Từ
các tư liệu trong sử sách, liên hệ với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên
Dung, có thể kết luận rằng, vào thời Hùng Vương, đạo Phật đã được
truyền bá vào nước ta, mà cơ sở đầu tiên là núi Nam Giới, nơi biên giới
giữa Văn Lang và Chiêm Thành.
Giữa thế kỷ thứ II TCN, một đoàn truyền giáo của Ấn Độ đã tới nước ta
để truyền đạo và xây dựng các thiền viện cũng như các tháp A dục.
Nhiệm vụ của các đoàn Như Lai sứ giả là xây dựng giảng đường, hoằng
dương Phật pháp, xây dựng các tháp để đánh dấu những nơi đoàn đến hoặc
ghi lại những việc làm của đoàn. Những tháp đó sau này được gọi là tháp
A dục (tức là tháp của vua A so ka).
Trên đất nước ta, dấu
tích của các công trình mang tên tháp A dục vẫn còn để lại cho đến thời
kỳ Bắc thuộc, thế kỷ IV đến VI SCN và đã được sử sách ghi lại.
Theo Lưu Hân Kỳ Giao trong Giao Châu ký (thế kỷ IV) thì: "Thành Nê Lê ở
phía nam huyện Định An, cách sông bảy dặm, tháp và giảng đường do vua A
dục xây dựng vẫn còn. Những người đốn hái củi gọi là Kim tượng".
Trong Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên (thế kỷ VI) cũng ghi về thành Nê Lê:
"Từ Giao Chỉ đi về phía Nam có ngách sông Đô Quan Tái Phố chảy ra. Con
sông này từ phía đông đi qua huyện An Định, phía bắc kèm theo sông
Trường Giang, ở trong sông có chiếc thuyền đồng do Việt Vương đúc, lúc
nước triều xuống người ta thấy chiếc thuyền ấy.
Con sông
Trường giang lại chảy về phía đông, cách sông có thành Nê Lê, thành này
do A dục vương xây. Lại chảy về phía đông nam hợp với sông Nam Thủy.
Sông Nam Thủy lại chảy về phía đông nam, đi qua phía bắc quận Cửu Đức".
Đạo Phật sang nước ta từ thời Hùng Vương
Như vậy, di tích của đoàn truyền giáo thứ 8 để lại trên
đất nước ta, cho mãi đến thế kỷ thứ IV - VI vẫn còn và đã được các sử
gia Trung Hoa ghi lại. Điều đó chứng tỏ rằng, từ thế kỷ III TCN đã từng
có các đoàn cao tăng từ Ấn Độ sang truyền giáo tại nước ta.
Thế kỷ III TCN tương ứng với thời kỳ Hùng Vương (từ thế kỷ VII - III
TCN). Không nghi ngờ gì nữa, đạo Phật đã được truyền vào nước ta từ
thời Hùng Vương và đã để lại các Thiền viện và các tháp mang tên A dục.
Truyền thuyết Chử Đồng Tử đi tu đạo Phật
Quay trở lại thời kỳ Hùng Vương, chúng ta thấy có truyền thuyết Chử
Đồng Tử - Tiên Dung kể về thiên tình sử diễm lệ giữa một chàng trai
nghèo và một nàng công chúa nơi lầu son gác tía.
Trong truyền thuyết ấy, có một chi tiết đặc biệt kể về Chử Đồng Tử đi học đạo ở núi Quỳnh Viên, được ghi lại như sau:
"Có núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé lại đó
uống nước. Đồng Tử lên am chơi, có tiểu tăng tên là Ngưỡng Quang truyền
phép cho Đồng Tử. Đồng Tử lưu học ở đó, giao tiền cho bọn lái buôn mua
hàng.
Sau đó lái buôn quay lại đón Đồng Tử về. Sư tặng Đồng
Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng: "Linh thiêng ở những
vật này đây".
Đồng Tử trở về giảng lại đạo Phật. Tiên Dung
bèn giác ngộ, bỏ phố phường, chợ búa , cơ nghiệp rồi cả hai đều tìm
thầy học đạo" (trích truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung trong "Lĩnh Nam
trích quái" - Thế kỷ XV).
Truyền thuyết này cho biết: Chử Đồng
Tử trên đường đi buôn đã ghé vào núi Quỳnh Viên học đạo. Vậy núi Quỳnh
Viên ở đâu? Vua Lê Thánh Tông trong một lần xa giá đến vùng Cửa Sót
(tức cửa Nam Giới) nay thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Truyền thuyết Chử Đồng Tử đi tu đạo Phật
Ông có để lại bài thơ vịnh cửa biển này trong đó có câu: "Di miếu mạn
truyền kim Vũ Mục/Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên" (dịch nghĩa: Ngôi
miếu còn lại ngày nay truyền rằng đó là miếu thờ Vũ Mục. Kể về ngọn núi
danh tiếng thì có núi Quỳnh Viên xưa).
Miếu Vũ Mục ở chân núi Nam Giới, thờ Lê Khôi một danh tướng có công lớn trải hai triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông.
Ông đi đánh Chiêm Thành về qua đây và đột ngột từ trần vào năm 1447.
Người ta đã lập đền thờ tại nơi ông mất, gọi là đền Vũ Mục. Còn núi
Quỳnh Viên chính là núi Nam Giới.
Theo Bùi Dương Lịch, tác
giả Nghệ An ký thì: "Núi Nam Giới nằm trên bờ biển xã Dương Luật (nay
thuộc huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Ngày trước phía Nam nước ta
giáp nước Chiêm Thành nên gọi là Nam Giới. Mạch đi từ núi Nhật Lệ lại,
cao lớn, đẹp đẽ. Nơi cao nhất ở phía Đông Bắc như trán rồng. Liền ở
dưới có một dải sống núi như mũi rồng.
Hai bên tả hữu có hai
tảng đá tròn như hình mắt rồng. Dưới mũi đột ngột nhô lên một ngọn núi
tròn như đầu mũi rồng. Dưới đầu mũi có ao trời rộng độ vài mẫu như
miệng rồng, sâu thăm thẳm (...).
Trên bờ có hai nền nhà. Tục
truyền đời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung từng tu đạo ở
đây, gọi là núi Quỳnh Viên. Lê Thánh Tông Thuần Hoàng Đế tuần du
phương nam có câu thơ:
"Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên" là núi này" (trích Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch).
Chân núi phía Nam có khe Hau Hau nước rất ngọt mát. Thuyền đi sông, đi
biển đều ghé lại đây lấy nước. Khi xa giá vua Lê Thánh Tông qua đây,
người ta đã lấy nước này dâng lên vua.
Điều đó chứng tỏ nước
khe này rất nổi tiếng. Điều này cũng phù hợp với truyền thuyết Chử Đồng
Tử - Tiên Dung khi kể rằng, các thuyền buôn qua đây thường ghé lại lấy
nước uống.
Từ các tư liệu trong sử sách, liên hệ với truyền
thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, chúng ta có thể kết luận rằng, vào thời
Hùng Vương, đạo Phật đã được truyền bá vào nước ta, mà cơ sở đầu tiên
là núi Nam Giới, nơi biên giới giữa Văn Lang và Chiêm Thành.
Theo Phan Duy Kha - KTO