Lễ tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của lễ hội Phật
đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này
vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay
được duy trì trong hầu hết các cộng động Phật giáo khắp nơi như là một
cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật
đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn
2600 năm.
Nguồn gốc của lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sanh của Thái tử
Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam
và Bắc truyền đều ghi lại rằng khi hoàng hậu Ma-da đản sanh Thái tử, từ
trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới
xuống để tắm cho hoàng hậu và Thái tử. sự kiện này được ghi lại trong
kinh
Đại bổn (Trường Bộ II), kinh
Hy hữu vị tằng hữu pháp
(Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyện
Bổn Sanh (Nidānakatha)
[1].
Theo bộ
Đại sự (Mahāvastu), khi Thái tử ra đời, hai dòng nước
ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm
cho Thái tử
[2]. Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh
cũng ghi lại như trên
[3].
Riêng kinh Phổ diệu thì ghi lại rằng lúc ấy từ trên hư không có
chín con rồng phun nước xuống để tắm cho Thái tử[4]. Căn cứ
vào các tác phẩm này, các nghệ nhân Phật giáo đã mô tả lại cảnh đản sanh
của Thái tử với rồng phun nước trong nhiều tác phẩm điêu khắc tại Lộc
Uyển phía Bắc Ấn và Amarāvatī tại Nam Ấn. Một tác phẩm thuộc trường phái
Gandhara được lưu giữ tại bảo tàng Peshawar (Pakistan) mô tả cảnh hai
cung nữ đứng hầu bên Thái tử, bên trên có trời Đế Thích và Phạm Thiên
rưới nước từ cành hoa sen để tắm cho Thái tử, hai bên Thái tử lại có bốn
vị chư thiên đang cung kính chiêm ngưỡng.
Theo kinh Quá khứ hiện
tại nhân quả, khi Thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi
trời nâng Thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên
đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà
từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử[5].
Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên đối với sự kiện đản sanh của
Thái tử được mô tả trong bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau
trong mùa Phật đản, người Phật tử thường tôn trí tượng đản sanh trong
một bồn hay thau sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó
trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm
Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đức của đức Phật và bày tỏ niềm tôn kính sâu
xa đối với Ngài.
Tuy chưa thể xác định được thời điểm cụ thể của
sự xuất hiện lễ tắm Phật tại Ấn Độ, nhưng điều chắc chắn là lễ nghi này
vốn phát xuất từ Ấn Độ trước khi được lưu truyền đến các quốc gia Phật
giáo khác. Kinh Đại bảo tích có ghi lại chuyện công chúa Vimaladattā,
con gái của vua Ba-tư-nặc ở thành Xá-vệ cùng với năm trăm Bà-la-môn ra
khỏi thành, mang theo những lọ đựng đầy nước để dự lễ tắm tượng của một
vị trời. Đoàn người vừa ra khỏi cổng thành thì gặp một số vị Tỳ-kheo.
Các Bà-la-môn này cho rằng việc gặp đoàn Tỳ-kheo như thế là điềm chẳng
lành nên bàn nhau quay về. Nhưng khi ấy công chúa Vimaladattā bằng cung
cách từ ái và trí tuệ sắc sảo của mình đã giải thích cho các Bà-la-môn,
khiến họ khởi tâm kính tín đối với Phật pháp. Câu chuyện này cho thấy sự
tương hệ nào đó giữa lễ tắm Phật trong Phật giáo và lễ tắm tượng các vị
thần trong Bà-la-môn giáo. Từ xa xưa, tín đồ Ấn giáo xem sông Hằng như
một vị nữ thần linh thiêng và rằng nước của con sông này có khả năng rửa
sạch tội lỗi cho những ai có nhân duyên được tắm và cầu nguyện ngay
trong dòng sông ấy. Nhưng trong kinh Tự thuyết (Udāna) đức Phật đã khẳng
định rằng không có nước của sông nào có thể rửa sạch được tội lỗi và
làm cho con người ta được thanh tịnh, dù đó là sông Hằng hay sông
Già-da, mà chính sự thực hành pháp chân chính mới giúp cho con người
được tịnh hóa.
Tác phẩm Nam hải ký qui nội pháp truyện
của ngài Nghĩa Tịnh (635-713), người đã rời Trung Hoa vào năm 671 và sau
đó tu học tại Ấn Độ trong khoảng thời gian mười năm, là một trong những
sử liệu quý ghi lại chi tiết về những sinh hoạt tự viện và các qui chế
của Tăng đoàn Phật giáo đương thời tại Ấn Độ. Quyển thứ tư của tác
phẩm này có thuật lại cách thức tắm rửa các tôn tượng trong những tu
viện Phật giáo như sau: “Tại các tu viện ở những nước phía Tây (Ấn Độ và
Trung Á), vào buổi sáng diễn ra lễ tắm các tôn tượng, vị Thọ Sự
(Karmadāna - vị sư phụ trách) gióng kiền trùy, cho giăng lọng báu quanh
sân chùa, sắp những bình nước thơm thành hàng dọc theo điện Phật, sau đó
đặt tôn tượng bằng vàng hoặc bạc, đồng hay đá vào bồn bằng vàng hoặc
đồng, đá, hay gỗ. Trong khi các thiếu nữ tấu nhạc cúng dường, các vị sư
đem dầu thơm (làm từ chiên đàn, trầm hương) bôi khắp tượng rồi dùng nước
thơm rưới tắm tôn tượng. Sau khi tắm rửa tượng xong, các vị sư lấy vải
trắng sạch lau khô tượng rồi đem an trí lại trong điện Phật, dùng nhiều
loại hoa trang hoàng quanh tượng. Nghi thức này do chúng Tăng trong chùa
thực hiện theo sự hướng dẫn của vị Thọ Sự. Tại các liêu phòng trong tu
viện, mỗi ngày chư Tăng theo cách thức trên mà tắm rửa cẩn trọng những
tôn tượng trong phòng mình[6]… đối với những tượng đồng, dù
là nhỏ hay lớn, đều lấy tro mịn hay bột gạch để lau cho bóng, dùng nước
sạch để tắm rửa cho đến khi tượng đẹp và trong như gương. Đối với tượng
lớn, đại chúng trong tu viện cùng nhau lau tắm tượng trong mỗi nửa tháng
hay mỗi tháng; còn với tượng nhỏ, nếu có thể, thì mỗi vị lau tắm mỗi
ngày. Làm được như thế thì ít hoang phí, mà lại nhiều phước đức. Nếu lấy
hai ngón tay thấm vào nước vừa được dùng để tắm tượng mà nhỏ lên đầu,
thì đó gọi là nước cát tường. ”[7]
Tại Trung Hoa,
sách Ngô thư là một trong những tư liệu đầu tiên nói đến lễ
tắm Phật vào thời Tam quốc. Đến TK IV, Thạch Lặc (trị vì 319-333) của
nhà Hậu Triệu đã tổ chức lễ tắm Phật. Phần tiểu sử ngài Phật Đồ Trừng
trong Cao tăng truyện có ghi lại rằng Thạch Lặc thường gởi con
mình vào các tu viện nhờ các nhà sư nuôi dưỡng và dạy dỗ. Mỗi khi đến
ngày mồng tám tháng tư, đích thân Thạch Lặc đến tu viện dự lễ tắm Phật
để cầu phước báu cho con mình[8]. Phật tổ thống kỉ
cũng ghi rằng ngày mồng tám tháng tư năm thứ sáu niên hiệu Đại Minh
(462), vua Hiếu Võ Đế thiết lễ tắm Phật và lễ cúng dường chư Tăng ngay
trong hoàng cung[9]. Như thế, đến thời Nam Bắc Triều, lễ tắm
Phật không những được tổ chức trong các tu viện Phật giáo mà ngay cả
trong hoàng cung. Do ảnh hưởng của sự khác biệt về quan điểm lịch sử của
các tông phái Phật giáo tại Ấn Độ về ngày tháng đản sanh của đức Phật[10]
và cũng do những tác động của xã hội và văn hóa Trung Hoa trong nhiều
giai đoạn khác nhau, nên ngày lễ tắm Phật tại quốc gia này được tổ chức
vào nhiều thời điểm trong các thời đại khác nhau. Dưới thời Nam Bắc
Triều (386-577), lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày mồng tám tháng tư. Từ
đời nhà Lương (502-557) cho đến đời nhà Liêu (916-1125), lễ này lại
được diễn ra vào ngày mồng tám tháng hai[11]. Song vào đời
nhà Tống (960-1279) lễ được tổ chức vào ngày mồng tám tháng chạp tại
miền Bắc, nhưng ở miền Nam thì là ngày mồng tám tháng tư. Sách Đông
kinh mộng hoa lục ghi lại lễ tắm Phật vào cuối đời Tống rằng vào
ngày mồng tám tháng tư cứ mỗi một trong số mười thiền viện lớn tại Lạc
Dương đều tổ chức lễ tắm Phật và cúng dường chư Tăng[12].
Nghi thức lễ tắm Phật cũng là một phần quan trọng trong bộ Bách
Trượng thanh quy, được áp dụng trong các thiền viện kể từ thời ngài
Bách Trượng (749-814). Trong các đời nhà Minh, Thanh, lễ tắm Phật đều
được tổ chức vào ngày mồng tám tháng tư. Trong số những bản kinh có ảnh
hưởng nhiều đến cách thức tổ chức và ý nghĩa của lễ tắm Phật tại Trung
Hoa, thì kinh Công đức tắm Phật là bản kinh được biết đến nhiều
nhất.
Kinh Công đức tắm Phật (Dục Phật công đức kinh,
T16n698) được ngài Nghĩa Tịnh dịch từ nguyên bản Phạn ngữ sang Hán ngữ
vào năm 710. Đây là một bản kinh ngắn và hiện thời chỉ còn lưu lại trong
đại tạng Trung Hoa. Nội dung của bản kinh này rất giống với kinh Công
đức tắm tượng (Phật thuyết dục tượng công đức kinh, T16n697) do
ngài Bảo Tư Duy (Manicintana?) đến từ Ấn Độ dịch vào năm 705. Riêng bài
kệ nói về lý duyên sinh trong kinh lại giống với bài kệ trong kinh Công
đức tạo tháp (Phật thuyết tạo tháp công đức kinh, T16n699) cũng do
một nhà sư Ấn Độ, ngài Địa-bà-ha-la (Divākara) dịch vào năm 680.
Kinh
Công đức tắm Phật được mở đầu với hai câu hỏi chính của Bồ-tát
Thanh Tịnh Huệ: 1. Do đâu mà chư Phật thành tựu sắc thân thanh tịnh, đầy
đủ tướng tốt? 2. Những chúng sanh sinh ra đời, gặp Phật và phát tâm
cúng dường thì được vô lượng công đức, còn sau khi đức Phật nhập diệt,
chúng sanh nên cúng dường gì, tạo công đức gì để mau chứng được vô
thượng Bồ-đề? Đức Phật dạy rằng Như Lai thành tựu sắc thân thanh tịnh là
do tu tập những diệu pháp cao thượng như Lục Độ, Tứ Vô Lượng Tâm, các
pháp vô uý, trí tuệ… Nếu đối với các bậc giác ngộ như thế mà dùng tâm
thanh tịnh để cúng dường hương, hoa… hoặc đối trước tôn tượng các Ngài
mà trang hoàng, nghiêm sức, dùng hương quý, nước thơm theo nghi thức mà
tắm tôn tượng, đánh trống thỉnh chuông, xưng tán công đức của Như Lai,
lại phát nguyện thù thắng, hồi hướng chứng đắc trí tuệ vô thượng, thì
hành giả sẽ được vô lượng vô biên công đức. Chư Phật vốn có ba thân là
pháp thân, thọ dụng thân và hóa thân. Vì thế sau khi đức Phật nhập diệt,
nếu muốn cúng dường ba thân này thì nên cúng dường xá-lợi. Song xá-lợi
lại có hai loại là thân cốt xá-lợi và pháp tụng xá-lợi. Trong bảy chúng
đệ tử Phật, như ai muốn tạo tượng Phật, nếu không đủ khả năng, dầu tạo
một pho tượng rất nhỏ, một ngôi tháp nhỏ để tôn thờ xá-lợi nhỏ như hạt
cải, hoặc lại có người chỉ chép một bài kệ tụng trong kinh rồi an trí
trong tháp thì cũng giống như đang dâng cúng một viên ngọc báu vào tháp,
tùy theo khả năng mà chí thành cung kính cúng dường như thế thì không
khác chi như đang cúng dường hiện thân của đức Phật. Những ai chí tâm
cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng sau: 1. thường
biết tàm quý; 2. phát khởi niềm tin thanh tịnh; 3. tâm ngay thẳng; 4.
được gần gũi bạn lành; 5; chứng huệ vô lậu; 6. thường gặp chư Phật; 7.
luôn hành trì chánh pháp; 8. làm đúng với lời nói; 9. tuỳ ý sanh vào
quốc độ chư Phật; 10. nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn
quý, được người khác tôn kính, khởi tâm hoan hỷ; 11. nếu sanh trong nhân
gian thì tự nhiên biết niệm Phật; 12. không bị ma quân gây tổn hại; 13.
hay hộ trì chánh pháp trong thời mạt pháp; 14. được chư Phật trong mười
phương gia hộ; 15. mau thành tựu được năm phần pháp thân. Sau khi giảng
dạy như thế, đức Phật liền nói kệ trùng tuyên lại nghĩa trên.
Phần
quan trọng thứ hai của bản kinh là lời giải đáp của đức Phật cho Bồ-tát
Thanh Tịnh Huệ về cách thức tắm tượng Phật trong đời vị lai. Đức Phật
dạy rằng khi tắm tôn tượng nên dùng các loại hương thơm như ngưu đầu
chiên đàn, bạch đàn, tử đàn, trầm hương, uất kim hương, long não, xạ
hương… pha vào nước sạch, đựng trong bình sạch. Chọn một nơi thanh tịnh,
đẹp đẽ thiết lập đàn tràng, hoặc vuông hay tròn, kích thước xứng hợp,
trên đàn đặt một bệ tắm, ở giữa bệ này tôn trí tượng Phật. Khi tắm tượng
thì dùng nước nóng thơm, trong sạch rưới từ trên xuống, sau đó tiếp
dùng nước tinh khiết để tắm lại. Nước dùng để tắm này phải được lọc cho
thật sạch để không làm tổn hại đến các vi trùng. Nếu lấy hai ngón tay
thấm vào nước vừa được dùng để tắm tượng rồi nhỏ lên đầu, thì nước này
được gọi là nước cát tường. Không được giẫm chân lên dòng nước tắm tượng
đang chảy trên đất sạch. Sau khi tắm tượng xong, dùng khăn mềm, mịn và
sạch lau khô tượng, xông các loại hương trầm thơm quanh tượng, rồi đặt
tượng về vị trí cũ trong điện Phật. Đức Phật còn dạy rằng, nhờ việc tắm
tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng,
sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác. Sau
khi an trí tượng về chỗ cũ, nên đối trước tượng dâng hương, chắp tay
thành kính tụng bài kệ sau:
“Con nay tắm gội chư Như Lai
Công
đức trang nghiêm tịnh trí đầy
Nguyện cho chúng sanh lìa năm trược
Mau
chứng Như Lai tịnh pháp thân
Giới, định, tuệ… năm phần hương báu
Tỏa
ngạt ngào trong khắp mười phương
Khói hương này xin hằng lan mãi
Phật
sự làm vô lượng vô biên
Nguyện khổ nạn ba đường bặt dứt
Nhiệt não
trừ, an trú thanh lương
Đồng phát tâm vô thượng Bồ-đề
Thoát biển
ái lên bờ đại giác.”[13]
Như thế nội dung chính
của bản kinh trên nói đến công đức của những việc xây tháp thờ xá-lợi và
tạo tượng Phật, cũng như nghi thức tắm Phật. Ngoài báo thân, đức Phật
còn có hai thân khác là pháp thân và ứng hóa thân. Do đó, dù Ngài đã thị
hiện nhập diệt tại thành Câu-thi-na, nhưng sự giao cảm của Ngài với
chúng sanh trong nhiều đời sau vẫn tiếp diễn bởi pháp thân Ngài siêu
việt cả không gian và thời gian. Đức Phật xuất hiện trong đời không phải
như một vị cứu tinh có đầy đủ uy quyền để ban ơn hay giáng họa, mà Ngài
là một người như bao nhiêu người khác, một chúng sanh như bao chúng
sanh khác. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài du hóa khắp miền bắc
Ấn với vai trò của một vị thầy tâm linh, rất bình dị và cũng rất thánh
thiện. Trong cương vị của một vị đạo sư, một đấng giác ngộ, Ngài đã trao
truyền những kinh nghiệm sống, tu tập và sự thể nghiệm hương vị giải
thoát cho hàng đệ tử mình và những ai hữu duyên. Trong đạo Phật, nhân tố
trọng tâm không phải là đức Phật mà là giáo pháp, đây chính là điểm
khác biệt giữa Phật giáo với các truyền thống tôn giáo khác. Pháp mà đức
Phật đã tuyên thuyết là vô giá, đó là phương tiện để đưa đến sự thanh
tịnh và an lạc viên mãn trong đời sống tâm linh, mà đức Phật và các bậc
thánh Tăng là những minh chứng rõ nét nhất. Giáo pháp của đức Phật do
vậy cũng có giá trị tương đương với xá-lợi của đức Phật. Như trong bản
kinh trên đã đề cập, người Phật tử tỏ lòng tôn kính và niệm ân đức Phật
qua việc xây tháp thờ xá lợi, tạo tôn tượng để thờ phụng, nhưng sự tôn
kính và báo ân như thế sẽ mang ý nghĩa chân chính và cao thượng hơn nếu
họ biết giữ gìn, hành trì và truyền bá chánh pháp.
Như đã trình
bày, nghi thức tắm tượng Phật được mô tả trong bản kinh trên là một
trong những nét sinh hoạt tự viện tại Ấn Độ mà ngài Nghĩa Tịnh đã ghi
lại trong ký sự của mình. Cách thức thực hành như thế không phải chỉ
thuần túy là một nghi thức truyền thống đơn thuần mà còn là một pháp môn
tu tập của chư Tăng Ni và người Phật tử. Báo thân của đức Phật đầy đủ
ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm Ngài thanh tịnh vô nhiễm
và nhu nhuyến, pháp thân Ngài thì bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh,
cho nên việc tắm Phật là một cơ hội để hành giả thực tập nếp sống chánh
niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến đức Phật, hay
nói cách khác, hướng đến sự viên mãn của đức hạnh và trí tuệ. Những dụng
công trên của mỗi người tham dự lễ sẽ là những yếu tố tối quan trọng để
họ tự chuyển, điều phục và thăng hoa tâm thức của mình. Trong biển sanh
tử chập chùng, do vô minh sai sử, nên chúng sanh tạo vô số oan nghiệp,
tâm thức luôn bị vẩn đục bởi những tố chất nhiễm ô của phiền não, tà
kiến. Do vậy, mỗi khi được tắm Phật, tâm họ được lắng đọng trong niềm
tôn kính thanh tịnh. Đó là cơ duyên hy hữu để mỗi người gội rửa thân
tâm, sám hối những lỗi lầm trong bao đời, để từ đây hướng đời mình đến
sự tịnh hóa ba nghiệp, từ bỏ những niềm vui tầm thường, mong manh thế
tục để tìm đến niềm an lạc đích thực của tâm hồn.
Nhưng điều độc
đáo ở đây là trong khung cảnh của buổi lễ thật trang nghiêm, thanh tịnh
đó, trong năng lực thành kính của đại chúng trong pháp hội, hành giả
phát khởi Bồ-đề tâm, đại bi tâm hướng về pháp giới chúng sanh với một
tâm hồn thanh khiết và thành kính. Đây chính là động lực có một sức mạnh
kỳ diệu để giúp hành giả an trú vào chân tâm của mình mà khởi lên đại
nguyện theo gương các bậc hiền nhân. Như thế, từ việc tắm tôn tượng
Phật, hành giả lại có nhân duyên lớn để gội rửa tâm thức của chính mình,
hầu trở về với Phật tánh thanh tịnh đang hiện hữu trong mình. Bàn về ý
nghĩa của việc tắm Phật, ngài Nghĩa Tịnh đã viết rằng: cội gốc của sự
tôn kính, không gì bằng tôn kính Tam bảo, tu tập quán tưởng, không gì
bằng quán tưởng Tứ đế, nhưng chân lý thì uyên áo mà phàm tâm thì vướng
phải nhiều ngoại duyên. Do vậy, nghi thức tắm rửa tôn tượng thật thiết
thực và thích hợp. Dầu đức Phật đã nhập diệt nhưng hình tượng Ngài vẫn
còn, nên phải đối với tượng khởi tâm kính thành như thể Ngài đang hiện
hữu. Hoặc có người mỗi ngày dùng hương hoa dâng cúng để khởi tâm thanh
tịnh, lại có người siêng năng tắm rửa tượng để tự gội rửa nghiệp chướng
hôn mê, dụng tâm thực hành như thế thì tự thân được lợi ích rất nhiều,
khó mà thấy biết được. Còn như khuyến hóa người khác thực hành theo thì
bản thân cũng được nhiều công đức và lợi ích[14].
Là
một lễ nghi có từ lâu đời và là phần thiết yếu của lễ hội Phật đản, lễ
tắm Phật xuất hiện rất phổ biến trong các nước Phật giáo Nam truyền và
Bắc truyền. Riêng tại Việt Nam lễ nghi này thường được tổ chức vào các
ngày khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày mồng tám tháng tư, trong dịp
lễ Phật đản mỗi năm. Đại việt sử ký toàn thư và Đại việt
sử lược đều ghi lại rằng vào ngày mồng tám tháng tư năm Nhâm Tý
(1072) vua Lý Nhân Tông đã dự xem lễ tắm Phật[15]. Cũng theo Đại việt sử
ký toàn thư, cứ mỗi tháng vào các ngày rằm, mồng một, và đặc biệt ngày
mồng tám tháng tư, nhà vua thường đến chùa Diên Hựu để làm lễ cầu phúc,
thiết nghi tắm Phật[16]. Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng nói đến
việc nhà vua tổ chức lễ cầu an và thiết nghi tắm Phật vào các ngày mồng
một và vào mùa xuân. Như thế, đủ để thấy dưới triều Lý, đặc biệt là dưới
thời vua Lý Nhân Tông, ngoài lễ Phật đản, lễ tắm Phật cũng được phổ
biến trong các sinh hoạt của Phật giáo. Lễ Phật đản cũng như lễ tắm Phật
ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật
giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian.
Điều này được ghi lại trong Lĩnh Nam trích quái như sau:
“Ngày mồng tám tháng tư, Man nương tự nhiên mà thác sinh lên trời, linh
xác gói chôn trong chùa. Nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng
năm cứ đến ngày này trai gái, già trẻ bốn phương tụ tập về chùa để vui
chơi, ca múa các trò đàn địch mãi thành tục lệ, gọi là “hội tắm Phật”,
đến nay lệ vẫn còn.”[17] Sự dung hòa giữa văn hóa Phật
giáo nói chung và lễ tắm Phật nói riêng trong xã hội Việt Nam thời xưa
đã được Lê Tắc ghi lại trong mục “Phong Tục”, phần nói về phong tục dân
gian của xã hội An Nam trong tác phẩm An nam chí lược như sau: “Mồng
tám tháng tư, mài trầm hương và bạch-đàn-hương, dầm nước tắm rửa tượng
Phật và dùng thứ bánh giầy mà cúng Phật. Tiết Đoan-Dương (mồng năm tháng
năm), làm cái nhà gác ở giữa sông, vua ngồi coi đua thuyền. Ngày
Trung-Nguyên, lập hội Vu-Lan-Bồn, để cúng tế, siêu độ cho người chết,
tốn hao bao nhiêu cũng không tiếc.”[18] Tác phẩm này cho
thấy một điều hết sức độc đáo là ngay từ thời Lý-Trần, việc dùng các
loại hương thơm dầm nước để tắm tượng Phật, đúng như cách thức được mô
tả trong kinh Công đức tắm Phật như trên đã được thực hiện phổ biến
trong dân gian. Điều đó cũng đủ cho thấy sự phổ biến của nghi thức này
trong các sinh hoạt văn hóa bản xứ.
Trải dài theo dòng lịch sử
dân tộc, ngày lễ Phật đản cùng nghi thức tắm Phật đã trở thành một nét
sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam. Đối với người Phật tử,
sự tôn kính, lòng nhiệt thành đối với đức Phật trên nền tảng của chánh
kiến mới thực sự mang lại cho họ một niềm tin trong sáng và sự an lạc
đích thực, lâu dài. Mỗi khi dâng một nén hương, một đóa hoa, một phẩm
vật lên đức Phật, hay khi rưới những dòng nước tinh khiết lên tôn tượng
của Ngài, đó chính là nhân duyên thù thắng để mỗi người quay về với
chính mình, hầu tự sách tấn, tự trang nghiêm cho bản thân bằng hương đức
hạnh, bằng hoa trí tuệ, và bằng nước nhẫn nhục, từ ái, tùy thuận thích
ứng với mọi nhân duyên, ngay cả chướng duyên để hướng đến một nếp sống
hướng thượng, tỉnh giác. Phải chăng chính những lúc đó, mỗi người đang
tự tắm Phật trong từng sát-na của đời mình?■
[1]. H.
Nakamura, Gotama Buddha, Tokyo: Kosei Publishing, 2000, p. 66.
[2].
S. Khosla, The Historical Evolution of the Buddha Legend, New
Delhi: Intellectual, p. 17.
[3]. Sđd.
[4]. T3n186, tr. 494a. Theo Thích
Ca phổ, chi tiết về chín con rồng này được ghi lại trong Đại thiện
quyền kinh, T50n2040, tr. 5b.
[5]. T3n189, tr.625a.
[6].
T54n2125, tr.226b.
[7]. Sđd.
[8]. Cao tăng truyện,
T50n2059, tr.384c.
[9]. T49n2035, tr. 346a.
[10]. Những quan điểm
dị biệt này đã được ngài Huyền Trang ghi lại trong Đại đường tây vức ký,
TT51n2087, tr.916b.
[11]. Tục cao tăng truyện, T50n2060,
tr.616a.
[12]. K. Chen, The Chinese Transformation of Buddhism,
Princeton: Princeton University Press, 1973, tr.265-266.
[13].
T16n698, tr. 800b-c.
[14]. T54n2125, tr. 226b.
[15]. Đại Việt
sử ký toàn thư, Hà Nội: Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, (bản điện
tử: Viện Việt Học, Westminster, 2001), tr. 109. Đại Việt sử lược,
TP.HCM: NXBTPHCM, (bản điện tử: Viện Việt Học, Westminster, 2001), tr.
53.
[16]. Đại Việt sử ký toàn thư, tr. 115.
[17]. Lê Mạnh
Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Huế: Nxb Thuận Hóa,
1999, tr. 144.
[18]. An Nam chí lược, Huế: Viện Đại học Huế,
(bản điện tử: Viện Việt Học, Westminster, 2001), tr. 16.