Phẩm 4:
Phân biệt về
Định
Hỏi: Vào thời kia, người ngồi thiền đã
giữ giới luật được thanh tịnh, đang an trú
trong cảnh giới thiện lành nhứt, cần nên làm thêm
điều gì?
Đáp: Là khiến cho định
được khởi lên.
Hỏi: Thế nào là định? Hình
tướng của định ra sao? Định có công năng (=
vị) gì? Khởi lên ra sao? Do đâu
(= xứ) mà ra? Người nào thọ nhận thực hành? Thiền, giải
thoát, định (-tâm), chỉ (= ý ngưng
lại), cảm thọ khác nhau ra sao? Có bao nhiêu nguyên nhân
đưa đến định? Điều gì làm
định khởi lên, làm
định bị trở ngại? Có mấy pháp về định? Công
đức của định có những gì? Cần bao nhiêu
điều có trước rồi định mới khởi lên?
Có mấy loại định? Định khởi lên cách
nào?
Đáp: Định có nghiã là tâm thanh tịnh, gom về một
hướng, tinh tấn và vắng lặng an trú trong chơn lý chơn chánh, chẳng hề bị
loạn động.
Lại nữa, ngọn gió mãnh liệt của phiền não chẳng thể làm nghiêng ngả
được tâm tư, cũng tựa như ngọn đèn
chẳng lay động treo trong đại sảnh nơi cung
điện. Như có nói trong A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Luận tạng):
"Nếu tâm an trú đúng đắn, chẳng bám vịn vào
đâu, cũng chẳng loạn động, yên vắng,
chẳng bị ràng buộc, khiến cho định căn (= khả
năng đắc được Định) và
định lực sức mạnh của Định được đúng đắn; đó
gọi là định."
Định: hình tướng, công năng,
khởi lên ra sao và từ đâu?
Tâm an trú là hình tướng của định.
Điều phục được sự oán hờn là vị của
định (hay công năng
của Định, tức là nhờ
Định mà dẹp bỏ
được oán hờn). Yên vắng là sự khởi
phát của định. Vào chỗ ô nhiễm
chẳng bị nhuốm dơ, tâm được giải thoát, đó
gọi là nơi (xứ) mà định được
khởi phát lên.
Người đang tập định như thế
nào? Tâm, tâm sở (= các tâm trạng), và các phương tiện (= ở
đây có nghiã là khả năng),
đều quân bình (= ngang nhau), tựa như tay cầm cây cân
đòn, như dầu
đựng trong chén. Chánh niệm và tinh
tấn cùng đi song hành ngang nhau, cũng
tựa như bốn con ngựa, sức mạnh đồng nhau, cùng
kéo một cổ xe. Các nghĩ suy đứng dừng lại,
như người thợ làm tên đang chú tâm vót
tên cho thật thẳng. Định cũng như liều
thuốc giải được chất độc, vì định làm
tiêu nỗi oán hờn.
Như A-tỳ-đàm có nói: "Ý nghiã
của Định là sự liễm nhiếp"
(liễm = thâu góp lại; nhiếp = thay thế và bao trùm hết lại).
Theo ý nghiã nầy của chữ Định
là có được một định nghiã hàm súc
đầy đủ.
Thiền, là nói tới sơ thiền cho đến tứ
thiền.
Giải thoát, là nói đến tám pháp giải
thoát, như pháp "có sắc tướng bên trong, quán sắc bên ngoài"
và bảy pháp khác.
Định, là nói đến ba
pháp định: có giác (= biết,
còn gọi là tầm), có quán (= suy tư, còn gọi là tứ) và
vân vân.
Chánh thọ nói đến chín cấp bực thiền
định.
Thiền là gì? Đó là tư duy (=
suy nghĩ) về sự (= đối tượng), suy xét
về điều oán hờn, làm cho tâm được sự
mừng vui, thoát các chướng ngại, khiến tâm trở nên bình
đẳng, có đủ phương tiện để đắc định, được sự
tự tại (= tự do, ở đây có nghiã đã
thuần thục, chẳng còn ngại gì), chẳng dùng
đến hai nghiã (= liễu nghiã, nghiã rốt ráo; bất
liễu nghiã, nghiã còn chưa rốt ráo), mà vẫn trú vào
chánh thọ, để được giải thoát.
Định đem đến các công đức nào? Thấy có bốn công
đức khi định
được khởi lên. Bốn công
đức nào?
Đó là: hiện được an trú trong
nguồn vui của Pháp, vui hưởng tất cả sự vật nhờ quán tưởng,
chứng được thần thông, vươn lên
đến khắp mọi cõi.
Thế nào là "hiện được an trú trong
nguồn vui của Pháp"? Người
đắc định sanh ra vô lậu (= dứt sạch các phiền não), tâm sảng khoái
nếm được niềm vui xuất thế, hiện thấy được và
an trú trong nguồn vui của Chánh Pháp. Do đó,
Thế Tôn có nói: "Người ấy thân giữ trong sự tĩnh lặng, sanh ra mừng được
sự mát mẻ khiến cho từ từ được thành tựu hoàn toàn
đầy đủ." Lại nữa, Đức Phật có bảo các Tỳ-kheo
rằng: "Trước ta tập hạnh Ni-càn-tử (Nigantha, phái khổ hạnh
loã thể), bảy ngày bảy đêm thân chẳng
lay động, miệng chẳng mở lời, ngồi im lặng
hưởng thọ niềm an lạc." Đó là thấy
được Pháp và hiện an trú trong nguồn vui của Thánh Pháp.
Thế nào là "vui hưởng tất cả mọi sự vật nhờ quán tưởng"? Người
ngồi thiền được định, tâm chẳng bị năm triền
cái bao phủ (triền cái = năm
món che đậy), trở nên mềm dịu dễ kham việc quán tưởng các sự vật,
phân biệt rõ ràng các ấm (năm uẩn =
sắc, thọ, tưởng, hành, thức), các nhập (sáu nhập = mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân, ý), các giới (= mười tám giới, từ nhãn giới
đến ý thức giới), nên
được sự tư tại, an lạc (đối với sự vật và
hoàn cảnh). Vì thế, Thế Tôn dạy, chư Tỳ-kheo nên tu hành như thế, dùng
định tâm quán sát tất cả để biết muôn sự vật
đúng y như thật.
Thế nào là "chứng được thần thông"?
Người đã
đắc định tâm chứng được năm môn thần thông là như ý túc
(biến hiện theo ý muốn), thiên nhĩ (lỗ tai Trời nghe xa), tha
tâm (biết ý nghĩ kẻ khác), túc mạng (biết
được đời kiếp trước), thiên nhãn
(mắt Trời). Vì thế, Thế Tôn có nói, tâm đã
đắc định, thì tùy nghi chuyển biến mọi
sự như thể theo ý mình muốn.
Thế nào là "vươn lên đến khắp mọi cõi"
(nguyên văn: hữu cụ túc;
hữu, ở đây, có nghiã là cõi, ba
cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới)? Người
đã được
định tâm, dầu chưa đến bực vô học (= bực A-la-hán, đã dẹp xong tất
cả phiền não, nên chẳng cần học thêm nữa) nhưng rốt ráo cũng
được chẳng lùi sụt. Nhờ
định mà
được báo thân (= thân còn chịu nghiệp báo) sanh vào cõi sắc giới,
cõi vô sắc giới, vươn lên khắp mọi cõi. Như
Đức Phật có nói: "Dầu người tu chút ít về sơ thiền cũng được sanh làm
quyến thuộc (= bà con thân thích) của Đức
Phạm Thiên (trên cõi Trời sắc giới); tất cả mọi chủng loại
đều được như thế cả."
Trên đây là bốn công
đức khởi lên nơi người
đắc định.
Có mấy chướng ngại cho định tâm?
Có tám: thú vui (làm thoả mãn các giác quan), giận hờn, lười biếng, mê
ngủ, đùa bỡn, nghi hoặc, vô minh (= si
mê), chẳng mừng vui. Tất cả các điều dữ ác
đều làm trở ngại cho định tâm.
Có mấy nguyên nhân khởi lên Định?
Có tám nguyên nhân khiến cho tâm được
định: dứt bỏ, chẳng giận, tướng sáng (= sự thông minh, có trí huệ), chẳng
xao động, và tất cả các pháp thiện lành khiến tâm mừng vui sanh ra
trí huệ.
Các điều nào cần phải có rồi
định mới khởi? Có bảy loại: giới,
vừa ý biết đủ, che giữ các căn, ăn uống có
tiết độ, đầu hôm nửa đêm và hừng sáng chẳng mê ngủ, thường niệm trí
huệ, ở nơi vắng lặng.
Định có mấy loại? Định có hai loại: thứ nhứt, thế
gian định; thứ hai, xuất thế
gian định. Việc
đắc được các Thánh quả (= bốn quả vị Tu-đà-huờn,
Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán) thuộc
về định xuất thế gian (xuất
thế, ở đây, có nghiã là vượt khỏi
sự ràng buộc của cuộc đời thế tục). Các thứ
Định còn lại đều thuộc về
thế gian định. Các thứ
định thế gian nầy còn hữu lậu (= còn
phiền não), còn kết sử (= điều trói buộc và
sai sử), còn ràng buộc, là nước lụt, là ách nặng, là che úp, là cướp giới
cuớp chánh kiến, là bám níu, là phiền não. Có
đối trị được với các hình tướng của các
định thế gian rồi thì mới
đáng gọi là
định xuất thế.
Lại nữa, định có hai loại:
tà định và chánh
định. Thế nào là tà
định? Chẳng khéo giữ nhứt tâm,
đó gọi là tà
định. Khéo giữ nhứt tâm gọi là
chánh định. Tà
định cần được dẹp bỏ; chánh định cần nên
tu tập.
Lại nữa, định có hai loại:
ngoại định và an
định. Phần
định mới khởi đầu thì gọi là ngoại
định. Trừ
được sự gián đoạn ngăn cách rồi mới gọi là
an định.
Lại nữa, định có ba loại:
định có giác có quán, định chẳng giác ít quán
và định chẳng giác chẳng quán.
Thế nào là định có giác có quán?
Đó là Sơ thiền (= thiền cấp 1) có giác
(còn gọi là tầm), có quán (còn gọi là tứ); Nhị thiền (=
thiền cấp 2) hết giác mà còn chút ít quán. Các cấp thiền còn lại thì chẳng
có giác chẳng có quán.
Lại nữa, định có ba loại:
định sanh có mừng sanh, định sanh có vui
sanh, định sanh có xả sanh. Nơi Sơ thiền và Nhị thiền,
định sanh ra cùng với nỗi mừng (=
hỉ). Nơi Tam thiền, định sanh cùng
với niềm vui (= lạc). Nơi Tứ thiền,
định khởi lên cùng với niệm buông xả (= xả).
Lại nữa, định có ba loại:
thiện định, báo định và sự
định. Thế nào là thiện
định? Người tu học Thánh
đạo, cùng với người thường tu sắc
định và vô sắc
định, đó gọi là thiện
định (=
định khéo). Còn người tu học Thánh quả
cùng với phàm phu được sanh cõi sắc
giới, cõi vô sắc giới, đó gọi là
báo định (được
định nhờ nghiệp báo). Bực vô học (đã
chứng quả vị A-la-hán) được sắc định và
vô sắc định, đó gọi là sự
định (định
có đối tượng thực tại).
Lại nữa, định có bốn loại:
dục định, sắc định, vô sắc định, vô sở thọ
định. Tất cả các hành động
được làm theo đúng chánh thọ, đó là
dục định. Bốn cấp thiền là
sắc định. Bốn cấp vô sắc
định và nghiệp báo lành là
vô sắc định. Bốn thánh
đạo và bốn thánh quả là vô sở thọ
định.
Lại nữa, có bốn cách tu hành về định:
độn trí khổ tu, lợi trí khổ tu,
độn trí vui tu, lợi trí vui tu. (độn
căn, độn trí = có trí chậm chạp; lợi căn,
lợi trí = có trí thông minh lanh lợi). Có bốn hạng người nầy:
thứ nhứt, có nhiều phiền não sâu dầy; thứ hai, phiền não thưa thớt; thứ
ba, căn trí lanh lợi; thứ tư, trí óc cùn
nhụt.
Nơi người độn căn còn nhiều phiền
não sâu dầy cần tu hành khó nhọc thì độn trí
mới đắc định. Nơi người lợi căn mà phiền não còn sâu dầy, cần khổ
tu thì lợi trí đắc định. Nơi người độn căn mà
phiền não thưa thớt, nếu vui tu thì độn trí
đắc định. Nơi người lợi căn mà phiền não thưa thớt, nếu vui tu thì
lợi trí đắc định.
Như thế, người phiều não sâu dầy, vì cớ còn phiền não cần phải chiết
phục (= dẹp, trừ bỏ), do đó việc tu hành
mới khó nhọc. Người độn căn, vì cớ căn
cơ chậm chạp, cần hành thiền lâu dài
để làm thức dậy trí óc cùn nhụt, do đó
trước mới gọi đó là độn trí. Dùng
phương tiện đó để phân biệt tất cả.
Lại nữa, định có bốn loại:
định nhỏ về sự việc nhỏ, định nhỏ về sự
việc vô lượng, định vô lượng về sự việc nhỏ, định vô lượng về sự việc vô
lượng.
Thế nào là định nhỏ về sự việc nhỏ?
Định chẳng theo kịp chỗ tâm đã
đắc định về sự việc nhỏ, vì ít tinh
tấn, đó gọi là
định nhỏ về sự việc nhỏ. Thế nào là
định nhỏ về sự việc vô lượng?
Định chẳng theo kịp chỗ tâm đã
đắc định về sự việc vô lượng, với nhiều tinh
tấn, đó gọi là định nhỏ về sự việc vô
lượng. Thế nào là định vô lượng về
sự việc nhỏ? Định theo kịp chỗ tâm
đã đắc định về sự việc nhỏ, với ít
tinh tấn, đó gọi là định vô lượng về
sự việc nhỏ. Thế nào là định vô
lượng về sự việc vô lượng? Định
theo kịp chỗ tâm đã đắc định về sự
việc vô lượng, với nhiều tinh tấn, đó gọi là
định vô lượng về sự việc vô lương.
Lại nữa, định có bốn loại:
dục định, tinh tấn định, tâm định, huệ
định. Dục định
là y theo ý muốn mà tu đắc định. Y theo
sự tinh tấn mà tu đắc định gọi là
tinh tấn định. Y theo tâm mà tu
đắc định gọi là tâm
định.Y theo trí huệ mà tu
đắc định,gọi là huệ
định.
Lại nữa, định có bốn loại:
định Phật đắc Thanh văn chẳng đắc được,
định Thanh văn đắc mà chẳng phải chỗ Phật
đắc, định Phật đắc, Thanh văn cũng đắc, định
chẳng phải chỗ đắc của Phật và của Thanh văn.
Định đại bi,
định song biến là chỗ
đắc của riêng Phật, hàng Thanh văn
chẳng đắc được. Định về quả vị hữu học (= ba quả
đầu tiên của Thanh văn)
là chỗ đắc của hàng Thanh văn,
chẳng phải của Phật. Định cửu thứ
đệ (chín cấp từ sơ thiền đến diệt
tận định) và định về quả vị
vô học (= cấp A-la-hán trở lên) là chỗ
đắc của Phật và Thanh văn.
Vô tưởng định chẳng phải là chỗ
đắc của Phật và Thanh văn.
Lại nữa, định có bốn loại:
(1) định duyên khởi duyên diệt,
(2) định duyên diệt chẳng duyên
khởi, (3) định duyên khởi chẳng
duyên diệt, (4) định chẳng duyên
khởi chẳng duyên diệt.
Hỏi: Thế nào là duyên khởi chẳng duyên diệt?
Đáp: Nơi cõi dục giới, định
khéo và định chẳng khéo là
định duyên khởi chẳng duyên
diệt. (Duyên khởi = làm nhơn duyên cho sự khởi sanh ra;
duyên diệt = làm nhơn duyên gây ra sự tiêu diệt).
Định về về bốn Thánh đạo là
định duyên diệt chẳng duyên khởi.
Định khéo của bực hữu học và của phàm
phu về cõi sắc giới và cõi vô sắc giới là
định vừa duyên khởi vừa duyên diệt. Tất cả các
định về quả vị và sự
định đều là
định chẳng duyên khởi chẳng duyên
diệt.
Lại nữa, định có bốn loại:
sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Lià
được năm triền cái và thành tựu
được giác (= tầm), quán (=
tứ), hỉ (= mừng), lạc (= vui), nhứt tâm (= tâm an trú),
đó là Sơ thiền. Lià
được giác, quán và thành tựu
được ba thiền chi (= gồm có hỉ, lạc và
nhứt tâm) là Nhị thiền. Lià thêm được
hỉ và thành tựu hai thiền chi (gồm có lạc và nhứt tâm) là Tam
thiền). Lià được lạc và thành tựu
được xả và nhứt tâm thì
được Tứ thiền.
Lại nữa, định có năm
loại: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và ngũ thiền.
Ngũ thiền tức là năm thiền chi:
giác, quán, hỉ, lạc, nhứt tâm. Lià
được năm triền cái, thành tựu được năm
thiền chi, đó gọi là Sơ thiền. Lià giác, thành tựu bốn thiền
chi, đó gọi là Nhị thiền. Lìa
hỉ và thành tựu hai thiền chi, đó gọi là
Tam thiền. Lià thêm lạc và thành tựu hai chi còn lại, tức là xả và
nhứt tâm, thì đắc Tứ thiền.
Hỏi: Tại sao lại nói tứ thiền cùng với ngũ thiền?
Đáp: Vì tùy theo hai hạng người khác nhau mà Nhị thiền có
tới hai loại: loại (1) chẳng giác chẳng quán, và loại (2) chẳng giác mà
còn chút ít quán. Vì thế, nên có ngũ thiền.
Hỏi: Bằng cách nào người ngồi thiền chuyển từ Sơ thiền sang Nhị
thiền?
Đáp: Nơi giác và quán còn thô, người ngồi
thiền thâu nhiếp niệm tư duy lại, rồi thấy các sự bất lợi của giác
và của quán, liền khởi lên sự chấm dứt giác, quán, nơi Nhị
thiền. Bằng cách đó, người ấy tuần tự tu tiếp
cho đến Tứ thiền.
Lại có người khác cũng từ Sơ thiền chuyển khởi sang Nhị thiền. Người ấy
từ giác còn thô, thâu nhiếp sự tư duy lại, nhận
được sự bất lợi của giác, đồng thời thấy ra
mất giác còn chút ít quán, nên khởi lên
được Nhị thiền. Do theo đấy, người ấy tuần tự
tu cho đến Ngũ thiền. Vì lẽ đó mà
có nói đến Ngũ thiền.
Lại nữa, có năm loại định
được gọl là năm
phần của chánh thọ: hỉ mãn, lạc mãn, tâm mãn, quang mãn và
quán tưởng. Nơi Sơ thiền và Nhị thiền, tràn
đầy nỗi mừng (hỉ mãn = mừng
tràn đầy). Nơi Tam thiền, niềm vui tràn
đầy (lạc mãn = vui tràn
đầy). Biết được tâm của kẻ khác, đó gọi là
tâm mãn (= tâm mở rộng ra khắp). Có
được thiên nhãn thông (= mắt Trời thấy xa),
đó gọi là quang mãn (quang =
ánh sáng; mãn = tràn đầy).
Theo dõi được mọi tư tưởng, định khởi lên
quán sát trí, đó gọi là quán tưởng.
Lại nữa, định có năm
loại gọi là năm trí chánh định.
Định đó do từ niềm vui trong hiện
tại và vị lai, theo thân trí mà khởi lên.
Định đó được bực Thánh thực hành,
chẳng còn phiền não. Định đó được bực trí huệ
tu tập. Định đó yên vắng, khoái lạc, nhưng dầu chỗ
đắc là vô song nhưng vẫn còn chưa
khuất phục được việc sanh tử. Định đó an vui
cao nhứt, theo tánh của chỗ sở đắc vẫn chẳng khuất phục được sanh tử và
ngã kiến. Định đó, niệm nhập (nhập
= vào), niệm khởi đều y vào thân
trí mà khởi lên.
Lại nữa, đã phân biệt phạm vi của
định, sự tu hành với các giai
đoạn đầu, giữa và chót,
đã biết
định có nhiều loại, nhưng cũng nên hiểu rằng tất cả
định đều qui về bốn loại thôi.
-ooOoo-