Trả lời cuộc
phỏng vấn giành riêng cho báo Anh Quốc, The Guardian, trên số báo ngày
4-9-2003, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ngài sẵn sàng trở về Tây Tạng và kết thúc
nửa thế kỷ lưu vong ở Ấn Độ nếu Trung Quốc cho ngài về lại quê hương
"không điều kiện tiên quyết nào."
Ngài nói cụ thể
rằng ngài sẵn sàng về lại Lhasa,
nơi ngài bỏ trốn năm 1959, ngay khi nào có "đèn xanh" từ Bắc Kinh.
Ngài nói là chính phủ CSTQ đã không cho ngài viếng thăm Tây Tạng, mà lần gần
nhất là năm 1984, và cũng đã không cho ngài viếng thăm các thánh tich Phật giáo
trong lãnh thổ Trung Quốc.
Cuộc đời ngài Đạt
Lai Lạt Ma đời thứ 14, người được tin tưởng là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát,
là một câu chuyện cực kỳ phức tạp, và khó gỡ y hệt như những cuốn phim gay cấn
nhất -- mà bây giờ chưa ai biết đoạn kết, có lẽ chỉ trừ ngài, khi ngài nói về
cái chết của ngài, và nói một cách tự nhiên như nói về một chiếc lá sắp rụng.
Nếu bạn là Phật
Tử Việt Nam ở Miền Nam California, là người đã từng tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma
trong các lần ngài tiếp xúc, thuyết pháp và làm các lễ truyền pháp cho cộng
đồng người Việt, nhiều phần bạn chia sẻ phần nào nỗi đau và nỗi lo về di sản
văn hóa Tây Tạng đang bị xóa sổ và đồng hóa tinh vi bởi nhà nước Bắc Kinh. Tuy
nhiên, khi bạn bước vào một số chùa của Hoa Kiều tại Los Angeles, bạn có thể
kinh ngạc khi thấy một góc chùa có thờ ảnh của cậu bé Ban Thiền Lạt Ma (Panchen
Lama), người được xem là hóa thân của Phật A Di Đà -- mà ảnh này là của cậu bé
do Bộ Chính Trị CSTQ lựa chọn, chứ không phải cậu bé do ngài Đạt Lai Lạt Ma lựa
chọn. Bấy giờ bạn mới thấy được, bàn tay của chính phủ Trung Quốc đã thò vào
tận chính điện của một số chùa Hoa Kiều.
Nói như thế không
có nghĩa là Phật Giáo đã bị bóp méo, vì Phật Pháp không ai làm thế nổi. Nhưng
chỉ có nghĩa rằng, các tranh chấp tôn giáo tất nhiên phải liên hệ tới chính
trị, và tại một số sân chùa lúc nào cũng có cuộc chiến không ngưng giữa các sở
tình báo Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ. Vì vậy, ngài Đạt Lai Lạt Ma về được
Tây Tạng hay không nhất định phải có thu xếp chính trị, và cả áp lực quốc tế.
Đó là lý do, lâu lâu chúng ta lại thấy ngài viếng thăm Hoa Kỳ, lâu lâu ngài mở
lòng từ bi lại họp cả với các hội dân quyền, nữ quyền và cả các hội đồng tính
luyến ái -- điều mà các giáo chủ tôn giáo khác không bao giờ dám làm thế, mà
với nhà Phật thì dù có gặp gỡ bác Mao, bác Hồ, hay gặp một tên cướp của giết
người, thì cũng chỉ y hệt như gặp một người bình thường thôi, cũng là những vị
Phật tại triền (còn phiền não, mê mờ) -- và cũng chỉ người Việt chúng ta thắc
mắc chứ người Mỹ thì thấy có gì đâu. Mà thật sự thì có gì đâu, vì đời là vô
thường mà.
Trở lại chuyện
báo Guardian. Tờ này ghi, ngài nói, "Tôi hy vọng sẽ thăm Tây Tạng, để nhìn
lại nơi xưa của tôi bằng chính mắt của mình, và tìm cách làm nguội tình thế.
Bạn hỏi điều kiện nào hả? Trung Quốc nên bật đèn xanh cho tôi, không điều kiện
tiên quyết nào."
Chỗ này cũng nên
nói để thấy sự phức tạp. Nếu ngài là người Việt Nam, ngay khi nói về thăm quê
nhà là có thể bị chụp mũ là đón gió trở cờ rồi, là ôm đô la về nuôi cộng sản,
là đâm sau lưng chiến sĩ, vân vân. Tình hình Tây Tạng còn phức tạp hơn, bởi vì
ngài còn tuyên bố bỏ hẳn ý định đòi độc lập, mà chỉ cần tự trị.
Ngài tuần này đã
bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ 3 tuần lễ, và báo Guradian nói rằng "Có vẻ là
ngài sẽ thảo luận về chuyến về lại Tây Tạng của ngài với Tổng Thống Bush, người
mà ngài sẽ gặp tuần tới."
Chỗ này nên lấy
bản tin khác ra đối chiếu. Bản tin AFP hôm thứ bảy ghi theo bản văn của Vận
Động Quốc Tế Cho Tây Tạng (ICT), thì Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ tới Washington các
ngày thứ hai tới thứ tư, và sẽ họp với Phó Tổng Thống Dick Cheney, Ngoại Trưởng
Colin Powell và các viên chức khác -- nơi đây không thấy ghi có TT Bush. Có thể
là để giờ chót bất ngờ, cho Bắc Kinh khỏi ồn ào đấu tố.
Ngài tới gặp các
lãnh tụ Hoa Kỳ để bàn chuyện làm thơ, viết văn? Hay để uống trà, bàn chuyện
Thiền? Hay là để Ngài biểu diễn thần thông, bay lên ngọn cây, phóng ra giữa hồ
nước kiểu Bồ Đề Đạt Ma xách dép cỡi sóng vượt sông?
Dĩ nhiên không có
chuyện như thế. Đây là kết quả của cuộc vận động lâu dài. Hai đặc sứ của Đạt
Lai Lạt Ma đã tới Bắc Kinh tháng 9 năm ngoái. Và cũng 2 đặc sứ này thăm Trung
Quốc lại vào cuối tháng 5. Sau đó thì Trung Quốc thả ra nhiều tù chính trị Tây
Tạng, và rồi Bộ Văn Hóa Trung Quốc tuần trước có làm mấy tours mời phóng viên
quốc tế lên thăm Tây Tạng.
Tuy nhiên, Đức
Đạt Lai Lạt Ma nói với Guardian rằng Trung Quốc chưa nhượng bộ, mà tình hình
tại Tây Tạng vẫn chưa cải thiện. Nhưng ngài nói là chỉ cần tự trị cho Tây Tạng
thôi, "một phương pháp trung đạo" như kiểu ngài nói, chứ không đòi
độc lập nữa.
Ngài giải thích
việc Trung Quốc chịu đối thoại với ngài, chỉ vì các hệ thống cộng sản toàn trị
sụp đổ gần như toàn cầu trong 15 năm qua, và một nước Trung Quốc "hoang
mang" đang giữa dòng nước trong khi theo đuổi một mô hình kinh tế tư bản
phương Tây.
Tới đây là phần
hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết đời ngài: khi nhân vật chính tiên tri về cái chết
của mình. Báo Guardian viết, ngài cũng đưa ra ám chỉ mạnh mẽ nhất trước giờ
rằng dân Tây Tạng sẽ khám phá ra một Đạt Lai Lạt Ma khác sau khi ngài viên tịch
và rằng ngài nói, người Trung Quốc sẽ dựng lên một cậu bé đối thủ. Ngài nói,
hóa thân đời thứ 15 sẽ sinh ra trong một gia đình Tây Tạng ngoài nước Trung
Quốc. "Chúng tôi vẫn đang phải chiến đấu. Trong những hoàn cảnh đó, kiếp
sau của tôi sẽ ở hải ngoại, tại một đất nước tự do, bởi vì mục đích của tái
sinh là hoàn thành đại nguyện phát khởi từ kiếp trước."
Đức Đạt Lai Lạt
Ma nói Trung Quốc có thể bổ nhiệm người kế tiếp này, "một cậu bé may
mắn," nhưng dân Tây Tạng sẽ phủ nhận. Ngài nhìn nhận rằng cái chết của
ngài sẽ là "một bước chựng lại nghiêm trọng" cho dân Tây Tạng và rằng
mọi chuyện sẽ "chút đỉnh hỗn loạn trong vài tháng." Nhưng ngài nhắc
rằng, từ khi dân Tây Tạng [lưu vong] bầu lên một Thủ Tướng 2 năm trước, thì
ngài đã "nửa phần về hưu rồi."
Ngài nói giỡn
thêm, "Khi tôi chết, đó sẽ là về hưu vĩnh viễn." Câu này, người Việt
chúng ta chỉ nên xem là giỡn thôi, mà là giỡn với Tây, chứ còn là người tu thì
muôn kiếp không có về hưu, mà phải đời đời kiếp kiếp phụng sự chúng sinh. Tí
nữa chúng ta còn thấy ngài giỡn cả với chuyện sex nữa chứ.
Năm ngoái có tin
đồn là ngài bị ung thư bao tử. Ngài nói ngài không ung thư, nhưng bị đau nhiều
trong đường ruột, nhưng bây giờ thì sức khỏe tốt rồi.
Báo Guardian viết
tiếp:
Đầu mùa hè này,
ngài nhìn nhận rằng làm Đạt Lai Lạt Ma nghĩa là ngài đã "bỏ lỡ"
chuyện sex. Ngài nói với Gurdain rằng sex hiển nhiên là vui chứ, nhưng nó mang
phức tạp về đường dài.
"Dĩ nhiên,
sex thì vui chút xíu... người ta rất hạnh phúc. Nhưng nói chung, tôi nghĩ [sex
mang tới] quá nhiều thăng trầm."
Đạt Lai Lạt Ma
nói là ngài đã tránh dục vọng sex bằng cách học nghiêm túc Kinh Phật từ tuổi 15
hay 16, và bằng cách không ăn thực phẩm cứng sau buổi trưa (tức là ăn cháo, hay
thức ăn lỏng). Chỉ vào giữa đùi, ngài nói, "Thế nên dàn máy của tôi thì vô
dụng. Nó không có mục đích gì, không có nghĩa gì."
Thế đấy, ngài đùa
giỡn thế đấy. Nhưng đó là nói chuyện với báo Tây, chứ còn khi về Quận Cam, nói
chuyện với báo Việt ngữ thì ngài rất là nghiêm túc. Có lẽ, bởi vì báo Việt
không dám hỏi như thế, vì sợ gây nghiệp.
Ngài sinh ngày 6
tháng 7, năm 1935. Ngài không nói rõ ngày nào ngài sẽ viên tịch. Nhưng mọi
chuyện đang cho thấy, ngài đang chuẩn bị một nơi để nhập thất dài hạn, cho một
chuyến nghỉ hè khá dài, chuyến nghỉ hè này có thể kéo dài tới 9 tháng 10 ngày.
Và sau đó lại bước ra đời để lại phụng sự chúng sinh, để đưa hết tất cả về nơi
giải thoát, như lời nguyện chúng sinh vô biên thệ nguyện độ...