Phật giáo thế giới
Vài nét về Đảo Quốc và Phật giáo Singapore
29/08/2010 21:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tôi đến Singapore  vào những ngày toàn dân vùng đảo quốc sư tử đang treo cờ 1 tháng kỷ niệm 43 năm ngày quốc khánh Singapore. Singapore, đất nước của nền văn minh phát triển với truyền thống văn hóa đa sắc tộc phong phú. Tại đây, tín ngưỡng Phật giáo Singapore thể hiện đậm đà nền tư tưởng nhân văn, tự nhiên, giải thoát và mang nhiều cơ hội cho cuộc đời. Singapore còn được xem là Hợp chủng quốc Hoa kỳ của Châu Á.

Nhìn về quá khứ, trên những trang sách nhỏ, lịch sử ghi lại vào trước thế kỷ XIV, Singapore trở thành một bộ phận của đế quốc hùng mạnh Sri Vijayan và được biết đến với tên gọi là Temasek (thành phố biển). Nằm tại mũi đất của bán đảo Malay, nơi gặp gỡ tự nhiên của các tuyến hải trình. Singapore từ lâu là nơi cập bến của nhiều loại tàu thuyền hải dương, từ những chiếc thuyền mành của người Hoa, thuyền lớn của người Ấn độ, đến thuyền buồm của người Ả rập và thuyền chiến của người Bồ đào nha v.v đều cập bến và giao thương qua lại nơi đây. Vào thế kỷ XIV, tên gọi của hòn đảo chiến lược này là Singa Pura (thành phố sư tử). Năm thế kỷ sau đó, tức là vào thế kỷ XIX, hòn đảo này lại trở thành căn cứ địa của những cuộc chiến tàn bạo trong chiến tranh thế giới thứ 2, Singapore được xem là pháo đài bất khả xâm phạm nhưng đã bị quân đội Nhật chiếm đóng vào năm 1942. Sau thế chiến thứ 2, Singapore trở thành thuộc địa của Anh. Sự lớn mạnh của tinh thần đoàn kết và chủ nghĩa dân tộc đã giúp Sin giành lại quyền tự trị giai đoạn 1959. Ngày 9/8/1965, Singapore trở thành nước Cộng hòa độc lập và phát triển đến ngày nay.

Singapore với tượng Merlion hình con thú đầu sư tử- mình cá, là biểu tượng của một nước du lịch hấp dẫn gần Việt nam, cách thành phố Hồ chí minh khoảng hơn 1 giờ bay, nếu bạn khởi hành từ Singapore. Hành trang của chuyến đi đến Singapore lần này đối với tôi- một lữ khách ba lô (backpacker) mang bên mình là những gói bánh khô, vài cục kẹo, một lon nước để dùng cho đỡ mệt khi đang ngồi trên xe. Thế nhưng, tôi cũng yên tâm vì đã có những người bạn Sin dẫn đi tham quan vài nét về đảo quốc và Phật giáo Singapore.

Ở đảo quốc này, các thống kê về diện tích, dân số, chủng tộc hay tỷ lệ so sánh về tín ngưỡng tôn giáo hầu như đều có nét tương phản; bởi lẽ, các con số biểu đạt còn khách quan, so với thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Không tính Monaco, Singapore là nước có mật độ dân số cao nhất thế giới 6430 người/ km2, nằm trong số 20 quốc gia nhỏ nhất trên diện tích 692,7 km2. Tổng số dân của nước này là 4.553.009 người (tính đến tháng 7 năm 2007) trong đó 76,8% là người Hoa; 13,9% người Mã Lai; 7,9% người Ấn độ, Pakistan, Sri Lanka; 1,4% lai Âu Á và các chủng tộc khác. Người Singapore trong giao tiếp và làm việc, thường sử dụng ngôn ngữ rộng rãi là tiếng Anh, kế đến là tiếng quốc ngữ Mã Lai, tiếng Hoa, tiếng Nam Ấn Tamil v.v.

Đặt chân xuống phi trường Changi, tôi thật thán phục về sự phát triển mạnh mẽ của thành phố cảng nhộn nhịp. Sân bay Changi hiện đại, tốt nhất thế giới- do tạp chí Business Traveller bình chọn- là một quần thể với bốn nhà ga vận chuyển hành khách bằng tàu điện và các loại thang máy rất thuận lợi. Nhất là ga sân bay số 2 mới xây thật tối tân, sang trọng; ở đây, các thiết bị chiếu sáng- đa phần dùng năng lượng mặt trời. Đặc biệt, cái lạ lẫm bất ngờ khi vào dãy la-bo vệ sinh ở lầu 2, mình có thể tha hồ ngắm hết toàn cảnh dưới lầu 1, ở phía dưới nếu nhìn lên cũng không thấy được ai. Việc xây dựng các dãy phòng mới lạ, chưa kể các hạng mục thư giãn tiện nghi khác như vườn phong lan trong khuôn viên, chậu kiểng treo trên tường, bể bơi ở trên cao được bố trí, thiết kế đẹp mắt và sinh động. Ngoài ra, các phòng đợi máy bay với hệ thống giải trí và tour tham quan miễn phí dành cho các khách hàng bình dân lẫn sang trọng được phục vụ chuyên nghiệp. 

Cảnh quan đảo quốc thật là đẹp. Hệ thống giao thông công chánh ở Singapore rất phát triển. Chất lượng đường bộ của đảo quốc này được đánh giá vào loại tốt nhất thế giới. Giao thông tại Singapore được vận hành theo mô hình của Anh, trái với giao thông tay phải của châu Âu lục địa. Khi đi ngoài xa lộ, hệt như tôi đang mơ khi thấy mình được hòa điệu trong cảnh trí an lành và thoải mái. Ngồi nhìn các công trình xây dựng, hầu như thấy khắp nơi đều có sự phân bố và quy hoạch khuôn viên đồng đều, mọi vật như hòa mình với không gian và thời gian. Những tòa nhà trước mắt, tôi thường thấy đều nằm dáng cao cao ở bên trong, xen vào những cụm hoa đua sắc cùng với những hàng cây bóng mát, chan hòa theo lối đi- đường ô tô, đường dành cho đi bộ. Hệ thống cứu hỏa tự động, hệ thống thoát nước và trụ điện áp nối liền khu nghỉ ngơi với bãi đậu xe an toàn v.v tạo thành một đường cong khép kín của tòa nhà rất thơ mộng. Được biết, các tòa nhà Singapore đều không được cao hơn 280 mét, trừ các tòa trung tâm OUB, UOB Plaza và Republic Plaza v.v. Việc cư ngụ của người dân Singapore, đa phần đều sống trong các tòa nhà tập thể (tổ thất) và chung cư cao tầng vì diện tích đảo quốc có giới hạn (gần bằng huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh).

Singapore ngày xưa và nay đã khác xa rất nhiều. Tôi cảm nhận, sự thay đổi nền văn hóa tự do đa sắc tộc, hình như đã hòa quyện trong lòng người dân Sin điều gì đó rất riêng biệt và đặc trưng của xứ sở khi giao tiếp. Thật ra, sự phát triển về kinh tế- thương mại trong những thập kỷ qua đã không ngừng đưa Singapore từ một nước thuộc địa với tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn thành một Singapore hiện đại, có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi v.v. Ngày nay, Singapore được xếp vào loại nước có kinh tế giàu mạnh và là 1 trong 4 con rồng của Châu Á (Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài loan).

Singapore đẹp ngàn hoa với những thiên đường đa dạng về kiến trúc, văn hóa, phong cảnh, con người, động thực vật, giải trí mua sắm với hàng loạt các loại hình dịch vụ, du lịch, thông thương và phục vụ thật hiện đại và sang trọng. Tôi vào khu thương mại sầm uất của Phố tàu, khắp nơi hàng hóa đều tấp nập. Từ những mặc hàng truyền thống của người Hoa như đông y, thảo dược, gia vị, đến các mặc hàng tơ lụa, giày dép, thực phẩm v.v được dán nhãn có xuất xứ bảo đảm, giá cả hơi đắt đỏ và có hướng tăng cao, có nơi giá lại rẻ. Thế nhưng, khi tôi vào các quán ăn- trừ những nhà hàng lớn, gọi làm đồ ăn xong, mình phải trả tiền ngay lập tức. Trên các bao thuốc lá, thật bất ngờ khi thấy những hình ảnh ghê rợn dán trên bao. May nhờ người bán hàng giải thích, tôi liền hiểu ra đó là do nhà sản xuất nói rõ tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người.

