Kinh A Di Đà là một bản kinh rất phổ
biến được truyền tụng hàng ngày trong đời
sống đạo của Phật tử ở các nước Viễn Đông châu
Á, nhất là ở Việt Nam. Vị trí của kinh luôn luôn
được xây dựng trên căn bản của
niềm tin; và trong lòng người hành trì, kinh chính
là con đường dẫn đến thế giới
Tịnh độ - một thế giới không có khổ đau, không có
sinh lão bệnh tử, thế giới của niềm phúc lạc
vô biên. Để giúp độc giả tìm
hiểu sâu vào bản chất của kinh, chúng tôi xin trân trọng
trích và giới thiệu một phần luận văn
diễn giải về kinh A Di Đà của tác giả Thích
Nguyên Thành, cựu học tăng - Học viện PGVN .
1. XUẤT XỨ KINH A DI ĐÀ
VÀ Ý NGHĨA DANH HIỆU.
Kinh A Di Đà thuộc hệ tư tưởng Đại thừa, ra đời
trong thời kỳ phát triển Đại thừa Phật giáo.
Kinh A Di Đà (tiểu bản Sukhàvatì -
vyùha) là một bản toát yếu của Đại
Vô Lượng Thọ Kinh (đại phẩm Sukhàvatì - vyùha), dịch
từ Phạn bản qua Hán bản. Bản kinh người viết dùng
làm tư liệu tham khảo ở đây là bản
dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần, một
trong toàn tập Tịnh Độ dịch từ
năm 147 đến năm 713 sau Tây lịch.
Tập kinh Quán Vô Lượng Thọ (Amitayur - dhyàna
Sutra) cho ta biết nguyên lai của giáo lý Tịnh độ
do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết. A Xà Thế, Thái
tử thành Vương Xá, nổi loạn chống lại vua cha là Tần
Bà Sa La và hạ ngục nhà vua này; hoàng hậu cũng bị giam
vào một nơi. Sau đó, hoàng hậu cầu thỉnh Đức Phật chỉ
cho bà một chỗ tốt đẹp hơn,
nơi không có những tai biến xảy ra như vậy. Đức Thế Tôn
liền hiện thân trước mặt bà và thị hiện cho thấy
tất cả các Phật độ và bà chọn quốc độ
của Phật A Di Đà coi như tối hảo, Phật bèn dạy
bà cách tụng niệm về quốc độ này để sau cùng được
thác sinh vào đó. Ngài dạy bà bằng giáo pháp riêng của
Ngài và đồng thời giảng giáo
pháp của Phật A Di Đà. Cả hai giáo pháp cuối cùng
chỉ là một, điều này ta có thể thấy rõ theo những lời
Ngài dạy Tôn giả A Nan ở đoạn cuối của các bài pháp:
"Này A Nan, hãy ghi nhớ bài thuyết pháp này và lặp lại
cho đại chúng ở Kỳ Xà Quật nghe. Thuyết giáo này, ta gọi
đấy là kinh A Di Đà". Quan điểm
đó của kinh Quán Vô Lượng Thọ như muốn nói lên giáo
lý A Di Đà cùng nguồn gốc với giáo lý Nguyên thủy,
đều do Đức Thế Tôn thuyết. (Các
tông phái đạo Phật, bản dịch của Tuệ Sỹ, Tu thư Đại
học Vạn Hạnh 1973, tr.329).
Danh hiệu A Di Đà dịch từ tiếng Phạn
Amita hay Amitàyus hoặc Amitàbha, có nghĩa là Vô lượng, Vô
lượng thọ, Vô lượng quang (ngoài ra, có nơi ghi thêm nghĩa:
Cam lồ, Vô lượng thanh tịnh, Vô lượng công đức).
Danh từ Vô lượng, nếu miêu tả xét theo
không gian, sẽ là Vô lượng quang; nếu trên cương vị thời
gian, thì là Vô lượng thọ. Đấy là Pháp thân (Dharma -
kàya). Pháp thân này là Báo thân (Sambhoga - kàya) nếu Phật
được coi như là đức Phật "giáng hạ thế gian".
Nếu Ngài được coi như một Bồ Tát đang
tiến lên Phật quả, thì Ngài là một vị Phật sẽ
thành, như Bồ Tát Cần Khổ (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).
Nói cách chính xác hơn, nếu chúng ta mô tả một vị Phật
dựa trên căn bản giác ngộ viên mãn, chúng ta sẽ đi
đến một lý tưởng về Phật, nghĩa là Vô lượng
quang biểu tượng của trí tuệ giải
thoát (Phật trí); Vô lượng thọ biểu tượng của đại
định (tâm giải thoát), ở ngoài các vọng tưởng
phân biệt. Ý nghĩa Vô lượng quang và Vô lượng thọ, và
nhân cách giác ngộ của trí tuệ và từ bi vô cùng tận,
tất cả chỉ giản dị là những giải thích về Vô lượng.
Theo kinh A Di Đà, Đức Phật A Di Đà đã
ra đời cách đây "10 a tăng kỳ kiếp", có nghĩa là
"từ lâu đời rồi" và có thể là nhắc tới
hiện thân thứ 2 hay thứ 3 của Ngài, Phật nguyên thủy
có thể là xa xưa hơn nữa, hiện nay Ngài đương thuyết
pháp và sẽ còn tiếp tục thuyết pháp tại đó
cho đến một tương lai lâu xa.
Mặt khác, "trong tương lai, khi kinh pháp
mất hết, Như Lai cũng thương chúng sinh mà giữ kinh này
thêm một trăm năm. Ai gặp được
cũng thỏa nguyện. Và từ đó về sau, kinh này cũng
không còn, chỉ còn lại 4 chữ A Di Đà Phật rộng độ
quần sinh". (Đại tạng kinh bản chữ Vạn 150/36A trích
dẫn). (Sđd, tr.362)
2. CẢNH GIỚI A DI ĐÀ (TỊNH ĐỘ)
* Đoạn 1:
a. Kinh văn:
"Thu Tử, quốc độ ấy vì lý do gì mệnh danh
là Cực lạc? Vì người quốc độ ấy không có mọi sự
khổ não, chỉ hưởng yên vui, nên mệnh danh là Cực lạc.
Thu Tử, quốc độ Cực lạc chỗ nào cũng có lan can bảy
lớp, lưới giăng bảy lớp, hàng cây bảy lớp, toàn bằng
bốn chất liệu quý báu, bao quanh khắp cả, vì vậy quốc
độ ấy tên là Cực lạc". (Sđd,
tr.191 - 192).
b. Nghĩa biểu tượng:
Như chúng ta hiểu, ngôn ngữ Đại thừa phần
lớn là ngôn ngữ biểu tượng nói lên thực tại vốn
rời xa ngôn ngữ khái niệm của con người. Nói ở nước
Cực lạc, không có mọi sự khổ não, không có tất cả sự
lo nơi tâm và sự khổ nơi thân, chỉ hưởng yên vui, có
vô lượng sự mừng và sự thanh tịnh là nói ở Cực lạc
chúng sinh đã đoạn diệt khổ - khổ diệt là nghĩa Diệt
đế hay Niết bàn.
Quan điểm này rõ ràng không rời xa
truyền thống của giáo lý Nguyên thủy Phật giáo. Tại đây,
bừng sáng lên rằng các tông phái Phật giáo đều trình
bày Niết bàn theo cách: dẹp hết chấp thủ, vọng tưởng
thì Niết bàn hiển lộ. Con đường
đi đến Niết bàn ở Nikàya và A Hàm là đoạn
trừ ái, thủ, vô minh hay đoạn trừ 10 kiết sử. Đó chỉ
ròng là công phu chuyển đổi vọng tâm mà không đặt
vấn đề đến các pháp, hiện tượng giới này. Phải chăng
đây là ý nghĩa mà Thế Tôn dạy trong Nikàya và A
hàm: "Khi ta thanh tịnh, ta thấy thế giới thanh tịnh".
Như vậy, chúng sinh ở nước của Phật A
Di Đà là đã hành xong hay gần xong phạm
hạnh của Thanh Văn, và đang tu tập hướng đến Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác. Chánh báo của chúng sinh Cực lạc
(hàng Bất thối) là Vô sinh và Nhất sinh bổ xứ,
nên cảnh giới y báo hẳn là thanh tịnh, trang nghiêm bằng
bảy báu, biểu tượng cho những gì quý giá ở ngoài sinh
diệt.
* Đoạn 2:
a. Kinh văn:
"Thu Tử, quốc độ Cực lạc chỗ nào cũng có cái hồ
bằng bảy chất liệu quý báu, thứ nước đủ tám đặc
tính tràn đầy trong đó. Đáy hồ trang rải toàn
cát bằng vàng. Thềm và đường bốn
phía đều do bạc, vàng, lưu ly, pha lê, bốn chất liệu
quý báu như vậy hợp lại mà thành. Trên hồ có lâu đài,
cũng dùng bạc, vàng, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và
mã não mà trang hoàng. Hoa sen trong hồ lớn như bánh xe,
màu xanh ánh ra sáng xanh, màu vàng ánh ra sáng vàng màu trắng
ánh ra sáng trắng, nhiệm mầu (*)
hương khiết. Thu Tử, quốc độ Cực lạc thành tựu
sự trang nghiêm như vậy" (Sđd. tr. 191 - 192).
b. Nghĩa biểu tượng:
Nước Cực lạc là nơi đã đoạn diệt khổ, nên chúng
sinh đã và đang tiếp tục chứng
đắc Thất giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ,
khinh an, định, xả (tượng trưng bằng bảy chất liệu quý
báu), và Tám cảnh giới thiền định: Tứ thiền sắc giới
và Tứ không (tượng trưng bằng thứ nước đủ tám đặc
tính tràn đầy). Tại đó, chúng sinh đã chứng Tâm
giải thoát hoàn toàn và đang tiến
dần đến Tuệ giải thoát tối thượng (biểu tượng hoa
sen nhiệm mầu hương khiết, hương thơm vi diệu, ánh sáng
chiếu sáng từ hoa sen). Do vì chứng đắc các quả vị
ngang qua tu tập phạm hạnh (Giới, Định, Tuệ) nên chúng
sinh được thác sinh về Cực lạc. Tại đây, chúng ta có
thể phát biểu rằng, giáo lý Phật giáo luôn luôn "nhất
quán", nhằm đưa đến mục đích sau cùng của đời sống
phạm hạnh là đoạn tận ái, thủ, vô minh, giải thoát hết
thảy các lậu hoặc. Nếu được khéo tu tập thì sẽ chuyển
được khổ đau sinh tử thành giải thoát, Niết bàn
ngay trong hiện tại (Ta bà bất ly đương
xứ, Tịnh độ chỉ tại mục tiền), tất cả những gì
thuộc công việc chuyển hóa đều có mặt trong chúng ta, tất
cả đang chờ đợi sự tỉnh giác và quyết tâm của
hành giả ngay từ hiện tại. Vì vậy, trọng điểm của
công việc tu tập thất giác chi, thiền định hay hầu hết
các kinh điển Nam tạng và Bắc tạng vẫn luôn đặt vào
việc đoạn trừ tham ái hay đoạn trừ chấp thủ...
3. PHÁP ÂM Ở CÕI TỊNH ĐỘ
a. Kinh văn:
"Thu Tử, quốc độ Cực lạc thường có các loại
chim lạ, đẹp, và màu sắc xen nhau, đại loại như
bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, tần dà, cọng mạng.
Những loại chim này, ngày đêm sáu buổi, kêu ra âm thanh
nhịp điệu và tuyệt nhã. Âm thanh ấy diễn đạt
năm căn bản, năm năng lực, bảy thành phần tuệ
giác, tám thành phần đường chánh,
các pháp đại loại như vậy. Người quốc độ Cực lạc
nghe âm thanh ấy thì ai cũng nhớ nghĩ về Phật, nhớ nghĩ
về Pháp, nhớ nghĩ về Tăng. Thu Tử, đừng bảo các loại
chim này thật do nghiệp dữ kết quả mà có, vì quốc
độ Cực lạc không có ba nẻo
đường dữ. Thu Tử, quốc độ Cực lạc cái tên đường
dữ còn không có, huống chi có cái thật đường dữ. Các
loại chim này, toàn là Đức
A Di Đà Phật muốn làm lan tràn âm thanh diệu pháp
nên biến hiện ra. Thu Tử, quốc độ
Cực lạc gió nhẹ thổi động những hàng cây và lưới
giăng quý báu, phát ra âm thanh tuyệt
diệu, tựa như trăm ngàn nhạc khí đồng thời hòa
tấu. Ai nghe âm thanh ấy cũng tự nhiên sinh ra tâm trí nhớ
nghĩ về Phật Pháp Tăng. Thu Tử,
quốc độ Cực lạc thành tựu sự trang nghiêm như vậy".
(Sđd, tr. 193 - 194).
b. Nghĩa biểu tượng:
Cảnh giới Cực lạc là cảnh giới của những tâm thức
thanh tịnh và giải thoát nên các tiếng chim hót ở đó phải
là tiếng lòng giải thoát. Đó là tiếng vọng của tâm thức
đã, đang và sắp chứng thuần thục năm
căn bản (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ
căn); năm năng lực (tín lực, tấn lực, niệm lực, định
lực, tuệ lực); bảy thành phần tuệ giác (niệm, trạch
pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả); tám
thành phần đường chánh (chánh kiến, chánh tư duy, chánh
ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh
tấn, chánh niệm, chánh định); các pháp đại loại như vậy
là cùng pháp số trên đây còn có lục độ vạn hạnh.
Cũng nên biết, 4 pháp số trên là Bồ đề phần pháp (nhân
tố và thành phần của tuệ giác ), và tại quốc độ Ta
bà này thì Bồ đề phần pháp, ngoài 4 pháp số trên còn
có 3 pháp số nữa là: một, 4 đề tài mà sự nhớ nghĩ
cư trú vào đó (tứ niệm xứ);
hai, 4 nỗ lực chính xác (tứ chánh cần); ba, 4 chân đứng
thần diệu (tứ như ý túc). Ba pháp số này cộng 4
pháp số trên thành 37 Bồ đề phần pháp mà nếu hợp lại
thì thực thể có 9, là tuệ, tiến, định, tín, niệm, hỷ,
xả, khinh an và vô biểu sắc. (Tục tạng kinh bản chữ Vạn
33/80B).
Di Đà đại bản nói, Bồ tát và Thanh văn
có vị muốn nghe âm thanh thuyết pháp, có vị muốn nghe
âm thanh âm nhạc, có vị muốn nghe hương thơm của hoa,
có vị không muốn nghe âm thanh nào hết...; ai muốn nghe
gì thì chỉ nghe thứ ấy, và ai không muốn nghe thì không
nghe gì cả (Đại tạng kinh bản
Đại chính tân tu 12/332) Tất cả các pháp lành trên
là tiêu biểu cho Đạo đế, và
đang hướng đến Phật trí. Khi hành
giả có Định và Tuệ thì sẽ thấy và nghe tiếng
pháp Vô ngã khắp mọi nơi. Bấy giờ chim muôn, hoa lá,
núi sông... đều nói pháp. Cũng vậy, ở nước Cực lạc,
quê hương của Trí tuệ, gió chim đều tuyên giảng Đạo
đế. Thực tại tính Di Đà thường xuyên thuyết
chánh pháp nên chúng sinh ở đó
có điều kiện để tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng
khả năng ly dục và thành tựu rốt ráo phạm hạnh...
4. CHÚNG SANH Ở CÕI TỊNH ĐỘ
a. Kinh văn:
"Thu Tử, Đức A Di Đà Phật có vô lượng đệ tử
Thanh văn, toàn là A la hán, không phải toán số
biết được. Đệ tử Bồ tát cũng tương đương như thế.
Thu Tử, quốc độ Cực lạc thành tựu sự trang
nghiêm như vậy. Thu Tử, người sinh quốc độ Cực lạc
toàn là những bậc Không thoái chuyển, trong đó
có nhiều vị Một đời thành Phật. Số này rất
nhiều, toán số cũng không thể biết
được, chỉ có thể đem cái số vô lượng vô số mà
nói". (Sđd, tr. 195 - 196).
b. Nghĩa biểu tượng:
Nếu A Di Đà Phật là tự tánh thanh
tịnh tâm, là biểu tượng của Giới đức,
Định đức và Tuệ đức, thì chính 37 Bồ đề phần pháp
đã giáo hóa chúng sinh đến
các quả vị A la hán, Không thoái chuyển, Một đời thành
Phật. Nếu chúng sinh có vô lượng vô biên, thì các quả
vị thánh kia cũng vô biên vô lượng mà kinh A Di Đà nói
là do Đức A Di Đà Phật
giáo hóa. Cực lạc không có mọi yếu tố thiên nhiên và
xã hội kích thích phát sinh phiền não hạnh nghiệp, mà
toàn là những yếu tố trái lại. Chính điều này là lý
do vì sao nên nguyện sinh Cực lạc. Sinh Cực lạc là được
sống với thượng thiện nhân trong thiện xứ. Thì sự trở
lại Ta bà hay du hóa mười phương chỉ là sự phân thân....
5. SỰ THẬT CỦA VIỆC TRÌ NIỆM A DI ĐÀ:
a. Kinh văn
"Thu Tử, như hiện thời Như Lai tán dương ích lợi những
sự bất khả tư nghi của Đức A Di Đà Phật, các quốc
độ phương Đông... phương Nam... phương Tây... phương Bắc...
phương Dưới.. phương Trên... hằng hà sa số các đúc
Như Lai đại loại như vậy, đều ở nơi quốc độ của
mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp đại
thiên quốc độ, nói lời thành thật như vầy: Các người
nên tin bản kinh tán dương những sự bất khả tư nghì, hết
thảy chư Phật đều gìn giữ cho".
(Sđd, tr.197 - 202).
b. Nghĩa biểu tượng
Đức Thích Tôn và chư Thế Tôn trong 10 phương thế giới
đang đồng âm tán dương công đức vô lượng của Đức
A Di Đà là ý nghĩa chư Thế Tôn tán thán con đường
giải thoát Giới, Định, Tuệ. Vì Giới, Định, Tuệ là
3 mặt của thực tại, trong Giới
có Định có Tuệ; trong Định có Giới có Định.Trong Tuệ
có Giới có Định. Mức độ thăng hoa của một trong ba
chi phần này có liên quan đến
hai chi phần kia. Có Tuệ mới biết đâu là Giới, có Tuệ
mới ổn định được tâm, càng thực hiện được Giới,
tức càng thực hiện được các quy luật tự nhiên thì
càng hiểu biết về thực tại, từ đó
hiểu được tâm; ổn định tâm; có ổn định tâm thì
tâm mới thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh.
Đây chính là con đường mà truyền thống chư Phật trong
ba đời hằng thuyết giảng trong mỗi thời pháp; cũng là
con đường độc nhất đưa đến
giải thoát sinh tử. Cho nên chúng sinh cầu nguyện về
nước Cực lạc thì không thể cầu nguyện suông được mà
phải là lời cầu nguyện cụ thể bằng hành động
tu tập 37 phẩm trợ đạo, và ý nghĩa
niệm danh hiệu A Di Đà là ý nghĩa hướng tâm vào
Giới, Định, Tuệ...
6. KẾT LUẬN
Giáo lý kinh A Di Đà rất mực cụ thể vì đã trình
bày cái chân lý tuyệt đối và phổ quát, từ đó có thể
áp dụng trong mọi hình thái sinh hoạt của xã hội, kinh tế,
văn hóa, giáo dục, chính trị...
như đã trình bày ở các phần trước, kinh A Di Đà
có thể trình bày vắn tắt vào các điểm sau:
1. Kinh diễn tả ý nghĩa danh hiệu A Di Đà:
Vô lượng quang, Vô lượng thọ là trỏ cho chân lý, cho
trí tuệ, cho pháp thân Phật, cũng là ý nghĩa 10 lực
của Đức Như Lai mà kinh tạng Nikàya thường nêu
rõ. Ở đây, ý nghĩa lâu bền của
chân lý, của Phật pháp, của giải thoát ... cũng cần
được ngầm hiểu.
2. Cảnh giới Cực lạc của Phật A Di Đà
là cảnh giới hòa bình, an lạc, thiện lành tuyệt đối,
tượng trưng cho Niết bàn, vừa trỏ đến Niết bàn, tức
Diệt đế. Từ đó ta phải hiểu
rằng mọi hình tha1i sinh hoạt hằng ngày, suy rộng
ra, từ Diệt đế, ta có thể phản
suy để hiểu ngầm lời dạy về Khổ đế, Tập đế và
từ đó tìm hiểu Đạo đế. Rõ ràng đây là giáo
lý căn bản nhất của kinh điển
Nguyên thủy.
3. Pháp môn niệm Phật là con đường
thuận hợp với nhiều căn cơ chúng sinh; được xem là
pháp môn chủ yếu trong kinh A Di Đà mà ta cũng tìm
thấy trong các kinh Nikàya, nhất là trong Tăng
Chi. Niệm Phật để được nhất tâm, đưa đến, tức niệm
Phật là hành thiền, là phá chấp, là vô ngã, là thực
hiện Bát chánh đạo, hay nói chung là tu tập 37 phẩm trợ
đạo. Từ nội dung đầy ý nghĩa
trên, ta có thể đi tìm một mẫu số chung, một nội
dung lớn xuyên suốt bộ kinh A Di Đà: đó là sự nêu trỏ
cái tâm, nhận biết tâm, tu sửa
tâm, chứng ngộ tâm. Đó là ý nghĩa Tâm học của Phật
giáo. Thật thế, qua kinh A Di Đà, Đức Vô lượng thọ, Vô
lượng quang là trỏ cái tâm vô, cái tâm tuyệt đối, cái
bản thể Như Lai tạng được triển khai, lớn mạnh và
viên mãn. Đó là cái tâm nguyên thủy,
rất mực thanh tịnh, giải thoát. Đó là tâm Phật vốn
có trong một chúng sinh; mà vì chúng sinh còn mê muội, còn
trôi lăn trong sinh tử luân hồi nên không thể hiện được
cái tâm tuyệt đối vốn có của mình. Cái tâm tuyệt đối
này được kinh A Di Đà dùng ngôn
ngữ biểu tượng để tả một cảnh giới Cực lạc, đấy
là trỏ đến Niết bàn như đã nói. Thì ra tâm giải
thoát là Niết bàn, không mang chút gì là ngã, ngã sở, do
đó hạnh phúc viên mãn miên trường. Như đã nói, pháp
môn niệm Phật chính là niệm tâm, là thiền định,
đưa đến trí tuệ giải thoát. Niệm Phật A Di Đà
là niệm cái tâm, Phật tính vốn có của mình, để chứng
ngộ nó; và như thế ý nghĩa nhờ vào tha lực hay nhờ gia
trì lực rốt lại cũng chính là tự lực, tự giải thoát.
Đó là ý nghĩa của sự tự chứng thánh trí của kinh Lăng
Già, vốn đã được Đức Phật
khuyên dạy: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà
đi".
-Chú thích: "Hoa sen
mà nói nhiệm mầu là vì hoa ấy thực mà không chất ngại
nhau, và hoa sinh người mà như thế thì người do hoa sinh là
như thế, có thể biết được". (Tục tạng kinh bản
chữ Vạn 108/333A. Phần sau của lời giải thích này là
nói người sinh Cực lạc thì hóa sinh trong hoa sen ấy,
"Chín phẩm hoa sen làm bậc cha mẹ", do vậy mà cơ
thể người Cực lạc không có và có những gì cơ thể chúng
ta có và không có) (Sđd, tr. 332)
Thích Nguyên Thành