Ở núi Dinh có hai tịnh thất sát vách nhau tên là Tịnh thất Ngọc Lưu và Tịnh thất Ngọc Hạnh. Vào mỗi buổi sáng mai, chú Huệ Khang ở Tịnh thất Ngọc Hạnh thường lái xe máy cày vô núi. Bởi ở Ngọc Hạnh có một giếng nước tốt, nguồn nước dồi dào, nên Huệ Khang vâng lời quý sư chở nước giếng đem cúng dường cho các tịnh thất khác. Khi Huệ Khang lái xe đi, thì Huệ Anh ở Tịnh thất Ngọc Lưu cũng bắt đầu cầm chổi ra quét sân. Cái sân cỏn con của một tịnh thất vừa đủ cho một chú huệ (chú tiểu) quét. Đối với Huệ Anh, thế giới của chú được bao bọc bằng những hàng rào kẽm gai của tịnh thất. Còn đối với Huệ Khang, thế giới của chú được đo bằng vòng quay của bánh xe máy cày…
Có một lần, Huệ Khang dừng xe bắt chuyện với Huệ Anh:
– Chú làm gì sớm vậy?
Huệ Anh đáp:
– Tui quét sân.
Huệ Khang nhận xét:
– Có bao nhiêu đó cứ quét hoài. Để vài ngày quét một lần luôn.
Huệ Anh le lưỡi, làm bộ sợ:
– Không dám đâu, sư phụ cho một cây hương đó.
Rồi Huệ Anh hỏi lại Huệ Khang:
– Chú đi đâu vậy?
Huệ Khang cười cười đáp:
– Tui hả? Bánh xe lăn đến đâu thì tui đi đến đấy.
Và y như mọi lần, hễ Huệ Khang nói tưng tửng kiểu đó là Huệ Anh bị cụt hứng, nên chỉ cười chứ không biết nói gì. Mãi cắm cúi quét, lại thêm do tiếng xe ồn ào, nên Huệ Anh không hay sư phụ của chú đang đứng phía sau. Nghe hai chú trò chuyện, sư Minh, sư phụ của Huệ Anh góp vào một câu:
– Cái thằng, hay nói dóc! Nếu ra kia bánh xe cán đinh bị xẹp thì nó đi đâu?
Nghe câu nói đó, Huệ Anh bỗng lóe lên một ý tưởng thú vị. “Được rồi, cứ để mai”, Huệ Anh tự nhủ.
Sáng hôm sau, chính xác là cái hôm sau nào cũng không nhớ, hai chú lại trò chuyện với nhau. Sau khi nói trời, mây vài câu, Huệ Anh gài bẫy Huệ Khang:
– Chú đi đâu đó?
Huệ Khang đáp tỉnh queo:
– Tui hả? Cũng như mọi khi thôi.
Huệ Anh hỏi liền:
Như mọi khi là sao?
– Thì, gió thổi đến đâu thì tui đi đến đấy!
A, một câu nói kỳ lạ quá làm cho Huệ Anh lại cụt hứng. Người đâu mà ăn nói chẳng giống ai. Mãi đến chiều hôm đó Huệ Anh mới nghĩ ra được một ý tưởng tương tự để bắt bí Huệ Khang: “Nếu không có gió thì sao? Phải chi hồi sáng mình lẹ miệng một chút.”.
Bởi bị thua nhiều trận rồi nên Huệ Anh cố tìm một bàn thắng danh dự. Sáng hôm nay cơ hội lại đến với Huệ Anh. Sau khi nói vòng vo một hồi, Huệ Anh lại hỏi:
– Chú định đi đâu?
Nhưng thật bất ngờ, hôm nay Huệ Khang đáp hiền khô:
– Ờ, sư cô nào cần nước thì tui chở đến.
Nghe câu nói tầm thường này, Huệ Anh thú vị bật cười lớn làm cho Huệ Khang cũng hơi ngạc nhiên. Huệ Khang không biết rằng Huệ Anh vừa hiểu ra một điều. Bây giờ thì Huệ Anh đã hiểu là hơi đâu mà đi gài bẫy Huệ Khang cho mệt. Cái miệng là của riêng mỗi người, ai muốn nói gì thì cứ nói. Người ta nói tự tại, vô tư, thì mình cũng nghe tự tại, vô tư. Chẳng phải ông bà ta thường nói đó sao:
Lời nói không mất tiền mua
Tha hồ mà nói cho vừa lòng nhau…
Chẳng biết là ông bà nào đã dạy cho Huệ Anh câu ca dao này, nhưng mà câu ca dao này nghe cũng có lý đó chứ.
Chiều hôm đó, khi Huệ Khang lái xe về thì sư Minh và hòa thượng Giác, sư phụ của Huệ Khang, đang đứng nói chuyện. Hai người bàn về thời sự, về chuyện điện, nước, rồi nói cả về xe cộ, máy móc… Thật là dù xuất gia hay không xuất gia thì người ta cũng phải sống ở cuộc đời này, chẳng có ai do đi tu mà bay lên mây ở cả. Hai vị mãi nói chuyện đến khi bóng hoàng hôn buông xuống bao trùm khắp núi Dinh. Gió biển thổi vào vùng này mát rượi, thật dể chịu lắm. Vì mới dẫn đoàn hành hương ra Huế trở về, đi liền mấy ngày, nên sư Minh xin phép hòa thượng vào nghỉ trước. Huệ Khang cũng ra thỉnh sư phụ vào dùng tiểu thực.
Thiếu chanh, Huệ Khang chạy qua xin Huệ Anh. Khi đi ngang phòng sư Minh, chú thấy sư đang nằm trên võng ngáy khò, khò. Tiếng ngáy rất lớn. Người ta thường nói những người mập, bụng to, thì khi ngủ hay ngáy. Sư Minh cũng là một trong những người to lớn nhất ở vùng núi này.
Huệ Khang thật chẳng phải là một chú huệ tầm thường. Khi nhìn thấy sư Minh ngủ chú bỗng liên tưởng đến một điều. Chú nghĩ rằng không phải ai cũng có thể ngủ được như sư Minh. Một người vừa đứng nói đủ mọi chuyện một cách điềm tỉnh và sáng suốt như thế, mà chưa đến năm phút sau đã lăn ra ngáy thì cũng thuộc vào hàng chẳng thể nghĩ bàn. Chắc chắn người này phải có tâm xả rất lớn. Bất chợt Huệ Khang tự nhủ: “Dù mình tu ba mươi năm nữa cũng chưa chắc được như đại đức!”.
Khoảng tám giờ tối hôm đó, hòa thượng Giác giảng giáo lý như thường lệ. Ngoài mấy huynh đệ của Huệ Khang ra còn có quý sư, quý sư cô ở gần đó đến nghe hòa thượng giảng. Đêm đó hòa thượng phân tích về ý nghĩa hai chữ “Khất sĩ”:
– “Khất sĩ là những học trò nghèo đang tìm học chân lý để trở thành Vô thượng sĩ trong một ngày mai… Như các sư bây giờ phải học ngoại ngữ và học vi tính cho giỏi. Một vị Khất sĩ rồi sẽ đi khắp thế giới mà học đạo và hành đạo, chứ không phải ở mãi một chỗ để giữ cái chùa của mình… Để tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện. Qua câu chuyện này, quý vị sẽ biết học ngoại ngữ có lợi như thế nào…
“Thuở xưa, có một con chuột mẹ sống chung với lũ con của nó trong một cái hang. Vào một ngày kia, có một con mèo đến rình ngoài cái hang đó. Con mèo kiên nhẫn rình mò lâu quá, làm cho mẹ con nhà chuột không đi kiếm ăn được. Bấy giờ, chuột mẹ mới khẽ ra gần miệng hang, bất ngờ nó cất tiếng:
– Gâu gâu, gâu…
Nghe tiếng chó sủa đột ngột, mèo hoảng sợ bỏ chạy khỏi nơi đó. Thấy mèo chạy mất rồi, chuột mẹ mới quay qua bảo các con:
– Các con nhớ nhé, học ngoại ngữ có lợi như vậy đấy!”.
Mọi người bật cười vì câu chuyện con chuột biết ngoại ngữ của hòa thượng. Hòa thượng giảng giáo lý hay thật! Khi giảng, ngài thường hay đọc thơ, kể chuyện, đặt ra nhiều nghi vấn, và đưa ra nhiều nhận xét tinh tế. Mà hòa thượng cũng hay khuyến khích mọi người phải thường đặt nghi vấn để sự học giáo lý được tốt hơn, kỹ hơn. Nhân lúc mọi người đang vui vẻ, Huệ Khang mạnh dạng đứng lên hỏi sư phụ:
– Bạch hòa thượng, chúng ta đi khắp thế giới hành đạo thì sẽ dùng tiếng Anh; còn với những người điếc, không nghe được thì chúng ta sẽ dùng tiếng gì?
Hòa thượng chăm chú nghe Huệ Khang hỏi, rồi ngài vui vẻ nói:
– Với người câm điếc thì mình dùng tay mà nói, dùng bút mà ghi.
– Với phụ nữ thì mình dùng tiếng gì, bạch hòa thượng?
Một sư khác hỏi tiếp liền. Hòa thượng đáp ngay:
– Phụ nữ à? Phụ nữ thường hay thích nghe những lời vừa lòng, cho dù biết đó là những lời nói dối. Nhưng chúng ta đừng nên nói dối. Chúng ta cứ nói chân thật.
Huệ Anh rụt rè đứng lên hỏi:
– Bạch hòa thượng, với người hay nóng nảy, giận hờn thì mình nên dùng tiếng gì?
Hòa thựơng ôn tồn đáp:
– Người nóng nảy, giận hờn thường hay thích nghe cái gì? Có phải họ thích nghe những lời dịu dàng, ôn tồn, hòa nhã phải không? Vậy mình nên dùng ái ngữ đối với họ…
Rồi hòa thượng kết luận:
– Như nãy giờ quý vị hỏi tôi, tôi đều trả lời cho quý vị hết. Những điều quý vị hỏi đó, nói chung là gì quý vị có biết không? Với mỗi đối tượng khác nhau thì mình sẽ tùy nghi dùng một thứ tiếng thích hợp cho người ta hiểu. Làm sao mà nói cho người ta chịu nghe, và người ta được ích lợi, thật không phải dễ. Hễ làm được thì gọi là Giáo hóa thần thông đó. Trong các thứ thần thông, giáo hóa thần thông là hơn hết. Mà nói đến thần thông thì quý vị nên nhớ:
Bất tư nghì danh Thần
Vô ngại tự tại danh Thông…
Nghe đến đây, Huệ Khang cảm thấy mình đã hiểu được đạo lý của thần thông. Nếu như nói rằng thần thông nghĩa là phép lạ, thì chinh phục được tâm hồn chính mình, cũng như cảm hóa được lòng người, mới thật sự là phép lạ chân chính nhất, cao cả nhất.