Nó lồm cồm bò dậy, phủi bụi, nhìn người ta bằng cặp mắt ai oán, rồi ôm cái thúng, xếp gọn đồ vào, lủi thủi đi. Nó quen rồi. Về tới cổng nó lúi húi kéo mớ rơm phủ lên cái hộp đánh giày rồi lững thững vào nhà. Nghe tiếng dép nó lết ngoài cổng vào, mẹ nó yếu đuối ngồi dậy, họ khục khặc rồi thều thào:
- Về rồi đó hử? La cà mãi đến bao giờ mày mới nên người được? Mày không thể bắt chước anh mày làm mọi thứ cho ra hồn rồi mang tiền về cho mẹ à? Thằng bé quay lưng bỏ đi vào phòng trong im lặng không nói.
- Này, thằng kia, khụ khụ, con với cái, thật là bất hiếu! Nó nhét hai chữ bất hiếu vào lòng, chờ lúc mẹ không để ý lại lén lút mò ra hũ tiền, nhét vào những đồng bạc lẻ đã bị vò nhàu, rồi lại rón rén trở về nơi chái bếp mà nó gọi là phòng. Khi đã xong việc, nó thở phào nhẹ nhõm rồi miên man chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài đầy mệt mỏi.
Nó sinh ra thì ba nó cám cảnh nghèo mà bỏ mẹ con nó theo bà nào đó trên phố, rồi nghe đâu cũng bị bỏ rơi cù bơ cù bất nơi nào đó nơi xứ người, vạ vật không nơi nương tựa, đến giờ cũng không dám về làng, tủi hổ. Mẹ nó lại hay đau bệnh nhưng cũng gồng gánh nuôi con được mấy năm thì trái gió bị liệt nửa người, phải nằm một chỗ, thỉnh thoảng lê lết ra chợ bán được ít vé số rồi lại về nhà nằm dài vì đau nhức. Nó có một thằng anh trai lớn hơn 6 tuổi, nay cũng 17, 18 gì đó, bỏ nhà đi làm ăn từ sớm, nói là đi làm ăn thế thôi chứ cũng lang thang phụ hồ vạ vật nơi xứ người, dăm ba tháng về một lần đưa mẹ ít tiền chưa đủ trang trải rồi lại đi, cứ thế mà cũng đi biền biệt, ở nhà mẹ lại khen đáo để.
Nó từ nhỏ đã là thằng ít nói, lại hay đánh nhau mọi người toàn gọi là thằng vô học, cứ lầm lì chai mặt ra chịu bao trận mắng chửi, xỉ vả, 10 tuổi đầu nhưng trông nó hợm lắm, tóc tai mọc cứng lởm chởm, da đen nhẻm, chai sạn, quần áo lúc nào cũng lấm lem bụi hồ. Hôm nào cũng đi từ sáng sớm tới tối mịt mới về nhà, về nhà rồi lại lăn ra ngủ mê mệt. Bà con chòm xóm ai cũng không ưa nó, nó chẳng làm gì phá làng phá xóm nhưng cũng chẳng giao du với ai, nó biệt tăm cả ngày không ai thấy, phải tôi ai hỏi gì nó cũng chẳng thưa, cái mặt câng câng nên ai cũng ghét. Hổm rày anh nó chỉ về đôi ba lần rồi lại đi, lần nào cũng canh lúc không có mẹ, moi ít tiền trong hũ rồi trốn chui trốn nhủi tiêu xài, nó đứng ra can ngăn thì bị anh nó xuống tay đến tội, vét gần hết tiền anh nó còn quăng lại một ít cho nó mà xỉa xói:
- Mày lấy cái này mà đi mua thuốc bít cái mồm mày lại, bép xép chỉ có cái nhừ đòn thôi con ạ!
Rồi anh nó quay đi, nó nhào theo ôm chân chặt cứng, bị anh nó đá văng ra vẫn cứ nhào tới ôm lấy anh nó không cho đi, anh nó đá nó một cái thật mạnh làm nó ôm bụng lăn lóc nhìn bằng đôi mắt gầm gừ.
- Thằng hỗn, thằng câm, mày đừng có giỏi giữ tao, láo lếu gãy xương nhá con.
Anh nó chạy ra cổng rồi lại mất hút sau lũy tre làng, nó ôm bụng ngồi dậy nhặt mấy đồng tiền lẻ bỏ vào hũ thì mẹ về tới cổng, tiếng ho khụ khụ làm mặt nó đang tái vì đau bỗng chuyền qua đen lì như hồi. Nhìn nó ôm hũ tiền trên tay, vài đồng tiền rơi ra ngoài, mẹ nó lết tới giằng lấy thấy tiền vơi đi khá nhiều, mắt mẹ nó hoe đỏ rồi bà tru tréo, vớ lấy cây chổi góc nhà đánh nó thật lực:
- Thằng mất dạy, mày lại lấy tiền bà đi chơi tối ngày đó à? Cả ngày chẳng làm gì ra hồn còn dở thói trộm cắp, con với cái, không noi gương anh mày được à?
Nó cúi xuống đỡ đòn không dám kêu than,mắt rơm rớm nước.
Nắng lên.
Ông giáo nhấp chén trà rồi ngồi phe phẩy cái quạt gỗ mộc ông rất thích, mẹ nó ngồi bên cạnh, hai người nhìn ra hướng xa xăm, bỗng ông giáo cất tiếng:
- Tôi là tôi chỉ ước có được đứa con như cái thằng Đen thôi bà ạ, thế mà tôi không có duyên có số, bà nhà còn chưa có nói chi con.
- Phận thầy đâu hiếm muộn gì, phải tội nhiều đám thầy không ưng.
Ông giáo tặc lưỡi:
- Số tôi gõ đầu trẻ thôi chứ làm chồng thì không đáng chị ạ.
Mẹ nó ậm ừ cho qua rồi như sực nhớ điều gì bà lại hỏi:
- Thế thầy nói thằng Đen là cái thằng nào tôi chả biết.
Nó quét sân đánh rơi cái chổi rồi lúi húi nhặt lên, ông giáo nhìn nó cười hiền rồi lại nhìn mẹ nó ra chiều suy tư lắm
- Thằng nhỏ ấy tầm như con chị thôi, tung tích nó thì kĩ lắm, nó ở làng bên, mà người làng bên cũng biết nó không phải người cùng làng, chắc nơi nào lưu lạc tới. Phải cái nó siêng, hôm nào cũng siêng năng làm phụ hồ cho mấy ông chú bác bên ấy lấy mấy đồng tiền còm cõi, nó ngoan nhưng ít nói, được cái siêng ai cũng thương.
Mẹ nó đánh đùi cái đét:
- Phải nó con tôi thì quý hóa quá thầy ạ, chứ như thằng nhà này cứ lầm lì thế đầy mà dạo đây còn giở thói trộm cắp nữa chứ.
Ông giáo nhìn ra nó, làn da đen nhẻm có chút đỏ hồng:
- Nói thế phải tội chứ tôi là tôi phục thằng nhỏ Đen ấy, có hiếu mà chăm lắm, lúc nào cũng chỉ biết chăm chăm kiếm tiền rồi về với mẹ, nghe ông trưởng bên ấy có lần giữ nó lại cho cái bánh nó cũng không màng vì xong việc là về với mẹ cho bằng được.
Mẹ nó ngồi suy tư rồi tặc lưỡi, ông giáo nhấp ngụm trà rồi khẽ lắc đầu:
- Tội cái thằng….
Thằng Đen dậy từ rất sớm để gói ghém sang làng bên, nó có phải tên Đen đâu mà da nó den nhẻm nên người ta gọi thế. Nó ít cười nhưng mỗi lần cười là thấy cả mùa xuân trong đó. Hôm nay làng không có việc nên nó ngồi chờ người ta đánh bò về thì nó đi cộ, ông trưởng quắc nó lại đấm lưng cho ông rồi vỗ vỗ đầu nó như người thân quen:
- Mày là mày ít nói lắm đó nhé, nhưng mà tao thương, có việc tao giao hết. Nhưng mày phải nói tao nghe sao mày không nói nhiều, không giao du, người ta ghét lắm.
Nó cúi xuống ậm ừ rồi cũng cát tiếng:
- Con không có ba
- Gì? Mày nói gì? Tao nghe không rõ.
- Thưa…con không có ba. Trẻ làng đánh con hùa nhau đánh con dữ lắm, nếu con nói nhiều, thanh minh rằng ba ở bên chỉ là nói dối…Mà con lại sợ con mắng chúng nó thì phải tội.
Nó ấm ức như muốn khóc. Ông trưởng có ánh nhìn hơi bàng hoàng trước nó. “Còn nhỏ quá mà biết suy nghĩ. Đời không ép nó phải lần vào mà tất cả cuộc đời lẫn vào nó hết.” Ông nhìn tay chân rươm rướm máu của nó rồi lác đầu đưa nó cái bánh thì cộ về.
Gạch đổ ập lên người nó, gãy chân ráng chiều, nó lê lết đi không nổi, cả làng ai cũng lo nhưng nó chỉ cười, bảo mẹ đợi rồi mò mẫm về nhà, trễ rồi.
Mẹ nó đang nấu cơm thấy nó về tới nhà dùng cây củi phang thẳng vào chân. Nó té dúi dụi, mặt biến sắc, tím ngắt rồi đứng lên, mẹ nó gườm gườm:
- Mày la cà giờ không còn nhà nữa đó hả? Hôm nay thì khỏi ăn cơm con nhé.
Nó chui vào buồng tâm tức khóc.
Nó làm sốt thì tin anh nó bị công an bắt ùa về, mẹ nó khóc lên khóc xuống kêu oan, rồi lại làm tình làm tội sao nó không thay anh nó rồi lên đồn tru tréo. Về tới nhà thì nó mất tăm chỉ còn ông giáo ngồi đợi.
- Tôi đến khổ thầy ơi,hai đứa con chẳng đứa nào ra hồn cả!
Ông giáo lắc đầu:
- Nhiều khi chị bị khổ đau và lầm tưởng che mắt quá, nhiều lần tôi muốn chị cảnh tỉnh trong cách cư xử ra mà không được, nhưng cái gì cũng đừng nên nhìn vẻ bề ngoài.
Ông giáo nắm tay mẹ nó sang làng bên, bên ấy dưới ngôi nhà đang xây có thằng bé dang cà nhắc khiêng mớ gạch, thằng Đen, nó là con chị.
Có nhiều người đã đánh mất đi hạnh phúc của mình với những định kiến không đáng có. Dường như người ta đã sai trong đôi mắt người ta nhìn nhận, cứ như để cho những quan niệm hãy luôn tồn tại, che khuất đi nhiều giá trị mà nếu có thời gian, nếu chịu tiếp nhận hẳn sẽ thấy hạnh phúc của đời mình. Hạnh phúc của mẹ thằng Đen có lẽ giờ chỉ mới bắt đầu, khi bà có đứa con là niềm tự hào cũng là hạnh phúc tuyệt vời nhất trong đời. Đừng nhìn đi đâu xa, hạnh phúc ở ngay quanh mình đấy thôi, hãy lắng nghe bằng trái tim và quan sát bằng ánh mắt của những lần đầu tiên.