Phật giáo Việt Nam
Phật Giáo Xứ Huế
Thích Hải Ấn
27/10/2013 02:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chùa Thiên Mụ


Kể từ thời Hội Đô Thành Hiếu Cổ ra đời (1914 - 1944), có một nhà nghiên cứu người Pháp đã dùng mấy chữ: "Hué, la Capitale du Buddhisme". Từ đó đến nay người ta thường nhắc lại mấy chữ ấy như là một nhận định xác quyết, và người ta còn đưa thêm một con số có vẻ thống kê: 85% dân số xứ Huế là Phật tử để chứng minh cho tiền đề trên là đúng. Sau đó tiếp tục người ta nói về chùa Huế và xem như đó là Phật giáo xứ Huế.

 Thiết nghĩ, chúng ta phải đi xa hơn và sâu hơn mới nói được vài nét về Phật giáo xứ Huế. Phật giáo xứ Huế không phải là số chùa Huế có mật độ dày đặc 100, 150 hay 200 chùa; cũng không phải là 85% người Huế là Phật tử; cũng không phải là "Huế, Kinh đô của Phật giáo", mà có lẽ tất cả những cái đó gộp lại và còn sâu lắng hơn, là tìm vào bề dày của lịch sử và chiều sâu của tâm thức người Huế nữa.

 Thường thường, nói đến Huế, người ta liền nghĩ đến một nơi có Kinh đô nhà vua đóng với thành quách rêu phong trầm lặng; xa hơn, người ta cũng chỉ nghĩ đến một niên đại cố định trong lịch sử xứ Huế là năm 1306, lúc Huyền Trân công chúa vượt Hải Vân Quan về làm Hoàng hậu Chiêm quốc; hỏi đến Phật giáo xứ Huế người ta chỉ nói đến Tổ Nguyên Thiều và xem như đó là vị Tổ đầu tiên đến hoằng hóa Phật giáo trong vùng sông Hương núi Ngự vào những ngày xưa nhất.

 Những nhận thức này chưa hẳn là sai; nhưng đúng thì cũng chưa chắc hẳn là đúng chính xác. Bởi vì nhìn một kiến trúc ta phải nghĩ đến nền tảng. Phương chi tinh thần khoa học đòi hỏi con người  càng ngày phải nhìn kỹ hơn, chi tiết hơn cái nền tảng của tòa kiến trúc đó. Hơn nữa, Huế là nơi tụ điểm giao lưu nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều nền văn minh văn hóa cổ đại trên giải đất Đông Dương nói riêng và trên thế giới nói chung.

 Trong các trào lưu tư tưởng lớn đã ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống xứ Đàng Trong, ta thấy Phật giáo là trào lưu nỗi bật nhất. Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung quốc, Phật giáo Luy Lâu, Phật giáo Đồng Dương... đều có mặt trên đất Huế.

 Thời gian rất xa, không gian rất rộng để làm gốc rễ, nền tảng cho Phật giáo xứ Huế, khi thịnh lúc suy; suy rồi lại thịnh, theo một con đường phát triển đi lên không bao giờ ngừng.

 Một yếu tố khác không kém phần quan trọng mỗi khi nói đến Phật giáo xứ Huế: đó là môi trường sinh thái thiên nhiên. Từ thiên niên vạn kỷ của quá khứ thì dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp ở hướng Tây đã có, với hệ thực vật, hệ động vật quá phong phú và đa dạng; có nhiều loài thú quýù, nhiều loài chim  đẹp mà nhiều nơi không có; bãi Đại Trường Sa, Tiểu Trường Sa dứt nối tiếp giáp bờ biển ở hướng Đông cũng đã có, với hệ đầm phá vừa đẹp vừa giàu, phong phú và đa dạng sinh học các loài động, thực vật nước lợ, nước ngọt; Đèo Ngang ở Quảng Bình, Hải Vân giáp Quảng Nam đã có. Con sông mà hôm nay gọi là Hương Giang, ngọn núi nhỏ có đỉnh bằng mà hôm nay gọi là Ngự Bình đều đã có. Sông ấy, núi ấy, thực vật, động vật ấy đã có ảnh hưởng đến con người Việt tộc sống ở trên đó không ít. Ảnh hưởng như thế nào? Câu trả lời phụ thuộc vào từng người, nhà nhân chủng, nhà khoa học, nhà môi trường học đều thấy khác nhau. Trên bình diện văn hóa và tín ngưỡng, Chúng tôi thấy rằng: để hiểu cho được ảnh hưởng ấy, thiết tưởng người ta không thể không nghiên cứu đến một phạm trù nền tảng: địa lý môi trường (géo-environnement). Địa lý môi trường gồm có nhiều ngành, nhưng ở đây chúng tôi chỉ lưu ý đến ngành địa lý tự nhiên của xứ Thuận Hóa; và ngành nhân văn xã hội.

 Về địa lý tự nhiên hoặc còn gọi là địa lý thiên nhiên thì quả tình xứ Thuận Hóa có nhiều điểm đặc trưng ưu việt về cách cấu tạo hình thế núi non, sông biền, đầm phá và đồng bằng như chúng tôi đã nói. Nhất là dòng sông mà nay ta gọi là sông Hương. Nếu các nền văn minh, văn hóa lớn của nhân loại đều đã được phát sinh và hình thành theo các dòng sông, thì sông Hương chảy ngang qua Thành phố Huế hiện nay, quả là dòng sông đã tạo nên những nét đặc thù về thể chất cũng như về tâm thức con người Huế. Có một nền văn hóa mà hiện nay các nhà nghiên cứu văn hóa Huế gọi đó là văn hóa Phú Xuân. Phật giáo Huế đã có vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử hình thành nền văn hóa này. Dòng sông ấy, trước thời Nguyễn Hoàng vô Nam thì đoạn trên chưa có tên, đoạn dưới từ ngã ba Sình về đến cửa biển được gọi là sông Linh Giang. Ngay từ trước thời nhà Mạc, tức là trước năm 1527,  hai bên bờ sông này đã là nơi “xóm  hoa nội biếc, đất tốt dân đông, chợ nọ cầu kia, vật hoa người quý, đều bày la liệt ở hai bờ nam bắc, huyện nha phủ thự đều đối nhau hai bên tả hữu sông Linh Giang” . Tiếp theo, trong thời nhà Mạc (1527-1591) toàn con sông được gọi là sông Kim Trà bởi nó chảy qua địa phận huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong. Đến thời các chúa Nguyễn được gọi là sông Phú Xuân, vào thế kỷ thứ XIX tl., người ta gọi là sông Trường Tiền vì có một trường đúc tiền của nhà Nguyễn đặt gần bên kia sông. Nhưng cũng trong thời gian này, người ta còn gọi con sông ấy với nhiều tên. Các cố đạo người Tây phương gọi là sông Vua (Fleuve du Roi), sông Huế (Fleuve de Hué); vua Minh Mạng (1820-1840) đã cho khắc hình con sông này trên Nhân Đỉnh và gọi là Hương Giang [??] người Pháp thường dịch là”Fleuve des Parfums” . Cho đến hiện nay, người ta vẫn giữ tên ấy, nhưng ngươi Huế thường gọi là sông Hương. Chúng tôi nói có phần dài về sông Hương, bởi vì chính con sông này với dòng nước trong xanh như mắt mèo và luôn luôn thơm mát của nó, đã là nhân tố nếu không là chính thì cũng là quan trọng trong ngành địa lý thiên nhiên, đã góp phần tạo nên mẫu người xứ Huế. Nguồn nước sông Hương đã dần dà tạo cho con người xứ Thuận Hóa một dáng người mảnh mai uyển chuyển, một giọng nói mà từ lâu người ta đã gọi là “giọng Huế”, nhất là người phụ nữ thì giọng nói của họ vừa nhỏ nhẹ, vừa ríu rít như tiếng chim. Không phải các cố đạo Tây nghe như vậy, mà chính vua Lê Thánh Tông (1460-1496) cũng đã nghe ra như vậy. Vua đã có hai câu thơ: “Nữ hiệp phong tình khoa uyển miễn; Dân điều quyết thiệt ngữ chu li” [女劦封情科苑堍,民調訣舌語周哩] để nói đến hình dáng và ngôn ngữ người phụ nữ cõi Tiên Bình - Thuận Hóa. Nhất là câu sau: nghe dân nói như tiếng chim ríu rít... Nguồn nước con sông lạ lùng này đã tạo cho con người Thuận Hóa, mà nhất là tại Kinh đô Huế, một thứø ngôn ngữ đặc biệt gọi là “tiếng Huế” và “giọng Huế”. Tuy rất dở khi dùng để nói trên T.V. hay nói trong phim ảnh; nhưng lại rất hay, rất thuần nhã, lễ độ, nhỏ nhẹ và tình tứ nữa, khi trực tiếp nói chuyện với nhau. Để vào được con sông có nguồn nước đặc biệt này, thì từ triều Trần trở về trước, toàn cõi Hóa châu rộng lớn chỉ có một cửa biển duy nhất ở gần đèo Ngãi Lãnh, tức đèo Hải Vân hiện nay, đó là cửa biển Ô Long. Thuyết truyền rằng, khi vua Trần Anh Tông (1293-1313) đưa em gái mình là Huyền Trân Công Chúa sang làm dâu nước Chămpa, đã dừng chân nghỉ nơi đây, thấy cảnh vật non sông đẹp một cách kỳ tú, vua bèn đổi tên cửa biển ấy thành cửa Tư Dung để kỷ niệm vẻ kiều diễm nết na của em gái mình. Nhà Mạc (1527-1591) tránh húy Mạc Đăng Dung nên đổi ra là cửa Tư Khách (trong chữ Hán thì chữ Dung [容] và chữ Khách [客] viết tương tự gần như nhau); nhưng đến các chúa Nguyễn (1558-1777) lại vẫn gọi Tư Dung như cũ; triều Nguyễn (1802-1945) kỵ húy vua Thiệu Trị (1841-1847) nên đổi lại cửa Tư Hiền, tên này vẫn giữ cho đến nay. Cửa biển Tư Dung là một nơi thắng cảnh của cõi Hóa châu. Núi biển liền nhau; cửa biển sâu và rộng, kín gió. Bên phải, dãy Trường Sơn đại ngàn trùng trùng điệp điệp như rồng bò cọp chạy; bên trái, một nhánh của Trường Sơn tách ra, núi chạy tận biển. Có hai ngọn núi, tuy không cao lắm, nhưng lại nổi bật lên giữa vùng biển trời bao la bằng phẳng. Hai ngọn núi này có thể nói là nơi linh địa của Phật giáo Thuận Hóa trong buổi hừng đông của xứ này. Trong sách Ô châu cận lục viết vào đời Mạc Cảnh Lịch (1555), Tiến sĩ Dương Văn An (1513-..?.) đã có nói đến ngôi chùa Tư Khách; trong bài Tư Dung Vãn [資容晚] Đào Duy Từ (1572-1634)ø đã có nói đến ngôi chùa Bà Viên, chùa Thái La, và một ngôi chùa cổ gọi là Không Hải Tự [空海寺]. Chùa này đã có tam quan ở trước và có biển hiệu chùa khắc chữ rõ ràng:

