Truyện - Tùy bút
Thân giáo chuyện cũ vẫn nói
14/06/2010 00:23 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Trong cuốn Hư hư lục có một câu chuyện rất hay về thân giáo rằng: Có một bà mẹ có đứa con trai chỉ ham chơi cây cảnh mà bỏ bê chuyện học hành và việc nhà. Bà mẹ nói nhiều nhưng con chẳng chuyển là bao, nghe đồn trên núi có vị Hòa thượng tu hành nghiêm minh, đạo hạnh sáng rỡ; bà bèn cất công tìm đến mong nhờ Hòa thượng dạy bảo, may ra có trừ được tật này không
 
Hòa thượng nghe xong nhận lời, song bảo với bà rằng cứ dắt con về độ một tháng nữa hãy lên. Một tháng sau y hẹn bà lại đưa con lên, lần này Hòa thượng chỉ bảo cho cậu trai cặn kẽ, thiết tha và dặn cậu gắng nghe theo rồi cho về. Thời gian sau, thấy con bỏ được thói ham mê này và chăm chỉ học hành, lo lắng việc nhà chu đáo, bà mẹ mừng lắm, lại lên núi để cảm tạ và thông báo cho Hòa thượng biết. Ngài mới hỏi rằng: “Bà có biết vì sao ngài chưa dạy ngay mà cho về một tháng rồi mới lên không?” Bà mẹ ngơ ngác không hiểu vì sao. Lúc này ngài mới mỉm cười mà tiết lộ rằng: “Thói ham chơi cây cảnh cũng là một tật xấu của tôi, để dạy được cháu, tôi phải tự mình trừ bỏ được tật đó. Một tháng là thời gian để tôi dứt trừ được tật này, vì vậy dạy cháu mới có kết quả…”

Kết luận câu chuyện này đưa ra thông điệp rằng thời nay người trên bảo dưới không nghe, học sinh không vâng lời thầy cô, con cái không vâng lời cha mẹ, kỷ cương đảo lộn… phải chăng vì không có thân giáo? Thân giáo tức là giáo dục, giáo hóa người khác bằng chính bản thân mình. Khái niệm này không xa lạ gì trong đạo Phật. Cuộc đời Đức Phật - đấng cha lành của tất cả chúng ta là một tấm gương tuyệt vời về thân giáo. Và noi gương Ngài bao nhiêu vị đệ tử cũng bằng thân giáo mà giáo hóa được bao nhiêu người mê mờ lầm lạc trở về với con đường chính.
Nếu tất cả (hay phần lớn) thầy cô giáo của chúng ta và cha mẹ đều có được tinh thần thân giáo như vị Hòa thượng trong câu chuyện trên thì chắc chẳng ai phải phàn nàn về sự xuống cấp của giáo dục và thanh thiếu niên học sinh của chúng ta chẳng phải khổ sở vì tư cách lệch lạc, tệ nạn lan tràn như hiện nay. Xem các băng video về các lớp tu học cho thanh thiếu niên ở các chùa như Hoằng Pháp, thiền viện Tây Thiên hay một số chùa khác như các băng Bến yêu thương, Bóng Mây hay Trường đời, chúng ta cũng muốn rơi nước mắt như các em.

Chỉ nhìn thấy sự trang nghiêm, thanh tịnh và nghe giọng nói trầm ấm của các giảng sư như muốn trút hết tâm can để thấu cảm với các em, chúng ta mới hiểu được rằng vì sao những bài pháp đó có sức lay động và chuyển hóa các em đến vậy… Có những em đã quay về khóc lóc, xin lỗi gia đình chỉ sau một khóa tu học với các thầy. Phải chăng chính nhân cách, sự tu tập tinh nghiêm và đạo hạnh của các thầy là sức mạnh chuyển hóa được lỗi lầm của những người được thầy giáo hóa. Khi thầy cô giáo, cha mẹ hay những người lớn xung quanh các em là những tấm gương về chính những điều mà họ dạy bảo thì sự giáo dục đó mới đem lại kết quả.

Có một lần con gái tôi năm học lớp 10 trường THPT Chu Văn An, rụt rè đưa khoe mẹ một bài văn được thầy khen với điểm 8 và nói “Con chẳng định cho mẹ xem đâu, bây giờ con mới đưa đấy”. Bài văn bình giảng câu “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… và cháu nói về những suy nghĩ của cháu về cha mẹ “Tôi rất yêu và cảm phục cái cách bố tôi chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền và mẹ tôi cho tiền, áo ấm cho người hành khất vào một đêm đông trời giá lạnh...” Mặc dù rất vui sướng vì con gái biết hướng thiện và có tấm lòng từ bi, thương người; song tôi cũng băn khoăn vì sao cháu lại biết việc này (tôi thường cố gắng theo tinh thần: “Làm ơn chớ nên nhớ, Chịu ơn chớ nên quên” mà quý thầy vẫn dạy cho nên ít khi nào kể về những việc mình làm trừ phi để khuyến khích con cháu). Cháu liền bảo đó là do “cô giáo đứng trên lan can trông thấy mẹ lúc mẹ ở nhà cô giáo ra, hôm sau đến lớp cô tuyên dương mẹ trước cả lớp, con mới biết...” và cháu cũng cố gắng làm những việc thiện dù nhỏ. Tôi nghĩ nếu mình dạy con làm thiện mà bản thân mình không bao giờ làm thiện, hay trái lại làm ác, thì con mình cũng sẽ làm ác chứ không bao giờ nghe mình. Mình dạy học sinh phải trung thực mà mình dối trá thì học sinh cũng sẽ dối trá...

Những bài học về thân giáo không bao giờ là chuyện cũ và lại cần lắm thay trong tình hình này.
 

Diệu Thanh (Theo chùa Hoằng Pháp)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch