Nghĩ cũng đúng, cái gì cũng có
nhân duyên của nó, nhưng tại mình không thấy được hết mọi khía cạnh của sự việc
mà thôi. Riêng tôi, bây giờ nghĩ lại cái quá trình đó mà thấy cũng nơm nớp lo,
lo ở sức mạnh của nghiệp lực và ở đức tin của mình. Cái tôi bây giờ là tổng hợp
của những sự dạy dỗ, kinh nghiệm và chứng nhận mà tôi đã thu nhận được, tất cả
các thứ đó cái gì cũng thấy lỏng lẻo, hời hợt. Thế mà chúng lôi kéo, thúc đẩy
mình theo một con đường mà mình không để ý và ngờ được.
Khi tôi còn học tiểu học, cái Ðạo mà mẹ tôi dạy là đạo ăn
hiền ở lành, làm lành tránh ác. Mẹ tôi thường bảo ở hai bên vai mình lúc nào
cũng có hai vị thần; một vị ghi lại tất cả những việc tốt mình làm, còn vị kia
ghi lại những việc xấu mình phạm. Khi chết xuống Âm Phủ, trước Diêm Vương, hai
vị này sẽ đem những việc lành dữ của mình ra đối chiếu và dựa theo đó mình được
lên Trời hay bị đọa xuống Ðịa Ngục. Lên trời đối với tôi là được sống với Tiên
với Phật, sáng ăn đào tiên chiều uống nước Cam lồ. Cỡi mây thong dong suốt
ngày, không phải đi làm hay đi học gì hết, muốn gì thì chỉ biến phép là có
ngay. Còn xuống Ðịa ngục thì bị ma quỷ tra tấn khổ đau vô phần. Cái việc làm
lành dữ đối với tôi lúc đó cũng rất rõ ràng. Việc lành là bố thí như: cho tiền
ăn xin, cứu người hoạn nạn như chàng hiệp sĩ cứu kẻ khốn cùng trong những
chuyện đời xưa... và vì còn nhỏ, tôi không có tiền để bố thí và cũng không đủ
sức để giúp một ai nên tôi thấy cái việc làm lành cũng không mấy khó. Lớn hơn
một chút, khi tôi sửa soạn vào trung học, mẹ tôi dạy tôi niệm Phật và trì Chú
cốt để Phật thương và phù hộ cho, nhất là trong việc thi cử. Những năm sau, tôi
có duyên xem qua vài kinh điển nhưng vì thiếu người chỉ điểm, lại thêm văn tự
khó hiểu nên không biết thêm gì. Tôi cứ cho kinh Phật là để tụng chứ không phải
để học.
Ðến khi bà nội tôi mất, vì phải cúng bái nên tôi có dịp đi
chùa thường hơn. Nhìn tượng đức Phật trang nghiêm ngồi trên toà sen; những vị
Bồ tát uy nghi, phép tắc vô biên; các Hộ pháp oai nghiêm đầy uy lực. Tôi trong
lòng cũng muốn được như các vị ấy nhưng lại không muốn bỏ công, bỏ sức nhiều !
Phải có cách tu nào dễ và mau hơn để thành Tiên, thành Phật. Tôi có biết qua
một vài phương pháp tu tập mà người ta cho đó là con đường thẳng hay lắm khi
còn gọi là con đường tắt đưa đến Phật quả với nhiều hứa hẹn về những ấn chứng
huyền bí. Ai mà có thể từ khước được những cách tu quá mầu nhiệm đó. Theo thời
gian khi mà mọi bồn chồn cùng những bồng bột của tuổi trẻ lắng dịu xuống, kiến
thức cùng kinh nghiệm đời được già dặn hơn, tôi lại trọng cái phương pháp tu mà
khi xưa tôi đã cho là quá chậm và quá tầm thường với căn cơ của mình. Bây giờ
nhìn lại những người tôi biết, bất kể là họ đang hành trì trên con đường thẳng,
đường tắc hay con đường khúc khuỷu nào, tất cả đều đang tu tập cả.
Nhờ nương vào Tam Bảo, nên đức tin của tôi được vững mạnh hơn
nhiều. Hành trình thì còn quá xa, mỗi khi vấp ngả, tôi có càu nhàu hay lẩm bẩm
vài phút rồi bắt đầu lại. Tôi chỉ ao ước tạo cho mình một cái duyên thiện cho
những kiếp sau và cố gắng bồi bổ cái duyên lành mình hiện có. Theo như sách
Phật có nói thì mình đã lẩn quẩn trong cái vòng sinh tử này từ vô lượng kiếp
rồi. Tôi nghĩ như một bánh xe đang xoay nhanh, có muốn ngừng thì chỉ có cách
duy nhất là phải từ từ. Tôi thấy, hiện tại nếu mình cứ an huởng cái tươi mát
của Tam bảo, ghi học những kinh nghiệm ở đời và làm bổn phận của mình, khi nào
duyên của một cái gì đã đủ thì tự nó sẽ có mà mình không cần phải mở miệng hay
lên tiếng hỏi. Nhờ vậy tôi vất được cái gánh nặng của sự mong mỏi và mong cầu
trong việc làm của mình mà thêm tự tại trong việc tu tập.