Trường đại học Na Lan Đà cách Vương Xá, nay là Rajgir, khoảng
15 km, và cách thủ phủ Patna, hướng Đông Nam, khoảng 95 km, là một thị
trấn thịnh vượng, cư dân đông đúc thuở xưa. Vì là trường đại học Phật
giáo nên tên nguyên thuỷ của nó là Mahavihara Nālandā, nghĩa là Đại Tinh
Xá Na Lan Đà, gọi tắc là Nālandā. Na Lan Đà được thành lập khoảng thế
kỷ thứ II và phát triển mạnh khoảng từ thế kỷ thứ IV Tây lịch...
I. Trường đại học Na Lan Đà (Nālandā)
1. Khái quát về Na Lan Đà
Na Lan Đà (Nālandā) là một di tích quan
trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo tại Ấn Độ nói riêng và trên
toàn thế giới nói chung, vì đây là trường Đại Học Phật giáo đầu tiên
trên thế giới, nơi có một quy cách giáo dục gương mẫu, có tầm vóc rất
lớn, tiếng tăm lừng lẫy, lưu danh cho đến ngày nay. Mặc dù trường đại
học Na Lan Đà không phải là khu thánh địa tâm linh quan trọng như những
thánh tích liên quan đến cuộc đời đức Phật, nhưng nơi đây cũng là khu
đất thiêng đã sản sinh ra các bậc thánh tăng tiêu biểu từ thời đức Phật
như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và các bậc cao tăng làu thông tam tạng
truyền bá Phật giáo sau này như ngài Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Trần
Na, Giới Hiền.... và đặc biệt nhất là danh nhân Phật giáo mà ai cũng
từng biết đến với lòng kính trọng và khâm phục một cách chân thành đó là
đại học giả thông bát kinh luật tam tạng pháp sư Trần Huyền Trang, một
bậc cao tăng Trung Quốc thời thịnh Đường. Với tầm vóc lớn lao và trung
tâm giáo dục không chỉ dành cho Phật giáo mà còn là nơi đào tạo cả thế
học như văn học, nghệ thuật, y dược, ngôn ngữ, tôn giáo, triết học ....
trong một quy cũ vô cùng nghiêm túc và đáng tin cây nhất thời bấy giờ.
Na Lan Đà xứng đáng là nơi ngưỡng mộ của hầu hết các học giả Đông Tây.
Trong quyển Đường Về Xứ Phật, hòa thượng Minh Châu có sánh ví Na Lan Đà
bằng một lòng tôn trọng: Nếu Bồ Đề Ðạo tràng là nơi đức Phật viên thành
Chánh pháp thì Na Lan Đà là đất thiêng đã truyền chiếu ánh sáng ấy đến
với vô số người, ở khắp nơi trên thế giới.
Nếu Lộc Uyển là thánh địa, bởi ở đó đức
Phật đã Chuyển pháp luân lần đầu tiên thì Na Lan Đà là đất thiêng đã
hoằng truyền chánh pháp, trong một thời gian dài hơn ngàn năm.
Nếu Câu Thi Na là Thánh địa, bởi ở đó
đức Phật đã nhập Niết Bàn thì Na Lan Đà là đất thiêng đã chứng kiến sự
viên tịch của Tôn giả Xá Lợi Phất ...
Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu một vài
sự kiện trọng đại liên quan đến Na Lan Đà, nơi được xem như là một trong
những khu thánh tích quan trọng của Phật Giáo.
2. Trường đại học Na Lan Đà xưa và nay.
Hôm
nay vì trời mưa nên đoàn chúng tôi không được thoải mái lắm trong lúc
làm việc. Hình ảnh không được rõ so với trời nắng và màu sắc các bức
tường gạch cũng biến đổi ít nhiều so với màu nguyên thuỷ. Tuy vậy lượng
khách tham quan trong nước cũng như ngoài nước đến viếng rất đông. Lối
vào khu Na Lan Đà (Nālandā) rất đẹp, dù trời có nắng thì khách tham quan
vẫn cảm thấy mát mẽ bởi những hàng cây thẳng tắp, tàng dang rộng che
phủ cả lối đi. Trước khi vào bên trong khu thánh tích giữa bùng binh lối
đi, có tấm bản bằng bê tông nằm ngang tương đối thấp, mặt trước ghi là:
công trình khảo sát khảo cổ học Ấn Độ (Archaeological servey of India),
mặt sau từ bên trong nhìn ra ghi là: hãy cùng nhau bảo vệ di sản văn
hoá (Come forward to preserve heritage). Hoa kiểng xung quanh cũng được
bàn tay con người chăm sóc khá chu đáo.
Trường đại học Na Lan Đà cách Vương Xá,
nay là Rajgir, khoảng 15 km, và cách thủ phủ Patna, hướng Đông Nam,
khoảng 95 km, là một thị trấn thịnh vượng, cư dân đông đúc thuở xưa. Vì
là trường đại học Phật giáo nên tên nguyên thuỷ của nó là Mahavihara
Nālandā, nghĩa là Đại Tinh Xá Na Lan Đà, gọi tắc là Nālandā. Na Lan Đà
được thành lập khoảng thế kỷ thứ II và phát triển mạnh khoảng từ thế kỷ
thứ IV Tây lịch. Với quy mô đầu tiên cũng giống như các trường đại học
khác nhưng dần dần được phát triển trở thành tầm vóc quốc tế, và quy củ
rất đặc trưng mà khoảng thế kỷ thứ VII Ngài Huyền Trang đến tham học đã
tán thán rằng: “Số Tăng sĩ đông đến vài ngàn đều là những bậc tài năng
xuất chúng. Những bậc này phần nhiều là những vị kỳ tài, danh tiếng vang
đến cả nước ngoài. Ðức hạnh của những vị này hoàn toàn thanh tịnh,
không thể chê trách gì. Họ theo giới luật một cách chơn thành. Qui luật
của tu viện rất nghiêm khắc và tất cả Tăng sĩ đều phải tuân theo. Cả
nước Ấn Ðộ đều kính phục và tuân theo những lời chỉ dạy của những vị
này”. Chư vị Viện trưởng tiền bối ngôi trường này là những bậc cao tăng
lỗi lạc, tài đức vẹn toàn, là những bậc tên tuổi được biết đến ngày nay
như: Long Thọ (Nagarjuna), vị Viện trưởng đầu tiên giải thích giáo lý
Ðại thừa; Thánh Thiên Đề Bà (Arya Deva), Ngài Vô Trước (Asanga), Thế
Thân (Vasubandhu).... là những vị Viện trưởng kế tiếp lãnh đạo Na Lan
Đà. Rồi đến ngài Trần Na (Dinnaga), ngài Pháp Hộ (Dharmapala) và ngài
Giới Hiền (Silabhadra), là vị Viện trưởng 120 tuổi, một vị đại học giả
cũng là một bậc thạc đức vào thời ngài Huyền Trang đang du học tại
trường đại học này.
Theo các nguồn tài liệu, đương thời Na
Lan Đà có khoảng 3000 giáo sư, trên dưới 10.000 sinh viên lưu trú tu học
thường xuyên. Mặc dù số lượng đông như thế nhưng không phải ai cũng có
thể được vào học tự nhiên mà phải trải qua chế độ tuyển sinh nơi đây cực
kỳ khó khăn, phải được khảo hạch kinh luật một cách gắt gao, sinh viên
ngoại quốc phải được gạn hỏi qua nhiều cuộc trắc nghiệm, biện luận trôi
chảy và đặc biệt là phải chứng tỏ được biệt tài của mình, vì vậy số
lượng trúng tuyển chỉ đạt một cách hạn chế khoảng 2/10. Do đó, Na Lan Đà
trở thành niềm mơ ước của hầu hết các sinh viên trong cũng như ngoài
nước. Vì đào tạo theo đường lối Phật giáo, nên những sinh viên trúng
tuyển được học miễn phí mà không cần phải trả bất cứ một loại chi phí
nào, nhờ có sự bảo hộ chính của các đời vua chúa sùng tín Phật giáo và
sự phát tâm cúng dường của dân chúng trên 200 làng gần xa.
Ngoài những danh tăng bản địa xuất thân
từ trường này, còn có nhiều danh tăng ngoại quốc, tài ba xuất chúng phải
được nhắc đến như: Ngài Huyền Trang, Nghĩa Tịnh, Thi Hộ, Pháp Thiên
...Và các bản kinh, luật, luận Trung Quốc mà chúng ta ảnh hưởng hiện
nay, phần lớn là bản dịch do các vị cao tăng xuất thân từ trường này
mang về.
Kể từ sau những cuộc xâm lăng và tiêu
diệt dị giáo của quân Hồi do tướng Mohammad Bin Bakhtiyar Khalji chỉ
huy, trường đại học Na Lan Đà cùng chung một số phận. Số giáo sư và sinh
viên tăng sĩ bị sát hại khoảng 10.000 người. Một số nhà sư sống sót còn
lại phải chạy sang Nepal và Tây Tạng để lánh nạn. Thư viện Na Lan Đà là
kho chứa kinh thư tập hợp trên 9 triệu bản kinh văn của các nền văn
minh, triết học, văn hoá, tôn giáo cổ kim trên thế giới và cả các bản sớ
giải của Phật giáo ....được xem như là Đại dương báu vật, đã bị bọn vô
lại hiếu sát Hồi giáo thiêu trụi. Như vậy, nhân loại chúng ta vĩnh viễn
mất đi cơ hội quý hiếm để đọc những tác phẩm vô giá được lưu giữ tại thư
viện của trường đại học này. Sự điêu tàn và đổ máu của trường đại học
cũng có phần trùng hợp với điềm báo trước như lời huyền ký được ghi
trong Đại Đường Tây Vực Ký của Ngài Huyền Trang như sau: “Từ thành Vương
Xá đi về phía Bắc độ 30 lý là Tăng già lam Na Lan Đà. Theo truyền
thuyết thì về phía Nam của tu viện này là một cái hồ nước. Nơi đó có một
con rồng tên Na Lan Đà. Người ta đã xây một ngôi chùa bên bờ hồ và lấy
tên con rồng đặt cho tên cho tự viện. Chỗ này ngày xưa là vườn xoài do
500 vị thương gia đã mua đến mười triệu tiền vàng để cúng dường cho một
vị Bồ Tát. Sau khi Bồ Tát nhập diệt, một vị vua thời xa xưa của nơi này
tên là Sakraditya đã cho xây dựng một ngôi già lam. Tuy nhiên trong khi
khởi công Ông đã vô tình làm bị thương một con rắn chúa. Lúc đó một nhà
tiên tri Ni Kiền Tử đã tiên đoán rằng khoảng 1.000 năm sau, nơi này sẽ
là một địa điểm phát triển cùng cực. Những hàng Tăng sinh tại đây sẽ
thành đạt vẻ vang, tuy nhiên, vì lời thề của con rắn chúa mà máu của
nhiều người sẽ đổ ra tại đây”. Như vậy sự suy tàn của Na lan Đà đã được
dự đoán trước của các nhà tiên tri, hay đó là một quy luật mà đức Phật
dạy, mọi vật ở đời không có cái gì bền chắc mãi mãi, hết thạnh rồi suy,
sanh trụ dị diệt, không có một bàn tay thần thánh nào có thể chống lại
được với quy luật ấy.
Mặc dù đã bị sự huỷ phá của đoàn quân
Hồi giáo, và hằng bao thế kỷ bị vùi lấp trong sự lãng quên nhưng những
bức tường gạch đổ nát ở Na Lan Đà vẫn còn toát lên được vẻ hùng tráng
nguy nga của thời vàng son Phật giáo, vẫn thể hiện được tính bất hủ của
chân lý không bị phai mờ theo năm tháng thời gian, dù hiện tại chỉ còn
vang trong ký ức và sự nuối tiếc của hàng trí giả và những người có
thiện chí đối với Phật giáo nói riêng và văn hoá nhân loại nói chung.