SỐ 2
HAI CÁI THẤY CỰC ĐOAN
(nhị kiến - nhị biên kiến)
Do thiếu sáng suốt, không thấu rõ được tính duyên
sinh của
vạn pháp, người ta đã có hai cái thấy của cực đoan, đối nghịch nhau về
sự vật:
- Thấy
có (hữu kiến): Có người cho rằng tất cả
mọi sự
vật là có thật, cho nên sinh lòng tham đắm, tranh đoạt và giữ chặt.
- Thấy
không (vô kiến): Có người cho rằng tất
cả mọi sự
vật đều là tạm bợ, không có thật, cho nên sinh lòng nhàm chán, xa
lánh.
Ngoài cặp cực đoan “có và không” này, còn một cặp cực
đoan
khác:
1.
Thấy thường còn (thường kiến):
Có người cho rằng mọi chúng sinh đều có cái TA thường còn, vĩnh viễn.
Hễ là
người thì muôn kiếp vẫn là người; đã là thú thì vĩnh viễn vẫn là thú.
Vì vậy,
làm thiện hay làm ác cũng không có gì đáng quan tâm.
2.
Thấy mất hẳn (đoạn kiến):
Có người quan niệm ngược lại, cho rằng, thân tâm mọi loài qua hết một
đời thì
mất hẳn, không còn gì cả; không có đời sau, không có nhân quả, không có
nghiệp
báo, vì vậy, làm thiện hay làm ác cũng vậy thôi.
Thật ra, thấy thường còn là vì đã thấy có,
và
thấy mất hẳn, là vì đã thấy không; rổt cục, “thường và
đoạn”
đã bao hàm trong “hữu và vô”.
Dù thấy có hay thấy không, thấy thường
còn
hay thấy mất hẳn, cũng đều là cái thấy không chân chính, không
đúng sự
thật. Người có tu học Phật và có thực tập thiền quán thì không bao giờ
bị lạc
vào cái thấy cực đoan, không sáng suốt như trên; vì vạn hữu không
phải có
cũng không phải không, không phải thường còn mà cũng không phải mất hẳn.
Lại nữa, nếu xét theo trình độ giác ngộ thì cái thấy có
là cái thấy của người chưa tu học, trí tuệ chưa được khai mở. Trong khi
đó, cái
thấy không là cái thấy của người có tu học, nhưng theo con
đường nhỏ
(tiểu thừa), cho rằng mọi sự vật là vô thường, khổ, vô ngã, và
bất tịnh.
Vượt trên tất cả, đối với trí tuệ của Bồ-tát thì tất cả vạn hữu vừa
là KHÔNG,
vừa là CÓ. Nhưng tính chất có và không ở đây siêu
việt lên
trên ý nghĩa có và không thông thường. Cái không ở đây là “chân
không” (vạn vật không có bản ngã chân thật chứ không phải là không
hiện
hữu); và cái có ở đây là cái “có mầu nhiệm” (diệu hữu
--
vạn vật hiện hữu và tồn tại theo nguyên lý “một trong tất cả, tất cả
trong
một”) mà chỉ có công phu thiền quán mới đạt tới được.
HAI CHƯỚNG NGẠI
(nhị chướng)
Đây
là hai
thứ luôn luôn làm trở ngại, khiến cho người tu học không thể tiến đến sự
chứng
ngộ trí tuệ của chư Phật.
1.
Chướng ngại của phiền não (phiền não
chướng).
“Phiền não” là những hiện tượng tâm lý xấu, làm động cơ thúc đẩy
con
người gây ra lầm lỗi về cả thân, miệng và ý. Phiền não có nhiều loại,
có những
loại thuộc về tình cảm, có những loại thuộc về trí thức. Lòng tham dục,
sự giận
hờn, những tâm trạng như buồn phiền, lo lắng, ghen tức, kiêu mạn, khinh
khi
v.v…, là những loại phiền não thuộc về tình cảm; sự si mê, ngu muội, trì
trệ,
những cái thấy biết sai lầm, những tâm niệm cố chấp, bảo thủ, thành
kiến, những
tư tưởng ngông cuồng, tà vọng…, là những loại phiền não thuộc về trí
thức; tất
cả mọi thứ, chúng làm cho con người đau khổ triền miên, không có phút
giây nào
thức tỉnh để tu tập đạo giác ngộ, không thể nào tiến lên được địa vị
giải thoát,
cho nên chúng được gọi là “phiền não chướng”.
2.
Chướng ngại của kiến thức (sở tri
chướng).
“Sở tri” là những quan điểm, những cái thấy, những hiểu biết,
những khái
niệm thu thập được từ sự học hỏi, đọc sách…, nói chung là những kiến
thức mình
có được. Những kiến thức này rất cần thiết cho người tu học để đạt đến
trí tuệ,
chứ chính chúng không phải là trí tuệ. Cho nên, nếu chúng ta cứ khư khư
ôm giữ
lấy những kiến thức ấy và cho rằng chúng là hay nhất, chúng là chân lý,
chúng ta
thoả mãn với chúng, tự thấy không cần phải học hỏi gì thêm nữa, thì tức
là ta đã
bị mắc kẹt vào chúng, không thể nào tiến bộ được nữa; cho nên đạo Phật
gọi chúng
là “sở tri chướng” -- tức là những kiến thức làm trở ngại cho
tiến trình
giác ngộ. Cái gì mà mình vừa biết được và cho đó là số một, thì lập tức
con
đường tiến thủ của mình bị chận lại, vì vậy, hành giả phải biết phá vỡ,
vượt
thoát những kiến thức đã có để có thể đi xa hơn nữa. Có như thế thì tuệ
giác
giác ngộ -- mục tiêu sau cùng của hành giả -- đến một lúc nào đó mới
hiển lộ ra
được.
Hai thứ chướng ngại này, có khi trạng thể rất vi tế,
khó nhận
thấy; chúng lại luôn luôn liên kết với nhau, giúp đỡ cho nhau để bám sát
theo
chúng sinh, hoặc ở trạng thái phát hiện (nổi lên mặt ý thức),
hoặc
ở trạng thái tiềm ẩn (chủng tử nằm sâu trong tàng thức);
trong khi
đó thì chúng sinh cũng mù quáng đeo đuổi theo chúng như người ngủ say để
tạo ra
các nghiệp xấu, ngày càng chất chồng. Vì vậy, Duy Thức Học gọi chúng
(phiền não
chướng và sở tri chướng) là “tuỳ miên”.
HAI CON ĐƯỜNG (hay HAI CỖ
XE)
(nhị thừa)
Giáo pháp của Phật chỉ có một con đường duy nhất là
đưa đến
sự chứng ngộ trí tuệ rộng lớn của chư Phật. Nhưng vì người tiếp nhận và
thực
hành giáo pháp ấy có nhiều căn cơ khác nhau, cao thấp không đều, cho nên
đức
Phật đã tuỳ theo mỗi trình độ mà khai thị cho những con đường khác
nhau. Đó là
tính cách “khế cơ” của đạo Phật. Một cách tổng quát thì có hai
con
đường (hay hai cỗ xe):
1.
Con đường nhỏ
(hay cỗ xe nhỏ -- tiểu thừa): là con đường tự độ của những vị quá
nhàm
chán cõi thế gian vô thường, vô ngã, đầy khổ não, chỉ muốn chóng giải
thoát khỏi
ba cõi, đạt được quả vị A-la-hán hay Bích-chi Phật, rồi nhập niết bàn.
Khuynh
hướng này, về sau trở thành một trong hai hệ phái lớn của Phật giáo, --
sử
thường gọi là Phật giáo Tiểu-thừa -- được truyền bá sang các nước
phía
Nam và Đông Nam của Ấn-độ (như Tích-lan, Miến-điện, Thái-lan v.v…), cho
nên được
gọi là Phật giáo Nam-tông (hay Nam-truyền).
2.
Con đường lớn
(hay cỗ xe lớn -- đại thừa): là con đường của những vị có tình
thương
rộng lớn, ý chí dũng mãnh, vừa nổ lực giúp cho chính mình đạt được an
lạc giải
thoát mà cũng vừa giúp đời kiến tạo hạnh phúc. Họ luôn luôn vì mọi
người và mọi
loài mà tu tập và thực hiện hạnh Bồ-tát. Mục đích của họ là hoàn thành
sự
nghiệp giác ngộ toàn vẹn của chư Phật. Khuynh hướng này, về sau trở
thành một
trong hai hệ phái lớn của Phật giáo, -- sử thường gọi là Phật giáo Đại-thừa
-- được truyền bá sang các nước phía Bắc và Đông Bắc của Ấn-độ (như
Nepal,
Tây-tạng, Trung-hoa v.v…) cho nên được gọi là Phật giáo Bắc-tông (
hay
Bắc-truyền).
Ở một mặt khác, “hai con đường” (hay “hai
cỗ xe”)
cũng còn được dùng để chỉ cho hai bậc Thanh-văn (Thanh văn
thừa)
và Duyên-giác (Duyên giác thừa). Giáo pháp căn bản của
người tu
học theo con đường Thanh-văn là “bốn sự thật” (tứ đế), và
quả vị
cuối cùng của họ là A-la-hán. Trong khi đó, những người tu học theo con
đường
Duyên-giác (hay Độc-giác) thì chuyên quán sát cái vòng nhân quả “mười
hai
nhân duyên” (thập nhị nhân duyên) mà giác ngộ được chân lý và
đạt
được quả vị Phật Bích-chi. Trong kinh Đại Niết Bàn (phẩm 22),
đức Phật
bảo Bồ-Tát Lưu-Li-Quang: “Chớ nghĩ rằng, tôi nghe pháp rồi trước tự
độ mình,
sau sẽ độ người; trước tự giải thoát rồi sau sẽ giải thoát cho người; …
Hành giả
trước phải vì người, sau mới vì mình. Nên vì đại thừa chứ
không
nên vì nhị thừa…” Chữ đại thừa ở đây đức Phật
dùng để
chỉ cho cỗ xe Bồ-tát; còn chữ nhị thừa là chỉ cho hai cỗ xe
Thanh-văn và
Duyên-giác. Vậy theo ý nghĩa này thì cả Thanh-văn và Duyên-giác đều
được gọi
chung là tiểu thừa.
Tóm tắt lại, danh số “Hai Cỗ Xe” (nhị thừa) có thể dùng
trong hai
trường hợp: một là để chỉ cho cỗ xe nhỏ (tiểu thừa) và cỗ xe
lớn
(đại thừa); hai là để chỉ cho cỗ xe Thanh-văn (Thanh văn thừa) và
cỗ
xe Duyên-giác (Duyên giác thừa).
Tiểu thừa và Đại
thừa đã
là hai thực thể đối nghịch nhau trong suổt hai ngàn năm qua trong lịch
sử truyền
bá và phát triển của Phật giáo. Thật ra, Tiểu thừa hay Đại
thừa,
chỉ nói lên cái tình hình chuyển biến của tư tưởng Phật giáo theo nhu
cầu phát
triển của trí tuệ qua các giai đoạn lịch sử mà thôi. Ngày nay, Phật
giáo không
phải chỉ đóng khung ở các nước Tích-lan, Miến-điện, Thái-lan, hay
Tây-tạng,
Việt-nam, Nhật-bản v.v… nữa, mà nó đang có mặt như ánh sáng mặt trời ở
khắp năm
châu bốn biển. Tinh thần tu học Phật pháp của con người hiện đại cũng
không còn
câu nệ vào Tiểu thừa hay Đại thừa nữa. Ở Việt-nam chẳng
hạn, từ
thập niên 50, Phật giáo Nam-tông đã song hành phát triển với Phật giáo
Bắc-tông
một cách chính thức và nhịp nhàng. Các quốc gia Tây phương gần đây đã
và đang
tiếp nhận nhiều dòng Phật học khác nhau từ Tây-tạng, Tích-lan,
Trung-hoa,
Đại-hàn, Việt-nam, Nhật-bản, Thái-lan v.v… Cho nên ý thức phân biệt cực
đoan
giữa Tiểu thừa và Đại thừa đã đến lúc phải được tẩy xoá
khỏi tâm
thức của người tu học trong thời đại ngày nay. Trong cái nhìn mới, Phật
giáo
không có sự mâu thuẫn quyết liệt giữa tiểu thừa và đại thừa,
mà
chỉ có những pháp môn hành trì khác nhau đưa đến những trình độ tu chứng
khác
nhau, chỉ có những sự phát tâm mạnh yếu khác nhau đưa đến những thành
quả phụng
sự lớn nhỏ khác nhau; vả chăng chỉ có một nền PHẬT GIÁO NGUYÊN THỈ
(chỉ
cho nền Phật học tối cổ thời Phật tại thế) và một nền PHẬT GIÁO PHÁT
TRIỂN
(chỉ cho nền Phật học từ sau thời Phật tại thế cho đến ngày nay); mà nền
Phật
giáo Nguyên thỉ luôn luôn là nền tảng căn bản cho nền Phật giáo
Phát
triển.
HAI LẬU
(nhị lậu)
“Lậu” nghĩa là lọt
xuống, rỉ
ra, rịn ra; đó là tính chất của phiền não, cho nên “lậu” cũng là
một tên
gọi khác của phiền não. Các pháp trên thế gian có thể chia làm
hai
loại: hữu lậu và vô lậu.
- Hữu
lậu: là còn có thể lọt xuống, rơi rớt
lại. Các
pháp hữu lậu là các pháp còn nằm trong thế giới sinh diệt khổ
đau, là
những nguyên nhân làm cho còn vướng mắc trong vòng sinh tử luân hồi.
- Vô lậu:
là không còn lọt xuống, hay rơi rớt lại nữa. Các pháp vô lậu
là các
pháp trong thế giới không sinh diệt, là những nguyên nhân đưa đến giải
thoát,
niết bàn.
Thật ra, hữu lậu và vô lậu không phải là hai pháp
riêng biệt,
mà chỉ là hai tính chất của một pháp. Khi chúng ta nhìn sự vật và thấy
có sinh,
có diệt, có hơn, có thua, có dơ, có sạch v.v…, thì đó là cái thấy hữu
lậu -- tức
là cái thấy của thế giới khổ đau, của sinh tử luân hồi; còn nếu nhìn sự
vật mà
thấy không có sinh diệt, không có hơn thua, không có dơ sạch v.v…, thì
đó là cái
thấy vô lậu -- tức là cái thấy của giác ngộ, giải thoát, an lạc. Một
hành động
bố thí chẳng hạn, nếu chúng ta bố thí để cho có danh tiếng với đời, bố
thí để
được hưởng phước báo tốt đẹp ở kiếp sau…, thì hành động bố thí đó được
gọi là
hữu lậu, vì tuy có phước đức – dù là phước đức ở cõi trời đi nữa, nhưng
vẫn là
thứ phước đức nằm trong sinh tử luân hồi. Mặt khác, cũng thì hành động
bố thí
như vậy, nhưng khi bố thí, tâm chúng ta không vì mong cầu gì cả, không
vì danh
tiếng, không vì được đền ơn, không vì phước báo; bố thí là vì bố thí, bố
thí một
cách vô tâm, thì hành động bố thí đó được gọi là vô lậu – nó không làm
cho ta bị
vướng mắc, nó đưa ta tới tự do, giải thoát, không rơi rớt lại trong vòng
sinh tử
luân hồi.
HAI LOẠI HẠT GIỐNG
(nhị chủng chủng tử)
Tàng thức của chúng ta
chứa
đựng mọi loại hạt giống của thế gian. Tất cả những hạt giống ấy có thể
chia làm
hai loại:
- Hạt
giống sẵn có (bản hữu chủng tử), là
những loại
hạt giống vốn có gốc rễ sẵn từ đời vô thỉ. Ngay sau khi thành đạo,
đức Phật
liền nói: “Lạ thay! Tất cả mọi chúng sinh đều có sẵn khả năng giác
ngộ,
hạnh phúc và an lạc, nhưng họ không biết, cứ để mình trôi lăn trong
chốn khổ
đau từ kiếp này sang kiếp khác!” Vậy, giác tánh là một trong vô
số hạt
giống đã có sẵn trong chúng ta từ vô thỉ.
- Hạt
giống trao truyền (tân huân chủng tử),
là những
loại hạt giống nhận được do sự trao truyền từ ông bà tổ tiên nhiều
đời, từ cha
mẹ, dòng họ, từ bạn bè, học đường, xã hội, từ sách vở, phim ảnh v.v…
Sự phân biệt có hai loại hạt giống như trên chỉ là
nhằm giúp
ta dễ hiểu, dễ nhận thấy theo sự hiểu biết thông thường, và nhất là để
tu tập
trong những bước bắt đầu; sự thật thì bất cứ loại hạt giống nào chứa
đựng
trong tàng thức cũng sẵn có gốc rễ từ vô thỉ.
HAI LOẠI NGHIỆP
(nhị nghiệp)
Có nhiều pháp sồ về “nhị nghiệp”:
A.
Dẫn Nghiệp và Mãn Nghiệp.
1.
Dẫn nghiệp là
hành động đưa đấy chúng sinh đi đến một phương hướng nào đó – tức
là sẽ
sinh ra ở một loài nào đó trong các loài chúng sinh (Địa-ngục, Ngạ-quỉ,
Súc-sinh
v.v…). Khi một chúng sinh sinh vào loài Người chẳng hạn, thì chúng sinh
ấy phải
mang lấy thân thể, hình dáng, các giác quan, tâm ý, cách thức sinh hoạt,
đi,
đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ v.v… giống như bao nhiêu chúng sinh
khác của
loài Người; vì vậy, “dẫn nghiệp” cũng còn được gọi là “tổng báo nghiệp”.
2.
Mãn nghiệp là
hành động tự làm cho chính nó trở nên đầy đặn, chín mùi trong hướng đi
tới của
nó. Đã đành là khi sinh ra làm Người thì chúng sinh đó phải mang lấy
thân thể,
hình dáng v.v…của chung loài Người, nhưng trong cái thế giới loài Người
đó, có
người giống nam, có người giống nữ, có người xinh đẹp, có người xấu xí,
có người
thông minh, có người ngu dốt, có người hiền lành, có người ác độc, có
người dễ
thương, có người khó thương v.v…, có thể nói là “chẳng ai giống ai”, đó
là cái
kết quả của “mãn nghiệp”, và vì vậy, nó cũng còn được gọi là “biệt
báo
nghiệp”.
B.
Cộng Nghiệp và Biệt Nghiệp.
1.
Cộng nghiệp là
do tạo những nghiệp nhân giống nhau mà nhiều chúng sinh sẽ sinh ra và
cũng sống
chung trong một hoàn cảnh (quả báo) giống nhau: những người cùng sinh ra
trong
một gia đình thì cùng thụ hưởng, chia xẻ nếp sống chung của gia đình ấy;
một
quốc gia đang ở trong tình trạng chiến tranh thì tất cả nhân dân trong
quốc gia
ấy đều phải chịu chung những bất hạnh, những tang tóc, những khổ đau
cùng cực do
chiến tranh gây ra; dân chúng ở những nước tân tiến thì sẽ hưởng được
những tiện
nghi vật chất đầy đủ hơn dân chúng ở những nước bán khai; v.v…
2.
Biệt nghiệp là
mỗi chúng sinh phải nhận chịu nghiệp báo riêng của mình khi đang cùng
chung sống
với những chúng sinh khác trong cộng nghiệp như vừa nói trên. Do đã tạo
những
nghiệp nhân khác nhau mà những người dân của một nước đang trong thời kỳ
chiền
tranh, có người thì giàu sang nhờ chiến tranh, có người thì tán gia bại
sản vì
chiến tranh; có người thì phải vào sinh ra tử không trốn thoát được,
nhưng cũng
có người ngày ngày ăn chơi phè phỡn như ở một nơi thanh bình; có người
thì suốt
đời lăn lóc trong trận mạc mà vẫn sống khỏe mạnh, nhưng cũng có người
vừa đụng
trận lần đầu đã mạng vong; có nhiều gia đình mà mọi người đã hy sinh hết
trong
chiến tranh, nhưng cũng có nhiều gia đình được an toàn trọn vẹn; v.v…
C.
Định Nghiệp và Bất Định Nghiệp.
1.
Định nghiệp là
những nghiệp nhân chắc chắn phải đưa tới quả báo.
2.
Bất định nghiệp
là những nghiệp nhân không nhất định phải đưa tới quả báo. Trường hợp
một ý
niệm vừa khởi lên liền bị dập tắt ngay -- tức là bị cho chìm xuống đáy tàng
thức ngay – và từ đó, ý niệm ấy không bao giờ được có dịp hiện hành
(tái
xuất hiện trên mặt ý thức) nữa, có thể vì nó đã bị các chủng
tử
khác lấn áp làm cho tiêu hao, hoặc nó có thể đã bị chuyển hoá hoàn toàn,
thì cái
ý niệm ấy (nghiệp nhân) sẽ không đưa tới một quả báo nào cả.
D.
Thiện Nghiệp và Ác Nghiệp.
1.
Thiện nghiệp
là những hành động mang tính chất từ bi, trí tuệ, sẽ đưa đến an lạc,
giải thoát,
giác ngộ.
2.
Ác nghiệp là
những hành động phát xuất từ tham dục, sân hận, mê muội, sẽ đưa đến sinh
tử luân
hồi.
HAI NGHIỆP BÁO
(nhị báo)
“Nghiệp báo” hay “nghiệp
quả” là kết quả của các hành động (nghiệp nhân) mà chúng sinh đã tạo
ra; có
hai loại:
1.
Chánh báo, tức là kết quả chính của nghiệp, gồm có một thân thể
và tất cả
các hiện tượng sinh lý và tâm lý được phát hiện trong thân thể đó.
2.
Y báo, tức là hoàn cảnh, môi trường trong đó chánh báo đang sống,
gồm có
gia đình và những điều kiện thiên nhiên, chính trị, xã hội, kinh tế, văn
hoá,
v.v…
HAI SỰ THẬT
(nhị đế)
- Sự
thật tương đối (tục đế), tức là sự thật
do phân
biệt, khái niệm mà có.
- Sự
thật tuyệt đối (chân đế), tức là sự thật
siêu
việt khỏi khái niệm, sự thật được nhìn thấy từ bản tính không phân
biệt.
“Hai sự thật” là một
phương
pháp về nhận thức của tông Tam-luận, nhằm đả phá lối nhận thức thực tại
bằng
khái niệm, bằng ý thức phân biệt, so sánh, đối đãi; bởi vì nhận thức
theo cách
này thì không thể nào nhìn thấy được bản tính chân thực của thực tại.
Như vậy,
theo phương pháp của tông Tam-luận thì sự thật tương đối bao giờ
cũng
phải bị phủ nhận, phá đổ, cho đến khi hành giả đạt được sự thật tuyệt
đối,
tức là sự chứng ngộ về bản chất chân thật của thực tại bằng con đường trung
dung – tức là siêu việt khỏi khái niệm. Phương pháp ấy như sau:
1.
a)
Tất cả mọi người đều cho rằng mọi sự vật trước mắt đều có thật.
(“Có thật” là sự thật tương đối.)
b)
Nhưng hành giả thấy rằng, mọi sự vật tuy là có, nhưng đều
do nhân
duyên hoà hợp mà có, chứ tự chúng không có bản tính chân thật –
tức là
“không”. (“Không có bản tính chân thật” là sự thật tuyệt đối.)
2. Nhưng, nếu cái thấy “không” của hành giả lại trở
thành
một khái niệm “không” để đối lập với khái niệm “có”, thì:
a)
Cả “có” và “không” là sự thật tương đối.
Cái thấy
nhị nguyên này phải bị phá bỏ để tiến tới sự thật tuyệt đối --
tức là
thấy rằng:
b)
Mọi sự vật là “không phải có cũng không phải không”; “có”
và
“không” vốn chỉ là hai mặt của cùng một thực tại.
3. Nếu cái thấy “không phải có cũng không phải
không”
lại trở thành một khái niệm để đối lập với khái niệm “có – không”
thì:
a)
Cả “có – không” và “không phải có cũng không phải
không”
đều trở thành sự thật tương đối, phải bị đả phá để tiến tới cái
thấy:
b)
Mọi sự vật là “không phải không phải có, cũng không phải không
cũng
không”, là sự thật tuyệt đối.
4.
Lại nữa, nếu cái thấy “không phải không phải có, cũng không
phải không
phải không” vừa rồi lại bị khái niệm hoá, thì:
a)
Cả “có – không”, “không phải có cũng không phải không”
và
“không phải không phải có cũng không phải không phải không” đều
trở thành
sự thật tương đối, phải bị phủ nhận để hành giả tiến tới cái
thấy:
b)
Mọi sự vật “không phải là không phải chẳng có, cũng không phải
là
không phải chẳng không”, là sự thật tuyệt đối.
5.
(…)
Sự phủ nhận như trên sẽ dần dần đưa đến chỗ không thể
dùng
lời nói để diễn đạt, không thể dùng trí năng để suy nghĩ, tức là hoàn
toàn siêu
việt khỏi mọi khái niệm, mọi vọng tưởng phân biệt để thấy rõ được chân
diện mục
của thực tại. Tông Hoa-nghiêm gọi phương pháp nhận thức trên đây là “bốn
lớp
của hai sự thật” (tứ trùng nhị đế), mục đích là để phá trừ
mọi chấp
trước và hiển thị con đường trung dung.
HAI VÔ NGÃ
(nhị vô ngã)
“Vô ngã” là không có
một bản
ngã tồn tại. Đó là một ý niệm mà đức Phật đã phương tiện nói ra để phá
bỏ cái ý
niệm sai lầm là “có một bản ngã tồn tại” (ngã) mà mọi người đều
chấp
chặt. Có hai thứ vô ngã:
1.
Con người là vô ngã (nhân vô ngã).
Ý niệm này nói rằng, con người do năm uẩn hợp lại mà thành, không
có một
bản ngã chân thực tồn tại. Khi năm uẩn tan rã thì con người cũng không
còn
nữa. Ý niệm này nếu được thực tập bằng thiền quán thì hành giả có thể
diệt trừ
được “phiền não chướng”.
2.
Sự vật là vô ngã (pháp vô ngã).
Ý niệm này nói rằng, mọi sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên
hoà hợp và
nương nhau mà có, chứ tự nó không có bản ngã tồn tại. Khi nhân duyên
tan rã thì
sưh vật cũng tan rã. Ý niệm này nếu được thực tập bằng thiền quán thì
hành giả
có thể diệt trừ được “sở tri chướng”.
Kinh Niết Bàn nói: “Tất cả sự vật đều không
có bản
ngã và cũng không có gì là sở hữu của bản ngã. Hành giả tu tập được
phép quán
niệm này thì dứt trừ được tính ngã mạn, chứng được niết bàn.”
Thực ra, “vô ngã” chỉ là một khái niệm mà đức
Phật đưa
ra để đả phá tâm “chấp ngã” của con người, chứ không phải đó là
mục đích
cuối cùng để cho người tu học đạt tới. Nói cách khác, “vô ngã”
chỉ là
một phương tiện giúp cho hành giả khai mở tuệ giác. Kinh Niết Bàn
nói:
“Người trí nên biết, Như-Lai vì người chấp ngã mà nói pháp quán vô
ngã, và
muốn cho các tì kheo tu tập phép quán vô ngã.”
Vì “vô ngã” chỉ là một khái niệm cho nên nó chỉ có
giá trị
như một trợ lực cho công phu thiền tập, và rồi nó phải bị phá bỏ thì tuệ
giác
mới lộ ra được. Nếu nó không bị phá bỏ thì sẽ trở thành một thứ “sở tri
chướng”. Trong kinh Niết-Bàn, Phật dạy: “Nếu cho rằng vạn hữu đều không
có ngã
thì là đoạn kiến; nếu cho rằng vạn hữu có ngã thì là thường kiến… Người
trí nên
quán niệm rằng, “vô ngã” chỉ là giả danh, chẳng thật…”
HAI VÔ THƯỜNG
(nhị vô thường)
Hiện hữu chỉ là một dòng sinh diệt liên tục. Tất cả
vạn pháp
không có một thực thể bất biến, mà luôn luôn chuyển đổi không ngừng.
Danh từ
Phật học gọi trạng thái sinh diệt, biến chuyển ấy là “vô thường”,
và phân
biệt có hai loại:
1.
Khoảnh khắc vô thường (sát na vô
thường),
là trạng thái sinh diệt, biến chuyển đang xảy ra liên tục trong từng
giây phút
của sự sống, không lúc nào gián đoạn.
2.
Kiếp sống vô thường (nhất kỳ vô
thường),
là sự chuyển đổi từ một giai đoạn sinh mệnh này sang một giai đoạn sinh
mệnh
khác.