Cả thế
giới rung động khi công ty nghiên cứu sinh học American Advanced Technology
(AAT) loan tin là họ đã clone (tạo sinh) được một phôi bào (embryo) của người.
Không những chỉ có giới thẩm quyền thuộc các tôn giáo độc thần lớn tiếng kết
tội các khoa học gia muốn cuớp quyền Thượng Đế, giới khoa học gia, các nhà lập
pháp cũng như chánh quyền các nước Tây Phương vội vã lên tiếng chống đối.
Thượng viện Anh đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thông qua một dạo luật
chống cloning, trong đó những người nào thi hành thí nghiệm cấy một phôi bào
của người, khác hơn là phôi bào đã được kết hợp tự nhiên bởi một tinh trùng và
một trứng, có thể bị kêu án 10 năm tù. Tổng Thống Bush tuyên bố là cloning phôi
bào người là một việc làm trái đạo dức và thúc dục Thượng Viện thông qua dự
luật cấm cloning người. Tuy nhiên Thuợng Viện nói là họ không vội vã trong việc
cấm cloning và sẽ điều tra xem kỹ thuật này có giúp ích gì trong việc chữa các
chứng bịnh hiểm nghèo cho dân chúng không. Các phản ứng tại Âu Châu cũng tương
tự. Pháp, Đức, Gia Nã Đại và Ý đều lên tiếng chống đối việc tạo con người trong
phòng thí nghiệm.Tuy nhiên các nhà khoa học di truyền nói là quần chúng phải
phân biệt giữa hai kỹ thuật cloning. Kỹ thuật Cloning thứ nhất là tái tạo một
cá thể con người (productive cloning) và một kỹ thuật khác là tạo những tế bào
để thay thế các tế bào bi hư hại (theurapetic cloning) trong cơ thể. Các nhà
khoa học nói là các tế bào này chỉ là mầm sống sơ khởi, chưa phải là một cá thể
người, do đó không liên hệ dến các vấn đề đạo đức về hủy diệt sự sống. Các phôi
bào do AAT cấy được chỉ mới sinh ra chừng 6 tế bào khác, tuy nhiên chúng có đầy
đủ các yếu tố di truyền của người cung cấp tế bào.
Vatican dĩ nhiên nghiêm khắc lên án thí nghiệm tái
tạo người cũng như thí nghiệm tái tạo các tế bào phôi sinh (stem cell) để chữa
bịnh. Các chánh phủ Tây Phương mặc dù lên án productive cloning nhưng vẫn cho
phép theurapetic cloning các tế bào phôi sinh dể áp dụng vào việc chữa bịnh.
Phó
giám đốc trung tâm nghiên cứu Advanced Cell Technology, Tiến sĩ Robert Lanza,
nói là công trình này có những tiềm năng lớn lao trong việc chữa các chứng nan
y và cấm đoán việc thử nghiệm này sẽ ngăn chặn những khám phá y học cần thiết
để chữa trị những chứng bịnh hiểm nghèo, như ung thư, tiểu đường và các chứng
run rẩy (Parkinson) ở các người già. Các khoa học gia ở trung tâm ACT tiếp 1
người hiến tế bào để thử nghiệm là Bác sĩ Judson Someville, hiện đang bị tê
liệt và ngồi trên xe lăn vì một tai nạn xe đạp 11 năm trước đây. Bác Si
Someville đã hiến tặng các tế bào ở bắp chân phải để các nhà khoa học cấy một
phôi bào vào. Các tế bào này khi sinh truởng vẫn còn giữ toàn vẹn nhiễm thể của
ông. Nếu các tế bào này sinh trưởng, chúng có thể được thay thế cho các tế bào
hư hại và bác sĩ Someville có thể đi lại được bình thường. Bác sĩ Someville sắp
sữa lập gia đình một lần nữa và có hai cô con gái. Ông nói nếu thí nghiệm thành
công, ông hy vọng một ngày nào đó ông có thể đi dạo bình thường với 2 cô con
gái. Bác sĩ Someville là một người sùng đạo Tin Lành và là một đảng viên đảng
Cộng Hòa, một đảng trên nguyên tắc kịch liệt chống đối kỹ thuật cloning, cho dù
chỉ là cloning chữa bịnh. Bác si Someville nói là ông không ngần ngại gì khi
tham gia vào chương trình này và ông không thấy có một sự xung đột gì với niềm
tin tôn giáo của mình.
So với
các tôn giáo Độc thần Tây Phương, Phật Giáo với lý thuyết duyên khởi là một tôn
giáo không bị những tiến bộ khoa học bỏ rơi và những khám phá mới càng chứng tỏ
thị kiến của đức Phật về sự sống và về vũ trụ rất gần gũi với thị kiến khoa
học.
Lập
trường của Phật Giáo, hay ít nhất là của một số Phật Tử, về khoa di truyền học
như thế nào? Sau đây là bài viết của Christina Desser.
Một học
giả Phật Giáo nổi tiếng ở Mỹ nói đùa: "Nếu cloning được Đức Phật thế giới
này sẽ bỗng chốc biến thành tịnh độ". Đây là một lời nói đùa, nhưng không
phải là không phản ảnh lý tưởng của Phật Giáo; ai cũng có thể là Phật sẽ thành
và giống như nhãn quan của Bồ Tát Thường Bất Khinh, ai cũng là một bồ tát hóa
thân. Tuy nhiên lời nói bông đùa đó phản ảnh một chút lạc quan ngây thơ về
những tiến bộ vuợt bực của khoa sinh học di truyền cũng như những ảnh hưởng
không ai lường trước được về những khám phá của khoa này.
Chúng
ta đang bị mê hoặc bởi những lợi ích có thực hay tưởng tượng: một thế giới
không còn bịnh tật, những khám phá làm vơi khổ đau của con người, đúng như lý
tưởng của đạo Phật. Thực phẩm tăng thêm nhiều chất lượng, được sản xuất dồi dào
và không lo còn có ai bị đói. Y tế sẽ được cải thiện và nếu chúng ta lựa chọn
những gene tốt, cũng như lựa toàn hạt lúa giống tốt, khả năng trí thức của con
người sẽ tăng tiến không giới hạn. Không phải thế giới chỉ có một vài thiên tài
làm đảo lộn lịch sử, hoặc chỉ có một thiên tài độc nhất kiểu Phạm Công Thiện,
mà thiên tài mọc đầy rẫy như cúc vạn thọ. Những ai nghi mình là thiên tài sẽ
lấy làm khó chịu vì trong tương lai không còn ai giữ độc quyền tri thức. Đó là
chưa kể chúng ta có thể khuynh đảo các gene gây bịnh già và biến giấc mộng
trường sanh bất tử của Lão Trang thành sự thật. Nghĩa là con người có khả năng
chấm dứt dòng tiến hóa từ hàng triệu năm nay và kết thúc với một chủng loại
siêu việt! Những mơ ước của chúng ta vô tận. Từ thập niên trước những điều mơ
ước chỉ là những giấc mộng con, không ai ngờ chỉ có hơn 10 năm, những giấc mộng
này bỗng chốc thành sự thật. Đó là một viễn tượng của một hình ảnh niết bàn hay
thế giới tịnh độ của Phật Giáo Đại Thừa có thật ở đây, bây giờ.
Chúng
ta chào mừng các tiến bộ này với cả hai tay và hy vọng như chúng ta đón mừng
những phát minh khoa học khác. Tuy nhiên những áp dụng vào canh nông, y tế và
sinh sản con người sẽ làm đảo lộn tất cả mọi trật tự và khoa sinh học di truyền
sẽ ảnh huởng đến tất cả mọi khía cạnh của đời sống. Trong thời gian qua, việc
cấy gene vào các chủng loại khác (transgenic) đã được áp dụng để biến đổi bắp,
lúa mì, gạo và các mùa màng khác; việc chế tạo các vũ khí sinh học di truyền
được tiến hành một cách thầm lặng nên không ai chú ý; chế biến năng lượng; sản
xuất các dược liệu và các phương pháp điều trị y khoa. Khi phối hợp với kỹ
thuật tái tạo (productive cloning) chúng ta có thể thay đổi các nhiễm thể di
truyền của thế giới hữu tình. Mặc dù khoa sinh học di truyền bắt dầu viết lại
pho lịch sử tiến hóa của nhân loại, phần lớn chúng ta cũng còn lờ mờ về các áp
dụng này. Trong khi tôn giáo Tây Phương còn chăm chú vào những vấn đề như phá
thai, các liên hệ sinh lý thái quá, các bạo hành cơ thể, chủng tộc và phái tính,
khoa sinh học di truyền trẻ trung đã có những tiến bộ nhanh chóng về canh nông
và y tế và hậu quả của các áp dụng này chưa được giới Phật Tử để ý tới một cách
đúng mức.
Quan
diểm Phật Giáo về các vấn đề này ra sao? Khoa học di truyền có phải một đáp ứng
nhân đạo cho những đau khổ của con người? Hay đó chỉ là một hình thái vô minh
nguy hiểm phát sinh từ tham, sân và si để kích thích hành dộng con người?
Các cơ
quan nghiên cứu khổng lồ trên mặt trận canh nông như Monsanto, Novarris, DuPont
và các nhà khoa học đang biến đổi gene của hạt giống - cổ vỏ cho khoa di
truyền, dựa trên những lý do nhân đạo. Các người này nói là khoa di truyền cần
thiết vì nông phẩm sẽ được sản xuất dồi dào hơn và không còn ai bị đói ăn nữa.
Khoa di truyền sẽ giúp làm giảm lượng thuốc xịt sâu rầy. Khoa di truyền giúp
việc bào chế các dược phẩm mới cũng như các thuốc chủng ngừa cho dân nghèo. Tuy
nhiên những hành động của họ, của các công ty này chứng tỏ những lời tuyên bố
đầy nhân đạo này không đúng sự thật. Việc cung cấp thức ăn cho người nghèo
không thể nào đủ lời để cho các công ty lớn này theo đuổi công trình nghiên cứu
về di truyền học. Hiện chỉ mới có một loại nông phẩm được chế biến để làm tăng
dinh dưỡng có tên là Gạo Vàng (Golden Rice) do các nhà khoa học được tài trợ
duy nhất bởi công ty này. Cho tới ngày hôm nay có người nghi ngờ về hiệu năng
của vụ mùa có gene bị chế biến này.
Ngoài các vụ biến dổi gene của các nông phẩm, có những thú vật được chuyển gene
(transgenic) như dê, bò, chuột và heo. Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm
của Mỹ sắp sửa chấp thuận cho phép chương trình nuôi cá hồi (salmon) có gene
được biến đổi để cá có khả năng lớn thật nhanh và do đó các công ty nuôi cá sản
xuất được nhiều, và dĩ nhiên là có lời nhiều. Ở Trung Quốc một loại cá chép
được đổi gene có lẽ đã được tung ra thị trường. Các nhà khoa học chuẩn bị thả
vào thiên nhiên một loại bọ đã bị đổi gene. Loại bọ này khi làm tình với các
con bọ cái khác sẽ sinh ra một loại trứng bị hư và do đó sẽ tiêu diệt các loại
bọ trước đây đã tàn phá mùa màng bông vải. Tuy nhiên điều nguy hiểm là những
con bọ đổi gene không thể nào thu hồi lại được. Trong khi những loại thảo mộc,
bọ và cá có gene bị biến đổi sẽ thay đổi quá trình tiến hoá của môi sinh thiên
nhiên, những con người được tạo sinh (cloned) và có gene biến đổi sẽ vĩnh viễn
làm thay đổi quá trình tiến hóa của con người. Những điều mà mới đây mà chúng
ta nghĩ chỉ là khoa học giả tưởng, bây giờ đã thành sự thực. Hơn 50 năm trước
Hitler mơ ước tạo được một chủng loại Aryan toàn hảo và giấc mơ đó chỉ được
điện ảnh hoá qua phim The Boys From Brazil do Gregory Peck đóng vai chánh, bây
giờ có thể thực hiện một cách dễ dàng, nếu luật pháp cho phép! Trên thực tế
giáo phái Raelians hy vọng có thể tạo sinh (cloning) một đứa con đã chết của
hai tín đồ trong một phòng thí nghiệm bí mật.
Một thí
nghiệm tạo sinh khác do tiến sĩ Panayiotis Zaros của viện nghiên cứu Mỹ Andrology
và Trung Tâm Kentucky Centre for Reproductive Medicine đã thực hiện. Tiến sĩ
Zaros đã có những nổ lực tạo sinh người cho các cặp vợ chồng không có con cái.
Nhà khoa học này hy vọng rằng việc tạo sinh người sẽ thành công trong vòng một
năm. Nhiều người muốn tạo sinh vì nhiều lý do khác nhau. Hoặc là họ muốn làm
sống lại một người thân yêu đã chết. Hoặc là họ muốn mình trường sanh bất tử.
Hoặc là họ không có con nối dõi.
Trên
quan điểm đạo đức Phật Giáo, việc tạo sinh nẩy ra nhiều vấn đề rắc rối. Có phải
chăng ý muốn cho người thân sống lại là một hình thái bám chặt vào cái thân như
diện ảnh mà Đức Phật đã cảnh cáo? Có phải chăng việc tạo sinh chính mình là một
hình thức chấp ngã đi ngược lại với nguyên tắc vô thường trong tất cả kinh điển
Phật Giáo? Những cặp vợ chồng không có con cái muốn có người nối dõi qua hình
thức tạo sinh cũng là một hình thức chấp ngã và kéo dài các vòng luân hồi vô
tận!
Những
cặp vợ chồng có khả năng có con cái muốn có con theo ý mình (design baby) sau
khi đã gạn lọc những gene hạ đẳng và cấy vào những gene tốt và do đó sẽ tạo ra
một chủng tộc thượng đẳng mà Hitler ngày xưa đã mong muốn? Những người chống
đối việc chuyển gene để tạo ra design babies nói là trong tương lai gần, sẽ có
hai "giống" người khác nhau. Một giống tự nhiên "trời sinh sao
thì cứ để vậy" và một "giống" người đã được chuyển gene thượng
đẳng. Nhà sinh vật tế bào Lee Silver cho rằng nếu cloning và kỹ thuật chuyển
gene được luật pháp bật dèn xanh, xã hội Mỹ trong tương lai sẽ có hai
"giống" người. Giống người được chuyển gene chiếm 10% trong xã hội Mỹ
và họ sẽ nắm tất cả các địa vị đầu não trong các lĩnh vực truyền thông, kinh tế
và kiến thức (đại học), trong khi 90% còn lại sẽ làm những nghề hạ tiện.
Tới một lúc nào đó hai giống người này không còn liên hệ với nhau nữa và những
cuộc hôn nhân "dị giống" sẽ không bao giờ xảy ra nữa, tương tự như
tình trạng giữa người và vuợn, hai bên sẽ không thể nào có những liên hệ sinh
lý nữa. Lục đạo của Phật Giáo sẽ trở thành "thất đạo", bảy nẻo luân
hồi! Và tình trạng này cũng không khác gì xã hội đẳng cấp của Ấn Độ là bao.
Thay vì dùng thần quyền dể biện minh cho đẵng cấp như các giáo sĩ Bà La Môn,
giống người thượng đẳng sẽ dùng gene toàn bích để biện minh tại sao họ là những
người sinh ra để lãnh đạo, ăn trên ngồi trước. Khoa học giả tuởng? Viễn tượng
một xã hội có hai "giống" người khác biệt, một có gene toàn bích, một
giống người tự nhiên, gần hơn mọi người nghĩ nhiều!
Tất cả
những thí nghiệm tạo sinh (cloning) thường được thi hành bí mật trong các phòng
thí nghiệm và hiện nay không ai biết là khả năng tạo sinh của các nhà khoa học
đến mức nào rồi. Sẽ có những hậu quả không thể nào lường được cho con người và
các chủng loại khác.
Những
công ty lớn đang nghiên cứu việc biến đổi gene không thèm dể ý đến những hậu
quả đến môi sinh của chúng ta. Trên thực tế không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra
khi việc chuyển đổi và hỗn hợp các gene giữa những chủng loại khác nhau được
thực hiện. Về sự chuyển gene giữa các cây cỏ khác nhau, Steve Jones, giáo sư
khoa di truyền ở đại học Luân Đôn tin rằng sự ô nhiễm gene sẽ không thể nào
tránh được. Các gene đã được chuyển đổi trong thực vật sẽ lẫn lộn với các gene
khác và có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nguy hại. Nếu như côn trùng có gene
làm tuyệt giống tràn lan, thình lình tất cả các côn trùng đều biến mất. Không
có côn trùng thì môi sinh không thể tồn tại, không có thụ phấn, không kết hoa
hay quả. Nếu môi sinh trong tình trạng mất thăng bằng thì thế giới và nhân loại
sống còn nữa không? Cái này có thì cái kia có. Cái này không còn thì cái kia không
còn, chưa bao giờ thuyết duyên khởi của Phật Giáo trở nên minh bạch và dễ hiểu
như thế!
Khi
nghiên cứu về những vấn đề này Phật Tử sẽ suy nghĩ như thế nào? Michel
Houellebecq tác giả quyển tiểu thuyết giả tuởng Elementary Particles (Vi Trần?)
cho rằng Phật Giáo có thể đồng ý với cloning, hay ít ra là cũng không phản đối.
Một trong những nhân vật trong truyện phát biểu: Rồi đây con người như chúng ta
biết hiện nay sẽ biến mất, nhường chỗ cho một cho một chủng loại mới trung lập
về phái tính, không đàn ông mà cũng không phải là đàn bà, vượt lên trên cá
nhân, phân biệt cá thể và tiến hoá. Không cần nói là những tôn giáo chủ trương
mặc khải phản dối quyết liệt những kỹ thuật này. Chỉ có Phật Giáo là tuy có im
lặng và nghi ngờ, tuy nhiên tất cả những lời dạy của Đức Phật dều dựa trên đệ
nhất đế, khổ đế, và phần lớn đề cập đến sinh lão bịnh tử, và nếu Đức Phật quán
niệm về những vấn đề này, Ngài không nhất thiết phản bác kỹ thuật cloning.
Tôi
(tác giả) nghĩ là quan điểm của Houllebecq không đại diện cho chánh kiến, tuy
nhiên có dịp nào những tu sĩ và học giả Phật Giáo có dịp thảo luận về vấn dề
này, có nhiều ý kiến thích thú mới sẽ nẩy sinh và có thể đưa chúng ta sang một
buớc ngoặc bất ngờ. Trong một thế giới mà con người có khả năng (hay nghĩ mình
có khả năng) kiểm soát quá trình tiến hoá của chính chủng loại của mình và môi
sinh quanh mình, quan niệm về nghiệp của Phật Giáo có thay đổi không? Chúng ta
có quyền gì thay đổi quá trình tiến hoá của các thế hệ tương lai? Kỹ thuật tạo
sinh - sinh sản mà không cần có liên hệ sinh lý - có giúp chúng ta tránh khỏi
bị ràng buộc những ham muốn về sinh lý? Kỹ thuật tạo sinh có củng cố quan niệm
chấp ngã và ái ngã nhiều hơn hay là phân hóa ngã của chúng ta thành những cái
ngã con con (mini-me’s) và làm cho chúng ta mau giải thoát hơn? Hay là những kỹ
thuật tân tiến này khiến chúng ta càng ôm chặt cái ngã "duy ngã độc tôn vô
thượng" của mình và muốn kéo dài tuổi già đau khổ của mình mà Đức Phật đã
tiên kiến? Quá trình thành trụ hoại diệt có còn đúng không và duyên khởi sẽ
dóng vai trò nào?
Kỹ
thuật thay đổi, biến hoá và đùa bỡn với đời sống hiện nay trong khoa học di
truyền là những khám phá có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử nhân loại, cũng
giống như lúc con người khám phá ra lửa và tách nhỏ các hạt nhân nguyên tử.
Phải có một nền đạo đức mới để hướng dẫn những quyết định về chánh trị và kinh
tế để cùng đi tới với khoa học tạo sinh, bởi vì chúng ta không thể ngăn cản
những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật và thái dộ cấm đoán của Vatican chỉ phản
ảnh cho một thái độ tiêu cực và vô bổ. Nghiên cứu những vấn đề này có thể làm
sáng tỏ hơn về vai trò của đạo đức Phật Giáo cũng như có thể góp phần một phần
nào vào việc thiết lập những nguyên tắc đạo đức mới cho toàn thể nhân loại.
Nếu
Phật Tử, nhất là những người xuất gia, chỉ loay hoay với những mối lo âu hình
thức lặt vặt như tạo phước điền, tụng kinh Pháp Hoa mấy thời, niệm Phật giải
thoát, chỉ tự biến mình thành những ông thầy cúng, thầy tụng, hoàn toàn biệt
lập với đời sống và biến đạo Phật thành những giáo phái kiểu Vô Thượng Sư chuyên
đi lừa bịp các tín đồ nhẹ dạ. Có thể trích ra một thiền ngữ thích hợp cho hình
thức tu này là, mái ngói nghìn kiếp, ngói vẫn còn là ngói, chẳng bao giờ ngói
trở thành gương.
(Viết
theo Christina Desser, Tricycle số Kỷ Niệm Mười Năm, Mùa Thu 2001.)