“Tay tiên chống vững thạch bình
Tam quan trông thấy uy linh động người,
Xưa kia ba chữ tốt tươi,
Rằng Không Hải Tự, kết vời huyền đô.”
                                   (Tư Dung Vãn)

         Không những Đào Duy Từ đã chỉ nói đến chùa, mà còn nói đến cả cảnh sinh hoạt của chư Thiền tăng, cả tiếng chuông chùa, mùi hương trầm từ các chùa lan tỏa ra thơm ngát, làm cho cây lá, cảnh trí, trong vùng đó thêm đẹp... Ngọn núi sát biển Đông có hai mõm núi trông xa như con rùa đang bò ra biển, bởi đó từ xa xưa, dân Thuận Hóa đã gọi nó là Núi Rùa, chữ Hán ghi là Qui Sơn [龜山]. Trước năm 1306, trên núi này đã có Tháp của Chămpa. Đến thế kỷ thứ XVII chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai ông Trần Đình Ân dời Tháp đi chỗ khác, lấy đất để làm chùa Hòa Vinh, sau trở thành Qui Kính Thiền Viện. Ngọn núi thứ hai thấp hơn, nhưng lại đột khởi giữa vùng đầm phá, tạo nên phong cảnh rất mỹ lệ, xưa gọi là Mỹ Am Sơn [美菴山], trên núi cũng đã có chùa Phật. Đời chúa Nguyễn Phúc Tần cũng có trùng tu, đến đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chùa được trùng kiến; nhưng về sau chùa đổ nát, trở thành phế tích. Đến triều nhà Nguyễn, vua Minh Mạng (1820-1840) ngự du đến vùng thắng cảnh này, đã đặt tên cho núi là Thúy Hoa Sơn [翠花山], và trùng kiến ngôi chùa trên nền chùa cổ để lưu dấu cựu tích, vua đặt hiệu chùa là Thánh Duyên Quốc Tự, để mừng thọ mẫu hậu của nhà vua. Thúy hoa có nghĩa là hoa thắm. Đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), vì kỵ húy mẫu hậu của nhà vua là bà Hồ Thị Hoa, nên đổi thành Thúy Ba Sơn [翠波山], người bình dân thường đọc là Túy Ba , thúy ba có nghĩa là sóng biếc không phải là sóng say; nhưng trong năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chính nhà vua đã đổi tên núi thành Thúy Vân Sơn [翠雲山], một cái bia nhỏ có khắc ba chữ Thúy Vân Sơn [翠雲山] với dòng lạc khoản Thiệu Trị nguyên niên [紹治元年] rất rõ, đang còn trên một tảng đá rất lớn trên bãi cát tại dưới chân núi, bên phải đường lên chùa Thánh Duyên hiện nay. Thúy vân là mây biếc. Người dân xứ Huế thường đọc là núi Túy Vân; các nhà làm sách có người đã ghi theo cách đọc bình dân này và hiểu là mây say thì không đúng. Nói đến vẻ đẹp của núi sông, đầm phá, cách cấu tạo vùng thành trấn Phú Xuân ở xứ Thuận Hóa thì ngày xưa, vào năm 1774, trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn viết ở Triêu Dương Các bên bờ sông Phú Xuân, đã nói rõ.

          Mới đây, trong sách Chùa Thiên Mụ  của Hà Xuân Liêm, tác giả cũng đã nói nhiều về cái đẹp của núi sông, của thiên nhiên vùng Phú Xuân - Thuận Hóa, đã góp phần tạo nên những nét đặc biệt của con người xứ Huế như thế nào. Nhưng, con người do môi trường thiên nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu vùng Châu Hóa tạo nên, vẫn là mẫu người về thể chất, chưa đủ để nói lên cái đặc trưng Huế trong con người đó. Qua mấy trăm năm, Phật giáo Thiền tông nói chung và Phật giáo Huế nói riêng, với bản chất hướng nội thiên trọng về chiều sâu của tâm thức, đã huân tập cho con người nói trên một phần hình nhi thượng khá đặc biệt, đủ để cho họ trở thành mẫu người Huế trọn vẹn. Trước khi nói đến phần Phật giáo đóng góp vào việc tạo nên mẫu người Huế, tưởng chúng tôi cũng cần nói đến một ngành khác của khoa địa lý môi trường đã có ảnh hưởng mạnh đến việc hình thành mẫu người Huế. Đó chính là ngành xã hội nhân văn vớiø hai trung tâm văn hóa: cổ thành Thuận Hóa ở làng Thành Trung, và Đô thành Phú Xuân của các chúa Nguyễn, qua triều Tây Sơn; sau dó là Kinh đô Huế của triều nhà Nguyễn (1802-1945) ở làng Thụy Lôi và 7 làng khác thuộc tổng Phú Xuân xưa. Cả hai nơi này đều nằm bên bờ Bắc con sông mà nay ta gọi là sông Hương. Trung tâm Phật giáo của các vua chúa thời trước làø “Sùng Hóa Quốc Tự” tại làng Lại Ân ở phía bên kia sông, nhìn qua Thanh Hà, Bao Vinh là hai trung tâm thương mãi rất phồn thịnh vào các thế kỷ nói trên; đến các triều đại chúa Nguyễn, kể từ năm Tân Hợi (1601) cho đến triều nhà Nguyễn (1802- 1945) là ngôi “Thiên Mụ Quốc Tự”, tại ngọn đồi Hà Khê, phía nam xã Giang Đạm. Từ lúc tiếp nhận hai châu Ô Rí vào đầu thế kỷ thứ XIV. (1306) cho đến thế kỷ thứ XVII, khi các chúa Nguyễn dời Chính Dinh vào Phước Yên (1626), thì cổ thành Thuận Hóa ở làng Thành Trung là trung tâm văn hóa của toàn cõi Hóa châu. Cổ thành Thuận Hóa với một vùng ven rộng lớn từ ngã ba Sình về tới biển, và có thể kéo dài theo hệ đầm phá vào tới cửa Tư Dung, là vùng giao lưu và dung hợp giữa hai nền văn hóa Chămpa - Đại Việt. Đến thế kỷ thứ XV. lại thêm cả văn hóa Trung Hoa khi quân Minh chiếm đóng thành Hóa châu trong một thời gian. Những nơi có vua chúa đóng thủ phủ như cổ thành Hóa châu, hoặc các triều vua đóng Kinh đô như Phú Xuân đều là những nơi hội tụ tinh hoa của một nước. Cho nên dù gì đi nữa thì các trung tâm chính trị ấy cũng là những trung tâm văn hóa. Sự sinh hoạt xã hội, và chính con người ở các vùng đó, không sao tránh khỏi ảnh hưởng văn hóa cung đình. Thậm chí cả tôn giáo là Phật giáo cũng long thịnh ở các vùng văn hóa đó. Chùa Tư Khách, chùa Sùng Hóa, chùa Thiên Mụ vào thời các triều đại Trần, Hồ, Mạc đều có quan Tự chính coi sóc. Trong dân gian thì làng nào cũng có chùa. Tiếng chuông chùa làng, phong cảnh chùa làng, với yếu chỉ “cư trần lạc đạo” của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử bàng bạc trong dân gian; ngay cả trong hành cung ở cổ thành Hóa châu, đã góp phần tạo nếp sống tình cảm, nếp sống tâm thức của người dân Thuận Hóa xưa. Tiếp đến là Phật giáo Thiền Tào Động; đặc biệt là Thiền Lâm Tế của Thiền phái Tử Dung - Liễu Quán rất đặc trưng của Nam Hà với bao thảo am, chùa chiền ở vùng núi mạn Nam sông Phú Xuân của chư Tổ đã góp phần tạo tính chất thuần nhã, nhẹ nhàng, trầm lắng trong phong cách giao tế với hành vi cử chỉ đoan trang, nghiêm chính và lễ độ cho người dân xứ Huế,  nguyên nhân là do họ thường đi chùa, nghe Kinh, kính Phật trọng Tăng. Có tâm từ bi, thường khuyên nhau làm lành tránh dữ , thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên và nhìn màu xanh của cây lá, hoăc gặp người lạ, chào nhau trong niềm tương thân tương kính đạo tình. Lâu ngày huân tập cho con người Huế thêm ôn hòa thuần hậu trong nếp sống tình cảm, nếp sống đạo đức. Không phải đạo đức khô khan như Khổng giáo, mà thứ đạo đức nhuần thấm lòng từ bi bao la. Thương người, thương loài vật, thương đến cả cây cối. Không ăn măng vào mùa hạ, bó “má” đem đi cấy mà bó riết quá thì sợ “đau cây má” v/v... Những tập quán này trong dân Thuận Hóa là rất phổ biến trước đây.

    Như thế, con sông Hương với lưu lượng nước điều hòa, nguồn nước trong thơm mà có lẽ khắp cõi Việt Nam không có con sông thứ hai như thế, đã làm cho con người uống nguồn nước đó trở nên hiền dịu, uyển chuyển; tâm thức hướng nội thiên trọng tâm linh hơn. Ảnh hưởng môi trường thiên nhiên xứ Huế đã tạo nên mẫu người như thế. Khi Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, an thái với đặc trưng "tùy duyên bất biến" lan truyền đến; con người ở đó liền dung nhiếp một cách tự nhiên như hít thở khí trời, như hưởng bóng mát của đám mây, để chuyển hóa thành nếp sống, mà qua thời gian huân tập nhiều thế hệ đã làm phát sanh mẫu tâm thức người xứ Huế dù cho tự nguyên gốc, không có ai thật sự là người xứ Huế cả.

 Núi sông của xứ Huế, tâm thức của con người Huế đã tạo nên một đặc trưng rất lạ trong tín ngưỡng Phật giáo xứ Huế: Chư Thiền Tổ đi thuyền từ miền trong như Phú Yên, Bình Định ra để cắm tích trượng hành hóa; các bậc xuất gia lại từ miền ngoài, mà đặc biệt là Quảng Trị, vào tu học để đắc pháp và trở thành nhiều cao Tăng đạo cao đức trọng làm cho Phật giáo xứ Huế ngày càng hưng thịnh mãi lên. Và như thế chứng tỏ rằng con người xứ Huế dung nhiếp Phật giáo khá dễ dàng, vì Phật giáo quá ứng hợp với cảnh trí, với tâm thức con người sinh sống trong cảnh trí, trong môi trường sinh thái đầy vẻ đẹp mỹ lệ đó.

 Qua tiến trình thời gian và lịch sử , Huế vốn là nơi biên địa cực nam của các đời Lý Trần; đã trở thành Kinh đô của nhiều triều đại. Cảnh sơn triều thủy tụ thanh tú đã được con người Đại Việt dần dà khai phá, xây dựng và cho đến cuối thế kỷ thứ XVIII., nhất là khoảng đầu thế kỷ thứ XIX. Huế trở thành trung tâm của  một nước Việt Nam kéo dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu. Phật Giáo Xứ Huế vốn đã mang nhiều đặc thù, nay lại được cả một vương triều đang ở thế lực mạnh - Vương triều nhà Nguyễn - hộ trì, nhất là về mặt kiến trúc. Ngôi chùa là trọng tâm thờ tự và sinh hoạt của Phật giáo từ xa xưa; nay đã lần lần thay đổi theo lối kiến trúc cung đình Huế để trở nên một nét đặc thù khác trong Phật giáo xứ Huế.

 Chùa ở miền Bắc có cả ngàn năm lịch sử, thường xây theo kiểu chữ "Tam", kiểu chữ  "Công", hoặc kiểu "Nội công ngoại quốc", mái lợp ngói vảy cá hay mũi hài; nền lát bằng gạch Bát tràng, sườn gỗ chạm trỗ từ thành cửa, cánh cửa cho đến bàn thờ, kệ đá... Nhất nhất đều nói lên cả một nền văn hóa Đại Việt qua các triều đại đi trước.

 Chùa ở Huế, chỉ mới mấy trăm năm, nhưng cũng có nhiều nét đặc trưng của nó. Cách kiến trúc vẫn có kiểu chữ chữ "Tam", chữ "Công", để tiếp nối văn hóa Thăng Long; nhưng chùa Huế cũng đã có nét đặc thù riêng: kiểu nhà “trùng lương” hay còn gọi là nhà "trùng thiềm điệp ốc" là kiểu đặc Huế. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ "Nhất", mà đặc biệt là kiểu chữ "Khẩu", trình bày với các mô-típ Long, Lân, Qui, Phụng, lợp ngói âm dương có màu. Vườn chùa thường có cây lưu niên, cây ăn quả, tạo cảnh “thiên nhân tương dữ” rất hài hòa. Nói chung, thì đây chẳng phải nét riêng có tính cách sáng tạo của chùa Huế, mà đây chính là hệ luận của tinh thần Phật giáo Phương Đông; cho nên chẳng những chùa Huế kết hợp với môi trường sinh thái để tạo không khí yên lắng, không tạo vọng động trong tâm thức con người; mà chùa ở miền Bắc cũng thế thôi. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào chi tiết cây trồng, cách thiết trí vườn hoa, cây cảnh thì ta lại thấy chùa Huế vẫn có nét văn hóa riêng. Chúng tôi sẽ đề cập tới khi nói đến kiến trúc ngôi chùa của Phật giáo xứ Huế.

 Nói chung, phong thái hành hóa của chư Tổ, chư Thiền tăng, thái độ đến chùa trong các ngày lễ, sự kính Phật trọng Tăng; sự thiết trí bàn thờ Phật ở tư gia của người dân xứ Huế; kiến trúc xinh đẹp của ngôi chùa Huế trong lòng cảnh trí thiên nhiên, đã tạo nên nếp sống của con người Huế nhiều nét đặc thù rất có ý nghĩa. Ngoài ra, sự tương tác giữa Phật giáo xứ Huế và tâm thức con người Huế đã làm phát sinh nhiều nét văn hóa cao đẹp trong nếp sống thực tiễn: cụ thể nhất là đồ chay nấu theo lối Huế. Đứng về mặt đạo giáo hay mặt văn hóa dân tộc, chúng tôi thấy điều này vẫn có ý nghĩa rất cao quý. Văn hóa là gì ? - Có rất nhiều quan điểm để trả lời. Song chúng tôi thiết nghĩ, văn hóa chính là cuộc sống có ý nghĩa đẹp mà con người đang nỗ lực vươn lên, thể hiện qua trường kỳ lịch sử để tạo cho cuộc sống an thái hơn, đạo hạnh hơn. Cho nên, cách ăn mặc, cách kiến trúc nhà cửa, cách giao tế... nói chung là tất cả cái gì ta đang sống, có thể gọi đó là văn hóa. Bởi đó, chúng tôi thấy đồ chay nấu lối Huế chính là sự vận dụng đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày của người Huế để trở lại phục vụ nhân sinh với ý nghĩa đẹp hơn, vui hơn, mới lạ hơn, vừa giữ được cái “bất biến” của đạo Phật, vừa không đánh mất bản sắc văn hóa vốn có của một địa phương có nhiều đặc trưng trong đại khối dân tộc,và ta có thể kể như đây là nét đặc trưng trong văn hóa Phật giáo Huế vậy.

 * Phật Giáo Huế Trong Dòng Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam .

 Ngoài các đặc điểm đặc trưng vừa được giới thiệu sơ lược ở trên, thì Phật giáo Huế, tức là Thuận Hóa thời xưa đã có một tầm quan trọng đáng kể trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.

 Để hiểu được tầm quan trọng này ở chỗ nào, thiết nghĩ ta nên nhìn lại tổng quát vài nét về các tông phái Phật giáo Việt Nam từ buổi đầu.

 Chưa nói đến Phật giáo Luy Lâu trực tiếp nhận đạo Phật từ Ấn Độ qua và chính người Việt Nam đã có nhiều Thiền sư đắc đạo.

 Chỉ nói đến các phái Thiền du nhập ở đất Bắc, thì sớm nhất là Tổ Vinitaruci (594) đã lập nên Thiền phái Tỳ-ni - đa-lưu - chi Việt Nam. Vị Tổ này là Pháp lữ với đệ Tứ tổ Đạo Tín ở Trung Hoa. Hai Tổ đều là đệ tử đắc Pháp của đệ Tam tổ Tăng Xán. Phái Vinitaruci truyền được 19 thế hệ, có 28 Thiền sư đắc pháp, khởi đầu từ Ngài Pháp Hiền (626) đến Ngài Y Sơn (1216) phái này không thấy truyền vào phương Nam khi dân tộc Việt làm cuộc Nam tiến lâu dài liên tục. Mặc dầu, hiện nay ở Huế có vài chùa thờ tiếu tượng Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nhưng điều này không có nghĩa là dòng truyền thừa của Thiền phái này vẫn tồn tại đến ngày nay.

 Thiền phái thứ hai là Vô Ngôn Thông (826). Ngài là Pháp lữ với Ngài Quy Sơn (853) bên Trung Hoa. Hai Tổ đều là đệ tử đắc Pháp của Tổ Bách Trượng (814), phái Thiền này truyền được 15 thế hệ, có đến 40 vị đắc pháp; truyền mãi cho đến niên hiệu Khai Hựu nhà Trần (1337).

 Phái này cũng không thấy truyền vào phương Nam. Mặc dầu, vào các thế kỷ XIII, XIV. đời Lý, Trần thì người Đại Việt đã làm chủ cõi đất Thuận Hóa.

 Thiền phái thứ ba do chính một thiền sư Trung Quốc đã đến đất Châu Ô, Châu Rí cắm tích trượng để hoằng hóa giáo pháp, nhưng cơ duyên lại đẩy vị Thiền sư này ra Thăng Long để khai phái, đó là Thiền sư Thảo Đường, phái này truyền thừa được 5 thế hệ, có 19 Thiền sư đắc pháp. Thời gian kéo dài từ 1069 đến 1205. Mặc dù, từ Châu Ô, Châu Rí ra; nhưng về sau dòng Thiền này cũng không truyền vào phương Nam.


 Thiền phái thứ tư do người Việt sáng lập, đó là dòng Thiền Trúc Lâm ở núi Yên Tử. Phái này long thịnh vào thời dân Đại Việt đã làm chủ cõi đất Thuận Hóa, tuy có đến cửa Tư Dung và vùng Bắc Thuận Hóa nhưng mà không truyền bá rộng rãi ở vùng đất mới nầy .

 Như vậy, từ buổi đầu, cõi Tiên Bình, Thuận Hóa có Phật giáo, có chùa chiền, có Phật giáo dân gian, có chùa làng, nhưng chưa thấy chùa Tổ có truyền thừa theo một dòng kệ nào.

 Kịp đến thời kỳ Nam-Bắc phân tranh, con đường về Nam bị chặn bởi cuộc nội chiến qua phân. Song tại Nam Hà thì công cuộc Nam tiến vẫn liên tục diễn tiến.

 Như thế, nếu không có một Phật giáo Nam Hà, có lẽ nếp sống tư  duy, tình cảm tôn giáo sẽ là chỗ trống lớn trong tâm hồn người Việt.

 Từ chỗ này, ta thấy nổi bật lên tầm quan trọng của Phật giáo Huế; nơi tụ điểm và sinh phát cả một dòng Thiền rất mạnh: Thiền Tử Dung - Liễu Quán, để một mặt tiếp nối sự hoằng hóa giáo Pháp của đức Phật, một mặt làm cho đạo mạch Phật giáo Việt Nam lưu trường và tiến về phương Nam theo bước chân Nam tiến của dân tộc.

 Sau này khi nước nhà thống nhất, thì ta thấy rõ ràng đây là Thiền phái thứ sáu của Phật giáo Việt Nam. Một Thiền phái thứ năm, cũng phát sinh từ Huế, là phái Nguyên Thiều, phái này truyền về phương Nam khá mạnh.

 Ở trên chúng tôi nói Thiền phái Tử Dung - Liễu Quán Huế một mặt tiếp nối sự hoằng hóa giáo Phápcủa đức Phật là vì: Thiền tông ngang đến thế thứ đệ tứ thì có Ngài Đạo Tín ở lại Trung Hoa, còn Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang Việt Nam để khai phái; ở Trung Quốc Ngài Đạo Tín truyền cho đệ ngũ Tổ là Hoằng Nhẫn; đệ ngũ Tổ truyền cho đệ lục Tổ Huệ Năng. Đến đệ lục Tổ Huệ Năng truyền xuống lại có hai Ngài Nam Nhạc và Thanh Nguyên. Ngài Nam Nhạc phát sanh ra hai lưu phái: Lâm Tế và Quy Ngưỡng. Ngài Thanh Nguyên Hành Tư truyền xuống lại phát sanh ra ba phái: Tào Động, Vân Môn và PhápNhãn. Sử Phật giáo Đông phương gọi là "Thiền môn ngũ gia".


Nói về dòng Thiền của Ngài Nam Nhạc; đệ tử xuất sắc của Ngài là Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), truyền bá Thiền ở vùng Giang Tây. Đệ tử của Ngài Mã Tổ là Ngài Hoài Hải (720- 814) ở núi Bách Trượng nên thường gọi là "Bách Trượng Thiền sư". Câu nói nỗi danh của Ngài là "Nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực" (一日不作一日不食 - một ngày không làm một ngày không ăn). Ngài có hai đệ tử xuất sắc là Vô Ngôn Thông và Qui Sơn. Tổ Qui Sơn ở lại Trung Hoa hoằng Phápvà lập ra phái Quy Ngưỡng. Tổ Vô Ngôn Thông sang Đại Việt hoằng hóa và lập ra phái Thiền Vô Ngôn Thông. Ngài lại có một đệ tử thứ ba là Tổ Hoàng Bá. Tổ Hoàng Bá truyền xuống cho đệ tử là Nghĩa Huyền (  ? -867) ở chùa Lâm Tế, tỉnh Hà Bắc. Sau đó, chính Ngài Nghĩa Huyền đã lập nên "Lâm Tế Tôn".

 Nói về dòng Thiền của Ngài Thanh Nguyên truyền xuống cho đệ tử là Thạch Đầu Hy Thiên (700-790); Ngài Thạch Đầu truyền cho đệ tử là Duy Nghiễm (745-828) ở Dược Sơn, tỉnh Hồ Nam. Duy Nghiễm truyền cho Đàm Thành (783-814); Ngài Đàm Thành truyền cho đệ tử là Lương Giới (807-869) ở núi Động Sơn; Ngài Lương Giới truyền cho đệ tử xuất sắc là Ngài Bản Tịnh (840-901) ở núi Tào Sơn; chính Ngài này gộp cả tên núi của mình ở và tên núi của thầy mình ở để khai phái "Tào Động Tôn".
 
 Hội nghị Thống nhất Phật giáo tại chùa Từ Đàm – năm 1951
  
 Không nói đến các tông phái khác, chỉ có hai tông Lâm Tế và Tào Động là có truyền sang cả Bắc Hà và Nam Hà. Nhưng, ở Nam Hà, tông Lâm Tế long thịnh hơn tông Tào Động. Trước khi sang Việt Nam, chư Tổ đã truyền thừa kế tục và hoằng hóa rộng rãi tông phái ở Trung Hoa. Như tông Lâm Tế, truyền cho đến Tổ Nguyên Thiều và chư Tổ có chữ "Minh" đứng trước là đã đến đời 33, 34 kể từ Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma.

 Như vậy, khi Tổ Liễu Quán được Tổ Minh Hoằng Tử Dung ấn khả và kế tục Pháp phái làm Tổ thứ 35 để truyền dòng Thiền Lâm Tế, thì rõ ràng trước sau Phật giáo Huế đã có một vị trí quan trọng trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam  là vậy.

 Về mặt sinh hoạt rõ nhất là vào đầu thế kỷ thứ XX này. Lúc Phật giáo Việt Nam có phần chửng lại vì đã dồn sức cùng với toàn dân chống giặc Pháp xâm lược, kể từ ngày có phong trào Văn Thân mà lui, cũng là lúc giới Tăng già và Cư sĩ dốc lòng cho phong trào chấn hưng Phật giáo khởi sự. Phật giáo Huế vì vậy đã là xuất phát điểm làm thức tỉnh Phật giáo cả hai miền Nam-Bắc. Đó là Đại lễ Phật Đản được Tổ chức vào ngày 10-5-1935 có cả Chư Sơn Môn và Hội Phật Học cùng tham dự với hàng vạn quần chúng Huế. Buổi lễ rước Phật từ chùa Báo Quốc qua các đại lộ cả hai miền thành phố Tây, Nam (hồi đó ta còn bị Phápđô hộ) rồi về chùa Diệu Đế, tối lại có thả đèn trên sông Hương để cúng dường Phật đản. Buổi lễ được các báo ở Huế như Viên Âm (cơ quan hoằng Phápcủa An Nam Hội Phật Học ), Tràng An (cơ quan ngôn luận của phái Bảo Hoàng), Tiếng Dân (của cụ Huỳnh Thúc Kháng) tường thuật kỹ. Các báo chí trong nước cả tiếng Pháplẫn tiếng Việt đều tường thuật trong nhiều số. Buổi lễ Phật Đản ở Huế như một tiếng chuông cảnh tỉnh, làm cho mọi người tin tưởng vào công cuộc chấn hưng Phật giáo là cần phải có và đã  đến lúc thực hiện.

 

Hội Nghị Phật Giáo Thống Nhất tại chùa Từ Đàm - năm 1951 

 Một sự kiện khác lớn lao hơn đã xảy ra vào ngày 5 -6- 1951. Đó là Đại hội để thống nhất Phật giáo cả ba miền Bắc - Trung
- Nam, họp tại chùa Từ Đàm Huế gồm 51 đại biểu của sáu tập đoàn để thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
 Vì sao hai sự kiện về sinh hoạt Phật giáo, mà một thì tự thân Phật giáo Huế đã thắp lên ngọn Pháp đăng để cả hai miền Nam
- Bắc đều thấy và làm theo; còn một thì cả ba miền lại về Huế để chung sức mà làm? Giải đáp câu hỏi này là phần sẽ nói rõ trong các chương sau. Ở đây chúng tôi chỉ nêu mấy điểm để thấy được tầm quan trọng của Phật giáo Huế trong Phật giáo Việt Nam.

 Ngoài ra, nếu nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam từ đầu, thì Phật giáo Huế còn có một điểm đặc biệt làm cho Phật giáo Việt Nam thêm sắc thái phong phú. Đó là việc truyền thừa Pháp phái của chư Tổ theo các dòng kệ. Tổ Liễu Quán đắc đạo đã biệt xuất một dòng kệ truyền khắp cả Nam Hà. Tổ Nguyên Thiều cũng theo một dòng kệ riêng. Sự kiện này giúp cho nhà viết sử Phật giáo biết được rõ ràng hơn lịch sử từng ngôi chùa ở Huế và kệ phó Pháp Tổ Tổ trao truyền để biết được phái Thiền Lâm Tế phát triển ra sao, thật vô cùng đặc sắc vậy. Thứ đến, Phật giáo Huế là cái nôi của sự giữ gìn truyền thống thống nhất Phật giáo trong cả nước (1951), và là nguồn phát sinh cuộc vận động bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc năm 1963.

Thích Hải Ấn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch