PHẦN TÌM HIỂU
Phần Tìm Hiểu Phẩm 4:
Phân biệt về
Định.
Chuyển tiếp: Sau khi giảng rõ về Giới nơi Phẩm 2 và dạy
Hạnh Đầu-đà, ở Phẩm 3,
để chỉ cách giữ giới thanh tịnh,
Luận văn bàn
đến vấn đề quan trọng là
Định, bước thứ nhì trong ba môn
học Giới Định Huệ, tại Phẩm 4
nầy.
020. Vài lời về việc Tìm hiểu và Học tập bản văn
"Giải Thoát Đạo Luận"
nầy.
Bộ Giải Thoát Đạo Luận
được phỏng dịch ra tiếng Việt khá dài;
ý tưởng chỉ dạy cách tu tập trong Luận văn
hết sức phong phú; cách trình bày và lời luận văn
lại chẳng giống với đường lối thông thường ngày nay. Vì lẽ
đó, xin có vài lời về việc Tìm hiểu và
Học tập, với ước mong giúp người đọc nắm vững
được hướng đi, kẻo vì
quá nhiều chi tiết trong sách mà bị tràn ngập rồi sanh chán nản, chẳng
muốn xem tiếp Luận văn.
Mục đích của bộ Luận là dạy cách tu
tập thế nào để sớm được giải thoát;
vì lẽ đó, Luận văn tuy có rất nhiều chi
tiết về lý thuyết, nhưng vẫn luôn luôn chú trọng đến thực
hành. Việc thực hành đó gồm có
ba giai đoạn: giữ Giới, tập Định và
phát triển Trí Huệ. Giới giúp tâm sớm đắc
Định, nhờ đó mà Trí Huệ chiếu sáng lên, soi rõ con
đường giải thoát.
Đạo Phật là
đạo giác ngộ và giải thoát.
Giác ngộ được là nhờ có tâm
thanh tịnh, và Giải thoát được là
nhờ có Trí Huệ cởi bỏ mọi ràng buộc bên ngoài và nhứt là ràng buộc
bên trong tâm.
Ba Phẩm vừa qua nói về Giới hạnh, có mục
đích nêu ra kỷ luật tu hành
để khép thân tâm người tu sĩ vào khuôn
khổ, hòng việc tu tập được chuyên cần
và tinh tấn. Phẩm 4 nầy nói về Định,
tức là liên quan đến Tâm,
tâm có an trú thì việc học tập mới mong
đạt đến mục tiêu và thành quả. Do
đó, chẳng cần nói dài dòng
để nhấn mạnh tầm quan trọng của Phẩm 4 nầy
trong toàn bộ Luận văn.
Đâu vì quá ngại mắc lỗi lập đi lập
lại mà chẳng dám nhắc rằng: tu học theo
đạo Phật, chính là tu tâm,
khiến cho tâm được giải thoát
khỏi hai loại ràng buộc: phiền não chướng và sở tri chướng.
Bước đầu quan trọng nhứt là làm
sao cho sớm được tâm an trú,
tâm biết dừng lại, trụ lại, chẳng còn chạy đi
lông bông nữa, tức là định tâm.
Bước đầu đó còn chưa vững, thì làm
sao mà bước những bước kế tiếp cho khỏi vấp ngã. Vì lẽ
đó, lại xin được nói sơ qua
trong tiểu mục sau đây:
1) Tâm là gì? Ở đâu? Làm
sao biết được có tâm?
2) Tâm thích bám níu, Tâm ưa chạy lông bông, vì thế cần phải
tu tập Định, để tâm
biết dừng lại, trụ lại.
Xét xong hai điều đó, thì việc Tìm
hiểu Phẩm 4: Phân biệt về Định
sẽ được dễ dàng hơn.
021. Trước khi Tìm hiểu Phẩm 4 về Định,
xin được nói sơ qua về
Tâm.
1) Quan niệm thân tâm năm uẩn
trong Phật học. Khác với quan niệm thông thường cho rằng con
người sống động là có thật; Phât
học lại cho đó chỉ là một tiếng
để gọi mà thôi, chẳng có thực thể,
chẳng thể tự mình có lấy được,
chẳng thể tự mình mà tồn tại độc
lập được. Đó là quan niệm
vô ngã. Theo quan niệm nầy, năm uẩn
họp lại thành thân tâm, sắc uẩn là phần vật chất
có hình tướng, trỏ vào thân, còn bốn uẩn kia: thọ uẩn, tưởng
uẩn, hành uẩn và thức uẩn, chỉ vào tâm, thuộc về phần tinh
thần. Mắt thịt thấy được hình
dáng của thân, còn mắt tâm mới nhận biết ra
được tướng trạng của tâm.
Quan niệm thông thường (con người là có thật) thì
đúng về mặt thực tế; còn quan niệm
vô ngã lại đúng về mặt Chơn lý.
2) Tâm là gì? Tâm ở đâu? Làm
sao biết được có tâm?
Tâm chỉ là một tiếng để chỉ
phần tinh thần nơi ta. Tâm chẳng có hình dạng, gồm có bốn
uẩn: thọ uẩn là các tình cảm, tưởng uẩn là các tri giác và
các tư tưởng, hành uẩn là các hành
động do ý từ bên trong thúc đẩy và
thức uẩn là các sự hiểu biết hiện có, hay
đã qua. Bốn uẩn
đó họp thành tâm.
Tâm ở đâu thì chẳng rõ
được, chỉ biết tâm bàng bạc ở
bên trong ta. Làm sao biết được rằng có
tâm đây? Biết được là khi
tướng của tâm khởi lên. Khởi lên khi nào? Khởi lên khi ta cảm thọ,
khi ta tri giác, khi ta hành động, khi ta
hiểu biết. Thử làm thí nghiệm nhỏ nầy
để biết có tâm:
- Tôi nghi tất cả mọi sự vật đều
chẳng thật có. Vậy, tâm cũng
đâu có thật
được.
- Ông đang nghi, có phải
vậy không?
- Đúng, tôi đang nghi rằng tâm
chẳng có thật.
- A! ông nghi mọi sự vật đều
chẳng thật, nhưng có một điều hiện
đang có thật mà ông chẳng thể
chối cãi được, đó là ông
đang nghi, phải như vậy không?
- Vâng, tôi đang nghi, và
chắc chắn là có thật, cái việc tôi
đang nghi.
- Ông biết chắc ông đang nghi,
chỗ nào ở bên trong ông làm cho ông biết chắc rằng ông
đang nghi? Ông mà thành thật tìm
kiếm thì ông sẽ thấy tâm ông đang nghi.
Rõ ràng là có tâm, và tâm ấy
đang nghi. Phải vậy không?
- Tại sao tôi chẳng thấy được
tâm tôi để nói lên cho mọi người
biết đến cái tâm ấy
đang nghi?
- Chỉ vì tâm thì vô hình, ông biết
được đến nó là khi nó
đang khởi lên sự nghi ngờ.
Khi tâm khởi lên, ta biết có tâm;
đúng ra thì chỉ có tâm mới
biết được tâm ấy. Thành ra,
đừng nhọc công tìm cách chứng minh
sự hiện hữu của tâm, chỉ cần quay vào bên trong, rồi mỗi người tự
tìm biết lấy cái tâm của chính mình, và chứng thật việc
đó với mình.
(Thí nghiệm nầy bắt chước lập luận của triết gia Descartes: Je
pense, donc je suis -- Tôi suy tư, vậy tôi hiện hữu).
3) Tâm thích bám níu và chạy lông bông, nên phải cần tu tập
để định tậm lại.
Bài Kệ số 36 trong Kinh Pháp Cú mô tả tâm rất rõ ràng:
Tâm rất khó cho ta nhìn thấy,
Mong manh, tế nhị, chạy khắp nơi;
Rồi ngừng lại chẳng rời nơi thích.
Người hiền kềm thúc tâm mình,
Tâm khéo giữ gìn, được hạnh phước cao.
Bài Kệ nói rất rõ điều khó diễn tả là
tâm, nay đọc kỹ lại, và cố quay
vào bên trong để chứng thấy các chi tiết về
tâm của chính mình.
Tánh hay chạy lông bông khắp nơi của tâm thường
được Kinh sách gọi là tâm viên ý mã:
Tâm như con vượn chuyền cành,
Ý như bầy ngựa chạy nhanh chẳng ngừng.
Tánh thích bám níu của tâm là
điều mà người biết tu tâm cần
phải giữ gìn và kềm thúc lại, như đã
xét qua ở đoạn nói về sự thủ hộ
các căn trong Phẩm 3: Phân
biệt về Giới. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là sáu cửa của các giác
quan, gọi là sáu căn môn, nên
khép bớt phiá ngoài, còn cửa tâm thì bên trong nên khéo
đóng lại, để cho cảnh vật và ý tưởng
chẳng len vào tâm mà khởi lên khuấy động.
Việc tu hành chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng cần phải làm thường
xuyên, chẳng ngừng nghỉ.
Tâm thích bám níu vào sự vật, chẳng những bám níu vào sự vật làm
ta ưa thích mà thôi, lại còn bám níu vào các sự việc chẳng
được vừa lòng nữa. Tại sao vậy?
Giận ai, sao lại cứ giận dai? Dai, vì tâm chẳng chịu quên
điều đã làm mình phật ý; có quên
được trong chốc lát, rồi cũng lại nhớ lại để
... hờn!
Nói tóm lại, nơi thân tâm năm uẩn nầy vốn
là vô ngã, chẳng có thực thể, tâm là phần vô hình,
lại hay bám níu và rong chạy lông bông, cần phải tu tập
để kềm giữ cho an trú
lại. Việc giữ gìn tâm sẽ được nói đến
trong Phẩm 4: Phân biệt về Định,
mà ta đang học tới.
022. Ý chánh của Phẩm 4: Phân biệt về
Định.
Cũng như Phẩm 2 nói về Giới, Phẩm 4 nầy, khi nói về
Định, đã nêu rõ trong
phần đầu, dưới hình thức các câu hỏi,
dàn bài sơ lược, nhờ đó ta rút ra được
ý chánh của Phẩm.
Sau khi định nghiã thế nào
là Định, Luận văn
cho biết tướng, vị và khởi của
Định. Kế đến, chỉ dạy cách tu tập Định, các
sự ích lợi của Định, các điều kiện cần hội đủ khi tu tập, các nguyên
nhân gây trở ngại cho Định. Và sau
cùng là đoạn khó nhứt cho việc tìm
hiểu là có mấy loại Định, khó
vì chẳng thấy nêu ra tiêu chuẩn để phân loại.
023. Dàn bài của Phẩm 4: Phân biệt về
Định.
I. Nhập đề: Giữ giới
được thanh tịnh rồi, nên
tập Định.
II. Thân bài:
21. Định nghiã thông thường của
Định.
22. Hai Định nghiã dài
và ngắn trong A-tỳ-đàm.
23. Tướng, vị, khởi và xứ của Định.
24. Tập Định như thế nào?
25. Khác biệt giữa Định và Thiền,
Giải thoát và Chánh thọ.
26. Các công đức của Định.
27. Điều kiện để khởi Định
28. Các nguyên nhân gây trở ngại cho
Định.
29. Các loại Định: hai, ba, bốn, năm
loại Định.
III. Kết luận: Tất cả các loại
Định đều qui về bốn loại.
024. Tìm hiểu nghiã các chữ khó:
Định: Luận văn giải nghiã:
Định có nghiã là tâm thanh
tịnh gom về một hướng, tinh tấn và vắng lặng an trú trong Chơn lý,
chẳng hề bị loạn động.
Nghiã nầy gồm có năm việc: (1)
tâm thanh tịnh, nghiã là tâm hết bị phiền não khuấy
động; (2) gom về một hướng,
nghiã là chỉ chú ý vào đối tượng đang quán
tưởng; (3) tinh tấn và vắng lặng, nghiã là
đang cố gắng, nhưng sự cố gắng phải được kéo
dài trong lặng lẽ; (4) an trú trong Chơn lý, nghiã là tâm
trí thông đạt Chánh pháp; (5)
chẳng bị loạn động, nghiã là
tâm luôn luôn bình thản, an nhiên.
Tâm sở = Tâm trạng: các tình trạng của Tâm. Khi giận thì có
tâm sở giận (= sân tâm); khi vui, có tâm trạng vui (lạc
tâm). Các tâm sở xếp thành: thiện, bất thiện, và bất
định.
Cân đòn: Cây cân
để đo lường sức nặng. Cân
đòn còn gọi là cân xách, có
diã cân, tay đòn khắc khiá và quả cân.
Hàm súc: Hàm = bao hàm, gồm vào trong; súc = chứa.
Định nghiã hàm súc là một
định nghiã thu gọn mà lại có
đầy đủ ý nghiã chứa bên trong.
Sơ Thiền, Tứ Thiền: Thiền có bốn cấp, từ thấp lên cao: Sơ Thiền,
Nhị thiền, Tam thiền và Tứ Thiền.
Tám pháp giải thoát = Bát giải thoát: Tám pháp
đó là bốn cấp Thiền và bốn cấp
Định. Bốn cấp Thiền là từ Sơ Thiền
đến Tứ Thiền. Bốn cấp Định là Không
định, Thức định, Vô sở hữu định và Phi
tưởng định.
Trong Luận văn có nói: có sắc
tướng bên trong, quán sắc bên ngoài; đây
là nói ở cấp Sơ Thiền, thiền giả tự mình có sắc tướng và
đang quán tưởng về cõi sắc ở bên
ngoài.
Chánh thọ: tình trạng Định ở cấp
Diệt thọ tưởng định, sau
khi vượt qua cấp Phi tưởng Định. Thiền giả
ngưng được thọ uẩn và tưởng uẩn, nhập vào cảnh giới Niết-bàn.
Đối tượng: Đối = ở trước mặt; Tượng = hình
tượng, sự vật. Đối tượng của sự quan sát là
sự vật đang ở trước mặt để quan sát.
Bình đẳng: Bình = bằng
phẳng; Đẳng = hàng, lớp. Tâm
bình đẳng là tâm
đối xử với mọi sự vật chẳng nghiêng về
sự vật nào, chẳng riêng coi trọng hoặc khinh chê sự vật nào cả.
Liễu nghiã và Bất liễu nghiã: Liễu = rốt ráo,
đầy đủ, xong rồi. Đây là nói về Kinh,
có Kinh bất liễu nghiã là Kinh mà nghiã còn chưa rốt ráo, còn
Kinh liễu nghiã là Kinh mà nghiã đã
rốt ráo. Thí dụ như các Kinh về Không và Hữu (= chẳng có và có) là
Kinh bất liễu nghiã; còn các Kinh dạy về Trung
Đạo là Kinh liễu nghiã, vì rốt ráo
đã tránh xa
được cả hai bên, bên Không và bên Hữu.
Ni-càn-tử = Ni-kiền-tử = phái loã thể: Tiếng Pàli là Nigantha,
một phái ngoại đạo chủ trương loã
thể. Loã = loã lồ, để lộ;
Thể = thân thể. Phái loã thể cứ để
thân thể chẳng che đậy, chỉ quấn khố quanh bộ phận sanh dục mà
thôi.
Thế gian định và xuất thế
định: Thế =
đời; ở đây có nghiã là thế gian.
Xuất thế là vượt khỏi mọi ràng buộc ở thế gian. Xuất thế
định là các tình trạng
Định của bực Thánh đã dứt trừ xong
ràng buộc của phiền não. Các Định khác còn
lại đều là thế gian
định.
Hữu lậu: Hữu = có; lậu = rỉ chảy. Hữu lậu là
còn mang những phiền não trong tâm, đang rỉ
chảy ra ngoài. Trái nghiã với hữu lậu là vô lậu =
dứt hết phiền não, chẳng còn phiền não nào rỉ chảy ra nữa, tức là tu
đến cấp A-la-hán.
Nhứt tâm: Nhứt = một. Giữ được
nhứt tâm có nghiã là giữ tâm chuyên chú lâu vào một
điểm; lại có nghiã là tâm chẳng suy
nghĩ đến việc nào khác nữa, ngoài
đối tượng đang được quán sát. Đây là
thiền chi thứ năm; các thiền chi kia được kể
theo thứ tự là: giác, quán, hỉ, lạc.
Sự định: Sự = sự việc,
sự việc thực tế; sự trái nghiã với lý, tức là
lý thuyết. Ở đây, sự
định có nghiã là nhờ quan sát sự
vật thực tế, lấy một sự vật duy nhứt làm đối
tượng, mà tâm nhập vào tình trạng
Định.
Dục định: Dục = ham
muốn; ở đây chữ dục chỉ vào cõi
dục giới (nơi chúng ta đang ở), vẫn còn
nhiều ham muốn; dục định là
tình trạng Định ở cõi dục giới, vẫn
còn phiền não.
Sắc định =
Định ở cõi sắc giới.
Vô sắc định =
Định ở cõi vô sắc giới.
Vô sở thọ định = tình trạng
định tâm dứt cảm thọ.
Định song biến: Song = hai,
đôi; biến = biến
đổi. Vì
đây là Định của Phật, tôi chẳng biết
được.
Đại bi: Đại = lớn; Bi = cứu khổ.
Đại bi = sự cứu khổ rộng rãi
giúp đỡ cho tất cả mọi loài chúng
sanh.
Cửu thứ đệ định: Cửu =
chín; thứ đệ = theo thứ lớp.
Cửu thứ đệ định là chín cấp thiền
định, mà cấp cao nhứt là Diệt
thọ tưởng định, hành giả nhập
vào Niết-bàn. Còn gọi là Diệt tận định.
Duyên khởi, duyên diệt: Duyên = nhân duyên,
điều kiện khiến cho sanh ra nguyên
nhân; Khởi = khởi lên, phát sanh ra; Diệt = gây ra nguyên
nhân khiến cho tiêu diệt. Luận văn chẳng thấy
nói rõ cái gì sanh khởi và cái gì diệt.
Tuần tự: theo thứ lớp, chẳng nhảy vọt lướt bỏ qua.
025. Tìm hiểu về nội dung của Phẩm 4 về
Định.
1) Về ba định nghiã của chữ
Định:
11. Luận văn có ghi đến ba
định nghiã của chữ
Định.
Định nghiã thứ nhứt
đã được
xét qua ở trên, trong Phần Tìm hiểu các chữ khó (xem lại
nghiã chữ Định, các trang 369
và 370). Còn hai định nghiã sau thì
được ghi trong Luận tạng, một
dài, một ngắn.
12. Định nghiã dài (cuối trang 40
của bản dịch) trong A-tỳ-đàm:
"Nếu tâm an trú đúng đắn, chẳng bám vịn vào
đâu, cũng chẳng loạn động, yên vắng,
chẳng bị ràng buộc, khiến cho định căn và
định lực được đúng đắn, đó gọi là
Định".
Định nghiã nầy chẳng khác với
định nghiã thứ nhứt. Chỉ có hai chữ
định căn và
định lực là cần tìm hiểu
thêm:
Định căn là khả năng của tâm
có thể đắc được định; chữ căn
có nghiã là nguồn gốc, cũng như chữ lục căn
là chỉ sáu giác quan làm nguồn gốc phát sanh ra cảm giác, tri
giác, v.v.
Định lực là sức mạnh khiến tâm có thể khởi lên và kéo dài
tình trạng Định; chữ lực có
nghiã là sức mạnh.
13. Định nghiã ngắn (giữa trang
41 của bản dịch) trong A-tỳ-đàm:
"Ý nghiã của Định là sự liễm nhiếp."
Như có nói trong Luận văn, định nghiã
nầy rất hàm súc, nghiã là vừa ngắn gọn lại vừa
đầy đủ ý. Quan trọng là chữ liễm
nhiếp, nghiã là thu tóm hết tất cả các ý nghiã lại. Nói cách khác,
khi vào Định, tâm đang chuyên chú
đến một điểm duy nhứt trên
đối tượng, còn gọi
đó là nhứt tâm, một thiền chi.
Chẳng nghĩ gì khác hơn là đối tượng,
chỉ quán đối tượng ấy mà thôi, và phải quán trong thời gian khá
dài, mới goi là nhứt tâm. Làm được
như vậy gọi là liễm nhiếp hết các ý tưởng rời rạc lại.
2) Về bốn công đức của Định:
Luận văn nêu bốn công
đức (= ích lợi) của Định:
(1) hưởng niềm vui Chánh pháp. Tại sao? Vì thiền giả
đắc Định sanh ra vô lậu (= hết phiền não),
nên hưởng được niềm vui giải
thoát được nói trong Chánh pháp.
(2) biết thọ hưởng tất cả mọi sự vật. Tại sao? Vì thiền giả
hết bị các triền cái che đậy, hết bị các
kết sử sai khiến, nên nhận rõ được
thân tâm (uẩn, căn, nhập,
giới), nhờ đó biết quán tưởng hoàn cảnh xung quanh
đúng như thật. Biết được như vậy, nên
dứt hết lo ngại và thân tâm được sự an lạc.
(3) chứng được năm món thần thông.
(4) vươn lên tới cõi sắc giới và vô sắc giới.
Hai công đức (3) và (4) thuộc loại
xuất thế, nhờ tâm đã có
định lực thâm hậu mới đắc thần thông mà
vượt qua các cõi. Phàm phu đắc định nầy sẽ
tái sanh vào các cảnh giới cao.
3) Về các nguyên nhân trở ngại cho
Định:
Luận văn nêu ra tám nguyên nhân gây
trở ngại cho việc đắc Định, mà hầu hết
đều nằm trong các triền cái hoặc trong các
kết sử. Muốn tránh các nguyên nhân đó,
phải diệt trừ các triền cái, kết sử, bằng cách giữ giới
hạnh thật thanh tịnh.
Đoạn văn tiếp theo trong Luận kể tám
điều kiện cần hội đủ để cho Định khởi phát lên.
Hầu hết là để đối trị lại các nguyên
nhân gây trở ngại cho việc đắc Định. Điều thứ
tám là đáng chú ý nhứt: đầu hôm, nửa đêm
và hừng sáng chẳng mê ngủ, có nghiã là phải tỉnh thức mà ngồi... Thiền,
chớ có lười!
4) Về cách phân loại các thứ Định:
Trước hết, cần phân biệt năm thiền chi
mà tâm thiền giả lần lượt đi qua:
(1) giác, (2) quán, (3) hỉ, (4) lạc (5)
nhứt tâm. Kế đến phân biệt
chín cấp bực của Định: (1) Sơ
Thiền, (2) Nhị Thiền, (3) Tam Thiền, (4) Tứ thiền,
(5) Không định, (6) Thức
định, (7) Vô sở hữu
định, (8) Phi tưởng
định và (9) Diệt thọ tưởng
định, mà thiền giả lần lượt theo
thứ tự chứng đắc được.
Bây giờ, mới xét đến các tiêu chuẩn
để sắp xếp lại cách phân loại trong Luận văn.
41. Tiêu chuẩn các thiền chi:
411. Định có giác có quán, Định chẳng
giác ít quán, Định chẳng giác chẳng quán.
412. Định có hỉ sanh, Định có lạc sanh, Định có xả sanh.
413. Các Định trong bốn cấp Thiền, từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền. (Phẩm 8
về Hành môn sẽ nói rõ thêm).
414. (1) Định hỉ mãn (=
mừng tràn đầy): Sơ Thiền và Nhị
Thiền, (2) Định lạc mãn:
Tam Thiền; (3) Định tâm mãn:
có tha tâm thông; (4) Định
quang mãn: có ánh sáng tràn đầy; (5)
Định quán tưởng: có quán sát trí khởi lên.
42. Tiêu chuẩn về người đắc Định:
421. (1) Định Phật đắc mà Thanh
văn chẳng đắc được: Định đại bi
và song biến, (2) Định Thanh văn
đắc mà chẳng phải chỗ Phật đắc:
ba quả vị Thánh đầu tiên,
(3) Định Phật đắc và Thanh văn
cũng đắc được: chín cấp Định
thứ đệ.
422. Định thế gian
và Định xuất thế.
43. Tiêu chuẩn về cảnh giới:
431. Thiện định, báo định và sự
định.
432. Dục định, sắc định, vô sắc định, vô sở thọ định.
433. Dục định, tinh tấn định, tâm định, huệ định.
44. Tiêu chuẩn về chánh tà: Tà
định và Chánh định
45. Tiêu chuẩn về định lực:
ngoại định và an
định.
5) Về bốn cách tu hành Định:
Ở giữa trang 45 bản dịch, Luận văn nói có
bốn cách tu hành Định, nhưng thật ra
chỉ thấy có hai cách được nêu
ra thôi: (1) khổ tu và (2) vui tu. Luận văn
phân biệt bốn hạng người, tùy theo căn
cơ và phiền não, để tu hành
Định:
51. Người căn cơ chậm lụt và
phiền não sâu dầy: phải khổ tu lâu ngày mới chiết phục hết phiền
não và khởi trí lên.
52. Người căn cơ chậm lụt nhưng phiền não
thưa thớt: có thể vui tu, đủ khiến
cho trí dầu chậm lụt rồi cũng đắc định.
53. Người căn cơ bén nhạy nhưng phiền não
sâu dầy: phải khổ tu thì trí sắc bén mới diệt hết phiền não mà
đắc định.
54. Người căn cơ bén nhạy mà
phiền não thưa thớt, có thể vui tu cũng dễ
để cho lợi trí đắc định được.
6) Việc chuyển từ Sơ Thiền sang Nhị Thiền:
Trong câu hỏi ở cuối trang 47 bản dịch, Luận văn
viết: "Bằng cách nào chuyển từ Sơ Thiền sang Nhị Thiền?", và
lời giải đáp của Luận văn, ở đoạn nầy, rất
vắn tắt: vì thấy hai thiền chi giác và quán còn thô
sơ và bất lợi, nên chấm dứt tư duy về chúng,
để bước sang Nhị thiền... Rồi tuần tự như thế mà vượt qua
đến Tam Thiền, Tứ Thiền, v.v. Chấm dứt cách nào,
làm sao biết đã chấm dứt xong,
đó là các câu hỏi mà Luận văn
còn chưa trả lời trong đoạn nầy.
Đến Phẩm 8 về Hành môn, Luận văn
sẽ chỉ rõ thêm cách chấm dứt tư duy
đó với đầy đủ chi tiết hơn.
026. Suy gẫm về Phẩm 4: Phân biệt về
Định.
1) Đừng quá mong cầu sớm đắc Định.
Mục tiêu của việc tu hành là đạt
được quả vị; còn việc ngồi Thiền, dĩ nhiên là
để đắc được Định. Nhưng chẳng vì thế
mà nóng lòng trông mong được đắc quả, đắc
định. Nếu quá mong cầu như thế, rất khó mà
đạt được mục tiêu. Tại sao vậy? Vì
tâm còn chưa thanh tịnh, bởi bụng còn nôn nóng, còn ham muốn,
đó là một trong các hình thức tế nhị
cuả tâm tham.
Chẳng nên mong cầu, đó là
điều kiện đầu tiên khi ngồi Thiền.
2) Cần dứt bỏ các dục lạc trước. Ngồi Thiền, tâm cố
chú vào đối tượng, hoặc tâm
gắng giữ sao cho tâm vắng lặng, nhưng cớ sao ngồi chẳng mấy chốc
thì ý nầy khởi lên, ý nọ lại xảy đến, lôi
cuốn tâm chạy đi lang bang?
Thường gọi đó là bị vọng tưởng khuấy rối. Hãy nhìn tận mặt
vào các vọng tưởng, thì sẽ thấy chúng là gì, phải chăng
tâm đang nghĩ đến các thú vui đã
qua, các tình cảm đã qua, các tư tưởng
đã qua. Các thú vui mà mình
đã hưởng, mà nay vẫn còn muốn
được hưởng nữa. Các tình cảm
đã qua, có thể vì nhớ nhung ai, thương
tiếc điều chi, hoặc giận hờn kẻ nào.
Các tư tưởng đã qua, có thể là các lý
lẽ đã dùng
để tranh cãi với
đối phương, về một vấn đề nào mà lúc
cãi mình cho là quan trọng lắm. Hoặc các lời bông
đùa, khôi hài mình
đã nói qua trong một dịp nào mới
đây, mà mình còn "khoái chí" cho là có
duyên, ý nhị! Các thú vui, tình cảm và tư tưởng
đó, dưới hình thức vọng tưởng,
đã khuấy
động tâm, nên chẳng đắc được
Định.
Vậy, muốn dễ ngồi Thiền cho yên và ít vọng tưởng, thì lúc bình thường,
trong cuộc sống hằng ngày, phải bỏ bớt được càng
nhiều càng tốt, các sự ham vui, lánh xa tranh cãi, tránh nói bỡn cợt. Thái
độ thường xuyên
đứng đắn, nghiêm trang là
điều kiện tốt để các dục lạc
chẳng trở thành vọng tưởng nổi lên trong lúc ngồi Thiền.
3) Còn có mục tiêu xa hơn nữa, chớ vội tham
đắm vào hỉ, lạc. Buổi
đầu ngồi Thiền, thường bị tê chơn,
nhức lưng, đau bên hông, lâu lâu bị
ngứa như kiến bò trên mặt, sau một thời gian dài rồi sẽ quen
đi và quên
được các cảm giác khó chịu đó. Bấy giờ thân
tâm cảm thấy nhẹ nhàng, lâng lâng, đó
là lúc hỉ đang khởi lên,
và hành giả thấy thích thú lắm. Có chút tiến bộ rồi
đấy. Thích thì cứ thích, nhưng chớ
tham đắm vào, chớ có cố bám níu vào
đó lâu. Tại sao? Vì hỉ, lạc,
cũng chỉ là những thiền chi mà hành giả sẽ lần lượt vượt qua,
để đi đến các thiền chi khác, như
nhứt tâm, như xả niệm. Đừng vì
ham thích mà dừng lại lâu ở bước đầu, còn
các mục tiêu tiếp theo sau, quan trọng hơn:
đó là chỗ khác biệt nhau giữa ngoại
định và an định, mà
Luận văn có nói qua, nhưng nói qua rất vắn
tắt.
4) Chớ để óc tưởng tượng xen vào.
Có người ngồi Thiền xong, bảo: "Tôi ngồi Thiền thấy có Ông (hay
Bà nào) về báo tin nầy..." hoặc "Tôi thấy một cảnh giới
trang nghiêm, có vị Tổ sư phán hỏi tôi rằng, v.v." Phải cẩn thận,
chớ để óc tưởng tượng của mình
gạt mình, lôi kéo mình vào chỗ mê tín.
Nếu biết tự cảnh giác, các cảnh khác thường
đó tự nhiên biến mất, trả lại sự
thanh tịnh cho tâm được vắng lặng.
5) Thử nếm pháp vị của hai Phẩm 2, 4 về Giới và
Định. Hai Phẩm nói về
Giới và Định trong Luận văn
rất khó đọc, khó hiểu, và vì thế việc nếm pháp vị của hai
Phẩm nầy cũng chẳng dễ chi; nếm còn chưa thưởng thức
được chút nào ngọt ngào,
đã thấy một vị ...
đăng đắng rồi. Sao vậy?
Chỉ vì càng đọc càng thấy khó khăn,
rắc rối, nhứt là ở các đoạn xếp các
Giới, các Định thành ra hai loại, ba loại, bốn loại, năm
loại.
Sao lại khó hiểu các loại Giới, cùng các loại
Định? Chỉ vì các loại Giới
và Định đó quá cao, hiện vượt quá tầm
hiểu biết của người đọc, vì lẽ tác giả
đã viết cho bực tu hành xuất gia đã
có sự chứng đắc cao rồi. Những người sơ cơ làm
sao hiểu thấu? Làm sao phàm phu chúng ta biết
được các giới của bực Thánh? Làm sao sơ cơ như chúng ta hiểu
được các loại Định của bực
A-la-hán, của Đức Phật? Hoá cho nên,
ta chỉ nên học cho kỹ những loại Giới nào còn thấp, còn nhẹ, dành
cho kẻ vừa bước chơn vào Đạo, để
nếm được pháp vị của các loại
Giới đó. Lại nữa, ta còn chưa
đắc được ngoại
định, sao lại
đèo bòng
đòi biết được Định Đại bi, Định
song biến của Đức Phật. Ngay buổi
ban đầu, sao chẳng cố nếm thử cái niềm hỉ lạc khiến
thân tâm nhẹ nhàng, lâng lâng, một khi vượt qua khỏi
được hai thiền chi giác và
quán?
Để kết thúc Phần Suy gẫm về Phẩm 4 nầy, xin hãy cứ
yên tâm tạm gát qua các điều cao xa về
Định, chờ đến khi đọc xong cả quyển Luận văn, hiểu được kỹ, và thực
hành thật chăm, bấy giờ mở sách ra đọc lại,
may ra sẽ thấy được chỗ nào là pháp
vị để ... thưởng thức. Đừng vì
hiện đang thấy quá khó, vội cho rằng quá sức
học tập của mình mà gát hẳn cuốn sách lại, ... "uổng ơi là
uổng!"
-ooOoo-