Phật giáo Việt Nam
Ý nghĩa Đại Giới đàn Trí Thiền
08/10/2014 12:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

     Đại Giới đàn này được mang tên “Giới Đàn TRÍ THIỀN”, nêu gương bậc Giới đức kiêm ưu, Đạo hạnh khả kính, làm biểu tín cho hàng Thích tử đắc giới, tiếp nối mạng mạch Phật pháp, truyền đăng tục diệm, tiếp ngọn lửa hương từ bi, trí tuệ của Phật Tổ.


       Đức Thế Tôn ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật”. Cho nên suốt 49 năm thuyết pháp, đức Thích Ca Như Lai duy chỉ bày cho chúng sinh biết làm thế nào để giác ngộ Phật tính nơi tâm mình. Nhưng muốn giáo pháp trường tồn, phải lấy giới luật làm Thầy và có người thừa kế: “Tam Thế Chư Phật dĩ giới luật vi sư” (Ba đời chư Phật đều lấy giới luật làm thầy) và “Tỳ ni tạng trụ Phật Pháp diệc trụ, Tỳ ni tạng diệt Phật Pháp diệc diệt” (Giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp cũng mất).

        Thật vậy! Sau khi thành tựu đạo quả Bồ đề dưới cội cây Tất-bát-la, đức Thế Tôn chuyển pháp luân lần đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như với bài pháp Tứ Diệu Đế. Từ đó, Tam Bảo được hình thành. Ánh sáng Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi của đức Phật lan tỏa khắp muôn nơi, người quy hướng về Ngài xin xuất gia càng thêm đông, và dần dần Tăng đoàn lớn mạnh. 

 
      Trong suốt mười hai năm đầu, đại chúng Tỳ kheo hoàn toàn thanh tịnh. Tất cả mọi sinh hoạt đều nằm trong khuôn khổ của thiền định và tỉnh giác, người đắc Thánh quả nhiều, chưa có những điều phi pháp xảy ra. Nhưng sau đó, Tăng đoàn lớn mạnh, xen lẫn trong đại chúng thanh tịnh có những người làm điều phi pháp, phá vỡ sự thanh tịnh và hòa hợp, làm cản trở sự tu tập giải thoát. Chính vì thế, để ổn định Tăng đoàn, Đức Phật đã chế định ra Giới luật theo nguyên tắc “tùy phạm tùy chế”, phạm tới đâu chế tới đó, tùy bệnh bào chế thuốc trị liệu, tạo nên kỷ luật cho đời sống xuất gia. 

      Những điều giới mà đức Phật chế ra trong suốt một đời được các vị đệ tử của Ngài gìn giữ, truyền thừa và kết tập lại thành một hệ thống gọi là Luật tạng. Năm giới của cư sĩ tại gia, mười giới của Sa di và Sa di Ni, 250 giới của Tỳ kheo, 348 giới của Tỳ kheo Ni, 10 giới trọng, 48 giới khinh của Bồ tát giới… cũng được trích ra từ đó.

       Chúng đệ tử Phật, những trang Thích tử Như Lai, bậc xuất trần thượng sĩ, tự nguyện giữ gìn mạng mạch Phật Pháp để lưu truyền nơi thế gian, lãnh trách nhiệm “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, từ đời này sang đời khác đã không ngừng nói lên sự chân thật, sự tốt đẹp của cuộc đời. 

        Cận đại lịch sử hơn 300 năm trước, bậc Thạch trụ Tòng Lâm, Hương Hải Thiền sư đặt chân trên dãi đất hẹp xứ đàng trong và thuận gió xuôi buồm, vượt trùng dương ra đàng ngoài, khôi phục dòng thiền Trúc Lâm đất Bắc, liên tục mở đàn thí giới, thắp sáng ngọn Tâm đăng Phật Tổ. 

       Phương Nam đàng trong, các chúa Nguyễn theo bước chân các bậc minh quân, thánh triết tiền nhân, chủ trương : “Quốc vương đại thần duy trì Phật pháp”. 

        Vào ngày mồng 01 tháng 04 năm Ất Hợi (1695) Quốc Chúa Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu làm đại thí chủ, Hộ giới Già Lam, tổ chức Đại Giới Đàn quy mô, lập tam Đàn cụ túc truyền giới cho 1.400 (một nghìn bốn trăm) giới tử, Đàn Sa Di, Tỳ Kheo, đàn thứ ba truyền giới Bồ tát cho Công hầu, Khanh tướng, Tông tộc Chúa Nguyễn. Quốc Chúa cũng thọ giới Bồ tát một đàn riêng biệt, duy trì mạng mạch Phật pháp. 

 
      Đất Kiên Giang hiền hòa mộc mạc đã sở hữu cho mình vùng biển Hà Tiên và Phú Quốc đẹp nhất nhì cả nước. Với non xanh nước biếc, trời biển mênh mông, lại được điểm tô bởi những ngọn núi đá vôi kỳ vĩ và môi trường sinh thái phủ màu xanh bạt ngàn U Minh thượng hoang sơ đã tạo cho Kiên Giang một nét diễm kiều của cô thôn nữ đoan trang quyến rũ (Hồ rừng-là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quí hiếm trên thế giới). 

     Không những thế, Kiên Giang còn lưu giữ cho mình cả một câu chuyện hấp dẫn về thuở họ Mạc đi khai phá mảnh đất Hà Tiên, mang sự sống đến cho vùng đất diệu kỳ này. Vừa mang nét đẹp của miền quê sông nước hữu tình, vừa hài hoà trong nét đẹp biển đảo, núi rừng xinh tươi. 

 Buổi đầu khai khẩn dân cư tụ về rất đông đúc, làm ăn mua bán tấp nập. Nơi giao thương phồn thịnh của Trấn Hà Tiên xưa, các bậc tiền bối đã góp phần cho đất Hà Tiên trở thành xứ “Huyền ca văn hiến”.

     Từ thuở khai cơ lập nghiệp vùng đất đầy phù sa, biên cương cực Nam tổ quốc này,  những sứ giả Như Lai, theo đoàn người đi mở đất, và đã dựng các ngôi Già Lam Phật địa như : Mạc Cửu Khai trấn thường trụ quốc đại tướng quân, Tổng trấn Hà Tiên, dựng chùa Tam Bảo năm Canh Tuất (1730), Chùa Lũng Kỳ; Thiền sư Minh Dung dựng đạo tràng Địa Tạng Sơn, Địa Tạng Tự; Thiền sư Hoàng Long kiến tạo đạo tràng Bạch Tháp Tự, núi Vân Sơn, (Thiền sư Hoàng Long viên tịch năm Đinh Tỵ (1737)-Tháp bảy tầng cất xá lợi); Tống Ni cô (Tống Thị Sương) khai sơn Quan Âm Tự, đảo Đại Kim (Đại Kim dữ-nay là Pháo Đài ngay dốc cầu Tô Châu); Mạc Thiên Tích, Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn kiến tạo Phù Dung Cổ Tự, Sắc tứ Thập Phương Cổ Tự, năm Canh Tuất (1790), Tp. Rạch Giá . . . 

     Phật giáo đã gieo mầm tuệ giác trên vùng đất mới, cực Nam Tổ quốc. Duyên Bồ đề quyến thuộc gặp nhau, Việt-Hoa-Khơ Me cùng chung sống trong ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ, để niềm tin Phật nở trong lòng người xa xứ theo âm điệu mõ sớm chuông chiều  :

 Đây chùa đây Phật, đây mõ sớm chuông chiều, nhắn nhủ khách trần về nẻo giác;
Này trăng này gió, này kinh vàng kệ ngọc, khuyên răn người tục bỏ đường mê.

      Từ đó liên tục mở các đàn truyền giới và Cơ sở Tự viện càng nhiều, truyền thừa Gia phong thiền Lâm Tế từ đời kế tục mãi cho đến nay. Hà Tiên trấn xưa còn nổi tiếng bởi nhân gian truyền tụng : “Hà Tiên xứ Phật người Hiền”. Bước đầu tiền nhân mở đất, trước dựng chùa, sau mới an cư lạc nghiệp cho dân.

       Khởi nguyên dân tộc miền Nam, các Chúa Nguyễn và Quốc chúa Bồ tát Nguyễn Phúc Chu cùng Chư tôn đức Tăng già, đem ánh đạo vàng Từ bi Trí tuệ phổ hoá nhân gian, ứng dụng thực tiễn mọi phương tiện thiện xảo, hiệu quả trong việc giáo hoá quần chúng thành công chân thiện mỹ, góp phần Tốt Đạo Đẹp Đời - Phụng Đạo Yêu Nước trên tinh thần: “QUỐC VƯƠNG ĐẠI THẦN DUY TRÌ PHẬT PHÁP - HỘ QUỐC AN DÂN”.

       Trên non cao tận trời xanh, dưới biển cả mênh mông sâu thẩm cùng đất đai rộng lớn bao la, nơi nào có linh khí của đất trời, nơi đó có cuộc sống an nhiên tự tại của các Ngài. 

       Cho nên người đệ tử Phật cần phải tôn nghiêm giới luật như là vị đạo sư của mình để ứng dụng xây dựng Đạo pháp Dân tộc.

        Cơ sở tự viện nào có nề nếp thanh quy nghiêm ngặt, đó là môi trường tốt để đào tạo Tăng tài cho Đạo Pháp và dân tộc. Đạo Phật có tồn tại và phát triển hay không, chính là nhờ những thế hệ Tăng già phúc trí trang nghiêm, Tài Đức song toàn. Tài năng nhờ hiểu sâu Phật Pháp, Đức hạnh nhờ giữ giới tinh chuyên. Có Tài mà không có Đức thì chưa phải là người xuất gia đệ tử Phật chân chính. Cho nên, khẳng định rằng : “Giới luật chính là thọ mạng của Phật Pháp vậy”.

      Sau khi thống nhất đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 đến nay, các tỉnh thành trong cả nước liên tục tổ chức các giới đàn truyền giới cho Tăng Ni và Phật Tử tại gia, với trách nhiệm là: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, thực hiện tính kế thừa tre tàn măng mọc, nhằm duy trì mạng mạch giáo pháp của Như Lai.

      Các Tăng Ni Phật Tử sau khi thọ nhận giới pháp, trang nghiêm giới thể do thập sư trao truyền, một mặt lo tu tập bản thân để nâng cao đức hạnh, mặt khác thể hiện công hạnh lợi tha là hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sinh (hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi sự nghiệp).

      Với ý nghĩa to lớn ấy, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Kiên Giang thể theo nguyện vọng của Tăng Ni và Phật Tử tại tỉnh nhà, đáo lệ tổ chức Đại Giới đàn Trí Thiền. 

Thích Vân Phong kính biên soạn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch