I. Thời Không Là Môi Trường Chứa Mầm Sinh Diệt, Vô Thường
A. Thời Không Qua Cái Nhìn Của Lăng Kính
+Theo Phật giáo, Hư không là Không gian, khoảng cách, không khí hay môi trường sống. Ðó là Không đại, một trong thất đại.
a. Không gian là bầu dung chứa vạn hữu và cái rỗng không. Khi sự vật
được dung chứa trong không gian, Thề Không của vạn vật (khối cố định
chiếm khoảng không) là tướng hư không: Tướng Không của sự vật được giới
hạn trong khoảng không của hình dáng riêng biệt của sự vật.
+Khi khởi đầu, đứng trước Cái Chưa Là, tức cái dự phóng tương lai, vì
Tương Lai là cái không bao giờ đến. Từ cái Chưa Là, ta vừa bắt đầu Cái
Trở Nên, tức là Cái Ðang Là hay Hiện Tại. Từ Cái Ðang Là ta mới biết Cái
Ðã Là hay Quá Khứ. Ba thì đó tạo thành thời thể.
b. Thời gian là thực thể của Trở Nên. Thời thể trở nên Hư không khi
sự vật ở trong trạng thái thụ động tiêu cực. Trong trạng thái thụ động,
sự vật tùy thuộc vào chính nó, đó là thực tại tính của sự Trở Nên tức là
tiềm năng của Thực Hữu.
+Khi thời gian bị tiêu hủy, không gian thu hẹp ở Hữu Thể.
( sự vật chiếm cứ không gian), lúc ấy kể như không gian triệt tiêu
chỉ có Tánh Giác về Hữu Thể. Khi thời gian vừa khai mở, Hữu Thể biến
thành Trở Nên thì Hữu Thể đó Ðã Là (Quá khứ). Hữu Thể (Ðã Là) tức là trở
nên Hữu Thể mới không còn là chính hữu thể trước nữa, tức là không thật
là hữu thể cũ. Quá khứ là hư không, không thật.
+ Dung lượng và thời lượng tăng hay giảm theo tỉ lệ thuận của sự phát
triển của không gian và thời gian. Bánh xe thời gian chuyển động trong
không gian vô tận. Không gian sẽ biến thiên đến cực tiểu hay tiêu hủy
khi thời gian tàn lụi đến triệt tiêu.
+- Nhắc lại, theo Thích thiền Ba La Mật Thứ Ðệ Pháp Môn quyển 1, giải
thích; Không gian vô tận có hai thế giới: thế giới mê vọng và thế giới
giác ngộ;
- Lại theo Long Thọ Bồ Tát cũng đã nói ở Phần I, Trung Không Diệu Hữu.
Trong không gian có nhiều điều huyền diệu:bí ẩn, sâu kín hay che dấu như trong thế giới vô hình, mắt thường không thấy được.
- Thứ nhất: Chứa thế giới mê vọng là huyễn hóa, không thật, chằng
chịt nhân duyên, ràng buộc luân hồi, sanh tử tức là Cái Không thật có
cũng Không thật không.
- Thứ hai: Chứa thế giới giác ngộ, chơn thật tức là Cái Thật có tức
là Cái tùy thuộc vào chính nó, Cái chơn không, Cái thiệt Hư không hay
Tánh Giác cũng là Chơn tâm, Niết bàn.
+Chúng tôi muốn bàn đến thời gian và không gian là yếu tố quan trọng
trong vấn đề sanh diệt nhân quả. Mọi vật trong không gian nầy đều bị
nhân quả của năng lực Thời Không chi phối. Như trong không gian có vũ
trụ, thái dương hệ.. . , địa cầu. Mọi vật trong địa cầu đều bị sức hút
(trọng lực) làm ảnh hưởng đến chất và lượng của bản thân chúng; ngay cả
trái đất cũng lệ thuộc vào vận hành của thái dương hệ và chuyển động
quanh quỹ đạo v. v.. đều nằm trong không gian. Trọng lực của trái đất
(không gian) và lực cản của sự vật (nội chất), dung chứa trong không
gian là hai lực mâu thuẫn Hút và Cản, tạo ra sự sanh diệt của sự vật.
Lực Kéo của vũ trụ vô cùng to lớn -- trong khi lực Cản của sự vật quá
nhỏ, ngay cả núi Thái Sơn, đối với không gian bao la vô tận cũng không
thấm vào đâu. Cho nên theo thời gian, sự vật sẽ bị lực Kéo (không gian)
hủy diệt mà thôi. Chúng tôi không muốn đề cập đến những nhân duyên phụ
khác (không đáng kể trong trạng thái bình thường so với trọng lực) như
ánh sáng, âm thanh, không khí v. v.. . Tất cả sự vật được dung chứa
trong không gian đều có lực cản của chính nó và bị trọng lực thu hút và
ảnh hưởng của sáu đại khác theo thời gian, có thể gây thêm cho sự vật ấy
di động với những tốc độ khác nhau và có thể làm tổn hại đến chính nó
và các sự vật khác. Trung Không Diệu Hữu cũng có nghĩa là trong không
thời gian chứa biết bao điều huyền diệu. Trong không thời gian dung chứa
tất cả mầm sanh diệt hay không thời gian đồng hóa với mầm sanh diệt tức
là không thời gian coi như là mầm sanh diệt. Cũng tương tự như thế "Tàng
Thức là kho chứa tất cả những Chủng Tử hay Nguyên Nhân Phát sinh của
Thực Tại Kiến Lập:.. . Tàng Thức được định nghĩa là nguyên nhân phát
sinh của tất cả hiện tượng giả lập bởi vì nó luôn luôn hiện diện như là
nguyên nhân của các hiện tượng nầy".. . (TC Triết 1, tr. 47)
B. Thời Không Chứa Mầm Móng Sinh Diệt, Vô Thường
a. Sanh Khởi
Duyên khởi từ vật chất đến phi vật chất
Sự giao lưu năng lượng và vật chất với bên ngoài (như Không gian và
Thời gian) nên bản thân sự vật không những lệ thuộc vào nhân duyên nội
tại mà phải bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường ngoại giới. Như ảnh hưởng
vật chất (thức ăn) đến sinh lý con người, mà sinh lý ảnh hưởng đến tư
tưởng tình cảm và hành động. Hệ thống cân bằng sinh lý của con người
được tạm thời ổn định là lịch trình tiêu tán của trạng thái đau khổ và
khoái lạc. Lý Duyên Khởi được nhận thức sâu sắc qua Tứ Đế:Tập (nhân) Khổ
(quả), Đạo (nhân) Diệt (quả), và Thập Nhị Nhân duyên. Ngay Lục Căn
trong Sắc Thân của Ngũ Uẩn cũng cần được phân tích theo Tâm lý học để
làm sáng tỏ lý Duyên Khởi, là Thực Tại giả lập, là Tánh Không hay là sự
vật đều không có Tự Tánh hay do nhân duyên kết hợp mà sanh ra.
Nhân duyên quả
Sự sanh sản của vạn hữu đều do nhân duyên quả mà ra. Thí dụ, hạt thóc
là nhân, khi có ruộng nước được gieo trồng mưa thuận gió hòa theo thời
gian thì có lúa, nghĩa là nhân có đủ duyên thì có quả. Con người cũng
vậy có tổ tiên ông bà , có cha mẹ mới có con cái, riêng tâm thức cũng
cũng được kết cấu do nhân lục căn phối hợp với lục trần mà có lu6c thức
hay tâm thức.
Cái trở nên hay vật sanh ra được kiến lập do nhân duyên quả (căn trần
thức) là cái Thức, là bóng dáng của đối tượng mà chủ thể nhận biết.Nhận
thức sự vật gọi là cụ thể, được đi đôi với một tên gọi nào đó, không có
tên gọi thì đối tượng không là gì cả. Sự vật được đặt tên không phải là
đối tượng trực quán của chân trí. Như thế đối tượng của tri thức không
là gì khác hơn là giả tượng. Do đó, sự vật mà ta tri giác do cảm giác
(Căn trần, nhân duyên kết hợp) thêm kinh nghiệm (Thức) mà có tên gọi.
Tên gọi của sự vật mà ta nhận biết chỉ là giả danh. Sự vật giả danh là
do duyên khởi qua nhận thức của chủ khách. Đã Giả Danh (theo Ngài Long
Thọ), duyên khởi thì sự vật nhận thức đó không có tự tính hay là Thực
Tại Tùy Thuộc (theo Ngài Vô Trước) hay là Tánh Không.
Từ sự vật được trông thấy bởi nhãn căn (thí dụ), đó chỉ là
hình ảnh của sự vật, là Tướng Không của hình ảnh đó tùy thuộc vào sự vật
duyên hợp (không hiện hữu tự nhiên).Sự vật được kiến lập tùy thuộc vào
nhân duyên hay thay đổi (sanh diệt) thì tự tánh của chúng cũng là Không.
Bóng dáng của sự vật thay đổi bởi quan niệm kết tụ do thọ tưởng hành
thức (lục dục thất tình) nên cá nhân nhận thức tốt xấu, thiện ác, màu
sắc, sạch nhơ v.v...
Cái Trở Nên là cái không thật có, cũng không thật không. Tự tánh tùy
thuộc cũng nằm trong phạm trù Tánh không. Tự tánh tùy thuộc được thể
hiện tướng sanh diệt do tác động thời gian thì có sanh có diệt, và quan
niệm cá nhân chi phối. Thời gian ngưng chuyển, tức thì tự tánh tùy thuộc
cũng tuyệt tích, vì nhân duyên không thể phát triển. Chủ thể (Ý) nhận
thức được tướng không của sự vật tùy thuộc vào nhân duyên tìm ẩn trong
tàng thức. Chủ thể và sự vật tùy thuộc vào nhân duyên mà tri nhận, nên
sự tri nhận đó cũng không thật và chắc chắn. Tự Tính tùy thuộc của sự
vật cũng là vô tự tính hay Tánh Không. Sự vật biến đổi (sanh diệt) làm
cho hình ảnh của chúng mà con người trông thấy Sạch Nhơ v.v.. tùy theo
quan niệm cá nhân. Tự tánh tùy thuộc còn gọi là Hóa Thân.
b. Hủy Diệt
+Sự vật tự thân nó đã có mầm mâu thuẫn nội tại. Sự sanh diệt của sự
vật do lực cản của chính sự vật (nội thân) và lực hút của vũ trụ (thời
không là chủ yếu) và những nhân duyên ngoại tại khác. Cho nên sự vật
không có thực thể, nên gọi là Tánh Không. Tướng Không của sự vật theo
nhân duyên hợp mà sanh diệt bởi mâu thuẫn ngoại tại của không thời gian
và tác động khác. Hai lực nội ngoại nầy chi phối sinh mệnh của vạn hữu.
Luật nhân quả, hay sanh diệt đều nằm trong phạm trù của Thời- Không. Xét
cho cùng, nếu không có Thời Không thì qui luật nhân quả không thể phát
triển được, và Hữu Tự Tại không được hiển bày.
c. Vô Thường
Thế gian cũng đồng nghĩa với vũ tru. Thời gian từ xưa đến nay gọi là
vũ; không gian bốn phương trên dưới gọi là tru. Chúng ta sống trong
không gian vô cùng và thời gian vô tận tất phải có nhận thức về thế
gian. Thế gian là một thế giới hiện tượng.lưu chuyển mãi không ngừng
nghỉ từng sát-na sanh diệt bất thường như vậy. Không gian luôn biến đ
ổi. Chúng ta cũng chứng kiến được ruộng dâu biến thành bể cả và ngược
lại. Thời gian huyễn hóa làm cho sự vật trở thành sanh trụ họai diệt;
con người thì sanh già bịnh chết. Chúng ta nhận thức đúng đắn và chơn
thật rằng thế gian quả là vô thường.Thế giới hiện tượng vô thường mà sự
vật hiện hữu do nhân duyên kết hợp, do đó chúng không có lúc nào tự mình
độc lập tồn tại.
Dòng duyên khởi là kết nối những điểm sát-na sanh diệt liên tục (theo
Thời Không) không ngừng nghĩ, lúc sanh thì có, lúc diệt thì không, vì
vậy sự vật vô thường biến dị. Nếu nhìn sự vật bằng tướng không (hình ảnh
hay bóng dáng) của nó là một sự tưởng thức, và nếu nhìn sự vật cho là
thực hữu, tức là một thực tại đối diện gồm những thực thể hiện hữu sẵn,
đó là duy thực phác tố, thực sự sự vật là một đối tượng giả danh mà
thôi. Trung đạo là điểm không, không vướng vào nhị biên sanh có hay diệt
không, xa lìa thường kiến hay đoạn kiến. Các pháp vốn là dòng duyên
khởi, tướng không thật, không có tự tính và hay thay đổi. Thật tướng các
pháp luôn luôn vắng lặng, thanh tịnh bình đẳng và dung chứa tất cả
tướng. Nói cách khác các pháp là tướng hư không (tướng không) thì hay sanh diệt, tăng giảm hoặc sạch nhơ, vô thường, còn thật tướng các pháp là tánh hư không (tánh không) bao la vô tận dung chứa hết thảy tướng hư không (tướng không) của các pháp, tánh thì không sanh diệt tăng giảm sạch nhơ
Thời Không Làm Mọi Vật Ðều Bị Sinh
Ở trong thế giới hiện tượng vô thường đức Phật đã nhận biết được khi
còn làThái tử Siddhattha, người rất trầm lặng, thích sống một mình giữa
đời sống nhung lụa xa hoa đầy cám dỗ mà Ngài không động tâm bị các dục
lạc làm say đắm. Nhận thức cuộc đời quá mong manh: sanh già bệnh chết,
ngay cả những thứ như vợ con, đầy tớ, dê cừu, gà, heo, voi, bò ngựa vàng
bạc là những thứ bị sanh sẽ bị bịnh bị già bị chết bị khổ bị ô nhiễm.
Bồ Tát có ý nghĩ những thứ gì trong thế giới hiện tượng này khi có sanh
thì có diệt. “Những thứ bị sanh đó nếu ta nắm giữ, tham đắm, mê say
chúng thì chính ta là người bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh.” (Kinh
Thánh Cầu, 26, Kinh Trung Bộ)
Thật vậy, biết rằng “vạn pháp duy thức." Thức tức là tâm
thức là do tương quan lập của căn trần thức. Tất cả con người, sự vật và
vũ trụ, nói chung là sự vật trong thế giới hiện tượng này đều do duyên
khởi hay tùy thuộc lập nên chúng hay thay đổi và không thể thường tồn.
Nên con người thì sanh già bệnh chết, còn sự vật thì sanh trụ hoại diệt,
cái vòng lẩn quẩn luôn bị sanh bị diệt mãi lăn trôi.
Hiện tượng trong thế giới tương đối của sự vật hiện hữu do nhân duyên
kết hợp, do đó chúng không có lúc nào tự mình độc lập tồn tại. Rõ ràng
chúng có sanh ra thì có lúc phải hủy diệt vì lẽ có sự trao đổi vật chất
và năng lượng với môi trường chung quanh. Trong vật lý học, việc bảo tồn
năng lượng cho biết năng lượng không sanh ra và không biến đi mà chỉ có
thể thay đổi. Khi sự giao lưu năng lượng và vật chất của mỗi hữu thể
với bên ngoài, hữu thể đó tạm thời ổn định cân bằng vì phải tiêu tán
năng lượng và vật chất, nên thay cũ đổi mới để tồn tại. Sự trao đổi vật
chất và năng lượng của hữu thể trong không gian là lịch trình sanh trụ
hoại diệt. Sự giao lưu vật chất và năng lượng của xác thân con người với
bên ngoài được tạm thời hiện hữu là lịch trình sanh lão bịnh tử. Sự vật
hiện hữu do duyên họp, khi duyên tan thì hoại không, theo lý Duyên Khởi
sau này của Ngài Long thọ. Còn sự vật tạm thời hiện hữu gọi là Thực Tại
Tùy Thuộc theo Duy Thức Học của Ngài Vô Trước. (Xem Thực Tại và Chí
Ðạo, Phổ Nguyệt, 2002)
Lúc Phật chưa giác ngộ, Bồ Tát hành đạo với các thầy Bà La Môn như
khổ hạnh, nhịn ăn, thiền nín thở tuy là những pháp diệt dục và loại trừ
các pháp bất thiện rất tốt, cốt dùng cách hành hạ xác thân mong chế ngự
được tâm, nhưng thật sự khi sức khỏe kiệt quệ, bụng đói, tinh thần tán
loạn thì không an tịnh thì làm gì có trí sáng suốt để đi đến giác ngộ
giải thoát. Sự giải thoát là sự hiểu biết mà đàng này họ chỉ dạy chế ngự
thân và hành động của thân như ngũ dục và những ác pháp để mong tìm đến
giải thoát, ngay các loại thiền yoga cũng còn trong thế giới hiện tượng
(bị sanh) mà thôi. Riêng hành các pháp khổ hạnh nhịn ăn và thiền nín
thở thì rõ ràng không thể đem lại trí định được; có thể các loại thiền
cao cấp của yoga, như thiền vô hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng làm cho
tư tưởng phong phú hơn, nhưng không đem đến giác ngộ. Tại sao? Vì còn
dùng tưởng tri là vẫn còn bị sanh.
Do hình thành giác trí, tri kiến tư tưởng, tưởng tri, quán tưởng
(không dùng chánh niệm), suy nghĩ là cái bị sanh vì thế, thiền vô hữu
xứ, phi tưởng phi phi tưởng của yoga chỉ ở giai tầng sanh khởi do tưởng
tri hay sở tri, còn quán niệm thường, không có định trí được, chỉ là định của thức (si định) mà thôi, như sau nầy Phật dạy trong kinh Pháp Môn Căn Bản 01, (kinh Trung Bộ) trí của phàm phu:
Phàm Phu
Tưởng tri là sự suy nghĩ, tưởng nhớ, tưởng tượng, ký
ức, thuộc loại Mạc- Na- thức hay trong A-Lại-Da-thức, là những hình ảnh
được khôi phục lại, có cái trung thực, có cái sai lạc và ngay cả có cái
tương tự lẫn lộn với hình ảnh đối tượng cũ, nhưng không phải đối tượng
cũ. Đã là những hình ảnh cũ khôi phục lại là những ảo ảnh của những đối
tượng khiếm diện (kể như không có đối tượng). Do đó tưởng tri là biết do
tưởng thức hoặc suy nghĩ lại những ý tưởng so đo của tự ngã, tưởng
tượng những đối tượng không thật có do tiền ngũ căn trực tiếp nhận thức,
nên sự nhận thức chấp trước, lệch lạc và không chơn thật của tri kiến
phàm phu, chúng sanh thường tình mà thôi. Như Phật thuyết giảng trong kinh Pháp Môn Căn Bản 01 (Kinh Trung Bộ):
-- Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy
các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp
các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp
các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri
địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến
địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như
là địa đại, người ấy nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao
vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.
Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì
tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến (tự
ngã) đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) như là thủy đại, người
ấy nghĩ: "Thủy đại là của ta" - dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói
người ấy không liễu tri thủy đại.
Người ấy tưởng tri. phong đại cũng như thế.
Người ấy tưởng tri Sanh vật,chư Thiên, Sanh chủ, Phạm thiên,
Quang âm thiên,Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên, Abhibhù (Thắng Giả)...
Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ,Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ...
Người ấy tưởng tri sở kiến, sở văn, sở tư niệm, sở tri...
Người ấy tưởng tri đồng nhất, sai biệt, tất cả là tất cả...
Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì tưởng tri Niết-bàn là
Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với
Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: "Niết-bàn là
của ta" - dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri
Niết-bàn.
II. Siêu Việt Thời Không Là Cái Vô Sinh
Khi Phật thành đạo là do đạt được Trí Tuệ hay Giác Trí Tuệ thì các
pháp giải thoát được thiết lập thực hành Giác Trí Tuệ trong các thời
thiền tập. Thực ra Giác Trí Tuệ có thể thực hiện trong tứ oai nghi. Vậy
Giác Trí Tuệ là tri nhận đầu nguồn của Giác Trí và xa lìa nó ngay. Nói
rõ hơn là khi chúng ta nhận thức niệm đầu của Cảm Giác (Sensation) để có
Giác Thức nguyên sơ (Pure Perception hay first consciousness), lập tức
tri nhận Giác Thức nguyên sơ ấy để được Giác Trí (Cognition là Giác Trí
có thời gian) và xa lìa giác trí ngay mới có Giác Trí Tuệ (Vô thời
gian). Vì Giác Trí Tuệ là Tri Thức Nguyên Thủy (Pure Cognition) của Chân
Trí (Vô thời không). Thí dụ, chúng ta thấy con voi là giác thức hay tâm
thức, vì thấy hình ảnh đối tượng hay con vật trước (Cảm Giác) rồi nhận
thức (perceive) con vật đó là con voi (hay biết được là con voi, biết
nầy thấy biết của căn, luôn luôn đi kèm theo cảm giác, nên thấy con voi,
biết tên đối tượng là cái thức hay tâm thức hay giác thức. Nên thức là
thực tại duyên khởi hay giả danh mà thôi). Rồi chúng ta tri nhận (dùng ý
trí) giác thức ấy để có giác trí. Vậy khi chúng ta nhận thức niệm đầu
của con voi (thấy biết con voi đầu tiên) là ta có giác thức nguyên sơ,
lập tức ta tri nhận (Hay Biết: Cognize chớ không phải là perceive) giác
thức nguyên sơ ấy để có giác trí tuệ và phải xa lìa cái biết ấy nữa thì
mới có giác trí tuệ toàn diện. Vì giác trí vô thời không nên không có ái
thủ hữu lôi kéo, tức giác trí tuệ, hay tuệ giác là cái biết vô trụ,
cũng là cái định của trí. Ðó là cái Vô Sanh.
Tóm:
* Khi nhận diện đối tượng (cảm giác: sensation) rồi nhận thức cảm
giác ấy với tên gọi (perceive its name) mới có tâm thức (consciousness
or perception) hay giác thức.
* Tri nhận (cognize) giác thức mới có giác trí hay tri thức hay tâm trí (cognition).
* Giác trí tuệ (discernment) hay tri thức nguyên thủy (pure
cognition) là khi giác thức không có thời không, là cái biết sat-na hiện
tiền, tức là tuệ giác hay tánh giác phải dùng tuệ tri, tuệ quán, biết
vô trụ, hay liểu tri đối tượng mới đạt được.
Cái Vô Sanh.
Từ cái Sanh hay bị sanh của thế gian, Bồ Tát nhận rõ rằng con người
với dòng tâm trí mê muội mãi chìm đắm trong cuộc sống xa hoa dục lạc, và
cứ lăn trôi trong ngũ dục thì làm sao tránh khỏi thế giới sanh già bịnh
chết, khổ, ô nhiễm. Sự vật trong thế giới hiện tượng là cái bi sanh,
thì phải tìm đến cái vô sanh hay bản chất cuả thế giới này, cái luôn
thường tồn bất biến. Khi con người đạt đến thế giới vô sanh thì không
còn bị sanh nữa, tức là thoát khỏi cảnh sanh già bịnh chết, ưu khổ. Cũng
là lúc Ngài phải từ bỏ tu lối thiền yoga để thực hành phương pháp do
Ngài tự khám phá. Tâm trí mê muộI của con người trong thế giới hiện
tượng biến dị trong dòng bộc lưu sanh tử phải được vượt thoát ra khỏi nó
để đến thế giới vô sanh, thường tồn, giải thoát khỏi nhân duyên sanh
diệt, tức là tìm về chân trí mà soi sáng vạn pháp để làm chủ cái bị sanh trong thế gian. Chúng ta cần tìm hiểu sự hình thành của chân trí (cái Vô Sanh)
như thế nào mới có thể mở ra con đường trí tuệ giải thoát. Như Phật đã
thuật lại sự tìm cái Vô sanh và đã chứng được cái vô sanh trong kinh
Thánh Cầu-26 (kinh Trung Bộ):
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy
hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các
khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi
các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại củ ái
bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách,
Niết-bàn; và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ
ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại củ ái bị
bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn
và đã chứng được cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách,
Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại củ ái bị chết,
tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã
chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn;
tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại củ ái bị sầu, tìm cầu cái
không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được
cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô
nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại củ ái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không
bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được
cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Và trí
và kiến khơi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là
đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.
Diễn tiến Nhận thức Giác Trí Tuệ hay Thể cách Tri nhận Tự Tính Tuyệt Đối
Nhất niệm hay cái Thức nguyên sơ là Thực Tại Điểm trong tiến trình
nhận thức khởi đầu của Giác Thức Đang Là, cũng là Nhị Nguyên tính của
Năng Sở, Chủ Khách, Căn Trần;
Giác Trí là tiến trình tri nhận trong dòng Giác Thức Đang Là, cũng là
Nhất Nguyên Tính Tương Đối của Trí Thức hay Tư Tưởng. Nhất Nguyên là vì
khi Ý Tác Động của Căn (Ý thức) tiếp xúc với đối tượng (thực tại giả
lập), thành Giác Thức (hay Tâm Thức), lập tức được Ý Tác Năng (Ý Trí) ý
niệm hóa Giác Thức thành Giác Trí (hay Tâm Trí). Tâm Thức và Tâm Trí
cùng một Tâm. Thức chuyển thành Trí. Giác Trí Đang Là (hiện tại), dù nằm
trong đạo lý nhất nguyên, nhưng nó cũng huyễn hóa theo thời gian. Cái
Đang Là là sự nối tiếp những điểm sát na sanh diệt liên tục. Dòng Giác
Trí ấy trôi chảy làm cho Trí và Thức liên hợp sanh ra Tư Tưởng. Còn tư
tưởng là còn có sự thay đổi, nên chưa phải là chân lý. Chân lý thì
thường hằng bất biến. Do dó Giác Trí Đang Là thuộc diện tương đối.
Chân Trí hay Giác Trí Tuệ hay cái Trí Nguyên Sơ được nhận thức ngay
nơi thực tại điểm khởi đầu tiến trình của động tác Giác Trí Đang Là,
cũng là Nhất Nguyên Tính Tuyệt Đối của Năng Sở song vong và vô Thời
Không hay siêu việt thời không. Vậy Chân lý tối hậu hay Tự tính tuyệt
đối, hay đạo lý Nhất nguyên tuyệt đối là Nhận thức vượt Thời Không, là
Tánh Giác hay Tánh Không. Không dùng Tư Tưởng suy nghĩ bàn luận mà dùng
pháp môn không hai, hay nói khác đi làThể hiện, là im lặng không dùng
ngôn ngữ mà là Hành là Thiền, Cái Vô Sanh. Đó là pháp "Bất Khả Tư Nghị", là Trung Đạo.
Thực Tại Tuyệt Đối hay Chân Lý Tối Hậu: Vô Thời Không
Đứng trên phương diện chân lý tối hậu , thì tự tính tuyệt đối của sự vật đều có tánh không hay là không có tự tính, tức là Thời gian và Không gian
đều triệt tiêu (siêu việt thời không tức tuệ quán nơi đây không động
không rung chuyển: tam thời bất khả đắc), là thực tại điểm trong dòng
duyên khởi , là tuệ giác, là cái biết sát-na hiện tiền, là tánh giác.
Chân lý thì nó không lệ thuộc, không bị áp đặt, độc lập, vì tánh giác là
ý trí tác năng, thường hằng trong tâm trí, có thức thì biết, không có
thức cũng biết. Biết lại cái thức hay không là do chủ ý tự do. Nhắc lại,
tánh Hư Không, đức Phật giải thích:’’ A Nan ! Ngươi phải biết trong
Tạng Như Lai, ‘’Tánh giác’’ tức là thiệt hư không, ‘’Hư Không’’tức là
‘’Thiệt Tánh giác’’, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp thế giới...
Thực tại tuyệt đối này là tuệ giác (tri giác) là cái biết sat-na hiện tiền là cái định của trí; thường dùng biết vô thời không, tuệ tri, hay tuệ quán để đạt được trí này. (Xem Tuệ Giác trong Cốt Tủy các Kinh Căn Bản Phật Giáo, Phổ Nguyệt, 2007)
Sau khi rời bỏ phương pháp tu thiền yoga, Bồ Tát nhớ lại pháp thở ở
thời thơ ấu vừa thoải mái vừa làm cho trí não sáng suốt hơn, nên Ngài
dùng nó để đi vào thiền định. Ngài tự hành từ con đường giới định tuệ
mới có thể giác ngộ giải thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử. Ngài dùng thắng trí hay chánh trí để liểu tri đối tượng như kinh Giáo Giới Nandaka -146 (Kinh Trung Bộ) mà Phật dạy sau này.
III. Luận Pháp
Tuệ Giác Là Tuệ Quán ở thực tại điểm Không Động Không Rung
Chuyển.(Kinh Nhất Dạ Hiền) -Tuệ Giác là cái biết siêu việt thời không,
cũng Là Thực Tại Điểm Có Thật Trong Động Tác Giác Trí Đang Là. Hiện tại là cái đang là, là sự nối tiếp những điểm sát-na sanh diệt (thời không luôn lưu chuyển), cho nên tuệ quán mới có thể nắm bắt được cái siêu việt thời không (không động không rung chuyển) ở đây. Thí dụ,
Trích trong Kinh Nhất dạ hiền giả (Bhađdekaratta sutta), Thế Tôn giảng như sau:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động không rung chuyển…”
Thật vậy, dòng tâm thức nối tiếp từng sát na sanh diệt liên tục luôn
trôi chảy không ngừng, do đó tri giác không thế nào nắm bắt thực tại một
cách toàn diện được. Không gian bao la, ngũ giác quan không định vị
chính xác được vì mỗi căn chỉ cảm nhận phần chức năng của mình, chẳng
hạn như mắt chỉ thấy không thể nghe v.v...Thực tại toàn diện không thể
giao cho tiền ngũ căn nhận thức trong không gian và thời gian trọn vẹn.
Thời gian huyễn hóa. Quá khứ đã qua và đã đoạn tận, tri giác không
thể nhận diện., nên không truy tìm. Tương lai chưa đến, đối tượng không
có mặt làm sao cảm nhận được, nên không ước vọng trong tương lai. Hiện
tại là thời gian đang trôi chảy nối tiếp những điểm li ti sát na sanh
diệt, là cái Đang Là, không nắm bắt được. Tam thời bất khả đắc, nên Phật
dạy, quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, và không bị lôi
cuốn trong các pháp hiện tại. Nhưng chỉ có pháp hiện tại, thì Tuệ Quán
mới có thể nắm bắt đựợc. Tuệ quán được hiển lộ thực sự trong chuyển động
của pháp hiện tại (trong động tác đang là). Trong động tác đang là cuả
pháp hiện tại nối tiếp những điểm sát na sanh diệt. Nhận thức ngay thực
tại điểm của tri giác nguyên sơ và liền xa lìa nhận thức đó. Tri giác
nguyên sơ là chơn thức vừa cảm nhận (vừa sanh) là vừa nhận biết thì chơn
thức ấy (giác thức nguyên sơ) biến thành Giác Trí, nên gọi là Chơn thức
sanh mà vô sanh vì điểm sát na sanh mà không bị diệt, do mủi tên Tuệ
quán nhắm trúng và đã chuyển thức thành trí rồi. Cho nên Phật dạy, Tuệ
Quán ở nơi pháp hiện tại, không động không rung chuyển. Tuệ quán là tri
nhận một cách sáng suốt, vô thời gian. Vì lẽ chơn thức (tri giác nguyên
sơ) là một điểm nhận thức có thật trong động tác nhận thức đầu nguồn của
tri giác. Thực tại điểm nầy thì không động, không rung chuyển vì một
điểm có thật một cách toàn diện không thêm không bớt, chính nó là nó ở
đó và lúc đó (vô thời không). Vậy tri nhận thực tại điểm của giác thức
nguyên sơ, chúng ta có tri thức nguyên thủy của chân trí. Thí dụ, khi
gặp con bò đang đi, ta nhận diện hình ảnh con bò đầu tiên khi thấy nó
(cảm giác: first sensation), nhận biết (perceive) tên con bò là nhản
thức nguyên sơ (first visual consciousness, hay chơn thức: pure
perception; gọi chung là tâm thức nguyên sơ); tri nhận nhản thức đó là
ta có tri thức nguyên thủy (pure cognition) cuả chân trí (True mind
without time). Nói khác đi, khi ta thấy (niệm đầu) con bò (perception),
ta biết có tánh thấy (cognize the pure perception). Vì không có thời
gian kéo dài cái tri thức nguyên thủy đó nữa nên niệm đầu (thực tại
điểm) của dòng tâm thức đang lăn trôi (cái đang là), nên không có trí và
thức liên hợp, tư tưởng, hay khái niệm gì về con bò cả). Đó mới thật sự
Giác Ngộ mọi sai lầm của Tri Giác và Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh
tử.
Tuệ Giác Là Tuệ Quán Không Động Không Rung Chuyển. Tuệ Giác Là Thực Tại Điểm Có Thật Trong Động Tác Giác Trí Đang Là. Thực
Tại Ðiểm chỉ có thật trong trí chúng ta mà thôi. Ðiểm thì không có
chiều dài ngang cao, điểm có thật là thực hiện trong trí khi thấy biết
các pháp như chơn như thật, chỉ có cái biết sát-na hiện tiền: vô niệm, không có vọng tâm, tư tưởng nào sanh khởi; vô tướng,
không hình ảnh nào các pháp trong không gian, chỉ có cái biết ở đó mà
thôi, ngoài cái biết không có gì ngoài nó, tha tính không, vô trụ,
không có thời gian kéo dài, không lập lại cái biết đó nữa. Nói cách
khác, Tuệ Giác là cái biết sát-na hiện tiền là cái biết siêu việt thời
không, cái biết tại đó và lúc đó mà thôi.
IV. Hành Pháp
Muốn nắm bắt cái siêu việt thời không, đức Phật đã từng dùng Pháp Ðịnh Niệm Hơi Thở: một Pháp Môn Ðốn Ngộ tối ưu mà Ðức Phật đã tu chứng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Nếu nhận thức đúng (không đứng lại không bước tới (kinh Bộc Lưu,
SI.1) hay không động không rung chuyển: quá khứ không truy tầm, tương
lai không ước vọng (kinh Nhất Dạ Hiền Giả 131) thì đã vượt khỏi thời
không. Trong kinh Sáu Xứ (148) Phật đã day, khi thấy biết lục căn lục
trần và lục thức như chơn như thật thì làm gì có chấp trước, chìm đắm
hay trôi giạt, mà có nghiệp quả khổ não. Nên thấy và biết như chơn lục
căn, thấy và biết như chơn lục trần, thấy và biết như chơn lục thức,
thấy và biết tất cả các pháp nào đều nhận thức theo thượng trí, thì màn
vô minh không còn bao phủ tâm trí, nên không có dây nhân duyên nào trói
buộc. Vì khi ta thấy và biết chơn thật là ta nhận thức ngay thực thể sự
vật, không thêm không bớt; vật là vật, ngoài vật không thêm thuộc từ nào
cả. Vì không có thời gian, dòng tâm thức không lăn trôi, không có quá
khứ không có tương lai ngay cả hiện tại (vô thời không: tam thời bất khả
đắc) nên sự vật không có duyên khởi hay biến thể nào, thì làm gì có xúc
thọ ái thủ hữu hệ lụy. Tu tập theo pháp Chỉ Quán là ưu việt nhất để có
chơn trí hay thượng trí. Đó là lúc được tâm minh và giải thoát khỏi dòng
bộc lưu sanh tử.
Cách thực hành theo gương đức Phật là Ðịnh Niệm Hơi Thở, Trí Hành thông dụng hơn, còn thân hành thì triệt để siêu việt, nhưsau:
Trí Hành
Khi thở vô, biết tôi thở vô (thầm biết rõ hơi thở từ mũi xuống tới rún)
Khi thở ra, biết tôi thở ra (thầm biết rõ hơi thở ra từ rún lên mũi)
Thân Hành
Khi Thở vô, cảm giác có luồng hơi vô
Khi thở ra, cảm giác có luồng hơi ra.
Hơi ngắn hoi hớp tự động vô ra theo nhịp tim đập mà thôi, giống như
không thở. Bình thường thì tim và hơi thở tự động chúng ta không để ý,
nhưng thực hành thân hành, dùng cảm giác để thầm theo dỏi luồng hơi hay
nhịp đập (của tim).
Chú ý, Trí hành hay thân hành là pháp định niệm hơi
thở siêu việt thời không, Tĩnh giác từng sát-na hơi vô ra liên tục không
đứt đoạn để cho thời không không có dịp xen vào, mới có thể gọi là siêu việt thời không, cho đến suốt thời thiền.
(Xem Pháp Tu Chứng Chánh Ðẳng Giác Của Ðức Phật)
V. Kết Luận
Siêu việt thời không là giáo pháp ưu việt của đức Thế Tôn
rất thâm thâm vi diệu, là con đường đưa đến yếm ly giác ngộ thắng trí,
niết bàn. Nó làm cho tuyệt bặt mọi tư duy, soi rọi cái rỗng không của
các pháp, dẫu tâm hay vật, làm cho vô tự tính mọi thực tại tính, làm cho
vô ngã tính mọi hữu tồn dẫu là tiểu ngã hay đại ngã.Giáo lý ấy không
trườn uốn như con lươn, không chẻ sợi tóc làm tư, không sợ kẹt trên ngôn
ngữ rằng đây là thường kia là đoạn, giáo lý ấy dành cho người tu chứng,
kẻ có trí nghe ắt hiểu. Giác thức hay tâm thức, cái tên gọi giả danh
nhằm chỉ vào cái thực (Giác trí tuệ hay cái tuệ minh). Nhưng mọi cái
thực ấy, dẫu là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức phải được nhìn cho rõ ràng
bằng trí tuệ như thực, như chơn là nó không phải ta, không phải là ta,
không phải của ta, không phải tự ngã của ta.
Ðức Phật đã từng dạy trong các kinh điển, bước tới là lăn trôi, thời
gian huyển hóa. Dừng lại là chìm đắm. Bậc A La Hán không bước tới, không
dừng lại (siêu việt thời không), vị ấy ra khỏi giòng bộc lưu sanh tử
(ra khỏi thề giới hiện tượng, tức giác ngộ Niết-Bàn). Cái đáp số ấy thậm
thâm vi diệu, vi tế, vượt ngữ ngôn, vượt suy luận, dành cho kẻ trí, kẻ
thâm đại pháp, dành cho kẻ tu chứng. Có lên đường ai ăn mới biết no, chứ
không phải để cho kẻ đứng ngoài cuộc, kẻ với tri thức thuần túy, muốn
dùng cái hiểu biết nông cạn, cái tự ngã kiêu căng và đa dục của mình, để
nắm bắt cái siêu việt không thời gian, cái bất tử, cái chân phúc, cái
niết bàn vô dục và tịch tịnh.
Tham khảo.
KinhTrung Bộ (01, 26, 131, 148).Tất cả kinh trên do HT.Thích Minh
Châu Việt dịch thuộc kinh Pali, trích trong website Quảng Ðức: http://www.quangduc.com
Kinh Tương Ưng Bộ, Bộc Lưu (SI.1). Thích Minh Châu Việt dịch, đăng trong website Quảng Ðức.
Nhất Nguyên Luận. Phổ Nguyệt, đăng trong website Tạng Thư Phật Học:
http://www.tangthuphathoc.net.
Pháp Tu Chứng Chánh Ðẳng Giác của đức Phật. Phổ Nguyệt, đăng trong website Tạng Thư Phật học:
ThựcTại và Chí Ðạo. Phổ Nguyệt, đăng trong website Tạng Thư Phật Học.