Văn hóa Phật Giáo
Chuyện ít người biết về Xá Lợi Phật
Thiền sư từ VN sang đất Ngô (Giao Hưởng)
06/02/2010 12:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rất đông tăng ni phật tử và các nhà báo từ TP.HCM tham gia đại lễ rước ngọc xá lợi Phật ra Bắc, được ban tổ chức mời về nghỉ ngơi tại khách sạn Hoa Lư ở thành phố Ninh Bình - cách chùa Bái Đính khoảng 16 cây số.

Mọi người tập trung tại phòng khách sáng 7.6 để uống trà và "tọa đàm" về những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử tiếp nhận và tôn thờ ngọc xá lợi Phật ở nước ta xưa nay. Trong các sự kiện ấy, đại lễ cung nghinh xá lợi lớn nhất thế kỷ 20 tại Sài Gòn được các vị lão tăng có mặt nhắc đến hết sức trân trọng.

Đó là đại lễ diễn ra cách đây đúng 56 năm, vào tháng 6.1953, với hàng nghìn tăng ni và đồng bào phật tử Sài Gòn tề tựu tại phi trường Tân Sơn Nhất đón ngọc xá lợi Phật đem từ Tích Lan (Sri Lanka) hiến cúng sang Việt Nam bởi hòa thượng Narada Maha Thera. Hòa thượng Narada xuất gia năm 18 tuổi, tốt nghiệp Đại học Tích Lan, là giáo sư giảng dạy triết học và đạo đức học, được kính trọng do công hạnh, đạo đức và kiến thức uyên bác về Phật học của ngài.

Một số tác phẩm của Narada như: Đời sống đức Phật, Khái luận về Vi diệu pháp, Tái sanh, Lý nhân quả, Hạnh phúc gia đình, sớm dịch sang tiếng Việt. Ngài xuống máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, trân trọng mang theo 3 viên xá lợi Phật (và 3 cây bồ đề) để hiến cúng cho ba nơi: chùa Giác Lâm, chùa Kỳ Viên và chùa

Chanta-rangsay. Lúc bấy giờ, chư tôn đức tăng ni Sài Gòn nồng nhiệt đến tận cầu thang máy bay đón tiếp ngài và cung nghinh xá lợi Phật lên chiếc kiệu hoa hình bát giác có mái che, mỗi cạnh dài một mét, rước đi trong tiếng niệm Phật trang nghiêm.

Một trong ba ngọc xá lợi đưa đến chùa Kỳ Viên (610 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM hiện nay), tôn trí lên tầng cao nhất của chánh điện. Đây là ngôi chùa đánh dấu việc thành lập Tổng hội Phật giáo nguyên thủy Việt Nam và Giáo hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam vào năm 1957. Chùa thuộc hệ phái Nam tông, xây từ năm 1947 và hiện nay (2009) đang vận động trùng tu lớn.

Viên ngọc thứ hai, theo dự định của ngài Narada, sẽ chuyển đến chùa Chanta-rangsay, nhưng sau thấy chùa ấy cũng thuộc Phật giáo nguyên thủy, nên Narada đã trao thân mẫu của vua Bảo Đại là bà Từ Cung. Vài năm sau, bà Từ Cung hiến cúng đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết (đang là hội chủ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam) và hòa thượng Thích Tịnh Khiết trao lại Hội Phật học Nam Việt đóng trụ sở tại chùa Xá Lợi (số 89 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3 hiện nay) tôn trí.

Chùa Xá Lợi xây năm 1956, đến tháng 5.1958 làm lễ lạc thành, đặt ngọc xá lợi Phật lên một vị trí khá đặc biệt ở chánh điện, nằm rất cao, chỗ trên cùng của vòm trang trí mỹ thuật trước tượng Phật Thích Ca. Ai vào thắp hương chiêm bái đều có thể ngước mắt lên cầu nguyện, vừa lễ lạy tượng Phật cũng là vừa lễ lạy xá lợi Phật. Cũng vì có thờ ngọc xá lợi Phật nên chùa mang tên Xá Lợi và đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử của TP.HCM cách đây chưa lâu.

msg-25443-9.jpg

Viên ngọc thứ ba cung nghinh về chùa Giác Lâm ngày 24.6.1953. Giác Lâm (số 118 đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM) là cổ tự có gần 300 năm tuổi (lập từ thế kỷ 18), nay là tổ đình của phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguyên, đang lưu giữ nhiều tài liệu cũng như tác phẩm quý liên quan đến lịch sử và kiến trúc mỹ thuật Phật giáo. Lúc đầu, ngọc xá lợi Phật đưa về gửi ở chùa Long Vân trong một tháp nhỏ bằng vàng, để đợi xây một tháp lớn trong khuôn viên Giác Lâm rồi mới đem về tôn trí sau. Người phác thảo đồ án xây tháp là kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, với bản vẽ hình lục giác 7 tầng, cao hơn 32m, mỗi tầng đều có mái ngói và cửa mở ra ngoài, trên cùng là đỉnh hình chóp, giữa đỉnh có một tòa sen đang nở, trên tòa sen đặt một bình tịnh thủy (nước cam lồ).


Xe hoa đón xá lợi Phật ở sân bay Nội Bài - Ảnh: G.H

Việc xây tháp bị ngưng lại đôi lần vì chiến cuộc cũng như tài chính chưa cho phép, nhưng rồi vẫn tiếp tục hoàn tất và khánh thành năm Giáp Tuất 1994 (tính ra từ lúc đặt viên đá đầu tiên năm 1970 đến khi hoàn mãn kéo dài 24 năm). Tháp có tên "Bảo tháp xá lợi" vì có thờ xá lợi Phật (còn gọi tháp "Ngũ gia tông phái" vì có thờ thêm linh vị của chư tôn hòa thượng, tổ sư tiền hiền quá vãng nữa). Trước tháp hiện nay có đặt tượng Quan Thế Âm khá lớn. Vào trong, phía bên trái trưng bày những hình ảnh về đại lễ cung nghinh xá lợi Phật vào tổ đình Giác Lâm.

Đến tầng 1 thấy thờ Phật A Di Đà là vị giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc, tiếp dẫn linh hồn những người mới chết về thế giới Tịnh Độ an vui. Tầng thứ 2 có tượng Thích Ca Mâu Ni, là đấng giáo chủ ở cõi Ta Bà mà chúng ta đang sống. Tầng thứ 3 có tượng Phật Dược sư lưu ly quang vương khá lớn, với 49 ngọn đèn luôn luôn đỏ. Tầng thứ 4 có tượng Chuẩn Đề với 18 tay, mỗi tay cầm một món pháp khí như chày kim cương, phướn như ý, kinh đại bát nhã, trông rất uy nghiêm.

Tầng thứ 5 thờ tượng Di Lặc là vị Phật sẽ xuất hiện tương lai dưới cội cây Long hoa, miệng tươi đỏ như màu hoa sen mới nở, lúc nào cũng hân hoan cười. Tầng thứ 6 thờ thêm một tượng Phật nữa. Tầng thứ 7 trống thoáng, phía trên nóc của tầng tháp cuối cùng này thấy có 6 con rồng thân màu vàng từ 6 góc của mái lục giác uốn mình phóng ra, mang theo 6 đường vân xanh dưới thân, cùng hướng đầu về chầu một bình lưu ly đựng ngọc xá lợi. Lên đến tầng thờ ngọc xá lợi Phật nhìn xuống, sẽ thấy Sài Gòn hiện ra dưới tầm mắt nhấp nhô những nhà cao tầng và những đợt sóng người như từ vô thủy đang về. Nghe chư tôn đức kể lại lễ cung nghinh và xây tháp xá lợi Phật ở Sài Gòn như thế, có phật tử hỏi:

- Vậy hai nguồn xá lợi, một nguồn do ngài Narada ở Sri Lanka hiến cúng về Sài Gòn trước đây, với nguồn do hòa thượng pháp sư Tịnh Giác ở Thái Lan hiến cúng về Hà Nội ngày nay, mỗi nguồn có quá trình lưu chuyển như thế nào trước khi được phát tâm đưa thờ ở Việt Nam?

Câu trả lời liên quan đến đoàn truyền giáo của vua A Dục thời xưa và đặc biệt đến những bí ẩn của một ngôi chùa trên vùng núi Bắc Việt Nam hiện vừa được các nhà khoa học nêu lên… (Còn tiếp)

Giao Hưởng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch