Pháp Luận
Vai trò của Áo Nghĩa Thư trong Kinh điển Vệ Đà
11/02/2022 20:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nói đến phương Đông không thể không nhắc đến Ấn Độ – một trong những cái nôi của nền triết học phương Đông. Các nhà giáo dục từng nói: “Nét đặc thù của nền triết học Ấn Độ chịu ảnh hưởng của những tư tưởng tôn giáo có tính chất hướng nội. Vì vậy, việc lý giải và thực hành những vấn đề nhân sinh qua dưới gốc độ tâm linh tôn giáo nhằm đạt tới sự giải thoát là xu hướng của nhiều học thuyết, triết học tôn giáo Ấn Độ cổ đại

1. Khái niệm về Áo Nghĩa Thư (Upanisad)

Ấn Độ – một trong những quốc gia có nền văn minh lâu đời; trong đó nền triết học gắn liền với tôn giáo và những chế định xã hội. Một trong những tôn giáo cổ xưa và ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến nay là Bà La Môn giáo. Những Bà La Môn chính là những tác giả của các bộ kinh Vệ Đà đồ sộ khi họ thực hành các pháp tu trên những núi cao xa xôi, quanh năm tuyết phủ. Đó chính là nền triết học hướng nội, xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp của các vị Muni. Nền triết học Ấn Độ được thiết lập trên nền tảng những bộ kinh này. Tư tưởng trong các bộ Vệ Đà vô tình đã mang đến cho xã hội Ấn Độ những vết thương chế độ giai cấp và một điều hiển nhiên đó là ý đồ của kẻ thống trị. Sau đó, cùng với sự phát triển xã hội, tri thức con người cũng đã thay đổi theo và có tính hệ thống hơn, triết học hơn. Sự thay đổi tất yếu này đã dẫn đến sự xuất hiện các bộ kinh Áo Nghĩa Thư.

1.1. Theo kiểu chiết tự

Upanisad xuất phát từ động từ căn √sad và hai động từ tiếp đầu âm là “upa” và “ni”. Trong đó, √sad có nghĩa là ngồi, upani là đến gần và hạ mình xuống. Cho nên, Upanisad (Áo Nghĩa Thư) là việc đến gần, ngồi xuống bên Đạo sư để nghe dạy các bài kinh mang tính bí mật và uyên áo [2].

1.2. Theo quan điểm của Harry Falk và Thương Yết La

Harry Falk cho rằng việc đến gần và ngồi bên cạnh, không nhất thiết là đệ tử, mà có thể là một năng lực siêu nhiên đến bên hành giả. Ông cho rằng Upanisad mang nghĩa “một năng lực ảnh hưởng” nhiều hơn, và nghĩa như vậy sẽ chủ động hơn.

Trong luận giải Ca-tha Áo Nghĩa Thư, luận sư Thương Yết La lại cho chữ-sad xuất phát từ gốc động từ √śad với nghĩa tiêu diệt, hàng phục. Qua đó, Thương Yết La kiến lập một giáo lí trên cơ sở các Áo Nghĩa Thư, với chức năng tiêu diệt vô minh [3].

1.3. Theo quan điểm của Max Muller

Theo Max Muller cho rằng Upanisad có nghĩa là lớp học trong rừng, ở đây những người học trò ngồi xung quanh thầy và nghe thầy giảng.

2. Vai trò của Áo Nghĩa Thư trong kinh điển Vệ Đà

Áo Nghĩa Thư là bộ kinh điển uyên áo, với số lượng 180 cuốn, được biên soạn vào cuối thời kỳ Vệ Đà. Cho nên, nó còn có tên là Vedanta, nghĩa là sự kết thúc hoàn thiện và hoàn chỉnh của Kinh điển Vệ Đà. Có 10 bộ Áo Nghĩa Thư tiêu biểu như Aitareya. Brhadāranyaka, Īsa, Taittirīya, Katha, Chāndogya, Kena, Mundaka, Māndūkya, Praśna. Áo Nghĩa Thư với những lời giải thích về ý nghĩa bí mật của các nghi lễ và chơn ngôn, chứa đựng những quan niệm khác biệt và trừu tượng, được lưu truyền một cách nghiêm túc và trung thực.

2.1. Tinh hoa của triết lý Vệ Đà

Đây là một pho triết lý chứa đựng những giáo lý cao siêu của bậc hiền triết thấu thị (Risi-Rsi) lãnh hội và trình bày. Chúng ghi lại kinh nghiệm, ý nghĩa của từng cuộc tế lễ, bí nhiệm tiềm tàng của các bài kinh cầu nguyện và sự thông hội về cuộc sống, về thực tại của giới hiền triết. Nó được xem là một bộ quyển tập triết lý thâm áo, hàm chứa vô số bài học quý giá, đem lại lợi ích cho con người ở nhiều trình độ tri thức và tình cảm. Bằng việc hệ thống hóa các điểm trọng yếu, Áo Nghĩa Thư đã lý giải rành mạch và có nhiều mẩu chuyện phong phú.

Nếu như tư tưởng giải thoát trong kinh Vệ Đà thiên về con đường thờ phụng, cầu xin sự phù hộ của các tha lực từ siêu nhiên thì trong Áo Nghĩa Thư đã khám phá ra một con đường, một cách thức giải thoát mới là dùng trí tuệ để lý giải những vấn đề về nguồn gốc của vũ trụ và khám phá ra bản chất đời sống tinh thần của con người, tìm con đường giải thoát cho con người khỏi những nỗi khổ của cuộc đời.

Áo Nghĩa Thư thuộc loại tri thức mặc khải với những chân lý do các đạo sĩ đắc đạo chứng nghiệm. Tư tưởng giải thoát Ấn giáo đã phát triển một cách mạnh mẽ và sâu sắc, đánh dấu một bước phát triển lớn từ thế giới quan thần thoại tôn giáo sang tư duy triết học. Áo Nghĩa Thư có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần và đạo đức của xã hội Ấn Độ cổ đại thời bấy giờ.

2.2. Tu tâm dưỡng tánh

Nền đạo đức của Bà La Môn giáo trước đó là một kiểu đạo đức nghi lễ, chuộng hình thức bề ngoài nhưng kể từ khi Áo Nghĩa Thư ra đời thì nghi lễ xoáy sâu nội tâm hơn, đề cao tính trung thực. Nó manh nha tư tưởng đạo đức làm nền tảng của một nền đạo đức nhân văn và xã hội. Trong Upanisad, tập 5 có ghi rằng:

“Trong vương quốc của ta, không có kẻ cắp,
Không nghèo đói, không người say rượu,
Không kẻ vô đạo, không ai dốt nát,
Không có nam nữ tà dâm,…” [4].

Áo Nghĩa Thư đề cao lối sống thánh hạnh của người tu sĩ, sau khi chết sẽ sanh về cõi trời Phạm Thiên. Để thành tựu được điều đó, Áo Nghĩa Thư khuyến khích các tu sĩ sống trầm lặng, hy sinh, không ăn thịt, sống ẩn dật trong rừng. Các tập Áo Nghĩa Thư sau cùng nhấn mạnh vai trò trí tuệ (Vidya), kèm theo sự chế ngự dục vọng – một thái độ bình đẳng đối với danh lợi thế gian. Trí tuệ này là sự hòa đồng vào Brahman, được quan niệm như một tinh thần tuyệt đối. Hành giả thực hành phải tỏ ngộ luân hồi nghiệp báo và quy luật nhân quả thì mới cảnh tỉnh chính mình không làm điều ác. Đó là phương tiện để thanh lọc tâm ý và từ đó tiến lên mức cao hơn là tu Yoga để từng bước thể nhập với Đại ngã và đạt giải thoát. Áo Nghĩa Thư không dồn ép con người vào “hang cùng ngõ hẻm” của sự cực đoan yếm thế, mà nó khai phá con đường rộng lớn của vũ trụ để tha hồ dạo bước, không một chút chướng ngại. Đấy là con đường mà xã hội thời kỳ nào, với bất kỳ nền văn minh nào, với bất kỳ con người có lý tính nào cũng đều phải hướng đến.

2.3 Hệ thống kết nối triết học Vệ Đà và hệ tư tưởng Sa môn

Hệ tư tưởng Upanisads chấp nhận quyền lực của Vệ Đà và vẫn duy trì trật tự đạo đức xã hội như tổ chức xã hội thành bốn giai cấp (Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Vệ Xá, Thủ Đà La), triết lý bốn giai đoạn hành động sống (học kinh Vệ Đà, gia đình làm ăn, nương náu trong rừng, vân du cầu đạo) và trật tự về thực hành nghi lễ cúng bái. Sự ra đời của Áo Nghĩa Thư trong bối cảnh Ấn Độ có hệ tư tưởng Sa môn (đạo Phật và sáu đạo mới hình thành), nhưng nó vẫn đứng vững đôi chân của mình như minh chứng cho giá trị tư tưởng vẫn được chấp nhận và là chìa khoá mở ra cánh cửa thực tại, đạo đức và góp phần cho hoà bình thế giới.

Hệ tư tưởng Sa môn chủ trương khuynh hướng nhân bản, tự chịu trách nhiệm từ việc kế thừa tư tưởng Áo Nghĩa Thư; đồng thời vị đạo sư Guru trong Áo Nghĩa Thư cần phải được đề cao mạnh mẽ hơn, thay vì tin vào thần thánh và kế thừa phát huy nội tâm tu tập hơn là chủ nghĩa nghi lễ từ triết học tư tưởng Upanisad. Chính những tư tưởng của Upanisad về nhân quả, nghiệp báo,…có ảnh hưởng đến thái tử Tất Đạt Đa trên bước tìm đạo. Chính vì thế, Áo Nghĩa Thư là sự kết nối của triết học Vệ Đà và hệ tư tưởng Sa môn.

3. Tinh thần Upanisad trong đời sống xã hội

Việc nghiên cứu Áo Nghĩa Thư với nhiệt tâm nỗ lực của Ram Mohan Roy – người không chỉ phiên dịch và ấn hành tác phẩm sang tiếng Bengali, Hindi và Anh ngữ; mà còn thành lập hệ giáo lý Brahma Samaj ở Bengal. Toàn bộ Upanisad nhấn mạnh đến con đường giải phóng nội tâm, bí quyết đạt đến hạnh phúc tối cao, sự nhấn mạnh này không được tìm thấy trong thần khải Vệ Đà. Giải phóng nội tâm chính là một chiến thắng vĩ đại, chiến thắng chính mình, chiến thắng vũ trụ, chiến thắng mang đến sự hòa hợp giữa mình và vũ trụ mà trước đây mình vẫn theo thói quen chia cách là hai phần quá riêng biệt. Áo Nghĩa Thư đã thức tỉnh con người quay về thế giới nội tâm, hơn là chạy theo bề ngoài của các nghi lễ và cúng tế.

Áo Nghĩa Thư đã đạt đến sự vĩ đại, tuyệt hảo, sâu xa và một vẻ đẹp lung linh huyền diệu. Nhưng với những kẻ phàm phu thô tục thì dễ dàng bị nó làm mê hoặc, còn bậc trí thì nhận được sự tiếp trợ từ nó qua sức mạnh vô biên của Đại ngã – chính mình để đạt đến tự do. Từ những quan kiến về bản ngã này mà toàn bộ hệ thống triết lý Bà La Môn giáo được hoàn thiện từ Upanisads, nên có thể nói đó là đỉnh cao của trí tuệ.

Áo Nghĩa Thư ra đời trong bối cảnh xã hội Ấn Độ có đạo Phật và sáu phái ngoại đạo đã hình thành, nhưng nó vẫn đứng vững trên đôi chân của mình. Điều này cũng đã minh chứng cho giá trị tư tưởng của nó. Thể nghiệm Áo Nghĩa Thư tức là mở ra cánh cửa thực tại, cánh cửa hạnh phúc, cánh cửa đạo đức và cánh cửa của sự hòa bình cho xã hội.

Tóm lại, tư tưởng của Bà La Môn đi từ thấp đến cao, từ tôn giáo đa thần đến nhất thần, từ hình thức hướng ngoại chuyển sang chiêm nghiệm tâm linh sâu sắc. Đây là một quá trình xuyên suốt lâu dài với một quốc gia có nền văn hóa với nhiều truyền thống tôn giáo như Ấn Độ. Nơi đây có nhiều triết thuyết gia ra đời với nhiều tư tưởng khác nhau. Nhưng tất cả các học thuyết sau này đều dựa vào tư tưởng triết học Áo Nghĩa Thư, vì từ rất sớm, nó đã chiếm một vị thế cực kỳ trọng yếu. Thời kỳ Áo Nghĩa Thư là thời kỳ ấn tượng và sâu sắc nhất, vì tư tưởng của nó thể chứng tất cả các hiện tượng tâm lý, vật lý và sinh lý, đồng thời chứng minh được phần nảo các trạng thái như: khổ, vui, luân hồi nghiệp báo, giải thoát,… cũng chính là nền móng vững vàng cho các tôn giáo khác.

Thích Thiện Mãn
Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Quá trình triết học, Nxb. Lý luận chính trị, tr.20.
(2) Bách khoa toàn thư, “Áo Nghĩa Thư”, truy cập từ https://vi.wikipedia.org, 18/11/2021.
(3) Bách khoa toàn thư, “Áo Nghĩa Thư”, truy cập từ https://vi.wikipedia.org, 18/11/2021.
(4) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1987), “Vu lan báo hiếu PL 2531-1987″, Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo xuất bản, tr.52

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch