Điều
đó được biết qua bộ kinh uyên áo: Diệu pháp Liên hoa (Pháp Hoa). Đó
cũng là bộ kinh mà Bồ tát Thích Quảng Đức tụng toàn văn tại chùa Ấn
Quang suốt 7 ngày trước khi tự thiêu trên đường phố Sài Gòn. Trong thời
gian ấy, ngài đã nhịn đói, không ăn gì. Cố Hòa thượng Thích Thông Bửu
(tịch năm 2007 - là một trong những đệ tử thân cận của ngài) đã kể cách
đây bốn năm:
- Bồ tát ngã xuống mà tay vẫn còn bắt ấn tam muội và khi ngọn lửa trà
tỳ với sức nóng 4.000 độ đã tắt, trái tim của ngài vẫn không cháy, kết
lại thành một khối rắn chắc như ngọc, được đưa vào giữ trong tủ sắt của
chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Sài Gòn. Đến sau ngày 30.4.1975, vào
một dịp thích hợp, tủ sắt đã được mở ra và thấy quả tim bất diệt của
ngài vẫn nằm trong một cái hộp được niêm phong cẩn thận bởi những sợi
dây dẹp bằng đồng và được khằn theo đường hình chữ thập. Bên trên hộp
ghi rõ lệnh niêm phong của đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo nước ta,
với dòng chữ: “Nghiêm cấm không ai được mở khi chưa có lệnh”.
Cũng theo HT Thích Thông Bửu, sau này khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam
được thành lập, đã bàn bạc hết sức nghiêm túc về biện pháp bảo vệ quả
tim sao cho tốt nhất và đã đi đến quyết định gửi vào Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam bảo quản. Thủ tục ký kết việc gửi và nhận tiến hành lúc 11 giờ
trưa ngày 26.4.1991, với văn bản số 03/BB-TG. Theo tài liệu phổ biến
trước đông đảo đại biểu dự hội thảo về Bồ tát Thích Quảng Đức do Viện
Nghiên cứu Phật học Việt Nam mở tại TP.HCM năm 2005, thì những vị có
trọng trách trong việc gửi và nhận quả tim bất diệt ấy gồm:
Về bên gửi, có 3 vị đại diện cao nhất là: 1. HT Thích Thiện Hào, Phó
chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 2. HT
Thích Từ Nhơn, Phó trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 3. HT
Thích Giác Toàn, Ủy viên kiểm soát Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt
Nam.
Về bên nhận, có 6 vị đại diện: 1. Ông Trịnh Thanh Tùng, Vụ phó Vụ
Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2. Ông Bùi Văn Hàn, đại
diện Bộ Nội vụ. 3. Bà Trần Thị Kim Liên, kế toán Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam. 4. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Vụ phó Vụ Tôn giáo trung ương. 5. Ông Đỗ
Quốc Dân, Phó ban Tôn giáo TP.HCM. 6. Ông Phạm Văn Hùng, đại diện Bảo
tàng Cách mạng TP.HCM.
Như vậy, từ năm 1991 đến nay, quả tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn do
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu giữ. Đó là bảo vật quốc gia, là một dạng
xá lợi độc đáo của Việt Nam.
Trước kia, trong lịch sử nước ta đã có nhiều vị thiền sư để lại xá
lợi ghi trong sách cổ. Như thiền sư Vạn Hạnh mất năm 1018, bấy giờ vua
Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) cùng các đệ tử làm lễ hỏa táng và thâu nhiều xá
lợi để xây tháp thờ. Thiền sư Thiền Lão nghe vua Lý Thái Tông hỏi tu ở
chùa bao lâu rồi, liền đáp bằng hai câu thơ: “Giờ này, biết tháng
năm này. Còn xuân thu trước ai hay làm gì!” (Đản tri kim nhật
nguyệt. Thùy thức cựu xuân thu). Khi Thiền Lão mất, vua đã sai thu
linh cốt xây tháp cúng dường. Hai thiền sư Bảo Tánh và Minh Tâm mất năm
1034 (là năm rước xá lợi Phật vào kinh thành Thăng Long) đã cùng “nhập
hỏa quang tam muội, tự thiêu đốt thân mình, hài cốt còn lại đều biến
thành 7 báu, vua Thái Tông xuống chiếu xây tháp thờ xá lợi ấy”...
Tóm lại, ngọc xá lợi Phật đưa vào Việt Nam từ Trung Quốc, Thái Lan,
Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar), hoặc bất cứ quốc gia nào khác
cũng đều bắt nguồn từ ngọn lửa đại bi của lễ trà tỳ tại Ấn Độ cổ cách
đây hơn 2.500 năm. Và dầu đó là cốt xá lợi, hoặc nhục xá lợi, hoặc
toàn thân xá lợi, hoặc toái thân xá lợi đi nữa, thì mục đích của
việc chiêm bái tất cả các dạng ngọc xá lợi ấy cũng nhằm gieo hạt giống
tốt vào ruộng phước và tạo nhân duyên với Phật pháp về sau.
Đó là nghĩa thông thường. Còn về nghĩa thâm sâu, kinh Đại Bát nhã
Ba-la-mật nêu rõ: “Phật bảo với vị vua trên cõi trời rằng: Này
Kiều-thi-ca! Nếu ngọc xá lợi Phật chứa đầy cõi Diêm-phù-đề gom làm một
phần, lại có người viết kinh Bát nhã Ba-la-mật để riêng một phần, thì
trong hai phần ấy, ông lấy phần nào? Vua Kiều-thi-ca trả lời: Bạch đức
Thế Tôn! Nếu xá lợi Phật đầy cõi Diêm-phù-đề làm một phần, kinh Bát nhã
Ba-la-mật làm một phần, trong hai phần ấy con thà lấy phần kinh Bát nhã
Ba-la-mật, vì sao? Bạch đức Thế Tôn! Con đối với ngọc xá lợi Phật chẳng
phải không cung kính, chẳng phải không tôn trọng, song vì tất cả xá lợi
của chư Phật xét đến tận cùng đều từ trong Bát nhã Ba-la-mật sinh ra,
đều nhờ huân tu Bát nhã Ba-la-mật mà có sau lễ trà tỳ, vì thế xá lợi ấy
mới được cúng dường, cung kính, tôn trọng và tán thán như vậy”.
Trong tinh thần đó, một vị Hòa thượng có mặt trên chùa Bái Đính trong
đại lễ đã khai thị:
- Cạnh việc cung nghinh và chiêm bái ngọc xá lợi Phật và xá lợi Thánh
tăng về hai chùa Quán Sứ và Bái Đính mấy ngày nay, phật tử chúng ta còn
nên biết rằng cần phải hằng ngày cung nghinh một thứ xá lợi rất vi
diệu, không có hình tướng, không có màu sắc, nhưng hết sức diệu dụng và
thù thắng, đó là Pháp thân xá lợi, bao gồm những điều Phật dạy
và ghi lại trong kinh sách như kinh Đại Bát nhã Ba-la-mật-đa.
Loại Pháp thân xá lợi vừa nói luôn luôn hiện hữu quanh ta, và đặc biệt
trong khoảng thời gian nào của buổi sớm, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối
lúc nào cũng có, tương tự như không khí đang lưu chuyển và nuôi dưỡng
sự sống của chúng ta. Thật vậy, không khí không có tướng trạng, không
hình thể, không màu sắc, nhưng lúc nào nơi nào chúng ta cũng cần đến và
nếu thiếu đi thì chúng ta sẽ chết, như Phật pháp dạy: Một hơi thở
ra. Không hít vào được. Một đời sẽ dứt. Chớp mắt thành ma...
Giao Hưởng ( Thanh Niên)