Kẻ nào
còn ôm ấp tư kiến, xem nhận thức của mình là cao nhất thế gian, cho rằng ‘kiến
giải này là lối thượng’ và công kích mọi nhận thức khác. kẻ ấy còn được xem là
chưa thoát khỏi vòng tranh chấp.
Khi thấy, nghe hoặc cảm nhận được một điều gì rồi nghĩ rằng
điều đó là cái duy nhất có thể đem lại lợi lạc và tiện nghi cho cá nhân và đoàn
thể mình, người ta dễ có khuynh hướng bám víu vào điều ấy rồi cho rằng tất cả mọi
kẻ khác so với mình đều là thua kém.
Bị lệ thuộc vào chủ thuyết mình đang theo và xem thường tất
cả những kiến giải khác, điều này được kẻ trí nhận thức là một sự ràng buộc, là
một sự đánh mất tự do. Kẻ hành giả đứng đắn không nên vội tin vào những gì mình
nghe, thấy và cảm nhận, kể cả những cấm giới và nghi lễ.
Vị hành giả chân chính không có nhu yếu tạo ra một chủ
thuyết mới cho thế gian, hoặc bằng kiến thức đã thu nhặt được, hoặc bằng những
cấm giới và lễ lược đã được học hỏi, không tự cho mình là ‘hơn người’, thua người’
hay ‘bằng người’. Bậc thức giả là kẻ đã
buông bỏ ý niệm về ‘ta’ và không còn giữ thái độ nắm bắt. Vị ấy không bị lệ thuộc
vào bất cứ một cái gì, kể cả kiến thức, không đứng về phía nào khi có một cuộc
tranh chấp và không còn duy trì một tư kiến hoặc một giáo điều nào nữa cả.
Vị ấy hoàn toàn không còn tìm cầu và nắm bất, hoặc biên kiến
này hay biên kiến kia, hoặc trong đời này hay trong đời khác. Vị ấy đã chấm dứt
mọi tư kiến và không còn đi tìm sự nương náu hoặc an ủi và vỗ về trong bất cữ một
chủ thuyết nào.
Bậc thức giả chân chính là người không còn tư kiến đối với
những gì mình thấy, nghe và cảm nhận. Làm sao còn có thể phê phán hoặc nắm bắt
được bằng khái niệm một bậc hành giả thanh tịnh đã từ bỏ mọi tư kiến?
Bậc ấy quả không còn nhu yếu thiết lập một giáo điều hoặc
chọn lựa một ý thức hệ. Mọi giáo điều và ý thức hệ đều đã bị bậc ấy buông bỏ. Kẻ
cao sĩ không hề bị cấm giới và lễ nghi ràng buộc. Kẻ ấy đang đi từng bước vững
chãi đến bờ giải thoát và không bao giờ còn trở lại chốn trầm luân.
Nguyệt San Liên Hoa
Số 301 Tháng 1 năm 2003