Phật giáo Việt Nam
Phật giáo Việt Nam: Hộ quốc an dân
TT.TS. Thích Tâm Đức Phó Viện trưởng HVPGVN-Tp.HCM Phó Viện trưởng kiêm TTK-VNCPHVN Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang
11/05/2010 04:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I. HỒI TƯỞNG:

1) Sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam:

Nhiều lần trong lịch sử của nhân loại, những sự việc đã xảy ra chỉ có thể đặt trong phạm trù những hiện tượng kỳ diệu. Những hiện tượng như vậy đã làm ngạc nhiên cả những nhà sử học lẫn khoa học. Lịch sử đấu tranh và giải phóng của dân tộc Việt Nam khỏi những đế quốc hùng mạnh như Nguyên Mông, Pháp, Mỹ thuộc loại phạm trù những hiện tượng kỳ diệu như vậy. Điều này có thể chỉ ra rằng, đứng về phương diện vật chất thì Việt Nam khó là đối thủ của những đế quốc đó. Do vậy, người ta phải tìm một lối giải thích khác: sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam.

2) Thiền Phật giáo Việt Nam, một sức mạnh đề kháng hữu hiệu cho đạo pháp và dân tộc:

Vào thời đức Phật, Thiền được xem là con đường duy nhất (Eko Maggo) không chỉ giúp con người vượt qua khổ đau mà còn chứng đạt mục đích tối hậu, Niết bàn. Nhiều lợi ích được mong đợi từ việc hành trì nó. Thiền bí ẩn và được mô tả bằng những hình ảnh và khái niệm phong phú. Tuy nhiên, thiền đã không trở thành một tông phái độc lập cho đến khi Bồ Đề Đạt Ma (khoảng 470 AD – 534 AD) từ Ấn Độ đến Trung Quốc với tinh thần: tự thoát khỏi những khái niệm, tự thể nghiệm, thực hành, tâm truyền tâm, không chấp thủ hay bám víu vào hình thức, sách vở hay ngoại lực với bài kệ:

“Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ chân tâm

Kiến tánh thành Phật.”

Người Trung Quốc với tinh thần thực tiễn đã chấp nhận thiền như là tinh hoa của đạo Phật mà họ có thể hiểu và thực hành. Rồi, thiền như một tông phái Phật giáo đã trở thành đặc điểm của người Trung quốc – hiện thực trong đời sống hàng ngày. Sau đó, một vài thiền sư từ Trung Quốc đã du hành đến Việt Nam và thành lập những thiền phái mới mang tên của họ ở đó, như là Tì Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ (mất năm 594), Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc (mất năm 826), Thảo Đường, người Trung Quốc (1069). Đặc biệt đến thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông đã hợp nhất các thiền phái thời bấy giờ và sáng lập thiền phái mới Trúc Lâm mang đậm tính độc lập dân tộc.

Đạo Phật đã đến Việt Nam vào khoảng một, hai thế kỷ trước Công nguyên trong bối cảnh dân tộc này đang không ngừng đấu tranh nhằm giải phóng ách đô hộ phương Bắc (111 trước CN – 938 CN). Ban đầu, đạo Phật đã xuất hiện và được người Việt chấp nhận như là vị cứu tinh, họ mong ước một vị Phật quyền năng để cứu những linh hồn và dân tộc của họ. Nhưng tất cả đã trở thành vô ích. Dần dần, người Việt nhận ra rằng chỉ có sức mạnh của chính mình mới có thể cứu mình. Đây là lý do tại sao thiền đã trở thành vai trò có tính quyết định sau đó. Không nghi ngờ gì nữa khi ngôi chùa Phật giáo đầu tiên lại mang tên chính trị “Khai Quốc” đã được xây dựng vào thời gian của cuộc kháng chiến thành công ngắn ngủi (545 – 603) do Lý Bân lãnh đạo.

Và đã có sự chuyển dịch từ khuynh hướng thần bí sang khuynh hướng chính trị ở đạo Phật Việt Nam, từ Tì Ni Đa Lưu Chi đến Trúc Lâm, một thiền phái thuần tuý Việt Nam được sáng lập bởi vua Trần Nhân Tông (1) (1258 – 1380) với tinh thần nhập thế “Cư trần lạc đạo” (Sống ở đời mà vui với đạo). Triều đại nhà Lê kế tiếp (1428-1527) đã đánh dấu một thời kỳ phát triển của Phật giáo thế tục dựa trên tinh thần “Cư trần lạc đạo”. Những vị vua nhà Lê đã là những người ủng hộ đạo Phật nhiệt tình. Vua Lê Thánh Tông, một Phật tử tiêu biểu nhất của thời kỳ này, giỏi về cả Khổng giáo và Phật giáo.

Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã hoàn thành cuộc Nam tiến đến mũi Cà Mau và từ thời kỳ này trở đi tinh thần “Cư trần lạc đạo” đã được ông thay đổi thành “Cư Nho mộ Thích” có nghĩa người Phật tử thời kỳ này phải tinh thông nghệ thuật điều hành đất nước. Sáu thiền phái trong thời kỳ này như Tào Động, Trúc Lâm, Quốc An, Thập Tháp, Chúc Thánh và Liễu Quán vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Năm 1856 quân Pháp tấn công Đà Nẵng và sau đó đã đàn áp những Phật tử Việt Nam yêu nước từ năm 1883 đến 1945. Dưới sự cai trị của ngoại bang, Phật tử Việt Nam đã cảm thấy sự khẩn thiết phải hình thành một Phật giáo Việt Nam nhập thế có tính xã hội và chính trị nhiều hơn. Nhiều Phật tử là những người yêu nước và lãnh đạo của những phong trào kháng chiến. Những Phật tử trí thức được khích lệ bởi những phong trào cải cách ở những quốc gia Đông Á vào thập niên 1920 và, đặc biệt là nhà sư Trung Quốc Thái Hư Đại Sư (1890 – 1947). Trong thập niên 1930 nhiều tạp chí Phật giáo bằng tiếng Quốc ngữ bắt đầu xuất hiện như Đuốc Tuệ, Viên Âm, Từ Bi Âm bàn về những vấn đề chính trị và xã hội; ba hội Phật học được thành lập ở ba miền của Tổ quốc được sự hướng dẫn và ủng hộ của tăng sĩ và cư sĩ trí thức nhằm đối phó lại với văn hoá ngoại lai của phương Tây, có những nỗ lực nhằm thống nhất ba hội Phật học này thành một giáo hội thống nhất, nhưng đã thất bại do chính sách đàn áp của giặc Pháp và thiếu sự thông tin liên lạc.

Năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhiều Phật tử đã tham gia vào công việc xây dựng đất nước và sau đó kháng chiến chống Pháp. Năm 1949 Vua Bảo Đại (1913-1997) đảm nhận vai trò đứng đầu nhà nước miền Nam Việt Nam và đã ký sắc dụ số 10 theo chính sách của người Pháp là hạ thấp tất cả các tôn giáo xuống địa vị “những hiệp hội quần chúng” ngoại trừ các giáo đoàn Công giáo và Tin Lành. Khi lên nắm chính quyền vào năm 1955, Ngô Đình Diệm (1901-1963) giữ lại sắc dụ số 10. Năm 1957 Diệm cũng loại trừ ngày Phật Đản ra khỏi danh sách những ngày nghỉ lễ chính thức. Chính sách của Diệm đối với Phật giáo đã dẫn đến nhiều phong trào chống đối của Phật tử vào thập niên 1960, đặc biệt vụ tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức vào ngày 11/06/1963 làm xúc động nhân dân khắp thế giới và đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài của gia đình họ Ngô vài tháng sau đó. Rồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập ở miền Nam Việt Nam vào năm 1964. Tuy nhiên, do sự phân hoá trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội và thiếu những Phật tử cư sĩ tài năng, Phật giáo Việt Nam đã không nắm bắt được cơ hội quý báu để cải cách và khám phá tiềm năng của văn hoá Phật giáo trong đất nước của mình.

“Làm thế nào để quốc gia được bền vững ?” Câu hỏi trọng đại này đã được vua Lê Đại Hành (980 – 1005) nêu lên không lâu sau khi Việt Nam khôi phục lại chủ quyền sau một nghìn năm dưới ách đô hộ của giặc Tàu phương Bắc, và đã được thiền sư Pháp Thuận trả lời như sau :

“Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh” (2)

(Tạm dịch)

“Ngôi nước như mây quấn

Trời Nam mở thái bình

Đạo đức ở cung điện

Chốn chốn hết đao binh.”

Theo Pháp Thuận, chính sự thực hành đạo đức của chính quyền là nguyên nhân chính yếu cho sự thống nhất các tầng lớp quần chúng và sự vững bền của dân tộc.

Trên phương diện chính trị, quần chúng đóng vai trò quan trọng. Những vị vua Phật giáo đời nhà Lý và Trần đã coi trọng “ý dân,” “lòng dân,” “bạn của dân,” “thương sức lao động của dân” trong khi thực hiện những hoạt động chính trị như dời đô, lên ngôi, thay đổi triều đại, tuyên chiến. Tuy nhiên, để thu phục lòng dân, vua phải sống có đạo đức. Để làm tỏ đạo đức của vua, Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151) đã giải thích như sau :

“Dân ví như một đồ vật, nó sẽ yên khi được đặt ở chỗ yên và nó sẽ nguy hại khi được đặt ở nơi nguy hiểm. Điều quan trọng là tính cách của vua. Nếu đạo đức của vua phù hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu vua như cha mẹ, sẽ ngưỡng nhìn và xem vua như mặt trăng mặt trời. Điều đó có nghĩa là đặt dân vào nơi chỗ yên vậy.” (3)

Vì sống có đạo đức nên các vua Lý và Trần đã tập hợp được quần chúng và chiến thắng quân xâm lược. Trong bài hịch “Lộ Bố” khi chống lại quân Tống tướng Lý Thường Kiệt đã nói: “Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hòa mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân.” (4)

Khi trả lời vua Trần, tướng Trần Hưng Đạo đã chỉ ra những nguyên nhân căn bản dẫn đến chiến thắng Nguyên Mông và kế bảo vệ đất nước như sau:

“Vua và dân đồng lòng, anh em hòa hợp, và toàn dân đóng góp công sức (5)… Hơn nữa, khoan thư sức dân cho kế lâu dài là giải pháp tốt nhất để bảo vệ đất nước vậy.” (6)

Khuynh hướng chính trị biểu hiện một mối gắn bó rất gần gũi giữa Phật giáo và dân tộc Việt nam. Nhưng không phải chỉ trên phương diện chính trị.

Phật giáo Việt Nam cũng đã mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho đất nước. Một học giả Việt Nam cận đại đã nhận xét rằng: “Triều Lý có thể được gọi là triều đại từ bi nhất trong lịch sử của dân tộc ta. Chính do ảnh hưởng của đạo Phật.” (7) Và một học giả khác bình luận về kinh tế ở triều đại nhà Trần (1225 – 1400) như sau:

“Không có một giai đoạn nào trong lịch sử trung đại Việt Nam mà kinh tế công thương nghiệp và thành thị lại phát triển như vậy, lại được nhà nước phong kiến tạo điều kiện mở mang như vậy. Thương nhân được tự do kinh doanh, tầng lớp đại thương trở thành tầng lớp tiến bộ nhất trong xã hội ở các thế kỷ XIII – XIV.” (8)

Đối với tôn giáo, Phật giáo Việt Nam tôn trọng sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Vua Trần Thái Tông (1218 – 1277), một thiền sư Phật giáo, đánh giá cao ba tôn giáo – Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. (9) Thiền sư nói:

“Mặc dầu cuộc đời là qúi, nhưng nó không quí như Đạo. Do vậy, Khổng Tử nói: “Thật thỏa mãn cho ta khi được nghe Đạo vào buổi sáng cho dầu phải chết vào buổi chiều.”Lão Tử nói: “Ta đã có một nỗi lo lớn. Chính vì ta đã có cái thân này.” Đức Phật cầu Đạo đã tự hy sinh để cứu độ chúng sinh đang đau khổ. Ba vị thánh này đã xem thường thân mạng mình để coi trọng đạo, phải vậy không ?” (10)

Hiện nay đa số người Việt có cảm tình hoặc là tín đồ của Phật giáo. Và văn hoá Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là hai triều đại Lý và Trần (1010 – 1400) đã để lại nhiều di sản quý giá cho dân tộc.

a) Tư tưởng Hồ Chí Minh : Kế thừa tinh thần nhập thế của PGVN – kết hợp đạo và đời,nguyên nhân phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Mục đích của những nhà sáng lập các tôn giáo lớn trên thế giới là muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Cũng vậy, ở đây muốn tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo hay bất kỳ vấn đề nào khác, trước hết cần thấy mục đích cả cuộc đời của Người là toàn tâm toàn ý vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng những người ‘cùng khổ’, nhằm đấu tranh cho một nhân loại ấm no, hạnh phúc, công bằng văn minh, một thế giới đại đồng trên cơ sở bình đẳng hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, nhân loại không chỉ coi Hồ Chi Minh là biểu tượng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn là một nhà văn hóa lớn của thế giới.

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy những điểm tương đồng của văn minh nhân loại và biết khéo kết hợp chúng. Người ca ngợi Chủ nghĩa Cộng sản đồng thời thừa nhận và tiếp thu cái hay cái đẹp của những tư tưởng, giáo lý khác. Trong những tác phẩm của mình Người thường trích dẫn những lời nói của các vị thánh hiền trong các tôn giáo bên cạnh những câu nói của các vĩ nhân, thiên tài và của những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác – Lênin. Người viết :

Chúa Giê Su dạy: “Đạo đức là bác ái.” Phật Thích Ca dạy: “Đạo đức là từ bi.” Khổng Tử dạy: “Đạo đức là nhân nghĩa.”(11)

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê Su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê Su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.” (12)

Về chính sách tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể tóm thành ba điểm sau:

- Đoàn kết tôn giáo và tự do tín ngưỡng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết, đại hòa hợp dân tộc. Thống nhất mọi tầng lớp xã hội vào trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Chính sách này dẫn đến giải phóng dân tộc, góp phần: a) khởi sáng phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, và b) ngăn chặn chính sách hiếu chiến và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa thực dân mới trên khắp thế giới.

- Kết hợp tôn giáo với chủ nghĩa yêu nước. Tôn giáo phải hợp nhất với tổ quốc. (13)

- Đấu tranh và hòa hợp. Phân biệt rõ tín đồ chân chính và những kẻ lợi dụng tôn giáo.

Đối với cán bộ, chiến sĩ Người thường dạy về đạo đức cách mạng, mọi người phải trung với nước, hiếu với dân, lãnh đạo và đầy tớ trung thành của nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công và vô tư.

Hiện nay, nhà nước Việt Nam đang quảng bá việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như đã và đang mở rộng sự tự do tôn giáo và tín ngưỡng, nhằm: a) chặn đứng những nguy cơ tha hóa, mất đạo đức của một bộ phận cán bộ và nhân dân, và b) ngăn chặn những ảnh hưởng văn hoá xấu từ bên ngoài.

VIỄN CẢNH

1) Từ phía Nhà nước:

Với những nhận định trên, để có được một thế giới hòa bình, nhân loại phải thừa nhận một thế giới đa văn hoá và đa văn minh; và mỗi quốc gia, dân tộc cần phải có một nền kinh tế-xã hội phát triển để hỗ trợ cho bản sắc văn hoá của mình. Để góp phần vào văn minh của nhân loại, Việt Nam, một thành viên mới của WTO với GDP tăng hơn 7% hằng năm, một quốc gia đa văn hóa và đa dân tộc, (14) đang chủ trương chính sách “hiện đại hóa, công nghiệp hóa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh,” “đạo phục vụ đời.” Có thể cụ thể như sau:

- Hiện đại hóa, công nghiệp hóa, phát triển quan hệ kinh tế với các quốc gia khác trên căn bản bình đẳng và lợi ích hỗ tương.

- Giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần và văn hóa của dân tộc; tiếp thu những tinh hoa của văn hoá thế giới.

- Giữ gìn và phát huy tình hữu nghị với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là với Asean.

- Theo đuổi chính sách chung sống hòa bình với tất cả các quốc gia có chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng và hai bên đều có lợi.

2) Từ phía Giáo hội:

Vào năm 1975 Việt Nam thống nhất đất nước. Đây là một điều kiện tốt cho sự thống nhất của Phật giáo tại Việt Nam.

Cuối năm 1981, tất cả các hệ phái Phật giáo ở cả hai miền Nam Bắc được thống nhất trong một tổ chức gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” với phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Giáo hội được phân chia thành hai cấp: a) Trung ương, và b) Địa phương. Ở Trung ương, Giáo hội bao gồm hai hội đồng, Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự, gồm 10 Ban, Viện như sau: 1) Tăng sự, 2) Giáo dục tăng ni, 3) Hoằng pháp, 4) Hướng dẫn Phật tử, 5) Nghi lễ, 6) Văn hoá, 7) Kinh tế – tài chánh, 8) Từ thiện xã hội, 9)Phật giáo quốc tế, và 10) Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Ở các địa phương – tỉnh và thành phố – cũng có những Phật sự tương tự như ở Trung ương, ngoại trừ thứ 10.

Sau đây là bảng báo cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 16/01/2010:

- Có 44.958 Tăng Ni trong cả nước (Bắc tông: 32.625; Nam tông Khmer: 8.574; Nam tông Kinh: 805 (455 tăng, 350 tu nữ); Khất sĩ: 2.954).

- Tự viện: 14.775 chia ra: a) Bắc tông: 12.245; b) Nam tông Khmer: 452; c)Nam tông Kinh: 73; c) Tịnh xá: 540; d) Tịnh thất: 467; e) Niệm Phật đường: 998.

- Trên 200 tăng ni đang học ở nước ngoài và trên 100 vị đã trở về lại Việt Nam với những văn bằng tiến sĩ hay cao học.

- Có 4 Học viện (với cấp bằng tương đương Cử nhân) ở Hà Nội, Huế, Hồ chí Minh, và Cần Thơ; 7 lớp Cao đẳng và 28 trường Trung cấp Phật học trên cả nước.

- Về từ thiện xã hội: Giáo hội có trên 58 Tuệ Tĩnh Đường, nhiều điểm phát thuốc miễn phí, trung tâm tư vấn về HIV/AIDS, và nhiều lớp học hay điểm huấn luyện và nuôi dưỡng người tàn tật, trẻ mồ côi. Giáo hội đã chi hơn 550 tỉ đồng cho những công tác từ thiện xã hội trong năm 2009.

- Đối với Phật tử Việt Nam ở hải ngoại: Giáo hội đã ký 05 quyết định công nhận Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hoà Ucraina, Liên bang Nga, Hungary, Cộng hoà Czech và Cộng hoà Liên bang Đức. Giáo hội cũng đã củng cố được một số cơ sở, cá nhân thân hữu tại Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Úc. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên hoạt động hải ngoại này vẫn còn hạn chế.

Tóm lại, như lịch sử đã chứng minh, ngay từ thời kỳ đầu du nhập cho đến nay, Phật giáo Việt Nam không chỉ là một tôn giáo giúp con người vượt qua khổ đau và chứng đạt chân hạnh phúc trong cuộc đời mà còn là một thực thể xã hội – chính trị dù có những sự thử thách nhưng luôn luôn tự thích ứng với sự phát triển của dân tộc đúng với bản chất của mình: hộ quốc an dân.

Chú thích:

(1) Vua Trần Nhân Tông, Tổ sư Thiền phái Trúc lâm và cũng là người thân chinh đánh bại hai lần xâm lược của quân Nguyên Mông (1285 và 1287-88).

(2) Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần, I, Hà Nội, 1977, tr. 204.

(3) Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ và Nuyễn Thuý Nga dịch, Hà Nội, 1993, tr. 241.

(4) Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần, I, Hà Nội, 1977, tr. 320.

(5) Đầu năm 1285, quân Mông Cổ dưới quyền Toghan, con trai của Khubilai, đang tiến sát biên giới thì hội nghị Diên Hồng được triệu tập bởi vua Trần Nhân Tông. Những bô lão, những đại diện có uy tín của nhân dân khắp cả nước đã được mời để tỏ rõ ý chí và hiến kế chống giặc.

(6) Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Đại Việt Sử ký Toàn Thư, II, Hà Nội, 1993, tr. 79.

(7) Hoàng Xuân Hản, Lý Thường Kiệt, Hà Nội, 1950, tr. 403.

(8) Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Sử Học, Tìm Hiểu Xã Hội Việt nam Thời Lý Trần, Hà Nội, 1981, tr. 296.

(9) Như lịch sử cho thấy, ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, Phật giáo đã tồn tại ở Việt Nam cùng với Khổng giáo và Lão giáo dưới ách đô hộ phương Bắc (111 BC. – 938 AD.).

(10) Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Văn Học, Thơ Văn Lý Trần, I, Hà Nội, 1977, tr. 9.

(11) Báo Nhân Dân ngày 14 tháng 6 năm 1951.

(12) Trần Dân Tiên : Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Bản Trung văn của Trương Niệm Thức. NXB Tam Liên, Thượng Hải, tháng 6 – 1949.

(13) Ở điểm này, Hồ Chí Minh đã biết kế thừa tinh thần hợp nhất Đạo và Đời của các vị vua Phong kiến tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam. Người đã tái hiện tinh thần Diên Hồng của vua tôi nhà Trần vào giữa thế kỷ 20, đã tập hợp được lực lượng của hàng triệu đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam trong sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước.

(14) Việt Nam có 54 dân tộc trong ấy Việt hay Kinh chiếm 88% dân số và 53 còn lại là dân tộc thiểu số. Việt Nam cũng có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và những tín ngưỡng địa phương khác… Trong ấy, đạo Phật chiếm đa số.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch