Theo tư liệu ghi trong chùa Liên Phái (phố Bạch Mai, Hà Nội), người
đó không ai khác chính là công tử Trịnh Thập (hay còn gọi là Trịnh Hợp)
cháu nội chúa Trịnh Căn và là phò mã lấy công chúa thứ 4 của vua Lê Hy
Tông.
Chuyện kể rằng: phò mã Trịnh Thập là một người bình sinh
thích nghiên cứu Phật pháp. Hàng ngày vẫn thường đọc sách về Phật giáo
và đàm luận với các cao tăng. Một lần Trịnh Thập sai gia nhân đào đất ở
vườn phía sau phủ để làm bể nuôi cá vàng thì đào được một viên đá hình
bông sen.
Hoa sen đối với đạo Phật là một hình ảnh tượng trưng cho sự giác ngộ.
Các sách về lịch sử Phật giáo truyền lại rằng: Trong một lần thuyết
pháp, Phật Thích Ca đã cầm bông hoa sen giơ lên. Tất cả đệ tử không ai
hiểu duy chỉ có Tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Phật Thích Ca cho rằng tôn
giả Ca Diếp đã lĩnh hội được ý thiền ở trong nên sau khi Ngài viên tịch
đã truyền cho Ca Diếp làm người kế thừa sự nghiệp truyền giảng đạo
Phật.
Chùa Liên Phái, nơi lưu dấu ấn phò mã Trịnh Thập
và là sự khởi đầu của một phái thiền của Việt Nam thế kỷ 18
Vì thế nên khi đào được viên đá hình hoa sen, phò mã Trịnh Thập cho
là điềm báo có duyên với cửa Phật nên ông quyết chí xuống tóc đi tu.
Sau đó, ông liền dâng tấu lên vua Lê Hy Tông trình bày lại sự việc cùng
chí hướng xuất gia của mình. Một thời gian sau, nhà vua chuẩn tấu cho
phép ông quy y cửa Phật.
Thế là vị phò mã xuất gia lấy hiệu là thượng sĩ Lân Giác đồng thời
về nhà cải tạo phủ đệ với những lầu son gác tía rộng hơn 6 mẫu thành
một ngôi chùa đặt tên là chùa Liên Hoa (Chùa Liên Hoa sau này được gọi
trùng với tên phái là chùa Liên Tông. Đến thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn
vì kiêng tên húy vua là Miên Tông nên đổi tên chùa thành Liên Phái).
Sau khi xuống tóc, khoảng năm 1726, sư Lân Giác đi chùa Long Động
trên núi Yên Tử tham vấn hòa thượng Chân Nguyên của phái Trúc Lâm. Thời
gian sau ông trở về chùa lập ra một phái thiền mới lấy tên là phái
Liên Tông. Đây là phái thiền thứ hai ra đời trong nội địa nước Đại
Việt, sau phái Trúc Lâm. Phái thiền Liên Tông thời Trịnh Nguyễn phân
tranh đã phát triển khắp đất Bắc Hà, trở thành một phái thiền lớn trong
lịch sử Phật giáo nước ta.
Tượng các hòa thượng nối tiếp của phái Liên Tông được thờ trong chùa
Đến thăm chùa Liên Phái vẫn còn thấy phảng phất bóng
dáng của vị phò mã xưa qua tòa tháp hơn 200 tuổi, nơi lưu di cốt của
Người. Trong khu vườn phía sau chùa hiện còn 7 tòa tháp. Theo những
phật tử cho biết, trước kia chùa có hơn 30 tòa tháp. Đó là nơi đặt di
cốt các vị sư trong phái Liên Tông.
Tuy nhiên trải qua binh hỏa nhiều năm, hiện giờ chỉ còn
lại 7 tòa. Trong số 7 tòa tháp thì tháp chứa đựng di cốt tổ sư Lân
Giác nằm chính giữa và được xây bằng đá. Các tháp xung quanh có cùng
kiểu dáng nhưng xây bằng gạch.
Nếu đúng như những tư liệu còn lưu lại thì tòa tháp này
dựng khoảng năm 1733 đến 1740 vì năm 1733 là năm mất của thượng sĩ Lân
Giác. Với ngót 3 thế kỷ tồn tại, có lẽ đây là tòa tháp cổ kính nhất ở
trong thành Hà Nội mà ta còn biết rõ được lai lịch.
Theo Tiến Đức - ĐV