khen

Điều đáng khen lại chê

Là tự chuốc tai hoạ

Không có chút gì vui.

(Ngũ phần luật quyển 25)


Đạo Phật là đạo tôn trọng sự thật, vì thế mà một trong năm giới của Phật tử là “Không Được Nói Sai Sự Thật”. Nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi và nói những lời hung ác; ngay cả nói những lời khen không đúng sự thật, những lời để mưu cầu tài lợi, danh vọng và sự kính phục, những lời gây chia rẽ căm thù cho đến những văn chương bóng bảy làm cho người đọc phải loạn tâm, sinh phiền não, người được khen sinh tự mãn, đều thuộc phạm vi giới cấm này.


Xét kỹ mọi việc rắc rối lôi thôi ở đời chỉ từ cửa miệng mà ra. Ngàn tai ương, muôn tội lỗi xảy ra cho người và cho mình đều do lời nói sai sự thật. Còn nếu dùng lời chân thật, lời hiền lành, lời hoà ái sẽ mang lại an lạc hạnh phúc cho mình, cho người. Cả hai đều lợi lạc và an vui.


 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch