Dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Trung Hoa,
nên việc lễ lạy, từ hình thức đến nội dung, từ lễ tổ tiên ông bà ở nhà cho đến
lễ lạy Trời, Phật, Thánh, Thần ở đình, chùa, lăng, miếu cũng đều bị ảnh hưởng
theo.
Hầu hết các tôn giáo đều có lễ lạy nhưng với nghi thức và ý nghĩa khác nhau. Với
Phật Giáo, ý nghĩa và cách thức lễ lạy khác với các đạo giáo khác. Đạo Phật bắt
nguồn từ Ấn Độ. Tại xứ này ngày xưa, dân chúng thường bày tỏ lòng tôn kính chân
thành đến một người nào đó họ ngưỡng mộ kính mến bằng cách quỳ xuống sát đất, đặt
trán mình lên chân của vị ấy. Đức Phật là vị Đạo Sư, là bậc giác ngộ được tôn
kính đặc biệt tại xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Lúc đức Phật còn tại thế, mỗi lần
nghe pháp hay thưa thỉnh việc gì, chư Tăng thường chắp tay lạy ba lạy rồi thưa
hỏi hay ngồi nghe pháp. Đức Phật mặc nhiên chấp nhận cung cách này như là một tục
lệ có từ lâu đời của xã hội Ấn Độ. Tuy vậy Ngài cũng không đặt thành nghi thức
lễ lạy mà để tùy tâm các đệ tử. Sau khi Phật Niết Bàn, hình thức lễ nghi và sự
tôn kính ấy vẫn được duy trì trong các hàng đệ tử của Ngài. Sự duy trì hình thức
ấy với mục đích là luôn luôn xem đức Phật như còn tại thế. Chư Tăng mỗi khi tụng
kinh ôn lại lời Ngài dạy, phải mặc áo cà sa tức áo mầu hoại sắc trang nghiêm, lạy
Phật ba lạy. Hàng đệ tử tại gia cũng theo quý chư Tăng lạy Phật như thế.
Tại sao lại lạy ba lạy mà không lạy hai lạy, bốn lạy hay năm lạy? Ba lạy chính
là lễ lạy ba ngôi quý báu tức Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng. Người đời thường xem
vàng, bạc, kim cương, hột xoàn, dollars, và danh lợi thế gian là quý báu. Nhưng
thực tế cho biết những thứ này không đem lại hạnh phúc chơn thực, không cứu được
con người thoát khỏi sinh lão bệnh tử. Nhưng với ba ngôi quý báu Tam Bảo: Phật,
Pháp, và Tăng có năng lực dẫn dắt con người thoát khỏi mọi phiền não và ra khỏi
sinh tử luân hồi.
Phật là Giác, là thức tỉnh ra khỏi giấc ngủ mê. Đức Phật là người đã giác ngộ
và giải thoát hoàn toàn. Ngài là một bậc đạo sư, một người chỉ lối dẫn đường
cho mọi chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi. Vì thế người Phật tử lạy cái lạy
đầu tiên là để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ và nhớ ơn Phật, cùng là thề nguyện
sẽ theo gương Ngài mà tu hành để về bến giác. Pháp là những lời Phật dạy các đệ
tử, sau đó được ghi bằng chữ, gọi là Kinh và Luật. Còn Luận là những lời bàn luận
của các vị Bồ tát, đệ tử của Phật để làm sáng tỏ thêm những lời Phật dạy. Vì thế
người Phật tử lạy cái lạy thứ hai là lạy Pháp bảo nhằm bày tỏ lòng thành kính,
biết ơn và tưởng nhớ đến những lời dạy của Phật, những lời dạy mà, nếu chúng ta
thực hành sẽ có công năng đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bến bờ giải thoát.
Tăng là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà xuất gia
đi tu, giữ đầy đủ giới luật của Phật đặt ra, với mục đích tu hành giải thoát
cho mình và cho tất cả chúng sinh. Vì thế cái lạy thứ ba là lạy Tăng Bảo, từ
các vị Thánh Tăng xuất thế đến các vị Tỳ Kheo trụ thế tu hành chân chính, đạo đức
trong sạch, và giới luật trang nghiêm, để tỏ lòng thành kính và biết ơn những vị
này đã sống đời sống lý tưởng, đã hy sinh gia đình tiền của và danh vọng, đã
xem tiền bạc châu báu như rắn độc, danh lợi như đôi dép rách, sắc đẹp như cạm bẫy,
ăn ngon mặc đẹp như xiềng xích trói buộc, để tình nguyện thay Phật dẫn dắt
chúng sinh trên đường đạo.
Ngoài ý nghĩa lễ lạy Phật, Pháp và Tăng nêu trên, ba cái lạy cũng còn mang ý
nghĩa lễ lạy ba ngôi qúy báu bên trong chúng ta và trong mỗi chúng sinh, vì
chúng sinh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt (Phật tánh), đồng một pháp
tánh từ bi và bình đẳng (Pháp tánh), và đồng một đức tánh thanh tịnh, hòa hợp
(Thanh tịnh tánh).
Về cung cách lạy cũng có nhiều thứ, Người Ấn Độ cũng như Trung Hoa có nhiều
cách lễ lạy khác nhau. Riêng Phật giáo Việt Nam thường lạy theo phương cách
"Ngũ thể đầu địa", tức là làm thế nào cho hai tay, hai chân và cái đầu
đụng mặt đất. Đây là một phương cách lạy tôn kính nhất trong tất cả các cung
cách lễ lạy. Khi lễ lạy, người Phật tử đứng ngay thẳng, hai chân khép sát vào
nhau, hai bàn tay chắp sát lại nhau cho khít theo thế hiệp chưởng (không phải
thế hình búp sen) tiêu biểu cho sự nhất tâm. Khi lạy Phật có người để hai tay
trước ngực lạy xuống. Cũng có người đưa hai tay lên trán rồi mới lạy xuống theo
phương cách ngũ thể đầu địa, tức là khi lạy phải quỳ xuống, ngửa hai bàn tay ra
như đang nâng hai chân Phật và cúi lưng xuống đặt trán mình lên trên hai lòng
bàn tay. Đối với phụ nữ, thường là quì thẳng lưng rồi lạy, chứ không đứng, vì
hình thể đặc biệt của phụ nữ, khác với nam giới nên thế đứng thẳng trông hơi lộ
liễu.
Trong đạo Phật bao giờ sự và lý cũng phải viên dung. Về sự thì như trên chúng
tôi đã trình bày. Chúng ta lạy Tam Bảo với tất cả thân tâm thành kính nhớ ơn,
thành kính nhớ ơn Phật, thành kính nhớ ơn Pháp, và thành kính nhớ ơn Tăng. Thế
còn cái tâm của chúng ta trong khi lạy phải như thế nào? Nghĩ ngợi gì? Tưởng nhớ
đến ai, đến cảnh gì, vật gì? Hay là để tâm không nghĩ ngợi, không cầu mong điều
gì? Để trả lời câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta hãy nhớ lại bài kệ "Quán
Tưởng" mà chúng ta thường tụng trước khi đảnh lễ:
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
Ngã thử đạo tràng như Đế Châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ.
Đã được dịch ra là:
Phật, chúng sinh tánh thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật hiện hào quang sáng ngời,
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thề nguyện quy y.
Như thế thì bản chất Phật và chúng sinh vốn là "không tịch" lặng lẽ,
tạm gọi là chân tâm. Chỉ từ khi bắt đầu khởi niệm, là bắt đầu bị cuốn vào dòng
vô minh, rồi thức mới hoạt động, mới suy nghĩ, mới phân biệt ra cái
"ta" (năng) và cái "không phải ta" (sở), mới nảy sinh ra
tình cảm yêu ghét, tạo nghiệp, trả quả, xoay chuyển trong vòng sinh tử không thấy
đường ra.
Phật thương xót chúng sinh mê muội "... trong trí bồ đề mà không thanh tịnh,
trong cảnh giải thoát mà sanh ràng buộc..." (Lời sám hối), mới dậy cho
chúng sinh tu hành để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đó bằng cách trì giới, tham
thiền, niệm Phật, trì chú, mục tiêu đều để giảm bớt sự hoành hành của con vượn
tâm, con ngựa ý, giảm bớt những thói quen chấp trước, phân biệt, yêu ghét, từ từ
đi tới định tâm. Khi tâm đã "định" thì trí huệ bát nhã mới có dịp hiển
lộ, mới được hưởng mùi vị cam lồ của Phật Pháp. Đó là điểm đặc biệt của đạo Phật.
Nếu chỉ dậy con người ăn hiền ở lành thì nhiều tôn giáo khác đã làm, đức Phật
thị hiện ra đời là dư, không có gì đặc biệt đáng được tôn là Đấng Đại Giác.
Chính là vì Ngài đã "nhận" được cái tánh "không tịch" và tự
mình dẫn đường cho chúng sinh trong suốt 49 năm, còn để lại kinh sách làm bản đồ
cho đời sau nương theo tu tập mà trở lại được cái tánh "không tịch" ấy.
Kẻ nội thù dìm ta trong dòng vô minh chính là cái tâm sinh diệt suy nghĩ liên
miên này. Cho nên nếu muốn báo đền ơn Phật, vâng lời Phật thì ít nhất là trong
khi lễ lạy phải tuân theo lời Phật dạy, không suy nghĩ gì cả, chỉ theo dõi hành
động mà thôi, lễ xuống thì chỉ biết là lễ xuống, đứng lên thì chỉ biết là đứng
lên, chắp tay thì chỉ biết là chắp tay, v..v... không có nghĩ đến bất cứ ai,
không tưởng nhớ đến bất cứ cái gì. Hễ một niệm tưởng dấy lên là ô nhiễm rồi, là
hết "không tịch" rồi, là từ "nhất niệm vô minh" trôi lăn
vào dòng vô minh miên viễn rồi.
Nói tóm lại, "Năng lễ, sở lễ tánh không tịch", nghĩa là người lạy và
đấng mình lạy, thể tánh đều vắng lặng bình đẳng. Thật tướng vạn pháp đều thể hiện
một cách bình đẳng, không phân biệt, không thấy có mình lạy và người để cho
mình lạy. Nếu khi lạy mà tâm còn vướng mắc một chút xíu mong cầu, hay một chút
tơ tưởng đến dòng họ tổ tiên, dù mỏng như một sợi tơ cũng không đúng phép. Tâm
phải ở trạng thái thanh tịnh vắng lặng. Phật giáo Việt Nam đã thực hiện phép lý lạy này từ
ngàn xưa, thiết tưởng không có phép nào đầy đủ ý nghĩa và hợp với lý Bát Nhã
hơn.
Tâm
Diệu
Tham
Chiếu:
Kinh
Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện
Phật
Học Phổ Thông, Khóa Thứ I
Nam Hải
Ký Quy Nội Pháp Truyện, Quyển 4
Đại
Đường Tây Vực Ký, Quyển 2