Luận tạng Nam truyền
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
A-la-hán Ưu-ba-đế-sa (Upatissa) sáng tác Lương Phù Nam, Tam Tạng Pháp Sư Tăng-già-ba-la (Sanghapàla) Hán dịch Thiện Nhựt chuyển dịch sang tiếng Việt Montréal, Canada, tháng 9-2003
26/07/2554 23:39 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Giải thoát đạo luận Vimutti Magga
Mục lục
Xem toàn bộ

PHẦN TÌM HIỂU

Phần Tìm hiểu Phẩm 5: Tìm Gặp Thiện Tri Thức

Chuyển tiếp: Sau khi chỉ rõ cách giữ gìn thân theo đúng Giới hạnh và cách kềm thúc tâm cho được an trú, Luận văn khuyên người tu hành nên tìm gặp một người hướng dẫn cho mình tu tập đúng đường lối để đạt được kết quả tốt đẹp.

Tiếp theo hai Phẩm về Giới và về Định, Phẩm 5: Tìm gặp Thiện tri thức nói đến sự giúp đỡ của Thầy hay bạn đồng tu.

027. Ýchánh Phẩm 5: Tìm gặp Thiện tri thức.

"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn" lời tục thường nói như thế. Trong khi tu tập theo đường lối giải thoát, hành giả cần có người giảng dạy giáo pháp để biết cách hành trì và tránh các lỗi lầm. Phẩm 5: Tìm gặp Thiện tri thức nêu lên các đức tánh cao qúi cần có của một bực Thiện tri thức, đủ cho hành giả nương tựa theo.

Luận văn còn đi sâu vào chi tiết các nghi thức mà một vị khách Tỳ-kheo cần phải thi hành khi đi tìm và đến gặp các bực Thiện tri thức.

028. Dàn bài của Phẩm 5:

I. Nhập đề: Gặp được một vị Thiện tri thức có được những ích lợi nào cho việc tu tập?

II. Thân bài:

A) Những đức tánh của bực Thiện tri thức:

1. Ba đức tánh cao nhứt của một vị xứng danh là bực Thiện tri thức: (1) Thông hiểu Tam tạng Kinh điển, (2) hiểu rõ nghiệp chủng, (3) đắc thần thông.

2. Bảy đức tánh tốt nơi người có thể được xem là Thiện tri thức: (1) khả kính ái: vui sống chung trong hoà giải, (2) đáng trọng: giới hạnh thanh tịnh, (3) đáng qúi: tu huệ và trọng thiền, (4) khéo giảng, (5) nhẫn nhục, (6) lời cao thâm về nghiệp quả, (7) chẳng ở nơi chẳng phải chỗ.

B) Các nghi thức một vị khách Tỳ-kheo tuân theo khi tìm gặp một bực Thiện tri thức:

1. Làm sao để tìm một bực thiện tri thức?
2. Khi gặp, nên thưa hỏi những gì?
3. Khi rời đi, phải làm những gì?

III. Kết luận: Bài Kệ của Đức Phật về Thiện trí thức.

029. Tìm hiểu nghiã các chữ khó:

Thiện tri thức: Thiện = lành, khéo; Tri thức = hiểu biết. Thiện tri thức, còn gọi là Thiện hữu tri thức là người, bực thầy hoặc bạn thân (hữu = bạn hữu, bằng hữu) có nhiều hiểu biết về Đạo, sẵn lòng chỉ dạy cho mình tu tập theo.

Tỳ-kheo Vân: Kinh Pháp Cú, nơi hai bài Kệ số 33 và 34 có nói đến Tỳ-kheo Mễ-ghi-dạ (Meghiya) cãi lời Phật đến vườn xoài ngồi Thiền, nhưng tập chẳng có tiến bộ về Định tâm, nên bị thoái sụt. Ý muốn nói, tu hành muốn tiến bộ phải nghe lời thiện tri thức. Chữ Vân là dịch tên Meghiya.

Thoái sụt: Thoái = thối lui lại; sụt = lọt xuống dưới. Tu hành bị thoái sụt là bị mất hết công đức, rơi trở lại mức thấp

Phạm hạnh: có giải nghiã ở Phẩm 2: Phân biệt Giới.

Chí thiện: Chí = hết sức, cùng cực, đến mức thật cao. Chí thiện là hết sức lành.

Bằng hữu: bạn bè, bạn thân.

Nghiệp chủng: Nghiệp = tất cả hành động đã qua mang đến hậu quả cho ngày nay, hay về sau. Nghiệp thiện mang quả báo lành; nghiệp ác mang quả báo xấu dữ. Chủng = hột giống. Theo Duy thức học, mỗi hành vi gây nên nghiệp, kết thành hột giống, nằm trong thức A-lại-da (= thức thứ tám), chờ ngày phát sanh ra quả báo. Hiểu rõ về nghiệp chủng, ý muốn nói, hiểu biết rõ về Luật Nhân Quả, hễ gieo nhân nào thì sớm muộn chi cũng phải gặt quả của nhân đó.

Nghiệp quả: tức là quả báo của nghiệp lực.

Nhẫn nhục: Nhẫn = nhịn chịu, chịu đựng; nhục = điều sỉ nhục, nhục nhã. Nhẫn nhục là một đức tánh cam gánh chịu điều khổ sở, khó nhọc và cả điều sỉ nhục nữa. Đây là một hạnh cao qúi của Bồ-tát đạo, vừa chịu cam go, khổ nhục, lại vừa bền chí kiên trì gánh nổi khó khăn mà chẳng than van.

Hiền Thánh: Theo giáo lý Bắc tông, ba đạo quả Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm tuy được vào dòng Thánh, nhưng chưa tận diệt hết các phiền não và chưa chứng đắc được vô sanh (= thoát vòng Luân hồi sanh tử), nên được sắp vào bực Hiền. Từ cấp A-la-hán trở lên, đã sạch phiền não và chứng vô sanh, mới gọi là bực Thánh.

Chấp trước, chấp tướng: Chấp = cầm giữ chặt chẳng chịu buông bỏ; Trước = kẹt dính vào nên bị ràng buộc. Tướng = hình tướng, hình dáng bề ngoài. Chấp trước là vì bám níu chặt quá cho nên mắc kẹt vào đó, buông bỏ ra chẳng được. Chấp tướng là quá chuộng về hình tướng hoặc nghi thức bên ngoài, chẳng nghĩ đến bản thể, hoặc nội dung bên trong.

Tán tụng: khen ngợi, có đôi chút hơi quá mức.

Hoan hỉ: Hoan = vui vẻ; Hỉ = mừng.

Nhứt thời: Nhứt = một; Thời = lúc. Nhứt thời là một lúc, chẳng kéo dài lâu, chẳng thường lập lại.

Thiền cụ: Thiền = tu Thiền, ngồi tư duy; Cụ = dụng cụ, đồ dùng. Thiền cụ đồ dùng trong lúc ngồi Thiền, như nệm, bồ đoàn (còn gọi là toạ cụ).

Vi nhiễu: Vi = chung quanh; nhiễu = đi chầm chậm, bao vây. Vi nhiễu là bước chậm ba vòng chung quanh người hay chỗ mà mình kính lễ.

Tháp = ngôi mộ xây nhọn lên cao, thường để hài cốt hoặc tro của các vị cao tăng ở chùa.

Khất sĩ: hay Tỳ-kheo hoặc Tỳ-khưu, người tu sĩ đã thọ giới Cụ túc, theo giới hạnh đi ăn xin mỗi ngày, chẳng được phép có nghề sanh sống riêng.

Luật sư: Luật = đây là Luật tạng, các giới luật được Đức Phật và Giáo hội qui định, phải tuân hành; Sư = thầy dạy. Luật sư là vị Tăng thông đạt Luật tạng và giảng dạy Giới luật cho các Tỳ-kheo trong chùa.

Thượng toạ: Thượng = cao; Toạ = ngồi. Thượng toạ là tiếng gọi vị cao tăng, có trên 30 tuổi đạo (mỗi năm dự một khoá An cư kết hạ, thì được một tuổi đạo).

Hoà thượng: Vị cao tăng tuổi đời đã cao mà tưổi đạo cũng trên 40. Thường là vị sư trụ trì trong chùa.

Khách tăng: vị tăng đến chùa khác để học tập

Luận sư: Luận, đây là Luận tang, một trong ba tạng Kinh điển Phật giáo, gồm các bộ Luận do Đức Phật, các Bồ-tát và A-la-hán viết để giải thích rõ thêm về Kinh. Vị Luận sư là vị tăng thông đạt về Luận tạng và chỉ dạy lại cho Tỳ-kheo.

Kệ: một bài văn tương đối ngắn, thường là thể thơ, để nêu lên ý chánh của bài thuyết pháp vừa giảng xong.

Chỉ thị: lịnh phải thi hành, lời dạy phải tuân theo.

Pháp lạc: Pháp = Chánh pháp, pháp tu; Lạc = vui. Lòng vui trong pháp lạc là tâm vui vì đã hiểu được Chánh pháp, tu hành theo và đạt được kết quả tốt.

Trú pháp: Trú = ở yên đó. Trú pháp là hiểu được Pháp rồi, liền an trú tâm vào đó và thực hành mãi đúng theo Pháp.

Tín tâm: Tín = tin tưởng. Tín tâm là lòng vững tin.

030. Tìm hiểu ý nghiã về nội dung Phẩm 5:

Nội dung của Phẩm 5: Tìm gặp Thiện tri thức có hai phần chánh, như đã biết qua trong Dàn bài. Phần thứ hai dành cho bực tu hành xuất gia. Các nghi thức mà một Khách Tỳ-kheo phải tuân theo, được Luận văn kể lại ở đây, là các nghi thức tại các chùa theo Nam tông, nhứt là tại nước Tích lan. Có sự khác biệt đôi chút về nghi thức, tùy theo mỗi quốc gia.

Phần thứ nhứt là phần mà người Phật tử tại gia cần nên quan tâm nhiều, nhứt là các đức tánh của bực Thiện tri thức mà mình muốn đến gặp. Thông thường, các người ham tu nghe đồn có vị cao tăng nào đắc đạo, thì liền đổ xô tìm đến. Một bực Thiện trí thức xứng danh cần phải có đủ các đức tánh nêu rõ trong Luận văn, ta nên tìm hiểu cho kỹ, nhứt là về gìới đức của vị ấy. Vấn đề đắc thần thông, cần nên hết sức thận trọng kẻo lầm; vả lại thiện tri thức mà có thần thông cũng chẳng giúp chi nhiều cho những người tìm đến học tập về đạo pháp để được giải thoát.

Bảy đức tánh tốt của một người mà ta có thể xem như là thiện tri thức, mà Luận văn đã kể ra ở trang 50, gom lại thành hai điều: (1) có giới hạnh đáng qúi trọng; (2) thông hiểu Chánh pháp và ít nói nhưng khéo giảng dạy về Thiền định.

Bài Kệ ở đoạn kết luận có thể tóm tắt lại bốn câu:

- hai câu về bựcThiện tri thức:

"Hiểu pháp nhờ trú pháp,
Giảng pháp đúng như thật."

- hai câu về người đi tìm gặp Thiện tri thức:

"Gặp bực thầy như thế,
Nên tu chẳng lười nhác."

031. Vài điều suy gẫm, nhân đọc Phẩm 5:

1) Ngay tại câu hỏi mở đầu Phẩm 5, Luận văn bảo, người mới tập Thiền muốn đắc được Định thật cao mà xa lià bực Thiện tri thức, thì chẳng đạt được sự ổn định."; câu nầy phải chăng quả quyết rằng, nếu chẳng có thiện tri thức giúp đỡ, thì chẳng thể nào đắc được Định? Tôi chẳng nghĩ như vậy. Có lẽ muốn nhấn mạnh đến sự quan trọng cần có sự hỗ trợ của Thiện tri thức (Thầy hoặc bạn đồng tu) trong việc tu tập Thiền mà Luận văn đã viết như thế. Vì lẽ vào trong Thiền, hành giả sẽ gặp nhiều cảnh giới khác thường, nếu chẳng có người chỉ dẫn e có sự sợ hãi, hoặc đi lạc lối chăng. Điều nầy tôi xin hoàn toàn đồng ý.

Thắc mắc sở dĩ được nêu ra là vì, vào thời buổi hiện nay, để thu hút các tín đồ, nhiều nhà tu hành đã không ngần ngại "quảng cáo" thành tích của mình một cách rầm rộ. Một bực chơn tu chắc chẳng chịu làm như thế. Nghe lời đồn, rồi chạy theo, chắc chi đã gặp một bực thiện tri thức chơn chánh. Có lẽ, nên đem các thắc mắc, nghi ngờ của mình đang gặp phải trong khi tu tập, ra thưa hỏi ngay với vị Thầy ở chùa mình, bao giờ mình áp dụng đúng theo mà chẳng thấy có kết quả, bấy giờ sẽ đi tìm Thiện tri thức ở nơi khác để ... cho thuốc chữa. Mà rồi lại cũng phải chính mình thử nghiệm lấy, thấy có đúng rồi mới tin. Đó chẳng phải là quá đa nghi, mà là cách để tránh khỏi được sự tin mù quáng. Thà mang lấy một mối nghi, tuy có hại thật, nhưng còn ít hại hơn là cứ nhắm mắt tin mù!

Hoá cho nên, khi tập Thiền mà còn chưa đắc Định, gần chín mươi phần trăm là tại mình: tại mình còn nhiều dục vọng, tại mình áp dụng phép tập còn chưa đúng cách, tại mình chẳng được chuyên cần cho lắm; chớ nào phải hoàn toàn tại vì thiếu chẳng có bực thiện tri thức nào giúp đỡ.

2) Nơi Phần thứ hai của Phẩm 5 nầy, bộ Luận đã chỉ rõ những bổn phận của người tu hành đối với bực Thiện tri thức mà mình tìm đến gặp. Các bổn phận đó, cung kính với người mà mình xem như Thầy dạy mình, tuân hành chẳng sai sót các chỉ thị của người, học tập chẳng được lười nhác, v.v., để tỏ ra mình là người học trò đứng đắn biết lễ trọng sư. Điều đó rất quan trọng chẳng cần phải nói thêm chi cho quá dài dòng.

Nhưng có một điều chẳng thấy Luận văn nói đến là, trước khi đi tìm gặp bực Thiện tri thức, hành giả đã có sự chuẩn bị đầy đủ về phiá mình chưa. Nói rõ hơn, đối với tu sĩ xuất gia, đã học thuần thục hết chưa các điều cần thiết nơi chùa mình, mà vội lên đường đi hành cước du học? Đối với các Phật tử tại gia, đã thu xếp xong chưa các công việc nhà, các công việc sở, trong khi mình vắng mặt, kẻo lúc trở về lại gặp khó khăn lớn hơn lúc ra đi?

3) Sanh vào thời Đức Phật, nghe được Chánh pháp, chẳng phải là việc mọi người mong muốn mà được ngay đâu, cơ hội ngàn năm một thuở! Gặp được một bực Thiện tri thức cũng lại khó khăn chẳng ít. Thế cho nên, nghe đâu nói có người sẵn lòng chỉ dạy giáo pháp cho mình, nên cố gắng thu xếp công việc để đến gần gũi. Còn ngại ngùng, còn nghi nan, thì phải tự hỏi lòng mình cho thành thật, đã dẹp xong lòng tự ái cá nhơn chưa, hay bụng tự hào ta đây cũng biết rồi, để đến với thái độ của người tầm sư học đạo, mà nghe lời chỉ dạy. Tìm cớ thoái thác chẳng chịu khó đi tìm gặp, phải chăng đó là một hình thức còn ngạo mạn, biết bực chơn tu mà chẳng đến hầu.

4) Nếu cơ duyên để gặp được bực Thiện tri thức còn chưa đến với mình, thì phải làm sao? Thiển nghĩ, Thiện tri thức bằng xương bằng thịt thì khó tìm thật, chớ còn tìm những lời vàng ngọc chỉ nẻo dẫn đường trên hành trình tu tập cũng chẳng quá khó. Tìm ở đâu? Ngay trong các Kinh Luận, đấy chính là những bực Thiện tri thức âm thầm và kiên nhẫn cho những người chịu khó bỏ công đi tìm.

Quả thật, Kinh Luận Phật học chẳng dễ gì đọc, hiểu và thi hành đúng theo, vì các lời Phật và Bồ-tát dạy dành cho những bực căn cơ cao, đã đi xa trên đường tu hành. Nhưng biết mình là kẻ sơ cơ, thì đừng bao giờ cố tìm trong Kinh Luận những lời lẽ cao thâm mà học để làm vốn tranh luận trong các cuộc mạn đàm. Cứ chọn ngay những điều dễ hiểu mà học, những lời dạy dễ làm mà theo, bền chí sẽ lần lần tiến lên gần với mục tiêu. Điều quan trọng là đừng đọc Kinh Luận với một tinh thần của người xem văn chương để giải trí, mà phải giữ mãi trong trí hình ảnh một người đang đến cầu pháp với bực Thánh hiền.

Kinh sách quá khó chăng? Hãy để sẵn quyển Từ điển bên cạnh, gặp chữ khó, tra cứu ngay; nay còn chưa hiểu hết, mai nầy sẽ có dịp tìm bắt được chỗ thâm sâu.

Bạn nghĩ thế nào về Bộ Luận đang đọc đây? Riêng tôi, tôi thành kính xem như đang được Ngài A-la-hán Upatissa, tác giả bộ Luận nầy, ngồi trên bồ-đoàn giảng pháp cho kẻ còn ngu đần nầy nghe. Nhưng Ngài chẳng quở tôi ngu, Ngài chẳng phiền tôi lười, Ngài vẫn lặng lẽ giảng, và lời Ngài có khó hiểu thì tôi cũng chẳng sợ Ngài nóng ruột khi tôi giở từng trang Từ điển ra tra!... Tôi chẳng dám viết thêm lang bang nữa, chỉ mong người đọc trân qúy Kinh sách như là các bực Thiện tri thức chơn chánh rất khó tìm thấy ở trên đời!

-ooOoo-

Các tin đã đăng: