SỐ 7
BẢY BÁU (thất bảo)
Kinh luận Phật giáo thường
nêu lên bảy vật báu dùng trang nghiêm các cõi tịnh độ, mà cũng là những thứ
trân quí nhất của thế gian. Theo các kinh Trường
A Hàm, A Di Đà, luận Đại Trí Độ
v.v..., bảy món báu đó gồm có vàng, bạc, lưu-li, pha-lê, xa-cừ, mã- não, và
xích-châu.
1. Vàng (kim, hay hoàng kim): Theo luận Đại Trí Độ, vàng là do từ cát đá, đồng đỏ trong núi sinh ra. Vàng
có bốn đặc điểm: màu sắc không biến đổi; thể chất không ô nhiễm; thay đổi hình
trạng (từ vòng sang xuyến, sang tượng cốt, chén đĩa, v.v...) không bị trở ngại;
làm cho người ta trở nên giàu sang. Bốn đặc điểm này cũng có thể dùng làm tỉ dụ
cho bốn đức Thường, Tịnh, Ngã và Lạc của pháp thân Phật. Cũng từ những ý nghĩa
đó, thân của Phật tốt đẹp trang nghiêm vi diệu, nên được gọi là “kim thân”.
2. Bạc (ngân, hay bạch ngân): Theo luận Đại Trí Độ, bạc là do từ đá cháy sinh ra. Vàng và bạc là hai loại
quí kim mà mọi người đều biết; riêng trong Phật giáo, đôi khi chúng được dùng để
chỉ cho các chốn già lam, như “kim địa”, “ngân địa”, v.v...
3. Lưu-li (hay tì-lưu-li): một loại đá ngọc màu xanh, ánh sáng
trong suốt, là thần vật sinh từ thiên nhiên, không phải do người làm được. Tuy
nhiên, cũng có thứ ngọc lưu-li do người luyện thành, nhưng đó chỉ là loại ngọc
giả mà thôi. Ngày xưa nước Tần (Trung-quốc) nổi tiếng có nhiều loại ngọc thiên
nhiên; riêng ngọc lưu-li này cũng có đến mười loại (màu): đỏ, hồng, trắng, đen,
tím, vàng, xanh, lam nhạt, da trời, và lá cây.
4. Pha-lê (tức thủy-tinh): Theo luận Đại Trí Độ, hai loại lưu-li và pha-lê là do từ trong các hang núi
sinh ra. Giá tuyết đóng băng, trải qua ngàn năm thì thành ngọc, gọi là pha-lê
(nghĩa là ngọc nước). Loại thủy tinh ngày nay thường dùng làm các vật gia dụng
như li, chén, bình cắm hoa, v.v..., là do con người lấy cát chế biến ra, không
phải là ngọc pha-lê thiên nhiên nói trên.
5. Xa-cừ: một loại ốc biển rất lớn, vỏ dầy và cứng. Mặt ngoài của
vỏ có nhiều lằn sâu như khắc, mặt trong thì trắng, sáng như ngọc; cho nên được
xem là một loại đá ngọc, và được chế biến thành các vật trang sức quí giá. Cũng
có người gọi loại san-hô trắng là xa-cừ. Nhưng, từ điển Từ Nguyên còn dẫn ở sách Nghệ
Văn Loại Tụ của Trung-quốc, có điều mục nói rằng, xa-cừ là một loại ngọc
quí ở Tây-vực; và đó mới là một trong bảy món báu đề cập ở đây.
6. Xích-châu (hay xích-chân-châu): là một loại ngọc màu đỏ, do một
loài sâu đỏ sinh ra. Theo luận Đại Trí Độ,
loại chân-châu này cực kì quí báu, không phải là san-hô. Loại chân-châu thường
thì có màu xám hoặc xám nhạt, nhưng loại xích-chân-châu thì có ửng màu đỏ; nếu
được loại màu thuần đỏ thì quí giá vô cùng, trên đời hiếm thấy.
7. Mã-não: là loại ngọc quí màu xanh biếc, rất sáng; khác với loại
mã-não thường thấy, là loại đá có vân đỏ.
BẢY CÁI THẤY ĐIÊN ĐẢO (thất điên đảo)
“Điên đảo”,
nói tắt là “đảo”, có nghĩa là đảo lộn sự thật, trái ngược với sự thật. Người
phàm phu vì không có trí tuệ nên đối với mọi sự lí ở đời, luôn luôn có 7 tư tưởng
điên đảo như sau:
1. Tưởng đảo: tư tưởng điên đảo, ví dụ, vạn pháp do duyên sinh mà
cho là do một vị thượng đế sáng tạo, v.v...
2. Kiến đảo: tức là tà kiến, như không tin nhân quả nghiệp báo, mà
tin vào quyền năng của ông thần này, bà chúa kia, v.v...
3. Tâm đảo: tức vọng tâm, đối với sự việc gì cũng nghĩ quấy, thấy
biết sai lạc, rồi khởi niệm tham lam, ganh tị, sân hận, oán thù, v.v...
4. Thường đảo: vạn pháp ở thế gian là vô thường mà cho là thường hằng,
sinh tâm bám chặt không rời.
5. Lạc đảo: Thế gian là một biển khổ mênh mông, nhưng cứ cho là
vui sướng, cho nên luôn luôn tham đắm, đeo đuổi, để rồi gây bao tội lỗi mà không
biết hồi tâm.
6. Tịnh đảo: Thế gian đầy dẫy phiền não cấu uế, mọi sự đều bất tịnh,
nhưng cứ cho là tịnh, rồi mải mê tham cầu bám giữ, gây bao điều ác, ưu phiền
cho mình và mọi người, mà không biết hướng thiện.
7. Ngã đảo: Tự thân và vạn pháp ở thế gian đều là vô ngã, nhưng cứ cho là có ngã chân
thật, cho nên tham cầu, giữ chặt, ích kỉ, ngạo mạn, không biết buông xả, không
biết vì người làm điều lợi ích, v.v...
BẢY CHÚNG (thất
chúng)
“Bảy chúng”
tức 7 loại đệ tử (kể cả xuất gia và tại gia) làm thành giáo đoàn của Phật:
1. Tì kheo: nam giới xuất gia đã đủ 20 tuổi.
2. Tì kheo ni: nữ giới xuất gia đã đủ 20 tuổi.
3. Sa di: nam giới xuất gia dưới 20 tuổi.
4. Sa di ni: nữ giới xuất gia dưới 20 tuổi.
5. Thức xoa ma
na: tên gọi vị sa di ni trong thời
gian chuẩn bị (2 năm) để trở thành tì kheo ni.
6. Ưu bà tắc: nam cư sĩ tại gia.
7. Ưu bà di: nữ cư sĩ tại gia.
BẢY CHUYỂN THỨC (thất
chuyển thức)
Theo Duy Thức Học, trong tám thức (sẽ trình bày trong mục “Tám Thức” ở sau) thì thức a-lại-da là “căn
bản thức”; bảy thức còn lại là mạt-na
thức, ý thức, nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức và thân thức, đều do
căn bản thức chuyển biến và biểu hiện ra, cho nên bảy thức này được gọi là “chuyển
thức”.
BẢY ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI (thất pháp bất khả tị)
1. Sinh ra đời
là điều không thể tránh khỏi (sinh bất khả tị). Kiếp trước đã tạo nghiệp nhân (dù thiện, dù bất thiện)
thì kiếp này phải sinh ra đời để nhận lấy kết quả của nghiệp, đó là điều không
thể nào tránh khỏi được.
2. Già nua là
điều không thể tránh khỏi (lão bất khả tị). Thân này đã được sinh ra thì phải có lúc già yếu, đó là điều không thể
nào tránh khỏi được.
3. Bệnh là điều
không thể tránh khỏi (bệnh bất khả tị). Thân này đã được sinh ra thì phải có lúc bị đau bệnh, đó là điều không
thể nào tránh khỏi được.
4. Chết là điều không thể tránh khỏi
(tử bất khả tị). Đã có sinh thì phải có tử, đó là điều không thể nào tránh
khỏi được.
5. Quả báo của
tội lỗi là điều không thể tránh khỏi (tội bất khả tị). Đã gây ra những nghiệp nhân tội lỗi thì phải nhận chịu
những quả báo đau khổ, trầm luân, đó là điều không thể nào tránh khỏi được.
6. Quả báo của
thiện nghiệp là điều không thể tránh khỏi (phúc bất khả tị). Đã tạo ra những nghiệp nhân tốt lành thì phải hưởng
được những quả báo an vui, hạnh phúc, đó là điều không thể nào tránh khỏi được.
7. Duyên sinh
là điều không thể tránh khỏi (nhân duyên bất khả tị). Tất cả mọi hiện tượng đều do nhân duyên hòa hợp mà
sinh thành, tất cả những sự việc như tốt, xấu, họa, phúc, giàu, nghèo, sống
lâu, chết yểu v.v... cũng không ngoài đạo lí ấy, đó là điều không thể nào tránh
khỏi được.
“Bảy điều không thể tránh khỏi” trên đây là những sự thật của đời sống,
hành giả có thể dùng để thực tập như là những đề tài quán chiếu trong lúc thiền
tập. Các điều số 1, số 2, số 3 và số 4
sẽ giúp cho hành giả đánh tan được mọi nỗi lo âu, sợ hãi, chán nản, thất vọng
khi đối diện trước những khổ đau của kiếp sống; các điều số 5 và số 6 sẽ giúp cho hành giả thấy rõ hậu quả của những hành động
của chính mình, đánh tan mọi hoài nghi, thắc mắc để vững chí, kiên trì (tinh tấn)
trong việc chuyển hóa thân tâm; điều số 7
giúp hành giả phá vỡ màn vô minh từ lâu đã từng che khuất trí tuệ, thấy rõ chân
tướng của thực tại vạn hữu. Một cách tóm tắt, khi đã ngộ được 7 điều trên đây
thì hành giả tức khắc vượt thoát sinh tử.
BẢY ĐỨC PHẬT
ĐỜI QUÁ KHỨ (thất Phật - quá khứ thất Phật))
7 đức Phật đời quá khứ gồm có đức Phật Thích Ca Mâu Ni và 6 đức Phật từng thị
hiện trong thế gian trước đó: Phật Tì Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tì Xá Phù, Phật
Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, và Phật Ca Diếp. Mỗi đức Phật đều truyền lại
một bài kệ, trong đó, bài kệ của đức Phật Ca Diếp là được thông dụng nhất; kinh
Tăng Nhất A Hàm (Hán văn) ghi lại bài kệ ấy như sau:
Chư ác mạc tát (không làm các việc ác)
Chư thiện phụng hành (luôn làm các việc
lành)
Tự tịnh kì ý (giữ tâm ý trong sạch)
Thị chư Phật giáo (đó là lời dạy của chư Phật)
BẢY LOẠI LẠY PHẬT (thất chủng lễ Phật)
1. Lạy Phật với
tâm ngã mạn (ngã mạn lễ).
Người lạy Phật, thấy người ta lạy thì mình cũng lạy, thân tuy lễ lạy nhưng
trong lòng miễn cưỡng, tự cho mình là tài giỏi, không cung kính chí thành, không
cảm nhận được ân đức sâu dầy của Phật, không xem Phật là bậc Đạo Sư cao cả của
mình.
2. Lạy Phật với
tâm cầu danh (cầu danh lễ).
Người lạy Phật chỉ vì muốn người ta khen ngợi mình là người siêng năng tu hành,
chứ thực sự trong tâm không phải vì tưởng nhớ ân sâu của Phật, không vì thành tâm
cúng dường mà lạy Phật.
3. Lạy Phật bằng
cả thân tâm (thân tâm lễ).
Người lạy Phật, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm quán tưởng hình tướng trang nghiêm
tốt đẹp của Phật, không có tạp niệm nào khác, thân tâm đều chí thành tha thiết,
cung kính cúng dường.
4. Lạy Phật bằng
trí tuệ thanh tịnh (phát trí thanh tịnh lễ). Người lạy Phật, tâm tuệ sáng suốt, đạt cảnh giới của
Phật, trong ngoài thanh tịnh, thông suốt không chướng ngại; lạy một đức Phật tức
lạy tất cả chư Phật, lạy tất cả chư Phật tức lạy một đức Phật; cho nên chỉ một
lạy mà thông khắp pháp giới. Lạy Phật, lạy Pháp, lạy Tăng đều như vậy.
5. Lạy Phật với
thân tâm thâm nhập khắp pháp giới (biến nhập pháp giới lễ). Người lạy Phật, quán tưởng thân tâm mình xưa nay vốn
không xa rời pháp giới, chư Phật vốn không xa rời tâm mình, tâm mình vốn không
xa rời chư Phật, tánh tướng bình đẳng, không tăng không giảm. Nay lạy một đức
Phật, tức thông khắp chư Phật. Quán tưởng như thế thì công đức qui về pháp giới,
mà diệu dụng vô biên.
6. Lạy Phật
tánh nơi chính mình (chánh quán tu thành lễ). Người lạy Phật, nhiếp tâm chánh niệm, đối trước thân
Phật, cũng tức là lễ bái Phật tánh nơi chính mình.
7. Lạy Phật thật
tướng bình đẳng (thật tướng bình đẳng lễ). Người lạy Phật, tâm hoàn toàn bình đẳng, không thấy có
Phật và có mình khác nhau, phàm và thánh là nhất như, thể dụng không hai.
Trong 7 loại lạy Phật ở trên,
2 loại đầu là lạy Phật với tâm bất chánh,
gây lỗi lầm, người tu học Phật không nên lạy Phật cách như thế; còn 5 loại sau
là những cách lạy Phật chân chính, nên
tu tập thường xuyên, sẽ tạo được công đức vô biên.
BẢY LOẠI TÂM SÁM HỐI (thất chủng sám hối tâm)
1. Phát sinh
tâm hổ thẹn (sinh đại tàm quí tâm). Nguyên đức Thế Tôn và chúng ta đều là phàm phu, nhưng đức Thế Tôn
thì đã thành Phật từ lâu, còn chúng ta thì đến bây giờ vẫn còn trầm luân trong
biển sinh tử, chưa biết đến bao giờ mới thoát khỏi! Nghĩ như thế mà sinh tâm hổ
thẹn, và phát lồ sám hối.
2. Phát sinh tâm sợ sệt (sinh khủng bố tâm). Hạng phàm phu chúng ta, thân
ngữ ý thường tạo ác nghiệp, gây tội lỗi triền miên, nhân đó mà sau khi mạng
chung, sẽ phải đọa lạc vào các đường dữ, như Địa-ngục, Ngạ-quỉ, hoặc Súc-sinh,
nhận chịu quả báo đau khổ cùng cực. Nghĩ như thế mà sinh tâm sợ sệt, và phát lồ
sám hối.
3. Phát sinh tâm nhàm chán rời bỏ (sinh yếm li
tâm). Chúng
ta lưu chuyển trong biển sinh tử, hư giả không chân thật, giống như bọt nước vừa
nổi lên liền tiêu mất. Thân này là tập hợp của mọi điều khổ đau, gom chứa toàn
những vật bất tịnh. Nghĩ như thế mà sinh tâm chán bỏ, và phát lồ sám hối.
4. Phát sinh tâm bồ đề (phát bồ đề tâm). Muốn thành tựu thân tướng
Như Lai, chúng ta phải phát lồ sám hối tội chướng từ bao đời, rồi phát tâm bồ đề
thệ nguyện cứu độ chúng sinh, dù phải bỏ cả tài sản thân mạng cũng không luyến
tiếc.
5. Phát tâm bình đẳng (oán thân bình đẳng tâm). Tâm ý từ lâu vốn phân biệt
chấp trước, hễ khởi niệm liền có nhân có ngã, đối xử thì coi trọng người thân mà
khinh ghét kẻ oán. Nay phát lồ sám hối, nguyện phát khởi tâm từ bi đối với tất
cả chúng sinh, cứu độ một cách bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thân, không
dính mắc tướng nhân tướng ngã.
6. Tâm luôn ghi nhớ báo ân Phật (niệm báo Phật
ân tâm). Đức
Thế Tôn đã trải qua vô lượng kiếp tu hành khổ hạnh, chỉ vì tâm từ bi muốn cứu độ
chúng ta. Ân đức ấy thật khó báo đáp. Vậy, chúng ta trong đời này phải luôn luôn
nghĩ nhớ ân đức ấy của Phật; và cố gắng báo đáp ơn Phật bằng cách chí thành sám
hối tội chướng sâu dầy, phát tâm dũng mãnh tinh tấn tu tập, cứu độ chúng sinh đồng
thành Chánh giác.
7. Quán chiếu bản tánh của tội lỗi là không (quán tội tánh không). Bản tánh của tội lỗi vốn không, không có thật thể,
chỉ là do nhân duyên điên đảo mà phát sinh. Vì vậy, công phu sám hối ở giai đoạn
này là dùng trí tuệ bát nhã quán chiếu, để thấy rõ tội lỗi chỉ là duyên sinh, bản
tánh của chúng xưa nay vốn không tịch, không có cái gì gọi là “tội”. Tâm vọng động
đã tiêu trừ thì tội lỗi cũng không do đâu mà sinh khởi. Đó là sự sám hối chân
thật nhất.
BẢY NGUYÊN TỐ (thất đại)
Bảy nguyên tố gồm đất (địa đại), nước (thủy đại)), lửa (hỏa đại),
gió (phong đại), hư không (không đại), tánh thấy biết (kiến đại) tánh phân biệt
(thức đại).
Trong mục “Bốn Nguyên Tố” (tứ đại) ở trước, các nguyên tố địa, thủy, hỏa, phong, không, và thức, đã được trình bày rõ ràng, ở đây xin nói thêm về “kiến đại”. Chữ “kiến” là một thuật ngữ Phật học, trong các bộ Luận như Đại Tì Bà Sa, Câu Xá
v.v..., nó được giải thích là nhìn thấy, suy lường, chấp trước; trong Kinh Lăng Nghiêm, nó có nghĩa là tánh thấy
của nhãn căn, vì tánh của sắc pháp phủ trùm pháp giới nên tánh thấy này cũng phủ
trùm pháp giới. Đó là ý nghĩa của “kiến đại”.
7 nguyên tố (thất đại)
là thể tánh của vạn pháp (gồm sắc pháp và tâm pháp). Đất, nước, lửa, gió gọi là
“bốn
đại”, là thể của sắc pháp; vạn pháp sinh thành đều không ra ngoài bốn
nguyên tố này. Bốn nguyên tố ấy lại nương nơi hư không (không đại) mà được
kiến lập, nương nơi tánh thấy (kiến đại) mà được nhận biết, nương nơi tánh
phân biệt (thức đại) mà được hiểu biết rõ ràng. Trong 7 nguyên tố đó thì
5 nguyên tố đầu là đất, nước, lửa, gió
và hư không thuộc về sắc pháp; 2 nguyên tố sau là tánh thấy và tánh phân
biệt thuộc về tâm pháp. Các loài hữu tình thì đầy đủ cả 7 nguyên tố; các
loài vô tình chỉ có 5 nguyên tố đầu mà
thôi.
Nếu nhìn phối hợp với “18 khu vực” (thập bát giới – xin xem mục “Mười Tám Khu Vực” ở sau), thì 5 nguyên tố
đầu tương đương với 6 cảnh; nguyên tố thứ sáu, kiến đại, tương đương với 6 căn;
và nguyên tố thứ bảy, thức đại, tương
đương với 6 thức.
BẢY PHÁP TÀI (thất
pháp tài - thất thánh tài)
“Pháp tài”
là sự giàu có về tâm linh (khác với sự giàu có về vật chất), là của cải, vốn liếng
tinh thần mà hành giả luôn luôn dùng làm hành trang trên suốt con đường tu học
và phụng sự chúng sinh, cho đến khi đạt được quả vị giác ngộ. Có bảy thứ pháp
tài:
1. Đức tin (tín tài).
Đức tin là
loại của cải căn bản và cần thiết trước nhất mà hành giả phải có. Nó chính là
lương thực để nuôi sống hành giả. Đức tin ở đây không phải là thứ tín ngưỡng mù
quáng, mà là niềm tin tưởng có được do sự quán sát, phán đoán, nhận định và thực
nghiệm; cho nên đã có đức tin thì sẽ có quyết định hành động, không có đức tin
thì sẽ không có gì cả.
2. Chí kiên trì (tinh tấn
tài).
Ngọn lửa nung hoài thì hạt bắp
trong nồi sẽ bung ra; ánh sáng mặt trời chiếu rọi hoài thì cái hoa phải nở. Chí kiên trì (hay đức tinh tấn) đối với người tu học cũng giống như ngọn lửa đối với
nồi bắp hay ánh sáng mặt trời đối với bông hoa, là năng lượng chính yếu mà nếu
được nung nấu một cách bền bỉ, liên tục thì bông hoa giác ngộ nơi hành giả, một
ngày nào đó cũng sẽ nở ra rạng rỡ.
3. Giới luật (giới tài).
Nếu đức tin là lương thực thì giới
luật vừa là sư trưởng, vừa là thiện tri thức, và cũng vừa là y phục quí báu
nhất của người tu học. Nó ngăn ngừa mọi lỗi lầm về cả thân, khẩu và ý; và do
đó, nó còn là chiếc chìa khóa để cho hành giả dùng mở cánh cửa giác ngộ. (Xin xem lại
ý nghĩa và tính chất của “Giới” trong mục “Ba Môn Học Giải Thoát” ở trước.)
4. Tâm hổ thẹn (tàm quí
tài).
Biết hổ thẹn đối với những lỗi lầm của chính mình (tàm), và biết hổ thẹn
khi thấy mình không siêng năng, trong sạch, tỉnh thức bằng người khác (quí), đó là hai món đồ trang sức đẹp
đẽ nhất của người tu học. Trong khi tính tự mãn, kiêu ngạo sẽ đưa hành giả xa rời
dần quả vị giác ngộ, thì tâm biết hổ thẹn
sẽ đưa hành giả ngày càng đến gần với
quả vị giác ngộ. Kinh Di Giáo dạy: “Tâm biết hổ thẹn
là món đồ trang sức đẹp nhất trong các món đồ trang sức. Cũng như cái móc sắt,
tâm biết hổ thẹn có thể chế ngự tất cả mọi lầm lỗi của con người. Bởi vậy, người
tu học lúc nào cũng nên biết hổ thẹn.”
5. Lắng nghe (văn tài).
Lắng nghe là
nghe trong tỉnh thức. Lắng nghe (văn),
rồi suy gẫm, quán chiếu (tư) về điều mình nghe, và đem áp dụng những điều ấy vào nếp sinh hoạt
hằng ngày (tu), đó là ba phương pháp tu học có năng lực làm phát sinh trí
tuệ (tam tuệ học). “Lắng nghe” ở đây phải được coi là giác
quan của người tu học. Hành giả sử dụng các giác quan của mình một cách tinh thục
trong đời sống thì sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho chính mình và mọi người, mọi
loài. Vì vậy, biết lắng nghe cũng là
một trong những hành trang cần thiết của hành giả trên đường đi đến giác ngộ.
6. Buông bỏ (xả tài).
Buông bỏ là
tiếng dùng để diễn tả đức độ của người khi đạt được tâm bình đẳng, nghĩa là đã
dứt bỏ được những “sở tri”, những thành kiến, cố chấp, phân biệt tốt xấu, bạn
thù, thương ghét v.v.... Có đức xả thì tâm từ bi trở nên vô cùng rộng
lớn; do đó, sự thực hành bố thí của hành giả sẽ vô cùng lợi lạc và không biên
giới. Vì vậy, “xả” chính là thứ
phương tiện chuyên chở tốt nhất để đưa hành giả đi khắp các nẻo đường phụng sự
xã hội, và cuối cùng là đến quả vị giác ngộ. (Xin xem lại mục “Bốn Tấm Lòng Rộng Lớn”
ở trước.)
7. Định và Tuệ (định tuệ
tài).
Làm cho sự lãng quên, tâm loạn
động dừng lại (chỉ) thì định lực (định) phát sinh. Quán
chiếu để thấy rõ (quán) chân tướng
thực tại thì trí tuệ (tuệ)
phát sinh. Nói cách khác, “định tuệ” là kết quả có được từ “chỉ quán”; cho nên chỉ quán và định tuệ lúc nào cũng không
rời nhau, và trở nên các thành phần chủ yếu của giác ngộ. Hay có thể nói một
cách chính xác hơn, định tuệ chính là bản thân của giác ngộ. Hành giả có thể tu tập
hết mọi phương pháp, nhưng nếu không có định
tuệ thì quả vị giác ngộ vẫn là một cái gì hết sức xa vời, không làm sao với
tới được. Vậy, định tuệ phải được coi
chính là hơi thở của hành giả. Hành giả nắm giữ định tuệ như nắm giữ hơi thở của
mình.
Bảy thứ pháp tài trên đây cũng được coi là bảy thứ thánh tài, tức là
bảy thứ của cải của các thánh nhân, được liệt kê ở nhiều kinh, và có khác nhau
chút ít. Theo các kinh Bảo Tích và Niết Bàn, chúng gồm có: tín, giới, văn, tàm, quí, xả, và tuệ (tàm quí được chia làm hai, và không có tấn). Kinh Pháp Cú: tín, giới, tàm, quí, văn, bố thí, và tuệ (tàm quí được chia làm hai, không có tấn và xả, thêm bố thí). Kinh Báo Ân: tín, tấn, giới, tàm quí, văn xả, nhẫn nhục, và định tuệ (văn và xả hợp làm một, thêm nhẫn nhục).
BẢY PHÉP BẤT THỐI (thất
bất thối pháp)
“Các vị khất sĩ! Như Lai sẽ chỉ dạy cho các vị bảy
phương pháp để giữ gìn cho chánh pháp và giáo đoàn không bị suy thoái. Các vị
hãy lắng nghe.
“Thứ nhất là các vị nên thường xuyên gặp mặt nhau
trong những buổi họp mặt đông đủ để học hỏi và luận bàn về chánh pháp.
“Thứ hai là các vị tới với nhau trong tinh thần hòa hợp
và đoàn kết, và chia tay nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết.
“Thứ ba là cùng tôn trọng và sống theo giới luật và
pháp chế một khi những giới luật và pháp chế ấy đã được ban hành.
“Thứ tư là biết tôn trọng và vâng lời các bậc trưởng
lão có đạo đức và kinh nghiệm trong giáo đoàn.
“Thứ năm là sống một nếp sống thanh đạm và giản dị, đừng
để bị lôi cuốn vào tham dục.
“Thứ sáu là biết quí đời sống tĩnh mặc.
“Thứ bảy là biết an trú trong chánh niệm để thực hiện
an lạc và giải thoát, làm chỗ nương tựa cho các bạn đồng tu.
“Này các vị khất sĩ! Chừng nào mà các vị còn thực hiện
được bảy điều ấy – gọi là bảy phép bất thối, thì đạo pháp còn hưng thịnh và
giáo đoàn không bị suy thoái. Không một
yếu tố nào bên ngoài có thể phá hoại được giáo đoàn. Chỉ có những phần tử từ
bên trong giáo đoàn mới có thể làm cho giáo đoàn tan rã mà thôi. Các vị khất
sĩ! Khi con sư tử chúa của mọi loài ở chốn sơn lâm ngã quị, không có một loài
nào dám đến ăn thịt nó; chỉ có những con trùng phát sinh từ bên trong thân thể
của sư tử mới ăn thịt được sư tử mà thôi. Các vị hãy bảo vệ chánh pháp bằng
cách sống theo bảy phép bất thối, đừng bao giờ tự biến mình thành những con
trùng trong thân thể của con sư tử.”
(Trích trong Đường
Xưa Mây Trắng của Thích Nhất Hạnh, San
Jose, Lá Bối in lần thứ hai - 1992, trang 546 - 547.
Hai câu được in chữ đậm trong đoạn
trên là chủ ý của soạn giả HC.)
BẢY PHÉP HÒA GIẢI (thất
diệt tránh pháp)
“Diệt tránh” nghĩa là dập tắt sự tranh
cãi, xung đột. Trong đời sống tập
thể, nhiều khi có những ý kiến bất
đồng về một vấn đề, khiến
đưa tới xích mích, tranh cãi,
làm mất đi cái không khí hòa hợp giữa
đại chúng. Sự tranh cãi
thường xảy ra khi hai hoặc nhiều người,
trong lúc học tập chung, đã có những
kiến giải khác nhau về cùng một vấn
đề, hoặc không đồng ý với nhau
về việc thực thi một biện pháp,
một kế hoạch, và nhất là khi phải
phán quyết hành vi của một vị nào đó
là có tội hay vô tội, hoặc
tội nặng hay tội nhẹ, hoặc người phạm
tội không chịu nhận tội v.v...
Để tránh xảy ra những trường hợp
làm mất hòa khí như vậy, đại
chúng thường áp dụng bảy biện pháp dập tắt sự tranh cãi (thất
diệt tránh pháp) nhằm đem lại
không khí hòa hợp cho tập thể. Tuy bảy
biện pháp này thuộc về giới luật
tì kheo và tì kheo ni, nhưng vì sự ích
lợi rộng rãi và thiết thực,
chúng có thể được đem áp dụng
trong bất cứ một tăng thân tu học
nào. Bảy biện pháp đó là:
1. Biện pháp “hiện
tiền”: Hai bên bất đồng ý kiến được
mời đối diện trực tiếp tranh luận trước đại chúng, dùng kinh luận hoặc giới luật
đối chiếu để soi rõ vấn đề; từ đó tìm ra các lẽ phải trái, và cùng nhau chấm dứt
tranh cãi.
2. Biện pháp “ức
niệm”: Cho nhân chứng trần thuật
những sự việc đã tuần tự xảy ra, cùng những nguyên cớ nào đã đưa đến sự xung đột
hiện tại; từ đó tìm ra lẽ phải trái để hòa giải xung đột.
3. Biện pháp “bất
si”: Nếu có chứng cớ rằng, hành động
trái phép đã xảy ra khi đương sự đang ở trong tình trạng tâm ý cuồng loạn, hoặc
đã hành động một cách không có ý thức, hoặc đương sự không ngoan cố ngụy biện để
tự bào chữa trong lúc luận tội, thì sẽ không xảy ra sự tranh cãi.
4. Biện pháp “tự
ngôn”: Không dùng uy lực của đại
chúng để áp đảo tinh thần đương sự, nhưng tạo điều kiện thuận lợi để cho đương
sự tự phản tỉnh và thành thực bộc lộ sự sai quấy của mình. Điều này hết sức
quan trọng vì nó ngăn chận được sự tranh luận ngay từ lúc đầu.
5. Biện pháp “đa
ngữ”: Nếu sự tranh luận đã kéo
dài mà không đưa đến kết quả nào thì đại chúng có thể dùng phương pháp biểu quyết
(hoặc công khai, hoặc bỏ phiếu kín); ý kiến của bên đa số sẽ là ý kiến quyết định.
6. Biện pháp “tội
xử sở”: Nếu một đương sự quả thật
có hành động lầm lỗi mà cứ chối cãi quanh co, không chịu nhận lỗi, thì đại
chúng có thể dùng phương pháp “yết ma”(1), hỏi ba lần, nếu trong đại chúng không có ai phản đối
thì hình phạt sẽ đương nhiên có hiệu lực đối với đương sự.
7. Biện pháp “thảo
phú địa”: Nếu sự việc quá nghiêm
trọng và phức tạp mà đại chúng thấy lúng túng, không quyết định, thì đại chúng
có thể trình sự việc ấy lên quí vị cao cấp trong hàng giáo phẩm của tu viện hoặc
hội đồng giáo hội để nhờ phán quyết.
Trong khi áp
dụng, không nhất thiết là phải dùng hết cả bảy biện pháp này cùng một lúc,
nhưng tùy mỗi trường hợp, đại chúng có thể dùng một, hoặc hai, hoặc nhiều hơn,
miễn sao chấm dứt được tranh cãi và thực hiện được sự hòa giải, đem lại không
khí yên tĩnh, hòa hợp trong đại chúng.
(1) “Yết ma”
là một thuật ngữ đặc biệt dùng trong phạm vi giới luật, dịch là “tác nghiệp”,
nghĩa là những sực việc đã làm. Đó là một loại nghi thức có văn tuyên cáo khi làm
các nghiệp sự liên quan tới giới luật như thọ giới, bố tát, sám hối v.v... Nhờ
có sự tuyên cáo rõ ràng ấy mà nghi thức được thành tựu. Nội dung của nghi thức
yết ma phải gồm đủ 4 pháp (yết ma tứ pháp): 1. Pháp, tức tác pháp yết ma được cử hành đúng pháp; 2. Sự, tức tác pháp yết ma được cử hành
vì có liên quan đến những sự thật như phạm tội, sám hối v.v...; 3. Nhân, tức người có mặt, tùy theo sự
việc mà số người tham dự được qui định có con số nhất định; 4. Giới, tức địa giới, nơi chỗ được chọn
để tiến hành nghi thức yết ma.
BẢY YẾU TỐ GIÁC NGỘ (thất giác chi - thất giác ý - thất giác phần - thất bồ đề phần)
Đây là bảy yếu tố tạo nên quả
vị giác ngộ. Theo kinh Niết Bàn, bảy
yếu tố này gồm có:
1. Chánh niệm (niệm giác
phần): thường xuyên an trú trong
chánh niệm.
2. Chọn lựa
pháp môn (trạch pháp giác phần - phân biệt giác phần): Chữ “trạch” ở
đây có nghĩa là tư duy và khảo sát. Mọi sự việc ở đời đều có những sự việc thiện
và những sự việc bất thiện, trong nội tâm cũng có những tư tưởng thiện và những
tư tưởng bất thiện. Có dùng trí năng để tư duy và khảo sát thì mới thấy rõ được
cái gì là thiện nên tu tập và cái gì là bất thiện cần phải được chuyển hóa.
3. Kiên trì (tinh tấn
giác phần): bền chí tu tập, không biếng
nhác, không gián đoạn.
4. Vui vẻ (hỉ giác phần): tâm ý vui vẻ, lời nói ôn hòa, thái độ nhã nhặn.
5. Thư nhẹ (khinh an
giác phần): tâm thư thái, nhẹ nhàng,
mọi phiền não, kiến chấp đều rũ bỏ.
6. Tĩnh lặng (định giác
phần): tâm ý hoàn toàn tĩnh lặng,
không còn tán loạn, không còn vọng tưởng.
7. Buông bỏ (xả giác phần): rũ bỏ hết mọi “sở tri”, mọi kiến chấp về ngã và pháp,
tâm hoàn toàn trong sáng, bình đẳng. Vì “sở tri” (hay kiến chấp) thuộc về tư tưởng,
tức là “hành uẩn” trong năm uẩn, cho nên “xả giác phần” ở đây cũng còn được gọi là “hành xả giác phần”.
Khi công phu tu tập bảy yếu tố
này đạt đến chỗ thuần thục thì tuệ giác bừng sáng, cho nên chúng được gọi là “bảy
yếu tố giác ngộ”.