Đạo đức - Tâm lý học PG
Khái niệm Niết-bàn theo quan điểm tâm lí học
Viết bởi Pháp Thường
08/06/2011 06:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khái niệm Niết-bàn vốn thành hình cách đây hơn 2500 năm. Các học giả và các triết gia khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ liền đã nỗ lực lý giải khái niệm này bằng cách tận dụng sự hiểu biết hạn chế của mình.



Thật ra, để lý giải khái niệm về Niết-bàn bằng thuật ngữ theo quy ước [thế gian] thì quá mênh mông và khó khăn. Khái niệm Niết-bàn thường bị hiểu nhầm và đôi khi còn bị lạm dụng trong ngữ cảnh Tây phương (chẳng hạn, nhóm nhạc Rock Niết-bàn hay Hộp đêm Niết-bàn). Một vài học giả Tây phương đã sai lầm khi cố gắng chuyển dịch từ này như là một trạng thái gây nhạy cảm hay giống như một khoái cảm cực độ.

Khái niệm Niết-bàn đầu tiên được đức Phật Thích-ca [566-486 trước Tây lịch] chứng giải. Vào độ tuổi 35, bậc Thánh ấy đã đạt đến sự giác ngộ, toàn tri về thật tánh của hiện thực, tức là Niết-bàn hay chân lý tuyệt đối. Từ Niết-bàn này xuất phát từ nghĩa gốc là “thổi tắt”, chỉ cho sự dập tắt tham, sân, si mà chúng được minh dụ như là những ngọn lửa bừng.

Khi những phiền não thuộc tâm và cảm thọ ấy được trí tuệ tận hủy, thì khi ấy tâm thức trở nên tự tại, tỏa sáng, an lạc và lúc chết không còn bị tái sinh nữa. Niết-bàn chính là đại an lạc.

Đức Phật mô tả sự an trú Niết-bàn như là một trạng thái “bất diệt” và là sự chứng đắc tâm linh tối thượng, đấy là phần thưởng cho những ai sống đời phạm hạnh. Nhất là, Nibbana [trong thuật ngữ pāli, tác giả muốn nói đến truyền thống Tiểu thừa hiểu Niết-bàn như thế nào] mang ý nghĩa gắn liền với sự ngộ đạo, gắn liền với trạng thái tâm hành tịch diệt, tức là sự chấm dứt mọi hoạt động của cảnh giới tâm.

Niết-bàn chỉ có thể được mô tả bằng sự phủ định là “phi giác” mà thôi. Theo đó, đức Phật đã giải thích khái niệm sâu sắc này cho một trong những đệ tử của Ngài. Ngài hỏi có phải khi lửa đã bị dập tắt rồi, người ta có thể cho là nó đã đi từ đây đến bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc hay không. Dù sao đi nữa thì Niết-bàn không thể cho là hữu, phi hữu, hoặc vừa hữu vừa phi hữu hay là vừa phi hữu lại vừa phi phi hữu.

Đại đức Dr. Walpola Rahula mô tả khái niệm về Niết-bàn như sau:

“... Sự phúc đáp hợp lý nhất là không bao giờ Niết-bàn được trả lời trọn vẹn và thỏa đáng bằng ngôn từ cả, bởi vì ngôn ngữ của thế gian quá nghèo nàn đến độ không thể nào biểu đạt được bản chất  của chân lý tuyệt đối hay thực tại tối hậu, tức là Niết-bàn. Ngôn ngữ được con người tạo ra và đã dùng để diễn đạt các thông tin về sự vật và các khái niệm được năm căn và ý cảm nhận”.

Một thể nghiệm xuất thế gian thuộc về chân lý tuyệt đối không thể nào có một phạm trù như vậy. Ngôn từ mà chúng ta biết là những biểu tượng thể hiện các sự vật và ý niệm; và những biểu tượng này không phải và không thể chuyển tải ngay cả thật tánh của các sự vật thông thường. Ngôn từ được xem là dễ đánh lừa và làm sai lạc trong việc nhận thức chân lý. Thế nên, kinh Lăng già dạy rằng, chúng sinh vô minh bị đọa ở ngôn từ như voi sa lầy. Tuy nhiên, chúng ta không thể không có ngôn từ.

Thật là sai lầm khi nghĩ rằng, Niết-bàn là kết quả tự nhiên của sự tận diệt khát ái [sự diệt dục]. Niết-bàn không phải là thành quả của bất cứ cái gì cả. Nếu có thể là một kết quả, thế thì Niết-bàn phải là một kết quả do nhân nào đó sinh ra. Nó sẽ là cái “được sinh” và “có điều kiện”. Niết-bàn phi nhân, phi quả [chẳng phải nhân mà cũng chẳng phải quả]. Như Thiền-na [dhyana] và Đẳng chí [samadhi- xa-ma-tha/ một loại thiền định tối thắng], Niết-bàn không bị sinh ra giống như là một trạng huống thần bí, tâm linh hay tâm lý nào đó.

Người ta hay hỏi: có cái gì sau khi nhập Niết-bàn? Câu hỏi này không thể nào được đặt ra, bởi vì Niết-bàn là chân lý tối hậu. Làm gì có cái nào ở sau Niết-bàn khi nó là tối hậu. Nếu có cái gì sau khi nhập Niết-bàn, thì cái đó sẽ là tối hậu và không phải là Niết-bàn.

Bậc đã chứng được chân lý, Niết bàn, là người hạnh phúc nhất trong thế gian này. Ngài thoát khỏi mọi “phức tạp rối ren” và những dằn vặt, những phiền não và nghi hoặc mà chúng là tác nhân gây khổ đau cho người khác. Phẩm chất tâm của Ngài là toàn hảo [luôn an trú trong thiền định], nghĩa là Ngài tự tại suốt cả ba thời [quá khứ, hiện tại và vị lai].

Ngài sống trọn vẹn trong hiện tại. Do vậy, Ngài hiện trú và an lạc các pháp bằng bản chất tâm bất sinh, vô ngã tưởng của mình1.  Ngài an lạc, hoan hỷ, hân thưởng cuộc sống thanh đạm, vui theo khả tính [tri túc] của mình, hoàn toàn tĩnh lặng, trong sáng, giải thoát hẳn phiền ưu.

Bởi vì đã thoát khỏi sự khát ái, sân hận, vô minh, kiêu mạn, tự tôn, và mọi thứ “nhiễm ô” như vậy, nên Ngài tịch tịnh và thanh thoát, trọn vẹn đại bi, lòng từ mẫn, thiện tính, vị tha, hiểu biết và khoan dung. Hạnh lợi tha của Ngài thì thuần tịnh, vô niệm, vì không có niệm tưởng nào về ngã cả. Ngài không giành lấy hay tích lũy bất cứ điều gì, bởi vì Ngài tách rời hẳn ảo tưởng về cái tôi và sự “thèm khát” cái đang hiện hữu.

Niết-bàn và tâm chúng sinh

Con người được tạo thành do 6 yếu tố hay lục đại: tánh cứng, độ lỏng, hơi nóng, sự chuyển động, không gian và thức [đất, nước, gió, lửa, không gian và thức hay địa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại, không đại, thức đại]. Như vậy mọi nhận thức của nhân loại đều sở y trên những cực vi [các thành phần nhỏ nhất] và dựa vào các lực của thời gian và không gian, mà chúng là sự giả hữu của 4 sự vật có thể tách ly được [tứ đại phân ly]. Điều này gây nên nhiều nạn vấn cho nhân loại bởi vì sự liên hệ tất yếu giữa các sự vật [các pháp] ấy là không thể lãnh hội.

Tính chất kép thuộc về thân-tâm được xem như là vấn đề “tâm lý” đã được tác phẩm “Những trạng thái suy nghiệm” của Descarts2, nhà triết học và toán học rút gọn thành công thức, ấn hành vào năm 1641. Descarts thấy rằng, thế giới bao gồm hai thực thể sai biệt căn bản: tâm và vật.

Theo Descarts thì vật chất chiếm lĩnh không gian 3-D [không gian 3 chiều], còn tâm thì không. Ông không thể giải thích thỏa đáng là vì sao mà hai thực thể ấy, tâm và vật, lại có quan hệ với nhau như vậy. Đến Benedictus Spinoza (1632-1677)3 nhận thấy tâm và thân là hai thuộc tính đồng nhất thể [thực thể giống nhau]; tiến trình của một thực thể và sự vật giống nhau này được biểu đạt trong hai cách khác nhau.

Cái gì là sự tương quan giữa thân và tâm nhân loại? Tâm chúng sanh có thể đạt được những chức năng thần kinh cao cấp nhất qua quá trình tiến hóa không? Thuyết tiến hóa đã nói lên điều gì? Sự giải thích của Darwin dựa trên hàng loạt dữ liệu đặc biệt được khoa học tập thành, nó được ràng buộc vào nhau bằng một khối giả thuyết: trái đất và sự sống phát triển qua các tiến trình vật lý, hóa học và sinh vật học trải suốt hàng tỷ năm.
[Theo Darwin] nhân loại tiến hóa từ loài khỉ bằng quá trình biến đổi vật chất thuần túy của “sự chọn lọc tự nhiên”, tiến trình tương tợ này xuyên suốt mọi đời sống tiến hóa.

Do vậy, bộ môn Vũ trụ khoa học là một bộ môn phát triển và tiến bộ liên tục xuyên suốt các thời kỳ dài đăng đẳng. Con người đã đạt được những thành công to lớn trong lãnh vực này. Não bộ của họ đã phát triển đến một điểm cao hơn. Còn tâm thức con người thì tuyệt vô giới hạn. Nền khoa học đương thời đã không khám phá được chí đến 5 phần trăm não bộ của con người và khả tính thông tuệ của nó [nói chi đến lãnh vực tâm thức].

Các nhà Thần kinh học hằng ngày đều khám phá ra những giản đồ mới, và các chức năng não bộ siêu cấp. Tất cả đều có quan điểm chung rằng, tâm thức con người là một hệ thống phi thường tiến bộ gấp hàng triệu lần những máy tính mới nhất. Theo Phật giáo, tâm và vật là bất khả phân [không có sự phân biệt nào giữa các khía cạnh vật lý và đời sống tâm lý]. Kinh nghiệm của người này ảnh hưởng đến người kia.

Niết-bàn có thể quan sát thấy bằng tâm. Nói cách khác, tâm thức con người có thể được tập luyện trong những hoạt động nhận thức cao hơn. Khi tâm thức vươn đến một trạng thái như vậy thì nó có thể “xứng lý tác Phật sự” (luận chứng đúng như lý và xuất sinh thiện hạnh). Sự thực chứng Niết-bàn là một hình thái chứng đắc tâm thức siêu việt.

Đây là một quả vị mà trong đó người ta thể nghiệm tánh nhất thể và thực tướng của các pháp như nó đang là. Tánh nhất thể và duyên sinh4 này của vạn pháp là thực tại khách quan / thực tại phi chủ thể] phát nguyên từ quan điểm Phật giáo.

Thức và Niết-bàn

Bởi vì não bộ không chỉ được hình dung như là một hệ thống chuỗi thần kinh liên kết, hơn thế, đặc biệt nó còn được hình dung như là một “hệ thống” sóng vật chất [a matter wave ‘system’] cộng hưởng các khu vực [não bộ] và kiềm chế ngay cả những khu vực não bộ khác nữa. Cái gì chúng ta gọi là thức và ký ức, thì có lẽ cái đó được mô tả như là những cộng chấn và chế ngự toàn bộ hệ thống não bộ.

Cũng có thể, thức và trí năng là một cộng chấn của hệ thống sóng vật chất não bộ; một hiệu ứng của hệ thống não kết nối với ngoại giới (thế giới bên ngoài). Cấp độ của thức cho phép người ta sở hữu được thì hẳn là phụ thuộc vào cấp độ kết tập của hệ ba động não bộ có tính đồng vị và đồng thời với môi trường5. Hệ thống não bộ càng tương tác và cộng chấn hơn với môi trường thông qua cảm quan, thì hệ thống đó càng khiến cho thức căn [chính là thẩm quyền của căn. Luận sư Thế Thân trong Câu-xá luận nói: “Dưới ách thống trị của căn” Skrt: Indrye] lớn mạnh hơn.

Đức Phật đã dạy, thức sanh do cảnh duyên, vô cảnh vô duyên thì không có thức. Thức phụ thuộc vào sắc tướng, cảm thọ, tri giác và các xung lực (sắc, thọ, tưởng, hành) để nó hiện khởi và nó không thể tồn tại độc lập. Theo thực chất mà nói, chức năng của nó là đánh giá, đo lường.

Sự hòa hợp của vô thức và hữu thức (ý thức)

Một cá thể đặc trưng hóa là một cá thể được vô thức và hữu thức hòa hợp và cái tôi thì không được chuyên nhất. Điều này đạt được bằng cách khai thác [cho được] mối liên hệ với vô thức, và mối liên hệ này không cho phép bị cái tôi hay cái ngã áp đảo. Rõ ràng là cái tôi đã có giá trị.

Những hàm năng hiện hữu bên dưới cái ngưỡng của thức cần được mang lên trên cái ngưỡng ấy, những thứ chứa đựng bóng dáng khổ đau bị đè nén và những hành tướng nguyên vẹn chủ yếu do vô thức kết tập cần phải được nhận ra. 

Theo Phật giáo, trong tâm con người, có 9 cấp độ của thức [cửu chủng thức - 9 loại thức]. Năm thức đầu tiên [tiền ngũ thức] tương đương với năm giác quan của chúng ta và được gọi là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức, (thức của mắt, của tai, của mũi, của lưỡi và của thân6). Bốn thức còn lại thuộc về các loại thức chủng tử tâm hay tâm ý thức [mind consciousness].

Thức thứ sáu kiểm soát nhận thức về thế giới ngoại tại và thế giới vật chất. Thức thứ bảy liên hệ đến cảnh vực tinh thần bên trong của chúng ta và điều phối khả tính của mình trong việc tư duy và đánh giá. Thức thứ tám là kho chứa của Nghiệp, được gọi là Tàng thức hay Alaya. Thức thứ chín là nền tảng của nhất thiết tâm linh, được gọi là Amala, tức là bạch tịnh thức, vô cấu nhiễm, trong sáng như thủy tinh [Amala] vậy.

Giác ngộ thành tựu từ trạng thái mà nơi đó tâm ý thức [conscious mind] làm phát khởi được tiềm năng của mình7  qua tu tập ba pháp vô lậu: giới, định, tuệ. Niết-bàn, quả vị cứu cánh của Phật giáo là trạng thái vô ưu, vô tham và vô ngã tưởng.

Niết-bàn là trạng thái hạnh phúc tuyệt đối. Theo học thuyết Nibbana, Niết-bàn [theo truyền thống Nguyên thủy] chẳng những chỉ cho tâm thức bất khứ bất lai mà nó còn là một quả vị viên chứng nữa, nhờ thế mà “sự giải thoát có thể được cho là nhờ tâm xả ly, cũng giống như Niết-bàn trong Phật giáo.”
Ở nơi khác, đức Phật dạy, Niết-bàn là “yếu tánh vô lậu”.

Ngoài tầm học thuyết Freud

Freud đã mô tả về khoa tâm bệnh lý hay Phân tâm học ở mức độ cơ bản. Bộ môn Phân tâm học này dựa trên tiến trình tâm lý ý thức và vô thức. Freud phát triển học thuyết về thái độ ứng xử và tâm thức, dục tính hay những hoạt động của nó kể cả các niệm tưởng.

Hoạt động vô thức là khái niệm cốt tủy của bộ môn này. Khái niệm về Siêu Tôi mà Phân tâm học hướng đến nó không khác với Niết-bàn, mà điều này thì chẳng dễ gì mô tả. Luận về cái Siêu Tôi cực đoan (xin đọc tác phẩm Phân tâm học tác giả viết chung với Clinical Evidence, xuất bản 2004, Colombo, Sri Lanka) nêu ra một vài ý tưởng căn bản về các chức năng của Siêu Tôi và cái Siêu Tôi cực đoan trong con người có tâm thức đã phát triển. Con người với tâm thức phát triển cao như vậy, thì những xung động bản năng sẽ giảm xuống và chiều hướng tâm thức của họ ưu việt hơn.

Thuyết hiện sinh và khái niệm Niết-bàn

Người ta đã phát hiện ra một vài điểm giống nhau khi so sánh giữa Phật giáo và các trường phái theo học thuyết hiện sinh. Những nghiên cứu như vậy thường sử dụng chủ yếu là các phương pháp siêu hình truyền thống và thực tế là chúng biểu lộ rõ sự phối hợp lẫn nhau về một vài hình thái của phương pháp luận [về] hiện tượng học.

Khoa Tâm lý học hiện sinh đã giải quyết những vấn đề cơ bản về sự tồn tại mà có lẽ nó là nguồn gốc gây ra mâu thuẫn nội tại trong mỗi con người. Những vấn đề này mang tính phổ quát và cố hữu trong kiếp người [humain condition]; cái chết, sự tự do, và tính cô độc bẩm sinh [essential aloneness] và sự vô nghĩa nữa. Cả Phật giáo và Nietzsche đều đề cập đến sự giả hợp của kiếp người.

Từ khổ [dukkha] nói lên ý nghĩa triết học sâu xa về khổ, không của Phật giáo. Dukkha là chữ Phạn, thường được chuyển dịch là “thống khổ”. Tuy nhiên, loại khổ quan trọng nhất chính là hành khổ, sở dĩ có sự đau khổ là bởi tâm thức vô minh.

Khoa tâm lý học hiện sinh nhấn mạnh đến ý nghĩa của đời sống và sự giải phóng con người. Khái niệm Niết-bàn mà đức Phật đã sử dụng còn ưu việt hơn cả khái niệm về tự do. Niết-bàn chỉ cho sự tự do siêu việt và là sự giải thoát tịch mặc diệu kỳ, đó là mục đích tối hậu của tất cả những lời đức Phật dạy.

“Đây là an lạc, đây là tính vi diệu - sự giải trừ mọi hư vọng, sự xả ly mọi chấp trước, sự chấm dứt khát ái, sự vô dục, tịch tịnh, Niết-bàn.”

Tâm lý học cấu trúc và khái niệm Niết-bàn

Từ Gestalt8 có nghĩa là nhất thể hay là viên mãn nghĩa, nhưng mà ở đây người ta dùng nó cho mục đích của việc

nghiên cứu Tâm lý học. Nghĩa là, Tâm lý học cấu trúc được thiết lập trên sự khảo sát mà chúng ta thường thể nghiệm các sự vật, chứ không phải là những cảm nhận riêng lẽ, đơn thuần của chúng ta. 

Trong sự nhận thức, có nhiều nguyên lý tổ chức được gọi là luật cấu trúc. Con người không thể nhìn thấy thực thể đa chiều, bởi vì quan năng của con người bị giới hạn trong không gian 3 chiều, ngay cả thế giới đa chiều hơn cũng chỉ là một tập hợp con của hệ thống đa chiều mà thôi.

[Khi mà] một bộ phận tương hợp của các nguyên lý chỉnh thể được phát triển thì thế giới đa chiều được khám phá bằng hệ thống lý luận chỉnh thể ấy. Điều đó đem lại các giải thích phổ thông dễ hiểu về những hiệu ứng vật lý lượng tử và cung cấp những câu trả lời hợp lý cho nhiều vấn đề đã không thể giải quyết được, chẳng hạn như tất cả những vấn đề đối lập nhau, sự tương tác giữa thân và tâm, cấu trúc nội tại của tâm thức con người, khởi thủy của cuộc sống, và bản chất sáng tạo của tiến hóa.

Qua những cuộc thí nghiệm về vật lý lượng tử cho thấy rằng các nguyên tử, các khối cấu trúc cơ bản được cho là thuộc về vũ trụ, về mặt bản chất, chúng đều trống rỗng. Do vậy, khoa vật lý lượng tử đã mang lại sự hiểu biết hoàn toàn mới về những hạt cực vi và chân không. Theo vật lý hạt9 khối lượng không còn được xem như là một thực thể vật chất nữa, mà được xem như là một dạng năng lượng.

Trong kinh Pháp cú [Dhammapada], nghĩa Niết-bàn được giải thích như sau:

“Có cái lượng độ10 mà ở đó không có đất, nước, gió, lửa; không có giới hạn về kích thước của không gian, cũng không có giới hạn của thức, không có hư không giới, không có tưởng hay phi tưởng, không có cõi này, không có cõi kia, cũng không có cả mặt trời và mặt trăng.

Ta nói ở đấy, vô khứ, vô lai, vô trụ, bất sinh, bất diệt; ở đó không có định kiến, không có nền móng, không có đối tượng của thức. Đúng như thế, ở đây là sự chấm dứt khổ đau.”

Các nhà Tâm lý học cấu trúc tin vào trực giác hay là sự thể nghiệm TỰ THÂN hay THÂN CHỨNG11, hay nói một cách chính xác là sự đốn ngộ [sudden perception of critical relationship-lãnh hội đột ngột về mối liên hệ cơ bản]. Sự lãnh hội Niết-bàn đôi khi có được như là sự đốn ngộ [Aham kāromi parikṣāṃ]. Lúc các khả năng lãnh hội được thăng tiến thì ngay sau đó người ta có thể nắm bắt và hiểu rõ một vài vấn đề phức tạp nữa.

Kết luận

Nói chung, khía cạnh quan trọng của Niết-bàn không phải là một điều gì đó xảy ra từ một chuỗi nguyên nhân, cũng không phải là một điều gì đó hiện hữu như là kết quả của một hành vi sáng tạo, hay là sự tích hợp các yếu tố nhân quả; nó không bao giờ được tạo ra; nó vốn đã là, đang là, và sẽ là. Thế nhưng, do phẩm hạnh suy kém và tâm thức vô minh của con người, do chúng sinh lỡ bước trầm luân12, nên Niết-bàn vẫn còn bị che đậy bởi vô minh vọng tưởng.■

Pháp Thường
(dịch và chú thích)
Chú thích:

1. Duy chỉ Phật Thế Tôn, do chứng đắc phần đối trị, mới diệt trừ sự vô tri ấy một cách toàn diện khiến nó không còn tái sinh trong tất cả mọi đối tượng nhận thức. (A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận/ T.Tuệ Sỹ).
2. René Descarts (1595-1650), được xem như là người khai sáng cho lịch sử Triết học của Tây phương. Ông là một nhà khoa học, triết gia, nhà toán học, nhà đạo đức, nhà luận lý. Mặc dù là một người theo đạo công giáo, nhưng ông vẫn tin là có những chân lý quan trọng mà các tác giả của Thiên chúa giáo không thể nào nắm bắt được. Những tác giả ấy đã cho rằng, các chân lý gắn liền với bản chất tối hậu của những sự vật hiện hữu. Ông cho rằng cái gì ông thấy và phân biệt một cách trong sáng thì cái đó là sự thật, còn cái gì thuộc về giác quan và tưởng tượng thì theo ông là không thật. Và, ông tin là có một đấng tác thành ông... Bởi vì, dưới những giác quan sai lầm ấy là tính trong sáng và phân biệt chính xác. Thế thì, tâm và vật là hai thực thể biệt lập. Trong tác phẩm Phương pháp luận, câu nói nổi tiếng của ông: “cogito, ergo sum - Tôi tư duy, tôi hiện hữu” (xem The histoiry of Western Philosophy / B.t Russell).
3. Benedictus Spinoza (1632-1677) là một triết gia ôn hòa. Gia đình ông là một trong những gia đình theo đạo Do Thái đã bỏ trốn Portugal sang Hà Lan để tránh những cực hình dã man. B.T Russell nhận xét: “Nhà triết học ấy đã bỏ cả đời để quan sát suy gẫm. Và một thế kỷ sau cái chết của ông, một con người làm cho sự đồi bại phải run sợ.”
Theo Spinoza, không có chuyện đa thực thể như Descarts quan niệm, chỉ có một thực thể vô tận mà thôi. Spinoza đã đánh đồng thực thể này cùng Thượng đế, nhưng chứng cớ về Thượng đế thì ông không sai lầm. Thượng đế của Spinoza đơn thuần là Thực thể uyên nguyên hay thực thể căn bản, hoàn toàn không phải là Thượng đế theo kiểu Do Thái - Cơ Đốc. Hơn thế, Thực thể uyên nguyên chỉ là tổng thể tối hậu của mọi thứ mà nó đang là. Chính là thực tại, tự nhiên. Mặc dầu Spinoza được cho là kẻ theo thuyết vô thần, nhưng với ông thì không. Ngược lại, ông là một người hữu thần, ông tuyên bố: Thượng đế là tất cả. (The power of ideas / B.N. Moore and K. Bruder).
4. Interconnectedness-tính liên hệ = relationess, chữ thường dùng của TH. Stcherbatsky trong Buddhist Logic.
5. The degree that one may have might depends upon the collective degree of the brain wave-system being in-phase with the environment - sở hành cảnh giới của thức, tức là sự tiếp xúc giữa căn và cảnh phát sinh nhận thức.
6. Thực tế thì chỉ có một thức mà thôi. Song, Duy Thức thiết lập Tám thức, trừ Bạch tịnh thức ra [bởi thức này không thuộc về Dị thục thức, tức là ở bên ngoài cảnh duyên và năng duyên, nó chính là Phật tánh vậy, nên cho là cấp độ thứ Chín. (Khóa Duy thức học/ T.Tuệ Sỹ).
7. The conscious mind is depotentiated of energy. depotentiated = δεσποτετια [Grk] -làm phát khởi đại năng lực, hay thánh trí bằng sự nỗ lực làm việc. Greek-Engl Lexicon.
8. Gestalt là chữ thuộc về thời kỳ Trung cổ nước Đức, phái sinh từ động từ gestalten:bố trí, bày biện, sắp đặt, bố cục. Grk: διαμορφωνω.
9. Vật lý hạt là ngành vật lý chuyên nghiên cứu về các hạt sơ cấp chứa trong vật chất và bức xạ, cùng với những tương tác giữa chúng.
10. Chiều kích. Eng: dimention. Pāli: parimāṇa.. H.D: 量度 (Theo English-Pāli dictionary và Pāli Phật giáo từ điển).
11. Aha experience. Skt: Aham + kāromi + parikṣāṃ: Tôi tự tạo / tôi nắm lấy sự chứng nghiệm (Theo Anh-Hán từ hải).
12. Sansarically benighted beings-sansarically là chữ đã đươc Anh hóa, chính là samsara của Phạn ngữ.

Nguồn Tập San Pháp Luân 37

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch