Quyển Mười
Phẩm 10:
Phân biệt về Huệ
Hỏi: Thế nào là Huệ? Thế nào là tướng, vị,
khởi, xứ, công đức và nghiã của Huệ?
Có bao nhiêu công đức mới đắc được Bát-nhã?
Có mấy loại Bát-nhã?
Đáp: Tâm ý nhìn sự vật đúng như
hiện thấy, đó gọi là Huệ, là Bát-nhã. Lại nữa, như trong
A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Luận tạng)
có nói, khởi ý phân biệt sự ích lợi với sự chẳng ích lợi, khởi lên ý trang
nghiêm, đó gọi là Bát-nhã. (Bát-nhã,
phiên âm chữ Phạn Prajna, chữ Pàli Panna, dịch nghiã là
Trí huệ.)
Thế nào là Bát-nhã? Bát-nhã là trí huệ, lựa chọn pháp diệu
tướng để quán sát; sự quán sát đó thông minh,
suy nghĩ phân biệt thật rõ ràng, thấy
được sự chuyển ngộ lớn dắt đến chánh trí (= trí hiểu biết chơn chánh và
đúng đắn). Bát-nhã có sức mạnh (=
huệ lực) như gậy gộc (= huệ trượng) như câu liêm (= huệ câu),
phá tan được ngu si. Bát-nhã lại có
nguồn gốc (= huệ căn), rực rỡ
như ánh sáng, như ngọn đèn (= huệ
quang, huệ minh, huệ đăng), lộng
lẫy như cung điện (= huệ
điện), qúi báu như bảo vật (=
huệ bảo), để trạch pháp (=
chọn pháp) theo đúng chánh kiến
(ý kiến chơn chánh và đúng đắn).
Đạt đến Sự thật (= Chơn như) là tướng của Bát-nhã. Chọn
lựa đúng là vị của Bát-nhã, tức
là chức năng của Trí huệ. Chẳng hề ngu si, mê
mờ là khởi của Bát-nhã, tức là sự phát khởi, sự bộc lộ, ra của Trí
huệ. Bốn Chơn lý Nhiệm mầu (= Tứ Diệu đế)
là xứ của Bát-nhã, tức là phạm vi hoạt
động của Trí huệ. Lại nữa, tướng của Bát-nhã là hiểu thật rõ
ràng, sáng tỏ. Vị hay chức năng của
Bát-nhã là nhập vào Chánh pháp. Sự phát khởi của Bát-nhã,
hay sự hiển lộ của Trí huệ là phá trừ được sự
vô minh u ám. Xứ hay phạm vi hoạt
động của Bát-nhã là bốn ngành của khoa
biện luận.
Kể công đức của Bát-nhã, của Trí
huệ, thì vô lượng công đức. Xin nghe bài
kệ sau đây tóm lược lại các công đức:
Do Huệ, giới thanh tịnh,
Nhờ hai Huệ nhập Thiền.
Do Huệ tu theo Đạo,
Do Huệ thấy được Quả.
Bát-nhã là thắng thiện,
Huệ căn cao tuyệt đỉnh.
Mất Huệ thành ô uế,
Thêm Huệ thành cao thượng.
Huệ phá luận ngoại đạo,
Cắt ràng buộc thế pháp.
Người có Huệ, diệu khéo,
Lời lành khéo hiển bày.
Trong đời nầy, đời khác,
Nghe giải thoát khổ, vui,
Mọi nghiã cùng tinh tấn
Dõng mãnh, người có Huệ
Ắt thấy mọi pháp đó,
Lý Nhân duyên, Danh-Sắc,
Lời dạy trong Giáo pháp.
Ngôn ngữ trong Tứ Đế
Là cảnh giới Trí Huệ.
Nhờ Huệ trừ mọi ác
Tham ái, sân, vô minh.
Dùng Trí dứt sanh tử,
Trừ được việc khó trừ.
Hỏi: Nghiã của Huệ là gì?
Đáp: Nghiã của Trí huệ là khả năng
đoạn trừ dứt sạch.
Có bao nhiêu công đức mới đắc được Huệ? Có
tất cả mười một công đức: tầm cầu nghiã của khế kinh (= tu-đa-la),
làm nhiều việc lành, cư trú nơi thanh tịnh, đình
chỉ các loạn tưởng, quán tưởng về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu (Tứ Diệu
đế), hiểu rành các học thuật, tâm
an trú, thường tại Thiền, dứt trừ các triền cái, xa lià người vô trí, thân
cận người có trí huệ.
C mấy loại Trí Huệ? Có hai loại, có ba loại và có bốn loại.
Hỏi: Thế nào là hai loại Trí Huệ?
Đáp: Đó là Trí Huệ ở thế
gian, và Trí Huệ xuất thế gian. Huệ tương ứng với các
đạo quả của bực Thánh là Huệ xuất
thế. Chỗ còn lại tức là Huệ thế gian.
Huệ thế gian còn nhiều lậu hoặc (= sai lầm, thiếu sót), còn nhiều ràng
buộc (= kết sử, các dục vọng, các tình cảm có tánh cách ràng buộc),
còn nhiều trói chặt; Huệ đó là ngập
lụt, là ách đè cổ, là nắp che
đậy, là xúc chạm mạnh, là phát khởi,
là phiền não.
Huệ xuất thế thì chẳng còn lậu hoặc, chẳng bị kết sử, chẳng bị trói
buộc, chẳng bị ngập lụt, chẳng bị ách đè
cổ, chẳng bị nắp che đậy, chẳng bị xúc chạm
mạnh, chẳng phát khởi, chẳng phiền não.
Về ba loại Trí Huệ, đó là
Tư huệ, Văn huệ, Tu huệ.
Chẳng nghe theo người khác, nếu do nghiệp của mình mà trí khởi lên phù hợp
với chơn lý, với công dụng, đó gọi là
tư huệ. Do nghe theo người khác mà
được huệ, đó gọi là văn huệ.
Nếu tu nhập vào Tam-muội (= chánh định),
đắc huệ, đó là tu huệ.
Lại nữa, thuộc về ba loại Huệ, có huệ
đến, huệ đi, và huệ phương tiện. Khi khởi ý lên hành
động làm cho các việc chẳng lành phải
lùi lại và các việc lành tăng thêm
lên, đó là huệ
đến, huệ
đến làm lợi cho nghiệp lành của mình.
Trái lại, nếu khởi ý lên hành động làm
cho việc ác tăng lên mà việc thiện bị
lui mất, đó là huệ
đi, huệ
đi mất, khiến cho nghiệp lành chẳng
khởi. Còn huệ phương tiện là huệ biết dùng mọi phương tiện tốt
để hành thiện.(= làm lành)
Lại nữa, thuộc về ba loại Huệ, có huệ tụ, huệ chẳng tụ,
và huệ vừa tụ vừa chẳng tụ. (Tụ, ở
đây có nghiã là chất chứa, tích lũy
lại) Huệ ở ba điạ hạt của nghiệp thiện, đó là
huệ tụ. Huệ ở bốn đạo (từ Tu-đà-huờn
đạo đến A-la-hán đạo), đó là huệ
chẳng tụ. Huệ ở bốn đạo và bốn quả
(hàng Thanh văn) và huệ ở ba
điạ hạt của nghiệp thiện, đó gọi là
huệ vừa tụ vừa chẳng tụ.
Về bốn loại Huệ, có trí khởi tuỳ nghiệp, trí hợp với chơn
lý, trí liên hệ đạo, trí liên hệ quả.
Huệ khởi lên nơi mười lãnh vực của Chánh kiến,
đó là trí khởi tùy nghiệp. Nếu
thấy sự tập họp của các ấm (= uẩn), hoặc lẽ vô thường, khổ, vô ngã, khởi
lên sự kham nhẫn, đó là trí hợp với
chơn lý. Huệ khởi lên nơi bốn đạo (của hàng
Thanh văn), đó là trí liên hệ
đạo. Huệ khởi lên nơi bốn quả vị
(hàng Thanh văn), đó là trí liên hệ
quả.
Lại nữa, thuộc về bốn loại Huệ, có huệ dục giới, huệ sắc
giới, huệ vô sắc giới, và huệ chẳng liên hệ. Huệ khởi lên về
các việc thiện được xác định ở cõi dục
giới, đó là huệ dục giới. Huệ
khởi lên về các việc thiện được xác định ở cõi
sắc giới, đó là huệ sắc giới.
Huệ khởi lên về các việc thiện được xác định
ở cõi vô sắc giới, đó là huệ
vô sắc giới. Huệ khởi lên nơi các đạo và
các quả, đó là huệ chẳng liên hệ.
Lại nữa, thuộc về bốn loại huệ, có pháp trí, tỉ trí, tha tâm
trí và đẳng trí. Huệ khởi
lên nơi bốn đạo và nơi bốn quả,
đó là pháp trí. Người toạ thiền
tu pháp trí đó mà thành tựu
được trí hiểu biết về quá khứ
gần và xa, hiện tại và vị lai gần và xa, đó là
tỉ trí (tỉ = so sánh). Biết
được tâm ý của kẻ khác, đó là tha
tâm trí. Ngoại trừ ba trí vừa kể, chỗ còn lại
được gọi là
đẳng trí (đẳng
= đồng đều).
Lại nữa, thuộc về bốn loại huệ, có: (1) huệ do tụ mà chẳng do
chẳng tụ, (2) huệ do chẳng tụ và chẳng do tụ, (3) huệ vừa do
tụ vừa do chẳng tụ, (4) huệ chẳng do tụ và chẳng do chẳng tụ.
Thiện huệ nơi dục giới thuộc loại thứ nhứt: huệ do tụ mà chẳng do chẳng
tụ. Thiện huệ nơi bốn đạo (hàng
Thanh văn) thuộc loại thứ hai: huệ
do chẳng tụ và chẳng do tụ. Thiện huệ nơi sắc giới và vô sắc giới
thuộc loại thứ ba: huệ vừa do tụ vừa do chẳng tụ. Thiện huệ nơi bốn
quả (hàng Thanh văn) và nơi ba
điạ hạt của nghiệp thiện được xác định, thuộc
loại thứ tư: huệ chẳng do tụ và chẳng do chẳng tụ.
Lại nữa, thuộc về bốn loại huệ, có: (1) huệ do nhàm chán mà
chẳng do thông đạt, (2) huệ do
thông đạt mà chẳng do nhàm chán,
(3) huệ do nhàm chán và do thông đạt,
(4) huệ chẳng do nhàm chán cũng chẳng do thông
đạt. Như thế, huệ do nhàm chán ham
muốn nhưng chưa thông đạt được thần thông và
Bốn Chơn lý Nhiệm mầu là huệ thuộc loại (1): huệ do nhàm chán mà chẳng
do thông đạt. Hiện
đã nhàm chán ham muốn và
đắc được thần thông, nhưng còn chưa
thông đạt được Bốn Chơn lý Nhiệm mầu, đó là
huệ thuộc loại (2), là Bát-nhã. Huệ do sự thông
đạt mà chẳng do nhàm chán nơi bốn
đạo (hàng Thanh văn)
thì thuộc loại (3): huệ do nhàm chán và do thông
đạt. Các huệ còn lại, chẳng do
nhàm chán, chẳng do thông đạt,
thuộc loại thứ tư.
Lại nữa, thuộc về bốn loại Huệ, có: (1) nghiã biện, (2)
pháp biện, (3) từ biện, (4) lạc thuyết biện. Trí hiểu
biết rõ ràng về nghiã, là nghiã biện (= phân biện về nghiã). Trí
thông hiểu rõ ràng về Chánh pháp, là pháp biện. Trí hiểu biết từ
ngữ, ngữ nguyên, là từ biện. Trí hiểu biết về chính sự hiểu biết,
là lạc thuyết biện. Trí thông hiểu về nhân quả, là nghiã biện.
Trí thông hiểu về nhân duyên, là pháp biện. Trí phân biện Chánh
pháp (pháp biện) vừa là từ biện vừa là lạc thuyết biện.
Lại nữa, trí thông đạt Khổ đế (= Chơn lý
về Khổ) và Diệt đế (= Chơn lý về sự
tận diệt Khổ), còn được gọi là
nghiã biện. Trí thông đạt Tập đế (=
Chơn lý về nguyên nhân của Khổ) và Đạo
đế (= Chơn lý về con đưởng dứt Khổ), còn gọi là pháp biện.
Trí nói pháp rành rẽ, rõ cả nghiã và lời, còn gọi là từ biện. Trí
hiểu rõ các sự hiểu biết còn gọi là lạc thuyết biện.
Lại nữa, thông hiểu Chánh pháp là hiểu rõ mười hai loại bộ kinh:
1) khế kinh hay trường hàng (= Tu-đa-la,
Sutra),
2) trùng tụng (= Kỳ-dạ, Geya),
3) thọ ký (= Hoà-ca-la-na, Vyakarana),
4) phúng tụng (= Già-đà, Gathà),
5) tự thuyết (= Ưu-đà-na, Udana),
6) nhơn duyên (= Ni-đà-na, Nidàna),
7) thí dụ (= A-ba-đà-na,
Avadàna),
8) bổn sự (= Y-đế-mục-đà-già,
Itivrtaka),
9) bổn sanh (= Xà-đà-già, Jàtaka),
10) phương quảng (= Tỳ-phật-lược, Valpulya)
11) vị tằng hữu (= A-phù-đà-đạt-ma,
Abhutahdharma)
12) luận nghị (= Ưu-ba-đề-xá, Upadesa).
Đó gọi là pháp biện. Hiểu rõ nghiã các loại bộ kinh
đó, thuyết giảng cho đầy đủ ý nghiã,
đó gọi là nghiã biện. (...)
Lại nữa, thuộc về bốn loại huệ, có: (1) Khổ trí, (2)
Khổ tập trí, (3) Khổ diệt trí, (4)
Đạo trí. Sự thông hiểu về Khổ là Khổ trí. Sự thông
hiểu về nguyên nhân của Khổ là Khổ tập trí. Sự thông hiểu về sự tận
diệt Khổ là Khổ diệt trí. Sự thông hiểu các việc tu hành tương ứng
với các trí đó, là trí
đầy đủ (cụ túc trí), tức là
Đạo trí.
Phẩm 10: Phân biệt Huệ chấm dứt.
-ooOoo-