PHẦN TÌM HIỂU
Phần Tìm hiểu Phẩm 8:
Hành môn
Chi 1:
Nhứt thiết nhập
Điạ, Sơ
Thiền & 5 thiền chi
Chuyển tiếp: Nơi Phẩm 7: Phân biệt Hành xứ, Luận văn
có liệt kê ra 38 đề mục quán tưởng,
để thực tập, nay được khai triển với đầy đủ
các chi tiết tại Phẩm 8 nầy.
Phẩm 8 rất dài, chia ra làm năm Chi. Phần
Tìm hiểu tại đây chỉ xét về Chi 1:
Nhứt thiết nhập Điạ và
Sơ Thiền cùng với năm Thiền chi.
Các Chi khác của Phẩm 8: Chi 2, 3, 4, 5 sẽ cứu xét
đến các đề mục quán tưởng còn
lại.
045. Nhận xét về Bố cục của Phẩm 8: Hành môn.
Phẩm 8: Hành môn rất dài, chia ra làm năm
Chi:
Chi 1: Nhứt thiết nhập Điạ Sơ thiền
Các Thiền chi.
Chi 2: Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Không
định, Thức định, Vô sở hữu xứ định, Phi
tưởng định. Các Nhứt thiệt nhập tiếp theo.
Chi 3: Các Nhứt thiết nhập tiếp theo và hết. Mười Tưởng bất
tịnh, Mười Niệm.
Chi 4: Mười Niệm tiếp theo và hết.
Chi 5: Bốn Tâm vô lượng, Bốn Đại,
Chẳng khứng Thức ăn.
Cách bố cục chia thành năm Chi như trên
đây thiếu phần hợp lý, vì như Chi 1
nầy chưa nói hết về nhóm Nhứt thiết nhập
đã bước sang bàn
đến các cấp Thiền và
Định. Chi 2 giảng tiếp về Thiền
định mà Chi 1 còn chưa
được giảng đủ, rồi quay về với các
Nhứt thiết nhập còn lại, lấn sang đến Chi
3.
Về Mười Niệm, ý tưởng lại trải ra ở cuối Chi 3 và trọn Chi 4.
Còn Chi 5 bàn về bốn Tâm vô lượng, và giảng nốt về Tứ
đại, Thức ăn bất tịnh, khiến ta
thấy các ý tưởng hơi rời rạc. Lẽ ra, Tưởng chẳng khứng thức
ăn bất tịnh nên xếp chung với Mười
Tưởng bất tịnh.
Để tiện việc theo dõi, xin xếp các ý tứ trong Phẩm 8 thành
từng nhóm với số trang mà các Chi dành cho mỗi nhóm.
Như thế, Phẩm 8: Hành môn giảng về:
- Nhóm 1: Các Nhứt thiết nhập: từ trang 72
đến 84 ở Chi 1, và các trang 121
đến 131 trong các Chi 2 và Chi 3.
- Nhóm 2: Các Thiền chi và Sơ Thiền: trang 84
đến 99, Chi 1. Từ Nhị Thiền
đến Phi tưởng
Định: trang 100 120, Chi 2
- Nhóm 3: Mười Tưởng bất tịnh: trang 132
đến 141, ở Chi 3
- Nhóm 4: Mười Niệm: từ trang 141
đến 154, trong Chi 3, và từ trang 155
đến 180, trong Chi 4.
- Nhóm 5: Bốn Tâm vô lượng: từ trang 181
đến 196, ở Chi 5
- Nhóm 6: Bốn Đại: từ
trang 197 đến 205, ở Chi 5.
- Tưởng chẳng khứng thức ăn:
trang 206 đến 209, Chi 5
- Vô sở hữu xứ và Phi tưởng xứ: cuối trang 209, Chi 5.
Thứ tự các nhóm trên đây theo đúng
thứ tự của 38 hành xứ đã
được liệt kê ở
đầu trang 64 của Phẩm 7, có xen thêm
vào các Thiền chi với các cấp Thiền và Định.
Vấn đề khó là khi
đọc mỗi nhóm hành xứ,
đôi khi phải nhảy qua một số trang khác, để
đọc trọn về nhóm hành xứ đó.
Nhưng nếu đã nắm vững được trong đầu
rằng Phẩm 8 nầy nói về các Hành môn, qua sáu nhóm
Hành xứ sau đây:
(1) 10 Nhứt thiết nhập (gồm luôn về Hư-không vàThức);
(2) 4 Thiền và 4 Định
(kể cả các Thiền chi);
(3) 10 Tưởng bất tịnh (thêm Tưởng thức
ăn bất tịnh);
(4) 10 Niệm;
(5) 4 Tâm vô lượng;
(6) 4 Đại... thì việc theo dõi
cũng đỡ bớt phần rối rắm.
046. Ý chánh của Chi 1, trong Phẩm 8
Chi 1 của Phẩm 8: Hành môn, xét đến
Nhứt thiết nhập Điạ là
đề mục quán tưởng đầu tiên trong số 38
hành xứ. Nhứt thiết nhập Điạ là một
phương tiện, lấy Đất làm
đối tượng để quán tưởng, giúp hành giả
giữ được tâm an trú nơi tướng
đất.
Luận văn chỉ cách tạo một mạn-đà-la
trên đất và dạy các cách quán
tưởng, cách giữ tướng đất, cách
làm cho tướng đó tăng trưởng lên và
khi đã thuần thục, thì hành giả chứng
được thiền ngoại hành. Rồi từ
đó tiến tu để nhập vào
Định của Sơ thiền. Năm
thiền chi của Sơ thiền cùng các công
đức của Sơ Thiền được Luận văn mô tả rất kỹ,
để kết thúc Chi 1 nầy.
Dựa theo các ý tứ vừa được tóm tắt như trên,
ta rút ra được ý chánh của Chi 1: quán tưởng
nhứt thiết nhập Địa
đúng cách, hành giả lần lượt trải qua
năm Thiền chi của Sơ thiền.
047. Dàn bài của Chi 1, trong Phẩm 8.
I. Nhập đề:
Định nghiã: Nhứt thiết nhập
Điạ là phương tiện nương tựa làm
cho tâm sanh ra y theo tướng đất.
II. Thân bài:
A. Nhứt thiết nhập Điạ là gì?
Tu cách nào?
1. Hình tướng và chức năng của
Nhứt thiết nhập Điạ
2. Nghiã của Nhứt thiết nhập
Điạ: làm thấm nhập vào khắp
cả.
3. Hai loại Đất: thiên
nhiên và tạo tác.
4. Cách tạo một mạn-đà-la
để quán tưởng.
5. Điều kiện cần có đủ trước khi bắt đầu quán tưởng:
51. lià các ham muốn,
52. niệm công đức của sự xuất ly.
6. Quán tưởng như thế nào?:
61. nhìn đều đặn,
62. khéo tác ý để giữ chú tâm,
63. tránh sự loạn động.
7. Khi nào tướng khởi sanh?
71. Tâm chuyên nhứt thì tướng khởi lên.
72. Hình tướng bên ngoài của nhứt thiết nhập và tướng bỉ
phần khởi lên bên trong tâm.
73. Cách nắm giữ và bảo vệ tướng bỉ phần.
B. Từ Thiền ngoại hành đến An định:
1. Thế nào là Thiền ngoại hành?Thế nào là An
định?
2. Cách làm tăng trưởng
tướng bỉ phần.
3. Các cách để khéo khởi lên
an định.
4. Thọ trì cách nào để khéo
sanh an định.
C. Sơ Thiền và năm
Thiền chi của Sơ Thiền.
1. Điều kiện cần có đủ trước để nhập vào
Sơ Thiền: (a) ly dục; (b) lià xa các pháp chẳng lành.
2. Năm Thiền chi của Sơ Thiền:
21. Thế nào là giác?
22. Thế nào là quán?
23. Thế nào là hỉ?
24. Thế nào là lạc?
25. Thế nào là nhứt tâm?
3. Sự đối trị để chống lại năm
triền cái.
4.Các công đức của Sơ Thiền và
Nhứt thiết nhập Điạ
III. Kết luận: Chẳng thấy có phần Kết của Chi 1.
048. Tìm hiểu nghiã các chữ khó:
Nhứt thiết nhập Điạ: Như
đã biết, chữ Nhứt thiết nhập
là tiếng dùng để dịch chữ Pàli
Kasina, nghiã là tất cả, toàn bộ, trọn vẹn; còn
được dịch là biến xứ (biến =
khắp chốn). Nhứt thiết nhập Điạ
là một dụng cụ bằng đất (tạo thành
hình một bông hoa mạn-đà-la),
dùng như một phương tiện để làm chỗ
nương tựa cho mắt nhìn kỹ và khiến tâm chú ý mãi vào, hầu khởi lên
tướng bỉ phần tức là một tâm ảnh. Khi hình bóng về hoa mạn-đà-la
bằng đất đó, tuy chẳng còn
được nhìn bằng mắt nữa mà trong tâm
vẫn hiện rõ rệt tướng bỉ phần của hoa
đó, thì việc quán tưởng Nhứt thiết
nhập Điạ
đã thành tựu,
đưa đến Thiền ngoại hành, và từ
đó tu tiến lên nhập vào Sơ Thiền và
các cấp Thiền kế tiếp.
Như ý: tức là như ý túc, nghiã là những khả năng
siêu phàm tùy theo tâm muốn mà biến hoá
được như các thần thông. Phẩm 9 về Thần thông
sẽ nói rõ thêm.
Thiên nhĩ: Thiên = Trời; Nhĩ = lỗ tai. Có thiên
nhĩ thì nghe rõ được âm thanh ở chốn thật
xa.
Cam lộ: Cam = ngọt; Lộ = sương ban mai. Thường
đọc là cam lồ, có nghiã là
những chất ngọt ngào, rất đáng qúi. Theo nghiã
trong Luận văn nầy, chữ Cam lộ
ám chỉ đến hương vị ngọt ngào
được hưởng, khi đến ngưỡng cửa của Niết-bàn.
Diêm-phù-đề: phiên âm chữ Pàli
Jambudipa, nghiã là xứ Ấn độ, vì
có nhiều cây Diêm-phù (Jambu). Trong bài Kệ trang 73, chữ
Diêm-phù-đề có nghiã: rộng lớn như
đại lục điạ.
Tướng sáng: dịch chữ minh tướng, tướng sáng rỡ.
Mạn-đà-la: phiên âm chữ Pàli
mandala, một loại hoa cõi Trời, đẹp và
thơm.
Một tầm: đơn vị đo chiều dài
khoảng 2, 3 m.
Tịnh khiết: trong sạch.
Viên quy: dụng cụ học trò vẽ vòng tròn.
Khánh: nhạc khí như chuông đánh lên
khi làm lễ.
Bổn sư: Bổn = gốc; Sư = thầy. Thầy bổn sư là
vị thầy truyền giới và chỉ dạy giáo lý ban
đầu cho mình. Chữ Bổn sư còn chỉ
đến Đức Phật Thích-ca, vì các Phật tử
tự xem mình như là học trò của chính Đức
Phật, khi niệm: Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Căn dục: Căn
= ở đây có nghiã là các
giác quan; Dục = ham muốn. Căn dục
là những ham muốn nơi các giác quan, như mắt muốn thấy sắc
đẹp, mũi muốn ngữi mùi thơm, lưỡi muốn
nếm vị ngọt, v.v.
Hư ảo: chẳng có thật, sự vật giả dối làm mờ mắt.
Xuất ly: Xuất = ra khỏi; Ly = lià xa. Hạnh xuất ly
là đức tánh biết lià xa chỗ chẳng
lành; nghiã rộng nói đến sự khước từ tất cả
của người tu sĩ để chọn lấy con đường tu hành hầu
được giác ngộ và giải thoát.
Kham nhẫn: Kham = khứng chịu, cam chịu; Nhẫn = nhịn
nhục, bền chí. Người kham nhẫn là người gặp việc khổ biết cam chịu
chẳng than van, chẳng trốn lánh, bền chí cố gắng vượt qua.
Triền cái: Xem lại Phẩm 1, trang 323.Triền = vấn chặt xung
quanh; Cái = che úp lên. Trong Phẩm 8, Chi nầy có kể ra
đủ năm
triền cái, mà danh từ Hán Việt gọi là ngũ cái.
Thắng diệu: Thắng = hơn tất cả; Diệu = khéo
đẹp lắm.
Quả báo: Quả = kết quả, hậu quả, sự việc xảy ra do vì nguyên
nhân tạo lúc trước. Báo = đền báo, báo
đáp. Hành động cố ý làm
nguyên nhân hiện nay, sanh ra quả báo về sau.
An trí y bát: An = yên ổn; Trí = sắp xếp,
đặt bày; Y = áo, áo cà-sa;
Bát = chén bát, dụng cụ giống như cái nồi nhỏ mà vị khất sĩ dùng
đựng thức ăn khi đi xin được. An
trí y bát là sắp xếp quần áo và chén bát vào
đúng chỗ.
Kinh hành: Kinh = bài Kinh, lời Phật dạy; Hành =
đi. Sau bữa ăn, hay buổi toạ thiền, tu sĩ vừa
đi kinh hành, bước từng bước rất chậm, tâm vừa niệm Kinh,
giữ chánh niệm; cốt ý cho thân tâm được thoải
mái.
Kiết-già = kết-già: đủ chữ
kết-già phu tọa = thế ngồi hoa sen khi toạ thiền, rất vững chắc và
cũng khá đau chơn. Ngồi xếp bằng, hai chơn
tréo nhau, bàn chơn trái gát lên đùi
phải, và bàn chơn mặt gát lên đùi
trái. Thế ngồi bán già dễ hơn, chơn trái dưới
đùi phải, bàn chơn mặt gát lên
đùi trái; hoặc ngược lại, bàn chơn
trái ở trên đùi mặt và chơn mặt dưới
đùi trái. Cần nhứt là ngồi
được vững và lâu, vì hễ thân có yên
thì tâm mới an.
Nhiếp tâm = giữ tâm trụ lại, chú ý đến
đối tượng, chẳng chạy lông bông, gạt bỏ mọi ý tưởng khác.
Nhứt tâm: Xin xem lại Phẩm 4, trang 371.
Tự tánh: Tự = chính mình, riêng của mình; Tánh = bổn
tánh, đặc tánh căn bản. Tự tánh
là bản tánh căn bản thường còn bên
trong;khác với hình tướng thay đổi bên
ngoài.
Giải đãi: Giải = lười
biếng, chậm lụt; Đãi = lười
nhác; Giải đãi là lửng
đửng, lờ đờ, lười nhác, chậm lụt.
Tán loạn: Tán = phân tán, tứ tán, chẳng hội nhau lại;
Loạn = chẳng yên, chẳng có trật tự. Tâm tán loạn là tâm chạy
lông bông, vướng vít nhiều ý tưởng lộn xộn.
Đồng nghiã với chữ loạn động.
Tác ý: khởi lên ý, chú ý. Xem lại trang 344, Phẩm 2
Sự duyên: Sự = sự việc; Duyên = cơ duyên,
điều kiện khiến có sự thay đổi. Ở đây,
sự duyên cũ có nghiã là việc cũ.
Niệm căn: Niệm = suy
nghĩ, có một ý tưởng trong trí; căn =
gốc, nơi phát sanh ra. Niệm căn
là nơi phát sanh ra niệm. Niệm căn
là một trong năm căn/ ngũ căn.
Định căn: Định = dừng lại, trụ lại, chẳng loạn
động. Căn
là nguồn gốc. Định căn
là nơi nguồn gốc phát sanh ra Định.
Định căn là một căn trong năm căn
Tinh tấn căn: Tinh tấn
là nỗ lực, cố gắng; Căn là
nguồn gốc làm phát sanh ra. Tinh tấn căn
là nơi làm phát sanh ra sự cố gắng. Tinh tấn căn
là một căn trong năm căn.
Ngũ căn gồm có tín căn,
tinh tấn căn, niệm căn, định căn và huệ căn.
Lục căn gồm có nhãn căn
(mắt), nhĩ căn
(tai), tị căn (mũi), thiệt căn
(lưỡi), thân căn
(thân) và ý căn.
Chuyên nhứt tâm: Chuyên = hướng riêng về một phiá; nhứt =
một. Chuyên nhứt tâm là tâm chú ý
đến một điểm nào trên đối tượng; cũng
là tâm trụ vào một điểm duy nhứt trên
đối tượng, chẳng nghĩ gì khác nữa, và
sắp bước vào Định.
Tướng bỉ phần: Ở tiểu mục Thủ tướng (= nắm lấy
tướng) nầy, chữ Tướng bỉ phần chỉ cái tâm ảnh về mạn-đà-la,
nằm trong tâm, khi mắt chẳng còn nhìn mạn-đà-la
bên ngoài.
Trân bảo = vật qúi giá.
Tự tại: Tự = chính mình, của riêng mình; Tại = hiện
tại, tại đây và vào lúc nầy. Ráp hai
chữ lại, Tự tại có nghiã là mình hiện có
đây, chẳng bị chi ràng buộc; gần nghiã
với chữ tự do ở ngoài đời. Nhưng trong
bộ Luận thường dùng chữ tự tại cùng một nghiã với chữ
thuần thục, tức là mình muốn tướng bỉ phần khởi lên trong tâm,
thì hình ảnh của tướng ấy liền khởi lên thành một tâm ảnh trong tâm
mình, chẳng có chi trở ngại. Xem lại nghiã chữ tự tại ở trang 344,
Tìm hiểu Phẩm 2.
Thắng định:
Định cao hơn, thâm sâu hơn.
Tối thắng định: Tối =
hết sức, rất, vào bực nhứt. Tối thắng định
là định cao nhứt,
hết sức cao.
Tâm sở hành: Tâm = tâm, lòng; sở = chỗ; hành =
làm, hành động. Tâm sở hành là
chỗ mà tâm đang hành
động, đang suy tư, tức là các suy tư,
ý nghĩ, các động tác của tâm.
Thọ trì: Xem lại nghiã ở trang 340, Tìm hiểu Phẩm 2. Ở
đây, chữ Thọ trì liên quan
đến việc giữ gìn tướng bỉ phần.
Linh hoạt: Linh = linh động,
biết tùy cơ mà thay đổi các hành
động; Hoạt = hoạt
động. Linh hoạt trái nghiã với
ù lì, buông trôi, thờ ơ.
Quán khắp chư căn: Chư căn
ở đây (trang 418) chỉ vào
ngũ căn/năm
căn, tức là tín căn, tinh tấn căn,
niệm căn, định căn và huệ căn.
Xem lại chữ ngũ căn
ở trên, trang 417. (Tín căn =
căn làm cho ta biết tin
tưởng; tín = tin tưởng).
Hữu dụng: Hữu = có; Dụng = dùng. Hữu dụng là
có ích lợi, có thể dùng được.
Pháp vị: Pháp = Chánh pháp, pháp tu; Vị = mùi vị,
hương vị. Pháp vị là vị ngọt của Chánh pháp, tức là chỗ lợi ích mà
pháp tu mang đến cho mình và cho người
khác.
Chế phục: đàn áp, bắt phải theo
đường lối của mình.
Đồng nghiã với khuất phục,
điều phục, nhiếp phục.
Ỷ ly: Ỷ = dựa kề, tựa vào. Ly = lià xa. Chữ ỷ
ở đây lại được dùng với nghiã
Khinh an, nghiã là cảm thấy thân tâm vui vẻ, nhẹ nhàng, chẳng vướng
bận điều chi.
Xuất ly: Xuất = ra khỏi; ly = lià xa. Ở
đây, chữ xuất ly (trang 85) trỏ
vào Niết-bàn, vì hành giả đã ra khỏi
rừng phiền não u tối. (Niết-bàn, nghiã gốc là ra khỏi rừng phiền
não u tối)
Tương ưng: Xem lại nghiã ở trang 389, Phẩm 6.
Viễn ly: Viễn = xa; Ly = lià; Viễn ly là lià
xa.
Vô minh: Vô = chẳng; Minh = sáng, sáng suốt. Vô
minh là sự si mê. Trái nghiã với chữ Trí huệ.
Giác: Xem lại nghiã oỏ trang 336, Tìm hiểu Phẩm 2
Quán: Xem lại nghiã ở trang 337, Tìm hiểu Phẩm 2
Hỉ: Xem lại nghiã ở trang 337, Tìm hiểu Phẩm 2
Lạc: Xem lại nghiã ở trang 337, Tìm hiểu Phẩm 2.
Nhảy nhót: tạm dịch nguyên văn là
dõng dược, nghiã bóng là tâm còn rung
động vì mừng; mừng rơn.
Bồ-đề phần: Bồ-đề
= phiên âm chữ Pàli Bodhi, có nghiã là giác ngộ, thấy
được Chơn lý. Phần = các phần,
ở đây là các yếu tố của sự giác ngộ.
Có bảy yếu tố của sự giác ngộ, gọi là thất giác chi (bảy nhánh của
sự giác ngộ): (1) niệm, (2) trạch pháp, (3) tinh tấn, (4) hỉ, (5) khinh
an, (6) định, (7) xả. Như thế, hỉ
là yếu tố thứ tư của Thất giác chi (= Thất Bồ-đề
phần).
Niệm niệm Hỉ: Chữ niệm niệm ở
đây dùng để chỉ thời gian rất ngắn như
một niệm trôi phớt qua. Niệm niệm hỉ là nỗi mừng ngắn, qua
nhanh.
Duyên theo = ý muốn nói, dựa theo đó mà
thay đổi theo; chữ duyên có
nghiã: vì duyên cớ đó, do theo điều kiện đó,
bởi nhân duyên đó mà sanh ra
hoặc xảy ra một việc gì.
Tư cụ lạc: Tư = tiền của, vốn liếng; Cụ =
đầy đủ; Lạc = vui. Thí dụ trong
Luận văn hơi khó hiểu: Phật sanh
thế lạc = Phật sanh niềm vui cho thế gian. Phải chăng
đây là niềm vui được ban bố chung cho
cả muôn loài, tựa như mỗi người ai cũng có sẵn một số "vốn" vui
trong tâm vậy. (Xin hãy dè dặt).
Hành ấm: Hành = hành động,
chuyển hành, vận hành, chuyển động
(đây là nói sự biến chuyển của Tâm); Ấm = Uẩn = nhóm, tụ họp
và che mờ. Hành ấm là tất cả các tri giác, tư tưởng và hành
động của Tâm. Trong câu "Hỉ thuộc
hành ấm, Lạc thuộc Thọ ấm", tác giả muốn phân biệt Hỉ là một ý
tưởng, nên thuộc hành ấm, còn Lạc lại là một tình cảm nên
thuộc về thọ ấm.
Thọ ấm: Thọ = cảm thọ, nhận chịu lấy. Thọ ấm là tất
cả những tình cảm, những cảm giác, nhân vì có
đối tượng ở trước mặt nên sanh ra tình cảm, hoặc nhận lấy cảm giác
gây ra bởi đối tượng. Xin xem thêm chữ
Hành ấm ở trên, để phân biệt giữa
Hỉ (thuộc hành ấm) và Lạc (thuộc thọ ấm).
Suy nghĩ bình đẳng: Trong khi
suy nghĩ, chẳng nghiêng về một ý tưởng nào, chẳng chấp thủ vào một ý tưởng
nào, mà cứu xét đồng đều tất cả mọi khía
cạnh, chẳng kỳ thị.
Thiền chi: Thiền = thiền, xin xem
định nghiã trong Luận văn,
trang 91. Chi = nhánh. Năm
thiền chi là năm giai đoạn mà
hành giả trải qua từ Thiền ngoại hành đến Sơ
Thiền, như đã được kể ra trong Luận
văn: (1) giác, (2) quán, (3) hỉ, (4) lạc và (5) nhứt tâm.
Năm trần: Trần = nghiã
đen là bụi bặm; nghiã bóng là các
đối tượng do năm giác quan thâu nhận, chuyển
vào tâm và làm tâm bị dính nhiễm. Năm
trần gồm có: sắc trần (hình dạng và màu sắc), thanh
trần (âm thanh, tiếng động),
hương trần (mùi), vị trần (vị nếm ở lưỡi), xúc trần (va
chạm trên thân); nói cho đủ còn có
pháp trần (ý được gợi lên trong
tâm), thành ra là lục trần (= năm cảnh
vật bên ngoài + ý tưởng bên trong tâm) (lục = sáu).
Sắc pháp: Sắc = ở đây có nghiã
là vật chất. Pháp = ở đây có nghiã
là sự vật. Sắc pháp là những sự vật vật chất có hình dạng và thể
chất. Thí dụ như ngôi nhà, quyển sách là sắc pháp. Trái nghiã với sắc pháp
là tâm pháp, một sự việc trừu tượng, chỉ có trong tâm, chẳng
có hình sắc.
Thí dụ như sân hận là một tâm pháp, vì
đó là một tâm sở giận hờn nổi
lên trong tâm. Khi đọc đến Phẩm 11,
Năm Phương tiện,
đoạn Luận văn nói về Giới sẽ
giải thích rõ thêm về sự phân biệt giữa sắc pháp và tâm pháp.
Trạo: còn được đọc là
Điệu, có nghiã là vụt chạc, hấp
tấp, hối hả; vì tâm bên trong chao động mà
có hành động và thái
độ thiếu sự chững chạc.
Xa-ma-tha: phiên âm chữ Pàli Samatha, có nghiã là yên tịnh,
là Định, hoặc là
định kiến. Xa-ma-tha, hay
Định, là một tâm trạng trong
đó tâm trụ lại, dừng lại, trên
đối tượng đang quán tưởng.
Tì-bà-xá-na: phiên âm chữ Pàli Vipassanà, có nghiã là nhìn
vào bên trong, thường được dịch là
minh sát, sự quan sát rõ ràng bên trong; cũng thường gọi là Huệ,
hay huệ kiến. Tì-bà-xá-na là một tâm trạng
đang quán sát kỹ lưỡng về bên trong,
tức là đang quán tưởng với trí huệ sáng tỏ.
Năm phần: Luận văn
dùng chữ năm phần
để chỉ đến năm yếu tố của Thiền, tức là
năm Thiền chi: giác, quán, hỉ,
lạc và nhứt tâm.
Tánh chế: Tánh = ở đây có nghiã
là họ, gia quyến, bộ tộc; Chế = cơ chế, chế
độ, thể thức chung sống với nhau. Luận văn
nói: "Nếu nói theo bộ lạc, thì gọi là Thiền; nếu nói theo bộ
tộc, thì gọi là Chi", câu nầy có nghiã là, một bộ lạc có nhiều bộ tộc,
cũng như Thiền có nhiều chi; Thiền rộng hơn, cũng như bộ
lạc, Thiền chi là một ngành của Thiền, cũng như một bộ tộc sống
trong bộ lạc.(Bộ lạc = sắc dân sơ khai sống vùng hẻo lánh, gồm
nhiều cánh họ, hay bộ tộc, tuy khác họ nhưng sống chung tục lệ với nhau
trong một bộ lạc).
Tạp loạn: Tạp = nhiều thứ chung nhau chẳng có trật tự;
Loạn = lộn xộn. Tạp loạn gần nghiã với loạn
động.
Nhiệt tâm: Nhiệt = nóng. Nhiệt tâm là lòng hăng
say làm một việc gì.
Thích nghi = thích hợp, phù hợp với, tiện lợi cho.
Ba loại Thiện: Thiện = lành; còn có nghiã là khéo. Nói ba
loại Thiện ở đây (trang 95 Luận văn) là
nói lên việc Thiện, chỉ có một thôi, nhưng khởi lên qua ba giai
đoạn: lúc đầu đã lành,
đã khéo, lúc giữa vẫn lành, vẫn khéo
và lúc sau chót cũng vẫn lành, cũng vẫn khéo. Như nói, "lời Phật giảng
pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện", có nghiã là lời nói
đó từ đầu chí cuối đều thiện,
đều khéo cả ba giai đoạn. Vì lẽ tôn
trọng lời tác giả tam chủng Thiện, nên dịch thành ba loại Thiện;
thật ra chỉ là một việc Thiện, trải qua ba lúc
đều lành, khéo cả.
Sơ, Trung, Hậu: Sơ = buổi
đầu; Trung = giữa; Hậu =
sau.
Mười tướng đầy đủ:
Đầy đủ = dịch chữ Cụ túc.
Có được mười tướng
đầy đủ, có nghiã là việc tu hành
nay dã thành tựu đầy đủ, như mình
đang chứng thấy qua sự thanh tịnh của tâm,
qua sự tâm xả bỏ được tăng thêm và qua sự hoan hỉ trong lòng, thấy
đầy đủ các tướng như thế.
Đồng bàn: Đồng =
chất kim loại đồng; Bàn =
mâm hay khay; Đồng bàn ở
đây là cái mâm lớn bằng
đồng bên trên có các vật dụng
để dùng khi tắm rửa.
Bột tắm: Ngày xưa chưa có xà bông, dùng bột gạo tán nhỏ hoà nước
thành viên tròn để chà lên mình mà kỳ
cọ.
Người hầu tắm: kẻ giúp việc cho người tắm rửa.
"Đồng bàn là tướng
của Nhứt thiết nhập": Câu nầy vì nói quá ngắn, nên khó hiểu:
có lẽ nên viết lại đầy đủ như vầy:
Công dụng của cái đồng bàn trong việc
tắm rửa cũng giống như công dụng của tướng bỉ phần của Nhứt thiết
nhập giúp tâm hành giả sớm được hỉ,
lạc và an tịch.
Phạm thiên: Phạm = phiên âm tiếng Pàli Brahma, còn
đọc là Phạn; Thiên = cõi Trời.
Cõi Phạm thiên là cõi Trời thuộc Sắc giới, cao hơn Dục giới.
Danh pháp: Danh = tên gọi; Pháp = sự vật. Danh
pháp là sự việc chỉ có tên để gọi, trừu
tượng, vô hình. Trái với sắc pháp; và gần
đổng nghiã với tâm pháp.
Thắng duyên: Thắng = trội hơn, lấn hơn, nhiều hơn; Duyên
= cơ duyên, ở đây có nghiã là các
điều kiện, nguyên nhân khiến hậu quả
xảy ra. Nói quán các thắng duyên là nói việc xét
đến các điều kiện quan trọng, ở đây (ở đầu
trang 98) các thắng duyên đó là
nguyên nhân của các triền cái.
Mạng chung: Mạng = mạng sống; Chung = chấm dứt.
Mạng chung là khi mạng sống đã
chấm dứt.
Thiên chúng: Thiên = Trời; chúng = chúng sanh, những
người. Thiên chúng là các bực Thiên sống trên cõi Trời, gồm có
Thiên nam, Thiên nữ, dưới quyền vua Thiên vương.
Thoái phần: Thoái = trở lùi lại; Phần = phần, nhóm.
Thoái phần là còn phần lùi sụt sau nầy.
Trú phần: Trú = ở, ở yên lại; Trú phần là có phần
được an trú, tuy chẳng tiến lên, nhưng
chẳng lùi sụt lại.
Thắng phần: Thắng = vượt hơn lên. Nói
đắc được Thiền thắng phần là
muốn nói tâm hành giả đạt được sự
thắng biện, nghiã là có khả năng phân
biện vượt cao hơn lên.
Đạt phần: Đạt = đến được chỗ cao sâu. Nói đắc được
Thiền đạt phần là muốn nói tâm
hành giả đã thông
đạt, nghiã là có khả năng
hiểu biết đến tận chỗ cao thâm.
049. Tìm hiểu vài ý tưởng trong Chi 1, Phẩm 8:
1) Công dụng của Nhứt thiết nhập:
Mở đầu cho các Hành môn,
Luận văn kể ra Mười Nhứt thiết nhập
là mười môn thực hành mà hành giả nên chọn một
để tu tập. Nhứt thiết nhập là
một dụng cụ, một phương tiện, giúp cho hành giả quán sát sự vật
được kỹ càng.
Tại sao phải quán sát? Vì muốn thanh lọc tâm ý
để Trí huệ sẵn có hết bị che mờ mà
chiếu sáng lên, hành giả phải dùng đường lối
quán sát; quán sát càng kỹ bao nhiêu thì tâm trí càng sáng
tỏ thêm bấy nhiêu, vì thấy ra được những chỗ
còn chưa thấy, hay mình chẳng ngờ là có
đó mà còn chưa biết nhìn thấy
đến. Khi quan sát một vật với đôi mắt, nhìn
chẳng bao lâu thì mỏi mắt, sanh chán, quay đi
nhìn chỗ khác, khiến cho sự quan sát chẳng
đúng mức. Quan sát một vật bằng mắt cho đúng
mức, thì hình ảnh của vật xuyên qua mắt
đi vào tâm, trở thành một tâm ảnh;
quan sát vật bên ngoài bằng mắt càng kỹ lưỡng bao nhiêu thì tâm ảnh bên
trong càng rõ rệt bấy nhiêu. Cho đến khi,
chẳng cần nhìn bằng mắt đến vật bên
ngoài, mà trong tâm vẫn lồ lộ tâm ảnh của vật
đó với
đầy đủ các đặc điểm, đó là
sự quán tưởng về vật đó đã
thành công.
Nhứt thiết nhập đóng vai trò
như cái trụ, cái cọc, để đôi mắt nương tựa vào
mà nhìn, quan sát, để quán tưởng. Nhờ có nhứt
thiết nhập ở vừa tầm mắt, hành giả dễ gom tâm ý lại, chú ý nhìn
vào, tránh được các ý tưởng ngoại lai cùng
những sự vật khác chung quanh. Không có nhứt thiết nhập, sự chú tâm nhìn
của hành giả chẳng bao lâu sẽ lỏng lẻo, mờ dần rồi mất
đi, khiến việc quan sát chẳng đồng đều, chẳng
liên tục.
Cách tạo ra một Nhứt thiết nhập Điạ, cách
ngồi để quán sát, cách tránh các trở ngại, cách giữ gìn tướng bỉ
phần, đã
được Luận văn mô tả rất tỉ mỉ, chẳng cần nói
thêm ở đây cho quá rườm rà.
2) Hai điều cần biết, trước
khi bắt đầu tập:
Có hai điều cần được giải quyết thoả đáng,
trước khi bắt tay vào việc thực tập. Thứ nhứt, có cần phải
được một vị thiền sư hướng dẫn không? Thứ
hai, các ham muốn có được dẹp qua một bên chưa, ngoại trừ cái ham
muốn muốn tu tập đến ngày
đạt mục tiên?
Thứ nhứt, vấn đề được một thiền sư hướng
dẫn là vấn đề quan trọng, đem lại lợi
ích rất lớn cho hành giả, vì thiền sư sẽ chỉ ngay các chỗ sơ sót,
lỗi lầm trong khi thực tập, kẻo các chỗ vụng về
đó trở thành một bịnh khó chữa trị sau
nầy. Lại nữa, các thắc mắc được giải quyết
ngay tại chỗ, khiến tâm trí được tăng niềm tin. Hơn thế, việc thực tập
được thiền sư theo dõi, mỗi tiến bộ
được ghi nhận, mỗi bước lià xa đường
lối liền được chấn chỉnh, và sự khuyến khích của thiền sư rất cần
khi tinh thần của thiền sanh xuống thấp. Tuy nhiên, cơ duyên may mắn gặp
đúng được một thiền sư xứng danh là
một bực thiện tri thức, như đã
đọc qua ở Phẩm 5, thật là hiếm. Trong
khi chờ đợi, chẳng lẽ bó gối, khoanh tay:
những lời dạy trong Bộ Luận nầy cũng đủ giúp sức cho một người có đầy
thiện chí dấn bước lên con đường
giải thoát, mà bước đầu là
thực tập quán tưởng với một hành môn, như Nhứt thiết nhập
Địa nầy. Trong khi tự lực
để thực tập, có ba điều nên lưu ý: (1)
đừng quá nôn nóng muốn thấy ngay kết quả; (2)
chớ lơ là, nay tập mai không, (3) rút kinh nghiệm sau mỗi buổi thực
tập, khi thành công được một điểm, khi thất
bại trong một việc, để tự mình điều
chỉnh lấy mình, rồi thử tới thử lui nhiều bận, mình dạy lấy mình,
mình học lấy kinh nghiệm của chính mình.
Thứ hai, như đã biết, gọi là dục
tức là ham muốn, thì có dục tốt cũng như có dục xấu; tránh các tham
dục là điều dĩ nhiên rồi. Nhưng trong
một ngày, một buổi làm sao mà dẹp hết các ham muốn
đã thâm căn
cố đế từ lâu. Thế cho nên, chỉ cần gát qua một bên tất cả
mọi ham muốn, ngoài trừ cái ham muốn muốn thực tập Thiền cho
đến ngày
đạt được mục tiêu. Tại sao phải gạt qua bên tất cả ham muốn? Vì nếu
không, thì trong khi ngồi yên quán sát để
quán tưởng, đố khỏi sẽ bị các dục vọng trồi lên khuấy
động tâm, kéo tâm bỏ chạy theo chúng, như thế
thì hỏng to mất rồi!
Hai ý nghĩ (1) và (2) trên
đây chẳng thấy ghi đầy đủ trong Luận văn, nhưng xét ra rất cần thiết để
chuẩn bị tư tưởng cho người sẵn sàng muốn thực tập Thiền theo
đúng đường lối Nhứt thiết nhập.
3) Tướng bỉ phần là gì?
Luận văn đã mô tả rất tỉ mỉ về
tường bỉ phần nầy, chỉ cần đọc kỹ lại để
tìm hiểu và nhận chân được
tướng ấy khi nó nổi lên trong tâm, lúc việc quán tưởng Nhứt thiết nhập
đã chín muồi. Tuy nhiên, xin nói thêm,
thật vắn tắt, về tướng nầy để tiện ghi
nhớ. Hình sắc vật chất của Nhứt thiết nhập
được mắt nhìn kỹ, hình ảnh
đó len vào trong tâm tạo nên một
tâm ảnh, đó là tướng bỉ phần,
chữ tướng chỉ về hình dạng, chữ bỉ có nghiã là kia,
đó, nghiã là chỉ
đến cái Nhứt thiết nhập ở bên ngoài
đấy, còn chữ phần có nghiã là
một phần của Nhứt thiết nhập, chẳng phải trọn vẹn cái Nhứt thiết nhập,
được đã
đưa vào tâm. Tướng bỉ phần còn
được phiên dịch ra Anh văn là
the after image sign. Tướng nầy khởi lên khi sự chú tâm
đã lên cao, và bị mờ phai
đi, mỗi khi sự chú ý lià
đối tượng đang quán sát chuyển sang việc
khác. Vì lẽ đó, giữ được
tướng bỉ phần rõ ràng trong tâm là đã
thành công bước đầu của việc quán tưởng. Bước
đầu đó thành tựu được chính là
nhờ ở Nhứt thiết nhập đã hỗ trợ cho sự
quán sát của hành giả: hành giả luôn nhìn vào Nhứt thiết nhập và chỉ nhìn
vào chỗ ấy mà thôi.
Hình ảnh vật chất của Nhứt thiết nhập
đã thấm nhập vào tâm bên
trong, tạo nên tướng bỉ phần,
đó là ý nghiã của chữ nhập trong ba tiếng Nhứt
thiết nhập, đồng thời nói lên
công dụng của phương tiện tu tập Thiền nầy.
4) Thiền ngoại hành và năm Thiền chi của
Sơ Thiền.
41) Chánh niệm:
Mở đầu mỗi đoạn dạy về cách thực tập một
môn Hành xứ, như Nhứt thiết nhập
Địa chẳng hạn, Luận văn thường viết:"Người
toạ thiền đi đến nơi yên vắng, ngồi
xuống nhiếp tâm, đặt chánh niệm trước mặt,
gom tâm ý vào đề mục quán tưởng..."
Câu nầy dạy ta phải luôn luôn thắp sáng lên chánh niệm
trước khi bắt đầu tu tập Thiền.
Chánh niệm là gì? Đó là tâm
khởi lên một niệm để canh chừng chính
tâm, mà niệm canh chừng
đó phải kéo dài, giữ yên, luôn luôn có mặt trong tâm, nhưng chẳng
cần nói lên sự hiện diện. Mỗi hành động của
thân và miệng, mỗi ý nghĩ dù thoáng qua trong
đầu, đều được chánh niệm biết
rõ đến, ngay trong lúc hành
động hay ý nghĩ ấy diễn ra. Nhờ sự canh chừng
đó mà mỗi khi tâm phóng đi, rẽ
sang đường khác, thì chánh niệm biết ngay, kéo tâm
trở lại đề mục quán tưởng. Đó là sự
điều phục tâm ý do chánh niệm
thi hành, có công dụng dẹp bớt các vọng tưởng nổi loạn trong tâm.
Chánh niệm chẳng những cần thiết trong lúc toạ thiền, nó còn là biểu
hiệu của sức sống tâm linh, biết mình
đang sống; làm gì, nghĩ gì, cũng biết mình
đang làm việc ấy,
đang nghĩ đến chuyện ấy. Đó là biết
sống trọn vẹn, chớ chẳng phải là cái máy biết
ăn, biết đi và biết nghĩ. Vì thế, nếu
thắp sáng được luôn luôn chánh niệm, thì
tâm của hành giả đang ở trong Định,
cái định tuy thông thường mà
thường hằng, cái định chẳng cần phải
"nhập vào" cũng chẳng muốn "xuất ra". Giữ chánh niệm sáng tỏ
hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày,
thì cần gì tập Thiền thêm nữa, nhưng chỉ có các vị tu hành
đến bực "thượng thừa" mới làm nỗi!
42) Từ lúc mới khởi tập đến lúc được Thiền
ngoại hành:
Sau khi thắp sáng lên chánh niệm, người ngồi Thiền bắt
đầu quán sát đề mục quán tưởng. Cách quán sát
Nhứt thiết nhập Điạ đã được Luận văn
chỉ dạy rõ ở trang 76, cần làm theo
đúng. Quán sát được đều đặn, liên tục chẳng gián
đoạn nhờ khéo tác ý và tránh sự loạn
động, một thời gian sau, lâu hay mau tùy
theo sức cố gắng khi quán sát, thì người toạ thiền cảm thấy thân tâm khá
yên tịnh, sức chú ý gia tăng đến đề mục, các
vọng tưởng tạm thời vắng bóng, đó là lúc
đã tới
được với Thiền ngoại hành, tức là tới ngưỡng cửa sắp bước
vào Định.
Làm sao biết mình vừa đến được với
Thiền ngoại hành? Chỉ cần so sánh thân tâm mình lúc mới bắt
đầu tập với lúc nầy. Lúc mới đầu tập, xếp
chơn lên thấy đau, một chốc lại cảm
mỏi lưng đau bắp về, tê chơn. Đến lúc
nầy, thân tâm như thế nào?
Cái tê, cái nhức, cái mỏi lúc trước chắc vẫn còn
đó, có lẽ bớt được chút chút, nhưng sao bây
giờ đâu cảm thấy khó chịu nữa. Thân tâm cảm nhận ra như thế, gọi đó là
vui, là mừng thì cũng chưa chịu rằng
đúng, nhưng phải nhìn nhận là có chỗ
khác biệt với lúc mới bắt đầu, dễ chịu hơn
chớ! Tình trạng dễ chịu, yên ổn, vắng lặng trên thân và tâm
đó chính là tình trạng của người
đang đứng tại ngưỡng của Sơ Thiền, chưa bước
vào, nhưng sắp bước vào, với điều
kiện... Nghiã của Thiền ngoại hành là: còn
đi ở ngoài cửa, chưa bước vào trong
Định.
Luận văn mô tả tỉ mỉ tình trạng nầy
nơi tiểu mục Thiền ngoại hành, trang 80, nên
đem ra so sánh với những cảm giác
mà mình thật sự kinh nghiệm khi thực tập
đến giai đoạn nầy.
43) Từ Thiền ngoại hành đến
Sơ thiền
Trước có nói, người vừa đến với Thiền
ngoại hành có thể bước vào cửa
Định, với điều kiện... Điều
kiện nào đó? Đó là tâm an
trú vào đối tượng, nghiã là tâm
chỉ biết đến đối tượng mà thôi,
chẳng nghĩ gì khác, và tình trạng an trú đó
phải được kéo dài trong một thời gian; hễ tâm dứt an trú là hết...
định. Và khi tâm an
định, trú lâu trên
đối tượng, đó là
đắc Sơ Thiền. Người sơ cơ trú
tâm trên đối tượng chẳng được lâu, có lúc lơi
lỏng, có lúc lià xa đôi chút, vì
định lực hãy còn yếu. Với sự tu
tập chăm chỉ, với nỗ lực điều phục tâm,
định lực sẽ gia tăng.
Làm sao phân biệt được Thiền
ngoại hành với Sơ Thiền. Đoạn Luận
văn, các trang 80 đến 84, mô tả rất chi là tỉ mỉ sự khác biệt
đó và cách giữ sự an trú
được lâu dài, nên
đọc lại kỹ và so sánh với những kinh
nghiệm bản thân khi tu tập. Nếu thấy khác, cũng
đừng ngại, vì Luận văn
viết cho người tu cao hơn mình, trường hợp mình có thể chẳng giống
hẳn. Muốn biết mình tu có tiến bộ không, nên so sánh tình trạng thân tâm
mình lúc nầy với lúc mới bắt đầu tập, hễ thấy
tốt hơn, đó là điều đáng mừng. Nhưng
nỗi mừng, Hỉ của Sơ thiền, lại do nơi sự ly dục và
đối trị các triền cái, điều mà mình
cần làm luôn luôn chớ chẳng phải đợi lúc ngồi
Thiền mới tập ly .
5) Khai triển vài ý tưởng trong Luận văn
về mặt lý thuyết .
51) Tướng, nghiã là gì? Nơi trang 79, Luận văn
có nêu ba ý nghiã của Tướng: (1) nghiã nhân duyên,
(2) nghiã trí, (3) nghiã hình tượng. Mới
đọc qua, thấy khó hiểu, vì Luận văn
nói quá vắn tắt.
(1) nghiã nhân duyên: Viện dẫn lời Phật: "Các
điều ác, các pháp chẳng lành,
đều có tướng khởi lên", Luận văn
muốn nói, khi các điều ác khởi lên, ta biết
được là nhờ có tướng của
điều ác đó. Thí dụ như khi sân hận nổi lên,
ta cảm thấy tức tức, hơi thở dồn dập, tim
đập nhanh, v.v. đó là tướng của sự sân hận, do gnuyên
nhân giận mà sanh ra. Cùng thế đó, khi
quán sát kỹ Nhứt thiết nhập, hình ảnh bên ngoài của Nhứt thiết
nhập là tướng làm nguyên nhân khởi lên tâm ảnh bên
trong, ảnh trong tâm, đó là tướng
bỉ phần của Nhứt thiết nhập.
(2) nghiã trí: Viện dẫn lời Phật: "Với tướng khởi lên
đó, nên xả bỏ",
đây là nói
đến tướng các
điều ác, do chánh niệm bên trong
nhận thấy được, khiến cho trí huệ
biết xả bỏ. Cũng vậy, khi tướng bỉ phần của Nhứt thiết nhập khởi lên
trong tâm, trí huệ biết xả bỏ các ý nghĩ khác,
để cho tướng kia trở nên rõ.
(3) nghiã tượng: Khi đưa ra thí
dụ nhờ tấm kiếng soi mà thấy được hình
dáng gương mặt, Luận văn muốn nói, hình
trên gương giống khuôn mặt thiệt, cũng như tướng bỉ phần là một
tâm ảnh giống với hình tượng bên ngoài của Nhứt thiết nhập.
52) Nói về sự ly dục. Nơi cuối trang 84, Luận văn
có phân biệt tám loại ly dục, sự xa lià các ham muốn, dục
vọng; mới đọc qua thấy hơi nhiều và
rắc rối.
Xin sắp xếp lại như sau:
1. Cái gì phải ly? Đó là thân
phải ly (thân ly), và tâm cũng phải ly (tâm ly);
2. Ly những gì? Ly các phiền não (phiền não ly);
3. Ly cách nào? Bằng các cách dưới
đây:
- Điều phục các triền
cái;
- Chế phục các tà kiến;
- Đoạn trừ các phiền não
- Do đắc quả vị, sanh ra
thân tâm nhẹ nhàng (ỷ = khinh an), nhở
đó mà thoát khỏi phiền não;
- Xuất ly, theo nghiã trong Luận văn
nói đến Niết-bàn thì khó; vì phải ra khỏi hẳn rừng u tối của
phiền não (= Niết-bàn). Xuất ly, nghiã rộng, rời nhà
phiền não để đi tu.
53) Nói về Hỉ, nỗi mừng. Nơi cuối trang 89 Luận văn
có phân biệt năm loại Hỉ (= mừng): tiểu hỉ, niệm niệm hỉ,
lưu hỉ, việt hỉ, mãn hỉ. Sự phân biệt quá tế nhị, khó cho ta thấy
được, tưởng chỉ cần nhớ mừng
thì có nỗi mừng lớn, với nỗi mừng nho nhỏ; nỗi mừng lâu hay mừng dai với
nỗi mừng thoáng qua trong chốc lát; nỗi mừng sâu
đậm với nỗi mừng hời hợt, có lẽ sếp lại từng
cặp đôi như thế sẽ dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
6) Vài hình ảnh so sánh trong Luận văn cần
ghi nhớ.
Chi 1 của Phẩm 8: Hành môn có nhiều hình ảnh so sánh rất sống
động mà ý nghiã lại thâm sâu, tưởng
cần ghi nhớ để phân biệt chỗ tế nhị.
61) Phân biệt giữa Thiền ngoại hành và An
định: con thuyền trên sông, khi
lướt sóng gió, tượng trưng cho Thiền ngoại hành; khi hết sóng gió,
trôi êm đềm, tượng trưng cho An
định. (trang 80).
62) Phân biệt giữa Giác và Quán:
- như tiếng chuông, lúc mới đánh,
tượng trưng cho Giác; khi chuông ngân dài, tượng trưng cho
Quán; (trang 87)
- như con chim, khi mới vỗ cánh, tượng trưng cho Giác,
lúc đang bay liệng, tượng trưng cho
Quán (trang 88).
- như nhìn người từ xa đi lại,
thoáng thấy chưa rõ nam nữ, chưa biết hình sắc,
đó là Giác; còn xét thêm kẻ
ấy có giới hạnh hay không, giàu sang hay nghèo hèn,
đó gọi là Quán.
63) Hình ảnh cái đồng bàn, bột
tắm và nước so sánh với tướng bỉ phần của nhứt thiết nhập
đang thấm nhập vào thân tâm
(các trang 96, 97).
64) Hình ảnh chiếc xe và hình ảnh Quân
đội, để tượng trưng cho
năm Thiền chi sánh với Sơ Thiền
(trang 93).
050. Vài suy gẫm về Nhứt thiết nhập và về các Thiền chi,
được nói trong Chi 1, Phẩm 8.
1) Như đã biết Nhứt thiết nhập
là một phương tiện giúp ta quán sát kỹ lưỡng, và nhờ quán sát kỹ lưỡng,
hình ảnh của Nhứt thiết nhập nhập vào tâm, tạo nên một tâm ảnh. Nhứt thiết
nhập là nơi nương tựa cho đôi mắt mở ra nhìn,
chú ý nhìn, bền chí nhìn, và như thế tâm bên trong phải dừng lại trên
đối tượng, khiến cho sớm đắc được Định tâm.
Nhứt thiết nhập có cần thiết cho sự tu tập Thiền định hay không, còn
chưa dám bàn đến, nhưng chỉ xin kể lại một
câu chuyện cổ, có đúng với Sự thật hay không, cũng chưa dám chắc cho lắm.
Ngày xưa, có người tập bắn cung, muốn bắn trăm
phát đều trúng vào hồng tâm. Người ấy bắt
đầu tập bắn cung bằng cách ... nhìn
vào một con chí treo trước mắt. Ngày qua ngày chăm
chú nhìn con chí, nhìn mãi, cho đến
khi nhìn thấy nó to lên bằng nắm tay, bấy giờ
đem cung ra bắn, thì trúng ngay giữa
thân con chí. Phải chăng khi giương cung, chàng
thiện xạ đã mở mắt ra trông con chí,
mà tâm lại chú vào cái phóng ảnh của con chí ở bên trong tâm? Nếu tâm ảnh
đó có thật trong tâm chàng thiện xạ,
thì việc nói đến tướng bỉ phần của
Nhứt thiết nhập chẳng phải là chuyện ngoa. Không tin, xin mời bạn cứ
thử làm xem, tôi chẳng dám bảo đảm kết quả, vì
chính bạn mới là người làm cho có kết quả
được như ý hay không!
2) Năm thiền chi: giác, quán,
hỉ, lạc, nhứt tâm sanh ra thế nào nơi Sơ thiền?
Luận văn đã chỉ rất rõ, rất tỉ mỉ
về năm thiền chi của Sơ Thiền,
nên đọc kỹ và tưởng chẳng cần lập lại
thêm làm chi cho quá dài dòng ở đây.
Phương pháp hành Thiền, đại khái chia ra làm
hai loại:
21. Thiền chỉ: (Chỉ là ngưng, dừng nghỉ). Thiền chỉ chủ
trương ngưng sự tư duy lại, giữ tâm ý vắng lặng trong tánh không,
để đạt đến mục tiêu là không tâm.
22. Thiền quán: (Quán là quan sát nội tâm). Thiền quán
chủ trương sự quan sát nội tâm, giữ tâm ý an trú trên
đối tượng quán chiếu, để đạt đến định
tâm.
Như thế, việc tu tập theo Nhứt thiết nhập
Điạ là tu theo phương pháp Thiền quán. Việc quan trọng là phải quan
sát thật kỹ càng, nhứt là về nội tâm, mới mong
đạt đến mục tiêu là
định tâm, nhờ
đó mà trí huệ phát sáng lên soi
rõ con đường giác ngộ và giải
thoát.
Việc quan sát trong Thiền quán, nhứt là về các Nhứt thiết nhập
được phân chia rõ rệt từng giai
đoạn, nhưng trong lúc sự thực tập đang tiến
triển thì các giai đoạn phối hợp nhau,
giai đoạn nầy giúp cho giai đoạn kia khởi lên, giai
đoạn sau lại củng cố thêm giai
đoạn trước, khiến cho việc phân chia từng
giai đoạn chẳng quá cứng rắn, chẳng cứ là một giai
đoạn đã dứt xong, rồi mới bắt
đầu đến giai đoạn kế. Trong tinh thần mềm dẻo
đó, xin xét đến năm thiền chi
ở Sơ thiền.
Giác là chi thứ nhứt của Sơ thiền. Nguyên chữ Vitakka
của Pàli, có nghiã gốc là tư tưởng, suy tưởng, trước
được dịch là giác (như trong
Luận văn nầy), sau được dịch là
Tầm. Giác là gì? Giác là biết, biết đến
sự vật gì, ở đây là biết
đến đối tượng đang được quán sát. Đối tượng
để cho mắt quan sát là Nhứt thiết nhập
Địa, dưới hình dạng một bông mạn-đà-la
bằng đất tinh khiết. Bước đầu là
đôi mắt nhìn chăm
chú vào đối tượng, chẳng rời đối
tượng, biết mình đang nhìn vào
đối tượng, biết đối tượng đó là sự vật
gì đang được mình nhìn kỹ. Thông
thường nhìn hơi lâu vào một vật, người ta sớm thấy chán rồi quay
đi chỗ khác: khi quay đi là mất
giác rồi, hay đúng hơn, đã có
giác, nhưng giác hiện qua đi. Lại
nữa, mắt tuy mở ra nhìn, có vẻ chăm
chú, mà thật ra chẳng thấy, nhứt là chẳng
để ý đến, chẳng chú ý đến, đây là
trường hợp nhìn mà chẳng thấy, thì cũng chẳng có giác, và
chuyến nầy, giác đã
đi mất. Người toạ thiền khi giác
khởi lên, đôi mắt bên ngoài
"dán chặt vào" đối tượng, đồng thời bên
trong nhãn thức biết rõ vật được nhìn
là vật gì. Cả hai nơi, trong và ngoài, phải
ăn khớp nhau, mới gọi là giác.
Đó là giai đoạn đầu, tức là
thiền chi giác, do chú tâm của người quan sát mà khởi lên và kéo dài.
Quán là soi xét kỹ lưỡng, thẩm sát, nghiên cứu. Nguyên chữ
Vicàra của Pàli, trước được dịch là
quán (như trong bộ Luận nầy), sau được
dịch là Tứ. Quán là gì? Quán là cứu xét mọi khía cạnh
của đối tượng và nhận ra
được đặc tánh của đối tượng, các đặc tánh làm
cho đối tượng đang được quán sát khác với các
sự vật khác. Đi sâu hơn nữa, nhờ quán mà hiểu
được bản thể của đối tượng. Như thế, có sự
lựa chọn giữa các đặc điểm của đối tượng, lấy ra để nghiền ngẫm mà
thấy được đặc tánh cùng bản thể của
đối tượng. Ứng vào trường hợp quán
Nhứt thiết nhập Điạ,
đi từ hình dạng bên ngoài của bông
mạn-đà-la bằng
đất, gạt qua bên màu sắc, cùng hình
thù, để xét tới chất đất tinh khiết,
thuần là chất đất mà thôi,
đó là công việc của quán trong
sự tu tập theo đề mục quán tưởng nầy. Nhưng cùng
với giác nhìn bên ngoài bằng mắt, theo sự vận chuyển sinh lý có
phối hợp của giác quan mắt cùng các hệ thống thần kinh, tạo nên một
hình ảnh vật chất về hoa mạn-đà-la,
quán là tác động tâm lý có hiệu quả
tạo nên một tâm ảnh ở bên trong tâm, dựa trên các
đặc điểm về đối tượng do sự quan sát của
giác cung cấp. Hình ảnh vật chất bên ngoài và tâm ảnh bên
trong, liên hệ mật thiết với nhau, tạo thành tướng bỉ phần. Tướng
nầy càng rõ rệt lên khi sự quan sát của giác gia tăng
bên ngoài, cùng lúc với nỗ lực chú tâm bên trong của quán.
Tướng bỉ phần bị mờ đi, đó là sức
quán bị yếu; tướng ấy bị mất đi là
do sức quán đã dứt, tâm quán
tưởng chẳng còn chịu "đeo theo" đối tượng
nữa. Tại sao? Vì bị ý tưởng khác nổi lên khuấy
động, như bị có một vọng tưởng chẳng hạn. Vào
lúc đó, nếu chánh niệm sáng tỏ, phát giác ra
sự lơ là ấy, liền chuyển đẩy tâm trở
lại mức quán cũ, thúc dục mắt nhìn kỹ hơn nữa, thì chẳng bao
lâu tướng bỉ phần trở lại trong tâm, gần giống lúc trước.
Đó là giai
đoạn thứ hai, tức là thiền chi
quán, do sức phối hợp của thiền chi giác mà khởi sanh lên và
được nuôi dưỡng nhờ sức chú tâm bên
trong.
Luận văn đưa ra hai thí dụ để tiện phân
biệt giữa giác và quán:
(1) "Như đánh chuông, tiếng chuông
ban đầu là giác, tiếng chuông lúc sau là quán": có lẽ nên
hiểu như vầy, đánh chuông, tiếng chuông lúc
đánh lên là giác, tiếng chuông ngân nga sau
đó là quán; chuông
đánh càng to (= giác mạnh mẽ)
thì tiếng ngân càng dài lâu (= quán bền bỉ).
(2) "Như con chim đang bay liệng trên
không, vỗ cánh là giác, lượn qua lượn lại là quán": có lẽ nên hiểu
như vầy, vỗ cánh vút bay đi là
giác, xoè cánh đập nhịp nhàng
để bay bổng, và lượn qua lượn lại là
quán.
Nên ghi nhớ hai hình ảnh đẹp nầy.
Hỉ là mừng, là thoả ý, là vừa lòng khi sực thấy sự việc vừa
đến lại phù hợp với sự chờ
đợi của mình. Luận văn
viết: "Hỉ thuộc hành ấm", ý muốn nói Hỉ là một ý
tưởng phát khởi trong tâm, nhân thấy có được
sự vừa ý. Và ta có thể hiểu rộng thêm, do sự vừa ý
đó mà khiến sanh ra các hành
động tươi cười, hớn hở, nhảy nhót, biểu lộ sự
thích chí. Như thế, khi có hỉ, tâm trở nên
động, hoặc ít, hoặc nhiều, tùy theo
mức độ của nỗi mừng. Luận văn lại viết:
"Nhứt thiết nhập Điạ chẳng thể làm
khởi lên Hỉ, Lạc được. Do nhân duyên
lià xa các triền cái và nhiệt tâm tu theo tự tánh, theo pháp
đó mà khởi lên Hỉ, Lạc". Như thế,
việc Hỉ phát sanh chẳng do Nhứt thiết nhập
Điạ, mà do sự lià xa các triền cái, cùng các dục vọng, mà sanh ra.
Đấy là những nguyên nhân xa làm
khởi lên Hỉ. Thế thì nguyên nhân gần làm khởi phát Hỉ trong
khi ngồi Thiền, do đâu mà ra? Theo
kinh nghiệm bản thân mà biết được lúc nào
Hỉ phát khởi và từ đâu mà có. Người sơ
cơ lúc bắt đầu ngồi, thân tâm còn chưa
yên ổn, chỗ nầy đau, chỗ kia nhức, chỗ nọ tê;
ngồi an một chặp, nhờ sức chú ý khi giác và quán
đeo đuổi theo đối tượng, nên tâm lìa
được các chỗ khó chịu đó khiến cho đau, nhức,
tê, tuy còn đó, nhưng cường độ giảm
hẳn, và người ngồi Thiền cảm thấy thân thoải mái hơn lúc
đầu, và do
đó mà ý Hỉ từ trong tâm
mới khởi lên. Hỉ khởi lên vì thấy sức mình chịu
đựng chỗ bực bội đã khá khá, việc quan
sát và quán tưởng vẫn còn được tiếp tục đều
đặn, thế thì còn đòi chi hơn
nữa, nên Hỉ mới có cơ hội để khởi phát. Khác
với giác và quán, vốn do ý chí của mình mà khởi lên
và kéo dài, hỉ và lạc lại ít tùy thuộc vào ý chí cá nhơn, mà
phải do một nguyên nhân ngoài ý mình muốn, nhưng lại phù hợp với lòng
mình. Thân tâm trở nên an ổn, chẳng phải do mình muốn mà
được, nay đã
được, thì chẳng có lý do nào khiến Hỉ
chẳng khởi lên.
Lạc là vui, sự sảng khoái lâng lâng, nhẹ nhàng, mát mẻ trùm khắp
thân tâm, kéo dài tiếp theo nỗi mừng, Hỉ, vừa khởi trong tâm. Luận
văn viết: "Lạc thuộc về thọ uẩn",
điều nầy có nghiã là vui (=
Lạc) là một cảm thọ, một cảm giác của thân và tâm, một cảm thọ sung
sướng, khoái thích, vì được vừa ý, trái với
cảm giác khổ, khó chịu, bực bội. Hễ
đã hết khổ, tức là
đang vui, và cảm giác lạc
khởi lên. Ứng vào việc ngồi quán tưởng về Nhứt thiết nhập, chơn nhức,
cẳng tê, mỏi lưng là những khổ thọ, khi cảm thấy
được bớt tê, hết nhức,
đó là có lạc thọ rồi, chẳng cần
chi đợi một cơn gió mát mẻ thoảng nhẹ qua làm
mình đê mê mới gọi
đó là lạc thọ: hết khổ, vượt
qua được sự khổ, đó cũng đủ để khá gọi là
lạc, là vui. Nhưng nổi mừng (Hỉ) là một ý tưởng, vốn thuộc
hành uẩn, có thể thoáng qua trong tâm, còn niềm vui (Lạc) lại là một cảm
thọ, vốn thuộc thọ uẩn, có thể kéo dài lâu hơn, và thấm nhập vào chẳng
những nơi tâm mà còn cả khắp châu thân nữa. Kinh nghiệm bản thân của
Đức Phật được Luận văn ghi lại ở trang 42 như
sau: "Trước ta tập khổ hạnh, trong bảy ngày bảy
đêm, thân chẳng lay
động, miệng chẳng mở lời, ngồi im lặng hưởng
thọ niềm an lạc..."
Hai Thiền chi, thứ ba là Hỉ và thứ tư là Lạc
đồng gây nên tác dụng tâm lý
đến tâm của hành giả, khiến tâm nầy
trở nên an vui và tránh được sự loạn động,
đưa đến thiền chi thứ năm là nhứt tâm, thành tựu
được Sơ thiền. Thế nào là
nhứt tâm? Đây là tâm chuyên nhứt
chẳng còn bị lay động, ngưng đọng lại và
an trú trên đối tượng đang quán tưởng, thường
được gọi là tâm bất loạn. Nếu dùng hình ảnh bóng bảy mà nói,
thì đó là tâm cùng
đối tượng hoà hợp lại thành một,
và thiền giả có cảm tưởng mơ hồ dường như tất cả mọi sự vật chung
quanh, kể cả thân tâm của mình, đều tan biến
đi đâu mất, chỉ còn mỗi một đối tượng
quán tưởng trước mặt mà thôi.
Xin tóm tắt mấy trang dài dòng và vụng về trên
đây và ghi lại về năm
Thiền chi của Sơ Thiền như sau:
(1) Giác = biết; xáp vào đề mục và
bám lấy,
(2) Quán = suy tư và chọn lựa; đeo
sát theo đề mục mà nghiền ngẫm,
(3) Hỉ = mừng; thấy thân tâm nhẹ nhàng hơn lúc bắt
đầu,
(4) Lạc = vui; hưởng cảm giác nhẹ nhàng và
được an ổn,
(5) Nhứt tâm = tâm chẳng loạn;
đang hoà vào
đối tượng.
-ooOoo-