Hôm nay là Đại lễ Phật Đản 2525 , Viện Phật Học Vạn Hạnh chúng tôi cùng với các Phật tử trong nước và
Phật tử năm châu bốn biển đang tưng bừng đón mừng Đại lễ với những nghi lễ
trang nghiêm, với những cúng dường chân thành và đúng theo truyền thống hàng
năm, bao giờ cũng vậy, đối với chúng tôi, cúng dường Pháp là cúng dường tối
thượng. Nhân Đại lễ Phật Đản năm nay, chúng tôi phát hành Tăng Chi Bộ Kinh Tập
II quyển A, đã được phát hành nhân dịp lễ kỷ niệm Phật Thành Đạo vừa qua.
Tăng Chi Bộ Kinh Tập II quyển
A, tức là Bộ Anguttara Nikàya gồm có 5 tập, sưu tập các kinh tùy theo số lượng
từ 1 pháp lên đến 11 pháp, và tập này chỉ gồm một chương, là chương đề cập đến
bốn pháp.
Trong Tập II quyển A, chương
bốn pháp gồm có 27 phẩm, mỗi phẩm gồm 10 kinh, phẩm cuối gồm 11 kinh, như vậy
số kinh tổng cộng là 271 bài, đánh số từ 1 đến 271, cho tiện tham khảo.
Đề tài được đề cập có thể nói
là quá nhiều và quá phong phú, đến nỗi một sự phân loại các đề được nói đến
thật không dễ dàng. Hôm nay, để giới thiệu Tăng Chi Bộ Kinh Tập II quyển A,
nhân Đại lễ Phật Đản 2525 (1981), chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số vấn đề mà
chúng tôi xem là quan trọng, còn các vấn đề khác lẽ dĩ nhiên cũng rất quan
trọng chúng tôi chỉ mong các độc giả tự mình đọc lấy, tìm hiểu và hành trì. Chỉ
có vậy mới đánh giá đúng đắn Tập II quyển A, Tăng Chi Bộ Kinh và đi sâu vào
phần nội dung của Tập Kinh này.
*
Trước hết, chúng tôi đề cập đến
các bậc Như Lai nói chung, rồi đến Thế Tôn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng,
những định nghĩa đã được dùng để diễn tả các Ngài và nhất là những đóng góp gì
rất đặc biệt về những giáo lý chánh yếu, những pháp môn giảng dạy đã giúp chúng
sanh thoát khỏi sự khổ đau.
Chúng tôi phải hạn chế những tư
liệu chỉ trong Tăng Chi Bộ Kinh Tập II quyển A này mà thôi, có vậy mới làm nổi
bật lên nội dung súc tích của bộ kinh này và cũng là một hình thức hay nhất để
kỷ niệm Lễ Phật Đản 2525 năm. Cúng dường Pháp bao giờ cũng là cúng dường tối
thượng.
Một vấn đề có thể làm nhiều
người thắc mắc, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, là Đức Phật là ai, Ngài
là thần chăng, vị tiên chăng, Ngài là người như chúng ta chăng? Chúng ta là
Phật tử, chúng ta là những người tìm hiểu Đạo Phật, chúng ta cần xem Đức Phật
là ai, cho đúng với lời Phật dạy? Một câu hỏi về một số vấn đề đã được Đức Phật
khéo giải đáp trong kinh số 36 về tùy thuộc thế giới.
Bà-la-môn Dona thấy dấu chân
Đức Phật có dấu bánh xe (pháp luân) với đầy đủ tất cả chi tiết, khi Đức Phật đi
trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya, liền suy nghĩ đây không phải là dấu
chân của loài người, nên đến gần Đức Phật và hỏi: "Có phải Ngài sẽ là vị
Tiên, Ngài sẽ là Càn Thát Bà, Ngài sẽ là Dạ Xoa, Ngài sẽ là loài người?"
Với bốn câu hỏi này Đức Phật tuần tự trả lời: "Ta sẽ không phải là Tiên,
Ta sẽ không phải là Càn Thát Bà, Ta sẽ không phải là Dạ Xoa, Ta sẽ không phải
là người."
Câu trả lời làm cho Bà-la-môn
Dona ngạc nhiên, và chúng ta cũng dễ hiểu, vì nếu Đức Phật trả lời: "Ta sẽ
là chư Thiên... , hay Ta sẽ là loài người" tức là Đức Phật còn phải tái
sanh, còn phải sanh tử luân hồi. Cho nên Đức Phật mới trả lời: "Ta sẽ
không phải là chư Thiên, Ta sẽ không phải là Càn Thát Bà, Ta sẽ không phải là
Dạ Xoa, Ta sẽ không phải là người." Nhưng câu trả lời đã làm cho Bà-la-môn
Dona ngạc nhiên khiến phải hỏi tiếp: "Vậy sở hành của Ngài là gì, và tôn
giả sẽ là gì?" Câu trả lời tiếp của Đức Phật rất là đặc biệt:
- "Này Bà-la-môn, đối
những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên với các lậu hoặc
đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Ta La, được làm
cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này
Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn
Thát Bà, Ta có thể là Dạ Xoa, Ta có thể là loài người, với các lậu hoặc đã đoạn
tận, được chặt đứt từ gốc rễ. Được làm thành như cây Ta La, được làm không thể
hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai..."
Như vậy, tùy thuộc chúng sanh
được đề cập đến, đối với chúng sanh là Chư Thiên chưa đoạn tận các lậu hoặc,
Đức Phật có thể là chư Thiên nhưng với các lậu hoặc đã đoạn tận, không còn sanh
tử luân hồi. Đối với loài người chúng ta chưa đoạn tận các lậu hoặc, Đức Phật
có thể là người, nhưng là một con người đã đoạn tận các lậu hoặc. Nói một cách
khác, dầu thuộc loại chúng sanh hữu tình nào đang còn có lậu hoặc, đang còn
sanh tử luân hồi, Đức Phật có thể là chúng sanh ấy, nhưng với các lậu hoặc đã
đoạn tận. Chúng ta là người, Đức Phật đối với chúng ta là người, chỉ có sự sai
khác, Đức Phật là người đã đoạn tận các lậu hoặc, còn chúng ta là người, nhưng
chưa đoạn tận các lậu hoặc. Rồi Đức Phật cho chúng ta một thí dụ xác định rõ
ràng vị trí của Ngài trong thế giới loài người: "Ví như này Bà-la-môn,
bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong
nước, vươn lên khỏi mặt nước và đứng thẳng, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy
này Bà-la-môn, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời,
không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì."
Rồi Đức Phật dùng một bài kệ
phát họa hình ảnh của Ngài trong đời:
"Với
lậu hoặc chưa đoạn,
Ta có
thể là Tiên,
Có thể
Càn Thát Bà,
Có thể
là loài chim,
Hay đi
đến Dạ Xoa,
Hay vào
trong thai người
Với Ta,
lậu hoặc tận,
Bị phá
hũy, trừ khử,
Như sen
trắng tươi đẹp,
Không
bị nước thấm ướt,
Đời
không thấm ướt Ta,
Do vậy
Ta được gọi,
Ta là
Phật, Chánh Giác,
Hỡi này
Bà-la-môn."
Đức Phật đã sống trong đời,
không bị đời uế nhiễm, nhưng đã gọi là Như Lai (Tathàgata) tức có nghĩa là vị
đã thật sự hiểu đời, hiểu thế giới như thể nào mới không bị đời uế nhiễm, như
kinh thế giới số 23 đã nêu rõ:
"Này các tỷ kheo, thế giới
được Như Lai chánh đẳng giác, Như Lai không hệ lụy với đời. Này các tỷ kheo,
thế giới tập khởi được Như Lai chánh đẳng giác. Thế giới tập khởi được Như Lai
đoạn tận. Này các tỷ kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Thế
giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các tỷ kheo, con đường đưa đến thế
giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác. Con đường đưa đến thế giới đoạn
diệt được Như Lai tu tập."
- "Cái gì này các tỷ kheo,
trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần
chúng Sa Môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, được thấy, được nghe, được
cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều
được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Từ đêm, này các tỳ
kheo, Như Lai được chánh đẳng giác, đến đêm Ngài nhập Niết bàn, trong thời gian
ấy, điều gì Ngài nói, nói lên, tuyên bố, tất cả là như vậy, không thể khác
được. Do vậy được gọi là Như Lai."
"Này các tỷ kheo, Như Lai
nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì
nói vậy, nên được gọi là Như Lai."
"Này các tỷ kheo, trong
toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, cùng các quần chúng Sa môn, Bà-la-môn,
chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc Chiến Thắng, không bị ai chiến bại,
toàn trí toàn kiến, đại tự tại. Do vậy, được gọi Như Lai."
Như kinh trên đã trình bày, Như
Lai là một vị đã hiểu rõ thế giới, như vậy là đã đạt đến chỗ tột cùng của thế
giới, mới có thể hiểu biết về thế giới. Nhưng phải ở trong thế giới, mới có thể
hiểu biết thế giới, phải ở trong sinh tử mới có thể vượt khỏi sinh tử, như đã
được trình bày trong kinh Rohitassa số 45. Trong kinh này, thiên tử Rohitassa
hỏi Đức Phật: "Tại chỗ nào Bạch Thế Tôn, không bị sanh, không bị già,
không bị chết, không có từ bỏ (đời này), không có sanh khởi (đời khác), chúng
con có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới
không?" Và Đức Phật đã trả lời dứt khoát là không thể được. Rohitassa tán
thán câu trả lời của Đức Phật, khen rằng thật là vi diệu vì chính thiên tử
Rohitassa, bước đi với tốc độ nhanh như tên bắn chớp nhoán, với bước chân từ
biển Đông qua biển Tây, đi như vậy luôn 100 năm không có dừng nghỉ, cũng phải
chết giữa đường, không có thể đạt được tận cùng thế giới. Nhưng rồi Đức Phật
dạy, chúng ta không cần đi đâu xa, chính trên cái thân này của chúng ta, chúng
ta có thể đạt đến chỗ tận cùng thế giới. "Này hiền giả, Ta tuyên rằng tại
chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ đời này,
không có khởi đời khác thời không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến
chỗ tận cùng của thế giới. Nhưng này hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc
này (byàmamatta) với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới
tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt".
Và với bài kệ sau đây, Đức Phật
tóm tắc lời dạy của Ngài:
"Với
đi, không bao giờ
Đạt tận
cùng thế giới
Nếu
không, không đạt được
Chỗ tận
cùng thế giới
Thời
không có giải thoát
Ra
ngoài khỏi khổ đau.
Do vậy,
bậc có trí,
Hiểu
biết rõ thế giới,
Đi tận
cùng thế giới,
Với
Phạm hạnh thành tựu,
Bậc đạt
được an tịnh
Biết
tận cùng thế giới;
Không
mong cầu đời này,
Không
mong cầu đời sau."
Vì vai trò quan trọng của cái
thân của chúng ta, nên Đức Phật đã dạy phải trừ thân kiến (sakkàyaditthi) giới
cấm thủ và nghi mới có thể chứng được quả Dự Lưu từ bỏ địa vị phàm phu, bước
vào địa vị hiền thánh. Do vậy, đôi khi Đức Phật cũng rống tiếng rống của con sư
tử về cái thân năm uẩn của chúng ta, một tiếng rống làm chư Thiên khiếp sợ vì
tưởng rằng thân của chư Thiên là thường còn, như kinh Con sư tử số 33 đã ghi
nhận:
"Cũng vậy này các tỷ kheo,
Như Lai ...thuyết pháp: "Đây là thân năm uẩn (sakkàya), đây là thân năm
uẩn tập khởi, đây là thân năm uẩn đoạn diệt; đây là con đường đưa đến thân năm
uẩn đoạn diệt. Này các tỷ kheo, có những chư Thiên nào, tuổi thọ dài, có dung
sắc, hưởng lạc nhiều, đã sống lâu trong các lâu đài to lớn. Chư Thiên này, sau
khi nghe Như Lai thuyết pháp, phần lớn chúng trở thành sợ hãi, run sợ, khiếp
đảm. Chúng nghĩ: "Chúng ta là vô thường, này chư tôn giả, nhưng chúng ta
nghĩ là chúng ta thường còn. Chúng ta là không thường hằng, này chư tôn giả,
nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường hằng. Chúng ta không thường trú, này chư
tôn giả, nhưng chúng ta nghĩ là chúng ta thường trú. Này chư tôn giả, chúng ta
là vô thường, không thường hằng, không thường trú, bị thâu nhiếp trong một thân
này."
Với Đức Phật tự mình đã giác
ngộ, khi Ngài mới thành chánh giác, Ngài khởi lên một tư tưởng rất khiêm tốn:
"Thật là khó khăn, sống không cung kính, không vâng lời. Vậy Ta hãy cung
kính, đãnh lễ và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà-la-môn..." Với mục đích
làm cho đầy đủ giới uẩn chưa đầy đủ, làm cho đầy đủ định uẩn chưa đầy đủ... Làm
cho đầy đủ tuệ uẩn chưa đầy đủ... Làm cho đầy đủ giải thoát uẩn chưa đầy đủ. Ta
hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ vào một Sa môn hay Bà-la-môn nào
khác." Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác Ma và
Phạm Thiên, giữa quần chúng Sa môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không
có một Sa môn hay Bà-la-môn nào khác, với giới ..., với định ..., với tuệ ...
với giải thoát đầy đủ hơn Ta mà ta có thể cung kính đảnh lễ và sống y
chỉ." Rồi này các tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Với Pháp này mà Ta
đã chơn chánh giác ngộ, Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ pháp ấy."
Như vậy Đức Phật với tâm tư khiêm tốn muốn tìm một Sa môn hay Bà-la-môn để
nương tựa y chỉ, nhưng cuối cùng phải nương tựa y chỉ vào Chánh Pháp. Thái độ
này của Đức Phật giải thích vì sao Đức Phật khuyên tôn giả Ananda chớ có sầu
muộn sau khi Đức Phật nhập diệt, vì các đệ tử Phật luôn luôn có chánh pháp lãnh
đạo, có chánh pháp làm chỗ y chỉ, có chánh pháp làm chỗ nương tựa. Đức Phật có
thể xem là vị giáo chủ khuyên chúng ta không nên nương tựa, ỷ lại cá nhân, Ngài
chỉ khuyên chúng ta nên y chỉ vào chánh pháp, nên nương tựa chánh pháp. Và như
vậy chúng ta thật không lấy làm lạ khi Đức Phật được tôn xưng là bậc tối thượng
trong thế giới các loài hữu tình như kinh các lòng tin số 34 đã xác định. Dầu
cho loài hữu tình nào, này các tỷ kheo, không chân hay hai chân, bốn chân hay
nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi
phi tưởng, Thế Tôn bậc A-la-hán chánh đẳng giác được xem là tối thượng. Những
ai đặt lòng tin vào Đức Phật, chúng đặt lòng tin vào tối thượng với những ai
đặt lòng tin vào tối thượng, chúng được quả Dị thục tối thượng.
Do Ngài chiếm một địa vị tối
thượng trong thế giới các loài hữu tình, do sự chứng ngộ, giải thoát của Ngài
là thiết thực, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, nên Ngài sống ở đời,
đạt được bốn sự không sợ hãi, như kinh Vô sở úy số 8 đã trình bày. Ngài tuyên
bố: "Có bốn không sợ hãi này của Như Lai, này các tỷ kheo, do thành tựu
bốn không sợ hãi này, Như Lai tự nhận cho mình Địa ngưu vương, rống tiếng rống
con sư tử trong các hội chúng và chuyển Pháp Luân".
Ngài thấy rằng, không một ai có
thể chỉ trích Ngài là chưa giác ngộ một cách hoàn toàn, là chưa đoạn tận các
lậu hoặc một cách hoàn toàn, là các pháp Ngài thuyết là chướng đạo pháp nhưng
thật sự không có gì chướng ngại, và mục đích về pháp Ngài tuyên bố là không
thiết thực đưa người thực hành đoạn tận được khổ đau. Trái lại, Ngài đã thực sự
giác ngộ hoàn toàn, đã thực sự đoạn tận dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; các
chướng đạo pháp mà Ngài tuyên bố thật sự làm trở ngại cho người hành trì trên
con đường tu đạo; mục đích Ngài thuyết giảng và các phương pháp hành trì do
Ngài giới thiệu đã thực sự giúp cho hàng vạn, hàng triệu người được giải thoát
giác ngộ. Do vậy, Ngài ung dung tự tại đi vào mọi hội chúng, không một chút sợ
hãi rụt rè, vì không có một ai có thể chất vấn, cật nạn Ngài được. Ngài đã
chứng được bốn không sợ hãi của những bậc thật sự giác ngộ.
Với vị trí vô thượng của Ngài,
với sự giác ngộ tuyệt vời của Ngài, với bốn không sợ hãi của Ngài, cho nên Ngài
đã thành tựu bốn pháp vi diệu chưa từng có, như đã được diễn tả trong kinh Vi
diệu số 128.
"Này các tỷ kheo, khi Như
Lai, bậc A-la-hán chánh đẳng giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu, chưa từng có
này xuất hiện."
"Này các tỷ kheo, quần chúng
ưa thích chấp giữ, thích thú chấp giữ, hoan hỷ chấp giữ. Khi pháp không chấp
giữ được Như Lai thuyết giảng, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú tâm với chánh
trí..."
"Này các tỷ kheo, quần
chúng ưa thích kiêu mạn, thích thú kiêu mạn, hoan hỷ kiêu mạn. Khi pháp không
kiêu mạn được Như Lai thuyết giảng, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú tâm với
chánh trí..."
"Này các tỷ kheo, quần
chúng ưa thích không an tịnh, thích thú không an tịnh, hoan hỷ không an tịnh.
Khi pháp an tịnh được Như Lai thuyết giảng, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú
tâm với chánh trí..."
"Này các tỷ kheo, quần
chúng đi đến vô minh, trở thành mù quáng, bị trói buộc che đậy. Khi Như Lai
thuyết pháp nhiếp phục vô minh, chúng khéo nghe, lắng tai, an trú tâm với chánh
trí..."
"Này các tỷ kheo, khi Như
Lai, bậc A-la-hán chánh đẳng giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có
này xuất hiện." Đây thật sự là ảnh hưởng vi diệu của chánh pháp. Chúng ta
chưa nghe chánh pháp thì thôi, nhưng đã nghe được chánh pháp thời tâm tư chúng
ta dần dần biến đổi, bản tánh ưa thích chấp giữ được nhẹ dần tánh chấp giữ, bản
tánh kiêu mạn chúng ta vơi bớt kiêu căng ngạo mạn, bản tánh giao động của chúng
ta trở thành an tịnh lắng dịu và bản tánh vô minh vô trí được trở thành sáng
suốt, giác ngộ. Khả năng cảm hóa của chánh pháp thật sự là hy hữu vi diệu. Khả
năng cảm hóa của Đức Phật thật sự là hy hữu vi diệu."
*
Nay chúng ta bước qua một lãnh
vực khác, lãnh vực các đề tài Đức Phật đã thuyết giảng, một mặt chúng ta thấy
rõ được sự sai khác như trời vực giữa lời dạy của Sa môn, Bà-la-môn ngoại đạo
và lời dạy của Đức Phật. Một mặt chúng ta càng nhận chân một cách thấu triệt
sâu sắc những pháp môn giải thoát giác ngộ, chính Đức Phật tự mình hành trì
kinh nghiệm trên bản thân, những pháp môn ấy không những là siêu việt xuất chúng
với tánh chất độc đáo của chúng, chính chúng đã mở rộng tầm mắt nhìn thấy của
chúng ta và giới thiệu cho chúng ta những pháp môn thật sự giác ngộ và giải
thoát.
Trong một câu chuyện giữa các
du sĩ ngoại đạo với Đức Phật như được ghi chép trong kinh Các sự thật Bà-la-môn
số 185, khi được nghe các du sĩ bàn luận về các sự thật Bà-la-môn, Đức Phật đã
đóng góp ý kiến của Ngài về vấn đề này, và những sự thật Ngài đóng góp thật sự
là những nguyên tắc, những nguyên lý để hiểu biết để thực hành, để sống trọn vẹn:
"Ở đây, này các du sĩ,
Bà-la-môn nào nói như sau: "Không được làm hại các loài hữu tình",
người Bà-la-môn nào nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy
không nghĩ đến "Sa môn", không nghĩ đến Bà-la-môn, không nghĩ đến:
"Ta hơn các người khác", không nghĩ đến "Ta bằng các người
khác", không nghĩ đến: "Ta là hạ liệt". Lại nữa, do thắng trí sự
thật hàm chứa ở đây, người ấy thực hành lòng thương tưởng, lòng từ mẫn đối với
các loài hữu tình.
"Lại nữa này các du sĩ,
Bà-la-môn nói như sau: "Mọi dục là vô thường, khổ, chịu sự biến
hoại..." Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do
vậy, vị ấy không nghĩ đến "Sa môn", không nghĩ đến
"Bà-la-môn", không nghĩ đến "Ta hơn các người khác", không
nghĩ đến "Ta bằng các người khác", không nghĩ đến "Ta là hạ
liệt". Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đây, người ấy thực hành
nhằm chán, ly tham, đoạn diệt đối với các dục".
"Lại nữa, này các du sĩ,
người Bà-la-môn nào nói như sau: "Tất cả hữu là vô thường, khổ, chịu sự
biến hoại". Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do
vậy, vị ấy không nghĩ đến: "Sa môn", không nghĩ đến
"Bà-la-môn", không nghĩ đến: "Ta hơn các người khác", không
nghĩ đến: "Ta bằng các người khác", không nghĩ đến: "Ta là hạ
liệt". Lại nữa, do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, người ấy thực hiện
nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với các hữu.
"Lại nữa, này các du sĩ,
người Bà-la-môn nói như sau: "Ta không là bất cứ ai, bất cứ thuộc ai, bất
cứ là gì. Trong ấy không có cái gì được gọi ta là của Ta, bất cứ ở đâu, bất cứ
là gì? "Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy,
vị ấy không nghĩ đến "Sa môn", không nghĩ đến "Bà-la-môn",
không nghĩ đến: "Ta hơn các người khác", không nghĩ đến: "Ta
bằng các người khác", không nghĩ đến "Ta là hạ liệt". Lại nữa,
do thắng tri sự thật hàm chứa ở đây, người ấy thực hành con đường không có sự
vật gì".
Trước hết bốn sự thật do Đức
Phật tuyên bố này, cho chúng ta một cái nhìn thiết thực, chính xác về cuộc đời
và dạy cho chúng ta những hành động phù hợp: "Chúng ta không được làm hại
các loài hữu tình; chúng ta phải hiểu các dục, các hữu là vô thường; chúng ta
nên loại trừ các sở hữu. Với những cái nhìn, với những hành động chính xác phù
hợp với các sự thật ấy, chúng ta sẽ không còn tự cao tự đại, tự ty mặt cảm,
không còn phân biệt giữa mình và người. Và nhờ có một nhận thức thiết thực về
bốn sự thật này, chúng ta mới phát khởi lòng từ bi đối với các loài hữu tình,
thực hành sự nhàm chán ly tham đối với các dục, các hữu, và thực hành con đường
không có sự vật gì."
Cuộc đối thoại kế tiếp là giữa
Bà-la-môn Vassakàre với Đức Phật về vấn đề Đại Tuệ (kinh Vassakàre số 35). Theo
Vassakàre, một người thành tựu bốn pháp được xem là bậc Đại Tuệ, là bậc Đại
Nhân. Tức là nghe nhiều, biết ý nghĩa những điều đã được nghe. Có chánh niệm,
nhớ đến điều đã làm, đã nói từ lâu. Trong các công việc của gia chủ, có thiện
xảo không thụ động. Thành tựu với sự quán sát về phương tiện vừa đủ để làm, vừa
đủ để tổ chức. Đầy đủ bốn đức tánh như vậy, Bà-la-môn Vassakàre xem vị ấy là bậc
Đại Tuệ, là bậc Đại Nhân. Nhưng Đức Phật trình bày bốn pháp, tác thành bậc Đại
Tuệ, bậc Đại Nhân rất là sai khác.
Theo Đức Phật, "Người nào
hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc cho nhiều người. Với
người này, nhiều người được an lập trên thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh,
thiện pháp tánh. Với tâm tư nào vị ấy nghĩ cần phải tầm tư, vị ấy tầm tư tầm tư
ấy. Với tư duy nào vị ấy nghĩ cần phải tư duy, vị ấy tư duy tư duy ấy. Như vậy
vị ấy đạt được tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư. Đối với bốn thiền thuộc
tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, vị ấy đạt được không khó khăn, đạt được
không mệt nhọc, đạt được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay
trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lượng
giải thoát." Đức Phật không bài xích, không tùy hỷ quan điểm của
Vassakàre, Ngài chỉ trình bày quan điểm của mình, nhưng sau khi Vassakàre gạn
hỏi như muốn thách thức, Đức Phật đã trả lời cho Vassakàre rõ là bốn pháp tánh
thành bậc Đại Tuệ này, chính Đức Phật đã thành tựu một cách viên mãn trọn vẹn.
Thật vậy, Đức Phật là vị đã đem lại hạnh phúc an lạc cho rất nhiều chúng sanh,
đã an trú các chúng sanh trên thiện pháp, đã giúp đỡ chúng sanh thực hành các
điều lành về thân, về lời, về ý. Đức Phật là vị đã hoàn toàn tự tại trong đường
hướng tầm tư, suy tư những gì cần phải suy tư, không suy tư những gì không cần
phải suy tư, tự tại trong những suy tư, tư tưởng của mình; đã chứng được bốn
thiền một cách ung dung tự tại và đã đoạn trừ các lậu hoặc, chứng được vô lậu
tâm giải thoát tuệ giải thoát. Ngài nói đến bốn pháp tác thành bậc Đại Tuệ,
những pháp chính Ngài đã thực hành trọn vẹn. Và để kết luận, Đức Phật đã nói
lên bài kệ:
"Ai
trong mọi chúng sanh
Hiểu rõ
được giải thoát,
Khỏi
cạm bẫy thần chết.
Vì hạnh
phúc nhân thiên;
Tuyên
bố về chánh lý,
Tuyên
bố về chánh pháp.
Quần
chúng thấy nghe vậy,
Liền
hoan hỷ tịnh tín.
Thiện
xảo, đạo phi đạo,
Việc
nên làm đã làm,
Võ lậu
bậc giác ngộ
Với
thân này thân cuối,
Ngài
được gọi tôn xưng
Bậc Đại
Tuệ, Đại Nhân".
Tiếp đến là một cuộc đàm luận
nữa giữa Bà-la-môn Jànussoni với Đức Phật, vị này đến Đức Phật và tuyên bố ngay
rằng: "Thưa Tôn giả Gotama, con nói như sau, thấy như sau: "Không có
một ai bản tánh bị chết mà không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến cái
chết." (Kinh Không sợ hãi, số 184).
Đức Phật với kinh nghiệm của
Ngài, tuyên bố rằng có hai hạng người, có hạng người bản tính bị chết, sợ hãi
run sợ khi nghĩ đến cái chết, nhưng có người bản tính bị chết, nhưng không sợ
hãi, không run sợ khi nghĩ đến cái chết. Và bốn hạng người sau đây, khi chết
đến cảm thấy sợ hãi hoảng sợ: "Những ai không ly tham đới với các dục,
những ai không ly tham đối với cái thân không ly tham muốn, không ly tham ái,
không ly khát ai, không ly nhiệt não, không ly tham ái. Rồi một chứng bệnh trầm
trọng khởi lên cho người ấy, suy nghĩ như sau: "Thực sự các dục khả ái sẽ
từ bỏ Ta, hay Ta từ bỏ những dục khả ái... Thật sự thân khả ái, sẽ từ bỏ Ta,
hay Ta từ bỏ thân khả ái. "Nó sầu muộn than van, khóc lóc, đập ngực, rơi
vào bất tỉnh." Như vậy, hai hạng người này, hạng người chưa ly tham đối
với các dục...chưa ly tham đối với thân, hai hạng người này, bản tánh bị chết,
sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết."
"Lại nữa hạng người không
làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm
điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều
phạm pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy cảm
thọ chứng bệnh nặng ấy, suy nghĩ như sau: "Thật sự Ta không làm điều lành,
không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo,
làm điều phạm pháp.
Tại sanh thú nào, các người
không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở cho kẻ sợ hãi, làm
điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp đi đến, sau khi chết, Ta đi đến
sanh thú ấy. "Người ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất
tỉnh. Này Bà-la-môn đây là người bản tánh bị chết sợ hãi, rơi vào run sợ khi
nghĩ đến chết."
- "Lại nữa này Bà-la-môn,
ở đây có hạng người nghi ngờ, do dự, không đi đến kết luận đối với diệu pháp.
Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy cảm thọ bệnh nặng
trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: "Thật sự Ta có nghi ngờ do dự, không đi
đến kết luận đối với diệu pháp. "Người ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, đập
ngực rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là bốn hạng người, bản tánh bị chết
sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến cái chết."
Trái lại bốn hạng người sau
đây, tuy bản tánh bị chết, nhưng không sợ hãi, không run sợ khi nghĩ đến cái
chết:
"Ở đây, này Bà-la-môn, có
hạng người ly tham đối với các dục...ly tham đới với thân, ly ham muốn, ly
luyến ái, ly khát ái, ly nhiệt não, ly tham ái. Rồi một chứng trầm trọng khởi
lên cho người ấy cảm thọ chứng bệnh trầm trọng ấy suy nghĩ như sau: "Thật
sự các dục khả ái sẽ từ bỏ Ta, hay "Ta sẽ từ bỏ các dục khả ái ... Thật sự
thân khả ái sẽ từ bỏ Ta", hay "Ta sẽ từ bỏ thân khả ái này."
Người ấy không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không
rơi vào bất tỉnh. "Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết,
không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết."
"Lại nữa này Bà-la-môn, ở
đây có hạng người không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm
pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi. Rồi một chứng bệnh
trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy cảm thọ chứng bệnh trầm trọng ấy,
suy nghĩ như sau: "Thật sự Ta không làm ác, không làm điều hung bạo, không
làm điều phạm pháp; làm điều lành, làm điều thiện, có che chở cho kẻ sợ hãi.
Tại sanh thú nào, các người không làm các điều ác, không làm điều hung bạo,
không làm điều phạm pháp, làm điều thiện, làm điều lành, có che chở cho kẻ sợ
hãi đi đến. Sau khi Ta chết, Ta đi đến sanh thú ấy. Người ấy không sầu muộn,
không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này
Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không run sợ khi
nghĩ đến chết."
"Lại nữa này Bà-la-môn, ở
đây có hạng người không có nghi ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với
diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy cảm
thọ chứng bệnh trầm trọng ấy suy nghĩ như sau: "Thật sự Ta không có nghi
ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp! Người ấy không có sầu
muộn, không có than van, không có khóc lóc, không có đập ngực, không rơi vào
bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết không sợ hãi, không
rơi vào run sợ khi nghĩ đến cái chết."
Có những vấn đề xem thật là tầm
thường, nghĩa là nói lên những điều mình đã nghe, đã thấy, nhưng câu trả lời
của Đức Phật bao giờ cũng diễn đạt trí tuệ sâu sắc của Ngài, rất khác với câu
trả lời của Vassakàra (Kinh Điều đã được nghe số 183). Bà-la-môn Vassakàra thưa
với Đức Phật: "Thưa Tôn giả Gotama con nói như sau, thấy như sau:
"Khi người nào nói lên điều mình thấy: "Ta thấy như vậy", do vậy
người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình nghe: "Tôi nghe
như vậy." Do vậy người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình
cảm giác; "Tôi cảm giác như vậy." Do vậy người ấy không có lỗi gì.
Khi người nào nói lên điều mình thức tri: "Tôi thức tri như vậy." Do vậy
người ấy không có lỗi gì. "Câu trả lời của Đức Phật rất là đặc biệt. Ngài
tuyên bố, Ngài không nói rằng tất cả được thấy, được nghe, được cảm giác, được
thức tri là nên nói ra hay không nói ra. "Nhưng này Bà-la-môn, phàm nói
lên điều thấy gì...điều nghe gì...điều cảm gì... điều thức tri gì, các pháp bất
thiện tăng trưởng, pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thấy như vậy...điều
nghe như vậy...điều cảm giác như vậy... điều thức tri như vậy... điều nghe như
vậy...điều cảm giác như vậy...điều thức tri như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn,
phàm nói ra điều gì, thấy gì...điều nghe gì...điều cảm giác gì...điều thức tri
gì...các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều
thấy như vậy...điều nghe như vậy...điều cảm giác như vậy...điều thức tri như
vậy...điều thức tri như vậy nên nói ra!"
Như vậy Đức Phật khuyên chúng
ta chỉ nên nói lên những gì khiến thiện pháp tăng trưởng, khiến bất thiện pháp
tổn giảm, và dứt khoát không nên nói lên những gì khiến thiện pháp tổn giảm,
khiến bất thiện pháp tăng trưởng.
*
Trong thời Đức Phật tại thế,
khi Ngài mới thành chánh đẳng chánh giác, Ngài bị một số Bà-la-môn trưởng lão
chất vấn Ngài như sau: "Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi được nghe như sau:
"Sa môn Gotama không có kính lễ, không có đứng dậy, không có lấy nghế mời
ngồi các bậc trưởng thượng đã đi quá nửa cuộc đời, đã đạt đến cuối mức tuổi
đời. Thưa Tôn giả Gotama, có phải sự tình là như vậy không? Nếu Tôn giả Gotama
không có kính lễ, không có đứng dậy, không có lấy ghế mời ngồi các bậc
Bà-la-môn già cả, trưởng lão , các bậc trưởng thượng, đã đi quá nửa cuộc đời,
đã đạt cuối mức tuổi đời, sự tình như vậy, thưa Tôn giả Gotama là không được
tốt đẹp." Câu trả lời của Đức Phật cho các trưởng lão Bà-la-môn nêu rõ
quan điểm về trưởng lão và về thanh niên của Đức Phật. Ngài nói: "Này các
tỷ kheo nếu trưởng lão là 80 tuổi hay 90 tuổi, hay 100 tuổi đời, và nếu vị ấy
nói phi thời, nói phi chân, nói phi nghĩa, nói phi pháp, nói phi luật, nói
những lời không đáng gìn giữ, lời nói không hợp thời, không hợp lý, không có
giới hạn, không liên hệ đến mục đích, thời vị ấy chỉ được gọi là vị trưởng lão
ngu si. Nếu là một vị tuổi trẻ, này các tỷ kheo, một thanh niên còn non trẻ,
tóc đen nhánh, trong tuổi hiền thiện của đời, còn trong tuổi thanh xuân, và vị
ấy nói đúng thời, nói lời chân thật, nói lời có nghĩa, nói lời đúng pháp, nói
lời đúng luật, nói lời đáng được gìn giữ, nói lời hợp thời cơ, hợp lý, có giới
hạn, liên hệ đến mục đích, thời vị ấy được gọi là trưởng lão hiền trí."
Rồi Đức Phật nói lên bốn pháp
tác thành trưởng lão (xem Tăng Chi II, kinh số 22):
- "Ở đây này các tỷ kheo,
vị tỷ kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự các giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ
uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập
trong các học pháp. Là vị nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, tích tụ điều
đã nghe; những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao
phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Các pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều,
thọ trì đọc tụng bằng lời, quán sát với ý, thể nhập với chánh kiến. Đối với bốn
thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú đạt được không khó khăn, đạt
được không mệt nhọc, đạt được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay
trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trụ vô lậu tâm
giải thoát, tuệ giải thoát. Này các tỷ kheo, bốn pháp này tác thành vị trưởng
lão:
"Ai
với tâm cống cao
Nói
nhiều lời phù phiếm
Với tư
duy không định
Như thú
không ưa pháp,
Xa địa
vị trưởng lão,
Ác
kiến, thiếu kính trọng.
Và ai
đủ giới hạnh,
Nghe
nhiều, trí biện tài,
Sống
chế ngự bậc trí,
Đối với
tất cả pháp.
Vị ấy
với trí tuệ,
Quán
thấy chơn ý nghĩa.
Đạt cứu
cánh các pháp,
Không
hoang vu, biện tài.
Đoạn
tận sanh và chết,
Viên
mãn, hành Phạm hạnh,
Vị ấy
Ta gọi tên,
Trưởng
lão, không lậu hoặc
Do đoạn
trừ lậu hoặc
Được
gọi là Trưởng Lão."
*
Trong đời Đức Phật, Ngài cũng
bị nhiều hiểu lầm và xuyên tạc. Chúng ta thấy trong kinh trước, Đức Phật đã bị
xuyên tạc không có kính lễ các bậc trưởng thượng và Đức Phật đã giải thích quan
điểm của mình đối với vấn đề trưởng lão và thanh niên. Trong bài kinh Bhaddiya
số 193, Đức Phật lại bị xuyên tạc và bị huyễn thuật sư đã dùng huyễn thuật lôi
cuốn đệ tử các ngoại đạo. Licchavi Bhaddiya đến yết kiến Đức Phật và hỏi:
"Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: "Sa môn Gotama là huyễn thuật
sư, biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo. Những người ấy Bạch
Thế Tôn, có phải nói đúng ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên tạc Thế Tôn với
điều không thật. Có phải chúng trả lời về pháp hợp với chánh pháp. Và ai là vị
đồng pháp, theo một quan điểm, không có lý do để chỉ trích Bạch Thế Tôn, chúng
con không muốn xuyên tạc Thế Tôn."
Đức Phật liền khuyên Licchavi
Bhaddiya chớ có tin mười điều: "Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe báo cáo;
chớ có tin vì nghe truyền thống; chớ có tin vì nghe tin đồn; chớ có tin vì được
kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận; chớ có tin vì đúng theo một
lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp
với định kiến; chớ có tin vì phát xuất nơi uy quyền; chớ có tin vì vị Sa môn là
bậc Đạo sư của mình."
Rồi Đức Phật khuyên:
"Bhaddiya khi nào biết được các pháp này là bất thiện, là có tội, bị người
có trí chỉ trích, nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh lâu dài, thời
hãy từ bỏ các pháp ấy. Muốn biết các pháp ấy là bất thiện, cần nhận xét các
pháp ấy có liên hệ đến tham, sân, si, hung bạo, thời các pháp ấy đem lại bất
hạnh và cần phải từ bỏ. Rồi Đức Phật cũng dùng phương pháp tương tự, khuyên
không nên dựa vào mười lòng tin như trên, cần phải tự mình biết các pháp ấy là
thiện, là không có tội, được người trí tán thán, và nếu thực hiện và chấp nhận
đưa đến hạnh phúc an lạc thời hãy an trú và thực hiện các pháp ấy. Tiêu chuẩn
để biết các pháp ấy là thiện pháp là liên hệ đến không tham, không sân, không
si, không hung bạo, làm các thiện pháp như không sát sanh, không trộm cướp,
không đi lại vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy.
"Rồi Đức Phật đi đến kết luận: "Này Bhaddiya, tất cả các bậc chân
nhân tịch tịnh ở đời khích lệ đệ tử như sau: "Hãy đến này các đệ tử. Hãy
nhiếp phục tham! Hãy sống nhiếp phục tham! Do sống nhiếp phục tham, ngươi sẽ
không làm nghiệp do tham sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục sân! Hãy
sống nhiếp phục sân! Do sống nhiếp phục sân, ngươi sẽ không làm nghiệp do sân
sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục si! Hãy sống nhiếp phục si! Do sống
nhiếp phục si, ngươi sẽ không làm nghiệp do si sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy
nhiếp phục hung bạo! Hãy sống nhiếp phục hung bạo! Do sống nhiếp phục hung bạo,
ngươi sẽ không làm nghiệp do hung bạo sanh, về thân, về lời, về ý."
Khi nghe Đức Phật giảng đến
đây, Licchavi Bhaddiya liền xin quy y ba Ngôi Báu để trở thành đệ tử Đức Phật.
Nhưng Đức Phật hỏi, trong suốt bài thuyết pháp của Đức Phật, có bao giờ Đức
Phật khuyên Licchavi Bhaddiya trở thành đệ tử của Đức Phật hay không và Đức
Phật sẽ trở thành vị đạo sư cho Bhaddiya hay không? Bhaddiya trả lời là không
bao giờ Đức Phật có nói như vậy. Bậc Đạo sư đến đây mới kết luận: "Như
vậy, này Bhaddiya, những Sa môn, Bà-la-môn nào nói như sau, tuyên bố như sau:
"Là một huyễn thuật sư, Sa môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những
đệ tử ngoại đạo! "Những vị ấy là không thiện, trống không, nói láo, xuyên
tạc với điều không thật!"
Khi nghe Đức Phật kết luận như
vậy, Bhaddiya nói lên lời tán thán là huyễn thuật dụ dỗ này của Sa môn Gotama
thật là hiền thiện và mong rằng tất cả bà con huyết thống của mình và tất cả
những người Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ Xá và Thủ Đà đều được huyễn thuật dụ dỗ
này cám dỗ, vì những sự cám dỗ này, mọi người mọi loài sẽ đoạn tận các pháp bất
thiện, thành tựu các thiện pháp và như vậy được hạnh phúc an lạc trong một thời
gian dài!
*
Thực sự mà nói, Đức Phật không
có cám dỗ ai, Ngài không có dụng tâm thâu phục đệ tử của ai. Ngài cũng không
khuyên ai nhắm mắt tin Ngài. Ngài chỉ trình bày những tiêu chuẩn cho mọi người
tự mình tìm hiểu thế nào là bất thiện để đoạn tận, thế nào là thiện pháp mới
đem lại hạnh phúc an lạc cho mọi người.
Trong kinh Xa xăm số 47, Đức
Phật nêu rõ khoảng cách biệt xa vời giữa pháp của hạng người bất thiện và pháp
của hạng người thiện:
"Này các tỷ kheo, có bốn
sự này, rất xa, rất xa với nhau. Trời và đất này các tỷ kheo là rất xa, rất xa
với nhau ...Bờ biển bên này, này các tỷ kheo, với bờ biển bên kia là rất xa,
rất xa với nhau. Từ chỗ mặt trời mọc lên, này các tỷ kheo, đến chỗ mặt trời
lặng xuống, là rất xa với nhau... Pháp của hạng người bất thiện, này các tỷ
kheo, với các pháp của hạng người thiện, là rất xa, rất xa với nhau..." và
Đức Phật kết thúc bài kệ:
"Rất
xa là bầu trời,
Cũng rất
xa quả đất,
Người
ta nói rất xa
Là bờ
biển bên kia
Từ chỗ
mặt trời mọc,
Chói
sáng tỏa ánh sáng,
Đến chỗ
mặt trời lặn,
Rằng xa
thật là xa.
Người
ta nói xa hơn,
Là pháp
của bậc Thiện,
Với
pháp kẻ bất thiện
Thật
xa, xa hơn nhiều.
Hòa hợp
với bậc Thiện,
Thường
hằng không hoại diệt
Khi nào
còn đứng vững
Vẫn như
vậy kiên trì.
Còn hòa
hợp bất thiện,
Rất mau
bị phá hoại,
Do vậy
pháp bất Thiện,
Xa vời
pháp kẻ ác."
Trong kinh Upaka số 188, Đức
Phật tuyên bố rất rõ ràng là các bậc Như Lai, với vô lượng câu, với vô lượng
chữ, với vô lượng thuyết pháp, chỉ với mục đích nêu rõ các pháp bất thiện để
đoạn tận, và các pháp thiện để tu tập:
- "Này Upaka, đây là bất
thiện. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng
thuyết pháp của Như Lai: "Đây là bất thiện. Này Upaka, bất thiện này cần
phải đoạn tận. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô
lượng thuyết pháp của Như Lai: "Đây là pháp bất thiện này cần phải đoạn
tận." "Đây là thiện", Này Upaka, ta nêu rõ như vậy với vô lượng
câu, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai: "Đây là pháp thiện! Thiện pháp
này cần phải tu tập, này Upaka, Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô
lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như lai. Đây là thiện này cần phải tu
tập."
Đã nói đến thiện và bất thiện,
Đức Phật trình bày tiếp về nghiệp thiện bất thiện, và trong kinh các nghiệp với
chi tiết, số 232, Đức Phật phân tích có bốn loại nghiệp: Nghiệp đen quả đen,
nghiệp trắng quả trắng, nghiệp đen trắng quả đen trắng, nghiệp không đen trắng
quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt.
"Và này các tỷ kheo, thế
nào là nghiệp đen quả đen? Ở đây này các tỷ kheo, có người làm thân hành có tổn
hại, làm khẩu hành có tổn hại, làm ý hành có tổn hại. Người ấy, do làm thân
hành có tổn hại...do làm khẩu hành... do làm ý hành có tổn hại, sanh ở thế giới
có tổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giới có tổn hại, các cảm xúc có tổn hại
được cảm xúc. Người ấy, được cảm xúc với những cảm xúc có tổn hại, nên cảm xúc
những cảm thọ có tổn hại, thuần nhất khổ, như những chúng sanh trong địa ngục.
Này các tỷ kheo, đây là nghiệp đen quả đen."
"Và này các tỷ kheo, thế
nào là nghiệp trắng quả trắng? Ở đây, này các tỷ kheo, có người làm thân hành
không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại.
Người ấy, do làm thân hành không có tổn hại, do làm khẩu hành không có tổn hại,
do làm ý hành không có tổn hại, sanh ra ở thế giới không có tổn hại. Do người
ấy sanh ra ở thế giới không có tổn hại, các cảm xúc không có tổn hại được cảm
xúc. Người ấy, được cảm xúc với những cảm xúc không có tổn hại, nên cảm thọ
những cảm thọ không có tổn hại, thuần nhất lạc, như chư Thiên ở Biến tịnh
thiên. Này các tỷ kheo, đây là nghiệp trắng quả trắng."
"Và này các tỷ kheo, thế
nào là nghiệp đen trắng quả đen trắng? Ở đây, này các tỷ kheo, có người làm
thân hành có tổn hại và không tổn hại; người ấy làm khẩu hành..., làm ý hành có
tổn hại và không tổn hại. Người ấy do làm thân hành..., do làm khẩu hành..., do
làm ý hành có tổn hại và không tổn hại nên sanh vào thế giới có tổn hại và
không tổn hại, các cảm xúc có tổn hại và không tổn hại được cảm xúc. Người ấy
được cảm xúc với những cảm xúc có tổn hại và không tổn hại, nên cảm thọ những
cảm thọ có tổn hại và không tổn hại xen lẩn, pha trộn lạc và khổ. Ví như một số
người và chư Thiên, một số chúng sanh ở đọa xứ. Này các tỷ kheo, đây gọi là
nghiệp đen trắng và quả đen trắng."
"Và này các tỷ kheo, thế
nào là nghiệp không đen trắng quả không đen trắng?
Tại đây, này các tỷ kheo, phàm
có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp đen quả đen này; phàm có tư tâm sở nào để
đoạn tận nghiệp trắng quả trắng này; phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp
đen trắng quả đen trắng này, này các tỷ kheo, đây được gọi là nghiệp không đen
trắng quả không đen trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt này. Này các tỷ
kheo, có bốn nghiệp này đã được Ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết
giảng."
*
Với Đức Phật là vị đã giác ngộ,
biết tâm tư tánh tình của các loài hữu tình, của loài người nên Ngài thường hay
phân loại các chúng sanh, theo những xu hướng đặc biệt. Như kinh Thuận dòng số
5, Đức Phật đã phân loại có bốn hạng người tùy theo thuận hướng hay nghịch
hướng trên con đường đưa đến giải thoát. "Có bốn hạng người này, này các
tỷ kheo, hiện hữu có mặt ở đời... Hạng người đi thuận dòng, hạng người đi ngược
dòng, hạng người tự đứng lại, và vị Bà-la-môn đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng
trên đất liền.
Và này các tỷ kheo, thế nào là
hạng người đi thuận dòng? Ở đây, này các tỷ kheo, có người thọ hưởng các dục và
làm ác nghiệp. Này các tỷ kheo, đây là hạng người đi thuận dòng. Và này các tỷ
kheo, thế nào là hạng người đi ngược dòng? Ở đây, này các tỷ kheo, có hạng
người không thọ hưởng các dục, không làm ác nghiệp. Với khổ với ưu, nước mắt
đầy mặt, khóc than, sống phạm hạnh viên mãn thanh tịnh. Này các tỷ kheo, đây là
hạng người đi ngược dòng. Và này các tỷ kheo, thế nào là hạng người tự đứng
lại? Ở đây, này các tỷ kheo, do diệt tận năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh,
tại đây nhập Niết Bàn, không còn trở lui đời ấy nữa. Này các tỷ kheo, đây là
hạng người tự đứng lại. Và này các tỷ kheo, thế nào là vị Bà-la-môn đã vượt qua
đến bờ bên kia đứng trên đất liền? Ở đây, này các tỷ kheo, có hạng người do
hoại diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ,
chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các tỷ kheo, đây
gọi là vị Bà-la-môn, đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng trên đất liền. Bốn hạng
người này, này các tỷ kheo, hiện hữu có mặt ở đời."
"Những
ai sống ở đời
Không
chế ngự các dục
Không
từ bờ ly tham,
Thọ
hưởng các dục vọng
Chúng
đi đến sanh già,
Đến rồi
lại đến nữa.
Bị khát
ái trói buộc
Chúng
đi thuận dòng đời.
"Do
vậy, bậc có trí,
Ở đời,
trú chánh niệm,
Không
thọ hưởng các dục,
Không
hành trì điều ác
Dầu
chịu sự khổ đau,
Từ bỏ
các dục vọng,
Chúng được
gọi hạng người
Đi
ngược lại dòng đời.
"Nhưng
ai quyết đoạn tận,
Năm
phiền não kiết sử,
Bậc hữu
học viên mãn,
Không
có bị thối thất,
Đạt
được tâm điều phục,
Các căn
được định tỉnh.
Vị ấy
được gọi là
Người
đã tự đứng lại.
"Đối
với pháp thắng liệt,
Vị ấy
được giác tri
Đã được
quét, quạt sạch,
Các
pháp được chấm dứt
Vị ấy
bậc trí giả,
Phạm
hạnh được thành tựu,
Được
tên gọi danh xưng
Bậc đã
đi đến nơi
Chỗ tận
cùng thế giới
Bậc đã
đến bờ kia!"
Trong kinh Gậy Thúc Ngựa, số
113, Đức Phật đề cập đến bốn hạng người hiền thiện thuần thục, có những phản
ứng đối với những đau khổ ở đời, và tùy theo mức độ mạnh yếu, nặng nhẹ khác
nhau, có những giao động kích thích, tinh tấn, thắng trí được sự thật.
Trước hết, Đức Phật giới thiệu
có bốn loại người đối với Gậy thúc ngựa. Có con vừa thấy bóng cậy gậy thúc ngựa
đưa lên, liền biết ngay người cưỡi ngựa muốn sai bảo con ngựa phải làm gì, liền
đáp ứng ngay ý muốn của người cưỡi ngựa. Có con phải đợi khi cây gậy thúc ngựa
đâm vào da, có con phải đợi khi đâm vào thịt và có con phải đợi khi cây gậy
thúc ngựa đâm vào xương mới đáp ứng ý muốn của người cưỡi ngựa. Cũng vậy, ở đời
có bốn hạng người thiện, hạng thứ nhất vừa nghe tại một làng hay thị trấn kia
có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mạng chung, liền bị giao
động kích thích, như lý tinh cần. Và nhờ tinh cần, vị ấy với trí tuệ chứng ngộ
được tối thắng sự thật. Hạng thứ hai không có phản ứng tốt đẹp khi chỉ nghe có
người đàn bà hay người đàn ông bị đau khổ hay mệnh chung, phải chợ khi tự mình
chứng kiến mới có phản ứng tu hành tinh tấn. Hạng thứ ba không có phản ứng khi
nghe hay tự mình thấy, chỉ có phản ứng khi có người bà con hay người đồng một
huyết thống khổ đau hay mệnh chung. Còn hạng thứ tư không có phản ứng khi nghe
tại một làng hay thị trấn kia có người đàn bà hay người đàn ông bị đau khổ hay
mệnh chung, không có phản ứng khi tự mình thấy một người đàn bà hay người đàn
ông khổ đau hay bị mệnh chung, không có phản ứng khi có người bà con hay người
đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung. Hạng người thứ tư này, chỉ khi
tự mình cảm xúc những cảm thọ về thân khổ đau, nhói đau, chói đau, mãnh liệt,
kịch liệt, không khả hỷ, không khả ý, đoạt mạng sống, vị ấy mới bị giao động
kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân vị ấy
chứng ngộ được sự thật tối thắng. Với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập thấy được
sự thật ấy. Ví như con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa
đâm vào xương mới bị giao động kích thích, và mới đáp ứng ý muốn của người cưỡi
ngựa.
*
Thường thường chúng ta xem Đức
Phật là bậc Đạo sư chỉ dạy những phương pháp tu hành siêu thế cho các vị xuất
gia đã chọn lựa con đường thoát siêu trần. Thật sự mà nói, một số lớn kinh điển
ghi nhận những lời dạy siêu trần thoát tục ấy. Nhưng như chúng ta đã thấy trong
kinh Thế giới số 23 ghi rõ Đức Phật là vị đã hiểu biết thế giới nhưng không bị
đời uế nhiễm. Vì Ngài đã hiểu biết thế giới, đã hiểu rõ tâm tư của chúng sanh,
nên với sự giác ngộ, với trí tuệ sáng suốt của Ngài, Đức Phật đã chỉ dạy rất
nhiều kinh điển, nói về bổn phận của người gia chủ trong gia đình. Trong Tăng
Chi Bộ kinh Tập II quyển A có rất nhiều kinh điển đề cập đến vấn đề này, nhưng
vì bài giảng quá dài và thời gian có hạn chúng tôi chỉ xin trích một kinh mà
thôi, tức là kinh Bốn nghiệp công đức số 61.
Đức Phật nói với Anàthapindika
(Cấp Cô Độc) có bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khó được ở đời. Một là được tài sản
đúng pháp, hai là được tiếng tốt đồn về mình cùng với bà con, ba là được sống
lâu, thọ mạng được kéo dài và thứ tư là sau khi thân hoại mạng chung, được sanh
lên cỏi trời. Đây là bốn nguyện vọng thông thường của con người ở đời. Rồi Đức
Phật dạy cho bốn phương pháp để đạt được bốn pháp khả lạc, khả hỷ trên, tức là
đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Đầy đủ lòng tin là
tin ở sự giác ngộ của Như Lai. Đầy đủ giới nghĩa là sống không sát sanh, không
trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu. Đầy đủ bố thí là sống ở
gia đình, nhưng không bị gian tham chi phối, sẳn sàng bố thí sẳn sàng để được
yêu cầu, vui thích san sẽ vật bố thí! Đầy đủ trí tuệ nghĩa là biết được tham ái
sân hận, hôn trầm thụy miên, nghi hoặc là uế nhiễm của tâm, nên từ bỏ năm uế
nhiễm ấy, như vậy được gọi là trí tuệ, có trí tuệ rộng lớn.
Rồi Đức Phật hướng dẫn người
gia chủ tác thành bốn hành động, với tài sản thu hoạch được, do nổ lực tinh
tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra, đúng pháp, thâu hoạch
đúng pháp. Với tài sản ấy người gia chủ chân chánh đem lại an lạc cho mình, đem
lại an lạc cho cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, cho các người phục vụ, cho
người làm công, an lạc cho các bạn bè thân hữu. Như vậy là trường hợp thứ nhất.
Người gia chủ đạt được sự hưởng thọ đúng pháp xứ.
Lại nữa, với tài sản ấy người
gia chủ làm cho mình được an toàn chống lại những tai họa từ lửa đến, từ nước
đến, từ vua đến, từ ăn trộm đến, từ các thừa tự thù nghịch đến. Như vậy là
trường hợp thứ hai, người gia chủ đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.
Lại nữa, với tài sản ấy người
gia chủ tổ chức năm loại hiến cúng, hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách,
hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư
Thiên. Đây là trường hợp thứ ba. Người gia chủ đạt được sự hưởng thọ đúng
phương xứ.
Lại nữa, với tài sản ấy người
gia chủ đối với những vị Sa môn, Bà-la-môn sống từ bỏ kiêu mạn phóng dật, an
trú trên nhẫn nhục, nhu hòa nhiếp phục tự mình, an lạc tự mình, làm lắng dịu tự
mình, người gia chủ tổ chức sự cúng dường tối thượng thuộc về cỏi trời, đem đến
quả lạc Dị Thục, đem đến Thiên giới. Đây là trường hợp thứ tư, người gia chủ
đạt đến sự hưởng thọ tối thượng. Rồi Đức Phật kết luận: "Này gia chủ, nếu
tài sản của ai, được tiêu dùng không đúng với bốn hành động này, những tài sản
ấy được gọi là tài sản đi đến không lợi ích, đi đến không thành đạt, đạt được
sự hưởng thọ không đúng phương xứ. Nếu những tài sản của ai, này gia chủ, được
tiêu dùng với bốn hành động này, những tài sản ấy được gọi là những tài sản đi
đến lợi ích, đi đến thành đạt, đạt được sự hưởng thụ đúng phương xứ. Rồi Đức
Phật nói lên bài kệ:
"Tài
sản ta thọ hưởng
Gia
nhân được nuôi dưỡng
Chính
nhờ các tài sản,
Do Ta
tránh tai họa
Ta cúng
dường tối thượng,
Làm năm
loại hiến vật,
Hộ trì
bậc trì giới,
Bậc tự
điều, Phạm hạnh.
Mục
đích gì bậc trí,
Trú
nhà, cần tài sản,
Mục
đích ấy Ta đạt
Được
làm không hối hận,
Người
nào nhớ nghĩ vậy,
An trú
trên thánh pháp,
Đời này
được tán thán,
Đời sau
được hoan hỷ,
Trên
cảnh giới chư Thiên."
Trong một kinh khác, kinh Sống
chung số 53, Đức Phật dạy cho các người gia chủ có bốn loại sống chung:
"Đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ, đê tiện nam sống chung với thiên
nữ, thiên nam sống chung với đê tiện nữ, và thiên nam sống chung với thiên nữ.
Và Đức Phật định nghĩa cho
chúng ta hiểu rõ thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. "Ở đây,
này các gia chủ, người chồng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong
dục vọng, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu, ác giới, tánh ác, sống ở gia
đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối.
Còn người vợ cũng sát sanh, lấy
của không cho, sống tà hạnh trong dục vọng, nói láo, đắm say rượu men, rượu
nấu, ác giới, tánh ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối.
"Và này các gia chủ, thế
nào là đê tiện nam sống chung với thiên nữ?"
"Ở đây này gia chủ, người
chồng sát sanh...mắng nhiếc chửi rủa các Sa môn, Bà-la-môn. Còn người vợ từ bỏ
sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu
nấu với tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chủi rủa các
Sa môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam sống chung với
thiên nữ."
"Và này các gia chủ, thế
nào là thiên nam sống chung với một đê tiện nữ?"
"Ở đây, này các gia chủ,
người chồng từ bỏ sát sanh...không có nhiếc mắng chửi rủa các Sa môn,
Bà-la-môn. Nhưng người vợ là người sát sanh, lấy của không cho...nhiếc mắng
chửa rủa Sa môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các gia chủ, là thiên nam sống chung
với đê tiện nữ."
"Và này các gia chủ, thế
nào là thiên nam sống chung với thiên nữ?"
"Ở đây, này các gia chủ,
người chồng từ bỏ sát sanh...không nhiếc mắng chửi rủa các Sa môn, Bà-la-môn và
người vợ cũng là người không sát sanh...không nhiếc mắng chửi rủa các Sa môn,
Bà-la-môn."
"Này các gia chủ, có bốn
loại chung sống này."
* * *
Kính thưa quý vị,
Vì thời giờ bị hạn chế, chúng
tôi chỉ có thể trích dẫn một số Kinh trong Tương Chi Bộ Kinh tập II quyển A để
giới thiệu phần nào nội dung của bộ Kinh này. Như chúng tôi đã thưa trước, tập
II quyển A này chỉ đề cập đến bốn pháp mà thôi, nhưng nội dung thật quá phong
phú, quá dồi dào, khiến chúng tôi rất khó lựa chọn cho được đầy đủ. Số kinh
được đề cập là 27, nhưng Kinh nào cũng phản chiếu trí tuệ tuyệt vời của một bậc
giác ngộ, kinh nào cũng để lại ấn tượng của Bậc Toàn Năng Toàn Trí, đã thật sự
Chánh đẳng Chánh giác thế giới, thế giới tập khởi, thế giới đoạn diệt và con
đường đưa đến thế giới đoạn diệt. Một điều kỳ diệu nữa trong lời dạy của Đức
Phật là đối tượng thuyết pháp của Ngài không có xa lạ gì, chính là cái thân dài
mấy trăm tầm này, cái thân gọi là năm uẩn, không phải cái thân thuộc 2525 năm
về trước, mà chính là cái thân hiện tại của chúng ta, với sắc tướng như thế
này, với cảm thụ như thế này, với tưởng tượng như thế này, với hành như thế
này, với các thức như thế này. Chính trên cái thân có mấy tầm này, có tư tâm sở
làm chủ yếu (cetanà). Với tư tâm sở, thân làm điều ác, miệng nói điều ác, ý
nghĩ ác, thời cảnh giới địa ngục, súc sanh hiện ra. Nếu với tư tâm sở, thân tâm
điều lành miệng nói lời lành, ý suy nghĩ lành, thời thế giới chư Thiên hiện ra
ngay trong hiện tại. Với tư tâm sở ấy, nếu chúng ta sát sanh, lấy của không
cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, uống rượu men rượu nấu, chúng ta trở thành
đê tiện nam, đê tiện nữ. Trái lại, chúng ta giữ trọn năm giới cấm, chúng ta trở
thanh thiên nam thiên nữ. Cũng chính với cái thân mấy tầm này, chúng ta sống
lành mạnh, chí thiện, hành trì bốn thiền, hiện tại lạc trú, hướng đến tâm giải
thoát, tuệ giải thoát, thời chính cái thân này của chúng ta tỏa rộng ra giới
hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Lời
dạy của Đức Phật chỉ cho chúng ta rõ đâu là con đường ác cần phải từ bỏ, đâu là
con đường thiện cần phải thực hành, đâu là giới định tuệ cần phải tu tập để
hướng tiến trên con đường đạo. Với sự giải thoát và giác ngộ của Ngài, những
lời dạy của Ngài bao giờ cũng thấm nhuần giải thoát và giác ngộ, cũng là những
sức mạnh hướng dẫn đến giác ngộ giải thoát.
Viện Phật Học Vạn Hạnh chúng
tôi với tâm niệm đề cao và phổ biến chánh pháp, luôn luôn cố gắng để phiên dịch
Kinh Tạng Pàli, xuất bản và phát hành dịch tạng này trong các ngày lễ lớn, đặc
biệt là ngày Phật Đản. Những Kinh tạng này được sưu tầm và phổ biến trước khi
Đạo Phật chia thành Nam Tông và Bắc Tông, Đại Thừa và Tiểu Thừa, chứa đựng
những lời dạy thực sự nguyên thủy, không rơi vào những chia ly của các học
phái, những phát triển của Luận Tạng.
Chúng tôi có thể nói sự chia rẽ
thành các học phái khác biệt như Thượng Tọa Bộ, Đại Chúng Bộ, Nhất Thiết Hữu Bộ
v.v... Nam
Tông, Bắc Tông v.v... bắt nguồn từ văn học Jàtaka (Bổn Sanh), văn học Luật Tạng
(Vinaya) và văn học Luận Tạng (Abhidhamma). Do vậy Kinh Tạng (Pàli Suttanta)
nay đã được thế giới học Phật xem là những giáo lý căn bản chung cho cả Đại
Thừa và Tiểu Thừa. Phiên dịch KinhTạng Pàli và phổ biến rộng rãi Kinh Tạng này,
vừa là sự đóng góp của chúng tôi để xây dựng một Đại Tạng Kinh Việt nam, vừa là
một cử chỉ cúng dường của chúng tôi dâng lên Chánh Pháp nhân ngày Đại Lễ Phật
Đản.
NAM MÔ BỔN
SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT