Ảnh minh họa
Một lần, tôi bạo dạn đi vòng lui sau thất để xem phía ấy có gì “vi diệu” thì bắt gặp một pho tượng cũ kỹ ngồi bên góc vườn. Tôi ồ lên kinh ngạc, bởi đó là pho tượng tạc một cô gái, trông như tiên nhân. Pho tượng không sắc sảo nhưng sống động, rất có hồn. Cô gái ngồi hồn nhiên trên một tảng đá, một chân thõng xuống, chân kia co lên, cánh tay vắt hờ qua gối, gương mặt an nhiên trong sáng không mảy may vướng chút bụi trần!
Đang mải mê ngắm nhìn pho tượng, tôi bỗng nghe tiếng nói rất ấm phía sau lưng mình: “O kia làm chi không lên chùa lễ Phật mà đứng ở đây?”. Quả là một giọng Huế đặc ri giữa chốn Sài Gòn! Tôi quay lại. Thì ra là vị sư già. Tôi mỉm cười chào thầy. “Dạ, con đang ngắm cảnh, và đang ngắm cái o kia!” - tôi bắt chước cách nói của thầy. “O mô?” - thầy hỏi. “Dạ, cái o đang ngồi đó!” - tôi chỉ pho tượng. Thầy cười sang sảng: “Cái o Bồ-tát đó hả?”. Không ngớt cười, thầy tiếp: “Bồ-tát Quán Tự Tại đó con. Con đi chùa mà nhìn Bồ-tát ra cái o thì thầy thiệt chịu…”.
Vậy là tôi quen thầy. Thầy là vị thầy đầu tiên hướng tôi vào đạo nhờ pho tượng Quán Tự Tại sau vườn. Tôi siêng đi chùa hơn, không chỉ đơn thuần ngắm cảnh, mà ở chùa, tôi còn có một vị thầy để học hỏi giáo lý, tôi còn có một vị Bồ-tát để chiêm bái, chiêm nghiệm và tu tập. Không phải chỉ ở chùa, mà thật ra, ở trên đời này, tôi biết là còn có thêm một sự hiện hữu của những con người đáng kính, đang nương tựa. Cuộc sống tôi vì vậy mà tròn đầy hơn, ý nghĩa hơn…
Theo lời thầy, tôi thỉnh một pho tượng Quan Âm Tự Tại nho nhỏ về tôn trí trên bàn học của mình. Nhà tôi chật, ba mẹ không hiểu đạo nên tôi chưa thể thuyết phục ở nhà thờ Phật được. Nếu ba mẹ có hỏi, tôi sẽ thưa là tôi thích pho tượng quá, pho tượng Bồ-tát từ bi, đẹp lạ lùng, đẹp an nhiên, và con rất thích mình sẽ giống như “O Bồ-tát” đó! Ba mẹ tôi chắc là sẽ không nói gì, không phản đối. Tối tối, trước khi đi ngủ, tôi sẽ ngồi trên bàn khẽ tụng hết một phẩm Phổ môn, khẽ niệm 108 lần danh hiệu Ngài. Tôi nguyện sẽ hồi hướng tất cả công đức trì niệm đó cho ba mẹ hướng về Tam bảo. Tôi cũng nguyện sẽ sống tốt hơn, ngoan hơn, giỏi hơn, để cho ba mẹ thấy rằng từ ngày tôi đi chùa, từ ngày “O Bồ-tát” đó ở cạnh tôi, tôi đã thay đổi hay ho như thế nào…
… Một đêm, tôi đọc được câu chuyện ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh; ngài băng qua đại sa mạc Mông Cổ và bị lạc đường, bình nước lỡ tay cũng bị đổ sạch. Đại sa mạc dài hơn 800 dặm, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy; nước không có, cỏ cũng không, bao nhiêu cảnh quái dị lại hiện ra trước mắt. Ngài chỉ niệm danh hiệu Đức Quan Âm và bài Tâm kinh mà đi. Qua 4 đêm, 5 ngày, ngài không một giọt nước thấm môi, cổ và bụng như cháy. Rồi ngài gục xuống, miệng vẫn không ngừng trì niệm danh hiệu Bồ-tát. Nửa đêm hôm ấy, ngài cơ hồ như có một luồng gió mát lạnh thổi đến thân thể. Ngài hết khát, hết khổ và có thể đi tiếp. Chính Bồ-tát Quán Thế Âm đã cứu ngài…
Đọc đến đó, nỗi xúc động trào dâng khiến tôi không cầm lòng đặng, khóc rống lên. Tôi khóc to đến nỗi ba mẹ tôi thức giấc, chạy sang hỏi có việc gì. Tôi ôm chầm lấy ba mẹ, nói rằng con vui quá. Ba mẹ tôi tròn xoe mắt kinh ngạc, như thể tôi đang rất không bình thường. Tôi vừa cười, vừa quệt nước mắt xin lỗi vì đã làm cho ba mẹ thức giấc. “Nhưng con vui lắm”, tôi nói. “Sáng mai con sẽ kể cho ba mẹ nghe điều gì đã đến trong con và con đã thay đổi như thế nào từ khi con có O Bồ-tát đó!”.
Tôi tiễn ba mẹ về phòng, chúc ngủ ngon rồi ngồi vào bàn niệm danh hiệu Bồ-tát. Sáng mai, tôi tin là thời khắc đã đến để tôi có thể thuyết phục ba mẹ tôi hướng về Tam bảo. Tôi tin thế.