Ý nghĩa nghi lễ
Tìm hiểu về lễ bái
16/03/2010 07:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CÂU HỎI THỨ NHẤT: Lễ bái và Tu Ðạo có khác nhau không? Và sự khác biệt như thế nào?

Trả lời: Thưa Qúy bạn! Ðây là một câu hỏi rất đáng ghi nhận và cần được phân tích nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh, để giúp cho tất cả mọi người ở mọi tầng lớp xã hội hiểu rõ một cách cặn kẽ cả về Lý lẫn Nghĩa văn tự. Hầu tránh được những ngộ nhận nhầm lẫn mà trên thực tế trong đời sống chúng ta thường nhận biết, cũng như nghe thấy những điều phỉ báng vô minh, hay thực hành lễ bái trong ý thức mê tín dị đoan, hoặc thực hành lễ bái, tu đạo trong sự thiếu hiểu biết, mơ hồ về những việc mà mình đã và đang làm.

Trả lời thật đầy đủ về câu hỏi này, tôi thiết nghĩ cần phải tìm đến những cao nhân tài cao trí rông, giàu kinh nghiêm của bậc Tu hành mới mong trả lời thỏa mãn sự hiểu biết của qúy bạn.

Tuy nhiên các bạn đã đặt câu hỏi, thì bằng vào những gì mà tôi đã thu thập được trong quá trình tu tập, tôi cũng xin mạnh bạo trình bày (chứ không dám nhận là lời giải đáp) để hầu cùng Qúy bạn đồng nghiên cứu học hỏi thêm trên con đường học Ðạo tu tập.

Trước hết xin bàn về “Lễ bái”:

Lễ bái khó ai mà xác minh được nó bắt đầu vào những năm tháng nào, ở thời kỳ nào của loài người. Tuy nhiên nếu xét về lịch sử loài người từ cổ chí kim, nơi nào có con người sinh sống thì ở đó đều hình thành lễ nghi hay nghi thức lễ bái. Những nghi thức hay lễ nghi tùy từng địa phương, tùy từng sắc dân chẳng nơi nào giống nơi nào cả, tựu chung ta gọi là: “Lễ bái”.

Vậy Lễ bái là gì? Và tại sao con người cần phải có nhu cầu Lễ bái?

Lễ bái là một cụm từ gồm từ “Lễ” và từ “Bái” kết hợp thành “Lễ bái”. Vậy thế nào là “Lễ” và thế nào là “Bái”? (ở đây tôi không bàn tới vấn đề âm ngữ phổ cập từ tiếng Hán mà chỉ đề cập như là một từ Việt ngữ thông dụng trong dân gian)

Luận thảo về “Lễ”:

Ngày còn nhỏ lúc cắp sách tới trường hay ở trong sinh hoạt hàng ngày ta thường nghe thấy câu thành ngữ: “Tiên học Lễ hậu học Văn” (có nghĩa là Lễ được trọng hơn Văn). Vậy Lễ là một nền văn hóa (chứ không phải là văn học) của một sắc dân, của một dân tộc, một quốc gia. Danh từ chung trong văn học gọi nó là: “Phong tục tập quán” như câu: “Nhập gia tùy tục” hay câu “Gia có Gia phong, Quốc có Quốc pháp” vậy.

Tóm lại Lễ là những cổ tục đã được cấu trúc bằng một thời gian khá dài đi cùng với một lịch sử của một dân tộc hay một Quốc gia (xuyên qua những thể chế hay những triều đại đã trị vì dân tộc hay Quốc gia đó) mà hình thành. Nó được ghi nhận, được chấp nhận trong văn tự cũng như tập quán sinh hoạt trong dân gian. Tới hiện nay ta còn thấy ở đâu đó trong các sắc dân thiểu số với một đời sống lạc hậu man khai, họ có những tập quán thực hành nghi lễ riêng mà theo cách nhìn của thời đại văn minh này cho nó là ngộ nghĩnh man dại. Còn ở thời đại văn minh mà chúng ta đang sống thì sao? Nhìn khắp thế giới ở mọi Quốc gia có mặt trên hoàn cầu này thì ở đâu cũng có Lễ , không phải chỉ một nghi thức Lễ, mà có muôn vàn muôn vạn Lễ khác nhau với muôn hình muôn vẻ. Trên bình diện Quốc gia ta thấy trong một năm có trên chục ngày nghỉ Lễ như Lễ Quốc khánh, Tết lễ, Lễ thành lập triều đại, Lễ sinh nhật của Vĩ nhân có công lập quốc, v.v.., Tôn giáo cũng có Lễ riêng của từng tôn giáo, Gia hộ lại có Lễ riêng của từng gia hộ. Cộng đồng, đoàn thể, cá thể con người cũng có Lễ riêng của họ.

Tôi tạm phân tách “Lễ” bao gồm những phần như sau:

1/ Phần hình thức: Hình thức là sự trang trí, trưng bày cho một biểu tượng mà qua đó ta có thể phân biệt được “Lễ” đó thuộc về sắc tộc, dân tộc, Quốc gia nào.

Thí dụ như: Ðạo Phật thì có Ðức Phật trên Tam Bảo, Ðạo Cơ Ðốc thì có tượng Ðức Chúa, các buổi Lễ của Úc Ðại Lợi thì phải bài trí lá Quốc Kỳ Úc v.v..

2/ Phần Lễ Phẩm: Lễ phẩm là những phẩm vật mà con người muốn dâng lên các Bậc vị mà họ tôn thờ, hay mong cầu một sự trợ giúp. Thông qua vật phẩm người ta có thể biết được tính chất của buổi lễ (tức mục đích của nghi lễ) mà kẻ hành lễ mong cầu.

Thí dụ như: Lễ Phật thì dâng phẩm vật bằng mâm Ngũ quả (năm thứ trái cây) với các loại hoa bông. Lễ thánh hay Lễ gia Tiên thường thấy người ta dâng phẩm vật bằng Tam sinh (ba loại động vật là loài biết bay (Ðiểu vật: loài có cánh là biểu tượng), biết lội (Thủy vật: loài Cá là biểu tượng), biết chạy (Ðịa vật: là động vật bốn chân như Heo, Bò, Dê là biểu tượng). Lễ cưới hỏi, Lễ chúc Thọ thường là bánh ngọt, quà tặng, phong bao tiền, vàng, qúy kim. Lễ Tang thường là cúng cơm với vòng hoa, liễng phướn, v.v…

3/ Phần nghi thức: Nghi thức là phương cách hành Lễ. Tùy theo những hình thức bài trí cộng với những phẩm vật dâng lễ mà có những phương cách hành lễ khác nhau, cũng qua cách hành lễ mà người ta có thể phân biệt được tính chất của buổi lễ cũng như nhận biết được sắc thái của những thành phần mà người tổ chức thuộc về sắc dân nào, dân tộc nào, quốc gia nào, và mục đích của buổi lễ mong cầu những gì.Và phần nghi thức này luôn luôn bao gồm những nghi thức “Bái”.

Ngoài ba phần trên, “Lễ” còn bao hàm một nghĩa rộng lớn khác, đó là “Lễ Phép” Tôi không muốn đi sâu bàn thảo về phần này ở đây, mà xin hẹn các bạn vào dịp khác khi ta hội đủ nhân duyên. Tuy nhiên tôi cũng xin mạn phép qúy bạn được bàn rộng ra một chút về “Lễ phép”.

“Lễ phép”: Là phép tắc, là những điều quy hướng dẫn hay dạy cách “Ðối nhân xử thế” trong mối quan hệ giữa người với người. Tức là dạy cái phép làm người (Ý nói về đạo đức của con người), cụ thể có những phép như sau:

a/ Với cá nhân (tự bản thể): là phép “Lễ độ”. Như biết tự trọng, biết khiêm cung, biết kính trên nhường dưới v.v…

b/ Với gia hộ (gia đình): Là phép “Gia huấn”. Như biết hiếu đễ với ông bà cha mẹ, anh em biết thương yêu, đùm bọc nhau, v.v…

c/ Với làng, xã (địa phương), quốc gia (đất nước): Thì có “lệ làng, xã tắc, phép nước”. Như biết Tôn ty trật tự, tôn trọng lệ làng phép nước, hành xử đúng quyền công dân, v.v…

d/ Với xã hội (chính quyền): Thì có nền giáo dục. Như biết Kính thầy yêu bạn, thượng tôn luật pháp, biết xử sự công bằng, bác ái, “Tứ hải giai huynh đệ”, v.v…

e/ Với Ðạo (Tôn giáo) thì có Lễ giáo. Như biết tin vào Ðạo, biết Tôn sư trọng Ðạo, biết hành thiện lánh ác, tu cải bản thân, yêu thương muôn loài, sống Từ bi bác ái, v.v…

Luận thảo về “Bái”:

“Bái” là hành động của con người thực hành tham gia trong buổi Lễ. Mỗi buổi Lễ có những phương cách “Bái” riêng, tùy theo cách phân định của từng sắc thái dân tộc, quốc gia đã hình thành một phong cách có tính truyền thống lâu đời được lưu giữ và duy trì (có thể có những cải cách, sửa đổi theo tính thời gian, theo sở thích của người lãnh đạo đề đặt thêm).

“Bái” có những phương thức hành Bái như sau:

1/ Ðứng Bái: (còn có danh từ là Vái, Lạy). Tuy đứng làm lễ nhưng tùy theo phong tục tập quán khác nhau mà động tác Bái có khác nhau.

2/ Qùy Bái: (còn có danh từ là Lạy). Tuy qùy nhưng cũng tùy theo phong tục tập quán mà động tác thực hành cũng khác nhau.

3/ Ngồi Bái: (còn có danh từ là Tọa Tụng,Vái, Lạy). Cũng có nhiều cách thực hành khác nhau theo phong tục tập quán riêng.

4/ Hành Bái: (Bái, lạy trong những nghi thức rước lễ). Hoặc hành Tụng, hành Thiền và cũng có những cách thực hành khác nhau, tùy theo hình thức lễ lạc, tùy theo mỗi tôn giáo.

Ngoài ra còn có những thể cách kết hợp các phương thức trên như đứng lên qùy xuống mới thực hành xong một động tác của Bái v.v…

“Bái” nhằm thể hiện gì trong Ý Niệm của người hành Lễ?

Những phương thức hành Bái (Vái, Lạy) trong các buổi Lễ không phải đơn giản chỉ là việc làm vô bổ, không có ý nghĩa gì hoặc giả chỉ là một thủ thức bày đặt buộc những người tham dự (Hội viên, thành viên, Ðệ tử, Con Chiên, Tín Hữu, v.v…) phải tuân hành một cách mu muội, mù quáng như là một thứ mệnh lệnh trong quân ngũ, hay như một Chiếu Chỉ, một pháp lệnh từ cấp quan quyền ban xuống.

Mà ngược lại, mỗi một động tác hành lễ Bái Lạy là một phương pháp hàm dưỡng một nội dung triết lý, luân lý, Ðạo Lý nhằm giáo dục và rèn luyện con người đang sống trong cái cộng đồng của phương thức thực hiện buổi Lễ đó. Do đó mà tùy theo thông lệ của từng dân tộc, quốc gia, tôn giáo mà người ta có những quy ước diễn giải cái Ðạo Lý hành xử qua phương pháp của sự Bái Lạy. Tỷ như Ý nghĩa của việc chắp hai bàn tay vào nhau (cách hành Bái, Lạy trong Ðạo Phật), cách làm Dấu (cách hành Bái Lạy Chúa trong Cơ Ðốc giáo), cách chụm tay Bái Lạy (của Khổng Giáo), v.v… chắc chắn đều có bao hàm ý nghĩa Ðạo Lý, trong đó được diễn đạt qua phương cách của người hành Lễ (ở đây tôi không muốn giải thích cụ thể về những thông đạt qua các phương thức Bái Lạy mà xin qúy bạn hãy tìm học hỏi qua các Vị Lãnh Ðạo của tôn giáo, Lãnh tụ dân tộc, qua các kinh điển ghi chép lưu giữ, qua các Bộ, sở, ban, ngành phụ trách về Lễ lạc, khánh tiết trong các cấp chính quyền của từng quốc gia) chắc chắn các bạn sẽ tìm hiểu được nhiều điều lý thú.

Nói đến Bái Lạy thì không thể không nói đến việc Thờ Phụng hay Thờ Cúng. Cũng có thể nói việc Thờ Phụng hay Thờ Cúng cũng đồng nghĩa với việc Lễ Bái. Nó có khác nhau chăng cũng chỉ là việc dùng ngôn từ để chỉ cùng một sự việc mà thôi, qua cách nói hình dung từ (Thờ Phụng, Thờ Cúng) hay động từ (Lễ Bái).

Việc Thờ Phụng, Lễ Bái là một cổ tục có từ lâu đời của mọi sắc dân, mọi dân tộc và mọi quốc gia. Có thể nói nó đồng hiện hữu cùng với sự có mặt của con người ngay từ thuở man khai. Thât khó mà trả lời là tại sao từ khi có con người, con người lại hết sức tự nhiên hình thành sự thờ phụng lễ bái như vậy. Hỏi tức là trả lời! Ðã là một cấu trúc tự nhiên và cần thiết trong đời sống của con người thì điều tất yếu là việc Thờ phụng, lễ bái phải mang lại lợi lạc cho đời sống của con người và cũng bởi cái lẽ đó mà nó được con người đúc kết duy trì và phát triển, rồi cấu trúc cho nó trở thành một sở hữu, hữu dụng cho đồng loại mình. Cũng chính vì cái lẽ tự nhiên này mà từ ngàn xưa cho tới nay cho dù con người ở mọi nơi trên địa cầu này tuy xa nhau muôn dặm, không có thông tin liên lạc như ngày nay mà chẳng ai bảo ai, khắp mọi nơi, đâu đâu cũng tự nhiên hình thành cho cộng đồng mình, cho quốc gia mình một hình thức Thờ phụng, lễ bái riêng, mà bây giờ ta gọi nó là những phong tục tập quán. Phải không qúy bạn? Ðặt câu hỏi ra như vậy là tôi muốn qúy bạn hiểu một cách nôm na rằng: Mối quan hệ giữa việc Lễ bái với đời sống của con người là một thực thể đồng tồn tại với con người, và con người không thể thiếu vắng nó được. Con người biết tôn trọng, biết hành xử công việc Lễ bái trong cộng đồng mà mình đang chung sống, đó chính là con người đã biết tu thân. Con người biết Thờ Phụng là con người biết “uống nước nhớ nguồn”, tức là biết gìn giữ nguồn gốc của mình. Chính vì vậy mà từ ngàn xưa nói chung trên toàn thế giới, nói riêng như ở Việt Nam mình, ta thấy từ mỗi gia hộ, mỗi làng xã, mỗi huyện tỉnh, đâu đâu ta cũng thấy các hình thái Thờ Phụng khác nhau, mỗi nơi mỗi cảnh. Tại gia thì có Từ Ðường (nhỏ thì có Ban Thờ), Làng xã, huyện tỉnh thì có Miếu Ðền, Chùa chiền, hang động, Nhà Thờ, tất cả đều là nơi Thờ Phụng.

Việc thực hiện Lễ Bái trải dài theo dòng lịch sử hình thành xã hội và đời sống của con người, vì lẽ đó một cách tự nhiên như cái tự nhiên của Tạo Hóa, nó nghiễm nhiên trở thành một thứ nhu cầu không thể thiếu được trong mọi lãnh vực sinh hoạt của con người. Nó có một mãnh lực tiềm ẩn huyền diệu vô hình trợ giúp con người vượt qua nhiều trở lực thiên nhiên mà sức người không thể thắng được. Nó trở thành một điểm tựa vô hình chắc chắc trong niềm tin, là vị cứu tinh của những con người gặp khốn khó cùng cực, kể cả ở những con người gặp nhiều may mắn giàu sang trong kiếp sống của họ. Tất cả những bí ẩn đó cho dù con người có văn minh đến mức nào đi nữa, chắc chắn một điều là không bao giờ tìm được lời giải đáp bằng những chứng minh thực dụng của khoa học.

Như ta đã từng thấy những câu thành ngữ như sau: “Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên”,

hay “Cầu được ước thấy”, “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. (Trích Truyện Kiều của Thi Hào Nguyễn Du).

Tổng kết lại phần bàn thảo bên trên, ta thấy rõ là việc Thờ Phụng, Lễ Bái là một truyền thống lâu đời của các bậc Tiền Nhân đã đúc kết và để lại cho hậu thế. Nó mang tải một ý nghĩa thâm sâu huyền diệu rất đắc dụng cho đời sống của con người. Nó có tính giáo dục và rèn luyện xây dựng nên những lớp người toàn thiện hữu ích cho xã hội, cho cộng đồng. Nhận thức rõ điều lợi lạc này, chúng ta, thế hệ hiện nay và mai sau phải đem lòng biết ơn, cảm tạ mà hết sức chân qúy học hỏi thông hiểu cặn kẽ những Minh triết của Tiền Nhân để lại, hầu duy trì và phát triển đúng hướng trong nhận thức, trong tư duy mà hành xử đúng đắn trong những nghi lễ thường nhật. Có như vậy chúng ta mới tận hưởng được những lợi ích kỳ thú vô song từ cõi cội, cõi nguồn ban trải cho chúng ta. Như những lời Minh huấn còn được lưu truyền đến ngày nay: “Gái hưởng Ðức Cha, trai hưởng Phước Mẹ” hay “Nhờ âm Ðức của Tổ Tiên để lại”, hoặc như “Ðức năng thắng số” v.v…

Mặt khác ta đừng nhìn thấy những hiện tượng xô bồ của một số người vì thiếu hiểu biết cặn kẽ về Lễ Tục của Tiền Nhân mà hành xử sai lệch, thiếu thiện tâm hoặc tha hóa lợi dụng phong tục tập quán để mê hoặc dân chúng mà thủ lợi. Rồi tỏ ý chê bai, để tự đánh mất niềm tôn kính, mất đức tín ngưỡng mà xa rời buông bỏ thì quả thật là một sự thất thiệt lớn lao cho chính mình.

Bây giờ xin vào phần câu hỏi:

Giữa Lễ Bái và Tu hành có khác nhau không? Và sự khác nhau như thế nào?

Giữa Lễ Bái và Tu hành (theo nghĩa là người tu Ðạo bất kể theo một Tôn giáo nào) có sự khác biệt nhau, và khác biệt một cách rõ ràng. Tôi xin trình bày như sau:

Như phần bàn thảo về “Lễ Bái”, dẫu dù việc Lễ Bái có mang lại nhiều điều lợi lạc và có tính giáo dục, rèn luyện con người hướng thiện, tuy nhiên nó chỉ hạn chế trong cái luân lý của đời sống có tính “Ðạo đức” làm người mà thôi. Còn người có đức Tu hành thì việc Lễ Bái ngoài cái Minh triết như trên đã nói đến, họ hiểu Lễ Bái theo một cái Minh Lý của Ðạo. Mỗi hành động, cử chỉ thực hành trong việc hành lễ, trong mỗi cái lạy, cái bái của họ còn mang tải một Tâm Linh gắn bó, một thể hiện đức tin tín ngưỡng vào một thế giới cụ thể, một vĩ nhân cụ thể mà họ đang tôn kính thờ phụng.

Việc Lễ Bái của thiện nam tín nữ (nói theo đạo pháp là hàng phàm phu tục tử) tại những nơi thờ phụng chỉ biết đặt niềm tin tín ngưỡng của họ trên những sở cầu trông cậy (tức sự cầu xin) vào một Ðấng thiêng liêng nào đó ban phát cho họ, cho dù họ biết việc làm của họ ở trong sự trông đợi thiếu thực tế và không có gì là chắc chắn cả, nhưng họ vẫn hành động không nề hà trách móc dẫu được hay không. Cũng nhờ vào niềm tin tín ngưỡng này mà họ biết “làm lành lánh dữ”, biết hướng thiện trong cái hỗn mang tranh đoạt dữ dội mà cuộc sống của họ đang trầm luân trong đó. Cái kết quả nếu có chỉ là sự thu lượm những may rủi, hên xui theo vận số mà thôi.

Ðấy chỉ là sự phân biệt cái khác nhau trên thực thể của hành động qua cái niềm tin tín ngưỡng.

Còn cái khác hẳn ở con người tu hành là ở chỗ họ hiểu và sử dụng Lễ Bái như là một phương tiện tu tập bồi đắp cái đức tu của họ, qua đó họ tu tiến trong con đường học đạo, hành đạo và tu đạo nhằm đạt tới cái mục tiêu giải thoát ra khỏi quy luật luân hồi của con người là: “Sinh-Lão-Bệnh-Tử”, là được vào cõi Niết Bàn hay lên Thiên Ðường v.v… (theo cách gọi của từng Tôn giáo). Có nghĩa là mặc dầu họ có tin vào một Ðấng thiêng liêng tối thượng nào đi nữa thì người tu hành hiểu rõ ràng là không ai có thể giúp họ, ngoài việc tự họ phải dấn thân tu cải và thăng tiến chứ không mơ hồ trông cậy vào sự cầu xin “ơn mưa móc” nào cả. Kết quả của sự tu hành này là sự thụ thắng viên mãn hoàn tất một kiếp số là: Vượt thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, đoạn tuyệt với hồng trần và có thể có những người đạt được những đại nguyện tha độ chúng sinh đồng hoàn viên cõi cội.

Những chuyện bên lề về “Lễ”:

Ðể bổ xung cho phần viết về “Lễ”. Tôi xin sơ lược trình bày thứ tự các “lễ” dựa vào thời gian tính theo dòng lịch sử phát triển của loài người.

* Thời man khai: Thời kỳ này loài người còn “ăn lông ở lỗ”, tức: Ở thì ở trong các hang động, ăn thì ăn sống nuốt tươi, giống như các loại thú ăn thịt ngày nay một khi bắt được con mồi. Loài người thời kỳ này chưa khám phá ra lửa để nấu nướng thức ăn. Nhưng con người đã biết sống thành từng bầy, từng đàn. Kiểu sống như vậy dĩ nhiên có người già, người trẻ và tự nhiên hình thành người đứng đầu đàn hay đầu bầy, nắm giữ quyền chỉ huy điều khiển cả bầy, đàn. Mỗi khi kiếm được con mồi lẽ tự nhiên cảm xúc vui mừng được bộc lộ, cả bầy, đàn xúm quanh con mồi mà nhảy múa một cách tự nhiên (dĩ nhiên là không có đờn sáo và vũ điệu như ngày nay) trước khi cùng nhau chia sẻ chiến lợi phẩm. Hành động này riết rồi trở lên một thông tục trong sinh hoạt đời sống của bầy, đàn. Ngày tháng qua đi theo dòng lịch sử phát triển của loài người một cách tự nhiên nó trở thành một Lễ Hội ăn mừng mà bây giờ người ta gọi là Lễ mừng chiến thắng, mừng thắng lợi, mừng được mùa, v.v… và ngày càng được cải biến tăng trưởng bày đặt thành nhiều hình thái Lễ Nghi lớn, nhỏ tùy theo sở thích, điều kiện kinh tế mà thực hiện như câu: “Phú qúy sinh lễ nghĩa” là vậy. Ngay trong thời kỳ man khai này con người cũng còn nhiều thứ Lễ khác nữa, nhất là khi con người tìm ra lửa và biết ứng dụng lửa phục vụ cho đời sống của mình, ứng phó với thiên nhiên, ứng phó với các động vật khác có thân hình to lớn, có sức khỏe, sức mạnh hơn con người. Những thành quả do Lửa mang lại và cái sức mạnh của lửa đã giúp con người chiến thắng nhiều thứ, nhiều mặt trong cách đối phó với thiên nhiên, với muôn thú (hầu như mọi muôn thú đều sợ lửa). Trong khi đó cái tiềm thức tư duy của con người còn ở mức thấp về sự hiểu biết về nguyên nhân, tác động của những kết quả mà con người thu nhận được, thành ra họ chỉ còn biết sùng bái cái diệu năng của Lửa đã mang lại và ảnh hưởng tốt đến đời sống của họ. Niềm sùng bái ngày càng tăng trưởng theo tư duy phát triển của con người, riết rồi cũng thành một thông lệ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và cho tới tận ngày nay. Con người tuy đã đủ trí thông minh vượt xa ra ngoài tầm kiểm tỏa của Ðịa cầu về những cái gọi là phát minh khoa học. Tuy nhiên về mặt tư duy hay về mặt hình thức biểu tượng vẫn còn nằm trong tầm ảnh hưởng của lòng sùng bái đối với Lửa, nhất là về mặt tôn giáo dưới bất kể một hình thái tôn giáo nào thì Lửa vẫn là những vị Thần đáng kính và đáng sợ. Chính vì vậy mà con người luôn luôn bị khuất phục trước sức mạnh tàn phá của Lửa. Ðó là cái lý do tại sao chúng ta phải thờ Thần Lửa với những buổi Lễ vô cùng long trọng và tốn kém. Các bạn cứ nhìn vào các buổi lễ “Thế vận hội thế giới” với thông tục rước đón ngọn Ðuốc Thần xứ Hy Lạp hẳn đủ mang lại cho qúy bạn những cảm nhận thiêng liêng muôn thuở về “Lửa”. Ta cũng có thể nói rằng nếu không có sự hiện diện của “Lửa” thì con người hẳn không có “Lễ hội” vậy!
* Lễ gia Tiên (có nơi gọi là Lễ ông bà): Cũng chính vì có “Lửa” mà con người dần dần biết tích lũy thực phẩm (nhất là đối với thịt), Sự tích lũy ban khai chỉ có tính chất quần thể, sau dần dà do sự phát triển chênh lệch về trí, về lực mà tự nó hình thành cái thế người khôn kẻ dại, người mạnh kẻ yếu. Những yếu tố đó đưa đẩy con người nảy sinh ra ý niệm chiếm hữu ở cái thế lưỡng nghi tự nhiên tạo lưỡng cực. Người khôn đánh lừa kẻ dại, người mạnh bắt nạt người yếu và ngược lại kẻ dại sống bám vào người khôn, kẻ yếu sống nhờ vào người mạnh. Từ đó loài người biết tư hữu tài sản và tình cảm. Tính tham, sân, si thuận duyên gặp đất tốt mà đâm chồi nảy lộc tàn phá hủy hoại đức tính sống hợp quần bầy đàn của thuở ban khai. Đưa đẩy loài người chuyển hướng từ đời sống sinh hoạt quần thể (bầy đàn) thành sự sinh hoạt đời sống riêng tư của từng nhóm và sau đó mang tính huyết nhục trở thành từng nóc gia (tính gia đình), Trong đời sống gia đình thì ông bà cha mẹ là những lớp người dày dạn kinh nghiệm, có đủ uy quyền sai khiến lớp trẻ (con đàn cháu đống) trong mọi hình thức sinh hoạt thường nhật. Do vậy mà tạo lên một tập tục được lặp đi lặp lại từ đời này qua đời khác, những tích lũy suy đọng trong tình cảm, tâm hồn của con người mà hình thành niềm thương nhớ, tôn kính một khi những người đó qua đời và trở thành một tập tục “Giỗ Kỵ”, để kỷ niệm tưởng nhớ công sinh thành dưỡng dục như là một hình thức ghi nhớ công ơn vậy. Từ đó loài người hiển nhiên chấp nhận đơn vị gia cư (Cộng sản VN gọi là hộ khẩu) trong cộng đồng xã hội. Các buổi lễ lạc thuộc về đơn vị gia cư người ta gọi là “Giỗ Gia Tiên”, nhỏ từng nhà thì hình thức là một ban thờ có bài vị của những người đã khuất, nếu là một giòng họ (theo đơn vị gia trang, gia thôn, gia tộc) thì có Từ Ðường hay Tổ Ðình và ngày tháng cử “Lễ” thường lấy ngày mất (tử nhật) làm ngày Giỗ Lễ hàng năm và lưu truyền mãi mãi tới đời sau. Như hàng năm người Việt thường làm giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm) cũng mang tính chất này.
* Quốc Lễ: Sự phát triển phân hóa của loài người không dừng lại ở đơn vị gia cư, mà trôi theo tính ích kỷ tham lam, nó tiến thêm những bước đi khổng lồ trên con đường cưỡng đoạt nhau qua những hành động cực kỳ hung ác, bằng những cuộc chiến tranh ở những tầm vóc rộng lớn, chém giết sát hại nhau, nhằm tranh đoạt, thu phục tiền tài vật chất và sức lao động của những kẻ đồng loại. Loài người đã sa đọa hơn loài thú ở điểm này là giết hại lẫn nhau, trong khi ở loài thú ta thường thấy các thành ngữ nhắn dạy rằng: “Hổ dữ không ăn thịt con” hay câu: “Chó không gặm xương chó”. Bởi lòng tham đi đôi với sức mạnh, nó cần có sức mạnh hỗ trợ giúp nó đạt được cái ham muốn vì thế nó biết một mình nó không thể làm được điều đó, nên nó đi tìm một thế liên minh cùng trong đồng loại, nhất là những đồng loại thân cận yếu hơn nó thì bị nó thu phục hoặc áp chế. Thế liên minh lâu dài này qua năm tháng phai nhạt dần những cái riêng biệt xưa kia (khi mới khởi đầu liện minh) và tự nó đồng hóa lẫn nhau thành một cái riêng chung của khối liên minh đó. Cũng từ đó hình thành một khối lớn người ta gọi nó là một dân tộc (một dân tộc bao gồm nhiều sắc tộc). Dân tộc đó hùng cứ một vùng đất đai khá rộng và cũng do cái tham nó thúc đẩy mà nó trưởng thành theo những cái gọi là chiến thắng qua sự chém giết cưỡng đoạt thu phục những đồng loại mang một sắc thái khác ở những vùng đất khác bằng cái sức mạnh của vũ lực (tức Lửa, bởi chiến tranh được gọi là hỏa kiếp) cho đến khi nó vấp phải một lực lượng khác tương đương thế lực, hai bên không nuốt được nhau (ở thế lưỡng Hổ tương kình), thì đành phải hòa hoãn mà phân lập biên giới (được gọi là cương thổ). Thế là thế quốc gia được hình thành và những buổi “Lễ” do những thành phần cai trị cầm nắm quyền lực này đứng ra tổ chức bằng nguồn lợi tài nguyên chung của dân tộc thì được gọi là “Quốc Lễ”. Giữa Quốc Lễ và Gia Lễ về mặt ý nghĩa cũng tương tựa như nhau, sự khá biệt chỉ ở mức về tầm vóc hình thức, vật phẩm, số người tham dự và quyền lợi mà thành phần cai trị ban phát cho công dân mà thôi.
* Lễ hội tôn giáo: Sự phát triển của loài người càng lớn mạnh bao nhiêu thì những tai kiếp lại giáng xuống nhân loại cũng lớn bấy nhiêu. Theo lời lẽ của Tôn giáo thì những tai kiếp đó đều do sự mê muội, u minh phát xuất từ lòng tham sân si của con người mà tạo ra đến nỗi quá sức chịu đựng của con người. Sự cùng đinh cực khổ của kẻ yếu hèn, sự thiếu thỏa mãn quyền lực giàu sang của kẻ có sức mạnh, của kẻ chiến thắng, đã khiến họ cảm thấy không có chỗ nương tựa, họ cảm thấy trống hụt trong cái tâm vô minh của họ. Vì lẽ đó cả hai thái cực của đời sống con người đều lần mò đi tìm một quyền lực tối thượng để dựa dẫm và rồi hai ngả cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm, đó là sự hình thành của Tôn giáo. Tôn giáo nghiễm nhiên trở thành một điểm tựa chung về tinh thần cho cả hai giới cực (giàu – nghèo, sang-hèn) của xã hội được gọi là bất công. Từ đó tôn giáo đại diện cho một thế lực siêu nhân. Giới siêu nhân có một quyền năng vượt hơn mọi quyền năng vốn có của con người, một siêu quyền lực trong trí tưởng tượng của con người với một niềm tin cuồng tín hay một niềm tin mơ hồ đi nữa thì họ đều ít hay nhiều trong tâm họ vẫn mang một sự hãi sợ bị quyền lực đó phán xét nghiêm trị. Biểu hiện trong câu thành ngữ: “lưới trời tuy thưa mà không lọt” hay câu: “Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Quả báo nhãn tiền”, v.v… Cũng từ những cái tự nhiên đó mà loài người khắp trên trái đất tự nó sản sinh ra muôn vàn Tôn giáo khác nhau, biểu tượng cho những siêu nhân khác nhau, để họ thờ phụng, lễ bái, tôn sùng, riết rồi cũng trở thành một thứ tín ngưỡng riêng biệt như một sở hữu có tính dân tộc, mang tính quốc gia (như quốc giáo, dân tộc giáo). Tất cả các tôn giáo đều được con người tôn trọng vì nó mang trọng trách giáo huấn con người hướng thiện, an lạc nên được gọi là Ðạo (có tính hướng đạo cho lối sống của từng con người tìm một giải pháp thích ứng cho họ ra khỏi những khúc mắc trong đời sống mà họ đang gặp những trở ngại). Chính vì thế mà tùy từng tôn giáo có những nghi thức làm lễ riêng, nghi thức lễ lạc của tôn giáo có một tầm vóc lớn hơn bình diện của một quốc lễ (tính quốc gia) vì bởi thành phần tham gia (hội viên) có tính mở rộng và không phân biệt giai cấp, thành phần, xuất xứ, quốc gia. Nói một cách khác thì Tôn giáo không có biên thổ giới hạn gò bó. Lễ hội tôn giáo dần dần được củng cố và lớn mạnh vượt mực. Thế lực, quyền lực của tôn giáo ngự trị trên muôn loài, có khi còn ngự trị trên quyền lực của một quốc gia, của một dân tộc. Ta cứ nhìn vào lễ tang mới đây của một vị Giáo Hoàng. Giáo chủ Thiên chúa giáo ở Tòa thánh Vatican thuộc La Mã là đủ cho ta thấy niềm tin cùng sức mạnh của Tôn giáo lớn tới chừng nào và đáng kính nể ra sao!
* Mê tín dị đoan: Tôi không biết nguồn phát xuất của cụm từ “Mê tín dị đoan” có từ bao giờ. Nhưng từ khi có sự hiểu biết thì đã nghe thấy trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, người ta thường sử dụng cụm từ này để bài bác một số hình thức trong việc Lễ Bái, cúng giỗ của một số thành phần trong xã hội. Nhất là từ ngày Ðảng Cộng sản do ông Hồ chí Minh thành lập và làm lãnh tụ, nắm được chính quyền ở miền Bắc VN, thì với chiêu bài “Bài Phong đả Thực” (bài phong kiến, đả thực dân) triệt để. Thì cụm từ này được khai thác cũng hết sức triệt để. Sự triệt để của nó đến mức khiến mọi người dân sống dưới ách cai trị của Ðảng Bác, đều phải hãi sợ không dám thắp nén nhang cúng Tổ tiên, hay làm tang lễ khi gia đình có người từ giã cõi trần. Chùa chiền, nhà Thờ, Ðình miếu, Từ Ðường, bàn thờ trong tư gia bị dẹp bỏ, tịch thu dùng làm văn phòng, cơ sở sinh hoạt của chính quyền hoặc làm nhà kho v.v… các lễ hội bị cấm đoán dưới bất cứ hình thức nào. Ngoại trừ những lễ hội nhằm ca tụng công lao của Ðảng Bác do chính nhà cầm quyền độc quyền tổ chức và hành xử mà thôi. Hồi đó cụm từ “Mê tín dị đoan” nhằm chỉ trích những việc về lễ bái của dân chúng và của các tôn giáo, hay nói một cách khác là nhằm đả kích vào những tập tục lễ bái, thờ phụng có từ lâu đời trong dân gian nhằm xóa bỏ những “Thuần Phong Mỹ tục” của dân tôc mà Tổ Tiên ta đã để lại cho con cháu từ bao đời. Thay vào đó Ðảng Bác mưu đồ xây dựng một ý thức hệ mới: “Ý thức hệ cộng sản”, cộng sản hóa dân tộc Việt Nam để dễ bề cai trị và duy trì vị trí độc Ðảng cầm quyền. Nói ra như vậy nhằm giúp ta thấy rõ những cái hiểu biết hết sức sai lạc về cụm từ “Mê tín dị đoan”. Và ngay cả những kẻ tự hào là “Ðỉnh cao trí tuệ” kia cũng chẳng hiểu biết một chút gì về cụm từ mà chúng đem ra áp đặt bắt dân chúng phải nghe theo.

Vậy thì thế nào là “Mê tín dị đoan”? Tôi xin cùng qúy bạn, ta thử rà xét cái nghĩa căn bản của cụm từ này xem nó ra sao nhé! Trước hết xét về nghĩa của các từ:

- Mê: “Mê” nghịch nghĩa với “Tỉnh”, không Tỉnh tức là Mê. Hay ta gọi là thiếu sáng suốt, những người hành động mà không hiểu rõ ý nghĩa cái hành động của mình.

- Tín: “Tín” có nghĩa chỉ về Tín ngưỡng, Tôn giáo hay phong tục tập quán lâu đời trong dân gian, nó còn có nghĩa là niềm tin của con người vào một Ðức tin nào đó. Tức là niềm tin tưởng sâu đậm trong tâm thức của con người

- Dị: “Dị” có nghĩa là sự khác biệt, không giống như cái đã có sẵn từ trước.

- Ðoan: “Ðoan” có nghĩa là sự đúng đắn của một hành động trong xã hội, là sự đoan chính, là tư cách đứng đắn của con người. Nhưng những tập tục cổ xưa thường thiếu tính thuyết phục về tính hiểu biết của con người ngày nay, hay nói một cách khác là những tập tục đôi khi vẫn còn mang tải cái thiếu văn minh, thiếu tính tự do, dân chủ, hoặc giả còn mang tính chất bắt buộc người theo phải chấp nhận vô điều kiện những cái đã được định sẵn chẳng hạn. Cho nên thời đại ngày nay thường có quan niệm sai lệch về những tập tục, coi đó là những “dị đoan”, “tệ đoan” trong đời sống của xã hội văn minh.

Tóm lại toàn cụm từ “Mê tín dị đoan” ta có thể hiểu cái nghĩa như sau: Những hành động của những người có tín ngưỡng, có tôn giáo, có tập tục dân tộc song họ hành xử thiếu minh mẫn, sáng suốt (tức hành xử trong sự mê) đã làm sai lệch hoặc làm hư hỏng cái Chân thiện mỹ (cái hay cái đẹp) của tín ngưỡng, của tôn giáo, của tập tục dân tộc. Như vậy khi người ta nói ai đó “mê tín dị đoan” là có ý chê trách cái hành động của kẻ đó đã làm không đúng theo cái chính nghĩa của tín ngưỡng, của tôn giáo hay của những tập tục đã thường răn dạy, chứ không có cái ý chê trách về niềm tin của họ. Tỷ dụ như trong Tôn giáo cũng thường có những hiện tượng mê tín mà người đời còn gán cho cái danh từ là “cuồng tín” tức cường độ còn cao hơn cả sự mê Tín. Bởi muốn đạt tới mức “cuồng” thì phải qua giai đoạn “mê” “si” trước. Vì vậy khi hành xử việc Lễ bái trong bất kỳ hình thức nào, ta nên hành xử trong cái “sáng” chứ không hành xử trong cái “mê” thì ta không phạm vào cái cơ sự “Mê tín dị đoan” phải không qúy bạn?

Tuy nhiên nói cho cùng thì những người vô minh mà thực hành lễ bái một cách “mê tín dị đoan” cũng còn tốt hơn những kẻ vô thần không hề biết đến lễ bái là gì. Tại sao tôi lại nói như vậy? Là bởi vì những người sống trong vô minh của sự lễ bái. Họ ít nhất còn biết “sợ” mà đã biết “sợ” thì họ phải lo tránh những cái “sợ” đó để khỏi xảy ra với họ. Cho nên mới có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là vậy, có nghĩa là ít hay nhiều ở con người của họ còn có lương tâm biết tự phán xét, chất vấn những hành động mà họ muốn làm và sớm hay muộn gì họ cũng có cơ duyên được khai trí để trở thành những người sáng suốt, minh mẫn . Còn những kẻ vô thần thì đám này đâu còn biết trên có trời, dưới có đất. Chúng hành động vô lương tâm chỉ miễn sao thỏa mãn, đáp ứng cái “thú tính” đang đòi hỏi nơi chúng mà thôi. Ðám người này thật quả là mối đe dọa cho nhân loại vì chúng là hạng “mặt người mà dạ thú” hay là loại đã “bán linh hồn cho qủy sứ ma vương”. Những ai đã từng phải sống qua những giai đoạn lịch sử đen tối nhất trong cái chế độ cộng sản ở Trung Quốc, ở Việt Nam, hay ở Campuchia xứ Chùa Tháp hẳn hiểu rõ cái thực tế này. Loại người này khó mà có được cái cơ duyên để mà “cải tà quy chính” trong cái kiếp số hiện tại của nó.

Bài viết cũng khá dài, chỉ hy vọng nó mang tới cho qúy bạn một cái nhìn tổng thể về mối quan hệ cần thiết giữa việc “Lễ bái” với đời sống của con người. Qua đó ta có một cái nhìn, cái lối suy nghĩ đúng đắn về các nghi thức “Lễ bái” mà Tổ tiên của chúng ta đã lưu truyền lại, cũng như các hình thức Tôn giáo đang hiện hành hoạt động trong đời sống của muôn người, hầu giúp cho ta thăng tiến trên con đường làm người lương thiện, hữu ích cho gia đình và xã hội, cũng như cầu tiến trên con đường tu hành thành đạt viên mãn. Như các vị Tiền nhân thường dạy: “Phi lễ bất chính”. Trước khi ngừng bút xin tặng qúy bạn mấy câu thơ ngẫu hứng như sau:

Lễ kia có học mới hay

Lý thiêng thờ phụng tỏ bày tri ân

Cúi đầu bái lạy Tổ Tiên

Tu thân tích đức mới nên việc đời.

Mong lắm thay! Cảm tạ lòng Từ bi của qúy bạn, và những mong các bạn hỷ xả cho những sai sót khó lường tránh khỏi.

Nguồn www.quangduc.com

 

Các tin đã đăng:
Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch