Nội dung
Chúng ta cần hiểu về cái Chết để
biết Sống, ngược lại ta phải thông suốt về sự Sống, để hiểu về cái Chết. Chết
không phải là sự cáo chung của cuộc đời, nó chỉ là sự gián đoạn của một dòng chảy.
Cái Chết giống như là một bến đổ, một trạm dừng, một nơi chúng ta xuống tàu để
chuẩn bị cho một chuyến đi khác.
Nói thế không phải để làm giảm ý
nghĩa của vấn đề sinh tử. Chúng ta đã sống như thế nào, nói cách khác đi là sự
chọn lựa chuyến tàu để chúng ta bước chân lên, sẽ quyết định tâm trạng của
chúng ta khi tới bến, sẽ là hành trang cho chuyến đi sắp tới của chúng ta. Có
thể chúng ta đã chọn một con tàu bẩn thĩu, cũ kỷ, thay vì một con tàu sạch
bóng, tối tân. Có thể chúng ta đã chọn một chuyến tàu đầy thú vui cám dỗ, với
các cô gái nhảy, các trò chơi, với bao mời mọc của tiến tài và danh vọng. Chúng
ta sẽ đau khổ biết bao khi phải rời chuyến tàu đó, nếu như ta đã bị dính mắc
vào các thú vui hưởng thụ sắc dục. Mặt khác có thể chúng ta đã chọn một chuyến
tàu chở ta qua bao nhiêu cảnh thiên nhiên đẹp đẻ bên đường, một chuyến tàu mà
khi đổ bến, chúng ta khoan khoái đứng dậy từ giã nó không quyến luyến.
Đừng dính mắc
Chỉ có thân xác, cái áo che cho tâm
thức chúng ta khi sống ở đời, là bị hủy hoại. Tâm thức ta không hề bị hủy
hoại.
Làm sao không buồn khi chúng ta
phải mất đi những gì mình yêu thích ở cõi đời. Khi người thân ta mất, hãy
thương xót, nhưng đừng để những đau khổ về sự mất mát kéo dài đến suốt cuộc
đời. Quá đau khổ là u mê. Vì sự mất mát, cái chết là điều không thể tránh khỏi.
Vì thế, ở nhiều tôn giáo, nhiều tập quán văn hóa đã đề ra thời gian dành cho
tang chế. Thí dụ, người Do Thái tỏ lòng thương tiếc người chết bằng cách ở
trong nhà suốt bảy ngày, họ không ra đường trừ khi có việc khẩn cấp. Họ không
cạo râu, không cắt tóc hay mặc đồ mới. Họ còn không được ngồi trên ghế hay mang
giày. Trong bảy ngày này, họ chiêm nghiệm về sựi đau khổ của mình.
Chúng ta đau khổ vì sự ra đi của
người thân và lo sợ cho chính cái chết của mình. Kiếp con người là một vòng
luân hồi của đến và đi, của sinh và tử. Sự mất mát thân xác không phải là tất
cả. Tâm vẫn tồn tại, vì thế đau khổ kéo dài quá hạn định là u mê. Nếu ta quá
coi trọng sự mất mát, thì cái chết là một nỗi ám ảnh lớn lao, khủng khiếp đối
với ta. Vì ta nghĩ cái Chết là sự tận cùng của tất cả. Là nỗi khổ đau khôn tả.
Nhưng nếu chúng ta biết buông bỏ những gì đã qua, đã mất, dầu đó là của cải vật
chất, hay thân bằng, quyến thuộc, và chỉ chú trọng vào sự trường tồn của Tâm
thức thì cái Chết không còn đáng sợ nữa. Đó chỉ là một ngã rẻ, một sự thay áo.
Hãy thương xót, nhưng chớ kéo dài quá lâu nỗi đau khổ.Lời khuyên này có thể áp
dụng cho tất cả mọi thứ mất mát khác: tình yêu, hạnh phúc gia đình, công việc
làm, bạn bè, nhà cửa... Hãy đau khổ, nhưng rồi bước tới.
Sợ chết, nổi đau khổ vì chết chóc
gây ra do ta bám víu vào những thứ bên ngoài chúng ta như thân xác, danh vọng.
Ta luôn tìm cách sở hữu của cải, tình cảm... trong đời như một cách để phủ nhận
cái Chết, để trốn tránh phải đối mặt với thực tại là cuộc đời này chỉ tạm bợ.
Sự dính mắc, cái ý nghỉ là chúng ta không thể sống thiếu những thứ đó càng làm
cho cái Chết trở nên thêm khủng khiếp. Trong khi tính cách vô thường sẵn có
trong vạn vật, trong mọi tương quan tình cảm càng làm cho sự thay đổi, mất mát
là điều không thể tránh khỏi. Sự thay đổi, sự hủy hoại, mất mát... không làm
con người thức tỉnh, trái lại còn làm họ thêm sợ. Họ sợ sự mất mát của thân
xác, tư tưởng, của cải, tương quan tình cảm. Chìa khóa để giải thoát khỏi những
khổ đau này là buông bỏ mọi dính mắc.
Thuyết Tứ Diệu Đế của Đức Phật đã
dạy chúng ta rằng chính lòng ham muốn khiến chúng ta sợ hãi, khổ đau, người
không ham muốn sẽ không đau khổ, bớt sợ hãi.
Bám Víu Vào Ngoại Cảnh
Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được
huân tập là Hạnh phúc được đo lường bằng những của cải, những tương quan tình
cảm mà ta có thể sở hữu được. Nên khi vật chất bị đánh mất, liên hệ tình cảm
thay đổi, con người trở nên khổ đau. Chúng ta đã gắn chặt mình với những hình
ảnh, tình cảm nào đó, nên chúng ta đau khổ khi mất chúng. Chúng ta nghĩ thân
xác này là “ta” nên ta đau đớn khi nó bịnh hoạn, già nua hoặc khi nhìn người
khác bịnh hoạn, già nua, chúng ta cũng thấy đau khổ.
Đau khổ là dấu hiệu của sự mất
thăng bằng trong đời sống. Sự đau khổ khi mất mát của cải vật chất, thay đổi
tình cảm, hư hoại cơ thể, nói với ta điều gì? Có thể đơn giản đó là bản chất
của cuộc đời. Chúng ta có mặt ở cõi đời, đấu tranh, giành giựt để đạt được
những gì ta nghĩ là ta cần có, và đau khổ trên con đường tìm kiếm chúng. Hết
chuyện. Nhưng thật vô nghĩa nếu cuộc đời chỉ có thế. Nếu bạn cảm thấy đau ở
chân, cái đau báo cho bạn biết chân bạn bị nhiễm trùng, bạn có chỉ rùng vai rồi
nói: "Ồ, đời là vậy mà. Có chân, thì phải đau". Nếu thế, sự nhiễm
trùng sẽ lan tràn cơ thể, làm chúng ta mất mạng sống. Như thế thật vô lý. Con
người sẽ biết cái đau đã báo hiệu một bộ phận nào đó bị thương tổn, cần được
chữa trị. Con người sẽ biết cái đau là một vấn đề cần được giải quyết. Cũng
thế, những đau khổ trong cuộc đời có lẽ là dấu hiệu cảnh báo với chúng ta rằng
cách chúng ta cảm nhận về của cải vật chất, liên hệ tình cảm, tư duy, thân...
không đúng.
Chúng ta bị lệ thuộc vào của cải
vật chất, con người, tình cảm, thân thể. Chúng ta tưởng chúng chính là ta, và
bám víu vào chúng. Khi chúng bị hư hoại, hay mất mát, chúng ta cảm thấy đau
khổ. Chính sự bám víu này, cùng với u mê, là nguyên do đưa đến sự sợ chết. Càng
bám víu, ta càng sợ chết. Ai biết buông xả -biết rằng không có gì thuộc về
mình, biết rằng thân chúng ta chỉ là một phương tiện- người ấy được gỉải thóat
khỏi sự sợ hãi.
Thế nào là sự bám víu hay đồng hóa
ta với điều gì đó? Bám víu có nghĩa là chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần có điều
gì đó để hiện hữu. Đó là sự chấp ngã. Nói cách khác là ta nghĩ, "Tôi là
người quan trọng, nên tôi cần có chiếc xe này. Chiếc xe này là của tôi, làm chủ
chiếc xe này chứng tỏ là tôi giàu có, thành công ở đời, chiếc xe này giúp tôi
xác định bản ngã của mình". Hay "Tôi cần người phụ nữ/người đàn ông
này ở bên tôi. Không có người đó, tôi sẽ không thể có hạnh phúc với ai khác.
Nếu người đó bỏ tôi, tôi sẽ chết mất, cuộc đời tôi sẽ mất hết ý nghĩa".
Người ta còn bám víu vào cả một tư duy nào đó. Thí dụ, trong văn hóa Mỹ, từ nhỏ
người ta đã giáo dục con cái là phải có thứ này, thứ kia mới là có một cuộc
sống xứng đáng, một cuộc sống thành công. Mẫu cuộc đời đó là sinh ra, lớn lên
có một gia đình hạnh phúc, sống trong những ngôi nhà gạch trắng, bao bọc bởi
những vòng rào bằng hoa, có những đứa con thành đạt. Ước vọng của mọi người là
làm sao để tậu được những căn nhà rộng lớn, có được hai chiếc xe, có được căn
nhà thứ hai, thứ ba ở những nơi nghỉ dưỡng (resort), và được hưu trí sớm. Những
ước vọng này đã được xã hội mớm cho họ, gầy mầm trong họ, và khi họ không đạt
được những điều này, họ trở nên rất khốn khổ. Họ nghỉ là cuộc đời đã bạc đãi họ.
Đó là do chúng ta đã đồng hóa mình
với ngoại vật. Ta đã tự vẽ ra mình, tự đồng hóa mình với những mẫu người sống
trong các ngôi nhà sạch sẻ, sang trọng và có một cuộc sống hoàn hảo. Ta nghĩ đó
mới chính là ta. Nhưng sự thật không phải thế. Đừng bám víu vào các hình ảnh
này. Hãy sống như cuộc đời dẩn dắt, đưa đẩy chúng ta với những thăng trầm của
nó.
Cũng thế, khi sân si, chúng ta
nghĩ, "Tôi giận". Nói rằng, "Tôi giận" là tự đồng hóa mình
với tình cảm giận, là nghĩ rằng tình cảm đó là chúng ta. Tình cảm không phải là
chúng ta. Là con người, chúng ta có khả năng giận dữ, có cảm thọ giận nhưng tất
cả các cảm thọ đó không phải là chúng ta.
Cũng thế, thân chúng ta không phải
là chúng ta. Chúng ta có thân. Chúng chỉ là phương tiện. Ta nói: “Tôi cao thước
sáu. Tóc đen. Da trắng". Nhưng đó không phải là chúng ta. Vậy mà có ai chê
gì về dáng vẻ bề ngoài của ta, thì ta thấy đau khổ. Chúng ta hỏang sợ khi nhận
ra cơ thể của chúng ta trở nên già nua, chậm chạp. Hầu hết chúng ta đều bám víu
vào thân, đồng hóa thân này với ta. Do đó ta trở nên sợ hãi khi nghĩ đến mất
thân, tức là mất đi cá thể và sự hiện hữu của mình. Bao giờ còn chưa thức tỉnh,
chúng ta còn sợ hãi cái chết. Chúng ta còn là nô lệ của sự sợ hãi.
Cũng thế, ai càng bám víu vào của
cải vật chất, nhà cửa, quần áo, nữ trang, tiến bạc, người đó càng sợ mất chúng.
Vì họ tự đồng hóa với chúng, nghĩ rằng chúng mang đến cho họ sự hãnh diện, ý
nghỉa trong cuộc sống. Lại có người bám víu vào người khác. Họ đồng hóa tình
cảm gắn bó với họ. Họ sợ cái chết sẽ cướp mất đi tình cảm đó. Họ sợ cái chết
của người họ thương cũng vì lý do đó.
Để giải thóat khỏi những khổ đau,
ta đừng bám víu vào thân, của cái vật chất hay người khác. Ta cần phải nhớ rõ
điều này. Việc giảm bớt dần, rồi đi đến chổ dứt bỏ hẳn những bám víu đó, không
có nghĩa là chúng ta phải quay lưng lại với cuộc đời, từ bỏ hết những niềm vui
trong cuộc sống, làm cho cuộc đời chúng ta nghèo nàn, mất ý nghĩa sống. Trái
lại là khác. Khi không vướng mắc, bám víu vào thứ gì, cuộc đời ta sẽ thêm ý
nghĩa, sẽ hạnh phúc hơn. Ta sẽ biết cho, biết nhận và cởi mở hơn với tất cả.
Bám víu có nghĩa là nắm chặt, giử lấy, không buông thả. Nên khi cái Chết đến,
tất cả những sự nắm giữ sẽ bị dằn ra khỏi tay ta. Càng nắm chặt, sự giằng co,
xé rời càng dữ dội. Nổi đau càng bội phần. Nếu chúng ta đi qua cuộc đời với hai
bàn tay mở rộng, không nắm giữ, thì dầu cái Chết có đến, chúng ta cũng sẽ ung
dung tự tại, không luyến tiếc, níu kéo gì.
Tuy nhiên, không phải tự dưng một
buổi sáng thức dậy là chúng ta có thể buông xả hết mọi vướng mắc. Cần phải tu
tập cả đời. Cần phải thức tỉnh từng giây phút mới làm được việc đó vì có biết
bao quyến rũ, cảm dổ trong cuộc đời để chúng ta lại rơi vào sự dính mắc.
Ngã Vào Đời
Chết có phải là sự tận cùng của
cuộc đời? Có phải tử thần là ma vương nấp trong bóng tối, rình mò để bất chợp
phủ chụp chúng ta không báo trước?
Theo triết lỷ Đông phương, Chết
không phải là sự tận cùng của đời sống. Cơ thể ta ngưng hoạt động, các duyên
hợp (trong không gian và thời gian) tan rã. Nhưng tâm thức không mất. Hiểu như
thế thì cái Chết không quá đen tối, khủng khiếp.
Cái Chết cũng tự nhiên như sự Sống,
cũng diệu kỳ và tốt đẹp như nhau. Tử cũng như Sinh đều dẫn đến sự sống, sự phát
triển.
Nhìn dứơi khía cạnh đó, con người
do duyên hợp (trong không gian và thời gian) vì một nhân duyên nào đó. Giống
như khi trồng trọt ngoài đồng. Phải đợi đúng lúc, đúng nơi để gieo mầm, cấy
hạt. Nhưng khi xong việc rồi, không có lý do gì để nấn ná ngoài ruộng. Rồi đến
giai đoạn chờ đợi cho hạt nẩy mầm, lớn lên. Lúc lúa đã chín, cây đã cao, ta lại
ra đồng vì một mục đích khác, ở một thời điểm khác. Cuộc đời con người cũng
thế. Chúng ta sinh ra để sửa soạn, phân bón cho một mảnh đất vào một thời điểm
nào đó, rồi lại ra đi, chờ khi đến mùa gặt hái lại trở về.
Người ta có thể nói về cuộc đời con người như một căn duyên, một năng lực, một
kết hợp của không gian, thời gian. Nguồn năng lực đó không thể bị hủy diệt, nó
chỉ có thể được luân chuyển. Con người đến ở một khỏang thời gian, không gian
nào đó, rồi lại ra đi, đến một nơi khác. Triết lý phương Đông cho rằng nghiệp
lực của con người dẩn dắt họ đi từ nơi này đến nơi khác, vì mục đích này hay
mục đích khác, trong khỏang thời gian này hay khoảng thời gian khác.
Dù ít, dù nhiều, Chết vẫn là mối đe dọa của chúng ta. Giây phút từ giã cuộc đời
là giây phút trọng đại, khi con người chiếu rọi lại tất cả những gì đã xảy ra
trong cuộc đời mình trong giây phút cuối: tất cả tình cảm, kỷ niệm, việc làm
của cả một đơi người được cô động lại, tạo thành một lực dẫn dắt ta đi. Năng
lực đó mạnh mẽ đến nỗi nó có thể tạo hình cho cuộc đời mới của ta. Chúng ta đã
sống như thế nào cho tới giờ trước khi ra đi rất quan trọng.
Thử so sánh cái chết và giấc ngủ. Suốt ngày ta làm gì sẽ tác động đến giấc ngủ
của ta. Nếu ta lên giường ngủ với bao hối tiếc, sợ hãi, bất mãn... thì giấc ngủ
của ta sẽ bất ổn, và chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng đến cả ngày hôm sau. Những
ước vọng chưa được thỏa mãn của ngày hôm trước sẽ ám ảnh ngày kế tiếp. Hay đúng
hơn một ngày mới đã bị đánh mất vì những hồi tưởng của ngày vừa qua.
Trái lại nếu ta đi vào giấc ngủ với
một tấm lòng thỏai mái, tự tại, thì ngày hôm sau sẽ là một ngày mới đón chờ
chúng ta. Hãy sống trọn vẹn cho ngày hôm nay và đừng vướng mắc. Ngày mai là
chuyện của ngày mai. Mỗi ngày có nhiệm vụ và mục đích riêng của nó.
Cũng vậy, con người đã sống một
cuộc đời như thế nào thì sẽ ảnh hưởng đến giây phút lâm chung của họ thế ấy.
Nếu cuộc đời một người chỉ toàn sống bằng sợ hãi, ám ảnh thì giây phút lâm
chung sự sợ hãi còn tăng gấp vạn lần. Một người đã sống cuộc sống vô lề lối,
thì cái chết cũng đến một cách vô lề lối. Một người không làm chủ đời mình,
sống không có mục đích thì cái chết cũng không thể lường trước được.
Trái lại, một người đã sống cuộc
đời nề nếp, kỷ luật, không bám víu vào gì, sẽ ra đi một cách thong thả. Như một
người khách biết đã đến lúc phải chia tay. Mục đích của cuộc đời họ đã đạt. Họ
thản nhiên ra đi, biết rằng thực tại ở bên trong họ vĩnh hằng, không hề bị ảnh
hưởng hay dao động bởi người khác, bởi vật chất của cuộc đời mà họ sắp giã
từ.
Sống hay Chết cũng nằm trên vòng
chuyển của bánh xe luân hồi. Hết vòng này lại đến vòng kia, nối tiếp nhau,
không ngừng...
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trich dịch từ SACRED JOURNEY:
LIVING PURPOSEFULLY AND DYING GRACEFULLY)
Từ Bức Thư Của Một Người “Bên Kia
Thế Giới” Đến Phương Pháp Chăm Sóc Người Lâm Chung - Minh Chi
Đối với đa số, cái chết thường được
quan niệm như một vách ngăn giữa hai thế giới: người mất–kẻ còn, hay cõi âm và
dương thế. Trong cái nhìn của đạo Phật, cái chết được xem là một phần tự nhiên
của cuộc sống. Trước sự ra đi của người thân, nhiều người thường rất đau buồn,
đôi khi quên đi những sự chăm sóc và giúp đở cho người đã khuất một cách thiết
thực và ý nghĩa. Nhân mùa Vu Lan–Báo hiếu PL.2546-2002, NSGN giới thiệu cùng
bạn đọc về lời của một người ở thế giới bên kia, nguyên giáo sư Đại Học Y Khoa
Geneve (Thụy Sĩ) với các con của ông, và vài gợi ý về phương pháp chăm sóc,
giúp đở người thân trong tình trạng đặc biệt: ốm đau nặng hoặc lâm
chung...
Bức thư của một người từ “bên kia
thế giới”
Bạn tôi, anh P.H.S (*) vừa từ Hà
Nội vào chiều hôm qua, chuyển cho tôi bức thư của bác sĩ Henry Becgivê, nguyên
giáo sư Trường Ðại học Y khoa Geneve (Thụy Sĩ). Ðó là một bức thư “đang làm xáo
trộn nhận thức của các nhà khoa học trên thế giới, và đang được lưu giữ cẩn
thận trong Viện Ðại học Y khoa Geneve, một tài liệu xác nhận đời sống bên kia
cái chết là có thật”.
Bác sĩ Becgivê, trước khi qua đời đã hứa với các con mình, là ông sẽ trở về và
nói lại cho các con ônc biết cuộc sống của ông ở bên kia cái chết như thế nào.
Tất nhiên, ông nói chuyện với các con thông qua một người trung gian. Những lời
nói của ông bằng tiếng Pháp được dịch ra như sau:
“Này các con! Chỉ khi nào buông
xuôi tay bước sang thế giới bên này, các con mới thật sự kinh nghiệm được tình
huống của mình tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau, thích hợp với cảnh giới
thanh cao tốt lành hay là xấu xa bất như ý.
Hơn bao giờ hết, điều cha học hỏi
nơi đây là một luận cứ khoa học, thật đơn giản mà thật huyền diệu. Nó chính là
những nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để
sống trong một cảnh giới mỹ lệ hay u buồn đều do những tần số rung động của
mình và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình và việc lựa chọn
nơi mà mình sẽ đến.
Khi còn sống, cha nghĩ rằng chết là
hết vì con người chỉ là những chất hữu cơ hợp lại. Nhưng hiện nay, cha biết
rằng mình đã lầm. Bất giác, cha nhớ lời Phật dạy: “Không có sống, không có
chết. Chẳng qua chỉ là sự thay đổi hình thái tồn tại mà thôi”. Cái chết chỉ đến
với phần thân xác, còn phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động
như thế từ thuở nào rồi, và sẽ còn hoạt động như thế mãi mãi. Hiển nhiên cá
nhân của cha không phải chỉ là thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh
tiếp tục hoạt động này. Do vậy, cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn
tất điều mà ngày xưa cha đã hứa.
Cha nghiệm rằng, sự sống giống như
một dòng nước tuôn chảy không ngừng, từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này
qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau, nó sẽ chịu
ảnh hưởng của những điều kiện khác nhau và tùy theo sự học hỏi hay kinh nghiệm
mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thật sự của nó. Cũng như sóng biển có
đợt cao đợt thấp, con người cũng có lúc thăng trầm, khi vinh quang, khi tủi
nhục. Nhưng nếu biết nhìn lại toàn bộ tiến trình của sự sống, thì kiếp người có
khác chi những làn sóng nhấp nhô trên mặt biển. Chỉ khi nào biết nhận thức về
bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý
thức được bản chất trường cửu của cuộc sống. Từ đó, các con mới cảm nhận được
rằng, chết chỉ là một diễn biến tất nhiên. Một sự kiện cần thiết có tính giai
đoạn, chứ không phải là sự kiện gì ghê gớm đáng sợ. Điều cần thiết là không
trốn tránh cái chết hay ghê sợ nó, mà phải bình tĩnh chuẩn bị cho hiện tượng
tất nhiên phải đến một cách thoải mái ung dung. Nếu khi còn sống, các con đã
đem hết khả năng phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài, thì
lúc lâm chung, các con chẳng có gì để luyến tiếc hay hổ thẹn với lương
tâm.
Trước khi từ biệt các con, cha muốn
nói thêm rằng, hiện nay cha đang sống một cách thoải mái vui vẻ và an lành chứ
không có gì khổ sở cả.
Thương các con.
Bác sĩ Henry Becgivê”.
Vài điều suy nghĩ
Chất thực của sự kiện này lộ rõ
trong lời lẽ chân tình của bức thư, một bức thư truyền khẩu qua người “trung
gian”. Còn chất trí tuệ cũng lộ rõ trong nội dung của bức thư: “Không có sống,
không có chết. Chẳng qua chỉ là sự thay đổi của hình thái tồn tại. Cái chết chỉ
đến với phần thân xác, còn phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt
động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn hoạt động như thế mãi mãi. Hiểr nhiên là
cá nhân của cha (tức bác sĩ Becgivê đã chết–M.C.chú) không phải chỉ là thể xác
đã bị hủy hoại kia, mà là phần tâm linh tíếp tục hoạt động này. Do vậy cha mới
cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà ngày trước cha đã
hứa...”
Ở một đoạn sau của bức thư, bác sĩ
Becgivê nói ông nghiệm cuộc sống giống như một dòng chảy không ngừng, từ nơi
này đến nơi khác, từ hình thức này đến hình thức khác, và qua nơi này nơi khác,
trong những hình thái này hay khác, con người luôn cố gắng học hỏi để nhận thức
cho được con người thật của mình là gì. Rõ ràng, tiến bộ trong học hỏi và nhận
thức đối với con người thật của mình là những cột mốc của quá trình tiến bộ tâm
linh trên con đường tiến tới giác ngộ và giải thoát tối hậu.
Qua những gì được thuật lại trong
cuộc sống vừa chấrn dứt. bác sĩ Begivê đã có được những tiến bộ tâm linh đích
thực, cho nên ông kết thúc bức thư bằng lời khẳng định “hiện nay cha đang sống
một cách thoải mái, vui vẻ và an lành, chứ không có gì là khổ sở cả”. Và ông
còn khuyên các con là “Nếu khi còn sống, các con đã đem hết khả năng phương
tiện của mình để giúp đời, để thương yêu mọi loài, thì lúc lâm chung. các con
chẳng có gì để luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm”. Lời nói của bác sĩ
Becgivê đã chết với các con đang còn sống thật là đầy minh triết và lòng tự
tin.
Cách chăm sóc người thân sắp lâm
chung thiết thực và ý nghĩa
Trong một quyển sách của tôi vừa
xuất bản “Quan niệm của Phật giáo đối với vấn đề sống chết” (**), chương “Có
cõi âm hay không?” trang 45, thì bạn có thể suy luận biết bác sĩ Becgivê đang ở
trong giai đoạn “thân trung hữu” hay “thân trung ấm”. Ðó là giai đoạn trung
gian, theo sách Phật có thể kéo dài đến 49 ngày, trong đó ngưòi chết mang một
cái thân đặc biệt, cấu tạo bằng vật chất tế nhị, với những cảm quan tuy đầy đủ
như của người sống nhưng nhạy cảm hơn, hiệu quả hơn. Thí dụ, thân trung ấm thấy
chúng ta được, nhưng chúng ta lạì không thấy được thân trung ấm Thân trung ấm
tất nhiên có thể đi lại như người sống bình thường, nhưng cũng có thể bay lượn
trên không nếu muốn. Thân trung ấm muốn đến nơi nào, thì có thể đến đó lập tức
trong nháy mắt, không có gì cản nó được. Đó là khả năng đặc biệt của thân trung
ấm, mà trong luận Câu Xá, gọi là nghiệp thông, nghĩa là thần thông do nghiêp
chứ không phải do tu luyện.
Vì thân trung ấm tương tự như thân
bổn hữu, tức là cái thân mà bác sĩ Becgivê sẽ mang, sẽ có sau khi giai đoạn
thân trung ấm chấm dứt, cho nên bác sĩ mới nói với các con rằng “cha đang sống
một cách thoải mái, vui vẻ và an lành chứ không có gì khổ sở cả”. Ngay khi bác
sĩ Becgivê còn ở trong giai đoạn thân trung hữu, ông đã biết ông sẽ sống ở một
cảnh giới tốt đẹp, sau khi giai đoạn thân trung ấm chấm dứt, vì ông đã sống một
cuộc sống thiện lành và tốt đẹp trong đời sống đã qua. Và ông khuyên các con
cũng nên sống tốt đẹp như ông đã sống.
Tuy nhiên, có một điều tôi thấy cần phải nói rõ hơn, một điều mà trong cuốn
sách vừa xuất bản, tôi nói chưa được rõ lắm, nhưng cũng rất quan trọng. Ðó là
vấn đề tâm trạng của con người khi lâm chung.
Hãy tạo một bầu không khí thật tốt
đẹp và yên tĩnh cho người lâm chung.
Vì sao? Vì bầu không khí đó cũng
ảnh hưởng đến hướng tái sinh, cũng như nghiệp thiện hay ác mà người đương sự
tạo ra trong đời sống đã qua. Tuy thân của người lâm chung rất yếu nhưng tâm
lại rất mạnh, rất dễ cảm xúc, vô cùng nhạy bén. Nếu trong giờ phút lâm chung,
tâm người đương sự chuyển thiện, thì mặc dù anh ta tạo nghiệp bất thiện nhiều
trong cuộc sống sắp chấm dứt, anh ta vẫn có thể chuyển nghiệp, tái sinh vào cõi
lành.
Do đó, gia đình cũng như bè bạn
người lâm chung phải tạo ra một bầu không khí thật sư tốt đẹp và yên tĩnh xung
quanh người sắp chết, ngõ hầu hướng tâm thức của anh ta vào những ý nghĩ thiện
lành. Sau đây là những biện pháp thông thường hay được áp dụng.
1. Tránh ồn ào, tránh khóc lóc to
tiếng. Nên nhớ, đối với người lâm chung thì tiếng khóc của ngưòi thân không
khác gì tiếng sấm hay tiếng thét ngang qua tai, có thể làm cho tâm thức người
sắp chết rối loạn tơi bời.
2. Ðối với người Phật tử, nên tổ
chức để quý vị Tăng Ni hay bạn bè đến hộ niệm. Niệm danh hiệu chư Phật hay Bồ
tát mà người đương sự thường niệm, thí dụ danh hiệu Phật A Di Ðà, Bồ tát Quán
Thế âm v.v...
3. Tụng những kinh người đương sự
thường tụng, như kinh Dược Sư, Tâm kinh Bát Nhã v.v...
4. Gia đình làm các Phật sự từ
thiện, như bố thí, phóng sinh, cúng dường Tam bảo rồi hồi hướng công đức cho
người sắp chết.
Tuy chúng ta không coi nhẹ tác dụng
của các biện pháp vừa kể, thế nhưng yếu tố tối hậu quyết định hướng tái sinh
vẫn là tổng hòa các nghiệp do người đương sự tạo ra trong cuộc sống sắp chấm
dứt của mình. Với nghiệp ác hay cực ác do người đương sự chồng chất trong cuôc
sống, anh ta có thể bị hôn mê nhiều ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng, và
không có cách gì hỗ trợ cho anh ta chuyển niệm được.
Một cuộc sống tốt đẹp, thiện lành
dẫn tới một cái chết tốt đẹp bình thản, không có hối tiếc, báo trước một cuộc
sống kiếp sau còn tốt đẹp hơn. Ðây cũng chính là lời khuyên của bác sĩ Becghivê
đối với các con của mình.
Sách Phật giáo Tây Tạng có hướng
dẫn một cách hộ niệm (chăm sóc) người trong lúc lâm chung và sau khi chết, đó
là Thực nghiêm tâm linh phowa.
Người Phật tử Tây Tạng có nhiều
kinh nghiệm săn sóc, giúp đỡ người ốm hay là người sắp chết. Một trong những
kinh nghiệm đó là thực nghiệm tâm linh phowa (đọc powa theo ngôn ngữ Tây Tạng).
Nội dung của thực nghiệm tâm linh phowa thực đơn giản. Ðiều cốt yếu là cần có
một tấm lòng, tức là tình thương đích thực sâu sắc của chúng ta đối với người
ốm hay người sắp chết, và mềm tin thực nghiệm sẽ thành công. Tình thương càng
sâu sắc, niềm tin càng mạnh thì hiệu quả càng lớn: người ốm chóng khỏi bệnh,
người sắp chết có thể chết bình thản, và tá sinh vào cõi thiện, cõi lành.
1. Hãy đặt một tượng Phật hay Bồ
tát trước một đèn nến, trên một bàn nhỏ sát trên đầu người ốm hay người sắp
chết. Rồi quán tưởng có luồng hào quang hay ánh sáng từ tượng Phật hay Bồ tát
tỏa xuống toàn thân người sắp chết (cũng như người ốm, nhưng tôi nói riêng
người sắp chết cho tiện).
2. Quán tưởng toàn thân người sắp
chết hòa mình vào ánh sáng hay hào quang thiêng liêng tỏa ra từ tượng Phật hay
Bồ tát.
3. Quán tưởng toàn bộ con người sắp
chết được ánh sáng hay hào quang thiêng liêng của Phật hay Bồ tát làm cho thanh
tịnh, trong sáng, không còn bị nghiệp ác hay phiền não quấy nhiễu, chi
phối.
Chúng ta thực hành thực nghỉệm này
trong tư thế ngồi thiền, nếu chúng ta đã quen ngồi thiền. Nghĩa là ngồi ngay
ngắn (trong thế kiết/bán già), thẳng người bên cạnh giường người sắp chết và
thực hành quán tưởng như vừa mô tả. Nếu có vài người bạn hay người thân trong
gia đình cùng làm với càng tốt, miễn là họ cũng có niềm tin như: tin ở sức mạnh
gia hộ của Phật và Bồ tát, và cùng tiến hành thực nghiệm với tình thương sâu
sắc đối với người sắp chết.
Nên chú ý là, theo Thiền sư Tây Tạng Sogyal Rinpoche trong cuốn Cuốn sách Tây
Tạng của sống và chết (đầu đề của nguyên bản Anh ngữ là The Tibetan book of
living and dying), thì thực nghiệm tâm linh phowa có thể tiến hành đối với
người ốm và cả đối với người sống bình thường.
Chúng ta thực nghiệm đối với người khác cũng như đối với bản thân chúng ta cũng
được. Bởi lẽ, đây chỉ là một phép thiền quán, giúp tẩy sạch phiền não và ác
nghiệp cho bản thân cũng như cho người khác. Như đã nói trên đây, điều cốt yếu
là tình thương và niềm tin. Tình thương cũng như niềm tin đều có sức mạnh lớn.
Sức gia hộ của chư Phật, Bồ tát cũng như của các bậc Thánh đối với chúng sinh
đau khổ là thường trực, không thể nghĩ bàn.
Tôi xin nhắc lại: Vấn đề cốt lõi
trong phương pháp trên là tình thương và niềm tin. Có tình thương và niềm tin
là sẽ có tất cả. Hiệu quả của tình thương và niềm tin cũng là huyền diệu và
không thể nghĩ bàn.
Ðó là tình thương không bờ bến của
người thực hiện đối với tất cả chúng sinh đang đau khổ, bị ốm đau hoặc sắp
chết. Ðó là niềm tin rằng với tình thương đó, vì trong sáng và không bến bờ, có
khả năng giảm nhẹ những nỗi đau khổ vô cùng của chúng sinh. Hãy cầu nguyện,
theo lời của Ðại sư Shantideva (Thánh Thiên):
“Cầu cho tôi trở thành người gia hộ cho những ai cần che chở.
Người dẫn đường cho những ai đi xa
trở thành chiếc thuyền, chiếc cầu, con đường.
Cho những ai muốn đến bờ bên kia.
Cầu sao cho nỗi khổ của mọi chúng sinh, được đoạn trừ sạch hết.
Cầu cho tôi trở thành người thầy thuốc và phươg thuốc
Cầu cho tôi trở thành người hộ lý,
Đối với mọi chúng sinh bị ốm đau trên thế giới này,
Cho tới khi mọi người đều lành bệnh.
Cầu cho tôi giống như không gian, hay là như trái đất,
Cầu cho tôi luôn luôn nâng đỡ sự sống
Của vô lượng vô số chúng sinh...”
Ngoài phương pháp thực nghiệm tâm
linh phowa giúp cho tâm thức người chết hòa nhập vào hào quang tỏa ra từ chư
Phật và Bồ tát mà chúng ta cầu nguyện sự gia hộ, Phật giáo Tây Tạng còn có
nhiều phương pháp thực nghiệm tâm linh khác, thí dụ như phương pháp tonglen,
cũng được giới thiệu trong cuốn Cuốn sách Tây Tạng của sống và chết đã dẫn.
Ðiều mà Phật tử Việt Nam chúng ta cũng như Phật tử các nước khác có thể học
được ở Phật giáo Tây Tạng là sự săn sóc chu đáo của họ không những đối với phần
thân xác mà đặc biệt quan trọng là phần tâm linh của người đương sự, kể cả sau
khi chết, chuyển sang giai đoạn thân trung ấm, tức là cái thân quá độ của người
đương sự trước khi tái sinh vào cõi sống khác.
Săn sóc chu đáo phần tâm linh của
người chết, kể cả trong giai đoạn trung ấm thân, đó là kinh nghiệm rất tích cực
của Phật giáo Tây Tạng. Ðặc biệt, các tu sĩ Phật giáo Việt Nam, là những người
thường được mời tổ chức tang lễ cho Phật tử quá cố lại càng cần nghiên cứu
những kinh nghiệm phong phú của Phật giáo Tây Tạng trong việc săn sóc người sắp
chết cũng như người chết.
Người viết bài này vào dịp lễ Vu Lan, rất mong có sự chuyển biến tích cực của
Phật giáo Việt Nam trong việc tổ chức tang lễ cho người Viêt Nam Phật tử nói
riêng cũng như cho người Việt Nam nói chung, theo xu hướng bớt hình thức, bớt
sự ồn ào, bớt tốn kém, và chú ý đặc biệt tới phần tâm linh của người chết, là
phần sẽ tiếp tục sống trong giai đoạn trung ấm thân, cũng như sau khi tái sinh
đến một cõi sống khác.
Ghi chú:
(*) Trung tướng, Giáo sư Tiến sĩ
học viện Quân sự TƯ (đã nghỉ hưu)
(**) Nhà Xuất bản TP HCM,
2002.