Một thời, Thế Tôn trú ở Vasàli, tại Đại Lâm. Vào buổi chiều, Thế Tôn đi đến thăm một Tỷ kheo bị bệnh nặng. Sau khi đến, Ngài ngồi xuống một bên và bảo các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy không bao lâu sẽ đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ và an trú vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê gớm đối với các món ăn, với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới, quán vô thường trong tất cả hành, và nội tâm an trú trong tưởng về chết.
Này các Tỷ kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy không bao lâu sẽ đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ và an trú vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Người bị bệnh, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.539)
LỜI BÀN:
Hiện tại, sức khỏe của chư Tăng nói chung là một vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc nhằm tìm ra nguyên nhân và phương pháp trị liệu, vì có khá nhiều vị bị bệnh. Tất nhiên bệnh tật là một thuộc tính cố hữu của con người, có thân ắt có bệnh. Đã bệnh thì không làm được việc gì nhưng nếu cố gắng thì vẫn tu được, kể cả những người đang lâm bệnh hiểm nghèo, đối diện với thập tử nhất sinh.
Thường thì đối với người đang lâm bệnh, thân thể bị hành hạ đau đớn khiến cho tâm tư phiền muộn, khổ não thậm chí có lúc bi quan, tuyệt vọng. Ai đã từng bị bệnh dai dẳng hoặc mang những căn bệnh nan y thì kinh nghiệm sâu sắc về điều này. Trong dân gian có phương thức trị liệu “lấy độc trị độc”, cũng vậy, người bệnh có thể chọn đề mục thiền quán ngay nơi thân bệnh của mình. Thay vì lo nghĩ và sầu muộn, người bệnh hãy dũng cảm nhìn vào sự thật của chính mình.
Thấy rõ thân này là tạm bợ và bất tịnh. Thân thể chỉ là tập hợp của tứ đại, nhờ thức ăn vào ra mà hình thành. Thân này rồi đây sẽ tan rã, tứ đại sẽ phân tán và vạn sự vạn vật trên đời cũng vô thường tán tụ như vậy. Nhận diện một sự thật rằng không có cái gì vĩnh cửu, tồn tại mãi mãi chính là tuệ giác. Vậy thì, khi tấm thân bệnh hoạn này đã rệu rạo, hỏng hóc thì nếu có bỏ đi, chẳng có gì để luyến tiếc nữa. Và ngay cả cái chết cũng chỉ là một sự “thay áo mới”, không có gì để sợ hãi.
Một người bệnh duy trì liên tục các đề mục thiền quán như thế về thân tâm và thế giới thì chắc chắn không còn bận tâm, lo lắng nhiều về thực trạng của chính mình. Nếu nỗ lực hơn nữa, người bệnh có thể giác ngộ sự thật, thành tựu chánh trí và giác ngộ, giải thoát.
Quảng Tánh