Những dãy đường Singapore sạch đẹp, có khu bán hàng rong tập trung, có người ngồi xổm bán trái cây, có người bán nước ngọt gần vỉa hè, có người bán sách báo và văn hóa phẩm thời vụ rất vệ sinh, văn minh và lịch sự. Cũng vui vì may mắn tôi đọc được mẫu quảng cáo giới thiệu về du lịch Việt nam được bán ở hiệu sách ven đường. Nhìn thấy gian hàng bày bán đồ Việt nam, lòng tôi như vui mừng và tự hào vì tổ quốc mình hôm nay đã hiển danh khắp năm châu. Ngay cả ở Đài bắc, nơi tôi đang tu nghiệp, có lúc nhìn thấy những người bạn đồng hương hay sản phẩm từ quê nhà, lòng tôi như dâng trào nỗi xao xuyến và vui mừng lạ thường. Có lẽ đây điều là bình dị, vì chúng ta dù đi bất cứ đâu, thì tổ quốc quê hương vẫn là nơi chôn rau cắt rốn với tình cảm mặn nồng.

Hiện nay, tại Tân Gia Ba, với ý thức văn minh, sự hòa hợp dân tộc, việc tự do tín ngưỡng của người Singapore đã dẫn đến sự hình thành nhóm tôn giáo khác nhau. Theo báo Straits Times Singapore ngày 9/8/2008, sự cải đạo tín đồ của các nhóm tôn giáo chính Singapore được thể hiện theo bảng dưới đây:

TÔN GIÁO

TÍN ĐỒ VỐN CÓ

THAY ĐỔI TÔN GIÁO KHÁC

THEO TÍN NGƯỠNG  KHÔNG TÔN GIÁO

Hồi giáo

86%

5%

5%

Phật giáo

83%

10%

8%

Đạo giáo

70%

15%

9%

Không tôn giáo

62%

-----

38%

Các cơ sở văn hóa- giáo dục của Phật giáo là nơi xây dựng và rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tình thương cứu khổ và vun đắp trí tuệ của con người. Theo thống kê ở bản đồ Phật giáo Singapore, hiện nay Phật giáo tại đảo quốc có 79 cơ sở chùa viện và các trung tâm đại diện Phật giáo của các nước Thái lan, Sri lanka, Miến điện, Đài loan và Tây tạng. Nơi tôi đến tham quan là Tổng hội Phật giáo Singapore (địa chỉ số 375 Race course Road, Singapore 218644). Tổng hội thành lập năm 1948, không những là trung tâm hành chánh mà còn là trung tâm tu học lớn nhất nước. Tại đây, cơ cấu hoạt động và làm việc của Tổng hội Phật giáo Singapore có các ban ngành: Hoằng pháp, giáo dục, từ thiện, văn hóa, tài chánh, quan hệ các nhóm công chúng- PR và ban hỗ trợ tôn giáo. Vào thứ 7- chủ nhật, Tổng hội thường tổ chức các lớp giảng dạy như lớp tiểu học Phật học (6 năm) và lớp trung học Phật học (4 năm) cho các em. Hơn nữa, các trường học của Tổng hội trực thuộc Bộ giáo dục là trường tiểu học Bồ đề với 2018 học sinh, trường trung học Văn Thù hơn 2000 học sinh. Điều đặc biệt là, học sinh khi đến trường đều phải dùng tiếng Anh, hát bài quốc ca Majulah Singapura (tiến lên Singapore) bằng tiếng Mã Lai, ngoài ra còn học Hoa Văn như một ngoại ngữ bắt buộc. Hiện nay, Tổng hội đang xây dựng trụ sở chính, sắp tới sẽ có cơ sở mới hoàn chỉnh được đưa vào sử dụng để phục vụ cho công tác hành chánh và sinh hoạt của Tổng hội. Được biết, ngoài Tổng hội ra còn có các đoàn thể khác như Hội Cơ kim Quần thể Singapore, thành lập năm 1990 chuyên phục vụ các trung tâm chăm sóc người già và trẻ em. Công việc của Hội này là đẩy mạnh các sự nghiệp phúc lợi xã hội với sức đóng góp 100 SGD/ 1người/ 1năm v.v.

Xe lăn bánh, tôi rời Tổng hội và dừng chân tại Thiền Tự Phổ Giác Quang Minh Sơn số 88 Bright Hill Road, Singapore 574117. Thiền tự nằm trải rộng trên sườn đồi, đây là chùa lớn nhất Singapore được xây dựng từ năm 1921. Thiền tự Quang Minh Sơn không những là trung tâm tu học mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng của khách tham quan du lịch. Vị trú trì đương nhiệm chính là Chủ tịch Tổng hội Phật giáo kiêm Viện trưởng Viện Phật học Singapore- Hòa thượng Thích Quảng Thanh (Shi Guang Sheng fashi). Thiền Tự Phổ Giác Quang Minh Sơn có 13 hạng mục được trang hoàng xen lẫn nghệ thuật kiến trúc cổ Trung Hoa. Nét thanh tịnh của các ngôi điện thờ, lầu chuông cổ âm vang, tàng kinh các uy nghi, tháp vạn Phật hùng vĩ là một trong những công trình lớn pha lẫn sự hài hòa tâm linh với cảnh sắc thiên nhiên. Ở Phía đông, gần tháp Phổ An là Nhà hỏa táng- nằm trong khuôn viên chùa, được xem là 1 trong 3 Nhà hỏa táng hiện có của Singapore. Ở phía Bắc- từ ngoài nhìn vào trong chính là Học viện Phật giáo Singapore. Tại đây, sinh viên theo học đa phần là người Hoa. Qua hai kỳ chiêu sinh: khóa I năm 2006, khóa II năm 2007, hiện nay Học viện đang tuyển sinh khóa III vào tháng 3/2009 dành cho đối tượng là Tăng sĩ Phật giáo, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân Phật học của trường đại học Kelaniya, Sri lanka và được Bộ giáo dục nước Cộng hòa Sri Lanka chứng nhận.

Kế đến, tôi ghé vào ngôi chùa cổ nhất Singapore vào một buổi trưa nắng ấm để tham quan Chùa Liên Sơn Song Lâm, địa chỉ số 184, Jalan Toa Payoh, Singapore 319944. Chùa Liên Sơn Song Lâm là di tích lịch sử cấp quốc gia được xây dựng từ năm 1898. Cổng ra vào chùa được trang trí công phu, đi qua một cây cầu và băng qua sơn môn (thường gọi là cổng tam quan) sẽ dẫn đến khuôn viên chùa. Ngôi chùa hình chữ nhật rất tao nhã, phía trước là Hồ bán nguyệt có 9 rồng phun nước. Bố cục các cung điện trong chùa, được kiến trúc theo kiểu tự viện tổng hợp mang đậm nét truyền thống Trung Hoa. Khi vào Điện Thiên Vương, chính giữa điện thờ Phật Di Lặc, hai bên có Tứ đại Thiên Vương thếp thân vàng sáng rực, ngoài ra còn có nhiều bức long hổ thạch đồ được đúc từ năm 1905. Có thể thấy, lối kiến trúc trong ngôi đại tự này được xây dựng theo kiểu “ nam thông ngũ qua ” rất đặc sắc theo truyền thống Vân Nam (Trung Quốc) hay giống đa số các chùa cổ Đài loan. Ngũ qua nghĩa là trên đỉnh chùa xây theo kiểu 5 quả bầu phân bố theo hình tháp vuông với tỷ lệ bên trái: bên phải: chính giữa = 2:2:1, nam thông là loại hình có 3 tầng rỗng không của tháp vuông. Ngoài ra, chùa này còn xây hai tháp cao, trong đó có cột khắc kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni cao 7,5 mét. Tại 8 góc của thạch trụ được khắc kinh bằng tiếng Phạn và tiếng Hán, trên dưới có đường vân hình long thiên, lực sĩ và nhị long hí châu (hình hai rồng đùa giỡn ngọc). Tôi đến xem Long quang bảo tháp gần cổng ra vào chùa, bên trong bảo tháp thờ xá lợi, bên ngoài có 7 tầng với chất liệu bằng đá mới cao 29 mét thật đẹp. Bảo tháp được cách tân bằng những nét phù điêu (chạm nổi) phân bố ở 8 góc, miêu tả về cuộc đời đức Phật. Ngoài ra, quanh tháp còn khắc hình hai con rồng ngậm ngọc, hình hoa sen, hình bàn tay Phật, hình sư tử, nét vân, hình phi thiên nhạc kỹ, hình bát đại lực sĩ giống những bậc chân nhân được chạm trổ rất sinh động, giàu mỹ cảm.

Sau những phút tịnh nghỉ, buổi chiều, tôi đến chùa Phật Nha, xem Viện Long Hoa (tên khác của chùa) đang vươn mình giữa dòng người qua lại (địa chỉ 288 South Bridge Road Singapore 058840). Vị trú trì hiện nay là pháp sư Thích Pháp Chiếu (Shi Fa Zhao fashi, phó Chủ tịch Tổng hội Phật giáo Singapore. Chùa này nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc Phật giáo cổ kính lẫn hiện đại rất công phu. Đây là một danh thắng xinh đẹp của xứ sở du lịch. Khách tham quan đến chùa mỗi ngày đều rất đông. Từ ngoài tiến vào trong, tôi chợt bỡ ngỡ và nghiên mình lại khi nhìn thấy cảnh quan trang nghiêm và thanh thoát của ngôi chùa làm say mê lòng người. Cái đẹp rực hồng dịu dàng của nét sơn, vẻ tôn nghiêm tráng lệ của tháp thờ xá lợi răng Phật, nghệ thuật thủ công mây tre lá và đồ gốm sắc xảo hiếm có tại nhà bảo tàng Phật giáo và phòng trưng bày văn hóa phẩm nơi đây v.v đã tiêu biểu cho sự phồn thịnh về kinh tế và nền văn hóa muôn màu của Singapore.

Khi thấy sự hợp nhất đa dạng là triết lý phát triển của thành phố quốc tế Singapore. Với tôi, đây là điều hứng thú để mình có cơ hội được học tập, tìm hiểu và khám phá bức tranh vùng đảo quốc quyến rũ. Thật đúng với danh ngôn dành cho tôi: “cha mẹ dạy con tập nói, thế giới dạy con im lặng” khi bước ra thế giới- để nhìn, để học hỏi và rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Những cơ sở Phật giáo ở Singapore hay tại Đài loan mà tôi đã chiêm ngưỡng, đều cho mình những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống hiện thực của Phật giáo với cuộc đời. Phật giáo Singapore có những nét tương đồng với Phật giáo Đài loan. Nói chung sự sinh hoạt tín ngưỡng của họ theo tông phái là chủ yếu, nếp sinh hoạt phát huy tính dân chủ uyển chuyển trong khuôn khổ của Hội; nhưng có lẽ thiếu mất đi tính thống nhất xuyên suốt và đoàn kết so với Giáo hội Phật giáo Việt Nam ta.

Hành trình trong gió thu ấm áp, đất nước và con người Singapore đã để lại cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ suốt chuyến đi. Ngoài những chùa bản địa, chúng tôi còn viếng thăm các cơ sở Phật giáo khác tại Singapore như chùa Tây Tạng Sakya thờ Phật Tỳ Lô Giá Na và đồ hình Mạn đà la; chùa Thái Lan với lễ nghi cúng gạo và thực phẩm tập trung giữa chánh điện. Quán Âm đường (tín ngưỡng Đạo giáo và Phật giáo). Chùa Sri Lanka với khóa tu vào chủ nhật hằng tuần dành cho các em nhỏ Sri lanka, trong chùa có vườn Phật thành đạo và tượng Phật Niết bàn đầy xúc động v.v. Các chùa chiền tại đây là những nơi thờ phượng và tu học theo đường lối khác nhau. Đây là nét văn hóa và tu tập theo muôn ngàn pháp môn của giáo lý Phật Đà, góp phần phục sức cho nền hòa bình đa chủng tộc của nhân loại hôm nay.


Thích Quảng Hạnh (Hải Châu)
(Du học sinh Dharma Drum Sangha University,Taiwan)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch