Đa số con người đều rơi vào hai loại chấp:
1) chấp thường:
tin rằng sau khi chết thì linh hồn còn hoài, hoặc xuống địa ngục bị
trừng phạt đời đời, hoặc lên thiên đàng hưởng phước đời đời. Trong
trường hợp này họ vô tình chấp nhận là có kiếp sau.
2) chấp đoạn: tin rằng sau khi chết là hết, không còn gì hết.
Đối với hai hạng người chấp như trên thì rất khó nói cho họ hiểu, bởi
vì trong tâm của họ đã đóng khung và tin chắc như vậy rồi, giống như một
cái ly úp ngược thì dù cố gắng đổ bao nhiêu nước cũng không vào được.
Vì không có thiên nhãn hay thần nhãn nên chúng ta có thể tạm dùng lý
trí mà suy luận ra. Hãy lấy thí dụ, làm sao biết được có vi trùng, vi
khuẩn? Mắt thường làm sao thấy được? Nếu mắt không thấy thì làm sao lại
tin là có? Đa số đều tin có vi trùng, kể cả những trẻ nhỏ mới biết đọc
biết viết. Người thường như chúng ta không trông thấy vi trùng nhưng
các bác sĩ, bác học với kính hiển vi họ thấy vi trùng một cách rõ ràng
và đối với họ, có vi trùng là một sự thật hiển nhiên chứ không còn là
một niềm tin nữa. Khi chúng ta bị bệnh đi nhà thương nghe bác sĩ nói ta
bị nhiễm vi trùng này,vi trùng kia là chúng ta tin liền. Tại sao không
thấy mà tin? Bởi vì do suy luận hợp lý mà tin. Ta tin bác sĩ là người
có học thức đàng hoàng, khổ nhọc nghiên cứu học hỏi trên dưới 10 năm mới
ra trường. Hơn nữa ông ta hơi đâu mà đi lừa ta làm gì? Ông ta nói vi
trùng nào cũng được, miễn sao cho ta thuốc uống hết bệnh là được rồi.
Tại sao mắt ta không thấy vi trùng mà vẫn tin? Tại sao ta không biết
trong thuốc có những hóa chất gì mà lại tin là uống vào sẽ hết bệnh?
Nếu ta muốn thấy tận mắt vi trùng thì phải vào các phòng thí nghiệm dí
mắt vào ống kính hiển vi. Nếu ta muốn biết những hóa chất của thuốc tây
thì phải chịu khó vào đại học vài năm để học y khoa hay dược khoa thì
mới biết được những hoá chất hay dược liệu đó là gì, có công năng gì, do
những phản ứng hóa học nào tạo ra, v.v...
Cũng
vậy, nếu muốn thấy được kiếp trước hay kiếp sau thì ta cũng phải chịu
khó tu tập thiền định để chứng được thiên nhãn thông hoặc túc mạng
thông. Đức Phật nhờ tu hành đắc đạo nên có thiên nhãn thông, túc mạng
thông thấy được vô số kiếp quá khứ của mình và của người khác giống như
người có máy video thâu được hình ảnh của mình và người. Điều cần nhấn
mạnh là những đệ tử của ngài cũng chứng được và thấy được kiếp trước của
mình. Đức Phật là bậc giác ngộ, đệ tử của ngài là những bậc thánh tăng
A la Hán, không còn phiền não ô nhiễm, đều chứng được thiên nhãn thông
và túc mạng thông. Là Phật tử, tuy nhục nhãn còn bị che lấp bởi vô minh
phiền não nhưng chúng ta vẫn có thể tin lời các ngài là có kiếp trước
kiếp sau, giống như chúng ta đang tin bác sĩ nói có vi trùng vậy.
Tại sao chúng ta không thấy được ngày hôm qua mà lại tin là có ngày hôm
qua? Ta biết được có ngày hôm qua là nhờ ký ức. Qua một đêm ngủ thời
gian không đủ dài để xóa mờ trí nhớ nên ta mới nhớ lại được. Nhưng làm
sao ta nhớ lại được chính xác ta đã làm gì, nói gì, đi đâu với ai, chỗ
nào 10, 20 năm về trước? Nếu không nhớ nổi việc cũ ngay trong kiếp này
thì qua một lần chết và tái sinh, trải qua một thân ngũ uẩn khác (ví như
một màn sương mù dày đặc) làm sao ta có thể nhớ lại được kiếp trước?
Một người bị mổ tim hay mổ óc, bị chích thuốc mê, sau khi tỉnh dậy nhiều
khi phải mất vài ngày mới hoàn hồn nhớ lại được mình là ai, đang ở
đâu. Chưa kể những người bị bệnh Alzheimer hoàn toàn mất hết trí nhớ,
đối với những người này thì ngày hôm qua còn không có huống chi năm
trước hay kiếp trước. Với kỹ thuật văn minh hiện đại, chúng ta có thể
chụp hình với máy ảnh hoặc thu hình với máy video. Những gì chúng ta đã
chụp hoặc thu hình từ mười năm trước, hôm nay tuy không thấy, không nhớ,
nhưng nếu cần thì chúng ta vẫn có thể lấy ra xem lại được vì tất cả
hình ảnh đã được thâu vào băng video. Cũng vậy tất cả những gì chúng ta
đã làm, đã sống đều được thu vào tâm thức. Tâm thức là một kho tàng
chứa tất cả những kiếp sống của ta, trong Duy thức Học gọi là Tàng thức
hay A lại Da (Alaya) thức. Người nào có khả năng đi vào vùng sâu thẳm
của tâm (tức Tàng thức) thì có thể thấy lại hết những kiếp sống quá khứ
của mình. Muốn đạt được khả năng này thì phải tu tập thiền định, hoặc
ngày nay với phương pháp thôi miên (hypnotisme) người ta có thể trở lui
về quá khứ hoặc kiếp này, hoặc nhiều lắm là một vài kiếp trước như
trường hợp của ông Edgar Cayce. Chuyện tin có kiếp trước là một chuyện
hiển nhiên đối với dân Tây Tạng, bởi vì các Lạt ma cao cấp, sau khi chết
và tái sinh các ngài đều nhớ được kiếp trước của mình, đã từng là ai, ở
đâu, sống trong tu viện nào, và nhận diện ra các đệ tử cũ của mình.
Chúng ta không thấy và không biết được có kiếp trước chỉ vì tâm thức
của chúng ta chưa được học hỏi, tu tập và phát triển. Khoa học ngày nay
cho biết là con người mới chỉ sử dụng được 10% bộ óc của mình mà thôi,
còn lại 90% kia chưa được khai thác và biết đến. Vì vậy một người thông
minh nên có tinh thần cởi mở để học hỏi và khám phá ra những điều mới
lạ, thay vì cố chấp khép tâm lại, chỉ tin những gì mắt thấy, tai nghe,
tay sờ mó được.
Thích Trí Siêu
Nguồn: trisieu.free.fr