Con người, hầu như, ai cũng biết và chấp nhận rằng : cuộc đời
của chính mình, luôn luôn, bị ràng buộc, lôi cuốn vào trong vòng phiền
não, lưu chuyển của trần lao, từng phút, từng giây, mà không thể chối bỏ
hay thoát ly khỏi sự khống chế này một cách dễ dàng.
Tứ Niệm Xứ giúp cho người tu tập tỉnh thức được giá trị căn bản đích
thực của Thân, Thọ, Tâm, Pháp, và ngăn chặn những sự sinh hoạt của các
phiền não tham dục chấp trước.
Tứ Chánh Cần giúp cho người tu tập, chuyên cần hành trì một cách
chân chánh, để trợ duyên cho các hạt giống thiện trong Tâm Thức, và cùng
phát triển tất cả hạnh lành khác của Bồ Tát Hạnh.
Tứ Như Ý Túc còn gọi là Tứ Thần Túc. Tứ Như Ý Túc là bốn điều ước
nguyện phải đạt được kết quả đầy đủ như ý. Mặc dù Tứ Như Ý Túc có nhiều
cách giải thích, trình bày cách khác nhau trong những kinh luận, nhưng
chung quy không ngoài những nội dung dưới đây :
Dục Như Ý Túc : khi phát nguyện thọ trì, thì bất cứ giá nào phải đạt
cho được như ý. Dục ở đây chỉ cho ước muốn, và nên phân biệt rõ ràng
những mong muốn này với giải thoát hay vô minh?
Tinh Tấn Như Ý Túc : tinh tấn giữ gìn tư tưởng tốt, loại bỏ tư tưởng
xấu, một cách nhất tâm để đạt đến kết quả viên mãn như ý. Đây là điều
kiện tốt nhất và thuận lợi nhất cho việc năng hóa giải tận gốc rễ các
việc mập mờ, khiến con người hiểu biết sai lầm.
Tinh tấn siêng
năng nổ lực không phải chỉ là sự hắng hái, bồng bột trong nhất thời, mà
là sự thực tập không bao giờ gián đoạn. Trong kinh Di Giáo Đức Phật có
nói : "...Như người dùi cây lấy lửa, cây chưa nóng đã thôi, tuy muốn
được lửa, nhưng khó thể được".
Tư Duy Như Ý Túc : nghiên cứu đạo lý và tư duy hay quán chiếu yếu chỉ
của các pháp môn tu tập một cách thông suốt như ý muốn, như một người
nói tiếng mẹ đẻ của mình không cần ý để ý đến việc tìm chữ, để diễn đạt
tư tưởng, nhưng nói không sai một chữ. Đức Phật có nói trong kinh Di
giáo : " Chú tâm vào một chỗ, không việc gì không thành".
Niệm Như Ý Túc hay Thiền Định Như Ý Túc : khi tu tập phải dùng trí
tuệ quán sát tư duy lý pháp mình đang tu và, nhờ đó mà định phát sinh.
Khi định đã có thì định tuệ quân bình. Khi quán trí này do định phát
sanh thì, trí này là tịnh trí, chính vì nhờ tịnh cho nên nó có thể thông
đạt thật nghĩa của các pháp trong vũ trụ một cách như thật.
Nếu gió không thổi, nước không chảy, mặt trời không mọc lên và lặn
xuống, tất cả vạn vật đều dừng thì đây là sự bất động cũa vũ trụ. Trong
việc tu hành, nếp sống đạo là nếp sống luôn luôn tỉnh thức, không buông
trôi, không phóng túng. Cái gương mà Đức Phật nói, không phải là cái
gương soi mặt, mà là cái gương tâm hồn soi chiếu lại mọi ý nghĩ, lời nói
và việc làm của mình.