Luận tạng Nam truyền
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
A-la-hán Ưu-ba-đế-sa (Upatissa) sáng tác Lương Phù Nam, Tam Tạng Pháp Sư Tăng-già-ba-la (Sanghapàla) Hán dịch Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt Montréal, Canada, tháng 9-2003
26/07/2554 23:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
Mục lục
Xem toàn bộ

PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm Hiểu Phẩm 11: Năm Phương tiện.

Chi 1: Ấm, Nhập, Giới, Nhân duyên Phương tiện.

Chuyển tiếp: Trong Phẩm 10: Phân biệt Huệ, Luận văn trình bày các hình thức của Trí Huệ Bát-nhã. Đến Phẩm 11 nầy, Luận văn nêu ra Năm Phương tiện để khởi lên Trí Huệ Bát-nhã đó. Năm Phương tiện gồm có: Ấm phương tiện, Nhập phương tiện, Giới phương tiện, Nhân duyên phương tiện và Thánh đế phương tiện.

Trong Chi 1 của Phẩm 11, Luận văn bàn đến bốn phương tiện đầu: ấm, nhập, giới, và nhân duyên phương tiện. Chi 2 sẽ nói nốt về Thánh đế phương tiện.

083. Dàn bài chi tiết của Chi 1, Phẩm 11.

I. Nhập đề: Muốn thoát sự mê mờ che lấp các nguyên nhân gây ra cảnh sanh, già, bịnh, chết, người toạ thiền cần khởi lên năm phương tiện: ấm, nhập, giới, nhân duyên và Thánh đế phương tiện.

II. Thân bài: Chi 1 của Phẩm 11 có bốn phần rõ rệt: (1) Ấm phương tiện, (2) Nhập phương tiện, (3) Giới phương tiện, (4) Nhân duyên phương tiện.

21. Ấm Phương tiện: Năm ấm (= uẩn): (a) sắc ấm, (b) thọ ấm, (c) tưởng ấm, (d) hành ấm và (e) thức ấm.

A. Sắc ấm: bốn đại và sắc chất (= sắc vật chất do bốn đại tạo thành)

1) Điạ giới, thủy giới, hoả giới và phong giới.
2) Quán sát sơ lược và rộng rãi (Xem lại Chi 5, Ph.8 về Hành môn, các trang 197, 198)

3) Ba mươi loại sắc chất: 26 sắc chất và 4 đại:

31. Năm nhập:

Nhãn nhập: mắt, nhãn thức, và sắc chất thanh tịnh
Nhĩ nhập: tai, nhĩ thức và sắc chất thanh tịnh;
Tị nhập: mũi, tị thức, và sắc chất thanh tịnh;
Thiệt nhập: lưỡi, thiệt thức và sắc chất thanh tịnh;
Thân nhập: thân, thân thức và sắc chất thanh tịnh

32. Sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
33. Mạng căn, nam căn, nữ căn;
34.
Thân tác và khẩu tác;
35. Sắc khinh, sắc nhuyễn, sắc kham;
36. Sắc tụ, sắc tương tục, sắc sanh, sắc lão, sắc vô thường;
37. Đoàn thực, giới và xứ sắc.

4) Bốn đại và các sắc chất khác nhau thế nào?

5) Năm cách tìm biết rõ ràng về sắc chất:

51. Do khởi lên
52. Do hội tụ
53. Do sanh ra
54. Do chủng loại
55. Do đồng nhứt.

B. Thọ ấm: Cảm thọ là những tình cảm mà tâm đang thể nghiệm. Nếu phân biệt theo:

1. tướng: thì chỉ có một loại cảm thọ.
2. xứ: hai loại cảm thọ: thân thọ và ý thọ;
3. tự tánh: ba loại: cảm thọ vui, cảm thọ khổ, và cảm thọ chẳng vui chẳng khổ (=cảm thọ vô ký)
4. pháp: có bốn loại: cảm thọ thiện, chẳng thiện, cảm thọ báo đáp và cảm thọ về sự việc.
5. căn: năm loại: lạc căn, khổ căn, hỉ căn, ưu căn và xả căn;
6.
trắng đen: sáu loại: cảm thọ vui hữu lậu và vui vô lậu, cảm thọ khổ hữu lậu và vô lậu, và cảm thọ chẳng khổ chẳng vui hữu lậu và vô lậu;
7. cửa vào: bảy loại: cảm thọ tại các môn (= cửa) như là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý giới và ý thức giới;

8. Còn nếu phân biệt thật rộng rãi, có 108 cảm thọ:

- sáu cảm thọ theo sự ái
-
sáu cảm thọ theo sự xuất ly;
-
sáu cảm thọ theo sự ái ưu;
-
sáu cảm thọ theo sự ly ái;
-
sáu cảm thọ theo sự xả;
-
sáu cảm thọ theo sự xả ly;

Như thế, 6 lần 6 là 36 cảm thọ, nhơn lên ba thời, hiện tại, quá khứ và vị lai, tổng cộng 108 cảm thọ.

C. Tưởng ấm: Phân biệt theo tướng thì chỉ có một tưởng thôi, do đó mà tâm biết được nội dung sự việc. Nếu phân biệt theo:

1. sự trắng đen thì có hai tưởng: tưởng điên đảo và tưởng chẳng điên đảo;
2. sự
thiện, bất thiện, ba tưởng:

- tưởng tham muốn; t. giận hờn, t. gây tổn hại;
- tưởng xuất ly, t. chẳng giận, t.chẳng tổn hại;

3. sự chẳng hiểu rõ tự tánh, bốn tưởng:

- tưởng vui trước việc khổ, tưởng tịnh trước vật bất tịnh;
- có thường tưởng trước sự vật vô thường; và có ngã tưởng trước sư vật vô ngã.

4. sự chẳng hiểu rõ nơi chốn, cũng có bốn tưởng: các tưởng bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã;

5. phân biệt theo Luật tạng, thì có năm tưởng:

- nơi bất tịnh, có tưởng tịnh, và tưởng bất tịnh;
- nơi tịnh, có tưởng bất tịnh, tưởng tịnh, và tưởng nghi;

6. theo sự việc, có sáu tưởng: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng (pháp = sự vật)

7. theo cửa các giác quan, bảy tưởng: các tư tưởng sanh ra do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ý thức giới.

D. Hành ấm: Ngoại trừ các cảm thọ và các tư tưởng ra, tất cả các tâm sở (= các tâm trạng) đều thuộc về hành ấm.

Có các loại hành, hay tâm hành, hoặc tâm sở sau đây:

1. Tâm sở Xúc: khi tâm tiếp xúc với đối tượng;
2.
Tâm sở Tư: khi tâm bắt đầu chuyển động, suy tư;
3.
Tâm sở Quán: khi tâm bắt đầu quán sát đối tượng
4.
Tâm sở Hỉ: khi tâm mừng rỡ, nhảy nhót;
5. Tâm sở Tâm: khi tâm trong sạch như lúc đọc chú
6.
Tâm sở Tinh tấn: khi tâm dõng mãnh đeo đuổi theo đối tượng;
7.
Tâm sở Niệm: khi tâm giữ gìn cẩn thận đối tượng
8.
Tâm sở Định: khi tâm chuyên nhứt;
9. Tâm sở Huệ: khi tâm chiếu sáng, thấy rõ ràng;
10. Tâm sở Mạng căn: khi tâm nhìn vào sức sống;
11. Tâm sở Cái: khi tâm lià sự ác;
12. Tâm sở Bất tham: khi tâm lià sự tham dục;
13. Tâm sở Bất sân: khi tâm lià sự sân hận;
14. Tâm sở Tàm: khi tâm biết ghê tởm sự làm ác;
15. Tâm sở Qúi: khi tâm biết hổ thẹn vì sự làm ác;
16. Tâm sở Ỷ hay là Khinh an: khi tâm cảm thấy mát mẻ, dứt sự xao động;
17.
Tâm sở Dục: khi tâm vui lòng làm việc lành;
18. Tâm sở Giải Thoát: khi tâm thoát khỏi các ác niệm trôi chảy êm đềm như dòng nước chảy xuống
19. Tâm sở Xả: khi tâm bình đẳng, chẳng nghiêng về bên nào, như người cầm cân;
20. Tâm sở Tác ý: khi tâm khởi ý về pháp tắc, như người cầm bánh lái;
21. Tâm sở Tham: khi tâm bám níu như con ngỗng
22. Tâm sở Sân: khi tâm kích động như rắn độc mổ;
23.
Tâm sở Vô minh: khi tâm bị che mờ chẳng thấy rõ
24. Tâm sở Mạn: khi tâm ngạo mạn, phách lối;
25. Tâm sở Kiến thủ: khi tâm cố chấp như người mù sờ voi;
26. Tâm sở Trạo: khi tâm xao động, nói làm vụt chạc;
27. Tâm sở Hối: khi tâm thoái lùi, tiếc rẻ;
28. Tâm sở Nghi: khi tâm phân vân, vì cố chấp vào nhiều việc trái ngược;
29. Tâm sở Giải Đãi: khi tâm lười nhác;
30. Tâm sở Vô tàm: khi tâm chẳng biết hổ thẹn lúc làm việc ác;
31. Tâm sở Vô qúi: khi tâm chẳng biết sợ hãi việc ác.

E. Thức ấm: Tất cả sự hiểu biết (kiến thức) bên trong tâm về đối tượng bên ngoài.

1. Có bảy thức: (1) nhãn thức, (2) nhĩ thức, (3) tị thức, (4) thiệt thức, (5) thân thức, (6) ý giới, (7) ý thức giới.

Nhãn thức: mắt duyên theo sắc, sanh ra nhãn thức;
Nhĩ thức: tai duyên theo âm thanh, sanh nhĩ thức;
Tị thức: mũi duyên theo mùi, sanh ra tị thức;
Thiệt thức: lưỡi duyên theo vị, sanh ra thiệt thức;
Thân thức: thân duyêntheo va chạm, sanh thân thức
Ý giới duyên theo năm đối tượng của năm thức trước, khởi lên trong tâm ý thức gọi là ý giới;
Ý thức gìới: ngoại trừ sáu thức vừa kể, phần còn lại của tâm, gọi là ý thức giới.

2. Có ba cách để biết rõ thêm về bảy thức kể trên:

21. Do xứ sự tức là do nơi sự việc xảy ra tại các nơi:

- Năm thức trước (từ nhãn thức đến thân thức) có đối tượng và sự việc được hiểu biết xảy ra ở các nơi chốn (ở các căn) khác nhau;

- Ý giới và ý thức giới có chung một xứ bên trong; ý giới có năm đối tượng bên ngoài, còn ý thức giới có sáu đối tượng bên ngoài;

- Năm thức trước và ý giới cùng có đối tượng bên ngoài, nhưng sự việc được hiểu biết của năm thức đó và Ý giới đều xảy ra bên trong.

- Ý thức giới có sự việc được hiểu biết xảy ra bên trong; đối tượng có thể bên ngoài hoặc bên trong;

- Sáu thức (trừ ý thức giới) có xứ và đối tượng xảy ra từ thời quá khứ, riêng ý thức gới, xứ và đối tượng xảy ra kể từ lúc ra đời.

-Ở cõi vô sắc giới, chẳng có xứ và sự của Thức.

22. Do đối tượng mà biết rõ thêm về các thức:

- Năm thức trước có cảnh giới riêng, chẳng sanh lẫn nhau, chỉ biết rõ thức nào đến trước nơi tâm

- Nơi ý giới, chẳng biết rõ hết mọi sự việc, trừ phi có ý nào được chuyển vào tâm trước;

- Qua sáu thức, nhờ có sự tấn tốc mà có sự an định, thọ trì về thân, khẩu và ý nghiệp; chỉ có hậu phần của thức mới ngủ hay nằm mộng.

23. Do các thiền chi mà biết rõ thêm về các thức:

- Năm thức trước và ý giới có giác, quán; Ý thức giới khi có giác quán, khi chẳng giác mà có quán, khi dứt luôn cả giác và quán.

- Năm thức trước cùng đi với xả; riêng thân thức đi chung với khổ hay lạc, còn ý thức giới thì đi chung hoặc với hỉ, ưu, hay với xả

- Cả sáu thức (trừ ý thức giới) đều là pháp thế gian vẫn còn phiền não; còn ý thức giới thì hủy hoại được tất cả.

F. Bốn cách để phân biệt Năm Ấm:

1. Do phân biệt nghiã chữ:

11. Sắc có nghiã là hiển hiện rõ ra, dễ nhận thức;
12. Thọ có nghiã là cảm nhận, thể nghiệm được;
13.
Tưởng có nghiã biết đến, chú ý đến;
14.
Thức có nghiã là hiểu biết rõ ràng;
15. Ấm có nghiã là tập hợp chung lại các loại trên.

2. Do phân biệt về tướng:

21. Tướng của Sắc lộ ra như gai nhọn;
22. Tướng của Thọ khởi khi xúc chạm đối tượng;
23. Tướng của
Tưởng là tướng giữ gìn và làm;
24. Tướng của Hành là tướng hoà hiệp do xúc;
25.Tướng của Thức là tướng hiểu biết, do Danh-Sắc làm khởi lên.

3. Do xếp các ấm thành ra ba loại:

31. Năm Pháp ấm: giới ấm, định ấm, huệ ấm, giải thoát ấm và giải thoát tri kiến ấm.
32. Năm Thọ ấm: về những sự vật hữu lậu, vẫn còn phiền não rỉ chảy;
33. Năm Ấm: về những sự vật hữu vi (biến đổi theo các duyên, các điều kiện).

4. Do sự thâu nhiếp thành ra ba loại:

41. Được thâu nhiếp vào nhập nhiếp có sắc ấm, ba pháp ấm và thức ấm;
42.Được thâu nhiếp vào giới nhiếp, có năm pháp ấm, pháp nhập, pháp giới, ý nhập và ý giới;
43. Được thâu nhiếp vào đế nhiếp, có:

- năm ấm thâu nhiếp vào Khổ đế, Tập đế;
-
năm pháp ấm thâu nhiếp vào Đạo đế;
-
pháp Niết-bàn thâu nhiếp vào Diệt đế.

22. Nhập Phương tiện:

A. Mười hai Nhập: gồm có sáu trần và sáu căn như

(1, 2) sắc nhập, nhãn nhập,
(3, 4) thanh nhập, nhĩ nhập
(5, 6) hương nhập, tị nhập,
(7, 8) vị nhập, thiệt nhập,
(9, 10) xúc nhập, thân nhập,
(11, 12) pháp nhập,ý nhập

Nhập là phạm vi cảnh giới thanh tịnh xuyên vào căn.

B. Năm cách phân biệt rõ các Nhập:

1. Do nghiã chữ:

11. Nhãn = thấy; Sắc = hiện ra rõ;
12. Nhĩ = nghe; Thanh = tiếng, âm thanh;
13. Tị = ngữi; Hương = mùi;
14. Thiệt = lưỡi nếm; Vị = khí vị, mùi vị (nếm)
15. Thân = chánh trí nơi thân tâm; xúc = kề cận
16. Ý = hiểu biết; Pháp = sự vật chẳng sanh mạng

2. Do cảnh giới:

21. Mắt chẳng thể tới được cảnh giới của sắc;
22. Cảnh giới âm thanh, vị đến tận tai lưỡi;
23. Ý pháp cùng chung một cảnh giới.

3. Do nhân duyên:

31. Mắt, ánh sáng, tác ý là nhân duyên để thấy;
32.Tai, Hư-không giới, tác ý: nhân duyên để nghe
33. Mũi, mùi hương, gió, tác ý: nhân duyên ngữi;
34. Lưỡi, vị, nước, tác ý: nhân duyên để nếm;
35. Thân, xúc, tác ý: nhân duyên để sờ mó;
36. Ý, pháp, giải thoát, tác ý: nh.duyên để biết.

4. Do đối tượng tiếp xúc với tâm:

41. Ba mức độ của sự tiếp xúc: mạnh, vừa, yếu;
42. Biến chuyển của tâm khi tiếp xúc đối tượng:

- Bảy động tác của Tâm, khi tiếp xúc mạnh: (1) hữu phần tâm, (2) chuyển kiến tâm, (3) sở thọ tâm, (4) phân biệt tâm; (5) linh khởi tâm, (6) tốc hành tâm; và (7) bỉ sự tâm.

- Thí dụ về trái xoài Tâm của Nhà Vua;

- Đối tượng tiếp xúc vừa vào các giác quan: tốc hành tâm đưa thẳng vào hữu phần tâm

- Đối tượng tiếp xúc yếu vào các giác quan: linh khởi tâm đưa thẳng vào hữu phần tâm.

- Về cửa ý, chẳng có sự xúc chạm, nên do chú ý làm nhân duyên khởi lên hiểu biết.

5. Do sự thâu nhiếp: giống với các ấm, có ba: (1) ấm nhiếp; (2) giới nhiếp và (3) đế nhiếp.

23. Giới Phương tiện:

A. Mười tám giới:

(1 đến 3): nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới;
(4 đến 6): nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới;
(7 đến 9): tị giới, hương giới, tị thức giới;
(10 đến 12): thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới;
(13 đến 15): thân giới,xúc giới, thân thức giới;
(16 đến 18): ý giới, pháp giới, ý thức giới.

B. Cảnh giới của sự thuyết giảng:

1. Ấm, nhập là hai phương tiện dùng để giảng về thân phận con người và giới,về hoàn cảnh chung quanh.

2. Lối thuyết giảng của Thế tôn, về Khổ đế:

- với kẻ lợi căn, Ngài dùng đường lối Ấm;
-
với kẻ trung căn, Ngài dùng lối Nhập;
-
với kẻ độn căn, Ngài dùng đường lối Giới.
-
với kẻ cố chấp về danh, tướng, Ngài giảng tóm lược về sắc, và giảng rộng về ấm;
- với kẻ cố chấp về sắc, tướng, Ngài giảng tóm lược về danh, và giảng rộng về nhập;
-
với kẻ chấp cả danh, sắc, tướng, Ngài giảng rộng về giới để phân biệt về Danh-Sắc.

24. Nhân duyên Phương tiện:

A. Mười hai Nhân duyên:

1. Thập nhị Nhân duyên gồm có những gì?

11. Vô minh là chẳng thông hiểu bốn Chơn lý
12. Hành là hành động đã qua của thân, miệng ý, tạo nên Nghiệp, còn gọi là hành nghiệp;
13. Thức là một niệm lúc nhập vào bào thai;
14. Danh-Sắc tâm và các tâm sở cùng khởi lên với sắc ca la la (= bào thai);
15. Lục nhập là sáu nội nhập (= mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý);
16.Xúc: sáu loại va chạm lục nhập vào thân;
17. Thọ là sáu loại cảm thọ của thân;
18. Ái là sáu điều tham ái (ở các căn) của thân
19. Thủ là bốn sự chấp thủ, bám níu vào ái;
20. Hữu là nơi hiện hữu (= cuộc sống)
21. Sanh là các ấm khởi lên;
22. Lão tử là các ấm đã già, chín muồi và tan hoại đi.

2. Hai chiều lưu chuyển hoàn diệt:

(a) Lưu chuyển mãi trong cảnh Luân hồi: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh-Sắc, Danh-Sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão, Lão duyên Tử... toàn bộ Khổ ấm.

(b) Hoàn diệt phá vòng sanh tử Luân hồi: Vô minh diệt, Hành diệt; Hành diệt, Thức diệt; Thức diệt, Danh-Sắc diệt; Danh-Sắc diệt, Lục nhập diệt; Lục nhập diệt, Xúc diệt; Xúc diệt, Thọ diệt; Thọ diệt, Ái diệt; Ái diệt, Thủ diệt; Thủ diệt, Hữu diệt; Hữu diệt, Sanh diệt; Sanh diệt, Tử diệt và Khổ ấm diệt.

Chiều lưu chuyển quay mãi, nên chúng sanh vướng vòng lẩn quẩn của Luân hồi, phải chịu Khổ mãi;
Chiều hoàn diệt bẻ gãy vòng sanh tử Luân hồi, mà chấm dứt Khổ ấm và được giải thoát.

3. Tại sao Vô minh duyên Hành, ... đến ... Sanh duyên Lão Tử?

(a) Vì cái nầy có nên cái kia cũng có; hễ cái nầy diệt, cái kia cũng diệt theo.

(b) Do lẽ nhân duyên tương tục đó, hễ còn vô minh thì các duyên lần lượt khởi lên; vòng Luân hồi cứ quay mãi; hễ vô minh diệt, thì vòng sanh tử Luân hồi bị bẻ gãy và được giải thoát.

4. 12 nhân duyên chia ra ba thời:

(a) quá khứ: Vô minh và Hành;
(b) hiện tại: tám nhân duyên kế tiếp: Thức, Danh-Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu
(c) vị lai: Sanh và Lão tử.

5. 12 Nhân duyên khác Pháp nhân duyên:

- Trong chuỗi 12 nhân duyên, yếu tố này liên quan chặt chẽ với yếu tố kia, chưa được hoàn mãn, nên chẳng thể tách ra từng nhân duyên để giảng giải rõ được;

- Trong lúc chuyển hành, chẳng thể xác định mỗi nhân duyên là pháp hữu vi, hay vô vi được;

- Một khi khởi lên hoàn mãn xong, yếu tố trở thành pháp nhân duyên, mới được xác định thuộc về pháp hữu vi.

- Sự chuyển hành các yếu tố nhân duyên rất thâm sâu, chỉ có huệ căn của bực Thánh mới hiểu rõ tường tận.

6. Bảy cách quán sát 12 Nhân duyên:

61. Do ba tiết (= ba lóng, ba khoảng cách):

- tiết1: về quả báo hiện tại: từ hành đến thức; nơi quá khứ, nghiệp và phiền não gây ra quả báo hiện tại;

- tiết 2: về phiền não hiện tại: từ thọ đến ái; nơi hiện tại, do quả báo hiện tại làm duyên cho phiền não hiện tại;

- tiết 3: về quả báo tương lai: có hữu sanh; nơi hiện tại phiền não hiện tại làm duyên cho quả báo tương lai.

62. Do bốn điều giản lược: (= bốn điều tóm tắt):

- Phiền não lược quá khứ: vô minh và hành, nơi nghiệp quá khứ;
- Quả báo lược hiện tại: thức, Danh-Sắc, lục nhập, xúc, thọ, nơi quả báo hiện tại;
- Phiền não lược hiện tại: ái, thủ, hữu, nơi nghiệp hiện tại;
- Quả báo lược vị lai: sanh, lão tử, nơi quả báo vị lai.

63. Do sự luân chuyển:

- Lần lượt từ vô minh duyên hành, cho đến lão tử, toàn bộ khổ ấm nổi lên;

- Nơi khổ ấm, sự chẳng hiểu biết bốn Chơn lý làm thành vô minh lại duyên hành nữa, cứ luân chuyển mãi như thế chẳng dứt.

64. Do sự liên kết dắt giây:

- Theo chiều xuôi từ vô minh kể xuống đến lão tử, thấy được hướng ven bờ vị lai;

- Theo chiều ngược, kể từ Lão tử lộn trở lên đến vô minh, thấy hướng ven bờ quá khứ.

65. Do phân biệt nhân duyên thế gian, xuất thế gian:

- Mười hai nhân duyên từ vô minh đến Lão tử đều là nhân duyên thế gian;

- Khổ, niềm tin, hỉ, lạc, định, tri kiến như thật nhàm chán, ly dục, giải thoát là những nhân duyên xuất thế gian.

66 và 67. Do 20 hành, và do sự tương nhiếp: Luận văn nêu các điểm quá thâm sâu, khó hiểu, nên chẳng dám ghi chi tiết vào Dàn bài nầy.

III. Kết Luận: Chẳng thấy Phần Kết luận trong Luận văn, có lẽ đến hết Chi 2, mới có đoạn kết chăng?

084. Tìm hiểu nghiã chữ khó trong Chi 1, Ph.11

Phương tiện: Phương phương pháp; Tiện tiện dụng; Phương pháp thì tổng quát, còn phương tiện thì riêng biệt. Thí dụ: muốn cho người nghe hiểu một sự việc, ta dùng phương pháp giải thích, để cắt nghiã; nhưng có nhiều cách cắt nghiã, hoặc dùng lời nói, hoặc dùng hành động, cử chỉ, việc làm mà chỉ cho người nghe thấy và hiểu, đó là dùng các phương tiện lời nói, hay hành động để dạy cho người kia hiểu.

đây, Luận văn nêu ra Năm Phương tiện: Ấm, Nhập, Giới, để giảng cho người nghe biết về thân phận con người, nơi thân tâm gồm có những gì, các yếu tố phối hợp nhau cách nào, liên hệ với nhau ra sao, v.v. Và dùng phương tiện Nhân duyên để chỉ cho thấy mọi sự việc đều do nhân duyên mà có, chớ chẳng phải do ngẫu nhiên hay số mạng mà có, cũng chẳng phải do một đấng Toàn năng nào sắp đặt trước buộc ta phải tuân theo. Nếu hiểu rõ được cả Năm Phương tiện Chi 2 sẽ nói nốt đến Phương tiện các Thánh đế con người mới cảm thấy mình có sẵn tự do, tự mình cởi bỏ mọi ràng buộc mà sống được tư tại và an lạc. Đó là các Phương tiện giúp ta theo đúng con đường giải thoát vậy.

Ấm: nghiã gốc của chữ Ấm là tụ họp nhau thành một một nhóm. Còn được gọi là uẩn, có thêm nghiã là che mờ. Vậy ấm hay uẩn là những tập hợp của nhiều thứ hoặc cùng loại, hoặc khác loại, hợp chung với nhau, tác động lẫn nhau, vì thế khó thấy được rõ các thành phần, các yếu tố bên trong.

Nơi thân tâm con người có năm ấm: sắc ấm thuộc phần vật chất, tức là phần thân thể; còn bốn ấm kia, thọ ấm, tưởng ấn, hành ấm và thức ấm thuộc về phần tinh thần, tức là tâm.

Trong Luận văn, phần giải thích về các ấm rất đầy đủ.

Nhập: nghiã gốc là vào, nhập vào trong; Luận văn ghi có 12 nhập, gồm có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, cùng với sáu trần: sắc (= màu sắc), thanh, hương, vị, xúc pháp (= sự vật). Sao gọi chúng là nhập? Vì chúng xuyên vào tâm, khiến ta cảm thọ, suy nghĩ, hành động, hiểu biết đến hình ảnh, bóng dáng của chúng đang rọi lên màn ảnh tâm.

Giới: nghiã gốc là phạm vi, ranh giới, lãnh vực. Thí dụ như nhãn giới có nghiã là lãnh vực mà mắt ta có thể thấy được, tức là vật đối tượng phải ở phiá trước, chẳng xa quá; còn nếu ở phía sau, hay cách tường, hoặc ở xa, thì vật đối tượng đó nằm ngoài nhãn giới của ta.

Nhân duyên: Xin xem lại các trang 446 và 516. Ở đây, Nhân duyên Phương tiện có nghiã là dùng các nhân và duyên để giải thích sự sống, sự tái sanh, sự luân chuyển trong vòng Luân hồi. Cuộc sống của con người do Nhân duyên mà có, chớ chẳng phải do mạng số, hay do một bực Toàn năng nào tạo ra và ban cho con người. Hiểu được Phương tiện Nhân duyên nầy, tránh được sự mê tín, dị đoan, biết rõ vận mạng mình nằm trong tay mình, bởi hành nghiệp của mình mà phải sống như thế nầy, thế kia, chớ chẳng phải do bất cứ lý do nào khác cả. Lại cũng hiểu thấu và thông đạt được rằng thân tâm nầy do bốn đại, năm uẩn hợp nhau mà thành, sẽ có lúc sẽ tan rả, nên chẳng cố chấp vào thân, phá được ngã kiến.

Sắc chất: Vật chất; những chất do bốn đại cấu thành.

Nhãn nhập: Nhãn = mắt, thấy; Nhập = vào. Nhãn nhập là những gì tâm nhìn thấy, xuyên qua mắt.

Nhĩ nhập: Nhĩ = tai, nghe; Nhập = vào. Nhĩ nhập là những gì tâm nghe được xuyên qua lỗ tai.

Tị nhập: Tị = mũi, ngữi; Nhập = vào. Tị nhập là những gì tâm cảm được về mùi, xuyên qua mũi.

Thiệt nhập: Thiệt = lưỡi, nếm; Nhập = vào. Thiệt nhập là những gì tâm cảm được về vị nếm, xuyên qua lưỡi.

Thân nhập: Thân = thân thể, sờ chạm; Nhập = vào. Thân nhập là những gì mà tâm cảm nhận được về cảm xúc trên da, xuyên qua thân thể.

Nữ căn: Nữ = phái nữ, giống cái; Căn = gốc. Nữ căn là vác bộ phận sanh dục của phái nữ.

Nam căn: Nam = phái nam, giống đực. Căn = gốc. Nam căn là những bộ phận sanh dục của phái nam.

Mạng căn: Mạng = cuộc sống; Căn = gốc. Mạng căn là nguồn sống.

Thân tác: Thân = thân thể; Tác = làm, động tác, hành động. Thân tác là những việc làm của Thân.

Khẩu tác: Khẩu = miệng; Tác = làm. Khẩu tác là lời nói

Hư-không giới = Hư-không, không gian, khoảng trống không bao trùm muôn vật. (Giới = phạm vi, lãnh vực)

Sắc nhẹ, nhuyễn, kham: tánh chất của các sắc chất nầy khi nhẹ, khi mềm dẽo, mịn màng, khi chịu đựng (= kham) được sự nóng, lạnh, hay phân tán.

Nhãn châu: Nhãn = mắt; Châu = trái châu, hình tròn, lóng lánh. Nhãn châu tức là thuỷ tinh thể, con ngươi.

Huyết thanh = chất máu loãng, nhiều nước hơn máu.

Phái tính: Phái = giống cái, giống đực; Tính = đặc tánh. Phái tính là các bộ phận đặc biệt riêng của phái nam, hay phái nữ.

Đoàn thực: Xem lại trang 344, Ph. 2

Xứ sắc: theo Luận văn, đó là các chất ngủ yên hay bất động, còn gọi là sắc thùy miên (thùy miên là ngủ).

Nhãn thập: Nhãn = mắt thấy; Thập = mười. Nhãn thập là mười yếu tố vi tế có mặt trong việc thâu nhận màu sắc vào tâm để biết được bằng nhãn thức. Cùng cách nầy mà hiểu nghiã của các danh từ chuyên môn: nhĩ thập, tị thập, v.v.

Sát-na: đơn vị thời gian rất ngắn, bằng i phần ngàn của giây; phiên âm chữ Phạn Ksana.

Nhứt= một; Nhị = hai; Tam = ba;Tứ = bốn; Ngũ= năm

Lục = sáu; Thất = bảy; Bát = tám; Cửu = chín; Thập = mười.

Bán nam bán nữ: Bán = phân nửa; Nam= giống đực; Nữ = giống cái. Người bán nam bán nữ chẳng thuộc một phái tính nào, các bộ phận sanh dục chẳng rõ rệt là nam hay nữ.

Nghiã rốt ráo: nguyên văn trong Bộ Luận là tất cánh nghiã, tức là nghiã xong xuôi, hoàn mãn.

Hữu vi: Hữu = có; vi = làm, tạo tác. Hữu vi là những sự vật do tạo tác mà có, phải chịu sự biến đổi theo các điều kiện thời gian, thời tiết, v.v.; thí dụ như cái nhà, bàn ghế.

Trái nghiã với Vô vi là những sự vật chẳng phải do sự tạo tác mới có, luôn luôn có sẵn đấy, và chẳng hề biến đổi, như Chơn lý, Niết-bàn...

Bất định: Bất = chẳng; Định = xác định, cố định. Bất định có nghiã là chẳng xác định rõ, hoặc có thể dời đổi được.

Hữu lậu: Hữu = có; Lậu = rỉ chảy. Hữu lậu là còn các phiền não từ bên trong rỉ chảy, bộc lộ ra ngoài. Trái nghiã với Vô lậu, là chẳng còn phiền não nữa. Giới, Định, Huệ được gọi là ba môn học vô lậu, vì nhờ đó mà tận diệt được các phiền não, các lậu hoặc. Xem lại trang 371, Ph. 4.

Xuất ly, Xả ly: Xem lại trang 416, Ph. 8.

Ly ái: Ly = lià xa; ái = tham ái, đam mê. Ly ái là lià sự đam mê. Chữ ái đây có nghiã chẳng đặng tốt, vì ham mê.

Điên đảo: Xem lại trang 446, Ph. 8.

Tịnh = sạch sẽ. Trái nghiã với Bất tịnh, chẳng sạch.

Bốn phần của đạo Tu-đà-huờn: đó là (1) diệt tham; (2) bỏ thân kiến, (3) bỏ giới cấm thủ, tức là bỏ các tục lệ dị đoan; (4) bỏ sự nghi ngờ về Chánh pháp.

Cái = che đậy, cái nấp úp lên trên. Ở đây, trang 243, chữ cái chỉ các sự ác dữ che mờ tâm trí, đẩy ta theo đường xấu

Sân khuể = Sân hận = giận hờn.

Kiến thủ: Kiến = ý kiến, tư tưởng; ở đây, trang 244, là tà kiến, ý tưởng sái quấy; Thủ = chấp thủ, giữ chặt điều quấy

Điệu = Trạo = giao động, vụt chạc, chẳng tề chỉnh.

Chiên-đà-la: phiên âm chữ Pàli Candàla, giai cấp hạ tiện ở xả hội Ấn độ cũ.

Tấn tốc: Tấn = tiến tới; Tốc = nhanh chóng. Tấn tốc là sự việc xảy ra nhanh chóng.

Hậu phần: Hậu = sau; Hậu phần là phần sau.

Sa-môn: Xem lại trang 343, Ph. 2.

Mô dạng: hình dáng.

Nghiã câu: Nguyên văn là cú nghiã, cú là câu. Đúng ra là nghiã chữ, nghiã của danh từ.

Chánh trì: Chánh = chánh yếu, quan trọng nhứt; Trì = gìn giữ. Câu "Thân có nghiã là chánh trì" ý muốn nói, thân là nơi chánh yếu để giữ gìn và kham chịu, làm nơi nương tựa.

Chú thuật = bùa chú.

Hữu phần tâm: Hữu = hiện hữu, dòng đời, cuộc sống. Về nghiã của hữu phần tâm, cũng như các biến chuyển khác của Tâm, Luận văn giải thích và cho thí dụ rất rõ ràng.

Chuyển kiến tâm: Chuyển = truyền đi; Kiến = thấy.

Sở thọ tâm: Sở = nơi; Thọ = cảm nhận.

Linh khởi tâm: Linh = khiến, sai, dục; Khởi = nổi lên.

Tốc hành tâm: Tốc = mau chóng; Hành = đi

Bỉ sự tâm: Bỉ = kia, đó; sự = việc.

Thuyết hoá: Thuyết = nói, giảng; Hoá = hoá độ, chuyển hoá, làm cho có sự thay đổi tốt.

Duyên: Trong danh từ Nhân duyên, chữ duyên có nghiã là các điều kiện phụ thuộc làm thay đổi; còn chữ Nhân là nguyên nhân chánh yếu; nếu chẳng có đủ Nhân Duyên thì kết quả chẳng thể xảy ra được.

Dùng như một động từ, duyên theo có nghiã là tùy vào việc trước mà thay đổi theo. Như nói Vô minh duyên Hành, có nghiã là vì có Vô minh đó, nên Hành khởi lên. Xin lưu ý, chẳng phải Vô minh làm sanh ra Hành, nhưng vì có Vô minh ở sẵn đó, cho nên Hành mới phát khởi lên; như thế đó, mới gọi là Vô minh duyên Hành.

Danh-Sắc: Xem lại trang 496, Ph.8

Sáu cõi: Nguyên văn là chư thú, có nghiã là các nẻo, các hướng, tức là sáu cõi Luân hồi: điạ ngục, ngạ qủi, súc sanh, người, A-tu-la, Trời.

Mặc duyên: Mặc = im lặng, trầm lặng. Mặc duyên là duyên ngầm, ẩn kín bên trong.

Lậu hoặc: tên khác của chữ phiền não. Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sai lầm.

Lá ta la: lá cây ta la bên Ấn độ, lá màu xanh đọt chuối, nhỏ cỡ bàn tay. Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn ở rừng Ta la (Ta la song thọ).

Thú tướng: Thú = hướng, nẻo; Tướng = điềm báo trước. Thú tướng điềm báo trước sẽ tái sanh vào nẻo nào.

Hậu hữu: Hậu = sau; hữu = cuộc sống. Hậu hữu là kiếp tái sanh về sau.

Khiên = dắt giây, lôi kéo theo sau.

Cộng nghiệp: Nghiệp chung, như các công dân trong một quốc gia chịu chung cảnh hưng phế của cả nước.

Hoá sanh: sanh chẳng qua trung gian bào thai, sanh thẳng vào một cảnh giới khác.

Tương nhiếp: Tương = chung; Nhiếp = bao gồm vào.

085. Suy gẫm về Chi 1, Ph. 11: Năm Phương tiện:

1) Quan niệm sai lầm về con người: thân kiến.

Thân kiến là sự cố chấp vào thân tâm nầy, xem đó chính là Ta. Đây là một tà kiến, vì bị vô minh che lấp mà tâm trí vướng phải, kể từ ngày biết ăn biết nói cho đến nay, rất khó mà dẹp bỏ hẳn.

Vì tâm trí còn mê mờ, nên con người cứ tưởng rằng thân nầy, tâm nầy chính là Ta, chẳng biết rằng khi phân tách rõ ràng ra thì thấy thân tâm đó chẳng qua là sự tập hợp của năm ấm: sắc ấm là phần vật chất thuộc về thân; còn các ấm:thọ, tưởng, hành, thức ấm là phần tinh thần thuộc về tâm. Phân tách như thế, chẳng thấy có yếu tố nào Ta, Ngã cả; thế mà phàm phu lại cho rằng chính Ngã, chính Ta đang hoàn toàn làm chủ, ngự trị trong thân tâm đó. Chủ à? Thân thấp lùn, "chủ" nó muốn nó cao hơn lên một chút có được không? Ngự trị à? Khi đau ốm nặng sắp lià đời, cái Ta, cái Ngã còn có ngự trị được nơi thân tâm năm ấm nầy nữa không, hay là bị các nhân duyên phân tán đến làm tan rả sự kết hợp của thân tâm năm ấm?

Luận văn đã phân tách rất tỉ mỉ năm ấm, sự phối hợp, cùng sự tan hoại của chúng, chính là nhằm vào mục đích chỉ rõ trong thân tâm nầy chẳng có một chúng sanh nào cả, cũng chẳng hề có số phần, thọ mạng nào đã kéo dài mãi cuộc sống sướng ít mà khổ thật nhiều nầy đây.

Bảo rằng giữ thân kiến điều sai lầm, vẫn còn chưa đủ để khiến hành giả ra công tu tập để loại bỏ tà kiến đó. Phải chỉ cho thấy, và chính hành giả nhìn thấy, bằng tai, bằng mắt, bằng tâm rằng thân tâm nầy chẳng phải là Ta, rõ ràng chẳng chẳng còn chút nghi ngờ nào, bấy giờ mới có cơ mà mong bỏ được sự chấp thủ cố hữu vào thân kiến, hay ngã kiến. Đã thấy rồi, đã thể nghiệm rồi, cũng vẫn phải còn năng quán tới, quán lui về năm ấm, cho đến khi nào, thân tâm nầy đang chịu khổ, chẳng còn mở miệng than thở: Ta đây khổ quá! Thân tâm nó khổ, chớ có Ta nào vô đó mà chịu khổ thế cho thân tâm đâu?

2) Vì bám níu mà chịu Khổ mãi ở cảnh Luân hồi:

Ai ai cũng thích được sung sướng, an lạc, có ai đâu lại đi ham sự đau khổ, đầy đoạ tấm thân? Nhưng thích được sướng là một lẽ, còn bám níu mãi vào sự đam mê lại là một lẽ khác. Ai cũng muốn mắt nhìn sắc đẹp, tai nghe lời dịu dàng, mũi ngữi hương thơm, lưỡi nếm vị ngọt, thân sờ vật trơn láng. Đồng ý! Nhưng cố chạy theo sắc đẹp, vượt núi trèo non để tìm món ngon vật lạ, mà sự hưởng thụ chỉ có được trong chốc lát, sao chẳng biết đang khổ công tốn thì giờ theo đuổi, cái sướng có đến cũng đâu bù vào nỗi nhọc tâm lao trí đi tìm.

Sự bám níu có nhiều hình thức, từ sự bám níu nhỏ nhặt, như ăn bát phở đòi có cho được miếng ớt cay, qua sự đòi hởi các tiện nghi vật chất phù phiếm như mặc áo quần tơ lụa, đến các xa hoa loà lẹt như nước hoa đắt tiền, phấn son trang điểm, vô tình đã kết buộc khiến cho thân phải hùng hục lo "đi cày" để có đủ phương tiện tiền bạc mà cung phụng, tâm phải lo lắng, đua đòi chạy theo cho kịp thời trang để hãnh diện. Sao chẳng tự hỏi, nếu đem tấm lòng bám chặt vào các điều hào nhoáng đó mà ích lợi chỉ có trong nhứt thời, để nghĩ đến tấm lòng kiên trì, bền chí theo đưổi một mục tiêu chánh đáng hơn: giải thoát thân tâm mình ra khỏi các ràng buộc của thói đời còn tranh hơn thua nhau từng chút.

Bắt nguồn từ lòng tham không đáy, sự bám níu thể hiện dưới muôn hình vạn trạng trong cuộc tranh danh, đoạt lợi nơi cuộc sống xô bồ ở thế tục. Có một lại muốn thêm được mười cho chẵn chục, leo lên được bực thang danh vọng đầu tiên rồi, còn muốn vươn tới tột đỉnh, rồi vẫn chẳng chịu cho là đủ, cứ muốn thêm, thêm mãi, vô cùng. Sao chẳng biết rằng, dầu danh cao đến bậc nào rồi cũng có lúc tàn phai, sao chẳng hiểu cho dầu tiền rừng bạc biển rồi cũng có ngày sụp đổ, cháy túi cạn khô! Các thú vui còn mang nhiều phiền não, loé lên một chốc, rồi tàn lụn theo thời gian. Chỉ có niềm vui an lạc, tâm trạng thơ thới, xem mọi cám dỗ của cuộc đời như mồi như lưới, mới đưa tới nơi giải thoát: đặt gánh nặng bám níu trên vai xuống.

Trong khi phân tách các Phương tiện Ấm, Nhập, Giới, Luận văn đã nêu rõ các mối ràng buộc thân tâm, từ bên ngoài hay sẵn có bên trong, đều do sự bám níu cố hữu của con người vào các thú vui hữu lậu, và con đường giải thoát chính là sự tự mình cởi bỏ lấy mình: thôi, chẳng bám níu vào đâu nữa, để kiên trì giữ vững Bồ-đề tâm.

3) Phương tiện Nhân duyên chỉ rõ thân phận con người tùy thuộc vào chính mình.

Trong khi giáo lý các tôn giáo khác đã vấp phải chỗ tắc tị khi cố tìm cách để giải thích sự tạo thành thế giới, với một vị Thượng đế toàn năng, thì Luận văn dựa theo giáo lý nhà Phật đã giải thích thân phận con người sanh hoạt trong thế giới, bằng những lý lẽ cụ thể, rõ ràng, có thể kiểm chứng được theo các tiêu chuẩn khoa học. Đó là Lý thuyết Mười Hai Nhân Duyên, một lý thuyết đặt căn bản trên sự quán sát khách quan, chẳng dựa vào các lập luận mơ hồ, vu vơ, đầy tánh cách võ đoán. Thuyết Mười hai Nhân Duyên có một tầm quan trọng bực nhứt vì đã vạch rõ thân phận con người, do đâu mà có, vì sao phải chịu cảnh Khổ triền miên trong vòng sanh tử Luân hồi, và làm cách nào để thoát ra khỏi, để được giải thoát và an lạc vĩnh viễn. Vì lý do đó, người học giáo lý nhà Phật phải đặt hết sự chú tâm và lòng bền chí để tìm hiểu, để thông suốt, để thực hành, và để đạt cho được mục tiêu cuối cùng là con đường giải thoát.

Lý Mười hai Nhân Duyên được trình bày trong Luận văn, từ dễ đến khó, từ giản dị rõ ràng, có thể nghiệm thấy được, kiếm chứng được, cho đến chỗ vi diệu, siêu thoát, vượt khỏi xa sự hiểu biết thông thường của phàm phu. Và để cho người thường có thể vươn lên từ từ đến chỗ rốt ráo, Luận văn đã nêu ra các bước tìm hiểu, tuy khó khăn, nhưng với nỗ lực, bền chí và với Trí Huệ từ từ được khai sáng trên con đường tu tập, hành giả, hoặc trong đời nầy, hoặc vào các đời sau, tùy theo căn cơ chậm lụt hay bén nhạy của mình mà học tập, mà thấm nhập vào và rồi sẽ hưởng dụng được con đường thênh thang giái thoát đang mở rộng.

Lý thuyết Mười hai Nhân Duyên rất giản dị, có thể tóm tắt thành hai câu ngắn gọn như sau:

Vì cái nầy có, nên cái kia có theo;
Vì cái nầy diệt, nên cái kia diệt theo.

Lý Mười hai Nhân duyên, dùng các danh từ chuyên môn hơi khó hiểu, nhưng Luận văn đã giải thích vừa rõ ràng, vừa tỉ mỉ, để vạch rõ sự liên hệ tương tục giữa các Nhân Duyên.

Nhưng Lý Mười hai Nhân Duyên rất cao siêu, nên Luận văn đã giải thích chỗ cao siêu ấy bằng sự vận hành của mỗi nhân duyên, mà chỉ có bực Thánh mới thông hiểu rõ được; phàm phu chúng ta chỉ nên học qua sự vận hành đó, rồi với thời gian tu tập, Trí Huệ càng khai sáng, mới mong tự mình thấy rõ, thông suốt được và kiểm chứng lại được. Nếu tạm gát qua các chỗ cao siêu, sự liên hệ tương tục giữa các Nhân duyên vẫn có thể nắm giữ để hiểu được ít nhiều, hay nếu căn cơ bén nhạy, thấy được sâu xa hơn. Điều quan trọng, khiến cho vòng tròn Mười hai Nhân Duyên cứ xoay vần mãi chẳng dứt là cả mười hai nhân duyên cứ tiếp tục nhau vận chuyển, khép kín lại, chẳng còn có ngõ nào thoát ra khỏi. Điều quan trọng thứ nhì là phải tìm cách phá vỡ một hay hai nhân duyên, để cho vòng tròn bị gãy đứt, khiến cuộc Luân hồi phải ngừng quay, và đưa ta ra khỏi vòng sanh tử, tử sanh chẳng dứt.

Có ba nhân duyên, một khi được bỏ dứt khoát, khiến chấm dứt được nỗi khổ đau triền miên của Luân hồi. Đó là: vô minh, ái thủ. Sự vô minh là sự ngu tối, nhất đán trong một thời kỳ chẳng thể xoá bỏ ngay, vì còn cần được Trí Huệ từ từ khởi lên trong khi tu tập soi sáng thêm. Ái là sự tham ái, sự đam mê, vì thích vì ham mà có tham ái; tuy tham ái tuỳ thuộc vào lòng mình, do mình muốn hay hết muốn mà ra, nhưng rất khó mà dẹp ngay được. Tại sao? Vì có năm giác quan đòi hỏi được thoả mãn, như đã có xét qua, mắt đòi nhìn sắc đẹp, tai muốn nghe lời nói dịu dàng, êm ái, v.v. Chỉ có thủ là bám níu chặt chẽ vào điều ưa thích là ta có thể gở ngay ra được. Thấy sắc đẹp, ưa nhìn thì cứ nhìn, nhưng đừng có quá ham mê. Hễ chỉ nhìn mà chẳng say đắm, thì thủ bị gạt ra ngoài. Do đó, chẳng cần phải dài dòng, cứ nhằm ngay chỗ thủ, chỗ bám níu đánh vào, đánh mạnh buổi đầu, về sau, chỉ cần một chút nhẹ tay cũng thoát được sự bám níu. Thủ mà bị phá, vòng Luân hồi quay theo Mười hai Nhân Duyên bị đứt khúc, có kẽ hở để thoát rồi; bấy giờ còn chút nghiệp dư phải trả xong nợ, là thênh thang bước vào con đường giải thoát của Niết-bàn.

Việc tu hành, tóm gọn lại, chỉ có thế, nhưng chẳng biết khoảng đời còn lại của mình có đủ thời giờ để thực hiện cho hoàn mãn chăng?...

4) Việc học tập Lý thuyết Mười Hai Nhân Duyên ngày nay là để gieo duyên cho đời sau giải thoát.

Lý thuyết Mười Hai Nhân Duyên đã được Luận văn trình bày tỉ mỉ và cặn kẽ, thế mà việc tìn hiểu và suy gẫm như đã viết trong những dòng trên đây, quả thực là vừa thiếu sót, vừa non nớt. Điều đó chỉ có thể trách cứ nơi căn cơ còn quá chậm lụt của người viết mà tâm trí vẫn còn bị che mờ, khi Trí huệ chưa được sự học tập khai sáng rõ thêm. Nhưng người viết chẳng vì sự ngu tối của mình mà ngưng hẳn ngang đây việc tìm hiểu, học tập và suy gẫm, cứ nghĩ rằng mỗi một cố gắng nho nhỏ của mình cũng đóng góp vào việc thành công rực rỡ cho đời sau. Vì thế, chỉ mong người đọc thương tình, nghĩ đến thiện chí của kẻ viết mà xí xoá cho tội liều lĩnh, dám luận bàn đến một áng văn sở dĩ được sáng tác là để dành riêng cho các bực tu hành đã đi xa trên đường Đạo. Nếu cơ duyên may mắn ở đời sau được thuận tiện để góp phần vào, người viết xin thiết tha tâm nguyện một điều: nguyện sẽ để trọn đời học tậpthực hành đúng theo lời dạy của Đức Thế tôn.

-----*-----

Phần Tìm Hiểu Phẩm 11: Năm Phương tiện

Chi 2: Thánh đế Phương tiện.

Chuyển tiếp: Phẩm 11: Năm Phương tiện, gồm có hai Chi. Trong Chi 1vừa qua, Luận văn đã trình bày các Phương tiện Ấm, Nhập, Giới Nhân Duyên, là các phương tiện xét rõ về bản thân con người, thân phận và hoàn cảnh.

Trong Chi 2 này, Luận văn trình bày nốt Phương tiện thứ năm, nói về các Thánh đế. Hiểu rõ và thi hành đúng theo các Thánh đế nầy, Trí Huệ khởi lên, làm sáng tỏ thêm con đường giác ngộ và giải thoát, theo đúng mục tiêu của Đạo Phật.

086 Dàn bài của Chi 2, Phẩm 11.

I. Nhập đề: Chẳng có Phần Nhập đề, vì Chi 2 coi như đang tiếp tục Chi 1, luận bàn về Năm Phương tiện để làm khởi lên Trí Huệ nơi hành giả.

II. Thân bài: Có năm phần rõ rệt, bốn phần đầu nói về Bốn Thánh đế, còn phần thứ năm chỉ rõ các cách tìm hiểu thêm về các Thánh đế đó.

Thánh đế: Thánh là bực Thánh, chứng được cõi vô sanh, giải thoát khỏi vòng Sanh tử Luân hồi; đế là Chơn lý.

Bốn Thánh đế là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

A. Khổ Đế:

1. Có bảy sự khổ: (1) sanh, (2) già, (3) bịnh, (4) chết, (5) oán ghét mà phải gần nhau, (6) thương yêu mà phải xa nhau, (7) cầu chẳng được. Tóm lại, năm thọ ấm phải chịu sự Khổ.
2. Thế nào là năm thọ ấm?
3. Thế nào là khổ khổ, hoại khổ hành khổ?

B. Tập đế: Còn gọi là Khổ Tập thánh đế, tức là các nguyên nhân gây ra nỗi Khổ. Nguồn gốc của sự Khổ là khát ái.

1. Vì có khát ái, nên khiến cho phải tái sanh trở lại mãi.
2. Vì khát ái cùng với tham dục đồng khởi lên.
3. Ba hình thức: dục ái, hữu ái, bất hữu ái. Dục ái là sự tham ái nơi cõi dục giới; hữu ái là sự tham ái do thường kiến thúc đẩy, muốn được sống (= hiện hữu) mãi; bất hữu ái là sự tham ái muốn chẳng còn phải hiện hữu nữa, đồng khởi lên với đoạn kiến (= tư tưởng nghĩ rằng chẳng còn có đời sau gì cả).

C. Diệt đế: Còn gọi là Khổ Diệt thánh đế, tức là sự tận diệt các ngưồn gốc gây ra sự Khổ.

1. Tận diệt sự khát ái, xa lìa sự khát ái được giải thoát.
2. Chứng đắc được
vô sanh, chẳng phải tái sanh nữa.

D. Đạo đế: Còn gọi là Khổ diệt đạo thánh đế, tức là tám yếu tố của Bát Chánh Đạo, con đường đưa đến sự tận diệt mọi Khổ não.

1. Bát Chánh Đạo gồm có:

Chánh kiến: thông suốt bốn Chơn lý Nhiệm mầu, tức là Bốn Thánh đế; lại nữa, biết rõ ràng về Niết-bàn;

Chánh tư duy: suy nghĩ về ba điều thiện(sơ thiện, trung thiện, hậu thiện), và giác ngộ về pháp Niết-bàn;

Chánh ngữ: xa lìa bốn lỗi lầm về lời nói (nói dối, nói thô ác, nói lưỡi đôi chiều, nói vô nghiã), bỏ hẳn tà ngữ;

Chánh nghiệp: lìa bỏ ba hành nghiệp xấu ác: về thân, miệng và ý; dứt bỏ hẳn tà nghiệp;

Chánh mạng: lià bỏ các nghề chẳng chơn chánh, dứt hẳn tà mạng;

Chánh tinh tấn: theo đúng bốn chánh cần: (1) việc ác chưa khởi, chẳng cho khởi; (2) việc ác đã khởi, cố tiêu diệt; (3) việc thiện chưa khởi, khiến khởi lên; (4) việc thiện đã khởi, làm tăng trưởng thêm; dứt hẳn tà tinh tấn;

Chánh niệm: tu tập bốn niệm xứ, luôn nhớ nghĩ đến Niết-bàn;

Chánh định: tu tập bốn cấp Thiền; tu tâm sao cho chuyên nhứt luôn luôn hướng về Niết-bàn.

2. Bát Chánh Đạo và 37 phẩm Trợ Đạo (Bồ-đề pháp)

Chánh kiến bao gồm huệ căn, huệ lực, huệ lực như ý túc, trạch pháp giác phần;

Chánh tinh tấn bao gồm tinh tấn lực, tinh tấn như ý túc, tinh tấn giác phần, tứ chánh cần;

Chánh niệm bao gồm niệm căn, niệm lực, niệm giác phần, khinh an giác phần, tứ niệm xứ;

Chánh định bao gồm định căn, định lực, định lực như ý túc, tín căn, tín lực, định giác phần, hỉ giác phần, khinh an giác phần, xả giác phần.

E. Những cách tìm hiểu thêm về Tứ Đế:

1. Tại sao chỉ nói có bốn Thánh đế, mà chẳng nói có 3 Thánh đế hay 5 thánh đế?

Đáp: Nói bốn Thánh đế, vì có hai cặp Nhân Quả:

- Nhân Quả thế gian: Khổ đế là Quả ở thế gian; Tập đế là Nhân ở thế gian;
- Nhân Quả xuất thế: Diệt đế là Quả xuất thế

Đạo đế là Nhân xuất thế.

2. Nói bốn Thánh đế, vì có bốn việc cần làm:

- Khổ đế cần phải biết rõ;
- Tập đế cần phải đoạn trừ;
- Diệt đế
cần phải chứng đắc;
- Đạo đế
cần phải tu tập.

3. Theo nghiã chữ mà hiểu thêm về Bốn Thánh đế:

- Thánh là do bực Thánh chỉ dạy, và thi hành theo đúng hoàn toàn thì trở nên bực Thánh;
- Đế như nghiã (= nghiã đúng như thế), tức là Chơn lý tuyệt đối;

- Khổ là phải chịu hậu quả khổ đau;
- Tập là nguyên nhân, nguồn gốc gây ra Khổ;
- Diệt là tận diệt cho hết, chẳng còn gốc rễ;
- Đạo là con đường cho thấy đệ nhứt nghiã.

4. Theo tướng khởi lên mà hiểu thêm về Tứ Đế:

- Khổ tướng của sự đau đớn, âu lo, hữu vi
-
Tập tướng của sự kết tụ, dính mắc;
- Diệt tướng của sự xuất ly, vô vi;
- Đạo tướng của sự đưa tới nơi, nương tựa.

5. Theo thứ lớp thuyết giảng, mà hiểu thêm về Tứ đế:

- Khổ đế được nói đến trước, vì cụ thể, dễ thấy; kế nói đến Tập đế vạch rõ do đâu mà bị khổ; rồi giảng đến Diệt đế là sự an lạc sau khi diệt hết khổ; sau cùng chỉ cho cách phải làm sao cho hết khổ, tức là Đạo đế.

- Cũng như cách chẩn bịnh của lương y giỏi: trước giảng Khổ đế đoán bịnh trạng, đang bị bịnh như thế nào; kế nói đến là Tập đế căn bịnh, do đâu mà mắc bịnh; rồi tới Diệt đế phục hồi sức khoẻ, khi trừ dứt xong căn bịnh; sau cùng, Đạo đế thuốc thang để trị lành căn bịnh.

6. Do nói tóm lược mà hiểu thêm về Tứ đế:

- Sanh là Khổ: Sanh ra là Khổ đế; khiến cho phải sanh ra là Tập đế; chấm dứt sự tái sanh là Diệt đế; con đường chấm dứt tái sanh là Đạo đế.

- Phiền não là Khổ: nơi có phiền não là Khổ đế; gây ra phiền não là Tập đế; đoạn trừ các phiền não là Diệt đế; phương tiện đoạn trừ phiền não là Đạo đế.

- Dẹp bỏ các tà kiến: Khổ đế đóng chặt cửa thân kiến; Tập đế bế cửa đoạn kiến; Diệt đế khép cửa thường kiến; Đạo đế khoá cửa tà kiến.

7. Dùng thí dụ để hiểu thêm về Tứ đế:

- Khổ đế như cây có thuốc độc;
Tập đế như hột giống của cây độc đó;
Diệt đế như đốt cháy cây độc đó;
Đạo đế
như lửa dùng để đốt cây độc đó.

- Khổ đế như bờ bên nầy còn đau khổ;
Tập đế như lũ lụt gây đau khổ;
Diệt đế như bờ bên kia, hết đau khổ;
Đạo đế
như chiếc thuyền đưa sang bên kia.

- Khổ đế như gánh nặng trên vai;
Tập đế như đang vác gánh nặng;
Diệt đế như đặt gánh nặng xuống;
Đạo đế
như phương tiện để trút gánh nặng.

8. Do sự phân biệt bốn loại Đế (= Chơn lý) mà hiểu thêm về Tứ thánh đế:

- Ngữ đế là lời nói chơn thật, đúng với Chơn lý
-
Các các đế là các kiến văn, các sự hiểu biết đúng theo Chơn lý;
- Đệ nhứt nghi
ã đế là Chơn lý tuyệt đối, cái nghiã đúng với sự thật vào bực nhứt;
- Thánh đế là Chơn lý tu hành của bực Thánh.

9. Do sự đồng nhứt về nghiã của Tứ Thánh Đế, mà hiểu thêm về Tứ Đế, vì mỗi Thánh đế đều có

- Nghiã đế: chứa đựng nghiã đúng Chơn lý;
-
Nghiã như: là như thế, chẳng thể đổi khác;
-
Nghiã pháp: đều chứa pháp tu để thực hành
- Nghiã không: bản thể rỗng rang, trống vắng

10. Do sự phân biệt thành Thế đế và Xuất thế đế, mà hiểu rõ thêm về Tứ đế: (Thế = thế gian).

- Thuộc về Thế đế, còn hữu lậu, hữu vi, hữu biên, ràng buộc, che lấp, có Khổ đế, Tập đế.
-
Thuộc về Xuất thế đế, vô lậu, vô vi, cởi mở, giải thoát, có Diệt đế, Đạo đế.

11. Do sự liệt kê các yếu tố và do sự xếp loại thành một loại cho đến mười loại, Luân văn liệt kê và xếp loại chẳng được rõ ràng, rất khó cho ta hiểu thêm được chút gì về Tứ đế, nên xin miễn ghi vào Dàn bài nầy cho khỏi lầm lộn.

087. Tìm hiểu nghiã các chữ khó trong Phẩm 11, Chi 2 về Thánh đế phương tiện.

Thánh đế: Thánh = bực Thánh, bực đã chứng được cõi vô sanh, nghiã là chẳng còn phải tái sanh lại trong vòng lẩn quẩn của Luân hồi. Bốn quả vị ở hàng Thanh văn: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm vì còn phải tái sanh nên được sắp vào bực Hiền; còn quả vị thứ tư là A-la-hán đã tận diệt các phiền não, chứng đắc vô sanh, nên được sắp vào hàng Thánh.

Đế = Chơn lý tuyệt đối, chẳng thay đổi theo không gian và thời gian. Bốn Thánh đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế Đạo đế còn được gọi là Tứ Đế hay Tứ Diệu Đế, được dịch là Bốn Chơn lý Nhiệm mầu.

Tứ Đế được Đức Phật Thích-ca thuyết giảng lần đầu tiên, sau khi Ngài thành đạo ở Bồ-đề đạo tràng, Ngài đi đến vườn Lộc Uyển giảng cho năm anh em ông Kiều trần như nghe, năm người nầy vốn là bạn đạo cũ của Đức Phật. Khi nghe xong, ông Kiều trần như chứng được quả Thánh.

Ưu bi: Ưu = lo lắng; Bi = thương cảm, thương xót. Ưu bi là một nỗi khổ vì quá lo lắng và thương cảm.

Khổ khổ = một nỗi Khổ chồng chất thêm lên trên một nỗi Khổ khác đang gánh chịu.

Năm thọ ấm = năm thủ uẩn = Thọ = cảm nhận, thọ lãnh, nhận chịu; Ấm = Uẩn = sự tập hợp chung lại của nhiều thứ cùng loại hay khác loại; khi nói ấm hay uẩn là ý muốn nói đến sự tu hội có tánh cách che mờ, vì có nhiều thứ nên chẳng thấy rõ được mỗi thứ. Năm ấm hay Năm uẩn chỉ vào thân tâm con người; sắc ấm phần vật chất chỉ vào thân, còn bốn ấm kia, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm thức ấm là phần tinh thần thuộc về tâm. Khi nói thân tâm năm ấm, là muốn nói nơi thân tâm nầy chỉ có năm ấm đó mà thôi, chẳng còn có yếu tố nào khác để có thể chứng tỏ được rằng có một chúng sanh, có một thọ mạng, để bác bỏ hai tà kiến về thân kiến ngã kiến.

Lại nữa, khi nói năm thọ ấm (tức là năm ấm đang cảm thọ) có hàm ý nghiã rằng, các nỗi khổ sở dĩ có khởi lên thì đều do thân tâm năm ấm nầy phải hứng chịu. Nói cách khác, thân tâm năm thọ ấm nầy chính là nạn nhơn gánh lấy các nỗi khổ của cuộc đời; giả dụ chẳng còn năm thọ ấm đó nữa, thì Khổ phải tiêu diệt hẳn.

Còn khi nói năm thủ uẩn (tức là năm uẩn đang được bám níu vào) có hàm nghiã rằng, chúng sanh sở dĩ chịu nạn Khổ của cuộc sống trong Luân hồi, là vì chúng sanh quá bám niú vào năm uẩn đó. Sự bám níu lúc còn sống muốn thân tâm sung sướng mà chẳng được thì khổ; đến lúc sắp chết, càng bám níu vào thân tâm năm uẩn, vì thế mà phải tái sanh lại.

Xứ khổ: Xứ = nơi chốn; Xứ khổ là nơi xảy ra sự khổ, tức là nơi thân tâm nầy.

Tự tánh khổ: Tự tánh = bản tánh riêng biệt của một ai; Tư tánh khổ muốn nói đến từng cảnh khổ riêng biệt khác nhau, như nhức răng là khổ đặc biệt ở răng trên thân; buồn lo là cõi lòng đang bị khổ; cái khổ nhức trước có tự tánh khác với cái khổ sau về lo buồn.

Hoại khổ: Hoại = hư hoại, tiêu mất đi; Hoại khổ là nỗi khổ gây nên bởi sự tiêu hoại; thí dụ như thấy cuộc vui tan dần, muốn tiếp tục vui nữa chẳng được thì là hoại khổ.

Hành khổ: Hành = hành nghiệp, những hành động đã qua do thân, miệng, và ý tạo nên, qua thời gian bị biến đổi theo lẽ vô thường, nên gây ra cảnh Khổ.

Dục ái: Dục = ham muốn; Ái = thương, thích. Dục ái lại có nghiã sự tham đắm vào các thú vui ở cõi dục giới.

Hữu ái: Hữu = hiện hữu, cuộc sống; Hữu ái là sự tham muốn được luôn sống mãi, vì vướng phải tà kiến: thường kiến. Tà kiến nầy cho rằng linh hồn bất diệt, đã sanh làm người, chết đi linh hồn cũng sẽ thành lại người như trước.

Bất hữu ái = Phi hữu ái: Bất = chẳng có; Phi = chẳng phải. Bất hữu ái hay Phi hữu ái là sự tham muốn chẳng phải tái sanh, vì vướng phải tà kiến: đoạn kiến. Tà kiến nầy cho rằng chết đi là hết cả, chẳng có đời sau.

Chứng đắc: Chứng = thấy rõ bằng tai, mắt, có kinh nghiệm rõ rệt; Đắc = được. Thí dụ như tu tập đạo Tu-đà-huờn thành công viên mãn thì chứng đắc đuợc quả vị Tu-đà-huờn.

Bát Chánh đạo phần: Bát Chánh Đạo là con đường tu tập đưa con người đến cảnh giới Niết-bàn, chứng đắc được vô sanh. Chữ Phần đây có nghiã là các phần, các thành phần, các yếu tố, tức là từ Chánh kiến cho đến Chánh định. Nói cách khác, Bát chánh đạo phần là con đường tu tập gồm có tám ngành, tám yếu tố, tám thành phần, ...

Tứ niệm xứ: Tứ = bốn; Niệm = suy tưởng; Xứ = nơi chốn, lãnh vực. Tứ niệm xứ là bản Kinh quan trọng của Đức Phật dạy cách quán tưởng về bốn lãnh vực: (1) thân thì bất tịnh; (2) thọ thì khổ; (3) tâm thì vô thường; (4) pháp (= sự vật) thì vô ngã.

Nê-hoàn: một danh từ khác để chỉ Niết-bàn

Tà nghiệp, Tà mạng, định: Tà = xiêng xéo, chẳng chơn chánh, chẳng đứng đắn; Tà nghiệp là hành động xấu ác; Tà mạng đường lối mưu sanh chẳng chơn chánh; định là quán tưởng về đề tài mê tín, dị đoan, dữ ác.

Huệ căn, Huệ lực: Huệ = trí huệ; Căn = nguồn cội; Lực = sức mạnh. Huệ căn là căn cơ của Trí huệ, nơi phát lên Trí huệ. Huệ lực là sức mạnh của Trí huệ, sức chiếu sáng rực rỡ của Trí huệ.

Ba mươi bảy pháp Bồ-đề = 37 phẩm Trợ đạo: Đây là các môn học thuộc giáo lý nhà Phật đưa hành giả đến nơi giác ngộ và giải thoát. Gồm có: (1) Tứ niệm xứ, (2) Tứ chánh cần, (3) Tứ như ý túc, (4) Ngũ căn, (5) Ngũ lực, (6) Thất giác chi, (8) Bát Chánh đạo: 4+4+4+5+5+7+8 = 37. Danh từ Hán Việt gọi là Tam thập thất Đạo phẩm.

Nghiã như: Như = tiếng Hán Việt là Như thị, có nghiã là Như thế, tức là đúng theo Sự thật, như thế là như thế.

Hữu vi: Hữu = có; Vi = làm, tạo tác ra. Hữu vi là sự vật do sự tạo tác mà có, nên chịu sự biến đổi theo các điều kiện về thời gian, không gian. Hữu vi trái nghiã với Vô vi, tức là các sự vật chẳng do tạo tác mới có, đã có sẵn tự bao giờ chẳng biết, thí dụ như Chơn Lý, Niết-bàn, v.v. Pháp (= sự vật) vô vi chẳng bị biến đổi bởi các nhơn duyên, điều kiện hoàn cảnh, như thế là cứ như thế mãi.

Hữu biên: Hữu = có; biên = ranh giới. Sư vật hữu biên là sự vật có giới hạn. Hữu biên trái nghiã với vô biên, tức là pháp(= sự vật) chẳng có giới hạn, thí dụ:không gian, thời gian.

Tướng chuyên chở: Nguyên văn là thừa tướng, thừa có nghiã là chiếc xe để chuyên chở. Ý ở đây, trang 270, có nghiã là có tướng của một phương tiện chuyên chở, đưa hành giả tới nơi giác ngộ và giải thoát.

Chẩn bịnh: Chẩn = xem mạch đoán bịnh. Chẩn bịnh là nói rõ bịnh trạng, đang bị đau ốm về chứng gì.

Lương y = vị thầy thuốc giỏi, xem đúng bịnh, và trị bịnh mau lành.

Bế = đóng kín chặt lại.

Ngữ đế: Ngữ = ngôn ngữ, tiếng nói; Đế = Chơn lý. Ngữ đế là lời nói đúng Chơn lý, hoặc Chơn lý được trình bày dưới hình thức ngôn ngữ thật rõ ràng.

Các các đế: Các = mỗi thứ; Đế = Chơn lý. Ở đây chữ các các đế được Luận văn giải thích, ở trang 271, là các sự hiểu biết, các kiến thức đều phù hợp với Chơn lý.

Đệ nhứt nghiã đế: Đệ nhứt nghiã là nghiã cao tột nhứt, chẳng còn gì đúng hơn nữa. Đệ nhứt nghiã đế là Chơn lý tuyệt đối; trong khi Chơn lý ở thế tục, đời sống thông thường thì chỉ là Tục đế, chơn lý tương đối mà thôi; tại vùng nầy, điều nầy là đúng, nhưng tới vùng khác, điều ấy có thể sai.

Khát ái: Khát = khao khát, thèm thuồng quá. Khát ái chỉ sự đam mê quá mức.

Kết sử: Xem lại trang 514, Ph. 10.

Đế nghiã: Đế = Chơn lý; Nghiã = ý nghiã. Đế nghiã là có ý nghiã như một Chơn lý.

Như nghiã: Xem lại bên trên, trang 552.

Pháp nghiã: Pháp = pháp tu, pháp tắc. Pháp nghiã là có ý nghiã như một pháp tắc phải tuân theo.

Không nghiã: Không = rỗng rang. Không nghiã là có ý nghiã như sự rỗng rang, chẳng chứa đựng gì, chẳng có bản thể, chẳng có thực chất, trống vắng.

Thế đế: Thế = đời; đời sống thế tục. Thế đế cũng như Tục đế, là các chơn lý tương đối ở đời sống thông thường.

Xuất thế đế: Xuất = ra khỏi; Thế = đời. Xuất thế đế là các Chơn lý vượt khỏi đời sống thế tục, đưa hành giả thoát khỏi vòng sanh tử, tử sanh của Luân hồi, chứng đắc Niết-bàn an lạc.

Thân tánh = bản tánh của thân thể. Luận văn viết, nơi trang 273, bốn nơi của thân tánh, mà chẳng nêu rõ bốn nơi nào? Trong khi đó, Luận văn có viết: sáu điều khát ái về thân; câu nầy ta có thể suy ra mà hiểu đó là các sự khát ái ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Năm nẻo tái sanh: Năm nẻo đó là: điạ ngục, ngạ qủi, súc sanh, người và A-tu-la (= bực Thần)

Sáu điều khát ái: Xin xem chữ Thân tánh ở trên.

Tám ngọn gió thế gian = tức là tám điều làm cho tâm phải xao động, như bị gió thổi vậy. Gồm có: lợi, suy, huỷ, dự, xưng, cơ, khổ, lạc tức là: có lợi, bị hư hao, lời nói xấu, lời khen, lời tâng bốc, lời chê, khổ và sướng.

Tà biên: Tà = xiêng xéo, chẳng chơn chánh; Biên = ngoài bià, ngoài ven. Luận văn viết, trang 273, tám điều tà biên, nhưng chẳng nêu rõ tám điều ấy. Thường trong Phật học có nói đến nhị biên tức là hai bờ ranh giới đối chọi nhau, mà chẳng bên nào đúng cả; thí dụ như thường kiến đoạn kiến; hoặc chấp có với chấp không.

Chín cảnh giới cư trú của chúng sanh: Danh từ Hán Việt gọi là Cửu điạ, gồm có một cõi dục giới, bốn cõi Thiền và bốn cõi Định.

Mười phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên và dưới, cộng chung lại là mười phương.

088. Suy gẫm về Phương tiện Bốn Thánh đế:

1) Bốn Chơn lý Nhiệm mầu. Trong bản Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật nêu rõ Bốn Chơn lý Nhiệm mầu, theo đó thân phận mọi chúng sanh phải chịu cảnh trầm luân triền miên trong vòng Luân hồi và Ngài vạch rõ con đường giải thoát khỏi cảnh Khổ đó. Bốn Chơn lý đó được các bực Đại sư gọi là bốn Thánh đế, nghiã là bốn Chơn lý của bực Thánh đã giảng dạy và người nghe, nếu thi hành theo đúng, sẽ vươn lên được bực Thánh, tức là thoát khỏi cảnh Khổ triền miên, sống trong niềm an lạc của Niết-bàn. Trước Ngài, và sau Ngài, chưa từng có ai đã nêu rõ Chơn lý của cuộc đời như thế, cho nên mới gọi là Bốn Chơn lý Nhiệm mầu.

Cơ duyên may mắn cho chúng sanh là được biết đến và học tập về Bốn Chơn lý đó. Lời Ngài giảng, căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, trên sự chứng đắc rõ ràng, chớ chẳng phải là những tràng lý luận suông, dựa trên sự ức đoán. Từ ngày được thuyết giảng đến nay, đã có bao nhiêu là bực Người, Trời dựa theo đó mà tu tập để chứng đắc cõi vô sanh, dẹp tan mọi phiền muộn, thong dong, tự tại trong cảnh an nhiên của Niết-bàn. Giờ đây, ta phải cố gắng học tập bốn Chơn lý đó, lấy đấy làm điều tâm niệm, làm con đường giải thoát, chớ chẳng phải là lúc cứ bàn bàn luận luận dông dài, cho vui câu chuyện.

Đã gọi đó là Phương tiện, thì nên nhớ rằng, phương tiện sẵn đó, chỉ cần bắt tay vào việc. Nếu còn chần chờ, ngày qua ngày, chẳng mó đến phương tiện mà dùng, thì rõ ràng là đang phụ ơn người chỉ dạy.

2) Năm thọ ấm hay Năm thủ uẩn?

Chơn lý đầu tiên là Khổ đế, kể ra các thứ Khổ mà mọi chúng sanh phải gánh chịu. Giáo lý Bắc tông gọi đó là Bát khổ: sanh khổ, bịnh khổ, già khổ, chết khổ, oán ghét gần nhau là khổ, thương yêu mà xa nhau là khổ, cầu mà chẳng được là khổ và cái Khổ thứ tám là năm ấm hưng thạnh (= ngũ ấm xí thịnh). Điều khổ thứ tám nầy chẳng thấy có trong Kinh Chuyển Pháp Luân, vì kinh nầy sau khi kể bảy điều khổ trước, viết rằng: "Nói tóm lại, năm thủ uẩn là khổ".

Việc kể lại các nỗi khổ trong Kinh, chỉ có tánh cách liệt kê, mà chẳng có tánh cách giới hạn ở bảy điều, vì còn nhiều hình thức Khổ nữa, chẳng kể hết. Vì thế, Kinh mới ghi: nói tóm lại, cho biết đấy chỉ là bản liệt kê tóm lược mà thôi. Vả lại, ba chữ nói tóm lại rất quan trọng, vì đã nhấn mạnh rằng: " ... năm thủ uấn là khổ"...

tức là nơi phải gánh chịu các sự khổ đau đó, chính là thân tâm năm uẩn.

Điều làm ta thắc mắc là trong Kinh Chuyển Pháp Luân chẳng nói năm uẩn suông, mà nói rõ năm thủ uẩn; trong khi Luận văn thì ghi: năm ấm cảm tbọ là khổ. Ta phải hiểu chỗ khác biệt ở hai nơi đó như thế nào cho đúng?

Năm thủ uẩn khác với năm uẩn, hay năm ấm ở chỗ chữ thủ, có nghiã là bám chặt lấy và níu giữ lấy chẳng chịu buông ra cho lơi lỏng, chẳng chịu cởi mở sự ràng buộc một chút nào. Như thế, thân tâm năm uẩn nầy, vì ta cố bám níu vào mãi, vì ta quá chấp thủ, nên ta phải gánh lấy các nỗi Khổ. Giản dị là thế! Ai biểu cứ mang vào, cứ chấp lấy, cứ thủ mãi, cho nên thoát đi đâu được mà chẳng Khổ!

Luận văn dùng chữ thọ đi kèm với chữ ấm, thành ra năm thọ ấm, cũng chẳng có cách xa nhiều với ý nghiã năm thủ uẩn. Tại sao? Thọ, dùng theo nghiã một động từ, chỉ sự thọ nhận, cảm nhận, nhận lấy và giữ lấy. Như thế, thọ ấm với thủ uẩn chẳng khác nghiã nhau nhiều; chữ thủ uẩn nghiã mạnh hơn thọ ấm ở chỗ sự nắm giữ được cố tình làm, bám dai dẳng, trong khi chữ thọ ấm diễn tả sự nắm giữ chỉ có tánh cách thụ động, nghiã là vì phải Khổ, vẫn thọ lấy mà chịu Khổ vậy. Chỗ giống nhau giữa hai danh từ chính là việc xem thân tâm nầy quá trọng, chẳng hiểu rằng, ý nghĩ bám vào thân tâm là nguyên nhân sâu xa, dính chặt vào cuộc sống, đưa con người cứ trôi mãi, triền miêntrong cảnh sanh tử của vòng Luân hồi.

Sở dĩ có sự phân biệt hơi tế nhị như trên về các danh từ thủ uẩn trong Kinh Chuyển Pháp Luân và thọ ấm trong Luận văn, là để nêu rõ lên rằng:

- Chúng sanh phải chịu Khổ vì cứ bám níu mãi.

3) Nên học tập Bốn Thánh đế như thế nào?

Kinh Chuyển Pháp Luân nhấn mạnh và được Luận văn nhắc lại rất rõ ràng, là người tìm hiểu về Giáo lý nhà Phật khi đọc đến Kinh nầy, nhứt là về bốn Thánh đế, cần phải làm theo thật đúng bốn điều:

1. Về Khổ đế, cần phải hiểu rõ;
2. Về Tập đế, cần phải tận diệt;
3. Về Diệt đế, cần phải chứng đắc;
4. Về Đạo đế, cần phải tu tập.

Hiểu rõ là sao? Hiểu tận tường, chẳng còn chút nghi nan, chẳng còn chút ngâp ngừng, rằng cuộc đời nầy sướng thì ít, khổ thì nhiều, lại kéo dài triền miên.

Tận diệt là sao? Tận diệt nguồn gốc gây nên đau khổ; nguồn gốc đó là sự tham ái, bám níu vào các thú vui nhỏ để phải chịu các khổ đau lớn. Diệt cách nào? Diệt cho tận gốc, chẳng còn chút dư tàn nào, cũng như dập tắt ngọn lửa chẳng còn chút tàn lửa nào bốc khói lên ngun ngún nữa.

Chứng đắc là sao? Tự mình nhận thấy nơi mình chẳng còn chút nào gọi là phiền não; thể nghiệm được sự an lạc vô biên của người đã thoát được gánh nặng. Chứng đắc điều gì? Chứng đắc cõi vô sanh của Niết-bàn an lạc, bằng cách chính mình nhận thấy mình đã hoàn toàn tự tại, thong dong, thoát mọi ưu tư ràng buộc của cuộc đời.

Tu tập là sao? Là sửa đổi lại thái độ, tư cách, hành động sao cho đúng với tám yếu tố chơn chánh, từ chánh kiến cho đến chánh định. Con đường Bát Chánh còn dài, nhưng tập được gần xong một việc, thì thấy các việc khác nhờ đó cũng đã sát tới mục tiêu. Tu tập liên tục với sự tinh tấn, bền chí, cứ bước chơn lên đường, nhứt định sẽ có lúc, hoặc trong đời nầy, hoặc về các đời sau, chắc chắn kết quả sẽ đến.

Đọc mà hiểu sơ sài, diệt trừ mà còn sót chút ít, bám níu, chưa chứng đắc đã vội tự cho là chứng đắc, tu tập qua loa, vui thì tập, buồn thì thôi, đó là thái độ lơ là của người học lôi thôi về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu nói trong Luận văn.

Thế nên, xin ghi vào lòng bốn điều tâm niệm nầy:

1) Hiểu rõ thật kỹ các nỗi Khổ nơi Khổ đế;
2)
Trừ bỏ thật sạch
sự bám níu nơi Tập đế;
3)
Thể nghiệm thật rõ ràng
niềm an lạc khi vắng bóng các phiền não, nơi Diệt đế;
4)
Tu tập thật kiên trì
con đường Bát chánh nơi Đạo đế.

4) Ba hình ảnh về Tứ Diệu đế đáng ghi nhớ:

41. Thí dụ Cây có chất độc.

Khổ đế được ví với một thân cây chứa đầy các chất độc hại.
Tập đế được xem như hột giống của cây độc đó.
Diệt đế là thiêu đốt ra tro hột giống đó.
Đạo đế
là lửa để đem thiêu đốt hột giống.

42. Thí dụ Dòng nước lụt.

Khổ đế như còn ở bờ bên nầy lo bị ngập;
Tập đế xem như dòng nước lụt cuồn cuộn;
Diệt đế như bờ bên kia có đê chắn giữ;
Đạo đế là chiếc thuyền đưa sang bờ bên kia

43. Thí dụ Gánh nặng trên vai.

Khổ đế như gánh nặng đè trên vai;
Tập đế như đang vác gánh nặng trên vai;
Diệt đế như đặt được gánh nặng xuống;
Đạo đế
là phương tiện để trút gánh nặng xuống khỏi vai... (và thở phào!)

-ooOoo-

Các tin đã đăng: