NSGN - Trong kinh Lăng nghiêm,
có đoạn Đức Phật nói rằng: “Này A Nan, Ta cho phép Tỳ-kheo ăn 5 loại thịt thanh tịnh (ngũ tịnh nhục). Nhưng thịt
này thật sự là do thần lực của Ta biến hóa ra, chứ căn bản không có mạng căn.
Các ông - những người Bà-la-môn sống trong khí hậu quá nóng và trong vùng đầy
cát và sỏi đá như vậy, rau cải không mọc được. Do đó, Ta phải giúp cho
các ông bằng thần thông và lòng từ bi…”.
Thứ thịt không có mạng căn dường như
chỉ hiện hữu trong truyền thuyết, không thể có trong thế giới hiện thực. Nhưng
với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học, việc cấy gen tạo protein từ
động vật vào bộ gen của thực vật, trong tương lai người ta có thể tạo ra được
loại cây trồng cho sản phẩm thịt không khác gì thịt bò, thịt gà, thịt lợn… Khi
đó, những người ăn chay có thể tha hồ thưởng thức thịt mà không lo sát sinh, và
quan niệm về ăn chay có thể sẽ thay đổi từ những cây trồng chuyển gen.
Nỗi niềm thực phẩm chay giả thịt
Ăn chay là một chế độ ăn uống chỉ gồm những thực
phẩm có nguồn gốc từ thực vật, hoàn toàn không sử dụng các loại thịt - tức là
sản phẩm từ động vật trải qua quá trình giết mổ. Rất nhiều lý do khiến người ta
ăn chay: kinh tế, đạo đức, y tế, môi trường, tôn giáo. Xưa kia, những nhà nghèo
không thể có tiền mua thịt nên thường chỉ ăn rau, tức là vô tình ăn chay. Ngày
nay, nhiều người vì lý do bệnh tật phải kiêng ăn thịt. Phong trào ăn chay cũng
được thúc đẩy nhằm bảo vệ môi trường, khi vật nuôi và chất thải từ thực phẩm
gây phát thải khí nhà kính cao gấp nhiều lần so với cây trồng. Ý nghĩa cao cả
và nhân văn nhất chính là chủ trương ăn chay của Phật giáo vì lòng từ bi, không
vì nhu cầu ăn uống của mình mà làm tổn thương đến mạng sống của những động vật
khác.
Ngày nay trong
giới Tăng Ni, Phật tử cũng có nhiều quan điểm khác nhau về ăn chay để rồi chia
thành 2 trường phái: “ăn chay thuần khiết” và “ ăn chay giả mặn” - nguyên liệu
chế biến thực phẩm đều từ thực vật, nhưng khác nhau về “hình tướng” và mùi vị.
Khi dạo quanh thị trường thực phẩm chay ở Hà Nội, tôi trở nên “hoa mắt” vì chưa
bao giờ thị trường thực phẩm chay trở nên đa dạng, cầu kỳ và mới lạ như hiện
nay: từ hàng khô, gia vị, sản phẩm đông lạnh đến các mặt hàng chế biến sẵn, ăn
liền... Có thể nói gần như đồ mặn có thức gì thì thực phẩm chay có món đó, như:
thị gà chay, thịt bò chay, cá thu chay, tôm chay, thịt ba chỉ chay, ruốc thịt
chay, ruốc cá thu chay, cá chép chay, mực ống chay, giò chay, chả lụa chay, chả
quế chay, chả cốm, ruốc thịt chay, nem chay… Nhiều món được chế biến khéo đến
nỗi đem đến cho người tiêu dùng cảm giác như ăn đồ mặn. Từ những món đóng hộp
ăn liền như xúc xích chay, đùi gà rô ti chay, bò viên chay… đến cả các món như
nước mắm, bia cũng có đồ chay. Một năm trở lại đây, trên thị trường thực phẩm ở
Hà Nội có thêm nhiều loại thực phẩm chay mới độc đáo như thịt dê, cừu chay, cá
hồi chay, ba sa chay, cá điêu hồng chay, cá tai tượng chay, lợn sữa quay chay,
chả cá chay…để phục vụ các gia đình cần làm những bữa tiệc.
Trong khi xu
thế dùng đồ chay giả mặn đang phát triển mạnh mẽ, thì những người trung thành
với trường phái ăn chay thuần khiết phản đối. Họ cho rằng: Người ta không nên
dồn năng lực vào chuyện thức ăn và đồ uống. Không nên sanh tâm chấp trước vào
hình dạng và mùi vị. Những người ăn chay mà lại làm đồ chay giả thịt gà, giả
thịt vịt hay giả cá..., tức là vẫn không thể quên mùi vị của thịt và luôn luôn
muốn thưởng thức mùi vị này, dù cho ăn đồ giả cũng để đỡ thèm. Ăn chay mà tưởng
mặn, vừa ăn vừa tưởng tượng là mình đang ăn thịt gà, thì ăn chay có còn ý nghĩa
nữa không? Kinh Lăng nghiêm có câu: “Nếu nhân địa không chân thật, thì
quả sẽ cong”. Mặc dù, đồ chay giả mặn chỉ là những súc sanh giả, nhưng nhiều
người cho rằng, bên trong vẫn tồn tại mối liên hệ nhân quả hết sức vi tế.
Với người theo đạo Phật đã ăn chay thì ngay cả cái
tên thịt gà, thịt heo quay đều không nên đề cập đến, huống chi là nhìn ngó hình
thù của loài vật đó! Thế nhưng với phong trào ăn chay giả mặn đang phát triển
rầm rộ, cũng đủ thấy sự “thèm thịt” vẫn còn hiện hữu đâu đó ở những người ăn
chay. Đấy là chưa kể, nhiều Phật tử muốn ăn chay nhưng cơ địa không phù hợp, sự
phối chế thức ăn trong bữa ăn chay chưa hợp lý dẫn đến nguy cơ bị thiếu chất
dinh đưỡng. Đặc biệt là các chất dinh dưỡng trong những thực phẩm có nguồn gốc
từ động vật như chất đạm, chất béo, một số chất khoáng như canxi, sắt và các
yếu tố vi lượng như đồng, mangan, kẽm, iốt, nhôm… Một bộ phận người ăn chay đã
thiếu hẳn những dinh dưỡng này, nguyên do bởi vì chế độ ăn chay mỗi người khác
nhau, một số loại chất dinh dưỡng cần thiết nhưng lại khó hấp thu với một số
người.
Kỷ nguyên cây trồng chuyển gen
Chuyển gen là công nghệ sinh học mới được ứng dụng
trên thế giới chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây. Gen là một đơn vị của vật chất
di truyền, bản thân nó hoặc kết hợp với các gen khác quy định một tình trạng
của cơ thể sinh vật. Với công nghệ chuyển gen, con người đã tìm ra những gen ưu
việt có ở những loài động thực vật hoang dã, phân tách chúng ra khỏi tế bào của
loài vật gốc, sau đó đưa chúng vào trong bộ nhiễm sắc thể của cây trồng bằng kỹ
thuật chuyển gen và bắn gen. Chẳng hạn, các nhà khoa học đã chiết tách gen chịu
lạnh từ loài gấu Bắc cực, đem chuyển vào bộ nhiễm sắc thể của cây lúa để tạo ra
giống lúa chịu lạnh. Hoặc tách gen chịu mặn ở một loài cá biển, đưa vào trong
tế bào của cây lúa để tạo ra giống lúa chịu được mặn. Trong vi khuẩn Bacillus
thuringiensis có gen Bt chuyên sản sinh ra các chất tiêu diệt sâu hại, vì vậy
các nhà khoa học đã tách lấy gen Bt đưa vào nhiều loại cây trồng để tạo ra các
giống cây chống được sâu bệnh… Công nghệ hiện đại cho phép vẽ bản đồ và sắp xếp
toàn bộ các bộ gen vật nuôi, cây trồng và định dạng các gen có chức năng kiểm
soát tất cả các quá trình của cây, gồm cả những gen có thể góp phần vào việc
giải quyết các thách thức của nông nghiệp, như các gen có khả năng chịu bệnh,
hạn hán, kích thước và số lượng hạt.
Trên thế giới, cây trồng chuyển gen chỉ mới được
đưa vào canh tác đại trà từ năm 1996, nhưng đã trở thành loại công nghệ cây
trồng được ứng dụng nhanh nhất, lan tỏa mạnh nhất trong lịch sử thế giới. TS
Clive James, Chủ tịch Tổ chức ứng dụng cây trồng chuyển gen thế giới (ISAAA)
cho biết: năm vừa qua đã đánh dấu mức tăng kỷ lục 100 lần về diện tích canh tác
cây trồng chuyển gen, từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 170,3 triệu ha năm 2012. Đến
nay, diện tích trồng cây chuyển gen ở các nước đang phát triển đã chiếm khoảng
52% diện tích trồng các loại cây này trên toàn cầu, còn lại là ở các nước đã
phát triển. Trong đó, riêng 5 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Argentina và Nam
Phi chiếm 46% diện tích cây trồng chuyển gen toàn cầu. Mỹ tiếp tục là nước có
diện tích canh tác dẫn đầu với 69,5 triệu ha, với tỷ lệ áp dụng bình quân cây
chuyển gen/tổng diện tích trồng là 90% đối với tất cả các loại cây trồng.
Brazil xếp thứ 2 về diện tích canh tác cây trồng chuyển gen, với diện tích canh
tác tăng kỷ lục 6,3 triệu ha so với năm trước, đạt 36,6 triệu ha vào năm 2012.
Các nước EU trồng diện tích kỷ lục 129.071ha ngô Bt vào năm 2012.
Theo TS Clive
James, cây trồng chuyển gen đã đóng góp cho an ninh lương thực, phát triển bền
vững và biến đổi khí hậu bằng cách tăng năng suất và sản lượng cây trồng, với
tổng giá trị sản phẩm của các loại cây này đạt được trong năm qua lên tới 98,2
tỷ USD. Cây trồng chuyển gen còn thúc đẩy bảo vệ môi trường, nhờ đã tiết kiệm
473 triệu kg thuốc trừ sâu và giảm lượng khí thải 23,1 tỷ kg CO2 mỗi
năm (tương đương với khí thải của 10,2 triệu xe ô tô ). Đồng thời cây chuyển
gen còn giúp bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 108,7 triệu ha đất;
giúp xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu người nông dân trên thế giới.
Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đã phối hợp với 3 tập đoàn nước ngoài nhập khẩu và khảo
nghiệm các giống ngô chuyển gen. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, kết quả khảo nghiệm cho thấy, các giống ngô chuyển gen có khả năng
chống chọi sâu bệnh tốt hơn hẳn so với giống ngô thông thường và hoàn toàn
không bị ảnh hưởng bởi thuốc diệt cỏ. Các giống ngô truyền thống trồng ở nước
ta chỉ cho năng suất bình quân 4 tấn/ha, nhưng giống ngô chuyển gen cho năng
suất cao 10-12 tấn/ha.
PGS. TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc Viện Khoa
học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Nhiều Viện Khoa học ở nước ta cũng đã và
đang nghiên cứu về cây trồng chuyển gen. Đặc biệt là Viện Di truyền nông
nghiệp, tại đây nhiều công trình nghiên cứu đang có tính khả thi cao: chuyển
các gen kháng sâu bệnh vào cây bắp cải, cây bông, đậu tương; chuyển gen kháng
virus đốm vòng vào cây đu đủ đã tạo ra giống đu đủ kháng bệnh đốm vòng và
chín chậm, cho thời gian bảo quản sau thu hoạch dài hơn; đưa gen chịu hạn vào
cây ngô, cây bông; nghiên cứu gen tạo kháng sinh chống virus cúm H5N1 ở bèo
tấm… Các nhà khoa học nước ta cũng đã đưa được gen Bt vào cây cà tím để phòng
trừ sâu đục quả và chồi cây cà tím; vào cây bông vải Bt để tăng năng
suất. Đặc biệt, TS Trần Thị Kim Hòa ở Viện NC lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã
chuyển gen sinh sắc tố beta cacroten vào cây lúa, trẻ em ăn loại lúa gạo này sẽ
không cần phải uống vitamin A. Những giống cây biến đổi gen do các nhà khoa học
trong nước tạo ra hiện nay rất khả quan, nhưng mới chỉ trồng thử nghiệm
ở nhà kính, chưa được phép đưa ra đồng ruộng”.
Tương lai sẽ có thịt gà từ thực vật
Đọc đến đây,
chắc hẳn không ít độc giả sẽ cho rằng bài viết này lan man vì đang nói về thực
phẩm chay, lại chuyển sang cây trồng chuyển gen - hai vấn đề chẳng ăn nhập với
nhau. Nhưng tôi muốn nói về một dự cảm tương lai của cây trồng chuyển gen. Khoa
học sẽ ngày càng phát triển nhanh, sẽ đến một ngày con người tách các gen sản
xuất thịt từ con bò, con gà, con lợn, con cá… để chuyển vào cây trồng. Lúc đó,
chúng ta sẽ có những cây trồng cho sản phẩm là thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá…
Chúng ta sẽ được ăn thịt với kết cấu thành phần, đặc tính và chất lượng giống
hệt thịt động vật, nhưng không phải là từ động vật mà là từ thực vật, tức là
loại thịt “không có mạng căn”.
Trong kinh Lăng nghiêm, có đoạn Đức Phật
nói rằng: “Này A Nan, Ta cho phép Tỳ-kheo ăn 5 loại thịt thanh tịnh (ngũ tịnh
nhục). Nhưng thịt này thật sự là do thần lực của Ta biến hóa ra, chứ không có
mạng căn. Các ông những người Bà-la-môn sống trong khí hậu quá nóng và ẩm, và
trong vùng đầy cát và sỏi đá như vậy, rau cải không mọc được; do đó, Ta phải
giúp cho các ông bằng thần thông và lòng từ bi. Do lòng từ bi to lớn này, những
gì các ông ăn và nếm giống như thịt và nói đó là thịt, thật ra không
phải vậy. Sau khi Ta nhập diệt, làm thế nào những kẻ ăn thịt của chúng sanh lại
được gọi là đệ tử của Thích Ca?”.
Vì thương những
người đệ tử sinh sống ở nơi khí hậu khắc nghiệt và nhiều sỏi đá khiến cây cối
không sinh trưởng được, không có đủ thực phẩm chay để ăn, nên Đức Phật mới biến
hóa ra những loại tịnh nhục để cứu các đệ tử - đó cũng là trường hợp ăn “thịt
giả”. Rõ ràng ước mơ về loại “thịt không mạng căn”- thịt có được mà không phải
sát sinh động vật đã hình thành từ thời Đức Phật, và cho đến nay vẫn chưa thành
hiện thực. Nhưng Đức Phật cũng đưa ra dự cảm: Vì sao sau khi Phật diệt độ,
nhiều người bất tiếu vẫn ăn “thịt” mà còn vọng xưng mình là đệ tử của Phật!
Ngày nay các tiệm ăn chay khắp nơi bán “thịt chay” như là một phương tiện để
tiếp dẫn người ăn thịt trở thành ăn chay. Thực phẩm chay giả thịt bán tràn lan
khắp nơi và Phật tử thì tha hồ thưởng thức. Có phải dự cảm của Đức Phật đã trở
thành hiện thực, khi những người ăn chay vẫn luôn “thèm thịt”, như vậy họ có
thể rơi vào vấn đề nhân quả “bất tịnh”. Và rồi sẽ có người sau khi ăn đồ giả
một thời gian, vẫn muốn ăn “đồ thật”. Tháo gỡ vấn đề này thế nào? Chỉ có hai
cách, một là đoạn tuyệt với đồ chay giả mặn, để ăn chay thuần khiết. Nhưng có
cách thứ hai là phải sản xuất ra được loại thịt thanh tịnh (tịnh nhục) - thịt
không mạng căn, tức là thịt không có nguồn gốc từ động vật. Chỉ có cách chuyển
gen sản xuất thịt từ động vật vào trong cây trồng mới hy vọng tạo ra được loại
thịt này.
Vào thời điểm các bạn đọc bài viết này, công nghệ
giống cây trồng chuyển gen mới chỉ ra đời được 20 năm, nên vẫn ở những bước
chập chững ban đầu. Trên thế giới người ta vẫn còn lo ngại rất nhiều về vấn đề
an toàn đối với loại thực phẩm chuyển gen. Vì công nghệ này chưa đạt đến độ
thuần thục, nếu “gắp” và “lắp” gen không chính xác, sẽ tạo ra bộ nhiễm sắc thể
lỏng lẻo, có nguy cơ gen sẽ rơi ra khỏi bộ nhiễm sắc thể của giống cây chuyển
gen đã tạo, để phát tán vào môi trường. Hoặc khi con người ăn thực phẩm từ cây
chuyển gen, nguy cơ những gen đó sẽ phát tán vào trong đường tiêu hóa, gây mất
an toàn cho sức khỏe con người. Nhưng dù tranh cãi kịch liệt, thì thực
phẩm chuyển gen đã được bày bán khắp nơi
trên thế giới, được nhập khẩu về và bán đầy dẫy trong các siêu thị ở Việt
Nam
.
Dù muốn hay không, mỗi người chúng ta cũng đã từng nhiều lần ăn thực phẩm
chuyển gen mà mình không biết. Điều đó có nghĩa rằng, thực phẩm chuyển gen sẽ
có sự “xâm lăng” như vũ bão trong tương lai, cùng với những kỹ thuật tiên tiến
mới trong sản xuất nông nghiệp sẽ nối tiếp nhau ra đời.
Những sự tiến bộ của khoa học trong tương lai
cũng sẽ hướng tới giải quyết những vấn đề còn lo ngại về cây trồng chuyển gen,
đó là an toàn thực phẩm và môi trường để con người yên tâm hơn khi sử dụng loại thực phẩm này. Và rồi, loại “thịt thật” từ thực
vật sẽ ra đời trong tương lai. Cho dù lúc này tôi vẫn chưa thể hình dung được
làm thế nào miếng thịt bò, thịt gà chồi lên được từ bông lúa, hình dạng của
chúng sẽ như thế nào. Nhưng những dự ngôn của Đức Phật về loại thịt không mạng căn chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, để khi
ấy những người con Phật có thể thoải mái ăn chay mà không phải thèm thịt, đồng
thời cũng giải quyết được vấn đề thiếu chất dinh dưỡng đối với người ăn
chay.