Luận tạng Nam truyền
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
A-la-hán Ưu-ba-đế-sa (Upatissa) sáng tác Lương Phù Nam, Tam Tạng Pháp Sư Tăng-già-ba-la (Sanghapàla) Hán dịch Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt Montréal, Canada, tháng 9-2003
26/07/2554 23:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
Mục lục
Xem toàn bộ

Quyển Chín

Phẩm 9: Năm Thần thông.

Vào thời đó, người toạ thiền đã nhập vào định được dễ dàng tự tại, an trú nơi Tứ thiền, mới có thể khởi lên năm loại Thần thông. Năm thần thông là: thân thông (thân biến hoá), thiên nhĩ thông (tai trời), tha tâm trí thông (đọc tư tưởng kẻ khác), túc mạng thông (biết kiếp trước), thiên nhãn thông (mắt trời).

Thân thông có nghiã là thân thể biến hoá được. Thiên nhĩ thông là vượt hơn tai của người thường. Tha tâm trí thông đọc hiểu được tư tưởng bên trong của kẻ khác. Túc mạng thông là nhớ rõ lại các đời kiếp trước. Thiên nhãn thông là vượt hơn được mắt của người thường.

Hỏi: Có mấy loại biến hoá? Ai tu biến hoá được? Thế nào là muốn khởi lên sự biến hoá?

Đáp: ba loại biến hoá: thọ trì biến hoá, tác biến hoá và tùy ý biến hoá.

Thọ trì biến hoá là gì? Thọ trì biến hoá là người toạ thiền biến thành nhiều người, hoặc từ nhiều người biến trở lại thành một người, cho chí đến cõi Trời Phạm. Tác biến hoá là gì? Tác biến hoá là người toạ thiền xả bỏ thân mình biến thành đứa trẻ nhỏ, hoặc hiện hình rồng, hoặc hiện hình của Vua Trời Phạm. Tùy ý biến hoá là người toạ thiền theo thân của mình biến thêm các hoá thân khác có đầy đủ các phần thân thể và các giác quan.

Lại nữa, có bảy loại biến hoá: trí biến, định biến, Thánh biến, nghiệp biến, công đức biến, minh thuật biến và phương tiện biến.

Trí biến là gì? Dùng tư tưởng vô thường mà đoạn bỏ tư tưởng về thường, theo đạo A-la-hán mà đoạn dứt hết các phiền não, đó gọi là biến trí biện. Như trường hợp các Trưởng lão Bạc-câu-la (Bakkula), Tăng-cát-lật-giả (Sankicca), Bộ-hống-đa-bà-la (Bhutapàla).

Biến định biện là gì? Nhập định vào Sơ thiền mà đoạn bỏ các triền cái là biến định biện, nhập định vào Phi tưởng phi phi tưởng để đoạn bỏ Vô sở hữu là biến định biện, như trường hợp các Trưởng lão Xá-lợi-phất (Sariputta), Tiền-thời-bà (Khanu Kondanna), Uất-đa-la Ưu-bà-di (Uttara), Sa-ma-bà-đê Ưu-bà-di (Samavati).

Thánh biện là gì? Nếu Tỳ-kheo thích tưởng chẳng tởm, mà đang ở nơi đáng tởm, thì an trú được vào tưởng chẳng tởm. Nếu Tỳ-kheo thích tưởng kinh tởm, mà đương ở nơi chẳng tởm, thì an trú được vào tưởng kinh tởm. Nếu Tỳ-kheo thích tưởng chẳng tởm và tưởng chẳng phải chẳng tởm, mà đang ở nơi chẳng phải chẳng tởm, thì an trú được vào tưởng chẳng tởm. Nếu Tỳ-kheo thích lià cả hai tưởng tởm và tưởng chẳng tởm, nên trú vào tưởng xả, người ấy hiện biết niệm đang trú có xả.

Hỏi: Thế nào là ở nơi đáng tởm mà trú vào tưởng chẳng tởm?

Đáp: Nơi các chỗ chẳng đáng yêu đó, nên khởi lên tâm từ, hoặc xem các chỗ ấy như là những giới (= các đại, các nguyên tố).

Hỏi: Thế nào là ở nơi chẳng tởm mà trú vào tưởng tởm?

Đáp: Nơi chỗ đáng yêu thích ấy, dùng tưởng bất tịnh khởi lên cho tràn đầy, hoặc khởi lên tưởng vô thường.

Hỏi: Thế nào là ở nơi tởm và nơi chẳng tởm mà trú vào tưởng chẳng tởm?

Đáp: Nơi các chỗ đáng yêu và chẳng đáng yêu đó, khởi lên tâm từ cho tràn khắp, hoặc xem các chỗ ấy như là những giới.

Hỏi: Thế nào là ở nơi chẳng tởm và nơi đáng tởm mà trú vào tưởng tởm?

Đáp: Nơi các chỗ đáng yêu thích và các chỗ chẳng đáng yêu thích, hoặc khiến tưởng bất tịnh khởi lên tràn đầy, hoặc giữ lấy tưởng vô thường.

Hỏi: Thế nào là lià cả hai nơi tởm và chẳng tởm mà trú vào tưởng xả được niệm hiện biết?

Đáp: Người Tỳ-kheo đó dùng mắt thấy sắc mà chẳng hoan hỉ, chẳng lo lắng, thành được niệm xả, hiện biết; đối với tất cả các giác quan khác, cũng lại như vậy.

Như thế gọi là Thánh biện.

Hỏi: Thế nào là Biến tùy theo nghiệp báo sanh?

Đáp: Tất cả chư Thiên, tất cả loài chim, một số người, sanh vào đường dữ ác, biến hiện bay trong Hư-không, đó gọi là biến hoá tùy theo nghiệp báo sanh.

Hỏi: Thế nào là người có công đức biến hoá?

Đáp: Bực Chuyển Luân vương, Trưởng lão Thọ-đề (Jotika), các Trưởng giả Đô-đề (Jatila), Cồ-sư-la là những trường hợp của các bực có công đức lớn biến hoá.

Đó gọi là người có công đức biến hoá.

Hỏi: Thế nào là minh thuật biến?

Đáp: Người có minh thuật (= có phù phép) đọc tụng bùa chú minh thuật, có khả năng bay trong Hư-không, hoặc hiện thành voi, ngựa, xe cộ, quân lính, binh chủng.

Đó gọi là minh thuật biến hoá.

Hỏi: Thế nào là phương tiện biến?

Đáp: Do hạnh xuất ly mà đoạn lìa được sự tham muốn, do đường lối tu hành của bực A-la-hán mà đoạn trừ hết tất các phiền não, cũng như người thợ làm đồ gốm hoàn thành công việc của mình; đó là nhờ phương tiện chơn chánh mà khiến tất cả biến được thành ra hoàn mãn.

Đó gọi là phương tiện biến.

Hỏi: Ai là người tu biến biện được?

Đáp: (...) Tất cả những ai được tự tại, dễ dàng nơi Tứ thiền đều có thể tu hành biến biện. Lại có thuyết cho rằng, khi đã được thắng pháp nơi Tứ thiền thuộc cõi sắc giới, có thể tu biến biện. Lại còn có thuyết khác cho rằng, trong bốn cấp thiền được tự tại ở hai cấp thì đủ để tu biến biện được.

Hỏi: Thế nào là khởi tu biến?

Đáp: Người Tỳ-kheo đó tu dục định cho có được thắng hành (= hành động tốt) tương ưng với như ý túc. Tu tinh tấn định, tâm định và huệ định, cũng lại tu như thế. Dục, đây, có nghiã là ý muốn khởi sự biến hoá. Định, đây, có nghiã là tâm chẳng loạn. Người ấy muốn được biến hoá và biến được, nên tu hành định, thì phải thọ trì bốn loại tinh tấn: (1) các ác pháp chẳng lành chưa sanh, khiến chẳng sanh ra, (2) nếu ác pháp đã sanh, liền đoạn dứt; (3) các thiện pháp chưa sanh nên khiến sanh ra, (4) nếu thiện pháp đã sanh thì làm tăng trưởng thêm. Giữ đừng cho mất, khiến cho lại khởi nữa, khiến cho đầy tràn, đó gọi là thắng hành, là các hành động tốt, tối thắng. (...)

Như ý túc là hành đạo được như ý; chỉ sự việc (hành đạo) nầy mới gọi là như ý túc. Lại nữa, khi tu dục định và thành tựu được các thắng hành, đó cũng gọi là như ý túc. Làm cho đắc được như ý túc, thì lấy theo nghiã trước. Tu có nghiã là, tu theo pháp nầy, tu nhiều lần, đó là tu dục định và các thắng hành được thành tựu như ý túc.(như ý = vừa ý;túc = đủ).

Như thế, người toạ thiền hiện tu theo phương tiện nầy, hoặc có lúc thoái, hoặc có lúc trụ lại, người ấy dùng sự tinh tấn khiến khởi lên tinh tấn định và các thắng hành thành tựu như ý túc. Nếu tâm có thoái chuyển, liền bắt tâm định lại; nếu tâm lo sợ, liền khởi lên tướng xả, nhờ đó mà thành tâm định và được các thắng hành thành tựu như ý túc. Nếu người ấy chẳng có phiền não, thì tâm hoan hỉ phân biệt được sự ích lợi với sự chẳng có ích lợi. Khi tu hành mọi pháp, biết được nay là lúc nên tu pháp nầy, hay là lúc nên chẳng tu nữa, người ấy phân biệt rõ ràng định và các thắng hành thành tựu như ý túc.

Người toạ thiền do khiến tâm được tự tại, mà khởi tu bốn như ý túc:

- thân tùy theo tâm, tâm tùy theo thân;
- an thân nơi tâm, an tâm nơi thân;
- do thân mà tâm biến, do tâm mà thân biến;
- do thân mà tâm thọ trì, do tâm mà thân thọ trì.

Bấy giờ, hoặc tưởng vui (lạc tưởng), hoặc tưởng nhẹ (khinh tưởng) sanh khởi lên bám dính vào thân và trú lại đó. Như thế, người ấy hiện tu thành thân mình trở nên hết sức nhẹ nhàng, hết sức nhu nhuyễn, mềm dịu, hết sức kham thọ trì, giống như hòn sắt tròn được lửa nung đốt, tùy ý đập rèn thành hình các vật. Như thế, do tu tâm, thành thân nhẹ nhàng, và do thân nhẹ mà nhập vào Tứ thiền một cách an tường, niệm khởi lên phân biệt được Hư-không, rồi dùng trí mà thọ trì. Như thế, do trí thọ trì khiến thân nhẹ cất khởi lên được trong Hư-không, tựa như miếng bông gòn được gió thổi.

Tuy nhiên, người toạ thiền chẳng nên vội gấp đi xa. Tại sao vậy? Bởi vì trong khi tập luyện có thể sanh ra lo sợ, và nếu có lo sợ thì thiền thành thoái sụt. Cho nên, người toạ thiền chẳng nên gấp, mà phải theo thứ lớp để tu tiến lên, ban đầu cao chừng một thước, lần lần cao thêm lên tới một tầm. Do phương tiện tiệm tiến nầy mà từ từ lên cao đến mức mà mình mong muốn.

Hỏi: Nếu khi đang trên Hư-không mà thiền lại thoái sụt, thì người toạ thiền có bị té xuống đất không?

Đáp: Không, đó là vì từ chỗ đã ngồi thiền khi trước, nếu đi xa mà bị thoái, thì hoàn trở lại chỗ cũ; người toạ thiền thấy tự thân mình như lúc mới ngồi vậy. Đây là chỉ pháp (= phép ngưng lại) của người đã đắc thần thông.

Người toạ thiền cứ như thế mà theo thứ tự tu tập quán, cho đến khi sự thọ trì được tự tại. Người ấy có thể từ một biến thành nhiều, từ nhiều biến thành một, hoặc hiện xuyên qua tường, qua vách, qua núi, thân đi chẳng bị ngăn ngại, bay trên Hư-không như bước trên đất bằng, hoặc chui xuống rồi trồi lên mặt đất như ở trong nước, hoặc đi trên mặt nước như bước trên đất liền, hoặc bay liệng như chim trên Hư-không, hoặc thò tay sờ mặt trời, mặt trăng. Như thế là đại thần thông, là thân đại lực, cho đến khởi cao lên tới cõi Trời Phạm.

Từ một biến thành nhiều là, từ một thành nhiều, hoặc một trăm, hoặc một ngàn, hoặc một vạn, do sự biến hiện mà nhập vào Tứ thiền, xuất ra an tường theo thứ lớp, dùng trí mà thọ trì như vầy: "Ta muốn thành nhiều, như trường hợp của Trưởng lão Tiểu-lộ Bàn-đặc (Cullapanthaka)."

Từ nhiều biến thành một là, muốn chuyển từ nhiều thành một, thì dùng trí thọ trì như vầy: "Ta muốn chuyển nhiều thành một, như trường hợp của Trưởng lão Tiểu-lộ Bàn-đặc, hoặc hiện hình, hoặc chẳng hiện hình, xuyên qua vách, qua tường, qua núi, đi chẳng bị ngăn ngại như trên Hư-không". Như thế, người tọa thiền ấy dùng tâm tu hành Nhứt thiết nhập về Hư-không, nhập vào Tứ thiền và xuất ra an tường, vượt qua vách, qua tường, qua núi. Khi đang di chuyển, người ấy dùng trí thọ trì như vầy: "Ta muốn các nơi đó đương trở thành Hư-không." Thành Hư-không xong, người ấy mới vượt xuyên qua vách, qua tường, qua núi, xuyên qua chẳng bị chướng ngại, như đi trong Hư-không.

Hoặc hiện hình nghiã là gì? Là khai mở.

Hoặc chẳng hiện hình nghiã là gì? Là chẳng khai mở. Những gì chẳng khai mở thì người ấy khiến cho khai mở, và như thế mà đi xuyên qua vách, qua tường, qua núi.

Xuyên qua chẳng bị chướng ngại nghiã là gì? Là khiến cho chui xuống đất và trồi lên khỏi đất, như là đang ở tại nước. Như thế, người ấy dùng tâm tu hành Nhứt thiết nhập về Thủy, nhập vào Tứ thiền, xuất ra an tường, dùng tâm thọ trì, chỉ vào một khoảng đất: "Ta muốn khoảng đất nầy trở thành nước", khiến người ấy có thể chui sâu xuống và trồi lên khỏi đất, như đang ở trong nước.

Khi muốn đi trên mặt nước, tâm chẳng chướng ngại, giống như đang đi trên đất liền, người ấy dùng tâm tu hành Nhứt thiết nhập về Điạ, nhập vào Tứ thiền, xuất ra an tường, chỉ vào một khoảng nước, dùng tâm thọ trì như vầy: "Ta muốn khoảng nước nầy trở thành đất", thành xong, người ấy đi trên nước chẳng ngại, như đang đi trên đất liền.

Đi trong Hư-không như chim bay, có ba cách di chuyển: bộ hành, phong hành và tâm hành (hành = đi). Người toạ thiền nhập định vào Nhứt thiết nhập về Điạ, dùng tâm thọ trì, muốn có một con đường đi trên Hư-không, rồi liền đi bộ vào. Nếu đắc được định vào Nhứt thiết nhập về Phong, người ấy dùng tâm thọ trì về gió, và di chuyển như miếng bông gòn được gió thổi. Khi di chuyển theo tâm hành, người ấy khiến thân và tâm tràn đầy tưởng vui và tưởng nhẹ, hai tư tưởng nầy vốn bám dính vào thân, làm cho thân nhẹ nhàng, đó là tâm hành di chuyển như chim bay.

Về dùng tay rờ mó vào mặt trời, mặt trăng, khi người toạ thiền đắc được thần thông, thần lực, tâm đã tự tại, tu hành nhập vào Tứ thiền, xuất ra an tường, dùng trí thọ trì, muốn tay rờ mó vào mặt trời, mặt trăng, khiến được đến gần hai nơi đó, và người ấy hoặc ngồi, hoặc nằm, đưa tay ra rờ mó vào mặt trời và mặt trăng.

Về khởi thân lên đến tận cõi trời Phạm, người toạ thiền đắc được thần thông, tâm đã tự tại, vui đi đến cõi trời Phạm.

Như thế là bốn như ý túc. Tâm cứ tu hành như thế, để khiến cho xa thành gần, gần thành xa, nhiều thành ít, ít thành nhiều, dùng thiên nhãn trông thấy hình sắc cõi Phạm thiên, dùng thiên nhĩ nghe được âm thanh cõi trời Phạm, dùng tha tâm trí mà biết được tâm của Phạm thiên. Trong ba cách hành (di chuyển), người toạ thiền ấy dùng hai cách hànhđi đến cõi trời Phạm.

Thọ trì Biến chấm dứt.

Vào thời đó, người toạ thiền ý muốn khởi lên tác biến, thì tu hành bốn như ý túc khi tâm đã đắc được tự tại: an thân nơi tâm, an tâm nơi thân; do thân mà an tâm, do tâm mà an thân; do thân mà thọ trì tâm, do tâm mà thọ trì thân; hoặc do tưởng vui, hoặc tưởng nhẹ, bám dính vào thân, và an trú ở đó.

Như thế, người ấy hiện tu thân mình trở thành hết sức nhẹ, dễ uốn nắn đến mức kham được sự thọ trì, cũng như viên sắt tròn được lửa nung đốt dễ đập rèn thành hình các vật theo ý muốn. Người ấy tu hành tâm như thế, thọ trì tâm khiến tràn ngập khắp cả thân tâm. Người ấy nếu muốn bỏ hình sắc của tự thân mà biến thân thành một đứa trẻ, liền nhập vào Tứ thiền, và xuất ra an tường, từ từ chuyển thành hình đứa trẻ, dùng trí thọ trì như vầy: "Ta đương thành một đứa trẻ". Như thế là tác ý biến thành đứa trẻ, hoặc thành thân rồng, thân chim phụng hoàng, thân qủi dạ xoa, thân thần A-tu-la, thân vua Trời Đế Thích, thân vua Trời Phạm, hoặc thành biển cả, núi non, rừng rú, sư tử, hổ báo, voi ngựa, lính bộ binh. (...)

Hỏi: Thọ trì biến và tác biến, khác nhau thế nào?

Đáp: Thọ trì biến thì chẳng xả bỏ hình sắc của tự thân, còn tác biến thì xả bỏ hình sắc đó.

Tác biến chấm dứt.

Vào thời đó, người toạ thiền muốn khởi lên tùy ý biến, khi tâm đã đắc được tự tại, dễ dàng, nhập vào Tứ thiền và xuất ra an tường, liền từ bên trong tự thân, khởi lên ý:"Thân nầy như một cái bình rỗng rang; nơi thân rỗng rang nầy, tùy theo ý ta muốn mà biến hoá, tùy ý ta chuyển mà chuyển theo." Như thế, dùng trí thọ trì, tùy theo sự đang chuyển biến mà tác ý khiến cho thành tương tự. Nhờ theo phương tiện nầy, người ấy biến hoá được nhiều, biến thành hoá thân có đủ các hành động. Nếu người toạ thiền muốn hoá thân ấy hướng về cõi Trời Phạm, liền khiến hoá thân ấy mang hình sắc của Trời Phạm, có đủ các bộ phận, chẳng thiếu một căn (= giác quan) nào. Bấy giờ, nếu người đắc thần thông muốn đi tiêu dao(= đi dạo), thì hoá thân của người ấy cũng đi tiêu dao; nếu người đắc thần thông muốn ngồi, muốn nằm, muốn phun ra khói lửa, muốn hỏi, muốn đáp, thì hoá thân của người ấy cũng ngồi, nằm, phun ra khói lửa, hỏi và đáp.

Như thế, người đắc thần thông tùy ý biến hoá và hoá thân của người ấy đều dựa theo đó mà hành động tương tự như thế cả.

Tùy ý biến chấm dứt.

Về các vấn đề linh tinh, biến hình được tạo nên có thể được phân biệt vào mọi thời. Vào lúc nầy, nó chẳng hiện lên, vì biết rằng chẳng phải thời. Đến khi người ấy muốn nói, thì liền thọ trì khiến nó chẳng hiện. Nếu chẳng cần phân biệt, thì nó chẳng hiện vào mọi thời. Hoá nhơn chẳng có mạng căn. Vật ăn thức uống cùng mọi sự do trí biến thành, đều thuộc vào chín việc: việc nhỏ, việc lớn, chuyện chẳng thể nói được, chuyện quá khứ, vị lại, hiện tại, chuyện trong, chuyện ngoài, chuyện vừa trong vừa ngoài.

Phần Linh tinh chấm dứt.

Hỏi: Ai khởi lên được thiên nhĩ?

Đáp: Trong tám Nhứt thiết nhập, người nào vào được Tứ thiền tự tại, dễ dàng tại hai Nhứt thiết nhập, thì dựa theo lỗ tai thịt của mình mà khởi lên được thiên nhĩ. (...)

Hỏi: Khởi cách nào?

Đáp: Người toạ thiền tu bốn như ý túc, khi tâm đã đắc tự tại nhập vào Tứ thiền và xuất ra an tường theo thứ tự, dựa theo lỗ tai thịt của mình khi nghe âm thanh ở xa, ý liền khởi lên thanh tướng xa; khi nghe âm thanh ở gần, khởi lên thanh tướng gần; khi nghe tiếng lớn, khởi lên thanh tướng lớn; khi nghe tiếng tế nhị, khởi lên thanh tướng tế nhị; khi nghe âm thanh ở phương đông, cũng khởi lên thanh tướng, như thế cho đến cả bốn phương, ý đều khởi lên thanh tướng. Như thế, người ấy nhờ tu tâm được thanh tịnh, nhờ nhĩ giới được thanh tịnh mà khiến cho tâm hành được tăng trưởng. Nhờ thiên nhĩ giới được thanh tịnh hoá hơn người thường, nên người ấy nghe được cả hai thứ tiếng, tiếng người (= nhơn thanh) và tiếng trời (= thiên thanh), hoặc nghe gần, xa. Về điều nầy, các bực tiên sư có nói, người toạ thiền trước nghe được tiếng của chúng sanh nơi tự thân của mình, kế đó nghe được tiếng chúng sanh bên ngoài thân của mình, sau đó nghe được đến tiếng các chúng sanh ở nơi trú xứ của mình. Cứ như thế mà tác ý tăng dần lên theo thứ lớp.

Lại nữa có thuyết cho rằng, người mới toạ thiền trước chẳng thể nghe được tiếng chúng sanh ngay trong tự thân mình. Tại sao vậy? Chẳng thể nghe nổi các âm thanh tế nhị bằng lỗ tai thịt được, vì khác cảnh giới. Người mới toạ thiền có thể nghe tiếng loa, tiếng trống ở xa, vì các âm thanh nầy y theo lỗ tai thịt mà nghe được và khởi lên tác ý về thanh tướng, khiến thiên nhĩ phát sanh và chỉ nghe được bằng thiên nhĩ hoặc tiếng lớn, tiếng nhỏ, tiếng gần, tiếng xa. Người toạ thiền chẳng nên tác ý để nghe các tiếng hết sức kinh khủng. Tại sao vậy? Vì khi nghe các tiếng khả ái thì sanh ham mến, khi nghe các tiếng đáng sợ thì sanh ra hãi hùng. Thiên nhĩ trí qui về ba việc: việc nhỏ, việc hiện tại và việc ngoài. Một người nếu lỗ tai thịt bị hỏng, thì thiên nhĩ cũng mất theo. Hàng Thanh văn đắc thiên nhĩ nghe được tiếng nơi một ngàn thế giới; bực Duyên giác nghe được đến mức tối đa, còn các đức Như lai thì nghe được vô số.

Thiên nhĩ chấm dứt.

Hỏi: Ai khởi lên được tha tâm trí? Khởi cách nào?

Đáp: Khi tu tập quán Nhứt thiết nhập về Quang (= ánh sáng) nhập vào Tứ thiền được tự tại, đắc được thiên nhãn thì khởi lên được tha tâm trí. Khởi cách nào? Người mới tập thiền tu tập về bốn như ý túc, khiến tâm được tự tại, thanh bạch, bất động, nhập vào Tứ thiền nơi Nhứt thiết nhập về Ánh sáng, xuất ra được an tường, trước khiến khắp châu thân ngập tràn ánh sáng, mở thiên nhãn nhìn thấy sắc của tâm mình. Do nơi sắc của tâm mình thay đổi mà ý thức được rằng: "Sắc nầy do hỉ căn mà sanh ra, sắc nầy do ưu căn mà sanh ra, sắc nầy do xả căn mà sanh ra." Nếu cùng với hỉ căn, tâm tương ưng hiện màu sắc giống như màu của tô lạc (tô = kem; lạc = phó mát). Nếu cùng với ưu căn, tâm tương ưng hiện lên màu sắc giống như màu đỏ thắm. Nếu cùng với xả căn, tâm tương ưng hiện lên màu sắc giống như màu mật (vàng óng). Nếu cùng với ái dục, tâm tương ưng hiện lên màu sắc giống như màu vàng. Nếu cùng với sự giận dữ, tâm tương ưng hiện lên màu sắc giống như màu đen. Nếu cùng với vô minh, tâm tương ưng hiện lên màu sắc giống như màu đục ngầu. Nếu cùng với niềm tin và trí huệ, tâm tương ưng hiện lên màu sắc giống như màu xanh. Người toạ thiền theo sự thay đổi nơi tự thân mà phân biệt được sự thay đổi của màu sắc.

Vào lúc ấy, người toạ thiền đem ánh sáng làm tràn ngập thân một người khác, rồi dùng thiên nhãn mà nhìn vào sự thay đổi màu sắc nơi tâm của người ấy, và do sự thay đổi màu sắc của tâm người ấy mà phân biệt được sự chuyển biến nơi tâm kẻ đó. Như thế, phân biệt được tha tâm trí khởi lên, dùng trí ấy phân biệt sự thay đổi màu sắc, rồi bỏ màu sắc mà chỉ giữ lại các tâm sự. Người toạ thiền như thế tu hành tâm được thanh bạch, nhìn vào người ấy hoặc có ái tâm thì biết có ái tâm, hoặc chẳng có ái tâm thì biết chẳng có ái tâm, hoặc tâm ấy đang giận hờn, thì biết có sự giận hờn, hoặc nếu tâm ấy chẳng giận hờn, thì biết chẳng có sự giận hờn. Như thế, có thể biết được tất cả. Tha tâm trí qui về tám sự việc: việc nhỏ, việc lớn, việc đạo, việc chẳng quan trọng, việc đã qua, việc hiện tại, việc sắp đến, và việc ngoài. Người thường chẳng thể biết được tâm người đã diệt hết các lậu hoặc, vì thuộc về cõi vô sắc gìới; riêng đức Phật mới biết được cảnh vô sắc giới. Hàng Thanh văn nếu đắc tự tại thì tha tâm trí biết được tâm sự của một ngàn thế giới; bực Duyên giác biết đến mức tối đa, còn các đức Như lai biết thì vô lượng.

Tha tâm trí chấm dứt.

Hỏi: Ai khởi lên được túc mạng trí? Có mấy loại nhớ được các kiếp trước? Khởi nhớ túc mạng trí như thế nào?

Đáp: Trong tám Nhứt thiết nhập, người nào vào được Tứ thiền tự tại nơi hai Nhứt thiết nhập, thì có thể khởi lên được trí nhớ về các tiền kiếp. (Tiền kiếp = đời sống kiếp trước) (...)

Hỏi: Nơi Tứ thiền có thể khởi lên được mấy loại trí nhớ lại tiền kiếp?

Đáp: Có ba loại trí nhớ về tiền kiếp: (1) do nhớ giữ nhiều kiếp, (2) do sự sanh tạo nên, (3) do tu hành mà thành. Do nhớ giữ nhiều kiếp có nghiã là nhớ được các tiền kiếp nhờ theo đúng bốn cách nầy: khéo giữ tướng, thấy được tướng bỉ phần, giữ các căn được phân minh, thâu nhiếp tánh đó. Về loại trí nhớ các tiền kiếp nầy, có thể nhớ lại được tối đa lbảy kiếp.

Về loại trí thứ hai, các bực Trời, loài Rồng, loài phượng hoàng, do sự sanh ra mà nhớ được tối đa là mười kiếp trước.

Và sau cùng là loại trí nhớ thứ ba, do tu hành đầy đủ bốn như ý túc mà nhớ lại được các tiền kiếp.

Hỏi: Thế nào là khởi lên túc mạng trí?

Đáp: Người toạ thiền tu tập bốn như ý túc, đắc được niềm tin tự tại và tâm thanh bạch đến bất động. Tại chỗ ngồi thiền, người ấy nhớ lại những việc đã làm trong một ngày, thân làm gì, miệng nói gì, ý nghĩ gì. Rồi cũng nhớ lại như thế việc đã làm trong một đêm. Và nhớ như thế một ngày, hai ngày, lần lượt cho đến một tháng, nhớ lại hết những việc đã làm. Rồi lại đến hai tháng, cho đến một năm, hai năm, ba năm, đến trăm năm, cho đến lúc sơ sanh cuối cùng, nhớ tất cả mọi sư việc đã làm. Vào lúc đó, tâm và tâm sở của thời xa xưa khởi sanh trở lại, cùng với tâm và tâm sở hiện sanh, y theo tâm sơ sanh và các tâm sở. Do tâm tương tục sanh ra như thế, người ấy hiện quán nhân duyên nhớ ngược lại thức lưu chuyển, cả hai đều chẳng gián đoạn, sanh ra ở nơi nầy, sanh ra ở nơi kia. Như thế, người ấy tu hành khiến cho tâm được thanh bạch, để nhớ lại được khoảng đời các tiền kiếp khác nhau, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời... Như thế, người ấy do nơi hiện sanh mà nhớ lại được tất cả các đời sơ sanh. Nếu người toạ thiền chẳng thể nhớ lại được hết, thì chẳng nên bỏ dở; người ấy nên khởi tập thiền lại, tập nhiều lần như siêng chùi sạch tấm kiếng soi, lành thay! Khi đã đắc được tự tại, thì hiện nhớ lại các kiếp trước bắt đầu từ một đời, người ấy thấy được phương tiện nầy, nên tỏ ra rất vui mừng. Tuy nhiên, chẳng thể nhớ lại được các kiếp đã làm súc sanh, hay đã được sanh lên cõi vô sắc giới, vô tưởng giới, vì ở các cõi ấy chẳng có tư tưởng. Về điểm nầy Trưởng lão Thu-tỳ-đa (Sobhita) là bực giỏi nhứt.

Trí nhớ của túc mạng trí qui về bảy việc: việc nhỏ, việc lớn, việc chẳng thể nói được, việc đã qua, việc hiện tại, việc sắp đến, việc trong, việc ngoài và việc cả trong lẫn ngoài. Ngoài các sự việc về quá khứ đã được nhớ lại, còn kể thêm việc đắc đạo quả, việc thôn xóm, việc quốc gia cũng thuộc về trí nhớ các tiền kiếp. Cũng thuộc trí nhớ túc mạng, việc nhớ lại sự tương tục của các ấm (= các uẩn). Kẻ ngoại đạo chỉ nhớ được đến bốn mươi kiếp trước, quá số kiếp nầy chẳng nhớ nổi vì chẳng đủ sức. Hàng Thanh văn nhớ được một vạn kiếp, bực Đại Thanh văn nhớ được nhiều hơn, kế đến là các bực Duyên giác, và nhứt là các đức Như lai chẳng những nhớ đến tiền kiếp của mình, các hành động và các trú xứ, tất cả mọi việc khác mà còn biết đến tiền kiếp của kẻ khác. Các đức Như lai có thể tùy ý nhớ đến tiền kiếp, hoặc ở trong Tam-muội, hoặc chẳng ở trong Tam-muội (= chánh định), còn những người khác chỉ khi ở trong chánh định mới khởi lên túc mạng trí được.

Túc mạng trí chấm dứt.

Hỏi: Ai khởi được thiên nhãn? Có mấy loại thiên nhãn? Khởi lên cách nào?

Đáp: (...) Nơi Nhứt thiết nhập về Ánh sáng, người toạ thiền nhập vào Tứ thiền, đắc tự tại, có đủ mắt thịt, thì có thể khởi lên thiên nhãn.

Có hai loại thiên nhãn: thiên nhãn do nghiệp báo mà có, và thiên nhãn do tu hành mà được. Thiên nhãn do nghiệp thiện tích luỹ thành là loại thiên nhãn nhìn thấy ra được các kho tàng ẩn dấu, hoặc có châu bảo, hoặc không. Thiên nhãn do tu hành mà được là thiên nhãn đắc được do tu hành bốn như ý túc.

Khởi thiên nhãn như thế nào? Người toạ thiền tu bốn như ý túc, đắc được tự tại, tâm trở nên thanh bạch cho đến thành bất động, quán Nhứt thiết nhập về Quang (= Ánh sáng) nhập vào Tứ thiền, khởi ý về quang tưởng (= tư tưởng về ánh sáng) và nhựt tưởng (= tư tưởng về ngày), thọ trì ngày nầy cũng như đêm, đêm nầy cũng như ngày, rồi do tâm chẳng dính mắc, chẳng bị ngăn ngại, hiện tu hành tâm khiến tâm thành có ánh sáng. Người toạ thiền ấy tu hành tâm thành có ánh sáng, chẳng bị sự tối mờ ngăn trở, sáng tỏ hơn cả ánh mặt trời. Người ấy tu hành như thế, đưa ánh sáng đến tràn ngập khắp nội thân, khởi ý lên phân biệt sắc và hình, dùng trí khiến cho ánh sáng tràn khắp (...) mà thấy được màu sắc của ánh sáng bên trong, đó gọi là thiên nhãn. Người toạ thiền dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt thịt của người thường, nhìn thấy chúng sanh hoặc chết, hoặc sanh, hoặc thô, hoặc diệu, hoặc màu sắc đẹp, hoặc màu sắc xấu, sanh nơi cõi lành, sanh nơi nẻo dữ, đúng theo như nghiệp đã tạo.

Người muốn khởi lên được thiên nhãn, phải đoạn diệt hết các phiền não nầy: nghi nan, mất chánh niệm, giải đãi, buồn ngủ, kiêu mạn, tà hỉ (= vui bất chánh), ác khẩu (= miệng nói lời hung ác), tinh tấn quá gấp gáp hay quá trì huởn, lắm lời, các loại quán tưởng về hình sắc. Nếu một trong các phiền não ấy nổi lên vào lúc đang khởi thiên nhãn, thì mất chánh định; nếu chánh định thoái mất, ánh sáng cũng mất theo, và việc thấy sắc cũng thất bại, vì thế phải đoạn diệt phiền não đó. Nếu như đã đoạn diệt được phiền não ấy xong mà chẳng phục hồi được chánh định tự tại, thì do chẳng được tự tại đó mà thiên nhãn trở thành nhỏ đi. Người toạ thiền liền dùng thiên nhãn nhỏ đó biết được ánh sáng ít hơn, nên thấy được sắc cũng ít hơn. Bởi thế cho nên Thế tôn có nói: "Có lúc Ta được định nhỏ nên lúc ấy có thiên nhãn cũng nhỏ, dùng thiên nhãn nhỏ đó mà thấy được sắc nhỏ. Cũng có lúc, Ta được vô lượng Tam-muội (= chánh định) lớn, thì vào lúc ấy Ta có thiên nhãn cũng vô lượng, Ta dùng thiên nhãn vô lượng ấy mà biết được vô lượng ánh sáng, Ta thấy được vô lượng sắc."

Người mới tập thiền chẳng nên bám níu vào các sắc khả ái, cũng như các sắc đáng kinh sợ. Điều nầy đã được nói rõ trước đây. Thiên nhãn thuộc về năm sự việc: việc nhỏ, việc hiện tại, việc trong, việc ngoài, và việc cả trong lẫn ngoài.

Dựa theo thiên nhãn mà sanh ra bốn trí: trí phân biệt được việc vị lai, trí biết tự sở tác nghiệp, trí biết như hành nghiệp, trí biết nghiệp quả báo.

Do trí biết việc vị lai, người ấy biết được hình sắc sẽ sanh ra như thế nào vào thời vị lai. Do trí biết tự sở tác nghiệp, người ấy thấy được nghiệp của kẻ khác đã tạo, rồi tùy theo nghiệp đó mà kẻ ấy phải sanh vào nẻo nào. Do trí biết như hành nghiệp, người ấy thấy được kẻ khác sanh vào nẻo nầy do nghiệp trước đã tạo nên phải sanh ra tại nơi đó. Do trí biết nghiệp quả báo, người ấy biết được đến lúc nào, đến nẻo nào, đến phiền não nào, nghiệp ấy chín muồi hoặc chẳng chín muồi, hay nghiệp ấy phải thọ nhận nhiều, hoặc thọ nhận ít, người ấy đều biết cả.

Hàng Thanh văn đắc tự tại về thiên nhãn thấy được một ngàn thế giới; bực Duyên giác thấy được tối đa; còn các đức Như lai thì thấy được vô lượng.

Thiên nhãn chấm dứt.

Các vấn đề linh tinh liên quan đến Thần thông.

Nếu tu hành chánh định về thiên nhãn để thấy sắc, thì chỉ thấy được sắc mà thôi. Nếu tu hành chánh định về thiên nhĩ để nghe các âm thanh, thì chỉ nghe được các âm thanh mà thôi. Nếu tu hành chánh định về cả hai thiên nhĩ và thiên nhãn thì có thể vừa nghe vừa thấy. Nếu tu hành chánh định về thấy, nghe và biết tâm kẻ khác, thì thấy, nghe và biết được tâm của kẻ khác. Nếu tu hành chánh định để thấy được một phương, thì chỉ thấy được một phương mà chẳng nghe và biết được tha tâm. Nếu tu hành chánh định nhiều, về tất cả mọi phương, thì nghe, thấy và biết được tha tâm khắp nơi.

Năm loại thần thông thuộc chung về các thần thông ở thế gian, ở cõi sắc giới còn lậu hoặc và các phàm phu. Thiện thần thông thuộc chung cho các bực học nhơn và phàm phu. Thần thông của bực A-la-hán là thần thông vô ký. Năm loại thần thông chẳng thể sanh ra ở cõi vô sắc giới.

Thần thông chấm dứt.

(Giải Thoát Đạo Luận. Hết Quyển Chín. Phẩm 9)

-ooOoo-

Các tin đã đăng: