Xuất bản lần đầu vào năm 1993, Đạo đức học hậu hiện đại (Postmodern Ethics)(1) của Zygmunt Bauman đã cố gắng thực hiện một phê bình đầy tham vọng về triết lý đạo đức Âu châu từ thời Khai sáng.
Cuốn
sách cố nói lên điều mà Bauman xem như là những khuyết điểm cốt yếu của
triết học đạo đức thời kỳ hiện đại (tức hậu Khai sáng), và nhằm giải
quyết những khuyết điểm này mà Bauman duy trì khái niệm “đạo đức hậu
hiện đại”. Với những ai muốn hiểu sâu hơn về các vấn đề đạo đức, cuốn
sách cung cấp một số những kiến thức hữu ích. Ví dụ, đề tài chủ đạo
xuyên suốt tác phẩm nhấn mạnh vào đạo đức mà nó được quan niệm như là
sống có trách nhiệm đối với người khác, tương phản với khái niệm đạo đức
là phục tùng theo những luật tắc đạo đức. Trong khi thực hiện một sự
phân biệt như vậy, Bauman giải thích rõ ràng rằng trách nhiệm đạo đức
của chúng ta là vô tận và không thể bị biến thành việc thực thi một tập
hợp các luật lệ có giới hạn. Một luận đề chính khác là thừa nhận rằng,
đạo đức chung cùng không thể “chứng minh” hay được đặt cơ sở nơi luận cứ
hợp lý, mà rằng đạo đức chỉ có thể được đặt cơ sở nơi điều mà cuối cùng
đi trước bất kỳ nỗ lực tranh luận nào, điều mà Bauman đặt tên là “sự
thúc đẩy đạo đức”.
Trong bài này, bằng sự đồng cảm, tôi sẽ cố gắng phác thảo những yếu
tố trọng yếu nơi quan điểm Bauman, và kế đến sẽ nói thêm và bổ sung “đạo
đức học hậu hiện đại” của ông bằng việc liên hệ đến cách lý giải của
Phật giáo về đạo đức học. Ví dụ, mặc dù nói chung đồng ý với Bauman về
phê bình của ông đối với những luật lệ trong đạo đức học, tôi sẽ biện
luận rằng cần phải có một sự phân biệt rõ ràng giữa các luật lệ và những
nguyên tắc đạo đức. Những nguyên tắc đạo đức khác những luật lệ bởi vì,
mặc dù chúng là những chỉ dẫn hạnh kiểm đạo đức của chúng ta, những
nguyên tắc được kết thúc mở, yêu cầu của chúng là vô tận và không có
cách gì giới hạn sự thúc đẩy đạo đức tự nhiên của chúng ta. Dựa vào
truyền thống đạo đức học Phật giáo, tôi sẽ biện luận rằng chúng ta có
thể hướng đến những trạng thái tâm thức cơ bản của chúng ta và những
khuynh hướng thúc đẩy trong việc đánh giá đạo đức của bất cứ hành vi
nào. Lại dựa vào truyền thống Phật giáo, tôi sẽ biện luận rằng sự xuất
hiện điều mà Bauman đặt tên là “sự thúc đẩy đạo đức” không thể tách ra
khỏi cái nhìn hay hiểu biết đầy đủ về tình trạng hiện hữu của con người.
Đạo đức hẳn không thể “chứng minh”; tuy nhiên nó có thể cuốn hút những
nhu cầu sâu sắc nhất của chúng ta, nảy sinh từ tình trạng hiện hữu tất
yếu của chúng ta.
Bởi vì thuật ngữ “hậu hiện đại” thường bị đánh đồng với thuyết tương
đối vậy nên cần giải thích rõ từ đầu rằng quan điểm hậu hiện đại do
Bauman phác thảo không loại bỏ quan niệm một cơ sở phổ quát đối với đạo
đức học. Bauman trình bày điều này rõ ràng, nơi phần giới thiệu của mình
về Đạo đức học hậu hiện đại, rằng khi ông tuyên bố “Đạo đức không thể phổ quát hóa”(2)
thì không phải ông đang phát biểu quan điểm được hiểu chung rằng đạo
đức là một hiện tượng tương đối không có cơ sở phổ quát. Ông giảng giải:
“Lời tuyên bố này không nhất thiết xác nhận tính tương đối của đạo đức,
được trình bày bằng lời xác nhận được cất lên thường xuyên và có phần
giống nhau, rằng bất cứ hệ thống đạo đức nào đi nữa cũng chỉ là một
phong tục địa phương (và tạm thời), rằng những gì được cho là đạo đức
tại một không gian và thời gian này thì chắc hẳn không được thừa nhận ở
không gian và thời gian khác, và như vậy tất cả mọi loại phẩm hạnh đạo
đức được thực hành thì giới hạn trong thời và không gian, bị tác động
bởi tính thay đổi của lịch sử địa phương hay bộ tộc và những sáng kiến
văn hóa; sự xác nhận đó luôn luôn liên quan đến một mệnh lệnh chống lại
tất cả những so sánh giữa các hệ thống đạo đức, và trên hết chống lại
tất cả sự khảo sát ngoại trừ duy nhất là những nguồn đạo đức mang tính
ngẫu nhiên. Tôi sẽ công khai biện luận chống lại quan điểm tương đối
luận và quan điểm đạo đức chung cục hư vô này”(3). Bauma xác
nhận rằng “Đạo đức không thể phổ quát hóa” là phần nào muốn tuyên bố
chống lại “… việc dùng những luật lệ đạo đức dị trị, ép buộc từ bên
ngoài, thay thế cho trách nhiệm bản chất đạo đức tự trị”(4).
Nói cách khác, Bauman không mong loại bỏ một cơ sở phổ quát dành cho
đạo đức, điều mà ông xem là chung cục có mặt nơi “sự thúc đẩy đạo đức”
của chủ thể tự trị. Thay vì vậy, đây là quan điểm mà sự thúc đẩy đạo đức
này có thể được trình bày súc tích ở trong (hay thậm chí được thay thế
bằng) một tập hợp những luật lệ hợp lý áp dụng cho tất cả những tình
huống mà Bauman loại bỏ.
Nhiệm vụ chính của Đạo đức học hậu hiện đại do đó, không phải
để loại bỏ cơ sở phổ quát dành cho đạo đức, mà để đưa ra một sự phê bình
chi tiết về những gì Bauman mô tả như là triết học đạo đức “hiện đại”
và những gì Alasdair MacIntyre, trong After Virtue (5), gọi là “Công trình chứng minh ly thuyết Đạo đức thời kỳ khai sáng”(6). Với cả Bauman và MacIntyre, quan điểm “hiện đại” về đạo đức học là cơ bản sai lầm trong nhiều chủ thuyết trọng tâm của nó.
Vậy triết học đạo đức “hiện đại” là gì? Bauman và MacIntyre biện luận
rằng viễn cảnh hiện đại trong đạo đức học về bản chất đã là một sự tìm
kiếm biện minh và điều chắc chắc nơi nền tảng đạo đức học. Mục đích ẩn
tàng hay đôi khi lộ rõ của việc tìm kiếm là khám phá một tập hợp những
luật lệ đạo đức có giá trị phổ quát mà chúng có thể áp dụng cho bất kỳ
tình huống xã hội nào với độ chính xác khoa học. Theo Bauma, sự cố kết
và trật tự xã hội đem lại lẽ sống cơ bản cho công trình này, mà nó đã
đáp ứng những mục đích xã hội và chính trị cũng như tầm mức mà nó có thể
đáp ứng cho những mục đích triết học(7).
MacIntyre cho rằng không phải ngẫu nhiên mà đạo đức học hiện đại đã
khai sinh vào khi Cơ-đốc giáo thời kỳ trung cổ bắt đầu sự suy thóai của
nó(8). Theo cách nhìn này, quan điểm thế giới hiện đại xuất
hiện nơi khoảng trống bị bỏ lại khi thuyết hữu thần Cơ-đốc giáo đánh mất
đi tính ưu thế của mình, cho rằng nhu cầu trật tự và sự chắc chắn bắt
nguồn sâu xa nơi tinh thần Tây phương. Nhưng với sự xói mòn dần dần vị
thế của Thượng đế và Thánh kinh như là những giá trị có thẩm quyền tối
hậu về sự thật đạo đức, ngay đó đã bắt đầu một cuộc tìm kiếm một cách
hiểu mới về đạo đức. Nơi giải thích về lịch sử tư tưởng phần nào nói
chung được thừa nhận của MacIntyre và Bauman, những triết gia hiện đại,
từ Diderot đến Hume và Kant, kết thúc ở Kierkegaard, mặc dù những quan
điểm và triết học khác biệt của họ, tất cả chia sẻ mối quan tâm chung là
duy trì một hệ thống đạo đức Cơ-đốc không trông cậy vào mục đích luận
của Aristore và thần học Cơ-đốc giáo truyền thống(9).
Do vậy Bauman và MacIntyre đề xuất rằng quan điểm hiện đại về đạo đức
có thể được hiểu không chỉ là một giải pháp đối với những vấn đề triết
học, mà cũng là nhu cầu về một cơ sở mới cho sự cố kết xã hội, theo sau
sự suy tàn của Cơ-đốc giáo trung cổ và sự xuất hiện những gì MacIntyre
gọi là “cá nhân tự trị”, bằng chứng ở nơi sự sinh khởi tầng lớp thương
gia, khoa học và nghệ sĩ mới. Theo cách nhìn này, kỷ nguyên hiện đại có
thể được mô tả như là một thời kỳ mà ở đó những tín hữu Cơ-đốc giáo
không còn có thể biến tôn giáo của họ thành chân lý, hoặc thành khoa học
tự nhiên hay những vấn đề đạo đức. Chủ nghĩa hiện đại như vậy được xem
như là một giải pháp cho cả khủng hoảng triết học và xã hội.
Theo giải thích về thời kỳ hậu khai sáng này, mục đích chính của đạo
đức không còn để ủng hộ con người trong việc tìm kiếm một telos siêu
việt (tức là, tìm kiếm của con người về một trạng thái sống cao hơn -
theo MacIntyre, điều này đã là truyền thống chủ đạo từ thời Aristotle và
xuyên suốt thời kỳ Cơ-đốc Trung cổ), mà khác hơn là mục đích ngăn cản
con người hành động theo những khuynh hướng phi đạo đức. Một cách đặc
trưng, quan tâm của Kant là để đảm bảo rằng tiếng nói của bổn phận được
lắng nghe, dù khi những khuynh hướng của con người có thể là hành động
trái đạo đức(10). Kant thậm chí đi xa đến mức thừa nhận rằng
đây là bản chất của đạo đức, thay vì tìm lấy một tình trạng mà nơi đó
những khuynh hướng của con người đã là đạo đức. Như vậy, khái niệm của
Kant về bổn phận hàm ý rằng hành động hợp đạo đức phải có nghĩa một cách
sâu kín là mong muốn rằng người ta có thể hành động khác đi - điều này
thật sự trái ngược với những gì Bauman gọi là “thúc đẩy đạo đức”, mà nó
được mô tả bằng một cảm thức mà người ta không thể hành động trong bất
kỳ cách thức nào khác. Như MacIntyre giải thích bằng việc so sánh khái
niệm đức hạnh của Aristote với khái niệm bổn phận của Kant, “Những đức
hạnh là những khuynh hướng không chỉ hành động theo những cách thức cụ
thể, mà còn cảm nhận trong những phương thức cụ thể. Để hành động theo
đức hạnh không phải, như Kant về sau đã nghĩ, là để hành động chống lại
khuynh hướng; chính hành động theo khuynh hướng được hình thành bằng
việc tu dưỡng các đức hạnh. Giáo dục đạo đức là một “tình cảm giáo dục”(11).
Bauman xa hơn biện luận rằng mọi tính tạm bợ của khái niệm đạo đức
phủ định này, được minh họa bởi Kant, chính nó dẫn đến việc Nhà nước đảm
nhận vai trò nhà giáo dục và thi hành đạo đức. Nhà nước trở thành trụ
cột của hệ thống đạo đức và lẽ phải, thông qua quy trình pháp lý và tòa
án. Nó cũng cho phép biện minh những tham vọng quyền uy của nó như là
hữu thể mang lấy một tập hợp những tiêu chuẩn đạo đức giá trị phổ quát.
Một phần trọng yếu của luận điểm Bauman nơi Đạo đức học hậu hiện đại là tháo bỏ việc sử dụng quyền lực Nhà nước này như là quyền lợi của một vài tầng lớp và các nhóm bên trong xã hội.
Đối với Bauman, “chủ nghĩa hậu hiện đại” là biểu trưng một sự chấp
nhận mới về những gì thế giới “hiện đại” đã tìm cách thoát ra. Do vậy
Bauman đề cao ý kiến, rằng đạo đức là phi lý, rằng tác nhân đạo đức
không thể bị kiểm soát hay bị buộc ép vào trong đời sống đạo đức, và
rằng đạo đức vẫn còn bí ẩn, không thể giải thích và không thể biến thành
những luật tắc phổ quát. Bauman chỉ ra rằng “hậu hiện đại” không có
nghĩa là “sau” ở trong ý nghĩa trình tự thời gian. “Chủ nghĩa hậu hiện
đại” không xảy ra sau chủ nghĩa hiện đại, mà là một sự phản ứng lại nó,
một sự phủ định hay là một sự “hoài nghi” về quan điểm hiện đại. Ở nhiều
mặt, chúng ta vẫn còn sống trong một xã hội “hiện đại”, không phải
trong một xã hội “hậu hiện đại”.
Ủng hộ của Bauman về quan điểm hậu hiện đại được thể hiện bằng điều
mà ông xem như là những thất bại tất yếu của chủ nghĩa hiện đại. Ông
biện luận rằng, trái ngược với quy định hiện đại, hiện tượng đạo đức
cuối cùng là phi lý và không thể kết luận một cách rành mạch bằng những
luật tắc đạo đức giá trị phổ quát: “Đạo đức là đặc hữu và tất yếu phi lý
- trong ý nghĩa là không thể tính đếm được, do đó không thể trình bày
như là việc phục tùng theo những luật lệ vô cảm, không thể mô tả như là
việc tuân theo những luật lệ mà chúng nói chung có thể phổ quát hóa (12).
Lý do phản đối chính của Bauman về một thứ đạo đức học được đặt cơ sở
trên các loại luật lệ là bởi ông hiểu rằng các luật lệ dẫn đến một sự
giới hạn trách nhiệm đạo đức, “Các luật lệ sẽ bảo tôi những gì phải làm
và làm khi nào; các luật lệ bảo tôi bổn phận của tôi bắt đầu ở đâu và
khi nào kết thúc; các luật lệ sẽ cho phép tôi nói, tại một vài thời
điểm, rằng tôi có thể dừng lại mỗi khi mọi thứ phải được thực hiện đã
được thực hiện” (13).
Quan trọng cho biện minh của tôi trong việc ủng hộ một khuôn khổ đạo
đức học Phật giáo là lưu ý đến nguyên tắc phản đối của Bauman về những
luật lệ đạo đức: ông xem chúng giới hạn sâu sắc sự thúc đẩy đạo đức và
do đó mang lấy sự đối nghịch về điều mà chúng đặt ra để đạt lấy, khiến
chúng ta ít đạo đức hơn thay vì nhiều hơn. Sau đó tôi sẽ phân tích loại
đạo đức học dựa trên luật lệ này như là một hệ thống đạo đức học “khép
kín”, đối nghịch với đạo đức học “mở”, loại đạo đức không cưỡng ép, đưa
ra và hướng dẫn sự thúc đẩy đạo đức của chúng ta. Tôi sẽ biện luận rằng
những nguyên tắc đạo đức được phác thảo trong truyền thống Phật giáo đã
được kết thúc mở và do đó vượt ra ngoài sự phê bình của Bauman. Đạo đức
không phải là một vấn đề phục tùng theo các luật lệ, nhưng điều này
không có nghĩa rằng sự thúc đẩy đạo đức không cần đến sự rèn luyện và
huấn luyện.
Nhưng chúng ta có thể nhận thấy sức mạnh biện luận của Bauman chống
lại một nền đạo đức học dựa trên luật lệ - ở mức độ rằng một hệ thống
đạo đức là thi hành một tập hợp những luật lệ có giới hạn mà nó có thể
được thực thi một cách thành công và rốt ráo - ở mức độ đó nó hành động
như một sự cưỡng ép đối với sự thúc đẩy đạo đức của chúng ta. Trong khi
một tập hợp các luật lệ có giới hạn bị buộc tuân theo, thì sự thúc đẩy
đạo đức của chúng ta không bị ép buộc hay bị kiểm soát, cũng không bị
giới hạn - nó được kết thúc mở, thậm chí vô hạn, trong phạm vi của nó.
Nhưng nếu đạo đức học không phải là sự thực thi một tập hợp các luật lệ
hay bổn phận đạo đức, vậy một quan điểm đạo đức thay thế mà Bauman đang
đề xuất là gì? Bauman muốn nói gì khi ông bàn về sự thúc đẩy đạo đức của
chúng ta?(14).
Trong khi trình bày cơ sở đạo đức học của mình, Bauman đã tiến rất
gần đến triết gia Pháp Levinas, người trình bày quan điểm đạo đức là
“sống vì người khác”. Điều này trên thực tế là một sự thảo luận tỉ mỉ
tuyên bố của Kant xem người khác luôn là một mục đích chứ không bao giờ
là một phương tiện (15). “Sống vì người khác” có nghĩa là
nhận thức người khác không phải là một đối tượng có giới hạn được dành
riêng cho những mục đích của riêng tôi, mà là một chủ thể “vô hạn”, là
một “sự tự do”. Trái ngược với một tập hợp những bổn phận có giới hạn,
trách nhiệm đạo đức của tôi ở nơi “sống vì người khác” là vô hạn, không
điều kiện và không mong người khác đối xử với tôi như tôi đã đối với họ.
Điều này trái ngược với bổn phận khế ước. Theo chính phát ngôn của
Levinas, trách nhiệm đạo đức là: “Một trách nhiệm mà nó vượt qua những
gì tôi đã có thể hoặc không thể làm cho người khác, hoặc bất cứ hành vi
gì mà tôi có thể hoặc không thể phạm phải, như thể tôi đã hy sinh cho
người khác trước khi hy sinh cho bản thân”(16).
Bằng ngôn ngữ khá thi vị của Levinas, đạo đức sinh ra là để đáp ứng
“diện mạo” của người khác, mà nó kêu gọi tôi theo nhu cầu của nó. Người
khác “kêu gọi” tôi hy sinh, nhưng “lệnh gọi” này là một “lệnh gọi” của
“quyền năng”, chứ không phải là vũ lực. Đạo đức như vậy sinh ra từ một
mức độ kinh nghiệm bản năng và ban sơ nhất mà nó có thể được đặt tên là
“sự cận giao đạo đức” mà tôi kinh nghiệm nơi những mối quan hệ của tôi
với người khác
Bauman và Leninas làm tương phản triệt để hai loại quan hệ con người
khác nhau. Đầu tiên là “sống với người khác”, mà nó là một loại quan hệ
được định nghĩa bằng sự đáp trả, những luật lệ và bổn phận khế ước và
dựa vào sự sợ hãi hình phạt hay tư lợi vì kết quả cuối cùng của nó. (Nói
cách khác, nó là một loại quan hệ cuối cùng được đặt trên quyền lực).
Điều này tương phản với “sống vì người khác”, một loại quan hệ trách
nhiệm có kết thúc mở và là đáp ứng nhu cầu của người khác. Nó không phải
là một loại quan hệ hiện hữu bị bắt buộc hay cưỡng ép và không bị biện
minh bằng những từ ngữ hợp lý (nói cách khác, nó là một mối quan hệ được
đặt cơ sở trên tình thương trong một ý nghĩa khả thể sâu sắc nhất).
Cần nói rõ thêm là tại sao quan điểm đạo đức của Bauman (và Levinas)
là “phi lý”. Bauman đang chỉ ra sự thật rằng cuối cùng sự chọn lựa đạo
đức dường như được thực hiện mà không có bất cứ sự cậy nhờ nào vào luận
cứ chặt chẽ. Đó dường như là một điểm phi lý mà ở đó chúng ta thực hiện
những cam kết đạo đức sâu sắc nhất của chúng ta. Nó là sự thúc đẩy đạo
đức đi trước bất cứ luận cứ nào sau đó mà Bauman đang diễn tả. Tranh
luận hợp lý tất yếu phải nói đến ngôn ngữ của lý do và mục đích, nhưng
“sống vì người khác” không cần thêm bất cứ sự biện minh hay lý do nào.
Đạo đức, được định nghĩa như là “sống vì người khác”, thì chính nó đã là
mục đích; nó không phải là một phương tiện đi đến một mục đích, ít nhất
ở nơi mà mục đích được hiểu bằng những thuật ngữ như tư lợi hay hòa hợp
xã hội.
Nhưng có phải một quan điểm đạo đức như vậy tất yếu đưa đến thuyết
tương đối đạo đức và “chủ nghĩa cảm xúc”? MacIntyre lưu ý rằng những
cuộc tranh luận đạo đức hiện đại bản thân chúng là “vô tận”, bởi vì
không có cơ sở cho đạo đức được đồng ý trọn vẹn hay thuyết phục đầy đủ
để hành động như một cơ sở khởi đầu được chấp nhận. Do đó ông tuyên bố
rằng chủ nghĩa cảm xúc là triết lý đạo đức đặc trưng nhất của kỷ nguyên
hiện đại, với sự nhấn mạnh rằng “những tuyên bố” đạo đức về bản chất chỉ
là những biểu lộ sở thích con người. Theo chủ nghĩa cảm xúc, rốt cuộc
tất cả những tranh luận đạo đức, cho dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ hợp
lý, chung quy là sở thích con người, do đó phải sử dụng mọi phương tiện
thiện xảo có giá trị (và không nhất thiết chỉ là hợp lý) để chiến thắng
bất cứ cuộc tranh luận nào. MacIntyre thừa nhận rằng nỗ lực của triết
học hiện đại đặt nền tảng đạo đức, trước hết nơi những cảm xúc và mong
muốn của con người (Hume), kế đến nơi lý trí con người (Kant), và cuối
cùng nơi sự chọn lựa phi tiêu chuẩn (Kierkegaard) mà chung cuộc đã không
trao cho chúng ta bất cứ lý do thuyết phục nào để hành động hợp đạo
đức. Đối với MacIntyre, rõ ràng chính sự thất bại của triết học đạo đức
hiện đại đã dẫn chúng ta đến chủ nghĩa cảm xúc (17).
Nhưng câu hỏi cần được đặt ra là những hiểu biết “hậu hiện đại” về
bản chất đạo đức học có phải đang dẫn chúng ta đến một kết luận tương tự
hay không? Có phải không có cơ sở hợp lý đối với đạo đức và có phải đạo
đức là một vấn đề chọn lựa cá nhân? Có phải chúng ta chấp nhận phê bình
hậu hiện đại về tính hợp lý và đạo đức học hướng dẫn bằng luật lệ là
chúng ta chắc chắn đồng ý sự lựa chọn một quan điểm đạo đức cụ thể?
Chúng ta đánh giá giá trị của một quan điểm đạo đức trên một quan điểm
khác bằng cách nào?
Nhiều triết gia cùng thời đã theo Kierkegaard trong việc khẳng định
rằng cuối cùng chúng ta phải đối diện với một sự chọn lựa phi tiêu chuẩn
trong việc chấp nhận một quan điểm đạo đức. Ví dụ, Stan Van Hooft trong
cuốn sách của mình Caring: An Essay in the Philosophy of Ethics (18)
tìm cách giải thích tại sao chúng ta không thể sống thiếu đạo đức. Ông
giải thích đạo đức như là một tập hợp những cam kết hay chọn lựa mà
chúng là những biểu hiện “quan tâm sâu sắc” của chúng ta, là mối quan hệ
cơ bản và tất yếu của chúng ta với thế giới và vị trí của chúng ta
trong đó. Chính bởi vì chúng ta về mặt bản thể học vừa là một “tự đề án”
và một “sự quan tâm về cái khác” (tức là, chúng ta tồn tại như những
hữu thể tạo nên mình đúng thời và phải tương quan trong một vài cách
thức với thế giới bên ngoài chúng ta) nên chúng ta phải có những cam kết
đạo đức. Nhưng Van Hooft không thể bảo chúng ta những thứ cam kết nào
để thực hiện - chính hành vi chọn lựa quyết định những tình trạng đạo
đức của chúng ta (19). Tất nhiên, sự chọn lựa đạo đức xảy ra
không xa rời ngữ cảnh, mà ở trong một ngữ cảnh cụ thể, nhưng Van Hooft
không đưa ra cho chúng ta bất cứ tiêu chuẩn phổ quát nào về đạo đức học
mà nó đứng bên ngoài văn hóa (20).
Đối với tôi dường như rằng, có cách để thoát khỏi tình huống khó khăn
nơi triết học đạo đức hiện thời, và điều này phần nào được chỉ ra trong
việc mô tả đạo đức của Levinas. Đối với Levinas, đạo đức được mô tả như
là “sống vì người khác”. Cách thức sống này bằng cách này hay cách kia
siêu việt những khuynh hướng tự kỷ tự nhiên của chúng ta. Trước hết và
quan trọng nhất nơi “sống vì người khác” của chúng ta là rằng chúng ta
vượt lên cái bản ngã đặt căn bản trên cái tôi chật hẹp của mình và tìm
đến một cách thức sống mới, một cách thức sống mà nó cuối cùng có thể
thậm chí được mô tả như là “tính thánh linh”(21). Triết học
của Levinas chỉ ra phương cách đưa đến một khái niệm đạo đức mà nó có
thể được tìm thấy nơi Thánh kinh và nơi tư tưởng cổ đại - về một hệ
thống đạo đức mà nó không được biện minh nơi “bản chất con người”, mà
khác hơn nơi điều mà loài người có thể trở thành. Chính “loài người mới”
hay cách thức sống siêu việt này khi được đưa vào đời sống có thể giúp
chúng ta từ bỏ quan điểm tự kỷ chật hẹp của mình và sống vì người khác.
Chúng ta có thể nói “con người như vị ấy có thể là” theo một vài cách
thức: là người có “hạnh phúc” trong khái niệm của Aristotle, là có “tính
thánh linh” nơi truyền thống Cơ-đốc giáo, hay là giác ngộ theo truyền
thống Phật giáo. Nhưng tất cả những khái niệm này chia sẻ một cấu trúc
bộ ba giống nhau mà MacIntyre đã mô tả như là “bản chất con người ngây
thơ tự nhiên, anh ta có thể là con người như vậy nếu anh ta nhận ra
telos của mình và những khái niệm đạo đức mà chúng có thể khiến anh ta
vượt từ một trạng thái này đến một trạng thái khác”(22). Điểm
chính của những truyền thống khác nhau này là rõ ràng: nơi tuyên bố nổi
tiếng của Nietzche “con người là thứ cần chinh phục” (23).
Đạo đức học nhận lấy ý nghĩa của nó từ việc hoặc thành công hoặc thất
bại trong việc đạt lấy telos của nó, tức là sống theo “con người mới”.
Con người (được định nghĩa như là một phần của chúng ta, bị giới hạn
bằng một quan niệm tư lợi hạn hẹp) bản thân nó không phải là một mục
đích, khác hơn nó là một hứa hẹn (hay có lẽ chính xác hơn, một cơ hội)
của điều gì đó cao hơn. Chính ở nơi ý nghĩa siêu việt tự ngã này mà từ
“siêu việt” có thể được sử dụng để mô tả bất cứ triết lý sống nào như
vậy, không hàm nghĩa bất cứ thực thể siêu hình nào. Quan điểm hiện đại
về sự hiện hữu của con người và sự thiếu đạo đức hệ quả của nó là cố
gắng sống mà không có khả năng siêu viết ấy. Tôi xin được nhấn mạnh lại
rằng một sự siêu việt như vậy không nhất thiết hàm ý bất cứ sự siêu việt
siêu hình cụ thể nào (chẳng hạn như sự siêu việt của Thượng đế), thay
vì vậy nó có nghĩa là một sự siêu việt tình cảnh hiện hữu của thân phận
con người, siêu việt sự giam hãm chật chội của tự lợi, sự tồn tại được
“đặt cơ sở trên cái tôi”.
Như vậy, để tóm tắt quan điểm đạo đức được Levinas mô tả, đạo đức có
thể được xem như một phương cách sống mới mà nó có bản chất cốt tủy là
“sống vì người khác” và là vượt qua những tư lợi vị kỷ hạn hẹp của chúng
ta. Điều này hầu như không phải là một khái niệm đạo đức mới mẻ, tuy
vậy, có lẽ ngạc nhiên, nó không mâu thuẫn với bất kỳ chủ thuyết trọng
yếu nào về quan điểm hậu hiện đại. Chúng ta có thể thấy rằng, “con người
mới” hay “cách sống mới” được chỉ ra này không thể chứng minh chỉ bằng
tranh luận hợp lý - nó không thể “chứng minh”. Tuy nhiên, như tôi sẽ
giải thích sau trong thảo luận vắn tắt về quan điểm đạo đức học Phật
giáo, khái niệm đạo đức này khởi đầu cuốn hút chúng ta khi chúng ta bắt
đầu hiểu sâu hơn về phạm vi mà với nó tư lợi hạn hẹp khiến cho chúng ta
và những người khác nhiều khổ đau. “Sự cuốn hút” của nó là điều thuộc về
con tim cũng như khối óc.
Tôi đã sử dụng triết lý “sống vì người khác” mang tính thi ca của
Levinas để làm ví dụ chính của tôi về đạo đức. Nhưng nhiều khái niệm và
hình ảnh khác có thể được thêm vào. Từ truyền thống Phật giáo, chúng ta
có thể lấy khái niệm tâm từ (meta) và tâm bi (karuna) để mô tả một kinh
nghiệm tương tự. Thậm chí chúng ta có thể sử dụng một thuật ngữ từ tâm
lý học hiện đại - cảm thông, hoặc có thể mở rộng khái niệm “Quan tâm sâu
sắc” của Van Hooft để mô tả một kinh nghiệm như vậy.
Mỗi khi chúng ta chấp nhận “sống vì người khác” như là kinh nghiệm
đạo đức then chốt, thì một số những nguyên tắc đạo đức đơn giản sẽ đi
theo hoàn toàn tự nhiên. Cần phê bình để thấy, như Bauman và Levinas đã
biện luận một cách rõ ràng, rằng sự thúc đẩy đạo đức không cần sự biện
minh tùy thuộc. Những nguyên tắc tôi sẽ phác thảo không phải là những
biện minh cho đạo đức, mà là những khảo sát hay hàm ý mà chúng xuất phát
từ kinh nghiệm chính yếu này. Đạo đức học, như Levinas xếp nó, là
“triết học đầu tiên”. Chúng ta chỉ có thể khởi xuất những nguyên tắc đạo
đức của mình từ kinh nghiệm hay “sự thúc đẩy” đạo đức cốt yếu này của
chúng ta. Chính vì chúng ta thường không được hướng dẫn bằng sự thúc đẩy
này nên chúng ta cần đến những nguyên tắc đạo đức. Tôi sẽ tìm đến
truyền thống Phật giáo, lấy đó làm nguồn tài liệu cho những nguyên tắc
này, là những nguyên tắc phổ quát, chúng cũng có thể được tìm thấy trong
những truyền thống khác.
Nguyên tắc (khái niệm hay luật tắc) đạo đức căn bản nhất trong Phật
giáo là không làm hại mọi chúng sanh, hay hiểu nó một cách tích cực hơn,
hành động vì lòng từ bi thương yêu kẻ khác. Từ nguyên tắc quan trọng
này mà tất cả những nguyên tắc khác đi theo (24). Cần nên làm
rõ ngay rằng nguyên tắc hay ý tưởng này không phải là một “luật lệ”
trong ý nghĩa quy định một tập hợp những bổn phận hạn hẹp mà cuối cùng
có thể hoàn tất. Nó mang bản chất của một “nguyên tắc” hay “lý tưởng”,
khiến chúng ta mở rộng trách nhiệm vô tận của mình đến những kẻ khác.
Nếu một nguyên tắc như vậy bị biến thành một tập hợp các “luật lệ” áp
đặt lên chúng ta bằng một quyền lực bên ngoài (cho dù đó là quyền lực
của Thượng đế hay của Nhà nước), chúng ta chỉ sẽ hành động vì sợ hậu quả
xảy ra với bản thân mà không phải vì bất cứ động cơ hướng đến sự siêu
việt bản ngã nào. Tất nhiên, rất nhiều điều mang lấy danh xưng đạo đức
thuộc về loại này, chiếm ưu thế là truyền thống Do thái - Cơ đốc giáo.
Một hệ thống các luật tắc được giữ lại với nhau, hay nhận lấy uy
quyền tối hậu của nó từ bên ngoài làm tác nhân đạo đức có thể cung cấp
cho chúng ta một ảo tưởng an toàn. Một hệ thống đạo đức “khép kín” như
vậy giúp giải tỏa mối ưu tư đạo đức cơ bản và thậm chí mối lo lắng tồn
sinh của chúng ta bằng cách cung cấp cho chúng ta những câu trả lời “an
toàn” và “yên tâm” về những tình trạng nan giải của cuộc sống. Nhưng mỗi
khi quyền lực bị suy yếu (ví dụ, do sự diệt vong của Giáo hội hay Nhà
nước), đạo đức học ấy bộc lộ tính tạm bợ sâu sắc của nó. Một hệ thống
đạo đức “độc đoán” cuối cùng không thể đem lại cho chúng ta xã hội có
đạo đức mà nó hứa hẹn. Người ta không ăn cắp bởi vì đôi tay của họ bị
trói lại sau lưng, hay vì sợ bị bắt, chứ hầu như không phải hành động
theo đạo đức. Hệ thống luật pháp vô đạo đức và những phương pháp kiểm
soát hành vi con người khác bằng công cụ quyền lực là một kế sách chọn
lựa ít bảo đảm nhất và rõ ràng không thể là phiến đá làm nền cho một xã
hội văn minh.
Để thực hiện những việc làm từ bi đối với người khác thì phải chọn
lựa một vài loại thái độ, thậm chí người ta có thể nói một vài loại thái
độ cảm xúc. Thái độ cảm xúc đặc trưng tất nhiên là thái độ thương yêu
(trong ý nghĩa một thái độ thân thiện và cảm thông sâu sắc). Thuật ngữ
Phật giáo ở đây là tâm từ (metta), mà nó có một ý nghĩa sâu rộng hơn chữ
“tình thương” theo cách hiểu hiện thời. Tình thương như vậy ở đây là
sống cuộc sống ôm ấp mọi chúng sanh.
Thái độ cảm xúc cơ bản của tâm từ có thể được giải thích rộng hơn
theo Tứ vô lượng tâm (Brahma-viharas). Từ là phần đầu tiên của Tứ vô
lượng tâm và là nền tảng của ba phần còn lại: Bi (karuna), Hỷ (mudita)
và Xả (upekkha). Chẳng hạn như, khi diện kiến nỗi đau khổ của người
khác, “tâm từ” được thể hiện thành ‘tâm bi’. Khi diện kiến niềm hạnh
phúc của chúng sinh thì “tâm từ” được biểu hiện thành “tâm hỷ”. Cuối
cùng, khi diện kiến cả khổ đau và hạnh phúc của người khác trong ánh
sáng của các điều kiện mà chúng tạo ra khổ đau hay hạnh phúc đó, “tâm
từ” được biểu hiện thành “tâm xả” (25). Nhưng xả không có
nghĩa là một sự thờ ơ vô cảm, mà là một sự xả bỏ sinh khởi từ trí tuệ,
thấy rằng bất kỳ trạng thái hiện hữu nào cũng đều vô thường và do đó có
thể chuyển đổi thành tốt đẹp và cao cả hơn.
Đạo đức học Phật giáo có đặc trưng, nó được diễn đạt bằng những thuật
ngữ cảm xúc, có mặt trong bất kỳ sự hình thành khái niệm nào. Những cảm
xúc có một sự cuốn hút, nơi mà sự tính toán lạnh lùng và duy lý không
thể. Một hành động được thúc đầy bằng tâm từ thì kích thích một cách tự
nhiên tác nhân đạo đức mà không có bất cứ sự nương nhờ nào vào những lý
do thứ yếu. Từ một cách nhìn Phật giáo nó cũng có nghĩa rằng, một hành
động mà động cơ căn bản của nó là thương yêu thì sẽ đem lại lợi ích cho
tác nhân đạo đức, cũng như đem đến cho người nhận tình thương đó. Một
cách nghịch lý, “tư lợi” sâu sắc nhất được đền đáp là bởi “sống vì người
khác” và hành động từ nền tảng của tình thương. Ngay cả Kant, bằng cách
nhấn mạnh vào tính không tư lợi và bản chất bổn phận đạo đức hy sinh,
phải thừa nhận rằng có một vài “sự thỏa mãn” xuất hiện nơi hành động có
đạo đức (26). “Sự thỏa mãn” này được nhận biết sâu sắc khi
chúng ta hiểu rằng chúng ta chỉ đạt được những “telos” của mình thông
qua “sống vì người khác”.
Đạo đức học Phật giáo cũng mang đặc trưng, nó nhằm đến những động cơ
của chúng ta trong việc đánh giá đạo đức của một hành động. Những hành
động thiện phát xuất từ những động cơ thiện. Không có một cơ sở cảm
xúc/động cơ tích cực, điều thiện sẽ không thể xuất hiện. Điều này chỉ ra
tầm quan trọng căn bản của những khuynh hướng cảm xúc của chúng ta ở
nơi hành vi đạo đức (27). Chính xuất phát từ điểm này mà việc
nhận biết những trạng thái cảm xúc/tâm thức của chúng ta là một hướng
dẫn đạo đức hữu ích cho những hành vi của chúng ta. Ví dụ nếu người ta
biết rõ rằng họ đang hành động từ một cơ sở tâm sân hận (đối nghịch với
từ bi) vấn đề theo đó là rằng những hành động của họ sẽ thiếu đạo đức.
Một tiêu chuẩn như vậy mở ra việc phê bình về sự sống quá mập mờ là có
nhiều hữu ích trong mọi tình huống phê bình. Nhưng sự mập mờ này có thể
được giảm bớt bằng việc phát triển chánh niệm, đặc biệt thông qua thực
hành thiền định. Thiền định như vậy ở trong truyền thống Phật giáo có
mục đích ban đầu của nó là đào luyện sự hiểu biết về những trạng thái
tâm thức cơ bản của chúng ta, tu bồi và phát triển những cảm xúc tích
cực, chẳng hạn như tâm từ. Ở một phạm vi xa hơn, thiền định hướng đến
quán sát bản chất thực tại. Sự quán sát như vậy được mô tả bằng trí tuệ
và từ bi. Đạo đức và tự nhận thức hay chánh niệm như vậy đang hỗ trợ lẫn
nhau.
Thêm một đặc tính nữa của đạo đức học Phật giáo có thể được ghi nhận ở
đây: Đạo đức học Phật giáo có tính tự nhiên hơn là hữu thần. Phật giáo
hướng đến tâm lý của chúng ta, đến kinh nghiệm của chúng ta, chứ không
hướng đến một cơ sở bên ngoài như Thượng đế hay Thánh kinh, lấy đó làm
nguồn lý giải đạo đức tối hậu của mình. Đạo đức học Phật giáo có thể
được mô tả theo lối kinh nghiệm, trong ý nghĩa rằng kinh nghiệm của
chúng ta là giá trị có thẩm quyền tối hậu cho sự thật đạo đức. Đạo đức
học Phật giáo tìm cách kích thích kinh nghiệm của chúng ta bằng sự nỗ
lực tin tưởng. Có ý thức và tuệ quán do đó là những yếu tố cốt yếu nơi
bất kỳ hệ thống đạo đức học Phật giáo nào (28).
Như vậy điểm khảo cứu cuối cùng đối với tất cả các hệ thống học
thuyết của Phật giáo, bao gồm các hệ thống đạo đức, là một sự quán chiếu
hay kinh nghiệm về sự hiện hữu con người, một sự hiện hữu mở rộng tất
cả mọi người đến phạm vi mà họ có thể suy ngẫm về tình trạng hiện hữu
của chính họ. Chúng ta có thể nói rằng ý niệm của chúng ta về điều muốn
nói là, một con người thì cuối cùng xuất phát từ thực tại tình trạng
hiện hữu của chúng ta, một thực tại chân thật, ở trong những yếu tố cơ
bản của nó, cho tất cả mọi người. Chân lý mà Đức Phật đã hiểu không phải
là một triết thuyết hay một học thuyết, mà là một sự quán chiếu trực
tiếp về bản chất của thực tại. Phật giáo cho rằng một sự quán chiếu trực
tiếp về bản chất chân thực của thực tại là có thể cho mọi người.
Cuối cùng, điều tuyên bố duy nhất về chân lý mà cái nhìn thực tại
Phật giáo có thể thực hiện là điều được bắt nguồn từ kinh nghiệm của
chúng ta - bằng sự kiểm nghiệm của chính chúng ta về những sự thật mà
với chúng những hình thái học thuyết Phật giáo sẽ trở thành hiển nhiên.
Đấy là tại sao truyền thống Phật giáo có một truyền thống đối thoại
nguyên vẹn và một sự diễn thuyết có tư duy - người ta không tiếp nhận
giáo lý Phật giáo bằng niềm tin mù quáng, mà thông qua một tiến trình
xác chứng sự thật cho mình. Cần phải nhớ rằng từ “Phật” có nghĩa là
“người tỉnh thức”; truyền thống Phật giáo cho rằng sự tỉnh thức này là
dành cho tất cả mọi người, mỗi khi họ thực thi nỗ lực cần thiết.
Quan điểm Phật giáo về thực tại hình thành nên nhiều mô thức triết
học khác nhau và là một vấn đề lớn vượt qua phạm vi của bài viết này. Do
đó tôi sẽ chỉ bàn đến một vài chủ đề mà chúng liên quan rõ ràng nhất
đến vấn đề đạo đức học. Đức Phật dạy rằng đời sống trần tục là “dukkha”
(có thể được chuyển dịch là khổ, nhưng có lẽ chính xác hơn là không thỏa
mãn). Điều này không có nghĩa rằng cuộc đời này không có niềm vui, hay
rằng những niềm vui này là vô giá trị, mà cuối cùng chúng chỉ là vô
thường (anicca) và phù du. Tuy nhiên, chúng ta không chịu chấp nhận sự
thật dễ hiểu này. Chúng ta hành động như thể những kinh nghiệm và các
đối tượng là thường hằng và vững chắc, trong khi thực tế chúng không
phải như vậy. Chúng ta thậm chí tin rằng bản ngã của chúng ta là thường
hằng, cố định và vững chắc trong khi thực tế không có thứ gì khác hơn
một dòng chảy kinh nghiệm luôn luôn thay đổi. Trong thực tế chúng ta là
“vô ngã” (anatta), tức là, chúng ta hiện hữu trong sự tương quan với
những thứ khác và tùy thuộc vào một dòng chảy của những điều kiện luôn
luôn thay đổi.
Nhưng chúng ta không nhìn thấy thực tế này một cách rõ ràng. Bởi quan
niệm sai lầm của chúng ta về thực tại thế giới như là thỏa mãn, thường
hằng và vững chắc, chúng ta chấp chặt vào những kinh nghiệm vừa ý và từ
bỏ những kinh nghiệm bất xứng ý. Nói cách khác, tùy thuộc vào vô minh
(không nhìn thấy sự hiện hữu có điều kiện) chúng ta làm tăng trưởng tham
và sân. Cần lưu ý ở đây tính chất căn bản của vô minh, được định nghĩa
như là thiếu một cái nhìn rõ ràng về thực tại. Với tham ái và sân hận,
chúng ta có một cơ sở tâm lý thiếu đạo đức. Tất nhiên tham ái và sân hận
có một phạm vi biểu lộ tâm lý rất lớn, từ không ưa thích nhẹ đến một sự
căm ghét sâu sắc, mà tất cả chúng được đặt căn bản trên một nỗ lực
tuyệt vọng bởi bản ngã để chấp chặt vào những gì được nhận thức như là
vừa ý và từ bỏ những gì được xem là không vừa ý. Những khuynh hướng cảm
xúc tiêu cực này cuối cùng gia cố sự chấp thủ về cái “Tôi” hay “bản ngã”
như điều gì đó mà chúng ta phải bảo vệ và ủng hộ. Tuy nhiên cuộc chiến
bản ngã này tất phải thất bại, với chiều hướng kết quả không thỏa mãn và
không thực tế.
Nhu cầu hiện hữu sâu sắc nhất của chúng ta là thoát khỏi ý thức lo
lắng sâu sắc và bất mãn này. Như Gunapala Dharmasiri diễn đạt nó, “vấn
đề trọng tâm của Đức Phật là làm sao giải thoát khỏi vòng luân hồi bất
mãn này (sự hiện hữu ‘trần tục’, tức là sự hiện hữu được kinh nghiệm
thông qua tham, sân và si) và đạt lấy một loại hạnh phúc vĩnh cửu” (29).
Nhưng điều này không thể hoàn tất mãi đến khi chúng ta bắt đầu tiến
hành theo một cơ sở sống khác biệt triệt để. Đây chính là nền tảng mới
cho cuộc sống mà nó được biểu thị bằng “mục đích luận” siêu việt, “con
người mới” hay “con người giác ngộ”.
Giải pháp lâu dài duy nhất đối với sự khủng hoảng xung đột bản ngã là
phải siêu việt bản ngã hoàn toàn và đi đến chấp nhận lối sống thừa nhận
tính tùy thuộc hỗ tương căn bản của chúng ta với người khác và với tất
cả mọi hiện tượng. Chính “mục đích” hay “ý nghĩa” cơ bản này biện minh
cuối cùng cho nhiệm vụ đạo đức. Đạo đức, được định nghĩa như là ý thức
trách nhiệm đối với người khác được đặt căn bản nơi trạng thái cảm xúc
từ tâm (metta) tích cực, là cơ sở nỗ lực của chúng ta để sống trong ánh
sáng của cái nhìn sáng tỏ nhất của chúng ta về thực tại. Về bản chất,
người có đạo đức chuyển từ một lối sống sai lầm, dối trá và bất mãn sang
một lối sống chân thực và cuối cùng thỏa mãn. Nhưng để có được một lối
sống chân thực như vậy người ta phải thấy rõ những trở ngại của đời sống
trần tục. Mục đích cao hơn của con người không phải là điều được Thiên
Chúa sáng tạo “ban cho”, mà được khởi xuất bằng sự quán chiếu về những
giới hạn và tính khả thể của tình trạng hiện hữu của mình. Không có sự
tự nhận thức về tình trạng hiện hữu của con người này người ta sẽ tiếp
tục sống một cuộc sống được đặt trên một khái niệm hão huyền về tư lợi.
“Đạo đức hậu hiện đại” được Bauman phác thảo là một nỗ lực nhằm phát
triển một sự phê bình có sức thuyết phục về triết học đạo đức hậu khai
sáng như là sự sống bị ràng buộc bằng những luật lệ, tính hợp lý và sự
ép buộc. Là một sự phê bình có tính lịch sử, nó trở nên quá sâu rộng và
hoàn toàn bao quát, và đôi khi có nguy cơ đến gần việc mô tả sai lầm cục
diện triết học đạo đức hậu khai sáng. Tuy nhiên, tính hữu ích của nó là
nằm nơi sự phê bình rõ ràng của nó về một khuynh hướng trọng yếu trong
tranh luận đạo đức. Nó cũng đặt ra một nền đạo đức học khác, một nền đạo
đức học về trách nhiệm không giới hạn, được chỉ ra nơi triết lý “sống
vì người khác” của Levinas. Tương tự, đạo đức học Phật giáo được kết
thúc mở chứ không phải những luật lệ trói buộc, và do đó rất hữu ích
trong việc giải thích khuynh hướng học thuyết đạo đức này. Cần làm sáng
tỏ ở đây rằng, một nền đạo đức học được đặt căn bản trên những nguyên
tắc Phật giáo không bao giờ là một nền đạo đức học “ép buộc” mà ở đó sự
phục tùng quyền lực (hoặc Thượng đế, hoặc Nhà nước) đã trở thành lẽ sống
của đạo đức. Đúng hơn nó nói đến con người ở trong hoàn cảnh sống của
mình và mời gọi con người thử nghiệm một lối sống mới - một lối sống
cuối cùng vượt lên bất kỳ mối bận tâm tư lợi hạn hẹp nào. Đặc biệt hữu
ích cho những người Tây phương trong việc tìm hiểu một nền tảng mới về
phẩm hạnh đạo đức là cách hiểu của Phật giáo về trọng tâm những khuynh
hướng cảm xúc như là cơ sở của đạo đức học và tầm quan trọng của chánh
niệm trong việc tu bồi những trạng thái cảm xúc tích cực. Truyền thống
Phật giáo cũng cho thấy rằng chúng ta không không có gì để sợ hãi từ
những nguyên tắc đạo đức rộng lớn mà chúng giúp hướng dẫn chúng ta trong
những nỗ lực của mình để chuyển từ một trạng thái bất mãn tham, sân và
si để đi đến một trạng thái trí tuệ từ bi và giải thoát.
Pano Skiotis - Thích Nguyên Hiệp dịch
1) Bauman, Zygmunt, Postmodern Ethics, Blackwell,
Oxford 1993.
(2) Ibid., p.12.
(3) Ibid., p.12.
(4) Ibid., p.12.
(5) MacIntyre, Alasdair, After Virtue, University of Notre Dame Press,
Notre Dame Indiana, 1981
(6) Ibid, ch.5.
(7) Bauman, op.cit., p.14.
(8) MacIntyre, op.cit.
(9) Ibid., p.51.
(10) Xem, Kant, Immanuel, Groundwork of the Metaphysics of Morals,
trans. H.J. Paton, Harper Torchbooks, New York, 1964.
(11) MacIntyre, op.cit. p.149.
(12) Bauman, op.cit., p.60.
(13) Ibid., p.60.
(14) Trong khi cố gắng theo dõi tranh luận của Bauman, tôi ghi nhận gặp
phải những bối rối với cách dùng của Bauman về các thuật ngữ của Kant.
Bauman có khuynh hướng sử dụng “luật lệ” và “bổn phận” một cách hoán
đổi, nhưng cách sử dụng thuật ngữ bổn phận của Kant không phủ nhận việc
làm tự trị của lương tâm cá nhân, vì vậy Kant có thể gần với Bauman hơn.
Thuật ngữ “bổn phận”, nơi Kant, trên thực tế có thể gần với “sự thúc
đẩy đạo đức” hơn là sự giải thích của Bauman.
(15) Kant, op.cit., p.63–7. Một lần nữa, Bauman có thể thật sự gần với
Kant.
(16) "Ethics as First Philosophy" in Levinas, Emmanuel, The Levinas
Reader, ed. Hand, Shawn, Blackwell, Oxford 1989, p.83.
(17) MacIntyre, op. cit. ch.3.
(18) Van Hooft, Stan, Caring: An Essay in the Philosophy of Ethics,
University Press of Colorado, Niwot Colorado 1995.
(19) Ibid., p.186.
(20) Ibid., p.114.
(21) The Paradox of Morality: "an interview with Emmanuel Levinas" in
The Provocation of Levinas, Bernasconi, Robert and Wood, David,
Routledge, London 1988, p.172.
(22) MacIntyre, op. cit., p.54.
(23) Nietzsche, Friedrich, Thus Spoke Zarathustra, trans. Hollingdale,
R. J. Penguin Books, Harmondsworth 1969, p.41.
(24) Những nguyên tắc đạo đức quan trọng khác là một sự giải thích chi
tiết về nguyên tắc cơ bản này. Ví dụ, trong lãnh vực giao tiếp, nguyên
tắc như vậy là sử dụng cách nói ái ngữ và đem lại hòa hợp. Thực hành bố
thí là một ví dụ khác. Một sự giải thích đầy đủ về các “giới luật” đạo
đức Phật giáo, xin xem Sangharakshita, The Ten Pillars of Buddhism,
Windhorse Publications, Birmingham 1999.
(25) Sangharakshita, Vision and Transformation, Windhorse, Glasgow 1990,
ch.2.
(26) Kant, op. cit., p.64.
(27) Sangharakshita, op. cit., ch.4.
(28) Xem Dharmasiri, Gunapala, Fundamentals of Buddhist Ethics, Golden
Leaves, Antioch California, p.2.
(29) Dharmasiri, op. cit., p.11.