PHẦN TÌM HIỂU
Phần Tìm Hiểu Phẩm 6:
Phân biệt Tánh hạnh
Chuyển tiếp: Trong các Phẩm trước, Luận văn
bàn đến sự chuẩn bị của người tu học
về Giới, về Định,
về cách tìm gặp bực Thiện tri thức
để theo học. Trong Phẩm 6 nầy,
Luận văn chú trọng đến bổn phận của vị Thầy
phải biết rõ tánh hạnh của đệ
tử mà lựa cách chỉ dạy sao cho phù hợp.
032. Ý chánh Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh.
Vị Thầy có biết rõ tánh hạnh của người
đệ tử, thì việc giáo hoá mới chóng có
hiệu quả. Vì sao? Vì biết chỗ sở đoản
của đệ tử thì chỉ dạy nhiều
để sửa đỗi lại chỗ còn kém, vì biết
được chỗ sở trường của
đệ tử thì chỉ cần nói sơ qua cũng
đủ cho trò biết mà làm tăng
trưởng thêm chỗ đã khéo sẵn.
Phẩm 6 có mục đích là khảo sát
tánh hạnh của người học trò, để dễ bề
giáo hoá. Đó là ý chánh của Phẩm nầy.
Nội dung của Phẩm nói về nhiều loại tánh hạnh, mới
đọc qua thấy rối rắm; nhưng sau cùng,
các loại tánh hạnh được Luận văn qui
về ba loại chánh dựa trên ba phiền não: tham, sân và si, nhờ
đó mà ta dễ xét tánh người qua các
hành động.
Phần khá hứng thú của Phẩm 6 là chỉ các cách dò xét tánh hạnh
của người đệ tử, qua lối ăn mặc, đi đứng, nằm
ngồi, quét sân, v.v. cho thấy hành
động và cử chỉ của người tham lam, người hay giận, người còn ngu si
khác nhau rất rõ rệt.
032. Dàn bài của Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh
I. Nhập đề: Quan sát
tánh hạnh của người đệ tử, rồi sau mới
định đường lối giáo hoá.
II. Thân bài:
A) Các loại tánh hạnh:
1. Mười bốn loại tánh hạnh
2. Mười bốn hạng người.
B) Các tánh hạnh qui về bảy loại:
1. Bảy loại tánh hạnh.
2. Do đâu người tánh ham và
người tánh hay tin tưởng cùng chung một hạng.
3. Do đâu người hay giận với người có ý
trí cùng chung một hạng.
4. Do đâu người tánh ngu và
người tánh hiểu biết cùng chung một hạng.
C) Tại sao có tu hành mau và tu hành chậm?
D) Tánh hạnh do nhân duyên nào mà có?
E) Quan sát hành động
để biết tánh hạnh: (1) cách nhìn
vật; (2) cách đi; (3) cách mặc áo; (4)
cách ăn; (5) cách quét sân; (6) cách nằm.
F) Lời khuyên về cách mặc áo, cách ăn,
cách nằm, và về trú xứ, cho các tu sĩ xuất gia.
G) Linh tinh.
III. Kết luận: Luận văn chẳng có
phần kết luận tại Phẩm 6 nầy.
033. Tìm hiểu nghiã các chữ khó:
Tánh hạnh = tánh tình; nguyên văn
trong bộ Luận chỉ ghi là hạnh, khi xét
đến tánh tình, e hiểu lầm với giới
hạnh.
A-xà-lê: xem lại nghiã ở Phẩm 3:
Đầu-đà, trang 358.
Tánh ý trí: Nguyên văn trong bộ Luận là
ý hạnh, tôi thêm chữ trí vào,
để chỉ hạng người mà trí có nhiều ý kiến.
Tánh hiểu biết: Nguyên văn trong bộ
Luận đề là giác hạnh, e có sự hiểu lầm với sự giác ngộ,
tôi mạn phép dịch là tánh hiểu biết.
Tánh hạnh đồng phần: Nguyên văn
là đẳng phần hạnh, có
nghiã là nơi hạng người nầy có cả ba phiền não tham, sân và si,
đồng đều nhau, nghiã là vừa tham
lại hay giận và vì thế mà thành ra cũng ngu.
Ái kiến: Ái = thương; ở đây chữ
ái có nghiã chẳng tốt là quá thích, mê thích. Ái kiến
là một tà kiến, cần diệt bỏ như thường kiến,
đoạn kiến và thân kiến. Đừng lầm với
bác ái.
Tương ưng, tương ứng: Tương = gần nhau; Ưng
hay Ứng là tùy theo đó mà khởi
lên. Tương ứng là có liên hệ chặt chẽ với,
ăn khớp với, phù hợp với, v.v.
Ham muốn: Nguyên văn trong bộ Luận là
Dục, nghiã là muốn. Muốn thì có thể là muốn
điều tốt, hay muốn điều xấu; do đó chữ
dục chưa hẳn là có nghiã xấu. Nhưng khi
đi kèm với các chữ khác như ái dục,
tham dục, dục vọng, nghiã chữ dục trở thành xấu
đi.
Khả ái: Khả = có thể; ái = yêu, thích.
Điều khả ái là
điều đáng thích. Trái với khả ái
là khả ố, đáng ghét.
Công đức: ở
đây, chữ công
đức có nghiã là những ích lợi.
Thường chữ công đức
được dùng
để chỉ những hành vi có tánh cách đạo
đức, đem lại phước báu cho hành giả. Gần nghiã với chữ công
đức có chữ phước
đức. Tuy nhiên về mặt chuyên
môn, Phật học phân biệt giữa hai chữ công
đức và phước đức. Công đức
thì mang đến phước báu vô lậu,
còn phước đức mang lại phước
báu hữu lậu. Khác nhau giữa phước hữu lậu và vô lậu
là ở chỗ, hữu lậu thì còn phiền não, phước nầy có hạn lượng, hưởng
riết rồi sẽ hết; còn phước vô lậu chẳng còn phiền não, lại vô hạn,
vô lượng nữa. Thí dụ: bố thí thông thường mang
đến phước hữu lậu, như sẽ
được giàu sang, sung sướng về sau, hay
ở kiếp sau; còn bố thí ba-la-mật mang lại phước vô lậu như
được giải thoát, chẳng còn phải tái
sanh trong vòng Luân hồi nữa.
Ổn cố: Ổn = yên, an ổn; Cố = vững chắc. Ổn cố
có nghiã là bền vững, chẳng lung lay.
Qui hướng: Qui = quay về; Hướng = chiều hướng.
Chẳng có nơi qui hướng, ý muốn nói chẳng có chỗ
để trụ lại, chẳng có điểm để quay về, cứ chạy
đi mãi.
Khinh an: Khinh = nhẹ; An = yên. Khinh an =
vừa nhẹ vừa yên; ở đây có nghiã là dễ
dàng, mềm dẻo.
Tín lực: Tín = tin tưởng; Lực = sức mạnh. Tín lực
là sức mạnh của niềm tin.
Cõi Thiên đường = cõi Trời.
Ly gián: Ly = lià xa, làm cho chia lià nhau ra; Gián =
ngăn cách. Ly gián là khiến
cho lià xa.
Ưu điểm: Ưu = tốt hơn,
thắng hơn. Ưu điểm là
điểm thắng hơn, điểm tốt đẹp.
Sở trường: Sở = chỗ, nơi; Trường = dài. Sở trường
là những ưu điểm của một người, chỗ hay
khéo.
Trái với sở trường là sở đoản,
tức là các khuyết điểm, chỗ kém. (đoản =
ngắn).
Huyễn hoặc = chuyện chẳng có thật, mơ hồ, vu vơ chẳng
đúng với Sự thật.
Tròn thẳng: Nguyên văn trong bộ Luận là
chu chính = tròn thẳng; viên = tròn. Vì mặc áo cà-sa rộng,
nên trông như tròn;vì áo chẳng nhăn nheo, nên
thẳng [Phiên dịch hơi gượng].
Trú xứ: Trú = nơi ăn chốn ở;
Xứ = nơi, chốn. Trú xứ là nơi trú ngụ, chỗ
ăn ở.
Nô lệ = kẻ đày tớ làm tôi
đòi suốt
đời cho chủ, chẳng có được tự do cá nhơn.
Sắc dục: Sắc = hình sắc; Dục là ham muốn. Ráp hai chữ
lại, sắc dục thường chỉ sự ham muốn về sắc
đẹp phụ nữ.
Đoạn trừ: Đoạn = cắt
đứt; Trừ = bỏ đi. Đoạn trừ
là trừ bỏ đi, chẳng giữ lại nữa.
034. Tìm hiểu về nội dung của Phẩm 6.
1) Mục đích của Phẩm 6.
Phẩm 6 vừa mở đầu đã kể tới mười
bốn loại tánh hạnh, khiến người đọc
thấy quá rối rắm. Nhưng mục đích của Phẩm nầy là tìm hiểu về tánh
tình người đệ tử, xem chỗ nào còn
khuyết điểm nhiều mà dạy cách tu sửa
lại, nên chẳng cần biết đủ cả 14 loại. Vả lại
sự phân biệt thành 14 loại cũng qui về ba phiền não căn
bản là tham, sân và si. Vấn
đề là xét xem người đệ tử có tham
nhiều hay sân nhiều, hoặc còn quá ngu si, mà
định đường lối chỉ dạy và tu tập. Do
đó, chỉ cần biết rõ ba hạng người: ai
là người tham nhiều, ai là người hay giận, ai là người còn
chậm lụt ngu si.
Với nhận xét nầy, thì mười bốn hạng tánh hạnh chia ra:
11. tánh hạnh thuộc hạng tham, gồm có:
111. tánh hạnh ham muốn,
112. tánh hạnh ham và hay giận,
113. tánh hạnh ham và ngu si,
114. tánh hạnh đồng phần: vừa
tham, giận, ngu.
12. tánh hạnh thuộc hạng hay giận hờn, gồm có:
121. tánh hạnh hay giận hờn,
122. tánh hạnh hay giận và ngu,
13. tánh hạnh thuộc hạng hay ngu si: tánh hạnh ngu si
14. tánh hạnh thuộc hạng hay tin tưởng:
141. tánh hạnh hay tin tưởng,
142. tánh hạnh hay tin tưởng và có ý trí,
143. tánh hạnh hay tin tưởng và hiểu biết,
144. tánh hạnh đồng phần: vừa có
tin tưởng, vừa có ý kiến và vừa có hiểu biết.
15. tánh hạnh thuộc hạng hay có ý trí.
151. tánh hạnh hay có ý trí,
152. tánh hạnh hay có ý trí và hiểu biết.
16. tánh hạnh thuộc hạng hay có sự hiểu biết.
161. tánh hạnh hay có sự hiểu biết,
162. tánh hạnh hiểu biết và tin tưởng.
Theo bảng phân loại trên, 14 loại tánh hạnh chia ra:
- tánh hạnh có khuyết điểm
tham, sân và si: từ số 111
đến 114 là những người tánh hạnh tham nhiều; số 121 và 122
là những người tánh hạnh hay giận nhiều; và số 13 là người tánh
hạnh ngu nhiều.
- tánh hạnh có ưu điểm
niềm tin, ý trí và hiểu biết: từ số 141
đến số 144 là những người tánh hạnh
tin tưởng nhiều; số 151 và 152 là những người tánh hạnh ý kiến
nhiều; số 161 và 162 là những người tánh hạnh có hiểu biết nhiều.
Như thế, ta có thể qui 14 loại tánh hạnh thành ra hai loại mà thôi:
(1) hạng người tánh hạnh có nhiều sở
đoản, (2) hạng người tánh hạnh có nhiều sở trường.
Và chiếu theo các sở đoản
của đệ tử, vị Thầy chỉ dạy cách
dẹp bỏ hết đi, và chiếu theo các
sở trường của đệ tử, vị ấy
chỉ dạy cách làm cho tăng trưởng thêm.
035. Tánh hạnh là động cơ bên trong
thúc đẩy ra hành
động ở bên ngoài, tạo thành
nghiệp.
Như có ba phương tiện di chuyển: xe gắn máy, xe hơi và phi cơ, mỗi loại
có động cơ mạnh yếu khác nhau khiến cho việc
di chuyển nhanh, chậm cũng khác nhau. Cùng thế ấy, tánh hạnh
là một loại động cơ nằm ẩn bên
trong, thúc đẩy con người hành
động, rồi tạo ra nghiệp; tánh
hạnh lành sanh ra hành động thiện, dẫn đến
nghiệp tốt ở cõi an nhàn; tánh hạnh dữ sanh ra hành
động xấu, dẫn đến nghiệp ác ở cõi khổ
cực.
Nói rộng thêm về thí dụ động cơ trên,
tham, sân, si là những động cơ xấu; còn
niềm tin, ý trí và sự hiểu biết là những
động cơ tốt. Tánh hạnh con người chẳng phải
thuần là tốt, hay trọn là xấu, mà cũng có lúc lành, cũng có lúc bất
thiện. Đã là người còn si mê mà
lại thêm tánh hay tham, thường nổi giận nữa, thì việc tu sửa
theo con đường lành hẳn phải khó nhọc.
Nhưng nếu tự biết mình ngu si, mà có
được niềm tin tưởng nơi Phật pháp, chịu khó gần người có
ý trí và hiểu biết để học thêm,
thì việc sửa đổi tánh hạnh cũng chẳng khó
đến mức chẳng làm nổi.
Với các nhận xét nầy, đọc lại đoạn
tu mau, tu chậm trong Luận văn,
sẽ thấy dễ hiểu hơn.
036. Tại sao hai tánh trái ngược nhau mà lại có chung một
tướng?
Tánh hạnh thường biểu lộ ra ngoài, cho người khác thấy, bằng hình
tướng. Thí dụ như người tánh vụng về, khi rót nước
đổ tràn ra ngoài; nhìn thấy nước
đổ, biết đó là tướng của người
có tánh vụng về. Dựa theo nhận xét đó,
ta sẽ thấy:
1) Hai người tánh hạnh trái ngược nhau, như người hay giận
và người có ý trí, nhưng hành động của
họ lại biểu lộ ra cùng chung một tướng: người hay giận
cứ xét đến lỗi lầm của kẻ khác, còn
người có ý trí cứ thấy những chỗ còn thiếu sót khiến cho hành vi
chẳng được tốt như ý người ấy đang chờ đợi.
Chính cái chỗ soi mói (của người hay giận),
chỗ nhìn kỹ tỉ mỉ (của người có ý trí) là tướng chung
cho cả hai tánh hạnh khác nhau và đối chọi
nhau. Vì lẽ nầy mà Luận văn đã
xếp họ cùng chung một "hạng". (Tôi thấy chữ hạng nầy không
được chỉnh cho lắm, vì với người
hay giận, tánh phải thấp hơn người kia; có lẽ nên dùng chữ nhóm,
vì trong một nhóm chẳng có sự phân chia cao thấp).
Người tánh hạnh hay giận, nếu biết chuyển hướng tánh hay soi
mói lỗi lầm kẻ khác sang qua thành sự xét nét tỉ mỉ các hành
động chẳng lành
để tránh đi, thì sự tu hành sẽ có
nhiều tấn bộ đáng kể, chẳng kém gì
người có ý trí.
2) Hai người, tánh hạnh hay ham muốn và tánh hạnh hay tin
tưởng, có chung một tướng trong hành
động khác nhau: tướng
đó là tướng bám níu
đối người hay ham muốn, tướng
giữ vững đối với người hay
tin tưởng. Người ham muốn cứ bám níu vào sự ham muốn của mình; còn
người hay tin tưởng thì cứ một mực giữ vững niềm tin của mình.
Người tánh hạnh hay ham muốn nếu
đem sự bám chặt vào sự việc ham muốn chuyển hướng sang sự
ham biết và tin tưởng nơi Chánh pháp, việc tu hành sẽ chóng có kết
quả.
3) Hai người, tánh hạnh ngu si và tánh hạnh hiểu biết,
lại cũng có chung một tướng trong hành
động khác nhau: tướng
đó là sự di
động, vì tâm trí của họ cứ di
động, chẳng chịu ở yên. Người ngu
gặp việc cứ loay hoay tìm hiểu mà chẳng hiểu
được; còn người trí gặp việc cứ
xét hết điểm nầy đến điểm kia chẳng ngừng. Vì
chẳng ổn cố, nên trí người ngu cứ di
động lăng xăng trong cảnh mê mờ, còn
người có hiểu biết nhiều, trí cứ mãi cân phân trong cái mớ bòng
bong ý kiến.
Nếu cả hai sớm biết ổn định tâm trí lại,
qui hướng tâm trí sang việc tìm hiểu Chánh pháp, thì sự tiến bộ
trong việc tu hành có kết quả mau chóng rõ rệt.
Với các nhận xét vừa kể, việc tìm hiểu các câu hỏi:
- Tại sao người tánh hay giận và người tánh tin tưởng lại thành một
hạng?
- Tại sao người tánh hay giận và tánh có ý trí lại cùng một loại?
- Tại sao người tánh ngu với người tánh hiểu biết lại thành một hạng?
và về việc tu mau tu chậm, sẽ hiểu
được dễ dàng hơn.
037. Tánh hạnh khởi sanh do nguyên nhân nào?
Luận văn đưa ra ba nguyên nhân
tạo thành tánh hạnh ngày nay: (1) do kiếp trước, (2) do các
giới, (3) do các lỗi lầm.
Trong ba nguyên nhân nầy, nguyên nhân thứ nhứt, về hành
động đã có từ các kiếp trước, ta chẳng
thể thấy rõ được.
Về nguyên nhân thứ hai: gần các giới:
điạ, thủy, phong, hoả, rất khó hiểu, tại sao gần
điạ giới và thuỷ giới lại sanh tánh
ngu si được, Luận văn chẳng có lời giải
thích. Về nguyên nhân thứ ba, tuy gọi là do các lỗi lầm,
nhưng Luận văn lại nói đến cơ thể của người
có nhiều đàm dải, có nhiều gió. Có lẽ nên hiểu
nguyên nhân nầy là: do cơ thể, do khí chất khác nhau nên
sanh ra tánh hạnh khác nhau.
Chẳng thấy Luận văn nêu hai nguyên
nhân quan trọng sau đây có ảnh hưởng rất lớn
đối với tánh hạnh của con người:
(1) do di truyền hoặc do truyền thống. Thường tình thì
cha dữ khó lòng sanh được con hiền, vì
giòng máu di truyền. Truyền thống trong gia đình
sống theo lễ giáo, thường thấy có đoàn
con hiền, bầy cháu thảo.
(2) do hoàn cảnh sanh sống. Vì phải ứng phó với cuộc tranh
đấu sống còn, tánh hạnh cũng vì thế mà
có thể trở nên hiếu chiến hơn là hiếu hoà. Người sống vùng thôn quê thường
chơn chất, thật thà hơn kẻ sanh hoạt nơi thành thị., v.v.
038. Cách quan sát người để biết tánh
hạnh.
Đoạn văn ở các trang 59 đến trang 63 trong Luận văn mô tả rất đầy đủ và
rất khéo léo cách thức quan sát thái độ
một người để phán
đoán tánh hạnh của người
đó. Chỉ xin phép được thêm một
đôi điều: tánh hạnh con người phần lớn tỏ lộ
ra trong lời nói, giọng nói và cách
ăn uống. Lời nói cầu kỳ, giọng nói
biếm nhẻ hàm chứa bên trong một tánh hạnh nham hiểm.
Ăn vội vàng, nhai nhóc nhách
để lộ tánh hạnh hấp tấp, thiếu chửng chạc,
v.v.
039. Suy gẫm về Phẩm 6: Phân biệt tánh hạnh.
1) Thường nghe nói "tu tâm, dưỡng tánh", Phẩm 6 nầy bàn qua
các tánh hạnh, tánh hạnh nào nên tu sửa, tánh hạnh nào dưỡng nuôi
thêm lớn. Sửa được tánh hạnh là
điều rất khó, khó lắm, vì tánh hạnh
đã ăn sâu
vào tâm khảm, nhứt thời chẳng thể chuyển hoá
được. Muốn thành công, ít nhứt, cần
đến hai việc: (1) tìm
đúng thuốc để đối trị; (2) bền chí chữa trị.
Kinh sách thường nói: người tham thì dùng phép bố thí
để chữa trị. Tại sao? Tham lam
sanh ra vì tâm còn bỏn sẻn và rít róng. Dùng bố thí, lấy sự xả bỏ
công của khiến cho sự bỏn sẻn chẳng được dịp
nảy sanh và tồn tại. Nhưng lại cần phải bền chí, thực hành bố thí
lâu ngày, chày tháng, mới mong diệt bụng tham lam. Vì sao vậy? Vì
đã hết tham của vật chất, thì cũng vẫn
còn tham được phước sau nầy khi
bố thí, dầu tham đó chẳng có chi đáng trách,
nhưng cũng vẫn còn là ... tham!
2) Tánh tham, tánh giận còn có thể dễ trị, vì gốc
tham (bụng bỏn sẻn) ở nơi mình, gốc giận (vì lòng tự ái) cũng ở
nơi mình, muốn trị xong thì cứ ngay trong bụng mình mà ... trị. Chỉ có
tánh ngu là khó trị, vì trí thông minh dầu cho là chẳng phải nơi
thiên phú, bẩm sanh đi nữa, nhưng cũng phải
nhìn nhận rằng có người vốn sẵn căn cơ
cùn nhụt, làm sao mà biến đổi chỗ cùn
nhụt đó phút chốc trở thành bén nhạy
được. Thế mà, trong Kinh Pháp Cú, có
một tích chuyện về một người đệ tử của Phật,
học bài kệ bốn câu, thuộc câu đầu thì
quên câu chót, học lại câu chót thì quên mất câu
đầu. Đó là tích chuyện Ngài Tiểu Phan,
nơi bài Kệ số 25, được Đức Phật chỉ dạy có
hai chữ mà phá tan được màn vô
minh(= ngu si) đắc quả A-la-hán.
Để chấm dứt Phần Tìm hiểu Phẩm 6: Phân biệt Tánh hạnh,
xin chép lại trọn bài trong Kinh Pháp Cú, như sau:
Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tu viện
Trúc Lâm, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến Tôn giả Tiểu Phan-tha-ca
(Bàn-đặc), vị Tỳ-kheo chậm hiểu mà
mau quên.
Tiểu Phan tha ca cùng với anh là Đại
Phan-tha-ca, là cháu nội của một vị giám
đốc ngân hàng; vị nầy thường dẫn hai
cháu đi nghe giảng pháp. Về sau Đại
Phan-tha-ca gia nhập Tăng đoàn, chẳng bao lâu chứng
được đạo quả A-la-hán.
Tiểu Phan-tha-ca cũng theo chơn anh, đi
xuất gia, nhưng vì trí thông minh chậm lụt, học
đâu quên
đó, một bài kệ bốn câu, thuộc câu chót thì quên mất câu
đầu. Đó là vì trong tiền kiếp, vào
thời Đức Phật Ca-diếp, Tiểu Phan đã
trêu chọc một vị Tăng nhơn ngu tối, cho nên
kiếp nầy phải sanh ra chậm hiểu mà mau quên. Anh là
Đại Phan rất thất vọng về Tiểu Phan, lại
thường nói Tiểu Phan chẳng xứng đáng làm Tỳ-kheo trong Tăng
đoàn.
Vào độ ấy, có cư sĩ Di-hoa-ca đến đảnh lễ
Phật và thỉnh Phật cùng chư Tăng về nhà
để dâng cúng thực phẩm. Đức Phật nhận lời.
Đại Phan lúc bấy giờ chịu trách nhiệm sắp xếp để chư Tăng đi thọ thực.
Trong danh sách, tất cả tăng chúng đều được mời đi, nhưng Đại Phan lại bỏ
tên của Tiểu Phan ra. Khi Tiểu Phan biết
được tin ấy, liền sanh ra ưu phiền, cho rằng
mình chẳng xứng đáng, mới tính trở về
nhà, hoàn tục. Đức Phật đọc rõ
ý định đau buồn đó của Tiểu Phan, mới gọi
Tiểu Phan theo Ngài về Hương phòng.
Đức Phật lấy ra một cái khăn trắng, bảo Tiểu
Phan ngồi xuống, cầm lấy khăn, mặt hướng về phương Đông, tay chà khăn,
miệng đọc hai tiếng: "Lau sạch!". Sau
đó, Đức Phật liền lên
đường đến nhà cư sĩ Di hoa ca.
Ngồi trong hương phòng, Tiểu Phan chăm chú
làm theo lời Phật dạy, tay chà khăn,
miệng đọc: "Lau sạch!" chẳng hề ngừng nghỉ. Chẳng bao lâu,
cái khăn trắng dính dơ, đổi thành màu
ngà ngà. Miệng vẫn đọc, tay vẫn chà,
Tiểu Phan nhận thấy sự biến đổi của cái khăn
và đồng thời trong tâm quán tưởng được
tánh cách vô thường của mọi vật hữu vi. Bấy giờ
Đức Phật, từ nhà của Di hoa ca,
đọc được tư tưởng đó của Tiểu Phan, Ngài
liền dùng thần thông chiếu hào quang lên và hoá hình ra ngồi trước mặt
Tiểu Phan. Ngài bảo Tiểu Phan: "Chẳng phải chỉ có cái khăn
bị dính bụi dơ mà thôi đâu, bên
trong tâm mọi người có ba chất bẩn là tham, sân, si. Nếu biết "lau sạch"
ba chất dơ đó trong tâm, thì Tỳ-kheo
sẽ đạt được mục tiêu và chứng
đắc đạo quả A-la-hán." Tiểu Phan
nghe nhận được lời Phật dạy, tiếp tục quán
tưởng, và chẳng bao lâu liền chứng đắc
quả vị A-la-hán, gột rửa được chỗ u tối trong tâm trí.
Vào lúc ấy, nơi nhà cư sĩ Di-hoa-ca đang
sửa soạn dâng thực phẩm lên Đức Phật và
tăng chúng. Đức Phật liền lấy tay che bát
lại, và nói: "Còn thiếu một Tỳ-kheo, chưa
được mời đến dự." Cư sĩ vội sai
người chạy đến tu viện Trúc Lâm; rồi một lát
sau, Tỳ-kheo Tiểu Phan-tha-ca theo người đày tớ của cư sĩ bước vào
nhà. Sau khi thọ thực xong, Đức Phật mời Tiểu
Phan thuyết pháp. Bấy giờ, Tiểu Phan với lòng
đầy tự tín, nói thao thao bất tuyệt, giọng
như con sư tử rống!
Khi trở về tịnh xá, chúng Tăng bày
tỏ sự ngạc nhiên, thấy Tiểu Phan thuyết pháp rất hay,
Đức Phật liền thuật lại việc Tiểu Phan đã
tập luyện với hai tiếng "Lau sạch" một cách tinh cần, khẩn thiết,
nên đã chứng
đắc quả Thánh.
Rồi Đức Phật đọc lên bài Kệ sau
đây:
Bằng vào tỉnh giác và nỗ lực,
Giới đức cao, điều phục các căn;
Xem kià bực trí xây hòn đảo,
Lũ lụt dầu to khó ngập tràn. (Kệ số 025)
Xin ghi chú thêm:
Tiểu Phan-tha-ca, nguyên là tiếng Pàli Cùla Panthaka, chữ
Cùla có nghiã là nhỏ, tiểu. Còn Đại
Phan-tha-ca, tiếng Pàli là Mahà Panthaka, Mahà là lớn,
đại. Đó là tên
được Việt hoá. Trung hoa phiên âm tên
Cùla Panthaka là Châu-lợi Bàn-đà-già
(hay Bàn-đặc).
Di-hoa-ca = tiếng Pàli là Jivaka.
-ooOoo-