Sách "MINH TÂM BỬU GIÁM" có bài Kệ như sau:
Lễ Phật giả, kỉnh Phật chi đức
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân
Khán kinh giả, minh Phật chi lý
Toạ Thiền giả, đăng Phật chi cảnh
Chứng ngộ giả, đắc Phật chi đạo
1. "LỄ PHẬT GIẢ, KÍNH PHẬT CHI ĐỨC" có nghĩa là lạy Phật, ta kính
trọng cái đức của Phật, Ân đức trọn lành là BI, TRÍ, TỊNH của đấng ĐẠI
GIÁC NGỘ, là tấm gương vô cùng cao quý, đáng cho chúng sanh lễ bái cúng
dường.
2. "NIỆM PHẬT GIẢ, CẢM PHẬT CHI ÂN": Niệm tưởng hồng danh ba Đời chư
Phật, là nhớ ơn cao dày, hoàn toàn bi mẫn, thương xót mọi người, mọi
loài mà các Ngài đã từng hy sinh thân mạng máu xương trong vô lượng
kiếp, bổ túc MƯỜI PHÁP BA LA MẬT tròn đủ, đã xã thân cầu đạo, mong cứu
độ quần sanh, ví như cha mẹ đêm ngày dãi nắng dầm mưa để tạo ra cơm, áo
tài sản cho các con được an vui sung sướng.
3. "KHÁN KINH GIẢ, MINH PHẬT CHI LÝ": Nghĩa là xem xét đọc tụng kinh,
để suy nghiệm cho hiểu biết nghĩa lý lời vàng, tiếng ngọc của đức Phật
đã giáo truyền, để thấy rõ thế nào là phải, thế nào là trái, đâu là nẻo
chánh, đường tà, thế nào là lành, thế nào là dữ, đâu là sự khổ, đâu là
nẻo vui, mà cố gắng hành theo cho được kết quả tốt đẹp.
4. "TOẠ THIỀN GIẢ, ĐĂNG PHẬT CHI CẢNH": Ngồi tham THIỀN, lắng lòng
trong sạch thanh tịnh chú tâm trong đề mục chỉ quán hay minh sát để đè
nén diệt trừ phiền não, trau giồi tâm cho sạch, sáng suốt, quán thấy vạn
vật là vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh.
5. "CHỨNG NGỘ GIẢ, ĐẮC PHẬT CHI ĐẠO": Mục đích của PHẬT GIÁO là
chuyển mê khai ngộ ly khổ đắc lạc. Vì mê lầm ngã chấp, cho vạn hữu là
của TA. Vợ ta, con ta, gia tài sự sản của ta, rồi bo bo giữ lấy, làm cho
tâm trí phải lo âu thống khổ. Khi tham thiền, quán tưởng, nhận thấy các
pháp hữu vi đều phải chịu dưới sự chi phối của định luật vô thường hằng
biến đổi, mà thức tỉnh cõi lòng để diệt trừ TAM ĐỘC là THAM SÂN và SI.
Tuy còn mang thân xác này, nhưng tâm trí được nhẹ nhàng minh mẫn,
sáng suốt không còn bị ô nhiễm đắm đuối theo mùi trần, không còn bị
phiền não lay động tâm, há chẳng phải là đạt đến cảnh giới NIẾT BÀN TỰ
TẠI của chư Phật rồi sao?
NGƯỜI CƯ SĨ CÓ THỜ HÌNH TƯỢNG PHẬT ĐƯỢC KHÔNG?
Thờ phụng ảnh tượng cũng chỉ là phương tiện lấy giả để tầm chân, mượn
cái có để nhắc nhở nội tâm đó thôi. Chứ thật ra tượng gỗ hay tượng đất
tượng đồng hay xi măng cốt sắt, hình giấy hay ảnh lụa cũng chỉ là những
vật liệu do con người cấu trúc kiến tạo ra, chứ đâu có phải đức Phật
ngồi đó?
Có điều, mượn hình thức giả tạm đó để nhắc nhở tâm, ví như ta treo
tấm gương để soi chiếu, để lau chùi rửa ráy mặt mình cho sạch sẽ gọi là
LÝ. Còn treo GƯƠNG để làm cảnh, để trang hoàng chưng diện cho đẹp, thì
chỉ là sự giả tướng mà thôi.
Có Sự mà không hiểu LÝ thì gọi là TÙ MÙ. Bằng chấp LÝ mà bỏ
SỰ (Phật tại Tâm) thì coi như khô khan thiếu sót (cũng được gọi là tu
què) vậy.
ĐEM HOA QUẢ, VẬT THỰC CÚNG DƯỜNG PHẬT ĐƯỢC KHÔNG?
Đặt trên bàn Phật vài nải chuối với ngũ quả. Năm bảy chén chè, vài
chục cái bánh v.v...để gọi là cúng Phật. Hoặc giả có người để đến ba bốn
ngày, đến đổi chè thiu chuối mốc, chư đức Phật có hưởng chút nào đâu?
Trái lại, ruồi lằn bu đậu, gián, chuột phá phách tiểu dãi trong đó,
rồi vô tình đem ăn, sinh bệnh hoạn không khéo lại than trời, trách Phật
nữa.
Đức Phật đã lên đường tịch diệt cách đấy hơn 25 thế kỷ mà còn ăn uống
nỗi gì? Vả lại nói một cách cho dễ hiểu. Ví như các vị chư thiên thấp
nhất của 26 từng trời là TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG. Chư vị ấy, vật thực tự
nhiên mà có do theo ý muốn, nhờ phước báu của sự bố thí theo hỗ trợ, chứ
đâu phải nấu nướng chiên xào, mắm muối tiêu ớt như của thế tục đâu?
Đem vật thực của chúng ta dùng đây, dù là cao lương mỹ vị, sơn hào
hải phẩm, dù cho ngon quý báu nhất cõi trần này, đem dâng cúng đến các
Ngài, thì chẳng khác nào trâu bò đem rơm cỏ là món ăn ngon nhất của
chúng cho loài người dùng có được không?
Vậy thì đức Phật là đấng Chí Tôn Chí Thánh, bậc đã đi đến nơi sáng
suốt trọn lành, Ngài đã vượt ra khỏi vòng TAM GIỚI rồi, mà chúng ta lại
đem dâng cúng đồ uế trược, phàm tục của chúng ta đến Ngài sao?
Vì cố chấp thủ cựu do sự bày đặt của người Trung Quốc mê tín nên
chúng ta cứ nhắm mắt làm theo với quan niệm "XƯA BÀY NAY LÀM, TRƯỚC SAO,
SAU VẬY" để cho NGOẠI ĐẠO chê cười là "ĐẠO PHẬT MÊ TÍN DỊ ĐOAN".
VẬY CÚNG PHẬT BẰNG GÌ, CHẢ LẼ THỜ KHÔNG VẬY SAO?
Cúng dường lên đức Phật bằng cách HÀNH ĐẠO là cao thượng
nhất. Tuy nhiên, đó là nói về Lý. Còn Sự để tỏ lòng thành kính
lên đấng CHÍ TÔN người Phật tử cũng có thể dùng hương, đèn, trầm, hoa
lên cúng Phật với đầy đủ Lý và Sự cũng được chấp thuận nhận là hiệp theo
lẽ Đạo.
Cúng dường hiệp theo lẽ Đạo có nghĩa là gì? Khi thắp đèn lên cho
sáng, ta quán niệm. Đây là ngọn đèn tuệ của ba đời chư Phật đã vẹt tan
màn bóng tối VÔ MINH đã che án chúng sanh trong vô lượng kiếp.
Đốt ba cây nhang là tượng trưng cho ba nén Hương Lòng "TÂM HƯƠNG" có
mùi thơm ngào ngạt, đó là hương Giới, hương Định và hương Tuệ hay còn
gọi là HƯƠNG TRÍ KIẾN và TRI KIẾN GIẢI THOÁT.
Dâng Hoa lên cúng Phật, chúng ta cũng quán niệm rằng "Hoa" này tốt
đẹp xinh tươi, nhưng rồi đây nó cũng sẽ úa tàn theo năm tháng
Cũng như thân ta, vóc huyễn giả tạm nay, rồi cũng sẽ già, đau và chết
như thế ấy.
Làm và quán niệm như thế để luôn luôn nhắc nhở tâm ta gọi là cúng
dường Sự và Lý đúng theo Lẽ Đạo. Đúng với lòng tôn kính, cao quý lên đức
THẾ TÔN.