Khoa học giải thích vũ trụ bắt đầu từ Big Bang. Trước Big Bang là một
vũ trụ khác. Sau Big Bang là vũ trụ mà ta đang sống. Theo Phật giáo,
Big Bang và những gì diễn ra sau đó đều là vô thủy vô minh. Vô thủy là
không có bắt đầu. Vô minh là không sáng tỏ, là mê mờ, đó chính là nhân
duyên số một làm phát sinh vũ trụ vạn vật. Thuật ngữ vô thủy vô minh là ý
nói tất cả chỉ là hiện tượng tâm lý, là không có thật. Vì không có thật
nên không có bắt đầu, không có kết thúc, không có sinh diệt. Vì vô minh
nên thấy có vũ trụ vật chất, có sinh diệt, vì vậy mới có sinh tử luân
hồi, mới có khổ sướng. Đức Phật dựa trên tâm lý mê muội của chúng sinh
mà tiêu biểu là con người, thuyết giảng 12 nhân duyên để chúng hiểu đại
khái vì sao từ Không, không có gì cả mà thành ra có Tam giới. Tam giới
là 3 cõi giới :
- Dục giới chính là cõi giới của Con Người thế gian nhiều ham muốn,
cõi vật chất có khối lượng, có trọng lượng. Trên cõi Người là cõi trời
Lục Dục Thiên, chúng sinh cõi này có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian.
Thấp hơn cõi Người là cõi của A-tu-la (阿修羅; asura, có 3 loại : ác thần, quỷ, quái vật), Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục.
- Sắc giới là cõi có hình tướng mà không có khối lượng, không có
trọng lượng, vật chất của cõi này chỉ còn là hào quang, ánh sáng, thông
tin, sóng, năng lượng. Chúng sinh cõi này ít ham muốn, không còn xác
thân vật chất, nhưng còn hình dáng, có thể thấy và nghe được.
- Vô Sắc giới là cõi không còn hình tướng, chỉ còn thông tin mà thôi,
kinh điển có đề cập tới Cõi Trời gọi là Phi tưởng phi Phi tưởng xứ là
một cõi Vô Sắc. Chúng sinh cõi này giao tiếp với nhau trực tiếp qua ý
niệm, cá thể này khởi niệm thì cá thể kia đã hiểu, không cần ngôn ngữ
lời nói.
Thuyết Thập nhị nhân duyên chủ yếu tập trung hướng về con người để
thuyết giảng. (Xin xem bài Thập nhị nhân duyên). Bốn nhân duyên đầu (Vô
minh, Hành, Thức, Danh Sắc) là sự vận động tự thân của cấu trúc ảo vật
chất, (nói theo khoa học là quark hình thành proton, neutron, hạt nhân
nguyên tử, rồi phối hợp với electron tạo ra nguyên tử của các nguyên tố,
một số nguyên tử kết hợp thành phân tử vô cơ như H2, O2, N2, một số nguyên tử khác kết hợp với các phân tử này thành thành một phân tử rất cơ bản cho sự sống là nước H2O và thành các phân tử hữu cơ như acid amin, tiêu biểu là glycine, một acid amin đơn giản nhất C2H5NO2 còn được viết dưới dạng NH2CH2COOH
Rồi các phân tử hữu cơ hình thành nên tế bào sinh vật, kết hợp với
nhiều nguyên tố khác tạo ra cơ thể sinh vật, rồi tiến hóa dần thành ra
sinh vật, con người.)
Phật giáo gọi chung sự kết hợp vô cùng phức tạp đó là trùng trùng
duyên khởi. Tại sao có thể cấu trúc được những vật vô cùng phức tạp và
tinh tế như vậy ? Vì cái nền hay cơ bản của nó là Phật tánh, tánh giác
ngộ, tánh biết, thuật ngữ Phật giáo gọi là Chánh biến tri, tức cái biết
bất nhị (không có năng tri và sở tri) cùng khắp không gian và thời gian,
không có hạn lượng. Cái biết đó tạo ra vũ trụ, thiên hà, mặt trời, hành
tinh, vạn vật, con người. Đúng ra vạn vật ban đầu chỉ có Sắc (vật chất)
mà chưa có Danh (tên gọi) chỉ khi có con người xuất hiện, có ý niệm mới
có tên gọi.
Tánh thấy tạo ra nhãn căn (mắt). Tánh nghe tạo ra nhĩ căn (tai). Tánh
ngửi tạo ra tị căn (mũi). Tánh nếm tạo ra vị căn (lưỡi). Tánh sờ mó
tiếp xúc tạo ra thân thể (thân căn), thân thể có nhiều cơ quan nội tạng
giúp cơ thể hoạt động và tăng trưởng theo một chương trình thông tin di
truyền chứa trong nhân tế bào gọi là nhiễm sắc thể (DNA DeoxyriboNucleic
Acid). Tánh biết tạo ra ý căn (não bộ) là trung tâm tổng hợp và điều
khiển mọi hoạt động của cơ thể và từ đó có khả năng suy nghĩ trừu tượng
nhờ vào khả năng ghi nhớ của các tế bào thần kinh.
Trên đây là sự hình thành lục căn.
Đồng thời với sự hình thành lục căn là sự giao tiếp với lục trần.
-Những gì thuộc về màu sắc, hình dáng, trở thành đối tượng của mắt.
Mắt là cơ quan tiếp nhận thông tin của đối tượng qua trung gian là ánh
sáng. Ánh sáng mặt trời có 7 màu, màu sắc chỉ là cảm nhận của ý thức,
phân biệt bằng độ dài sóng của từng ánh sáng đơn sắc như bảng sau :
Ánh sáng |
Độ dài sóng (nm) |
Năng lượng sóng (eV) |
Tia tử ngoại |
ngắn hơn 380 |
lớn hơn 3,3 |
Tím |
380 |
3,3 |
Xanh dương |
450 |
2,8 |
Xanh lá cây |
530 |
2,3 |
Vàng |
580 |
2,1 |
Đỏ |
720 |
1,7 |
Tia hồng ngoại |
dài hơn 720 |
nhỏ hơn 1,7 |
Bảng 1: Độ dài sóng và năng lượng sóng.
Con người dựa vào kiến thức này để chế tạo máy chụp hình và quay
phim. Ngày xưa người ta dùng phim có tráng hóa chất để ghi nhận hình
ảnh. Ngày nay người ta không dùng phim nữa mà dùng thẻ nhớ kỹ thuật số
để ghi nhớ, tiện lợi hơn rất nhiều. Bây giờ tất cả điện thoại di động
thông minh (smartphone) đều có camera để quay phim chụp ảnh.
-Âm thanh, tiếng động trở thành đối tượng của tai. Âm thanh hay tiếng
động có bản chất là sóng, truyền đi qua không khí. Tai người có thể
nghe được dao động của sóng âm trong khoảng tần số từ 20 Hertz đến 20
Kilohertz. Sóng điện từ có tần số dao động cao hơn, tai người không nghe
được, nhưng những thiết bị như radio thu được và biến trở lại thành âm
thanh mà tai người nghe được qua loa (speaker). Radio sử dụng tính chất
cộng hưởng giữa sóng và máy thu để dò đài, khi dò trúng đài thì sự cộng
hưởng làm cho biên độ dao động được khuếch đại rất nhiều khiến tai nghe
rõ. Sóng điện từ có độ dài bước sóng từ 380 nm đến 720 nm (nanometre = 1
phần tỉ metre) thì mắt người nhìn thấy được, đó chính là ánh sáng. Tính
chất cộng hưởng còn được sử dụng trong lò vi ba, khi tần số của vi ba
trùng với tần số cộng hưởng của các phân tử hữu cơ trong thức ăn thì
thức ăn hấp thụ mạnh năng lượng của vi ba nên nóng lên rất nhanh, rất
tiện để hâm nóng lại thức ăn đã nguội.
Mùi thơm hay hôi trở thành đối tượng của mũi. Bản chất của mùi là
phản ứng hóa học giữa tế bào khứu giác và các phân tử của một số chất
khuếch tán trong không khí. Tế bào mũi nhận ra các phân tử đó khi so
sánh chúng với dữ liệu chứa sẵn trong ký ức, đánh giá thơm hay hôi có
thể là chủ quan của từng cá thể. Ví dụ mùi sầu riêng có thể là thơm đối
với một số người, nhưng là hôi đối với một số người khác. Mùi hôi tanh
của súc vật hay cá tép là cảm giác của người chớ đối với chúng là bình
thường.
Vị ngọt, mặn, cay, nồng, chua, đắng, chát…trở thành đối tượng của
lưỡi. Tế bào lưỡi nhận ra vị của thức ăn, nước uống, qua các phân tử,
thông tin truyền vào não, ký ức so sánh và nhận ra, ví dụ muối thì mặn,
đường thì ngọt, chanh thì chua, cà phê thì đắng, ớt thì cay, chuối sống
thì chát, mỡ thì béo v.v…
Cảm giác trơn, láng, nhám, sần, khô, ướt, sướng, đau, rát, bỏng,
ngứa…trở thành đối tượng của thân thể. Các tế bào thần kinh trên da,
trên một số vùng của cơ thể thu nhận thông tin qua tiếp xúc. Ví dụ cầm
ly nước nóng 70 độ có cảm giác nóng, nếu là ly nước đá thì có cảm giác
lạnh. Tay sờ vào lụa có cảm giác trơn láng, sờ vào nền xi măng cho cảm
giác nhám. Khi bị đánh thì có cảm giác đau. Xúc giác là cảm giác quan
trọng trong sinh hoạt tính dục nam nữ. Loại cảm giác này quan trọng đến
mức nó trở thành đặc trưng của cõi giới. Cõi giới của con người được gọi
là dục giới. Dục là ham muốn, một trong những ham muốn chủ yếu của cõi
này là tính dục. Tính dục là để sinh con đẻ cái, lưu truyền nòi giống,
nhưng đối với con người, tính dục còn đem lại cảm giác khoái lạc, sung
sướng hạnh phúc, cảm giác này ngày càng trở nên quan trọng hơn sự truyền
giống. Trên cơ thể con người có những điểm nhạy cảm, như điểm G chẳng
hạn, khi bị kích thích thì có cảm giác khoái lạc, kích thích liên tục
thì dẫn đến cực khoái (orgasm). Trong giao hợp, cực khoái dẫn đến phóng
thích tinh dịch từ người nam vào người nữ, có thể đưa đến sự thụ thai
khi tinh trùng gặp được trứng. Chính vì ham muốn về tính dục là một nhu
cầu rất mạnh, nên một trong 5 giới cấm căn bản trong giới luật Phật giáo
là bất tà dâm (không tính giao ngoài quan hệ vợ chồng) đối với Phật tử
thọ ngũ giới [bất sát sinh, bất thâu đạo (không trộm cắp), bất tà dâm,
bất vọng ngữ (không nói dối), bất ẩm tửu (không uống rượu)]
Các pháp (dharma, pháp là thuật ngữ Phật giáo có nghĩa rất rộng, chỉ
chung tất cả mọi sự vật là vật chất, kể cả những vật không hiện hữu như
lông rùa, sừng thỏ, và mọi khái niệm của tinh thần, lý trí, tình cảm…đều
được gọi là pháp) trở thành đối tượng của ý căn. Như vậy đối tượng của ý
căn rất rộng lớn, bao gồm mọi lĩnh vực, từ vật chất tới tinh thần. Mọi
hoạt động của xã hội loài người từ sản xuất vật chất đến văn hóa, nghệ
thuật, triết học, văn học, khoa học, lịch sử, luật pháp đều thuộc về ý
thức.
Sự giao tiếp giữa lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não) và lục
trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phát sinh lục thức (thấy, nghe,
ngửi, nếm, xúc giác, ý thức). Phật giáo gọi chung lục căn, lục trần và
lục thức là 18 giới hay nói rõ hơn là 18 cảnh giới. Tất cả 18 cảnh giới
đều là tâm cảnh chứ không phải vật cảnh, vì vật xét cho cùng là không có
thật, mặc dù lục căn và lục trần phần lớn là vật chất, chỉ có pháp trần
có thể một phần là tinh thần, bởi vì não phải nhận thông tin từ các
giác quan, so sánh với dữ liệu lưu trữ trong ký ức mới có được nhận
thức. Nếu ký ức không có dữ liệu, ví dụ đứa trẻ sơ sinh, không có gì để
so sánh, thì nó không hiểu không biết gì cả. Có những đứa trẻ chưa học
mà biết, đó là do ký ức của nó còn lưu lại những dữ liệu của kiếp trước.
Đối với người giác ngộ, đã mở được a-lại-da thức thì biết cả quá khứ vị
lai, vì bản chất đích thực của pháp giới là vô thủy vô chung, không có
không gian, không có thời gian, không có số lượng.
Lục thức là cái biết của nhất niệm vô minh, khi bộ máy hoạt động,
từng ý niệm được phát sinh liên tục không ngừng nghỉ, tạo thành một dòng
ý thức. Dòng ý thức này được mạt-na thức nhận là của nó, hình thành bản
ngã, thông tin của ý thức được tích lũy trong a-lại-da thức. Khi một
người chết đi, xác thân tan rã, lục căn không còn, nhưng thông tin vẫn
còn nguyên trong a-lại-da thức. Như vậy khi một người chết, vong linh
vẫn còn, một số nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng có thể tiếp xúc với
vong linh, thấy được hình tướng của họ. Họ không còn ở trong Dục giới
mà đã qua Sắc giới. Phật giáo không gọi đó là vong linh hay linh hồn mà
gọi là thần thức là năng lực chuyển tiếp trước khi đầu thai vào một kiếp
sống mới, tùy theo nghiệp chướng mà sẽ đi vào một trong lục đạo (sáu
đường) từ cao xuống thấp như sau, 3 đường trên là thiện đạo có phước
báo, 3 đường dưới là ác đạo bị quả báo, lục đạo là :
1 Trời . Cõi trời thuộc Dục giới gồm 6 tầng gọi là Lục Dục Thiên bao gồm : Tứ thiên vương (四天王, sa. cāturmahārājika)), Đao lợi (忉利 hay Tam thập tam thiên 三十三天, sa. trayastriṃśa tức 33 cõi trời ), Tu Dạ Ma Thiên (須夜摩天, sa. suyāma), Ðâu Xuất Thiên ((兜率天, sa. tuṣita), Hóa Lạc Thiên (化樂天, sa. nirmāṇarati), Tha Hóa Tự Tại Thiên (他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti). Nói chung chúng sinh ở cõi trời có nhiều phước báo nên có thọ mạng lâu dài, hưởng nhiều lạc thú.
Cõi trời thuộc Sắc giới có 4 cảnh giới là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam
thiền, mỗi cảnh giới có 3 loại cõi trời khác nhau, riêng Tứ thiền có
tới 7 loại khác nhau.
Cõi trời thuộc Vô Sắc giới có 4 cảnh giới :
a. Phi tưởng, phi phi tưởng thiên (Devas of Sphere of Neither-perception nor non-perception; Nevasaññā-nasaññā-yatanūpagā devā)
b. Vô sở hữu thiên (Devas of Sphere of No-thingness; Ākiñcañña-yatanūpagā devā)
c. Thức vô biên thiên (Devas of Sphere of Infinite Consciousness; Viññānañca-yatanūpagā devā)
d. Không vô biên thiên (Devas of Sphere of Infinite Space; Ākāsānañca-yatanūpā devā)
2 Người . Người và súc sinh ở chung trong 4 châu lục
là Đông Thắng Thần Châu, Bắc Câu Lư Châu, Nam Thiệm Bộ Châu (còn gọi là
Diêm Phù Đề hay Ta Bà) và Tây Ngưu Hóa Châu. Ở giữa các châu là núi Tu
di. Đó là đại khái quan niệm về địa lý thế giới của thời Đức Phật. Đông
Thắng Thần Châu là Trung Quốc; Bắc Câu Lư Châu là Tây Tạng, Bắc Trung Á;
Nam Thiệm Bộ Châu là Nam Á ; Tây Ngưu Hóa Châu là Tây Á, Ả Rập. Núi Tu
Di là dãy Hy Mã Lạp Sơn.
3 A-tu-la : có 3 loại. A-tu-la thiên đạo có phước
báo nhưng hình dung xấu xí thuộc loại ác thần chứ không được đẹp đẽ như
thiên thần. A-tu-la quỷ đạo giống như quỷ nhưng không phải ngạ quỷ.
A-tu-la súc đạo giống như thú nhưng là quái vật chứ không phải thú bình
thường.
4 Súc sinh. Tức các loại thú, cầm, thủy tộc và các chủng loại như bò sát, côn trùng có cánh bay được, hay chỉ cựa quậy như sâu bọ, giòi.
5 Ngạ quỷ. Loài quỷ đói lúc nào cũng đói khát nhưng
không thể ăn được vì cấu tạo cơ thể quái dị, cổ nhỏ bằng cây kim, không
nuốt được thức ăn.
6 Địa ngục. Là nơi giam giữ chúng sanh có nhiều ác
nghiệp, có thể bị treo ngược và đói khát triền miên nhưng không thể ăn
được, thức ăn đưa đến miệng thì hóa thành lửa. Kinh điển có nêu trường
hợp của Bà Thanh Đề, mẹ của Mục Kiền Liên, chịu khổ ở địa ngục.
Tất cả các cảnh giới trên đều là do tâm tạo, tùy theo nghiệp thiện ác
mà cảnh hiện ra lành thanh tịnh, vững bền, hay dữ, ô uế, khổ sở, nhiều
biến cố như thiên tai khủng khiếp, nước, gió , lửa hoành hành. Chúng
sinh trong tam giới có 4 kiểu sinh sản hay xuất hiện :
a. Noãn sinh (Andajayoni): loài sinh ra từ trứng, như loài chim, ngỗng, khổng tước, gà, rắn, cá, côn trùng…
b. Thai sinh (Jalabuja, còn gọi Phúc sinh): loài sinh ra từ thai mẹ, như người, voi, ngựa, trâu, bò, heo, dê, lừa…
c. Thấp sinh (Samsedaja, còn gọi nhân duyên, hàn nhiệt hòa hợp sinh):
loài sinh ra từ nơi ẩm ướt, hay có điều kiện thuận lợi như vi trùng, vi
khuẩn.
d. Hóa sinh (Opapatika): Là cách xuất hiện không cần có cha mẹ, do
nghiệp lực mà hiện sinh, gọi là hóa sinh, như : chư thiên, địa ngục,
trung ấm, đều do nghiệp lực đời quá khứ khi tới hạn thì sinh ra.
Tuy tóm gọn trong 18 cảnh giới của căn, trần, thức, nhưng thực tế là
bao trùm cả vũ trụ vạn vật, bởi vì tiền ngũ căn (mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân) nhận biết những đối tượng căn bản nhất, còn não bộ có khả năng lý
luận và tư duy trừu tượng tức không cần có đối tượng ngay hiện tiền mà
chỉ cần có ký hiệu để thay thế hiện vật. Ký hiệu bao gồm hình ảnh, ngôn
ngữ, chữ viết, các ký hiệu đặc biệt khác như ký hiệu toán học, vật lý
học, hình học…Những hiện tượng phức tạp còn được khái quát hóa thành mô
hình, như mô hình nguyên tử vật chất, mô hình kinh tế, những sự vật cụ
thể phức tạp có thể được vẽ thành sơ đồ…Do đó cái biết của bộ óc ngày
càng nhiều và tinh vi. Nhiều sự vật trong thiên nhiên không có, nhưng bộ
óc thông minh của con người sáng tạo ra để sử dụng như tàu thủy, xe
hơi, máy bay, máy vi tính, sóng điện từ dùng trong radio, tivi;
bluetooth, wi-fi, 3G, 4G dùng trong điện thoại di động và internet. Vô
số phát minh sáng chế trong tất cả mọi ngành hoạt động khiến cho khả
năng sản xuất vật chất và phi vật chất của con người tăng lên rất nhiều
so với thời xưa. Bộ óc với tư duy trừu tượng có thể hiểu được nhiều điều
kỳ diệu vượt rất xa so với những cái thấy nghe hay biết thông thường.
Do đó Pháp trần, đối tượng của não bộ, tức ý căn, bao trùm cả Tam giới
mênh mông, từ thiên thể vĩ mô cho tới thế giới vi mô hạ nguyên tử
(subatomic), ý thức đều có thể đạt tới.
Chẳng hạn, thông thường thấy con trâu, con ngựa, heo gà, cá tôm, sông
núi, nhà cửa, xe cộ, cơm nước là vật chất và cho rằng chúng có thật
100% vì mắt thấy, tai nghe, thân thể tiếp xúc, ngửi thấy mùi, nếm thấy
vị, ăn no, tiêu hóa được, có tăng trọng, đâu còn chỗ nào để nghi ngờ
rằng chúng không có thật ? Nhưng trí óc tư duy chặt chẽ biết vật chất
cấu tạo bởi những hạt ảo như quark, electron, những hạt này nếu bị cô
lập thì chúng không tồn tại, chúng chỉ hiện hữu khi được kết hợp, ví dụ 2
quark up kết hợp với 1 quark down thì xuất hiện hạt proton; 1 quark up
kết hợp với 2 quark down thì xuất hiện hạt neutron. Proton và neutron là
những hạt vô cùng bền vững tạo thành hạt nhân của nguyên tử. Hạt nhân
kết hợp với electron thì tạo thành nguyên tử vật chất. Như vậy nguyên tử
chỉ là sự kết hợp nhân duyên của các hạt ảo, nguyên tử không phải là
vật. Vậy tại sao ta lại thấy nguyên là vật, là đơn vị đầu tiên của vật
chất ? Đó là vì ta có lục căn, đó là một bộ máy ảo hóa có khả năng phát
sinh nhất niệm vô minh, nói vô minh là vì mê mờ, không thấy rõ, không
biết rõ, bị lầm lạc, nên tưởng tượng ra vật. Cũng giống như máy vi tính,
mỗi dao động của con chip tương ứng với một niệm của con người. Con
chip dao động hàng tỉ lần trong một giây, biến những dãy số nhị phân 0
và 1 có cấu trúc thiên hình vạn trạng, thành chữ viết, hình ảnh, âm
thanh, video mà ta nhìn thấy trên màn hình. Cũng tương tự, cấu trúc ảo
của nguyên tử, của các loại vật chất khác nhau (Phật giáo gọi là vô thủy
vô minh) chỉ hiện hữu trên cái phông của tâm thức hình thành từ vô số
nhất niệm vô minh liên tục. Không có cái đơn vị tư tưởng là nhất niệm vô
minh thì cũng không có vật gì cả, bởi vì tất cả mọi cấu trúc của vật
chất đều là ảo, là không có thật, nên cần có nhất niệm vô minh để tưởng
tượng ra. Vì lẽ đó thuyết Thập nhị nhân duyên của Phật giáo lấy Vô minh
làm nhân duyên cơ bản.
Vậy lý trí của ta hiểu rõ vật chất chỉ là thế lưu bố tưởng chứ không
phải thật, song ta không thể tự mình chứng tỏ được điều đó, vì đã từ bao
nhiêu kiếp ta đã chấp thật cho là vật chất có thật. Chính tâm chấp thật
kiên cố đã làm cho các hạt quark dính chặt vào nhau trong cấu trúc
proton và neutron tạo thành hiện tượng mà khoa học gọi là sự giam hãm
(confinement) tức là 3 hạt quark bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt proton
không cách nào phá vỡ được. Dù khoa học có thể bắn phá làm vỡ hạt nhân
nguyên tử, tạo thành nguyên tố khác và phát sinh năng lượng nhưng hạt
proton và hạt neutron vẫn còn nguyên không bị phá vỡ. Cho dù ngày nay
người ta có chế tạo được chiếc máy gia tốc khổng lồ LHC (Large Hadron
Collider), gia tốc chùm hạt proton đạt tới vận tốc gần bằng ánh sáng,
cho hai chùm hạt đi ngược chiều, va đập vào nhau, cũng không đủ sức phá
vỡ hạt proton.
Chỉ khi nào hoàn toàn bỏ được tâm cố chấp, kiến tánh, vận dụng được
sức mạnh tâm linh của Phật tánh thì mới phá vỡ được hạt proton, đạt tới
Sự Sự vô ngại, tức có thể đi xuyên qua tường, một điều mà Trương Bảo
Thắng đã từng biểu diễn đi xuyên tường của Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc
Kinh năm 1982.
Bộ óc con người có khả năng rất lớn, làm được rất nhiều việc, nhưng
lợi cũng nhiều mà hại cũng lắm. Cái lợi thì trong cuộc sống hàng ngày ai
cũng thấy rồi, ta không thể sống mà thiếu điện, thiếu các phương tiện
như xe cộ, máy bay, tàu thủy để đi lại, nhà cửa để ở, quần áo để mặc,
tivi, máy vi tính, điện thoại di động để làm việc và giải trí. Nhưng cái
hại cũng rất nhiều, hóa chất độc hại trong thực phẩm, môi trường ô
nhiễm, hiệu ứng nhà kính, ùn tắc giao thông, vũ khí giết người hàng
loạt, thảm họa hạt nhân…
Bộ óc cũng không có khả năng giúp con người đem lại thái bình an lạc
cho thế giới, cũng không thể giúp con người thoát được đau khổ sinh lão
bệnh tử và luân hồi. Vì vậy con người mới cần tới một đạo lý giải thoát
như Phật giáo, học cách vận dụng sức mạnh tâm linh của Phật tánh, đây là
một loại sức mạnh vô biên mà tôi có đề cập trong Lực học Thích Ca, có
thể giúp con người an lạc trong hiện tại và những ai quyết chí thì có
thể thực hành tham thiền để tự giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt
được tự do tự tại hoàn toàn, không có gì trói buộc được, dù đó là thiên
nhiên hung hãn, hay láng giềng cường bạo, hay nhà nước độc tài phi dân
chủ.
Truyền Bình