Bạn trẻ thắp hoa đăng cầu an lành cho cha mẹ tại chùa Thiện Mỹ (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Đ.Thảo
1. Năm ngoái,
ĐĐ.Thích Giác Nhường, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, chủ biên tờ Tuổi
trẻ Phật Việt, chủ nhiệm Diễn đàn Phật học Vườn Tâm (www.vuontam.net) đã
quyết tâm mở cuộc thi viết Nói lời tri ân với mong ước, từ cuộc thi,
nhiều người trẻ sẽ chia sẻ những câu chuyện thật về tình mẫu tử, cha con, thầy
bạn, Tam bảo trong “Tứ trọng ân” Phật dạy.
Thầy nói: “Cuộc thi nhanh chóng
được sự hưởng ứng của nhiều tác giả với hàng chục bài viết sâu sắc, cảm động
được gửi về như một “lời tri ân” được giãi bày bằng ngòi bút thông qua phương
tiện internet cùng trang nhà Vườn Tâm”. Tất nhiên là thành công ngoài mong đợi,
bởi cuối cùng Ban Tổ chức cũng tìm ra được những tác giả, đa số là trẻ tuổi để
trao trên chục giải, gồm nhì, ba, khuyến khích (không có giải nhất), đồng thời
cho in tập sách Nói lời tri ân để làm cầu nối sẻ chia giữa Ban Tổ chức
và tác giả cũng như những nhân vật được nhắc tới trong câu chuyện ân tình khó
quên, nhớ mãi, với những bài học sâu sắc được khắc họa bằng con chữ.
Tiếp nối thành công đó, năm nay,
ĐĐ.Thích Giác Nhường, Trưởng BTC cho biết, cuộc thi cùng chủ đề cũng đã được
khởi động và triển khai lần 2 hơn một tháng nay và sẽ diễn ra tới đầu tháng 9
với ước mong xốc dậy trong lòng người trẻ, những bạn viết khắp nơi những kỷ
niệm, những hồi ức đẹp được nhắc nhớ trong ý niệm tri ân, báo ân. Đến thời điểm
này, thầy Giác Nhường cho biết, cuộc thi cũng đã được nhiều cây bút trẻ tham
gia, mở ra dấu ấn lành, minh chứng cho tình cảm con người vẫn luôn sống động,
bao dung, đầy chất nhân văn ẩn tàng, sẽ được bộc lộ nếu có cơ hội như là được
phép viết, được viết từ những cuộc thi như Nói lời tri ân.
2. Cũng là thi
viết, nhưng là thi viết lời kinh, cụ thể là chép kinh Vu lan và kinh Báo
ân cha mẹ sau khi đã học thuộc lòng. Đó là ý tưởng trong mùa Vu lan - Hiếu
hạnh mà thầy Thích Lệ Minh khởi xướng cho thành viên Hội Những người thích đi
chùa, tụng kinh, phóng sanh, phát cơm từ thiện (chùa Thiện Mỹ, Q.5, TP.HCM).
Cuộc thi nhanh chóng nhận được sự đăng ký tham gia của nhiều bạn trẻ trên
Facebook và kết quả có hàng chục bạn đã thuộc kinh, chép nắn nót từng con chữ
như một sự tri ân, hồi hướng phước báo lành tốt ấy cho cha mẹ hiện tiền và cả
người quá vãng.
Điều gì đã thôi thúc người trẻ
viết lời tri ân và chép lời kinh, nếu không phải vì trong lòng họ có Phật, có
những nghĩa tình sâu nặng cần giãi bày? Đó có thể là ký ức về cây roi mây của
ba, về những lời ngọt dịu, sẻ chia ân cần của mẹ giúp cho người trong cuộc vượt
qua vấp váp, giông bão cuộc đời hay phải trả một nghiệp khá nặng để rồi sau đó
vững vàng đi tiếp. Cũng vậy, do hiểu được ý nghĩa của lời dạy của Đức Phật
(kinh điển) và việc chép kinh nên những người trẻ đã không ngại khó học thuộc
bản kinh để thấm ân sinh thành, dưỡng dục cũng như bao lỗi lầm vụng dại mà mình
đã tạo hầu sám hối, rồi ghi khắc trong lòng mình ý niệm đền ơn, báo hiếu. Điều
đó được thể hiện trước tiên từ phước lành hồi hướng hôm nay, nơi những việc
thiện đang làm, sẽ làm; sau đó chính là giúp cho ba mình, mẹ mình cũng thấy con
đường sáng mà đi, cùng mình đi trong nẻo đạo, đường đời thênh thang này…
3. Cũng là lòng
từ bi, được khởi lên từ ý niệm của một vị tu sĩ, tối 11-8, ĐĐ.Thích Thiên Ân
(Tăng chúng chùa Kỳ Quang, Q.12, TP.HCM, Tăng sinh khóa IX Học viện Phật giáo
VN tại TP.HCM) đã khai mạc triển lãm “Ơn nghĩa sanh thành”, diễn ra trong
suốt một tháng (tới ngày 11-9-2013) tại
Ẩm thực chay Ấn Tâm (18 đường A4, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Triển lãm thư họa của thầy Thích Thiên Ân thu hút Phật tử quan tâm tham dự, chung tay yểm trợ
Triển lãm bao gồm nhiều tác phẩm
thư họa chủ đề Phật giáo và tình cha, tình mẹ do chính ĐĐ.Thích Thiên Ân thực
hiện được bán để sau đó, lợi nhuận thu về sẽ được gửi ra H.Gio Linh (Quảng Trị)
- nơi có “nồi cháo tình thương” do các Phật tử địa phương tổ chức, như một nhịp
cầu để sẻ chia với những bệnh nhân nghèo giữa mùa Vu lan ấm áp.
Rất mừng là tại buổi khai mạc cũng
như sau đó, nhiều người trẻ đã tới, không chỉ thưởng lãm thư họa mà còn góp một
chút tịnh tài, thỉnh những bức thư họa có ý nghĩa về tặng ba mẹ, đồng thời yểm
trợ cho chương trình mà thầy Thiên Ân khởi xướng. Đó chính là câu chuyện ấm
lòng mà mùa Vu lan cần được nhắc nhớ để có thể hoan hỷ mà rằng, “người trẻ
không vô tâm”.
4. Vâng, họ
không vô tâm, nhất là khi có thời gian gặp gỡ để nghe họ giãi bày cũng như lang
thang vào những góc riêng nơi những “ngôi nhà” Facebook sẽ thấy những hình bìa,
avatar cùng những status là những hoa hồng tươi thắm cùng những sẻ chia ăm ắp
tình thương.
Đó, có thể là “Con mong cho ba
luôn khỏe mạnh, mong má mãi bình yên, mỗi tối có thể đi chùa, tụng kinh, niệm
Phật; để mỗi mùa Vu lan về chúng con còn được cài hoa hồng, mỗi lần Tết nhứt
hay lễ lạt, tụi con còn thấy nụ cười tươi rói khi ba má đón mấy anh chị em con
về từ ngoài ngõ”. Đó, cũng có thể là lời xin lỗi, không bao giờ là muộn mằn của
những đứa con nhận ra những lúc vụng về trong ứng xử hay bồng bột trong lối
sống đã làm buồn lòng cha mẹ. Đó cũng có thể là nỗi lo một mai không xa ai đó
là con sẽ cài bạch hồng, vì cuộc sống vốn vô thường, trước những comment (bình
luận) nơi những bài thơ, nhạc, tùy bút, đoản văn kinh điển, đi vô lòng người
như Bông hồng cài áo, Lòng mẹ…
5. Những biểu
hiện của hiếu hạnh, của tình thương cha mẹ, trong tinh thần tri ân, báo ân nếu
mãi được dưỡng nuôi từ chất liệu tình thương, hiểu biết, từ những “mồi lửa” được
truyền đi từ chư tôn đức như thế, không chỉ riêng mùa Vu lan - Báo hiếu thì
chắc không khó và không lâu để tưới tẩm, truyền trao những bài học, giá trị
nhân văn cho người trẻ.
Tất nhiên, không phải chỉ bằng lý
thuyết suông mà còn bằng chính những hành động thấm nhuần như đã kể ở trên, để
những người trẻ lớn lên, đi xa bao lâu cũng
không thể quên cội nguồn, không quên ơn dưỡng dục cù lao vốn như một dấu hiệu
để làm người và bước ngoặt để
tu đạo, làm Thánh, làm Phật trong tương lai…