Luận tạng Nam truyền
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
A-la-hán Ưu-ba-đế-sa (Upatissa) sáng tác Lương Phù Nam, Tam Tạng Pháp Sư Tăng-già-ba-la (Sanghapàla) Hán dịch Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt Montréal, Canada, tháng 9-2003
26/07/2554 23:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
Mục lục
Xem toàn bộ

Phẩm 2: Phân biệt về Giới

Hỏi: Giới là gì? Giới tướng ra sao? Vị của giới như thế nào? Khởi phát cách nào? Từ đâu mà ra? Có công đức gì? Ý nghĩa ra sao? Giới hạnh là gì? Có bao nhiêu giới sai biệt? Khởi phát nơi nào? Các giai đoạn đầu, giữa và cuối của giới là gì? Chướng ngại cho giới là những gì? Do bao nhiêu nguyên nhân? Có mấy loại giới? Những gì làm giới được thanh tịnh? Nhân duyên nào giúp an trú nơi giới?

Đáp: Giới là gì? Đó là tư giới, uy nghi giới bất việt giới. Tư giới là gì? (tư = suy nghĩ). "Tôi chẳng làm ác, hễ ai làm ác thì phải chịu lấy". Uy nghi giới là gì? Là lià xa các dịp gây ra tội phạm. Bất việt giới là gì? Là người chẳng có lỗi lầm nào nơi thân, miệng. (Bất việt = chẳng vượt quá). Lại nữa, nghiã chữ uy nghi là nghiã của đoạn (= cắt đứt, đoạn trừ).

Tất cả mọi pháp lành đều là giới cả.

Như Luận A-tỳ-đàm (= Luận Tạng, Abhidhamma) có nói: "Lấy sự xa lià để cắt bỏ mọi ham muốn là giới, có khả năng rời dứt mọi ác; đó là tư giới, hộ giới, uy nghi giới. Lấy sự chẳng giận dẹp bỏ sự giận. Lấy sự sáng chói trừ sự ngủ mê. Lấy sự chẳng tán loạn diệt sự loạn động, đùa bỡn. Lấy sự thấy pháp để bỏ sự nghi ngờ, hối tiếc. Lấy Trí trừ sự vô minh (= ngu tối). Lấy sự vui mừng dẹp bỏ sự vô khả lạc (= sự chẳng thể vui). Lấy Sơ thiền trừ năm triền cái. Lấy Nhị thiền trừ giác và quán. Lấy Tam thiền trừ hỉ (= mừng). Lấy Tứ thiền trừ lạc (= vui). Lấy không định trừ tư tưởng về sắc giới, cho đến sân hận và mọi loại tư tưởng khác. Lấy thức định trừ Hư-không. Lấy vô sở hữu định trừ thức tưởng. Lấy phi tưởng phi phi tưởng định trừ tư tưởng về vô sở hữu xứ. Lấy cái nhìn vô thường trừ tư tưởng về thường. Lấy cái nhìn về khổ não trừ tư tưởng vui mừng. Lấy cái nhìn vô ngã trừ tư tưởng về ngã. Lấy cái nhìn về khổ hoạn trừ tư tưởng về khát ái. Lấy cái nhìn về vô nhiểm trừ tư tưởng về tham dục. Lấy cái nhìn về diệt tận trừ tư tưởng về Tập, nguồn gốc khổ. Lấy cái nhìn về tiêu mòn trừ tư tưởng về thâm hậu. Lấy cái nhìn về phân tán trừ tư tưởng về tụ hội. Lấy cái nhìn về sanh diệt trừ tư tưởng về thường hằng. Lấy vô tướng trừ tướng. Lấy vô tác trừ tác (tác = đây, có nghiã là mong cầu, ước nguyện). Lấy không trừ gia nhập. Lấy cái nhìn về tăng thượng huệ trừ chấp trước. Lấy tri kiến như thực trừ cố chấp của vô minh. Lấy cái nhìn về khổ hoạn trừ sự chấp chặt vào nơi đang cư trú. Lấy sự quán chiếu trừ sự chẳng quán chiếu. Lấy cái nhìn về sự chuyển tán (chuyển = dời đổi; tán = tan rả) trừ sự chấp thủ về hoà hiệp. Lấy đạo Tu-đà-huờn trừ các kiến chấp về phiền não. Lấy đạo Tư-đà-hàm trừ các phiền não thô phù. Lấy đạo A-na-hàm trừ các phiền não vi tế. Lấy đạo A-la-hán trừ tất cả mọi thứ phiền não."

Đó gọi là bất việt giới, tư giới, hộ giới, uy nghi giới.

Tất cả các điều trên đây đều gọi là Giới.

Giới tướng là gì? Lấy uy nghi đoạn trừ sự phi uy nghi.

Hỏi: Thế nào là phi uy nghi?

Đáp: Phi uy nghi tức là phá Pháp. Phá Pháp có ba loại. Thứ nhứt, phá pháp Ba-la-đề-mộc-xoa (Pàtimokkha = Biệt giải thoát = Giới bổn = 250 giới điều cho Tỳ-kheo và 348 giới điều của Tỳ-kheo-ni). Thứ hai, phá duyên pháp. Thứ ba phá căn pháp.

Thế nào là phá Pháp Ba-la-đề-mộc-xoa? Đó là vì sự vô tàm (= chẳng biết thẹn với mình), vô quí (= chẳng biết thẹn với người) mà lià xa tấm lòng tin tưởng nơi Đức Như Lai.

Thế nào là phá duyên pháp? Đáp: Vì mạng sống mà quá lo trang sức cho thân hình, nên khiến lià xa sự biết đủ.

Thế nào là phá căn pháp? Đáp: Chẳng khép cửa các căn lại nên khiến lià xa niệm huệ.

Lấy ba điều ấy trùm che sự phi uy nghi lại, thì gọi là giới tướng.

Thế nào vị, khởi (= cách khởi phát), túc xứ (= do nơi đâu mà ra) của Giới? Được niềm vui khi mình chẳng có lỗi lầm nào, đó là vị của Giới. Chẳng lo buồn, đó là khởi, là cách khởi ra của Giới. Được ba điều lành, đó là túc xứ, là nơi phát sanh ra Giới.

Lại nữa, vị của Giới còn là sự thắng duyệt (= sảng khoái tuyệt diệu). Khởi hiện của Giới còn là sự chẳng bao giớ hối tiếc. Túc xứ của Giới còn là sự "đóng cửa" các căn lại.

Công đức của Giới ra sao? Chẳng hối tiếc là công đức của giới. Như Thế tôn nói với A-nan: "Chẳng hối tiếc là công đức và điều lành của giới." Lại nữa, giới còn được gọi là niềm vui do chẳng có lỗi lầm, là bực cao nhứt trong hàng chúng sanh, là tiền tài làm nên phú qúi, là đất Phật, là tắm rửa chẳng cần đến nước, là hương thơm xông ướp khắp nơi, là bóng theo hình, (...) là nòi giống Thánh, là học điều vô thượng, là con đường lành.

Người có giới, vì có giới, nên chẳng hề lo sợ, làm vinh hiển các thân hữu, được bực Thánh thân cận và thương mến, là nơi nương tựa của thân hữu, là khéo trang nghiêm, là bực lãnh đạo trong mọi hành động, là nơi để tạo công đức, là nơi để cúng dường, là nơi tạo tình đồng học cao qúi. Nơi mọi pháp lành, người ấy chẳng sợ hãi, chẳng thoái lui, thành tựu mọi ý nguyện thanh tịnh, dầu chết đi cũng chẳng mất, hoàn thành được phương tiện đưa đến niềm vui giải thoát.

Như thế, công đức của giới thật là vô biên.

Nghiã của Giới là gì? Đáp: Giới có các ý nghiã như: sức lạnh, sự tăng thượng (= thêm cao), hành động, tự tánh, bản thể tương ứng của nổi khổ và niềm vui. Lại nữa giới còn có các ý nghiã: nghiã đầu, nghiã lạnh và nghiã an.

Vì sao đầu là ý nghiã của giới? Đáp: Như người chẳng có đầu chẳng thể nào giữ sạch các căn khỏi dính buị bặm, thì gọi đó là người chết. Như thế, Tỳ-kheo lấy giới làm đầu của mình; nếu đầu bị cắt, thì mất hết cả pháp lành, Phật pháp gọi đó là chết. Do đó, giới có ý nghiã như cái đầu.

Vì sao lạnh là ý nghiã của giới? Đáp: Cũng như cọ xát gỗ chiên đàn thật lạnh vào da ắt trừ bớt được nhiệt độ trên thân thể, thấy dễ chịu, thì giới, tựa như gỗ lạnh chiên đàn, diệt được sự lo âu, bớt nóng bức nơi tâm phạm giới, đưa đến niềm vui lành. Đó là ý nghiã lạnh của Giới.

Vì sao an là ý nghiã của giới? Đáp: Người có giới, thì thái độ nghiêm túc, chẳng sanh lo sợ. Đó là nghiã an của giới.

Giới và Hạnh khác nhau ra sao? Tu hành tinh tấn, thọ trì hạnh đầu-đà, đó là hạnh, chớ chẳng phải giới. Giới cũng được gọi là hạnh. Còn cảm thọ cũng được gọi là hạnh.

Giới có mấy thứ? Giới có ba thứ: giới khéo, giới chẳng khéo và giới vô ký (vô ký = bất định; ở đây, khéo hay không chẳng định rõ).

Giới khéo là gì? Là khéo giữ nghiệp thân, nghiệp miệng và chánh mạng chẳng vướng lỗi lầm, nên được quả báo tốt.

Giới chẳng khéo là gì? Là nghiệp thân, nghiệp miệng và tà mạng đều ác dữ, nên chịu quả báo xấu.

Giới vô ký là gì? Là nghiệp thân, nghiệp miệng cùng lối sống thanh tịnh chẳng vướng bận phiền não lỗi lầm chi, thì cũng chẳng hưởng hay chịu quả báo.

Giới khởi lên ra sao? Nơi tâm lành khởi lên giới khéo. Nơi tâm chẳng lành khởi lên giới chẳng khéo. Nơi tâm vô ký khởi lên giới cũng vô ký.

Giới khởi lên qua mấy giai đoạn? Giới khởi lên qua các giai đoạn đầu, giữa và chót. Thọ trì giới là giai đoạn đầu. Chẳng phạm giới là giai đoạn giữa. Được niềm vui lành là giai đoạn chót của giới.

Giới có các chướng ngại và nguyên nhân nào? Đáp: Có ba mươi bốn chướng ngại cho giới. Ba mươi bốn chướng ngại đó làm nguyên nhân gây trở ngại cho Giới, gọi là giới nhân. Đó là:

- Giận, lo buồn, che dấu, nóng nảy, keo kiệt, ganh ghét, giả dối, nịnh, hờn, tranh giành, kiêu mạn, cao mạn, ngạo mạn, lười biếng, nhớt nhúa, tham muốn, chẳng biết đủ, chẳng theo trí, chẳng chánh niệm, miệng dữ, có bạn ác, có cái biết ác, có cái nhìn ác, chẳng nhẫn nhục, chẳng tin, chẳng tự thẹn, chẳng xấu hổ với ngưới, nuông chiều thân miệng cùng khẩu vị, thân cận người thế tục, gần gũi người nữ, chẳng kính thầy học, chẳng kềm chế các căn, chẳng tiết giảm ăn uống, đầu hôm nửa đêm và gần sáng chẳng ngồi thiền, chẳng tụng kinh.

Ba mươi bốn điều trên là chướng ngại của đạo. Nếu mỗi mỗi còn làm chướng ngại thì giới chẳng thành mãn. Nếu giới chẳng thành, ắt sẽ bị lùi sụt.

Sự đối trị lại ba mươi bốn chướng ngại trên được gọi là nguyên nhân của giới hay là giới nhân.

Có mấy loại Giới? Sắp xếp thành từng nhóm, có nhóm hai loại, nhóm ba loại và nhóm bốn loại.

Giới thuộc nhóm hai loại là gì? Đó là tánh giới chế giới. Thân, miệng làm các điều mà Đức Phật dạy phải làm là tánh giới. Thân, miệng chẳng làm các điều mà Đức Phật cấm làm là chế giới. Tánh giới nhờ tín niệm, tinh tấn, mà trở nên đầy đủ. Chế giới nhờ tín niệm, giữ gìn, mà trở nên đầy đủ.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, thoái giới đắc giới. Thế nào là thoái giới? Là có khả năng diệt điều phi giới. Thế nào là đắc giới?đắc được nhiều pháp lành. Cũng như ánh sáng đẩy lùi bóng tối, việc diệt trừ các điều phi giới khiến lià xa các đường dữ, đắc được chánh giới mà noi theo đường lành. Do đoạn trừ các điều phi giới mà thành tựu được sự an trú trong Giới.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, giới tại thế giới xuất thế. Thế nào là giới xuất thế? Giới thành tựu cùng với sự đắc quả vi của Thánh đạo gọi là giới xuất thế. Chỗ còn dư thừa lại là giới tại thế (= tại nơi thế gian). Do giới tại thế thành tựu mà có được sự đầy đủ. Do giới xuất thế thành tựu mà được sự giải thoát.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, có giới hữu lượng và giới vô lượng. Giới chẳng đầy đủ gọi là giới hữu lượng. Giới đầy đủ như Đức Phật phán đoán được gọi là giới vô lượng.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, có giới hữu biên và giới vô biên. Thế nào là giới hữu biên (biên = giới hạn)? Nếu người vì lợi dưỡng, vì danh tiếng, vì thân quyến bằng hữu, vì thân mạng, (...) mà thọ trì giới, thì giới của người ấy lấy lợi dưỡng, lấy ngợi khen, lấy thân mạng làm giới hạn. Thế nào là giới vô biên? Tỳ-kheo nào thọ giới theo đúng pháp, còn chẳng khởi lên mảy may ý tưởng vi phạm vì lợi dưỡng, vì danh tiếng, vì thân mạng, huống chi là cố tâm phạm giới. Đó gọi là giới vô biên.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, có giới hữu y và giới vô y. (Y = nương dựa vào). Thế nào là giới hữu y? Giới có liên hệ với hiện hữu (= cuộc sống) là giới tựa vào sự khát ái. Giới có liên hệ với giới cấm thủ (= nghi thức mê tín) thì tương ứng với tà kiến. Giới mà khen mình chê người là giới tương ứng với sự kiêu mạn. Đấy là giới hữu y. Nếu thành tựu được sự giải thoát để thọ dụng, đấy là giới vô y. Giới hữu y chẳng phải là niềm vui của bực hiền trí. Giới vô y mới là niềm vui của bực hiền trí.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, có giới học căn bản về Phạm hạnh và giới vi tế. Thế nào là học căn bản về Phạm hạnh? Giới thuộc về chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh mạng là giới học căn bản về Phạm hạnh. Học chỗ còn lại là giới vi tế.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, có giới hữu tâm và giới vô tâm. Thế nào là hữu tâm? Đó là giới học căn bản về Phạm hạnh. Thế nào là vô tâm? Đó là phần còn dư lại, tức là giới học vi tế, còn gọi là khinh giới. Hàng Thanh văn học căn bản về Phạm hạnh còn chưa vững mà muốn giữ giới cao nơi khinh giới, nên vi phạm có thể khởi lên. Tại sao? Vì Đức Phật chẳng nói đến điều ấy, nên thành chướng ngại cho giải thoát.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, có giới vô phạm và giới thanh tịnh. Thế nào là vô phạm? Đó là giới của hàng Thanh văn. Thế nào là giới thanh tịnh? Đó là giới của Đức Phật và bực Duyên giác.

Lại nữa, thuộc nhóm hai loại, có giới có thời hạn và giới trọn đời. Thuở nhỏ tạm thọ giới mà chẳng tính thọ cả đời, đó là giới có thời hạn. Từ lúc thề nguyền theo thầy cho đến khi xả bỏ thọ mạng, đó là giới trọn đời. Giới có thời hạn thì quả báo cũng có thời hạn. Giới trọn đời được quả báo vô thời hạn.

Thế nào là Giới thuộc nhóm ba loại? Đó là: ngưng ác chẳng phạm, cảm thọ chẳng phạm và đoạn trừ chẳng phạm. Thế nào là ngưng ác chẳng phạm? Ngay cả các điều bên ngoài chẳng thuộc việc giữ giới của mình, tâm cũng chẳng khởi lên ý nghĩ vi phạm, đó là vì ngưng việc ác chẳng vi phạm. Thế nào là thọ chẳng phạm? Từ lúc có cảm thọ biết mình vi phạm cho đến khi cảm thọ đó chấm dứt, chẳng vi phạm thêm nữa, đó là thọ chẳng phạm. Thế nào là đoạn trừ chẳng phạm? Thánh nhơn, theo Thánh đạo, đã đoạn trừ nguyên nhân của mọi điều ác, đó là đoạn trừ mà chẳng phạm.

Lại nữa, thuộc nhóm ba loại, xúc giới, vô xúc giới Phạm giới. Thế nào là xúc giới? Vừa mới thấy hình tướng hữu vi đã sanh khát ái, đó là xúc giới (xúc = giới bị xúc phạm). Giới lành của phàm phu dùng để bước vào cửa Đạo, đó là giới vô xúc.Thế nào là Phạm giới? Đó là giới của bực A-la-hán.

Lại nữa, thuộc nhóm ba loại, có giới y thế, giới y thân và giới y pháp. Thế nào là giới y thế? Nếu vì lo sợ, người dựa theo ý kiến của thế gian để trừ các pháp ác, đó là giới y thế. Thế nào là giới y thân? Nếu vì lo sợ, người dựa theo thân mạng để trừ các pháp ác, đó là giới y thân. Nếu vì lo sợ, người dựa theo Chánh pháp để trừ các pháp chẳng lành, đó là giới y pháp.

Lại nữa,thuộc nhóm ba loại, có giới sở nguyện chẳng đồng, giới sở nguyện đồng đều và giới vô sở nguyện. Thế nào là sở nguyện chẳng đồng? Thọ giới mà gây khổ não cho kẻ khác, gọi đó là sở nguyện chẳng đồng. Thế nào là sở nguyện đồng đều? Thọ giới vì được niềm vui hiện nay và về sau được vui giải thoát, đó là sở nguyện đồng đều. Thế nào là giới vô sở nguyện? Thọ giới chẳng hối tiếc vì làm lợi ích cho kẻ khác, đó là giới vô sở nguyện.

Lại nữa, thuộc nhóm ba loại, có giới thanh tịnh, giới chẳng thanh tịnh, giới có nghi ngờ. Thế nào là giới thanh tịnh? Có hai nguyên nhân khiến giới thành thanh tịnh. Thứ nhứt, chẳng vi phạm. Thứ hai, phạm rồi liền sám hối. Đó là giới thanh tịnh. Thế nào là giới chẳng thanh tịnh? Có hai nguyên nhân khiến giới chẳng thanh tịnh. Thứ nhứt, tự ý cố phạm. Thứ hai, phạm rồi chẳng sám hối. Đó là giới chẳng thanh tịnh. Thế nào là giới có nghi ngờ? Có ba nguyên nhân khiến cho giới có nghi ngờ. Thứ nhứt, chẳng phân biệt nơi chốn. Thứ hai, chẳng phân biệt sự vi phạm. Thứ ba, chẳng phân biệt hành vi vi phạm. Đó là giới có nghi ngờ.

Nếu giới của thiền sanh chẳng thanh tịnh, thì tự thẹn nơi thâm tâm và sám hối khiến thành tựu được sự vui thanh tịnh. Nếu có sự nghi ngờ, liền tìm biết ngay tội lỗi ở chỗ nào, khiến cho được an lạc.

Lại nữa, thuộc nhóm ba loại, có giới học, giới vô học và giới chẳng học chẳng vô học. Thế nào là giới học? Là giới của người thất học. Thế nào là giới vô học? Là giới của bực A-la-hán. Thế nào là giới chẳng học chẳng vô học? Là giới của phàm phu (= người thường).

Lại nữa, thuộc nhóm ba loại, có giới sợ, giới lo và giới ngu. Thế nào là giới sợ? Có người vì sợ tội nên chẳng dám làm ác, đó là giới sợ. Thế nào là giới lo? Nếu có người vì lo nhớ đến người thân đang xa cách, sanh lòng sầu khổ, và vì sầu khổ nên chẳng khởi lên làm việc ác, đó là giới lo. Thế nào là giới ngu? Có người thọ giới trâu, giới chó, đó là giới ngu. Nếu thành tựu, ắt sẽ trở thành trâu, chó; nếu không, cũng sẽ sa vào điạ ngục.

Lại nữa, thuộc nhóm ba loại, có giới thấp, giới trung và giới cao. Thế nào là giới thấp? Vì phiền não nhiều, phiền não nặng, phiền não lớn, nên khi xúc phạm chẳng biết rõ đủ hết các chỗ bị ô nhiễm, đó gọi là giới thấp. Thế nào là giới trung? Vì phiền não vi tế nên khi xúc phạm biết rõ đủ chỗ bị nhiễm ô, đó gọi là giới trung. Thế nào là giới cao? Chẳng có chỗ xúc phạm, lại biết rõ đủ chỗ bị ô nhiễm vì xúc phạm, đó gọi là giới cao. Thành mãn được giới thấp, sẽ đầy đủ trở thành con người. Thành mãn được giới trung, sẽ đầy đủ trở thành bực Trời. Thành mãn được giới cao, sẽ đắc được giải thoát.

Lại nữa, thuộc nhóm bốn loại, có giới thoái phần, giới trú phần, giới thắng phần và giới đạt phần. Thế nào là giới thoái phần? Chẳng trừ các chướng ngại cho Đạo, lià xa sự tinh tấn, biết mà còn cố vi phạm, phạm xong lại che dấu, đó gọi là giới thoái phần (thoái = lùi sụt). Thế nào là giới trú phần? Nơi giới thành tựu, chẳng khởi sự lười biếng, chẳng sanh tịch kiến (= ý kiến về sự an tịch, yên vắng), thì thành tựu giới trú phần. Thế nào là giới thắng phần? Nơi giới có định thành mãn, chẳng khởi sự lười biếng, chẳng sanh tịch kiến, thì thành tựu được giới thắng phần. Thế nào là giới đạt phần? Nơi giới có định thành mãn, chẳng khởi sự lười biếng, lại sanh ra tịch kiến, thì thành tựu được giới đạt phần.

Lại nữa, thuộc nhóm bốn loại, có giới Tỳ-kheo, giới Tỳ-kheo-ni, giới bất cụ túc và giới bạch y. Thế nào là giới Tỳ-kheo? Uy nghi của Ba-la-đề-mộc-xoa là giới Tỳ-kheo. Thế nào là giới Tỳ-kheo-ni? Uy nghi của Ba-la-đề-mộc-xoa là giới Tỳ-kheo-ni. Sa-di, Sa-di-ni có mười giới. Thức-xoa-ma-ni được gọi là giới bất cụ túc. Năm giới của ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, và tám giới (bát quan trai) là giới bạch y (của cư sĩ, mặc áo trắng).

Lại nữa, thuộc nhóm bốn loại, tánh giới, hạnh giới, pháp chí giới, sơ nhân giới. Tánh giới là giới luật theo thiên nhiên của bộ tộc Uất-thiền-việt (Uttarakuru). Thế nào là hạnh giới? Như tất cả luật lệ của quốc gia, chủng tộc, ngoại đạo đều gọi là hạnh giới. Thế nào là pháp chí giới? Khi Bồ-tát (= ở đây có nghiã là Đức Phật khi Ngài chưa thành Đạo) nhập vào thai mẹ, đó gọi là pháp chí giới. Thế nào là sơ nhân giới? Giới của Bồ-tát (= Đức Phật khi còn là Bồ-tát) và của ngài Ma-ha Ca-diếp là sơ nhân giới.

Lại nữa, thuộc nhóm bốn loại, giới giới, tập giới, diệt giới và giới diệt đạo cụ túc. Thế nào là giới giới? Hai loại giới khéo giới chẳng khéo, được gọi là giới giới. Thế nào là tập giới? Tâm lành chất chứa (tập = chất chứa) các giới khéo; tâm chẳng lành chất chứa các giới chẳng khéo. Thế nào là diệt giới? Được giới khéo thì diệt bỏ đi giới chẳng khéo; khi đắc quả vị A-la-hán thì cả giới khéo cũng diệt. Đó là diệt giới. Thế nào là giới diệt đạo cụ túc. Đó là tứ chánh cần, bốn pháp đưa đến con đường hoàn diệt (= chấm dứt xong) đầy đủ; như thế cần phải phân biệt để hiểu rõ đó là có thêm sự tinh tấn, chớ chẳng sự thọ trì giới suông, mà đáng được gọi là tứ chánh cần.

Lại nữa, thuộc nhóm bốn loại, có giới uy nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, giới chánh mạng thanh tịnh, giới uy nghi các căn và giới về hoá duyên.

Thế nào là giới uy nghi Ba-la-đề-mộc-xoa?"Nơi đây, Tỳ-kheo an trú trong uy nghi che phủ của Ba-la-đề-mộc-xoa, hành động theo chánh hạnh đầy đủ, lo sợ cả tội nhỏ, học tập các giới luật cần phải học."

"Nơi đây" nghiã là: nơi pháp của bực Đạo sư dạy.

"Tỳ-kheo" nghiã là: phàm phu lành; còn có nghiã là người có học, người đã đến bậc vô học, chẳng thoái chuyển.

"Ba-la-đề-mộc-xoa" nghiã là: là giới, là biểu lộ, là khởi đầu, là hành động, là giữ gìn, là hạn chế, là lột xác, là hết ràng buộc, là cửa vào các pháp lành. Đó là nghiã của Ba-la-đề-mộc-xoa.

"An trú trong uy nghi che phủ của Ba-la-đề-mộc-xoa" nghiã là: chẳng làm khởi lên nghiệp thân và nghiệp miệng, và do sự hạn chế phủ che của Ba-la-đề-mộc-xoa mà thành tựu được sự an trú.

"Hành động theo chánh hạnh đầy đủ" nghiã là: giữ gìn bốn oai nghi trong tất cả mọi hành động.

Lại nữa, hành động chánh hạnh phi hạnh. Thế nào là phi hạnh? Nếu Tỳ-kheo cho kẻ nào một khúc tre, hoa lá trái cây, hoặc tăm xỉa răng hay bột tắm, hoặc bán rao tốt xấu, hoặc nói đùa bỡn, hoặc siểm nịnh để tự tiến, hoặc rong chạy khắp nơi mời người tới hội họp, các hành động như thế Đức Phật đều cấm đoán vì sống theo tà mạng. Đấy gọi là phi hạnh.

Lại nữa, có hai loại phi hạnh: thân phi hạnh miệng phi hạnh. Thế nào là thân phi hạnh? Nếu Tỳ-kheo có tâm phách lối đi đến nơi chư tăng hội họp, va chạm Đại đức, chen lấn lên trước, hoặc dựa, hoặc giành ngồi trước chỗ cao để người lớn ngồi chỗ thấp, hoặc ngồi dựa bông đùa, hoặc vỗ vai nói bỡn. Hoặc khi Thượng toạ đi chơn không, còn mình kéo lê đôi guốc. Hoặc khi bực kỳ đức bước trên đường mòn thấp, còn mình lại tản bộ trên đại lộ cao. Lợi dụng mọi duyên cớ để khinh thị, làm phiền kẻ khác. Hoặc giành lấy chỗ tốt với người trẻ, đùn chỗ xấu cho người lớn. Hoặc nơi phòng tắm tự tiện đốt củi lửa, đóng chặt cửa. Hoặc đến bờ sông, bước xuống nước trước, uốn mình kỳ cọ một cách thô bỉ. Hoặc vào nhà kẻ khác vượt cửa trước, lòn cửa sau, đứng ngồi chẳng ngôi thứ. Hoặc nơi phòng có bình phong, đùa bỡn với phụ nữ và xoa đầu gái trẻ.

Tất cả các lỗi lầm như thế đó đều gọi là thân phi hạnh.

Thế nào là miệng phi hạnh? Nếu có Tỳ-kheo tâm chẳng kính sợ, chẳng hỏi ý bực tôn túc, tự tiện thuyết pháp, hoặc giảng Ba-la-đề-mộc-xoa. Hoặc vừa nói vừa vỗ vai kẻ khác. Hoặc vào nhà lạ, hỏi nữ chủ nhơn tên họ là chi, có vật thực chi không, tôi hiện đang muốn ăn.

Các lời nói như thế đều phạm giới cả. Đó gọi miệng phi hạnh.

Thế nào là hạnh tốt so với phi hạnh? Lại nữa, Tỳ-kheo có lòng cung kính, biết tự thẹn, biết xấu hổ, thành tựu uy nghi chẳng chỗ thiếu sót, giữ gìn các căn, biết tiết độ trong việc ăn uống, đầu hôm, hừng sáng chẳng thường ngủ nghỉ, có trí huệ, ít muốn biết đủ, chẳng theo thế tục, phát lòng mạnh mẽ, nễ vì các bạn đồng học. Đó là hạnh tốt.

Hành xứ là gì? Phi hành xứ là gì? (hành xứ = đây, có nghiã là nơi lai vãng, nơi tới lui). Thế nào phi hành xứ? Nếu Tỳ-kheo đi đến nhà đĩ điếm, nhà đàn bà goá, nhà gái đồng trinh, nhà người bị thiến, tịnh xá nữ tu sĩ, quán rượu, thân cận với quốc vương, đại thần, sa-môn ngoại đạo, bạn bè phi pháp

chẳng có tín tâm, chẳng làm lợi ích cho dân chúng và bị dân chúng hết sức oán ghét. Đó là những chỗ chẳng nên tới lui, gọi là phi hành xứ. Như Đức Phật có nói, Tỳ-kheo chẳng nên lui tới nơi chẳng đúng Phạm hạnh. Thế nào là chẳng đúng Phạm hạnh? Như nơi mua bán nữ sắc, điều đó cũng dễ biết.

Lại nữa có ba loại hành xứ (= nơi lai vãng): hành xứ nương tựa, hành xứ thủ hộ và hành xứ ràng buộc.

Thế nào là hành xứ nương tựa? Đó là người bạn lành có đầy đủ mười công đức, nương theo nơi công đức đó mà điều chưa nghe, mình được nghe; nghe rồi thì khiến mình hiểu thêm rộng rãi để trừ lòng nghi nan và sự hối tiếc, chánh kiến được trong trắng, biết tùy theo pháp học, lòng tin sâu xa và mạnh mẽ, tăng trưởng thêm giới hạnh và trí huệ. Đó là y hành xứ hay là nơi lai vãng đáng nương tựa.

Thế nào là hành xứ thủ hộ? Nếu có Tỳ-kheo đi vào nhà ai, hay đi trên đường làng, mắt nhìn xuống đất phiá trước chẳng quá một tầm (1 tầm = khoảng hai thước), dung nghi chỉnh tề, mọi người thấy đều kính nễ, chẳng nhìn voi, ngựa, xe cộ cùng trai gái đi dự hội, chẳng trông đến cung điện, ngỏ hẽm hay đường mòn, chẳng ngẩn đầu nhìn tư bề, đó là biết giữ gìn khi lai vãng, tức là thủ hộ hành xứ.

Thế nào là hành xứ ràng buộc? Như Đức Phật nói, nếu Tỳ-kheo lưu trú nơi gia cảnh của mình, đó là hành xứ ràng buộc.

Đấy là nghiã của chữ hạnh (và hành). Hạnh (hành động) và hành xứ (nơi lai vãng) đều được thành tựu, đấy là nghiã của đoạn: " ... hành động theo chánh hạnh đầy đủ, ..."

Đoạn "... lo sợ cả tội nhỏ, ..." có nghiã là, tôi lo sợ cả những lỗi nhỏ nhiệm mà tôi có thể vướng phải cả trong khi tu học. Đó là lo sợ cả tội nhỏ. Lại nữa, có thuyết cho rằng, nếu tâm khởi lên một tâm trạng chẳng lành, đó là một lỗi nhỏ. Nơi lỗi nhỏ đó, thấy tai hoạ do lỗi gây ra nên sanh tâm lià xa tội.

Đó là biết thấy lo sợ cả về tội nhỏ.

Đoạn: "... học tập các giới luật cần phải học.", theo trong chánh văn là "chánh thọ học khả học" có nghiã là gì? Là tu học các điều cần phải học. Các điều đó có nghiã là bảy nhóm uy nghi, tức là cần phải tu học theo tất cả những điều vửa giảng ở trên đây.

Đến đây hết phần giải thích về Giới uy nghi Ba-la-đề-mộc-xoa là như thế đó.

Hỏi: Thế nào là Giới thanh tịnh?

Đáp: Là chẳng phạm tà mạng. Tà mạng là gì? Có tướng gạt gẫm, nịnh hót, phỉnh phờ; có tướng giả mắng mỏ; có tướng cho ít mong được thí lại nhiều.

Thế nào là gạt gẫm? Gạt gẫm có ba điạ hạt: nghĩ kế để muốn người ta cúng dường tứ sự cho mình, giả có đầy đủ uy nghi và phô trương tự khoe. Nếu có Tỳ-kheo lòng muốn điều xấu ác, tham lợi tiền bạc, nhường lại áo quần tốt đẹp cầu áo quần thô tệ làm như chẳng muốn có thứ tốt, hay giả ra vẻ vì thương xót người mà nhận sự cúng dường tứ sự của người ấy; đó gạt gẫm về sự hoá duyên (hoá duyên = cúng dường tứ sự: 1. thức ăn, 2. quần áo, 3. phòng giường, 4. thuốc men). Nếu có Tỳ-kheo lòng còn muốn làm ác, tham lợi, giả bộ có đủ uy nghi, tôi nhập thiền đắc định muốn được cúng thí để đọc tụng Kinh điển; đó là gạt gẫm về uy nghi. Nếu có Tỳ-kheo còn ham muốn, nịnh hót, láo khoét, nói với kẻ khác rằng tôi đắc được Thánh pháp, an trú trong yên tịnh nhàn nhã, hoặc tôi tập thiền nên thuyết pháp cao thâm, có tướng hơn người; vì tham lợi mà quá tự đề cao, đó là gạt gẫm tự khoe láo. Như tâm niệm hư dối, lại nói điều lành, khen chê tốt xấu, diễu cợt khôi hài, để đem lợi về mình, đó là nịnh hót.Thế nào là phỉnh phờ? Như nói pháp cho người giàu có, để mong câu được lợi, nhưng chính mình chẳng lo điều phục tâm mình. Hoặc mắng mỏ kẻ khác khiến cho họ lo sợ. Hoặc huỷ báng, gieo sự hiềm khích giữa nhiều người khiến cho họ lo sợ, mà cầu lợi riêng, đó là giả tướng mắng mỏ.

Thế nào là cho ít mà mong được thí lại nhiều? Đem cho ít ỏi mà mong được đáp lại hậu hĩ, đó là lấy bố thí mà cầu bố thí.

Những điều trên đây là tà mạng. Lại nữa, về tà mạng còn có: hoặc cho một khúc tre, hoặc tặng hoa lá trái cây, hoặc hiến cây tăm, bột tắm, hoặc xem tướng đoán mộng, hoặc xem các vì sao, hoặc nghe tiếng cầm thú mà đoán nghiã, hoặc nhìn tướng đi đứng mà nói điều xấu tốt, đốt hoa thờ lửa, mở tiệm buôn bán, cầm đầu quân đội, chế bán võ khí. Như thế, tất cả các loại hoạt động đó đều gọi là tà mạng. Nếu chẳng vi phạm đến, đó gọi là thanh tịnh giới.

Hỏi: Thế nào là Giới uy nghi thủ hộ các căn?

Đáp: Khi thấy hình sắc, nghe âm thanh, ngửi mùi, nếm vị, va chạm đến vật, nghĩ tới pháp (pháp = sự vật), mà chẳng để vướng mắc phiền não và thọ trì chẳng vi phạm, đó là biết giữ gìn các căn theo đúng giới uy nghi.

Sự giữ gìn các căn được thành mãn qua tám hành động sau đây: qua sự đoạn trừ các ác tướng khởi lên nơi các căn; qua sự đối trị việc chẳng tác ý; qua sự chẳng tạm ngừng nghỉ, như cứu đầu đang bị cháy; qua sự tiết chế giống như uy nghi của Tôn giả Nan-Đà; qua sự điều phục ác tâm; qua sự đắc định tâm tự tại; qua sự tránh xa kẻ chẳng biết giữ gìn các căn; qua sự thân cận với người biết giữ gìn các căn.

Hỏi: Thế nào là giới về tu hành tứ sự?

Đáp: Dùng tám hành động sau đây để quán chiếu sự tu hành khất thực. Thứ nhứt, chẳng vì hành động hung hiểm, chẳng vì hành động tự cao. Thứ hai, chẳng vì lo cho thân thể được đẹp đẽ. Thứ ba, vì nhờ đó mà nuôi thân và giữ gìn thân. Thứ tư, vì để trừ đói khát. Thứ năm, vì để thọ trì Phạm hạnh. Thứ sáu, thường nhớ nghĩ rằng ăn uống là để trừ bịnh cũ chẳng gây thêm tật mới. Thứ bảy, thường lấy ít mà được tự an. Thứ tám, thưòng an trú trong sự chẳng lỗi lầm.

Hỏi: Thế nào là chẳng vì hành động hung hiểm, chẳng vì tự cao?

Đáp: Tôi vì tham ăn mà sức mạnh mẽ, ham mộ các hành động hung bạo và nguy hiểm, đua chạy tranh hơn, đó là các hành động hung hiểm. Tự cao, kiêu mạn, tự tôn mình lên chẳng biết chán đủ, như kẻ giận đang đánh người. Chẳng vì lo cho thân thể được đẹp đẽ, là người lòng đầy ham muốn, cứ lo cho thân thể đẫy đà, mặt mày béo tốt, khiến ham thích thú vui chẳng chán. Vì nhờ đó mà nuôi thân và giữ gìn thân, là vì nhờ thực phẩm đó mà thân được an ổn, tựa như trục xe được bôi dầu mỡ. để trừ đói khát, là thường nghĩ ăn ít, như da bị nhọt được thoa thuốc. để thọ trì Phạm hạnh, là nhờ ít ăn mà vui đi trên đường Thánh đạo, xem ẩm thực như đang ăn thịt con cái của mình. ăn uống là để trừ bịnh cũ chẳng gây thêm tật mới, là chẳng nhiều chẳng ít, tu tập như thể người đang uống thuốc. Vì lấy ít mà được tự an, là nhờ vừa lòng với số ít mà giữ thân được thường an ổn, như cách người y tá săn sóc bịnh nhơn. Thường chẳng lỗi lầm, là nhờ ưng bụng với số ít mà lo tu hành nên thường chẳng khiến thâm tâm bị lời trách khó của bực có trí huệ, nên được an trú trong chỗ chẳng lỗi lầm.

Nếu việc ăn uống được thích hợp, thì chẳng thường lười biếng; đầu hôm, nửa đêm và hừng sáng cũng chẳng mê ngủ, thành tựu được sự an ổn. Như thế, nên dùng tám lối quán như trên để tu hành về việc khất thực.

Lại nữa, tám điều quán chiếu trên đây còn được tóm lại thành bốn cách quán chiếu khác nữa: quán về việc cần phải cắt bỏ, quán về sự, quán về lấy ít để tự an, quán về ưng bụng với số ít.

Hỏi: Thế nào là quán chiếu về việc cần phải cắt bỏ?

Đáp: Chẳng vì hành động hung hiểm, chẳng vì tự cao, chẳng vì lo cho thân thể được đẹp đẽ, đó là đề tài quán chiếu về các việc cần cắt bỏ. Nhờ đó mà nuôi thân và giữ gìn thân, để trừ đói khát và để thọ trì Phạm hạnh, đó là đề tài quán chiếu về sự. Tôi đang trừ bịnh cũ chẳng gây thêm tật mới, đó là đề tài quán chiếu về lấy ít để tự an. Tôi đang ưng bụng với số ít, thành ra vui trú trong sự chẳng lỗi lầm, đó là đề tài quán chiếu về sự ưng bụng với số ít.

Bốn món quán chiếu vừa kể còn được tóm lại thành ba, đó là: quán đoạn nhị biên (nhị biên = hai bên, hai cực đoan), quán đắc Trung đạo (= con đường ở giữa, tránh xa hai cực đoan), và quán cụ túc (= đầy đủ, xong xuôi hết). Dùng lối quán các việc cần cắt bỏ để đoạn trừ sự ràng buộc của các dục lạc (= ham muốn thú vui), để dứt sự đói khát, để trừ bịnh cũ và ngăn tật mới, và lại để chống lại sự mệt mỏi của thân xác. Phần còn lại dùng quán về đắc Trung đạo và quán về cụ túc để ứng dụng tu hành.

Lại quán y phục để ngăn trừ gió, lạnh, nóng, muỗi, mòng, kiến, để khỏi sanh hổ thẹn che đậy các chỗ kín (trên thân thể) (...) Lại cũng quán như thế về thuốc men cho đến các tật bịnh.

Nếu quán đúng như trên,thì lúc nào phải khởi lên làm công việc quán chiếu? Về ăn uống và thuốc men, phải khởi quán khi bắt đầu dùng. Về áo quần, giường nằm, khởi quán khi vừa nhận được. Lại nữa, ngày ngày, giờ giờ, đều quán rằng, mạng sống của tôi đây là do nơi nhờ vào người khác, nên lúc nào tôi cũng phải quán như thế. (...)

Về sự thọ dụng (= nhận dùng sự vật được cúng thí), các đại sư tiền bối dạy có bốn thứ thọ dụng: dùng như kẻ trộm, dùng như thiếu nợ, dùng như hưởng gia tài, dùng như chủ. Thế nào là thọ dụng như kẻ trộm? Đó là người vi phạm giới. Thế nào là dùng như thiếu nợ? Đó là người chẳng biết tự thẹn, chẳng biết xấu hổ đối với kẻ khác, sống theo tà mạng. Thế nào là thọ dụng như hưởng gia tài? Đó là sự thọ dụng của người tinh tấn tu hành. Thế nào là dùng như chủ? Đó là sự thọ dụng của bực Thánh nhơn.

Lại nữa, có hai thứ thọ dụng: thọ dụng dơ bẩn và thọ dụng trong sạch. Thế nào là thọ dụng dơ bẩn? Đó là sự thọ dụng của người tuy biết tự thẹn, biết xấu hổ đối vơí kẻ khác, nhưng chẳng năng quán. Thế nào là sự thọ dụng trong sạch? Đó là sự thọ dụng của người biết tự thẹn, biết xấu hổ đối với kẻ khác, thường luôn biết tự mình tiết chế lấy và chán ghét các tư tưởng xấu ác. Nên thường phải hiểu biết sự trong sạch đó và năng tu tập như thế.

Đấy là Giới về tu hành tứ sự.

Như thế, luật nghi giới dùng sự thâm tín (= tín sâu) mà thành mãn; mạng thanh tịnh giới dùng sự tinh tấn mà thành mãn; căn uy nghi giới dùng sự thâm tín mà thành mãn; Tu hành tứ sự giới dùng thâm huệ mà thành mãn.

Như thế, mạng thanh tịnh giới đi cùng với luật nghi giới. Tại sao vậy? Bởi vì, chẳng vì mạng sống mà cắt đứt ràng buộc của mọi sự thì thân tâm trở nên an ổn khiến việc làm đắc được uy nghi cho nghiệp thân và nghiệp miệng. Cả hai loại giới nầy đều đi cùng với căn uy nghi. Tại sao vậy? Bởi vì, nếu khéo giữ được tâm lành thì nghiệp thân, nghiệp miệng cũng sẽ được khéo giữ gìn. Tu hành tứ sự chính là căn uy nghi.Tại sao vậy? Nếu biết được năm uẩn và sự tương thuộc của chúng mà sanh ra nhàm chán, thì an trú được trong Chánh niệm và Chánh định. Như Thế tôn có nói, Tỳ-kheo hiểu được đoàn thực (= thức ăn vo tròn, tức là thức ăn vật chất) thì hiểu được năm món dục lạc đầy đủ.

Như thế, luật nghi và mạng thanh tịnh thuộc về nhóm Giới. Căn uy nghi giới thuộc về nhóm Định. Tu hành tứ sự thuộc nhóm Huệ.

Những gì khiến việc thọ giới được thanh tịnh? Nếu Tỳ-kheo vừa mới thọ pháp thiền, nơi thất tụ (= bảy nhóm vi phạm giới) quán thấy tự thân mình phạm giới Ba-la-di, bị mất thể chế Tỳ-kheo, trú sống trong giới bất cụ túc (= giới chẳng đầy đủ). Nếu sống trú trong giới cụ túc (đầy đủ) thì đang đắc được thắng pháp. Đấy là lời chỉ dạy của bực đại sư tiền bối.

Nếu thấy mình phạm giới Ba-la-di thì hướng về Tăng đoàn xin sám hối tất cả tội lỗi; nếu thấy mình phạm các tội khác còn lại, thì hướng về một người để xin sám hối; nếu thấy mình phạm tà mạng, thì hướng về nơi phạm tội xin sám hối lỗi đã phạm. Sám hồi như thế xong, (tự hứa) tôi sẽ chẳng tái phạm. Thấy được như vậy, cứ như thế mà thọ trì. Phạm vào căn uy nghi giới có liên quan đến việc tu hành tứ sự, (cũng hứa) tôi sẽ chẳng tái phạm. Nếu thọ trì được như thế, trong tương lai Tỳ-kheo sẽ đắc được uy nghi cao đẹp. Tỳ-kheo theo giới thanh tịnh như thế thì các chỗ đáng nên làm, nơi nghiệp thân, nghiệp miệng, hiện đang được làm. Phải nên quán về mình, về hành động của mình, khéo tiêu trừ các điều ác. Phải nên quán ngày ngày đêm đêm, an trú trong sự thanh tịnh của giới. Nếu được như thế, liền khiến giới được thanh tịnh.

Tướng của giới thanh tịnh ra sao? Ứng phó được với các phiền não, chẳng khởi lên sự lùi sụt và hối hận, đắc được định tâm. Thành mãn được như thế thì gọi đó là hình tướng của giới thanh tịnh.

Bao nhiêu nguyên nhân giúp an trú trong giới? Có hai nguyên nhân. Thứ nhứt, cân nhắc tai họa của tội phạm. Thứ hai, cân nhắc công đức của giới.

Cân nhắc tai hoạ của tội phạm như thế nào? Người nếu vi phạm giới thì tạo nên tội chướng, dấn mình vào các đường dữ, sợ hãi trước bốn chúng (tứ chúng = 1. Tỳ-kheo, 2. Tỳ-kheo-ni, 3. thiện nam, 4. tín nữ) và hay nghi ngờ. Người trí có giới thì xa lánh, chẳng chịu dạy Thiền; bực Trời chê dơ; mọi người oán ghét và khinh bỉ. Nghĩ đến việc phạm giới của mình, khi nghe ai khen ngợi công đức của việc trì giới, lòng thì hối tiếc nhưng lại chẳng tin. Thường hay nổi giận và gây gỗ với bốn chúng. Nơi các thân hữu, thường khởi oán hờn. Xa lánh các người giữ giới mà đi kết bè đảng với kẻ ác. Chẳng thể kham chịu bền chí để đắc được pháp thù thắng về Định. (thù thắng = hơn hết). Tuy trang sức cho đẹp nhưng chẳng dấu nổi chỗ xấu ác, tựa như phẩn, nước tiểu bị người gớm ghét, như đồ giả chẳng bền, như bùn lầy nước đọng, chẳng có giá trị, ích lợi gì trong hiện tại hay vị lai cả. Thường sanh lo lắng, phờ phạc; nhớ đến tội đã phạm mà hối tiếc, chẳng an, giống như kẻ trộm bị giam trong ngục. Tâm chẳng vui đạo Thánh, như kẻ chiên-đà-la (= giai cấp cùng đinh) chẳng dám mơ đến ngai vàng. Cho dầu có được nghe giảng về công đức của trí huệ, nhưng cũng chẳng được ai qúi kính, tựa như lửa của phân bò. Sống chẳng tìm được nơi như ý, chết thì thần thức hôn mê, lạc vào nẻo dữ.

Cứu xét tất cả các lỗi như trên, đó là biết cân nhắc các tai hoạ của việc phạm giới.

Nếu người muốn dẹp bỏ các điều ác đó mà thành toàn công đức của giới, thì nên cân nhắc như vầy: Kẻ nào phạm giới, thì tâm ý chán nãn não nề, tình chí rã rời, lùi sụt; còn người giữ vẹn giới hạnh thì, với nỗ lực cao thâm, gia tăng gấp bội niềm tin mà trở thành con người tinh tấn, kính tín.

Một lòng giữ giới như kiến giữ trứng, như trâu ly mến cái đuôi của nó, như nuôi con một, như che chở một con mắt còn lại, như bà đồng giữ thân mình, như kẻ nghèo giữ gìn của báu, như thuyền trưởng bảo vệ chiếc tàu. Lại còn hơn những người đang giữ gìn đó, người trì giới kính tin và giữ gìn giới mình đã thọ. Thọ trì như thế thì tâm được phòng vệ, an trú trong thiền định, khiến cho giới hạnh được thủ hộ.

-ooOoo-

Các tin đã đăng: